headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của thiền sư Đại Huệ

lichdaitosuThiền sư Đại Huệ còn gọi là Diệu Hỷ, ngài có duyên rất lớn với Tăng Ni và Phật tử trong thời đó. Chỉ qua ba tháng an cư thôi mà ngài hướng dẫn rất nhiều người ngộ đạo, đạt đạo. Trong đó có những quan chức cao cấp cũng được khai thị. Cho nên ngài rất nổi tiếng về phương cách tiếp người.

Đọc ngài Đại Huệ, chúng ta thấy mình thiệt thòi làm sao. Không biết lúc đó ở đâu, mà tới bây giờ mới biết ngài qua sách vở ngữ lục. Thật kém phước duyên quá, nếu mình gặp ngài lúc đó có lẽ bây giờ đã xong việc rồi, khỏi phải nói dài dòng chi nữa.

 Ngài dạy:

Cổ nhân thấy điều thiện thì làm, thấy điều lỗi thì đổi. Noi theo đức hạnh ấy và gắng nghĩ làm sao cho không có lỗi. Lo không gì lo hơn bằng sự không biết điều xấu của mình. Tốt không gì tốt hơn bằng ham nghe lỗi lầm của mình. Như vậy có phải tài trí của cổ nhân không đủ, kiến thức của cổ nhân không sáng ư? Không, thực tâm cổ nhân muốn răn những người đời sau có tánh muốn rộng mình mà hẹp người vậy.

Tùng lâm rộng lớn, chúng nhân trong bốn biển đông đảo không phải là việc một người biết riêng được, mà cần phải nhờ tai mắt và sự lo nghĩ của những người tả hữu mới có thể suốt hết được nghĩa lý và khéo hợp được nhân tình. Nếu người làm chủ chỉ biết trọng việc lớn, cẩn thận việc nhỏ nhưng bỏ quên đại thể, người hiền không biết, kẻ bất tiếu không xét, việc trái không đổi, việc phải không theo, mặc ý làm càn, không kiêng sợ gì, thì thực là nền tảng của hoạ hại, há không sợ sao? Nếu quả như không thể hỏi han những người tả hữu được thì nên theo quy pháp của tiên thánh mà làm, há lại tự cho mình như thành trì nghiêm cẩn, binh sĩ vững vàng không ai vào được ư? Cử chỉ như thế không thể cho là thu nạp nước của trăm sông mà tạo thành biển cả được.

Đây là cách dạy ứng xử để thông suốt được tình người. Từ chỗ thông suốt này, mới gầy dựng sự nghiệp trong tùng lâm. Ngài nói đối với chúng nhân luôn tìm cách nâng đỡ, sống gần gũi, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Theo đó mà sắp xếp công việc phù hợp với sở thích sở trường của từng vị, như vậy tùng lâm mới an ổn.

Khi đệ tử còn nhỏ chúng ta có thể không quan tâm đến những ý kiến của họ, nhưng khi huynh đệ đã lớn, mình phải nghiêm chỉnh lắng nghe những điều đệ tử trình bày, đóng góp. Bởi vì bấy giờ họ đã có sự hiểu biết. Nếu chúng ta chịu khó nghe những điều họ trình bày, mình mới biết trình độ, khả năng, khuynh hướng của đệ tử. Từ đó sắp xếp công tác hằng ngày cho đại chúng, chắc chắn ít sai lầm và sẽ đạt kết quả tốt trong mọi công tác chung của tùng lâm.

Noi theo đức hạnh ấy và gắng nghĩ làm sao cho không có lỗi. Lo không gì lo hơn bằng sự không biết điều xấu của mình. Ngài lo nhất là không phát hiện được khuyết điểm, sở đoản của mình nên không thể khắc phục cải thiện. Tốt không gì tốt hơn bằng ham nghe lỗi lầm của mình. Nếu có người dám nói thẳng khuyết điểm của mình, đó là điều rất tốt. Như vậy có phải tài trí của cổ nhân không đủ, kiến thức của cổ nhân không sáng ư? Không phải cổ nhân không có tài, không có kiến thức, mà muốn nghe một cách chính chắn ý kiến, kinh nghiệm của chúng nhân để việc sắp xếp tránh phạm sai lầm.

