headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ HOÀNG BÁ DẠY

thiensuHoangBaRÚT GỌN LỜI DẠY CHƯ TỔ

Phần này, tôi không ghi lại những lời cao siêu của chư Tổ, chỉ rút ra những chỗ thực hành công phu khẩn thiết. Lại rút gọn những chuyện cốt yếu cho tiện hằng ngày đọc qua để kích lệ thân tâm.

1. THIỀN SƯ HỒNG BÁ DẠY

Về trước tu tập nếu chưa thấu triệt, một phen lưỡi hái tử thần kề cổ, sẽ thấy trăm mối rối ren.

Ngài cảnh cáo, nếu chúng ta tu tập không đắc lực, chưa thấu triệt, thì một phen lưỡi hái tử thần kề cổ sẽ thấy rối ren. Lưỡi hái tử thần kề cổ như thế nào?

Chắc rằng huynh đệ cũng có sự trải nghiệm này rồi. Như các cụ lớn tuổi ở Lâm Viên Niết-bàn, hôm nào có bác sỹ về Thiền viện chẩn mạch, xét nghiệm, họ báo cho biết các cụ có khối u trong gan. Đây là lưỡi hái bằng thép, khó có thứ gì làm cho nó rỉ sét. Nghe như vậy bệnh nhân đã bủn rủn rồi! Bây giờ phải trị như thế nào, thuốc men ở đâu, làm sao? v.v... Thế là  thời khóa tu tập không còn áp dụng được, cũng không ăn được, không ngủ được, không còn muốn làm gì và cũng không có gì đáng để làm nữa. Tiếp tục như thế cho tới khi nào mọi việc kết thúc. Lúc ấy thầy tổ, người thân có khuyên nhắc bao nhiêu cũng khó mà yên lòng, khó gầy dựng được nếp sống an ổn.

 Rõ ràng nếu chúng ta không có nề nếp tu học ban đầu, sẽ thấy đúng như ngài Hoàng Bá nói: Một phen lưỡi hái tử thần kề cổ sẽ thấy trăm mối rối ren Chẳng những trăm mối, mà rất nhiều toan tính, lo sợ, mối mang vọng tưởng rối rắm đan xen. Câu vào đầu của tập sách, ngài đã cảnh báo và nêu lên sự kiện quan trọng, nhắc chúng ta nhớ mà lo tu.

 Thế mà, có một bọn ngoại đạo vừa thấy người hạ thủ công phu bèn cười lạt, bảo rằng: “Còn có cái ấy nữa!” Ta thử hỏi ông: Nếu khi thần chết đến, ông lấy cái gì để chống cự lại? Vậy lúc rảnh rang lo giải quyết cho xong, đến khi gấp  rút được ít nhiều tỉnh lực.

Ngài nói có một bọn ngoại đạo, dùng từ này nghe rất mạnh. Ngoại đạo là ai ? Là những người không chịu tu không chịu học, không thương mình, cứ lây lất cơm cháo qua ngày. Những kẻ này vừa thấy người hạ thủ công phu bèn cười lạt, bảo rằng: Còn có cái ấy nữa. Nghe dường như chế giễu người tu hành mà bản thân của họ chưa xong, sống lếu láo qua ngày. Đây là những trường hợp đã xảy ra trong tùng lâm xưa cũng như nay.

Nếu khi thần chết đến, ông lấy cái gì để chống cự lại ? Ngài hỏi câu này, chúng ta trả lời thế nào? Nếu người tu hành đủ lực, giải quyết được vấn đề sinh tử thì có thể trả lời bằng những phương cách tiếp sứ giả Diêm vương. Đó là gì? Là đạo lực, là công đức tu hành, là chỗ hoàn toàn làm chủ được mình, là sáng đạo. Sáng đạo là sáng như thế nào? Đây là những vấn đề mấu chốt chúng ta cần phải hiểu, phải tiến sâu vào đó. Để làm gì? Để xem mình đã vào được vị nào, đã chuẩn bị được những gì.

