headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TỬ TÂM TÂN DẠY TRONG GIỜ TIỂU THAM

thiensututamtanChư thượng tọa! Thân này khó được, Phật pháp khó nghe, chính đời này không lo độ, mong đời nào độ thân này? Các ông thích tham thiền ư? Phải buông bỏ hết. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ tứ đại, ngũ uẩn, buông bỏ những nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến nay. Nhìn xuống gót chân mình suy cùng xét tận xem nó là cái gì? Xét qua xét lại, bỗng nhiên tâm hoa phát sáng, chiếu khắp cõi nước mười phương.

Có thể nói được tại tâm, nắm trong tay, mới hay biến quả đất thành vàng ròng, khuấy nước sông làm tô lạc, thật khoái chí thay! Chớ nên cắm đầu trên sách vở, xét lời bàn chữ, nói thiền luận đạo, thiền đạo không có ở trên sách vở. Dù nhớ hết Đại tạng kinh thuộc lòng Bách gia chư tử, cũng chỉ là luận bàn suông chơi, đến khi chết trọn không lợi ích gì.

 Tiểu tham là những buổi tham thiền, không cố định sáng hay chiều, có khi vào đêm. Do nhân duyên đặc biệt hoặc có người xuất cách từ đâu đến tham vấn, thiền sư cho tiểu tham. Đạo tràng của các vị đại thiền sư thường có giờ tiểu tham vào buổi chiều.

Ngài Từ Minh sau giờ tiểu tham buổi chiều, thường lên núi kinh hành. Trong pháp hội của ngài có một nhân vật nổi tiếng, chỉ chuyên làm công việc bên trù phòng. Mỗi lần vị này xin được thưa hỏi, ngài đều nói: "Công việc trong bếp nhiều lắm, lo làm việc đi!" Chiều hôm đó sau giờ tiểu tham, ngài Từ Minh bước ra, vị này đợi ngay đoạn đường có một vũng nước ở phía trước. Ngài đến, Tăng quỳ tại chỗ ách yếu thưa: "Hôm nay con hỏi, Hòa thượng không trả lời con sẽ đánh." Đó là ngài Phương Kỳ Dương Hội, về sau chúng ta sẽ học kỹ hơn về nội dung câu hỏi. Nhắc qua như vậy để thấy những đạo tràng thịnh hành, đông đảo ngày xưa có những giờ tu học hoặc giờ tiểu tham đặc biệt. Giờ đại tham là giờ tham thiền chính vào buổi sáng.

Thiền viện Thường Chiếu không có giờ đại tham, buổi sáng chúng ta làm công tác. Nhưng Hòa thượng dạy phải làm việc trong tinh thần tu tập. Nghĩa là lúc nào cũng tỉnh sáng, không chạy theo trần cảnh bên ngoài và vọng tưởng bên trong. Không chạy theo trần cảnh là thế nào? Tức là làm bất cứ việc gì trong phạm vi đã được sắp đặt, được giao phó. Có một niệm dấy khởi ta liền buông bỏ, không chạy theo, không để nó dẫn đi. Làm việc nào biết việc ấy. Từ đó ta làm chủ được các dấy niệm của mình. Cách tu này đối với người quyết tâm thì rất đắc lực.

Hòa thượng dạy chúng ta phải tỉnh táo, nhưng nghiệm kỹ chúng ta tỉnh táo chưa? Chưa. Có tỉnh nhưng lúc tỉnh lúc mê, phải không? Nếu chưa tỉnh thì phải tỉnh. Làm sao để tỉnh táo? Lúc nào mình cũng thầm thầm, nhẹ nhẹ sáng suốt, không để cho bất cứ niệm nào dẫn đi. Chúng ta cũng không lầm chạy theo bất cứ tư tưởng nào, dấy niệm nào. Tập trung một việc như vậy, quên hết các duyên, quên cả thân mình mới có chút phần tương ưng.