Thực tâm cổ nhân muốn răn những người đời sau có tánh muốn rộng mình mà hẹp người. Người xưa nhắc chúng ta dù mình là thầy, cũng không nên cho hiểu biết của mình đã hoàn bị, hiểu biết của người không ra gì. Chỉ ngại hiểu biết của mình không sâu sắc, sự sắp đặt của mình chưa ổn, chưa thích hợp với từng người từng hoàn cảnh. Sợ là sợ như thế, chứ đừng sợ chúng nhân không giỏi. Có những điều họ hay nhưng không phù hợp với mình, vì vậy ta cho rằng không hay. Quan niệm như thế là không được. Tùy theo thời, theo hoàn cảnh mà các sở trường, sở đoản của chúng nhân được sử dụng vào những giai đoạn và công việc khác nhau.

Ví dụ các bậc trưởng lão bây giờ làm gì biết chạy xe cúp, nhưng đệ tử của các ngài chạy xe cúp rất giỏi. Với sở trường này họ cũng đóng góp được cho Tam bảo. Chúng ta phải có một cái nhìn thấu đáo, không có cái gì gọi là xấu hẳn, cũng không có cái gì là tốt hẳn, tùy theo cách quản lý, sắp đặt công việc của chúng ta mà nó trở thành xấu hoặc tốt. Các thầy cô thời nay có những khả năng, hiểu biết mà các vị trưởng lão ngày xưa không có, mình không thể phủ nhận sự tiến hóa chung của nhân loại. Tuy nhiên chúng ta phải biết sử dụng những thứ ấy như một phương tiện để hỗ trợ cho mình trong các công tác Phật sự thì tốt, đừng để nó lôi cuốn theo con đường thế pháp. Đó mới chính là điều quan trọng. Cho nên khi đệ tử trình bày ý kiến, chúng ta phải tôn trọng lắng nghe, đừng có thái độ phớt lờ, xem không ra gì. Ứng xử như vậy về sau chúng nhân sẽ tiêu cực, không có tinh thần đóng góp phụng sự cho Tam bảo nữa. Họ sẽ bắt chước mình, biết cái gì, nghe cái gì, thấy cái gì cũng phớt tỉnh xem như không có. Thế là việc lãnh đạo nắm chúng của mình đã hỏng mất rồi.

Trong một tùng lâm đông đảo Tăng Ni, nếu không có sự nhiệt tâm đóng góp, chăm sóc, ý thức lo cho Tam bảo của nhiều người, chúng ta không thể nào quản lý hết nổi. Dù vị lãnh đạo tài ba tới đâu, mà ta không có người đồng sự, gần gũi giúp đỡ, đóng góp ý kiến thì vị ấy không thể nào hoàn thành trọn vẹn trách nhiệm của mình. Thành ra người thầy phải có khả năng gắn bó gần gũi với đại chúng, mở rộng tầm nhìn và tâm tư để lắng nghe, tiếp thu ý kiến của đại chúng tồi tuỳ nghi giải quyết. Người lãnh đạo nào hội được những điều kiện như vậy, chắc chắn sẽ thành công. Thiền sư Đại Huệ có duyên lớn và nhất là đầy đủ phương tiện thiện xảo để hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu hành, cho nên ngài có rất nhiều đệ tử. Vì vậy trên kinh nghiệm tiếp độ chúng tăng, ngài rất vững vàng chính chắn.

Tùng lâm rộng lớn, chúng nhân trong bốn biển đông đảo không phải là việc một người biết riêng được, mà cần phải nhờ tai mắt và sự lo nghĩ của những người tả hữu mới có thể suốt hết được nghĩa lý và khéo hợp được nhân tình. Công việc nhiều quá, thầy Trụ trì không thể một mình cán đán nổi, phải nhờ tai mắt của nhiều người. Tùng lâm rộng lớn, đâu phải hàng ngày thầy Trụ trì tự đi quét dọn, tự đóng cửa, tự đốt hương, tự tụng kinh, mà phân công cho đệ tử. Tùy theo khả năng của họ, mỗi người mỗi việc, chung vai gánh vác, vui hòa mà làm. Nếu sắp đặt đúng với khả năng, vị trí, việc làm của đệ tử thì ông thầy khoẻ, mà mọi việc đâu vào đó. Nếu sắp đặt không đúng với khả năng của họ thì ông thầy mệt, mà công việc không trôi chảy.