Có thể nói, tiêu chí sáng đạo ngay trong đời thường chúng ta phải có những gì? Trước nhất là vấn đề sinh tử. Sinh tự tại mới nói đến chuyện tử tự tại. Sinh tử tự tại thì mới vào được địa vị làm chủ, có thể tiếp quỷ sứ Diêm vương. Muốn sinh tự tại phải thế nào? Chúng ta vẫn còn quá nhiều tham sân phiền não, nhất là chưa làm chủ được các dấy niệm, mà còn bị nó kéo lôi, nhận chìm bất cứ lúc nào, ở đâu.

Như vậy nói gì đến việc làm chủ vấn đề sinh. Sinh không làm chủ được thì tử làm sao làm chủ? Cho nên trước nhất đối với đời sống, với mọi sinh hoạt hiện tại, mình đang thở, đang sống, đang loay hoay lẩn quẩn với những thứ đó. Phật tổ dạy nó là phiền não, vất đi nhưng mình chưa vất được. Bởi chưa vất được nên mình phiền não hoài.

Nghiệm kỹ chúng ta sẽ thấy mình rơi vào trường hợp này rất nhiều nên sống không yên, không khế hợp với đạo. Không hết phiền não thì không thể nào làm chủ, không thể nào sáng đạo. Phải dẹp hết phiền não lăng xăng mới sáng đạo, đó là chuyện tất yếu. Người biết thương mình, kiểm nghiệm lại thấy mình đang ở trong tình huống như vậy, phải ngày đêm tranh thủ cố gắng, tâm tâm niệm niệm bảo vệ gìn giữ công phu, gạn lọc thân tâm, bằng mọi cách phải chiến thắng cho được giặc phiền não.

Hằng ngày chúng ta nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nhưng tiêu làm sao? Không có cách nào hết. Chỉ thuộc lòng rồi đọc tụng vậy thôi. Tu như vậy không bảo đảm. Do đó người xưa dùng phương tiện đẩy mạnh công phu như tham cứu thoại đầu, hoặc chuyên chú vào một vấn đề, tích cực vào một công tác Phật sự hay nhiệm vụ nào đó. Làm như thế để đánh chết tất cả mọi thứ chung quanh, may ra mới có thể đi sâu vào chính cái đó.

Thiền thoại đầu, khán công án hay tham cứu thoại đầu là phương tiện của chư tổ, nhằm đẩy chúng ta vào một việc cho đến nơi đến chốn. Tham cứu một câu thoại đầu thì không qua vọng tưởng. Như “Hãy nói một câu trước khi cha mẹ sanh”, nói như thế nào? Mình là gì mà nói câu đó? Đó là thoại đầu. Ở đây không có vọng tưởng, chỉ có câu thoại đầu thôi. Đi tới đi lui, nhìn qua ngó lại không có chỗ gặm  nhấm. Trước khi cha mẹ sanh nói làm sao ? Thì cứ ngồi đó mà nghi. Nghi trời, nghi đất, nghi trăng, nghi cuội... cuối cùng kết thành khối. Khi cái nghi thành khối, tới một lúc đủ thời tiết nhân duyên, nó vỡ ra thì ngộ đạo. Nếu trong câu nói mà có vận dụng, có ý tư là thoại vĩ, không phải thoại đầu.

Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn khi được thầy bảo nói cho một câu trước khi cha mẹ sanh, ngài lục sách vở tra cứu hết cũng không nói nổi. Cuối cùng đốt sạch, về núi của Quốc sư Huệ Trung ở, cất một am tranh sống đời ông tăng cơm cháo qua ngày vậy thôi. Một hôm khi làm cỏ thấy miếng miểng sành, ngài lượm thảy vào trong bụi trúc, nó chạm phát ra âm thanh, ngài ngộ đạo. Thật sự nếu chỉ là tăng cơm cháo thì không ngộ đạo được. Bình nhật ngài đã có công phu từ lâu, nên trong tâm lúc nào cũng thầm thầm niệm niệm nuôi dưỡng khối nghi. Nghi cái gì? Hãy nói một câu trước khi cha mẹ sanh. Cứ đẩy, dồn tới như vậy. Cuối cùng nghe tiếng chạm của miếng miểng va vào cành trúc ngài ngộ được đại sự, tức là ngộ được câu trước khi cha mẹ sanh.