 Tỉnh táo không có nghĩa là kìm kẹp hay buộc trói gì. Cứ tự nhiên, mặc tình các pháp trôi chảy, nhưng làm sao tỉnh giác phát hiện vọng tưởng thật nhanh. Vừa dấy khởi niệm liền tỉnh. Tỉnh là cái biết hiện tiền. Cái biết đã hiện tiền thì dấy niệm là dấy niệm. Mắt thấy sắc, biết. Sống được với chân tâm hay biết có chân tâm. Tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị... các giác quan lúc nào cũng sáng, cũng tỉnh. Vừa thấy vừa nghe, cái biết hiện tiền nên không chạy theo bất cứ ngoại duyên nào. Được như vậy cũng cực lắm. Đôi khi chúng ta tập luyện một thời gian hết sức lâu dài mà vẫn còn lỉnh kỉnh lúc tỉnh lúc không tỉnh. Do tu không miên mật nên mình vướng vào tình huống bất thường như vậy.

Hòa thượng dạy phải tỉnh sáng như vậy, nhưng kiểm lại chúng ta chưa tỉnh được bao nhiêu. Hết vọng tưởng này kéo tới vọng tưởng khác lôi, liên tục không dừng được. Đây chính là căn bệnh trầm kha của chúng sinh. Bây giờ mình phải làm sao? Phải cố gắng thôi. Cố gắng vận dụng lấy, cố gắng tỉnh lấy, cố gắng đừng chạy theo vọng tưởng... Muốn thế phải tâm tâm niệm niệm nhớ việc chính của mình, giữ sự bình thường mà tu hành.

Chúng ta cứ lăng xăng hoài nên không giữ được tâm bình thường. Niệm vừa dấy khởi là mất mình. Cái bén nhạy của chúng sinh là chạy ra ngoài chứ không phải xoay vào trong, nên suốt ngày không làm chủ được. Đã thế, đến lúc xả bỏ thân, không biết mình đi con đường nào. Tu hành mà rơi vào tình huống như vậy thật là đáng tội nghiệp. Cho nên phải cố gắng ngay trong lúc chúng ta còn tỉnh táo, phải là người thật sự tỉnh. Người thật sự tỉnh thì không chạy theo danh văn lợi dưỡng, tài sắc... những hiện tượng chung quanh.

Người làm chủ được những thứ ấy thì tỉnh táo an ổn. Người chưa làm chủ được thì hay đổ thừa. Ngồi lại là đổ thừa tại cái này tại cái kia. Ví dụ huynh đệ đi đâu cả buổi sáng không làm công tác, khi được hỏi đến, nói tại thầy này thầy kia kêu đi. Lẽ ra ngày nay ở nhà nghỉ mà vì thầy đó mời nên đi. Cứ như thế, hết việc này đến việc khác lăng xăng. Bây giờ làm sao an ổn, bình dị, làm chủ, đừng có bén nhạy với ngoại duyên nữa. Tập trung để có sức mạnh nội tại mới phát triển, bảo vệ được công phu.

Anh em nghĩ đêm ba mươi tăm tối đến với mình hay ngay bây giờ nó đến thì quả thật là quờ quạng. Bởi vì rõ ràng chúng ta chưa dứt khoát, chưa chọn được con đường an toàn. Nghe nhạc Tây khen nhạc Tây hay, nghe nhạc Tàu khen nhạc Tàu hay, thấy cái cây đẹp cũng thích, gặp cái gì dính mắc cái đó. Như vậy đi đường nào? Đường vướng mắc tăm tối luân hồi sinh tử, chứ đường nào nữa. Cho nên chúng ta phải dứt khoát, chuẩn bị cho mình một con đường thật sự đảm bảo sáng sủa, an ổn.