Nếu quả như không thể hỏi han những người tả hữu được thì nên theo quy pháp của tiên thánh mà làm, há lại tự cho mình như thành trì nghiêm cẩn, binh sĩ vững vàng không ai vào được ư ?”  Nếu không có điều kiện lắng nghe ý kiến của đại chúng, người lãnh đạo phải đem quy pháp của tùng lâm ra ứng dụng. Quy pháp tùng lâm từ xưa nay là Bách Trượng Thanh Quy. Trong đó dạy đủ về tổ chức, thời khóa, pháp tu, mọi sinh hoạt, công tác lao động… Trong chùa không phải Trụ trì là duy nhất, quyền năng trùm hết, mà có Phó trụ trì, Thư ký, Tri sự, Tri khách, các Trưởng ban v.v… Công tác được chia đều trong đại chúng. Mỗi vị mỗi phần đâu đó hẳn hoi, như vậy vị Trụ trì có bận công việc đi đâu năm mười ngày, nửa tháng, một tháng, không ảnh hưởng đến tổ chức, công việc của tùng lâm. Thanh quy này toàn chúng phải chấp hành nghiêm chỉnh, không được sai phạm thì tổ chức tùng lâm mới an ổn.

Ở đây ngài dạy đừng bao giờ tự cho mình là thành trì vững vàng nhất, sức mạnh bên ngoài không thể tác động nổi. Như vậy là tự phụ sẽ dẫn tới những điều không tốt. Cần phải khiêm tốn, giữ gìn đạo đức, biết lắng nghe và tôn trọng đại chúng, mới giữ gìn được giềng mối đạo pháp.

Ngài nói:

Dương cực thì âm sinh, âm cực thì dương sinh, thịnh suy nhân nhau là lý số tự nhiên ở trời đất và chỉ có quẻ Phong hanh (tức là quẻ thịnh vượng) trong kinh Dịch là thích đáng như mặt trời giữa trưa. Nhưng Soán Từ trong kinh Dịch lại giải thêm rằng: “Mặt trời giữa trưa rồi sẽ xế bóng, mặt trăng tròn đầy rồi sẽ thiếu khuyết. Sự đủ thiếu trong trời đất cùng với thời mà mòn nở, huống là đối với loài người. Cho nên cổ nhân đương khi huyết khí tráng thịnh, lo bóng sáng dễ qua nên sớm hôm suy nghĩ tự răn cẩn trọng và rất sợ hãi, không dám buông thả thức tình, không dám vui theo dục vọng mà chỉ mong cầu đạo lý mới bảo toàn được tiếng hay thưở bình sinh. Nếu sa ngã bởi vui theo dục vọng, thất bại bởi buông thả thức tình đến khi không thể cứu được nữa thì mới dậm chân, đập tay đuổi theo thì đã muộn.

Ngài nói hễ cái gì thịnh thì sẽ đến suy. Như thân thể chúng ta, thời trẻ tráng kiện thì đến lúc già nua bệnh hoạn sẽ tới. Già nua bệnh hoạn tới thì thời tan hoại của thân tứ đại cũng nối tiếp theo. Thành thử khi thấy mình đã lớn thì biết cha mẹ đã già, thầy tổ đã suy, sự tuần hoàn lưu dẫn luôn luôn như vậy, không dừng lại bao giờ.

Ở đây ngài nói cái thời nó không còn hoài mà hết tròn rồi sẽ khuyết, giống như mặt trăng vậy. Mặt trăng rằm mười sáu vừa đầy đặn thì mười bảy mười tám lại lệch, lại khuyết đi. Sức khoẻ, khả năng hay tất cả những gì chúng ta hiện có đây cũng vậy, nằm trong sự tuần hoàn đó. Không có gì nắm hoài được, dù ta có nắm cứng tới đâu nó cũng sẽ vuột mất thôi. Phật đã dạy rõ ràng các pháp sinh diệt, luật vô thường chi phối khắp hết, không gì có thể cưỡng lại sức mạnh của vô thường. Cho nên ngài dạy chúng ta phải có nhận định về thời, về hoàn cảnh, hiểu rõ thân tâm và ngoại cảnh luôn luôn đổi thay.