Hòa thượng Ân sư dạy chúng ta, vừa có một dấy niệm liền dùng kiếm trí tuệ chặt đi, không để cho nó kéo lôi. Đây cũng là một cách tập trung. Không chạy theo loạn tưởng, nó không đủ sức kéo lôi mình là đã có định tuệ. Ở đây thiền sư Hoàng Bá hỏi: Nếu khi thần chết đến, ông lấy cái gì để chống cự lại ? Nếu bình nhật không lo tu hành thì khi thần chết đến vô phương chống đỡ. Ngài dùng câu hỏi này để cảnh tỉnh chúng ta lúc rảnh rang lo giải quyết cho xong, đến khi gấp rút được ít nhiều tỉnh lực.

Chớ đợi khát nước mới lo đào giếng, khi tay chân co rút, đường trước mịt mờ, trăn trở rối loạn, khổ thay! Khổ thay!

Vì lòng đại bi, ngài khuyên chúng ta bây giờ còn tỉnh táo, rảnh rỗi, chưa phải là lúc gấp rút co tay giật chân thì ráng lo tu. Hòa thượng Trúc Lâm dạy làm chủ mình, đừng chạy theo vọng tưởng. Mỗi huynh đệ đều có sở trường, tùy theo căn khí của mình mà phát huy. Người làm chủ được mình, người không chạy theo vọng tưởng, người buông bỏ các duyên, người định tỉnh hiện tiền v.v... đó là sở trường của từng vị. Từ lời dạy của Hòa thượng, huynh đệ đều phát lên ý chí tu hành, công phu cương quyết lẫm liệt theo sở trường riêng. Bằng cách nào cũng được, miễn là vững vàng lập trường, vững vàng công phu tu hành, nhất định chúng ta thấu được, phá vỡ được, làm chủ được, vọng tưởng sẽ không còn nữa.

Chư huynh đệ cứ than tại sao càng tu càng nhiều vọng tưởng, có người gần như bất lực với các dấy niệm. Nhưng với người có công phu kiên quyết thì đừng lo đừng sợ. Chỉ lo mình không có công phu, sống lơ láo qua ngày, khi thần chết tới có kêu trời kêu Phật cũng không ai cứu được đâu. Cho nên lúc còn tỉnh phải lo chấn chỉnh, bảo vệ công phu của mình. Huynh đệ làm sao cho có thực lực, vào được chất vị xứng  đáng. Thời gian ở trong viện, với những kinh nghiệm tu sống thế này, chư huynh đệ thừa sức để nhận ra yếu chỉ. Chúng ta gầy dựng cho mình một nếp sinh hoạt, một nội tại thật vững, cho dù công việc bề bộn bao nhiêu vẫn không đánh mất công phu.

Chư vị tôn đức tu pháp môn niệm Phật, lúc đầu các ngài chỉ niệm Nam-mô A-di-đà Phật. Công phu dần dần đi vào chỗ chuyên nhất, các ngài nhiếp niệm được, có thể vào chánh thọ. Bấy giờ ngồi tiếp khách, giảng đạo cho chúng tăng nghe, nhưng câu Nam-mô A-di-đà Phật vẫn luân lưu rõ ràng, âm thanh vừa nghe trong tai. Cho nên các vị nói gì, làm gì cũng không chao đảo câu Nam-mô A-di-đà Phật. Câu niệm Phật luôn sống đều đặn với họ. Niệm như vậy mới là chính yếu, Tây phương tam thánh mới  đến đón khi các ngài lâm chung. Ngược lại, niệm vừa kèn vừa nhạc rất khó được nhất niệm, nhiếpniệm. Không nhiếp niệm làm sao vào chánh vị, chánh thọ !