Ngay hiện tại đây sống bình thường, nhắm mắt mở mắt gì cũng bình thường, cũng an ổn. Được như vậy một thời gian thuần thục, đêm ba mươi đến mình mới tự tại. Các bậc thầy tổ đã dạy, lúc đó một chút gì cũng không dùng được. Người hấp hối, dù bên tai nói gì cũng bất lực. Cho nên quan trọng bậc nhất là làm chủ. Các vị có bệnh rối loạn tiền đình, hoặc đau nhức v.v... nhiều khi đang đi đó, mà cố gắng bước thêm năm ba bước cũng không được. Thân thể này xấu dở, bội bạc như vậy nhưng mình vẫn ham mê vẫn chưa tỉnh, cứ ngó qua ngó về, thấy thế này thế khác. Chư huynh đệ chúng ta còn loay hoay trong những thứ đó thì quả thật rất đáng thương. Cho nên cần phải tỉnh.

Ngài Tử Tâm nói: Chư Thượng tọa! Thân này khó được, Phật pháp khó nghe. Tuy thân là đồ bỏ nhưng khó được. Tại sao? Trên con đường luân hồi, chúng sinh điên đảo tạo vô số nghiệp nhân dẫn đến hậu quả không tốt. Do vậy khi mất thân này, những nghiệp nhân đã gây ra từ trước dẫn đi vào các con đường không như ý. Một khi rơi vào đường xấu, muốn trở lại thân người vô cùng khó. Nghĩ đến điều này thật đáng sợ. Thân này đã mong manh mà mất rồi tìm lại không được.

Nếu biết bỏ thân này, năm ba ngày sau mình sẽ sanh lại trong gia đình đó. Vừa mở mắt ra có Thầy, có Phật pháp, được đưa về chùa nuôi dưỡng, tu hành thì quá quý, ta sẵn sàng bỏ thân này. Cũng như Lục Tổ hay các thiền sư, khi sắp tịch môn đồ thương khóc. Các ngài bảo chuyện tôi đi tôi đã biết, đã chọn, có gì đâu phải khóc. Chúng ta không được như vậy nên phải khóc.

Phật dạy trong mười hai nhân duyên, vô minh dẫn cho tới sinh lão bệnh tử, cứ thế mà đi. Mười hai vòng sít sao, đan cứng vào nhau quay mãi không thôi. Nếu trong mười hai mắt, tháo gỡ được bất cứ mắt nào thì toàn bộ vòng mắt xích ấy sẽ bung ra. Tuy nhiên gốc là vô minh, thẩy được hay không từ mốc này. Nếu trị ngay vô minh thì có thể thẩy được. Vô minh mà dày đặc thì thôi đừng nói thẩy, có khi còn thêm mười ba mười bốn vòng nữa.

Như đối với thân này, ta không đắm đuối, không bị động, không bị thân dẫn làm những chuyện sai quấy, chuyên tu thanh tịnh thì chắc chắn khi lâm chung ra khỏi mười hai nhân duyên. Thiền sư nói sinh không thích thiên đàng, chết không sợ địa ngục. Không tạo nhân địa ngục thì dĩ nhiên chết không đi con đường đó.

 Không đi thì đâu có sợ. Quan trọng là do ba nghiệp của chúng ta.

Người xưa thường nói thân này khó được, Phật pháp khó nghe. Khó nghe không có nghĩa là nói tiếng Tây tiếng Tàu gì, khó nghe ở đây là nghe mà làm không được. Làm không được thì nghe cũng như không nghe. Các bậc thầy, các bậc pháp sư nổi tiếng xưa cũng như nay đều nói kinh Bát-nhã, nói mười hai nhân duyên, tứ đế... Quý ngài nói mãi mà mình vẫn chưa làm được nên nói khó nghe. Giả sử chư huynh đệ qua Ấn Độ tìm đảnh lễ, được bắt tay đức Đạt-lai-lạt-ma thật quá vinh dự. Ngài thuyết pháp cho nghe, nói thế gian là khổ, cái khổ đó từ tham sân si mà ra. Bây giờ đừng tham sân si, tu ngay tham sân si thì hết khổ. Ngài nói giản dị, mà mình nghe không được, cũng như không.