Cổ nhân đương khi huyết khí tráng thịnh, lo bóng sáng dễ qua nên sớm hôm suy nghĩ tự răn cẩn trọng và rất sợ hãi, không dám buông thả thức tình, không dám vui theo dục vọng mà chỉ mong cầu đạo lý mới bảo toàn được tiếng hay thưở bình sinh. Khi thịnh thì biết sẽ suy, khi được thì biết sẽ mất, khi mạnh khoẻ thì biết sẽ suy yếu, bệnh hoạn. Mặt trời đứng bóng thì biết sẽ xế bóng, luôn luôn là như vậy. Có một kinh nghiệm giúp cho công phu tu hành của chúng ta tăng tiến, đó là cứ thử để cái đồng hồ trước mặt. Ngồi chờ một giờ trôi qua thì thấy lâu lắm, nhưng thâu lại năm phút thôi sẽ thấy nó qua nhanh trong tíc tắc. Thâu lại nữa, nếu thử nhìn một phút thôi, chúng ta sẽ thấy nó qua nhanh kinh khủng. Từ đó chiêm nghiệm lắng nghe tiếng tíc tắc của đồng hồ, rồi so với nhịp tim của mình. Một cái tíc tắc của quả tim quyết định cho sự giải tán của thân tứ đại này. Nhưng ta cứ ngỡ như mình không bao giờ chết, do vậy sống dễ duôi, lăng xăng chạy theo việc nọ việc kia. Nếu chúng ta nhìn thẳng thời gian tích tắc của đồng hồ sẽ thấy cái chết đến rất gần. Già bệnh chết chóc trùm tới không biết lúc nào, không còn thời gian đâu mà lo chuyện tạp nhạp, vớ vẩn.

Người xưa nghe tiếng tích tắc của đồng hồ mà ngộ đạo. Thực vậy, nếu lấy đó làm phương tiện xoay lại việc tu hành, thấy mạng sống mỏng manh quá, có lẽ chúng ta cũng ngộ đạo. Mỗi một tích tắc đi qua là đời sống mất đi một giây, thời gian liên tục như vậy nghĩa là chúng ta mất mãi. Đó là tiếng chuông báo động kết thúc sinh mạng của chúng ta. Những tiếng tích tắc đều đều liên tục như vậy, thật nhẹ nhàng thầm lặng, nhưng không ai có đủ quyền năng ngăn chặn nó nổi, nhẫn đến chỉ cần làm chậm lại một chút cũng không được. Chính vị giáo chủ của chúng ta, trải qua vô số kiếp tu hành khó khổ, nhưng đến thân cuối cùng Ngài cũng chỉ nhận có tám mươi tuổi, cũng không vượt qua nổi những cái tíc tắc này.

Chúng ta cũng vậy, hoặc năm mươi sáu mươi hay bao nhiêu tuổi, không ai biết trước. Nếu biết trước mình chỉ sống khoảng chừng năm trăm cái tíc tắc, bây giờ đã đến cái tíc tắc thứ bốn trăm rồi thì thấy nguy tới, không có cách gì cứu gỡ cho kịp. Nếu chúng ta ý thức được sự đổi thay vô thường, mạng sống mong manh ngắn ngủi như vậy thì không ai dại gì va vào những chuyện không đâu, mà chỉ lo tập trung việc của mình. Làm sao sáng được việc của mình, bảo đảm trước khi thân này mất đi, mình sống với tâm chân thật, không bị ba nghiệp lôi kéo đi trong luân hồi sanh tử.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật ví dụ giống như con rùa mù ở ngoài đại dương, một trăm năm mới trồi đầu lên một lần, trên mặt biển có một bộng cây mục trôi lênh đênh theo thuỷ triều. Con rùa mù làm sao biết được lúc nào cái bộng cây ấy trôi tới để trồi đầu lên chui vào bộng cây? Cũng vậy, thân này mất đi tìm lại khó như con rùa mù gặp bộng cây kia vậy. Nhờ phúc duyên nhiều đời, ngày nay chúng ta được thân người, thế mà bây giờ không lo tu tạo, gầy dựng phước lành, thì không biết đời sau trồi đầu lên, có gặp bộng cây như con rùa mù kia không? Cho nên cần phải cố gắng tu tỉnh ngay bây giờ, không thể lần lựa qua ngày. Thời giờ qua nhanh, chúng ta không còn thời gian nữa đâu.