Các thiền sinh chúng ta từ sáng tới  chiều, nếu lăng xăng hết chuyện ăn tới chuyện mặc, chuyện cày cuốc, chuyện chợ  búa... thì đâu có định. Không định làm sao có tuệ, có thiền. Không có tuệ thì trần  thế này xé nát mình ra. Không thiền thì hoặc vướng bên này hoặc mắc bên  kia, làm sao vào chánh thọ, chánh định. Huynh đệ cứ thử bỏ ra một thời gian, lao theo vọng động, sẽ thấy chuyện cơm ăn áo mặc, danh vị tiền tài... xé nát cuộc đời của mình. Không nghĩ tiền bạc cũng nghĩ  tình cảm, đó là bị xé nát chứ gì. Nó làm chủ từng tế bào, từng bộ phận của mình. Chúng ta đâu còn gì nữa, chỉ còn cái xác thôi, mà xác không chủ, xác thối thì có giá trị chi.

Nếu trong lúc còn tỉnh, còn chủ lực mà chúng ta không lo trước thì dần dần sẽ rơi vào tình huống ấy. Trong viện chúng ta có sẵn tấm gương này, nó là bài học quý báu cho huynh đệ. Trên trăm thiền sinh trẻ thơ, trên hai trăm thiền sinh trung trung, trên năm chục thiền sinh già lụm khụm. Giới nào cũng là bài học sáng giá. Giới già lụm khụm thì phải kiên quyết, tranh thủ, làm sao làm chủ được như Hòa thượng dạy. Ngài từ bi mở ra một con đường dungdị, không để cho quý vị bận tâm vào việc học, việc tổ chức, các vị chỉ nghe các lời dạy của Hòa thượng, nắm cho vững pháp tu rồi nỗ lực công phu. Quý vị làm được công việc này là đã xứng đáng làm đệ tử đệ tôn của Hòa thượng.

Các vị trong giới trẻ thì phải tu - học - lao động. Hòa thượng dạy cụ thể: tu như hơi thở, học như uống nước, lao động như ăn cơm. Chúng ta thấy rõ ràng, nếu sống một ngày mà không tu thì chả ra cái gì. Tuy không nói ra nhưng trong lòng đầy ắp những chướng ngại, chấp nhất, buồn phiền... thì có ra cái quái gì đâu, phải không? Nó dị hợm hơn cả người thế gian, tại vì mình đánh trọc, mình mặc áo nhuộm. Người đời chạy theo chuyện đời là bình thường. Chúng ta là người tu mà theo đời là lệch mất rồi.

Các vị còn tỉnh táo, mạnh mẽ, còn năng lực, còn sáng suốt để quyết định việc của mình thì phải ráng làm chủ. Làm chủ chứ đâu phải khuân vác hay làm gì khác mà nói làm không được. Mỗi người tự làm chủ lấy mình, đó là việc rất tự nhiên, rất căn bản, tại sao chúng ta không chịu làm, lại đi làm chuyện của người khác. Trong việc học, huynh đệ phải cố gắng. Trong việc tu, lại càng phải cố gắng hơn. Các huynh đệ trẻ mà lười tu lười học là không biết định hướng con đường của mình. Con đường của chúng ta không phải là con đường làm pháp sư, giảng sư, cũng không phải làm người đứng đầu tổ chức này tổ chức nọ. Nếu có chỉ là tùy duyên mà thôi. Nên nhớ, khi làm bất cứ việc gì cũng không đánh mất mình, không đánh mất giáo hội, không bôi nhọ thầy tổ, như thế thì nên tham gia. Ngược lại thì không nên.

Thời bé thơ phải học, phải được nhắc nhở, phải nhận sự chỉ dạy. Sự ngây thơ của các cháu, các chú nhỏ là bài học sáng cho đại chúng. Huynh đệ lớn không còn được các thầy rà theo để sửa cho mình, bây giờ phải tự đứng thẳng, không đứng thẳng thì cong xương sống ráng chịu. Phải tự học, không học thì dốt, không làm được gì. Tổ Quy Sơn nói: Người thiếu học gặp việc quay mặt vào vách, bị người ta chế giễu thì lại trách bọn nhỏ mới tu không biết gì, dám thế này thế khác...; mà thật ra là mình dốt. Cho nên chúng ta phải cố gắng nhiều. Nhân duyên Thiền viện quá tốt, chư huynh đệ được học xuyên suốt từ trong kinh điển cho đến mọi sinh hoạt trong cuộc sống.