Thiền sư dạy, đời này không lo độ, mong đời nào độ thân này ? Phải ngay trong đời này mà độ chứ. Những người thích tham thiền nên buông bỏ hết. Buông bỏ cái gì? Buông bỏ tứ đại, ngũ uẩn, những nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến nay. Nhìn xuống gót chân, suy cùng xét tận xem nó là gì ? Không là gì hết. Tức đừng chấp thân này thật, đừng bị cảnh kéo lôi. Buông hết, chỉ còn một niềm an lạc, tự tại.

Xét qua xét lại, bỗng nhiên tâm hoa phát sáng, chiếu khắp cõi nước mười phương. Có thể nói được tại tâm, nắm trong tay, mới hay biến quả đất thành vàng ròng, khuấy nước sông làm tô lạc, thật khoái chí thay!

Ngài nói nghe giản dị nhưng thực hiện không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên với người quyết tâm, chuyên nhất công phu thì tâm hoa phát sáng chiếu khắp cõi nước mười phương. Có thể nói được tại tâm, nắm trong tay, mới hay biến quả đất thành vàng ròng, khuấy nước sông làm tô lạc, nghĩa là vào được chỗ đó, sống được với nó thì thần dụng vô lượng vô biên.

Chớ nên cắm đầu trên sách vở, xét lời bàn chữ, nói thiền luận đạo, thiền đạo không có ở trên sách vở. Dù nhớ hết Đại tạng kinh thuộc lòng Bách gia chư tử, cũng chỉ là luận bàn suông chơi, đến khi chết trọn không lợi ích gì.

Đây là một lời răn nhắc. Giả như người thông minh, thuộc làu tam tạng, nhớ hết Bách gia chư tử, nhưng khi hấp hối tất cả những thứ đó không dùng được vào chuyện gì, rồi cũng quờ quạng thôi. Thế trí biện thông chẳng qua cũng chỉ là luận bàn suông chơi. So với người đại công phu, đại tu hành trọn chẳng có giá trị gì. Xứ mình ở vào thời đại này, tìm được một người đọc hết tam tạng kinh điển, chỉ đọc thôi đừng nói thuộc đã là hiếm, huống chi hành trì. Hồi chưa làu thông kinh luận, ai xem thường mình không quan tâm. Tới chừng thuộc rồi, đến chỗ nào phải được mọi người công kênh, ngồi chỗ nào phải cao hơn thiên hạ v.v... cái gì của mình cũng đặc biệt, cũng phải vừa với một tòa kinh điển nặng trịch trong bụng. Tu như vậy rõ ràng là đã đi quá xa với lời Phật tổ dạy.

Nói đến thân, Phật dạy có pháp thân. Nói đến cảnh giới, Phật bảo có Niết-bàn tự tâm. Thành ra những thứ nhà cửa, ngọc ngà châu báu, quyền tước danh vọng... không dính dáng gì tới chỗ cứu cánh của người tu. Nên nhớ tu khó chứ không phải dễ. Chúng ta tu tập trí tuệ như thế nào để làm chủ được đối với tất cả cảnh duyên, sự kiện trước mắt. Như quý thầy ngồi hàng đầu ở đây, năm trước chưa tấn phong, năm nay Giáo hội tấn phong là Thượng tọa. Mai kia mốt nọ có lễ lượt, ai sắp đặt chỗ ngồi không đúng vị trí hoặc giới thiệu không phải là Thượng tọa mà là thầy chuyên sửa kiểng ở Thường Chiếu. Lúc đó thấy sao? Chộn rộn trong bụng, phải không? Bất an. Cái bất an đó do mình ôm. Ta ôm chức vị Thượng tọa, nhét vào trong đầy ắp nên đụng tới nó lòi ra. Thật khó chịu!
 

 

[ Quay lại ]