Ngài dạy:

Có người dị nghị cho rằng, tánh tình ngài Từ Minh thành thực nhưng đại khái làm việc thì sơ xuất bừa bãi, không kiêng tránh gì cả. Như thế mà ngài Dương Kỳ vẫn quên mình để phụng sự, chỉ sợ không được chu đáo, chỉ lo làm việc không xong, dù phải chịu sự lạnh buốt hay nắng cháy, chưa bao giờ ngài có nét mặt vội vàng hay lười biếng, đầu tiên thì chùa Nam Nguyên, sau đến chùa Hưng Hóa gần ba mươi năm ngài giữ trọn cương luật và cho đến khi ngài Từ Minh viên tịch mới thôi.

Ngài Chân Như Triết từ khi mang túi đi hành cước cho đến khi ra lãnh chúng, vì pháp quên mình chẳng khác gì như đói được ăn, như khát được uống. Gặp lúc lộn xộn nghiêng ngã ngài cũng không biến sắc và cũng không nói năng vội vàng. Mùa hạ không mở cửa sổ cho mát, mùa đông không ngồi bên bếp lửa cho ấm. Một căn phòng vắng vẻ bụi phủ đầy bàn. Ngài thường nói: “Tăng sĩ trong tâm không có kiến thức cao minh xa rộng, bên ngoài thiếu thầy nghiêm bạn tốt, thì ít có người nào thành đạt. Cho nên đương thời ương ngạnh như ngài Phù Thiết Cước, quật cường như ngài Tú Viên Thông cùng các vị khác đều kính phục như gió lướt mà cỏ rạp xuống. Hai bậc đại lão này thật làm gương soi nghiệm chung cho hàng tăng sĩ nghìn đời vậy”.

Có người phê bình ngài Từ Minh không chu đáo, nhưng Đại Huệ nhìn khác. Ngài Từ Minh có một học trò là Dương Kỳ, trước khi đến thọ giáo với ngài, Dương Kỳ đã là một thiền sư có nổi tiếng. Sư gặp Từ Minh ở Nam Nguyên, rồi theo sang Thạch Sương Đạo Ngô, phụ tá ngài Từ Minh một cách siêng năng cần khổ, được giao trách nhiệm Giám tự trong tùng lâm. Công việc chiếm hết thì giờ, ngài không có cơ hội để gặp Hòa thượng đường đầu thưa hỏi đạo lý. Thiền sư Từ Minh cũng lạ nữa, dường như có ý không tiếp Dương Kỳ, hễ thấy Sư là ngó chỗ khác. Mỗi khi đến thưa hỏi, Từ Minh bảo: Việc trong ty khố quá nhiều hãy đi.

 Hôm khác sư đến hỏi, Từ Minh bảo: Giám tự ngày sau con cháu khắp thiên hạ cần gì vội gấp. Một hôm Từ Minh vừa đi ra chợt mưa đến, Sư rình ở con đường tắt. Từ Minh đến, Sư liền chận lại nói: Ông già này! Hôm nay phải vì tôi nói, nếu không tôi sẽ đánh ông. Từ Minh nói: Giám tự biết là việc quanh co liền thôi. Câu nói chưa dứt, Sư đại ngộ liền đảnh lễ ngay dưới bùn. Hôm sau, Sư đầy đủ oai nghi đến phương trượng lễ tạ. Từ Minh quở: Chưa phải.