Đợi đến lúc già đau nhức, rồi bị phủ sóng bởi những vọng tưởng, các vướng mắc thời trẻ, bấy giờ gỡ một lúc không xong. Gỡ từng món như người ngồi ngoài hang mấy con rắn. Con nào vừa bò ra, ta dùng cây đè đầu nó xuống rồi bắt đi. Ngồi đó mà không có phương tiện thì nó dứt mình. Nó dứt mình rồi, mình thành rắn chui vào hang của nó. Thành ra ổ rắn càng ngày càng nhiều, tại có thêm mình nhào vào trong đó nữa. Hòa thượng dạy đừng theo vọng tưởng, đừng để nó kéo lôi, tức là mấy con rắn độc không cắn ta được. Cách thức tu hành của chúng ta được đơn giản hóa qua những hình ảnh những sự kiện như vậy.

Chư huynh đệ gắng tỉnh, làm sao trong giai đoạn còn trẻ thực hiện được nề nếp thiền môn. Hòa thượng dạy chớ theo vọng tưởng mà mình cứ theo, đồng hóa với nó, coi nó là mình nên tu hoài không hết vọng tưởng. Thật ra vọng tưởng không thật có, làm sao hết, chỉ cần biết vọng tưởng thì nó không làm gì mình. Đã không đủ sức kéo lôi thì có muôn ngàn thứ vọng tưởng cũng chẳng sao. Nó mặc nó, mình là mình.

Bồ-tát Sĩ-đạt-ta dõng dạc tuyên bố lúc ma vương, ma quân tấn công rần rộ:

- Ông sợ tôi không?

- Không sợ.

- Nói gạt! Ông chỉ một mình không có tấc sắt. Chúng tôi có binh ma khí giới rực trời, làm sao không sợ được?

- Tuy các ngươ i đông nhưng không thật, còn ta có cung thiền định kiếm trí tuệ, các ngươi không làm gì được ta.

Rõ ràng những câu nói ấy đã minh chứng cho thần dụng của người tu hành, không có ma lực nào khống chế và chiến thắng mình nổi. Chúng ta tu hành chưa đắc lực nên bị các duyên bên ngoài và vọng tưởng bên trong phủ đầu. Như sáng nay có vị thiền sinh trẻ lấp ló thưa:

- Con xin về làm giấy.

- Tuổi này mà chưa có giấy chứng minh nhân dân sao?
- Dạ có, nhưng giấy đó cái đầu bù xù, bây giờ con hết bù xù rồi nên phải làm lại.

- Được, về làm đi. 

Đó là chuyện giấy tờ, mai mốt tới chuyện nhà cửa, chuyện thăm ông bà cha mẹ, chuyện bệnh hoạn, chuyện đất đai, anh em kêu về chia của v.v... đủ thứ chuyện. Cuộc sống sao đủ thứ phiền phức. Những thứ ấy phủ lên mà chúng ta không đủ chủ lực, chưa thật sự thương mình, chưa gầy dựng nổi công phu thì thật là đáng tiếc.

Bình nhật chỉ học tam-muội ngoài môi, nói thiền nói đạo, trách Phật chê tổ, đến lúc này tất cả buông xuôi. Chỉ tưởng dối với người, đâu ngờ ngày nay dối mình.

Thật là những lời chí thiết, không còn cách nói nào khác hơn nữa. Ngày qua tháng lụn, mới hôm nào thầy trò huynh đệ xúm nhau lo tết. Ông chạy chở bông, ông đi mua kiểng, ông rửa nhà, ông chùi đồng... có khi làm thâu đêm, nhưng rồi cái tết ở đâu? Lụi hụi hết ngày mùng ba rồi qua mùng bốn, thật là nhạt nhẽo, lệch lạc, lếu láo. Sáng nay mới vừa ăn bánh tét nguội, coi thông báo đã thấy bắt đầu ngồi thiền.