 Sau giờ thọ trai, Từ Minh thường lên núi đi kinh hành, có các thiền giả đến tham vấn không biết đâu mà tìm. Sư biết Từ Minh đi chưa xa, liền đánh trống họp chúng. Từ Minh giận rầy: Tiểu tùng lâm chiều mà đăng tòa, từ đâu được qui củ này? Sư thưa: Phần Dương chiều vẫn tham vấn sao lại chẳng phải qui củ! Từ Minh thượng đường, Sư ra hỏi: Khi chim núp kêu nẩm nẩm, mây từ vào núi loạn là thế nào? Từ Minh đáp: Ta đi trong cỏ hoang, ngươi lại vào thôn sâu. Sư thưa: Quan chẳng nhận kim, lại mượn một câu hỏi. Từ Minh liền hét. Sư thưa: Hét hay. Từ Minh lại hét. Sư cũng hét. Từ Minh hét luôn hai tiếng. Sư lễ bái. Từ Minh nói: Việc này là cá nhân mới hay gánh vác. Sư phủi áo ra đi. Như vậy là thầy trò thông cảm, Sư đã được Từ Minh ấn khả, xem như xong việc.

Có lẽ vì kiểu lãnh đạo như thế nên có người phê bình Từ Minh không chu đáo, nhưng thực sự các bậc cổ đức với tuệ nhãn cao thâm, các ngài không bỏ sót bất cứ người nào là bậc pháp khí. Bởi thấy rõ căn cơ từng người nên tùy theo chỗ trình bày của họ mà các ngài nhổ đinh tháo chốt. Khi thấy cơ hội chưa tới, thời gian chưa chín mùi nên các ngài cứ ậm ờ, đến lúc chín mùi chỉ cần gõ một cái là xong việc. Trong nhà thiền, lối giáo hoá của các thiền sư độc đáo như vậy. Có nhiều vị sáng thưa chiều hỏi hoài mà không xong việc. Có nhiều vị không thưa hỏi chi hết, bỗng Hòa thượng kêu ra hạch một câu, liền xong việc. Tùy nhân duyên của mỗi vị đệ tử, các ngài theo dõi rất sít sao, chu đáo, không phải sơ suất như người ta phê phán đâu. Bởi nếu sơ suất thì dưới ngài sẽ không có những cao đệ thâm hậu về thực lực, linh hoạt về lối sống, bề dày về kinh nghiệm lãnh chúng cũng như giáo hóa mọi người. Chúng ta biết dưới trướng của ngài Từ Minh có rất nhiều đệ tử. Chính những vị đệ tử này về sau làm hưng thịnh dòng thiền Lâm Tế, nắm giữ cương lĩnh tùng lâm, thắp sáng ngọn đèn Phật, truyền nối mạng mạch Tổ tông cho tới ngày nay.

 Ngài Chân Như Triết từ khi mang túi đi hành cước cho đến khi ra lãnh chúng, vì pháp quên mình chẳng khác gì như đói được ăn, khát được uống, gặp lúc lộn xộn nghiêng ngã, ngài cũng không biến sắc và cũng không có nói năng vội vàng. Ở trên nói ngài Từ Minh, Dương Kỳ, ở dưới nhắc ngài Chân Như Triết, cũng là hạng pháp tử pháp tôn trong pháp hội này. Chẳng những bậc thầy ở trên như thế, mà con cháu về sau cũng là người thật tu thật học, có chân tài trong việc tổ chức sinh hoạt, lãnh chúng giáo hoá, khiến cho Phật pháp rất thịnh hành. Chỗ này minh xác cho điều người ta phê phán ở trên là hoàn toàn không đúng.

 Chỗ của ngài Chân Như Triết mùa hạ không mở cửa sổ cho mát, mùa đông không ngồi bên bếp lửa cho ấm. Căn phòng vắng vẻ, bụi phủ đầy bàn. Ngài không có thì giờ chuẩn bị cho chỗ ở của mình. Cửa đóng im ỉm, trên bàn thì bụi phủ, mùa đông không bao giờ thấy ngồi bên lò sưởi, vì đâu có thì giờ mà ngồi. Việc trong chúng quá nhiều, phải lo lắng cho chu toàn, lại còn phần việc của chính mình nữa. Nếu không chu toàn việc của chính mình thì chỉ tạo được phước thôi, không thể đối đầu với sanh tử. Bởi vì phước ấy hữu hạn, dù lớn đến đâu chăng nữa vẫn nằm trong luật vô thường, không có giá trị đối với việc đại sự của chính mình. Mở được con mắt tuệ mới an ổn thực sự, còn tất cả những việc chung quanh chỉ là phụ thuộc. Tuy nhiên chúng ta cũng nhiệt tình, đem hết khả năng phục vụ đóng góp cho Tam bảo, không bỏ qua bất cứ một hạnh lành nào.