 Ngồi thiền ăn tết. Quái lạ! Lâu nay chỉ nghe đi chợ tết, chơi tết, chúc tết... chứ chẳng nghe ngồi thiền tết bao giờ! Thế là thêm một chuyện nữa. Thiền sinh dù bằng lòng hay không bằng lòng đều phải “ngậm ngùi” tiến bước. Ngồi thiền bữa một, bữa hai,... lụi hụi tới ngày 13 lại liên hoan, hết thời gian ngồi thiền ăn tết. Rồi thì lu bu với công việc tổ chức chuẩn bị cho ngày thượng nguyên, ngày rằm đầu xuân, dài dài cho tới 25, 27 vẫn còn Phật tử ở đâu tới:

- Thưa Thầy, hồi tết tới giờ con nhớ quý thầy lắm, nhưng đến hôm nay mới về thăm được! Con chúc Thầy sống trăm ba bốn chục tuổi...

Trời! Sống chi dài dữ vậy, chừng này tuổi mà thấy ngán quá. May ra thời bé thơ như mấy tiểu La Vân mới mừng tết. Đi chơi, chạy nhảy rồi bị rầy mà thấy vui. Già khú thế này nằm xụi lơ, không có ý nghĩa gì. Người biết tu thấy thời gian qua mau càng lo sợ, bởi vì vô thường đang rình rập sát bên mình. Nếu không gầy dựng nổi đời sống đạo, thì tuổi già thật đáng buồn. Cho nên huynh đệ nào còn bôn ba nhiều thì phải lo nghe! Chớ đợi đến khát mới đào giếng thì không kịp.

Tôi khuyên hết thảy huynh đệ, lúc thân thể còn tráng kiện nên chọn lấy những điều mình đã hiểu, làm động cơ tu tiến thì rất dễ dàng.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy chớ chạy theo vọng tưởng. Vọng tưởng vừa dấy lên liền quở: “Mày là vọng tưởng, đã dẫn ta đi loay hoay lẩn quẩn trong luân hồi sinh tử nhiều đời, thôi chào mày!” Nói như vậy có ai cười chê đâu mà sợ. Ngày xưa có thiền sư ngồi trên bệ đá, lâu lâu tự vỗ nói: “Tỉnh! Tỉnh! Đừng để bị lầm.” Huynh đệ nào có trí lực, nhất định sẽ vào được chỗ đó.

Biết vọng tưởng không thật nên phát huy được trí tuệ Bát-nhã. Trí Bát-nhã phát huy nên định lực tròn đầy, vững chắc. Vào định thì không bị động bởi những hiện tượng. Trí tuệ hiện tiền nên không dính bên này, không mắc bên kia. Người tụng vô lượng vô lượng kinh cũng tốt, người không tụng bộ kinh nào mà luôn sống không dính bên này không mắc bên kia, không để vọng tưởng kéo lôi cũng được. Chư huynh đệ phải phát huy pháp tu của mình, đừng đợi tới lúc làm không kịp.

Đợi tới lúc nuốt không trôi, mắt không nhắm mà bảo khai thị thì khai thị cách nào đây? Biết người đó có nghe không mà nói. Nếu có khai thị thì cũng chỉ là phương tiện tùy hỷ theo người sống mà làm. Một việc làm không bảo đảm, không gốc gác thì không bao giờ có kết quả chắc chắn. Chư huynh đệ chớ lấy đó làm bài bản, ai cũng tới khai thị. Người đang trong thương trường, trong danh vị, rủi ro đối diện với thần chết, bấy giờ lại khai thị thì nói cái gì? Mình giỏi thương trường không, giỏi chính trị không, tất cả đều dốt. Như vậy nói cái gì? Nói làm sao cho người ta không mê chính trị, không dính thương trường, không khoái tiền bạc... mới nên nói. Ngược lại, người ta không hiểu gì hết về Phật pháp thì thôi đừng nói.