 Đương thời, ương ngạnh như ngài Phù Thiết Cước, quật cường như Tú Viên Thông cùng các vị khác đều kính phục như gió lướt cỏ rạp v.v... tức là đối với con cháu về sau này của ngài Từ Minh, đương thời những người ương ngạnh trong tùng lâm cũng phải kính phục. Phù Thiết Cước tức là thiền sư Trường Lư Ưng Thiên Vĩnh Phù. Ngài tánh tình ương ngạnh, không hay chiều chuộng nhân tình, hay đi du lịch nên tùng lâm đặt là Phù Thiết Cước. Chữ “Phù” là trôi nổi, “Thiết cước” là hai bàn chân sắt. Vì ngày xưa đi bộ, leo núi, qua sông, qua đò, gánh hành lý nặng nề, nếu không phải là bàn chân sắt thì đi không nổi.

 Trong đời sống dù có hoàn bị cách mấy, chúng ta cũng không khỏi bị phê bình, dị nghị. Sở dĩ như thế là vì có người chưa thông cảm với mình, chưa có thời gian gần gũi mình. Để trả lời những phê phán dị nghị ấy, chỉ dùng đạo lực, trí tuệ, sự tu tập chân chánh mà thôi. Ví dụ người ta nói thầy đó không làm được gì hết, nhưng tới chùa của thầy thấy mọi việc tốt đẹp. Hoặc nói thầy giáo hoá đệ tử không ra gì, nhưng học trò của thầy là những người thật tu thật học, làm những việc ích lợi trong giáo hội, tùng lâm… Đó là đã trả lời cho sự phê phán kia không đúng rồi.

 Cho nên khi nghe phê phán, chúng ta không cần thanh minh, không cần trả lời, cứ vui vẻ kiện toàn đạo đức trí tuệ của mình. Chính đạo đức trí tuệ đó minh xác, trả lời một cách cụ thể cho những phê phán, những luồng tư tưởng chống đối chúng ta. Mình không bị động bởi những dị nghị, dư luận, sống an nhiên tự tại nên không tranh cãi với ai. Đó là tư cách, là đạo hạnh của người tu chân chánh. Càng gần gũi với quần chúng chừng nào, chúng ta càng vững dạ, phải có gan chấp nhận những điều người ta phê phán. Khi vui vẻ nhận lời khen thưởng thì cũng vui vẻ nhận lời chê bai huỷ báng. Đó là kinh nghiệm người xưa để lại cho chúng ta.

 Ông Tử Thiều cùng ngài Diệu Hỷ, ngài Vạn Am, ba người cùng đến liêu của Thủ toạ Bản hỏi thăm, vì Thủ toạ Bản bị bệnh. Tới đây ngài Diệu Hỷ nói: “Người ở chốn lâm hạ thân có yên sau mới học đạo được”. Ngài Vạn Am nói ngay rằng: “Không phải! Người muốn học đạo không nên đoái tưởng đến thân mình”. Ngài Diệu Hỷ nói: “Tới đây thăm bệnh mà ông nói như vậy, có lẽ ông điên sao?”. Ông Tử Thiều tuy trọng lời nói của ngài Diệu Hỷ, nhưng vẫn thích lời nói của ngài Vạn Am là chính đáng.

Khi thiền sư Diệu Hỷ cùng Vạn Am đi thăm bệnh Thủ toạ Bản, ngài Diệu Hỷ an ủi Thủ tọa bảo ráng trị bệnh, thân có mạnh khoẻ việc học đạo mới sáng. Ngài Vạn Am nói ngược lại không phải, người muốn học đạo không nên đoái tưởng đến thân mình. Ông thầy quở tới thăm bệnh mà nói như vậy sao? Ngài Diệu Hỷ biết điều mình nói không sâu sắc, nhưng trong lúc an ủi người bệnh, cần dùng phương tiện để nâng đỡ tinh thần bệnh nhân, giúp họ qua cái truôn ngặt. Trong khi Vạn Am lại rất thẳng thắn bảo, tu mà đặt nặng thân này thì tu không được. Cho nên cư sĩ Tử Thiều nói: “Tôi trọng lòi nói của ngài Diệu Hỷ nhưng vẫn thích lời nói của ngài Vạn Am”. Bởi đó là lời thích đáng nhất.

 Chúng ta từng bước áp dụng đạo lý vào trong sinh hoạt hàng ngày. Những vấn đề thiết thực nhất như ăn mặc, ngủ nghỉ, bệnh hoạn, giao tế, làm việc xã hội v.v… Chúng ta có thực hiện đạo lý hay không là từ trong lòng những sinh hoạt này. Qua đó thể hiện được tinh thần chân chánh, sáng suốt của đạo pháp. Bởi đạo pháp không phải là những pho kinh để ở trên cao cho mọi người chiêm ngưỡng, mà nó được suy nghiệm, trải dài trong cuộc sống của chúng ta. Đặc biệt ở hoàn cảnh hiện nay, chúng ta càng phải thể hiện được đạo pháp đức Phật đã chỉ dạy. Con người đâu còn thì giờ mà đọc kinh, nếu có đọc chăng nữa, cũng không thể đọc qua là hiểu liền, phải có người giải thích, rồi sau đó chiêm nghiệm nữa, mất rất nhiều thì giờ. Chỉ có những nét đạo lý thể hiện qua đời sống như đi đứng, ăn mặc, ngủ nghỉ, tiếp xúc, làm việc của chúng ta… Người chung quanh nhìn vào thấy thích, họ tự nguyện phát tâm tu tập theo.

 Người dùng từ ngữ siêu đẳng chuyên môn quá, nhưng trong sinh hoạt không thể hiện được đạo lý, thì những từ ngữ kia chỉ là lời nói suông, những văn kiện bìa đỏ gáy vàng chỉ để trên kệ mà nhìn, không đem ích lợi gì đến cho mọi người. Một tôn giáo sống, luôn gắn bó với con người, với dân tộc, với xã hội là một tôn giáo lúc nào cũng thiết thực. Nếu Tăng Ni Phật tử không thể hiện được chút đạo lý nào trong cuộc sống, vô tình đã làm cho Phật giáo trở thành tôn giáo chết, không có hồn, không đem lại ích lợi cho xã hội. Cho nên đạo Phật đến để mà thấy, nhận để mà sống, chứ không phải chỉ đọc, chỉ nhìn qua sách vở hình ảnh. Bây giờ trách nhiệm của chúng ta là làm thế nào cho đạo pháp trở thành dòng sống thực trong lòng nhân loại.

 Muốn thế phần đạo lý chúng ta phải vững, phải kiện toàn, không ỷ lại vào ai hết. Cuộc sống hằng ngày thể hiện được đạo lý, mọi người mới hướng về, tìm đến, cung kính học tập với chúng ta. Phật nói những điều Như Lai thấy biết nhiều như lá trong rừng, những điều Như Lai chỉ dạy, thuyết giảng cho mọi người nghe chỉ như lá trong bàn tay thôi. Như vậy, nếu ngày xưa đức Phật chỉ một bề đem chỗ chứng đắc siêu tuyệt ra trình bày, chắc chúng sanh sẽ không bao giờ hiểu nổi, số đệ tử chứng thánh quả cũng không nhiều đến thế. Bởi vì chỗ ngài đến quá siêu tuyệt, công phu của ngài quá tuyệt vời, nên những người bình thường không thể với tới, làm sao họ vào cửa được.

 Tóm lại tư cách của một người thầy, một vị lãnh đạo trước tiên phải có đạo đức, trí tuệ, kế đến là gan dạ, chuyên cần v.v... đây là những yếu tố cần thiết trong đời sống tu hành. Một hành giả tu Phật muốn viên mãn công phu bắt buộc phải hoàn thành hai phần tự lợi và lợi tha, có thế mới tròn đầy bổn nguyện.

 

- HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]