Tự các ông không chịu lập chí quyết chết thực tập công phu, chỉ nghĩ là khó thì lại càng thấy khó. Nếu là bậc trượng  phu hãy khán công án.

Thời Tống, đến giai đoạn Tống Nho có rất nhiều bậc danh gia đại nho theo Phật ngộ đạo, cho nên môn đồ Nho giáo về với Phật giáo ngày càng nhiều. Lực lượng này càng đông thì giáo hội càng phức tạp. Các vị là những học giả, có bằng cấp cao, lý giải chuyện trời đất, chuyện sông nước xuyên suốt nhưng vào công phu tu hành thì chưa có kinh nghiệm. Bởi chưa có kinh nghiệm nên chư tổ phải vận dụng phương tiện để độ sanh.

Pháp hội của ngài Vĩnh Minh Thọ, có thể nói hơn bốn ngàn người đến tu học suốt ngày đêm. Ngài làm việc đến tối, khuya lên đỉnh núi tu trì, tụng kinh Pháp Hoa, phóng sanh. Phi thường như vậy! Nhìn hội chúng mấy ngàn người, tham thiền không đạt đạo nên ngài lập bày phương tiện, mở ra xu hướng niệm Phật để độ họ. Đó là thời thịnh của Tống Nho. Hết thời Tống tới thời Minh, là thời của ngài Châu Hoằng. Ngài Châu Hoằng bản thân là một thiền sư nhưng lại chuyên về luật. Ngài dẫn:

 Có vị tăng hỏi ngài Triệu Châu: “Con chó có Phật tánh không?” Ngài Triệu Châu đáp: “Không.” Suốt mười hai thời khán một chữ Không. Ngày tham, đêm tham, đi, đứng, ngồi, nằm, mặc áo, ăn cơm, đại tiểu tiện v.v... đều dồn hết tinh thần khán một chữ Không. Lâu ngày chầy tháng kết thành một khối, bỗng nhiên tâm hoa khai phát, ngộ được cái máy nhiệm mầu của Phật tổ, sẽ không còn ngờ vực câu nói của Lão hòa thượng, thấu triệt đại ngộ.

Phải chịu khó tu hành thôi. Suốt mười hai thời khán một chữ Không. Ăn uống, ngủ nghỉ, đại tiện tiểu tiện, lúc nào cũng khán chữ Không. Tu miên mật, đến lúc tâm hoa khai phát, vỡ lẽ ra thì ngộ đạo. 

Dồn vào một khối để đánh tan hết mọi thứ chung quanh. Kiểu khán thoại đầu hay khán công án là như vậy. Những thứ chung quanh lặng rồi thì tâm hoa khai phát, thùng sơn lủng đáy v.v... Thật ra việc này không phải chúng ta làm không được, chỉ tại mình không chịu khó. Nếu nói khó thì khó lại càng khó. Quan trọng là phải làm.

Pháp tu của chúng ta không phải khán phải tham chi hết. Hòa thượng Ân sư dạy đừng theo vọng tưởng, đừng theo bất cứ một dấy niệm nào, thì nó không đủ sức để kéo lôi mình. Cứ như vậy ngày đêm năm tháng không kể thời gian, không gian. Được thế chắc chắn định tuệ sẽ hiện tiền. Tu thiền là định tuệ hiện tiền chứ không nói hoa khai kiến Phật.

Chúng ta học lời Phật, lấy đó làm thước đo xem mình tu đúng hay sai. Chư huynh đệ nên nhớ điểm này. Nhiều vị thắc mắc tại sao thiền sinh không đi học trường lớp để lấy bằng cấp, lại ở nhà học hoài? Chúng ta học không vì danh lợi cấp bằng, mà học cho thông suốt lời Phật tổ, lấy đó làm thước đo công phu. Chủ trương thiền giáo đồng hành của Hòa thượng Ân sư là như vậy. Nếu chúng ta không hiểu đúng Phật  tổ thì không sao tu được và cũng không thể đo công phu hằng ngày. Từ lời dạy trong kinh điển, chúng ta nghe nhận, đối  chiếu xem việc hành trì của mình đúng hay sai. Đúng thì phát huy, sai thì bỏ đi. Cho dù công phu dày cộm cỡ nào, thuần thục cỡ nào, một khi biết nó sai thì phải bỏ. Không bỏ là điên. Tu thiền rất dễ dẫn tới điên nếu tu không đúng. Cho nên không có thầy bạn, phương tiện của Phật tổ thì không thể tu được.

Có người không hiểu nên chê pháp tu biết vọng là của ngoại đạo, họ không biết vọng tưởng là gì. Cái chi cũng thích cũng ôm, cũng cho là của mình. Chấp giữ kiến giải sai lầm, lại còn phê phán người này tu đúng người kia tu sai, thật là quá đỗi mê mờ. Chư huynh đệ phải biết chúng ta tu theo Thiền tông nhưng y cứ vào kinh giáo Phật tổ dạy để soi rọi công phu. Cách tu của mình là vậy.

Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ đến, không gió đã làm dậy sóng. Đức Thế Tôn đưa cành hoa cả hội đều ngơ ngác. Lý này, dù nói đến chết, cả ngàn vị thánh còn chẳng biết thế nào, chưa tin được cái đạo quá kỳ đặc như thế. Việc này chỉ ngại người hữu tâm.

Lý này dù nói đến chết, cả ngàn vị  thánh cũng chẳng biết, chẳng tin chỗ quá kỳ đặc của đạo. Lý này là lý nào? Là lý không chạy theo vọng tưởng, tỉnh sáng rõ ràng. Chỗ này dù một ngàn vị thánh ra đời cũng không biết được. Ngài Hương Hải ở đảo Tim Bút La, nơi này nghe nói quỷ quái nhiều lắm. Khi binh ma thần tướng hiện, ngàibảo vệ đồ chúng bằng cách chỉ họ niệm thần chú. Nhưng bọn ma quái này rất dữ dằn, càng niệm nó càng quậy phá nhiều hơn. Ngài biết cách này không ổn, nên bảo chúng nhập thiền định, không dấy một niệm nào. Bọn chúng xách dao xách gậy đi từ nhà trên xuống nhà dưới tìm không ra ông thầy nào. Thế là chúng rút lui.

Khi chúng ta vào thiền được định, không chạy theo bất cứ niệm tưởng nào thì cái như như bất động hiện tiền. Bấy giờ dù cho ngàn vị thánh ra đời cũng không biết được chỗ ấy. Tổ Hoàng Bá nhắc nhở chúng ta, phải ổn định cuộc sống tu học. Ngay bây giờ lo gầy dựng công phu tu hành. Đừng nghĩ khó, nghĩ khó thì nó càng khó hơn. Người xưa làm được, bây giờ chúng ta cũng phải làm được. Nếu biết tu thì chính nhờ học và lao động, chúng ta mới có cơ hội để kiểm nghiệm lại sức sống nội tại của mình. Người thật sự hiểu Phật pháp, nội tại vững thì vọng tưởng không làm gì được họ. Ngồi đâu, đứng đâu, đi đâu cũng đường đường tĩnh tại. Thật đáng quý!

Hòa thượng dạy các pháp là vọng tưởng, nhưng người không có trí tuệ không khi nào biết được các pháp là vọng tưởng. Muốn có trí tuệ phải học, phải tu. Học kinh của Phật, luận của tổ, hành trạng của thiền sư để biết cách tu, tu cho đúng. Chư huynh đệ không chịu lo chuyện của mình,  phấn phát, gầy dựng cho vững vàng thì uổng lắm. Thầy trò chúng ta ai cũng phải tự lo cho mình, làm việc gì cũng đừng dính mắc. Được vậy mới là người có công phu, có trí tuệ.

 

[ Quay lại ]