NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Bảo Phong Anh
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 11 Tháng Hai 2015 12:12
1. Tự lượng
Hoà thượng Bảo Phong Anh nói: “Bậc lão túc các nơi hay đem phê phán lời nói của các bậc tiên giác và nhặt lấy các bài công án để diễn giải thêm. Những việc làm ấy không khác gì bưng đất đắp thêm vào núi Thái, bốc nước tưới thêm vào biển Đông. Núi biển kia đâu nhờ vào việc làm ấy mà cao sâu hơn. Xem cái chí muốn làm thêm lên cho các bậc tiên giác của các vị kia, thấy rằng các vị kia không tự biết, là việc làm ấy không hợp với sức mình”.
Người trí thường phải biết tự lượng. Người không biết vị trí, khả năng của mình tức không lượng được sức mình. Dùng sự hiểu biết thô thiển của mình giải thích, phê phán các bậc trên trước, chú giải kinh điển mà không am hiểu tường tận lời Phật ý Tổ thì thật là nguy hiểm biết bao! Dĩ nhiên việc làm này hoàn toàn sai với chánh pháp. Với bậc đã đạt đạo, câu nói của các ngài không cần chúng ta phải thêm thắt. Lời nói của người đã sáng lý, chúng ta không cần bình chú gì nữa. Bởi vì nó đã tự sáng tự hay rồi. Cổ đức thấu đạt nguồn tâm, lời lời câu câu đều rõ ràng minh bạch, tột được lẽ huyền vi, nhưng chúng ta thấy chưa hay chưa hiểu, đó là tại vì nghiệp tập của mình sâu dày, căn cơ của mình cạn mỏng, chứ những lời ấy là chân lý.
Chúng ta thiết lập thời khoá đàng hoàng, đừng vì bất cứ lý do gì, mà đi sai lệch với chủ trương đường lối đã đề ra. Điều này thường xuyên xảy ra với những vị ở riêng một mình. Đôi khi quí vị không tự lượng sức nên dần dần đánh mất công phu, đánh mất chính mình. Đáng lẽ phải hướng vào chiều sâu, tập trung phát huy giá trị tâm linh, giá trị nội chứng, mình lại gầy dựng cơ sở bóng bẩy văn vẻ theo chiều rộng bên ngoài. Đem đọ hai việc này, không nói cũng biết chúng ta đã thất bại từ mục đích ban đầu. Bởi vì giá trị chiều sâu nội tại lúc nào cũng vững hơn, sâu sắc hơn, cần thiết hơn cho chính mình.
Giả dụ chúng ta có là vị giảng sư tuyệt vời, sáng tác dịch thuật cũng xuất sắc, nhưng nếu mình không có nội tại vững vàng thì đến lúc hấp hối lâm chung, sẽ không có chỗ nương tựa, không có lương khô để lên đường. Thiếu cái này thì không ai giúp được hết, dù Phật có giáng trần cũng đành bó tay. Phật nói người sanh vào địa ngục vô gián, chịu hình phạt không xen hở, đau đớn thống khổ vô cùng, không có cách gì nghe được Phật pháp. Nếu đã như vậy thì chuyện hộ niệm của bạn hữu có ích lợi gì đâu? Cho nên điều quan trọng là chúng ta phải tự chuẩn bị.
Một khi đã chuyên nhất rồi phải có đường lối chủ trương dứt khoát, giờ nào việc đó đàng hoàng. Như thế tùng lâm mới có quy củ để lại cho người sau. Những điều bình thường nhưng không khéo giữ, đôi khi chúng ta vi phạm hoài, như chuyện ngồi thiền đã nêu ở trên. Chúng ta phải tự ý thức, chuẩn bị lương thực cần thiết để đi trong một cuộc hành trình dài. Nên nhớ nghiệp lúc nào cũng gắn bó với chúng ta, nó sẽ theo mình từ khi còn sống cho tới lúc chết. Tất cả mọi thứ đều bỏ lại, chỉ trừ nghiệp là mang theo. Chắc chắn sẽ tới ngày đó thôi, không làm sao giữ được thân này. Cho nên chúng ta phải chuẩn bị ngay bây giờ, không hẹn thời gian, nhất là đừng ỷ lại, đừng nương tựa vào ai hết. Đừng vì những trạng sư giỏi mồm giỏi mép lý luận rồi mình làm theo sự hướng dẫn của nó thì hỏng chuyện. Tóm lại, phải làm sao trị được con khỉ lăng xăng, đừng cho nó chạy ngược chạy xuôi theo bên ngoài, lúc nào cũng sáng suốt bình tĩnh.
Người sống được với trí tuệ thì khoẻ biết là bao. Nhưng thiên hạ còn kẹt bao nhiêu thứ ngược xuôi trên đời, nó kéo lôi bằng đủ cách, khi thì nhẹ nhàng êm ái, lúc mạnh mẽ cuốn phăng. Chỉ ai có ý chí, bình tĩnh sáng suốt mới tháo gỡ được, bi trí dũng tròn đầy mới thoát ra khỏi cạm bẫy thế gian. Trong đời tu hành, nếu sơ hở một chút chúng ta sẽ rơi vào bẫy, hối hận không kịp. Người không hạ thủ, không nuôi dưỡng ý chí vững mạnh, sẽ không khắc phục được bản thân. Vì vậy mất đi một thời gian dài uổng phí, giới tu sĩ và cả giới Phật tử tại gia cũng vậy. Chúng ta bỏ ra mấy chục năm tu hành mà kết quả không có bao nhiêu là tại mình, chớ không phải tại ai khác. Biết rõ như vậy chúng ta gấp xoay lại chính mình, lượng sức mình, việc nào gánh nổi thì gánh, không gánh nổi thì thôi, đừng ôm đồm mang gánh đủ thứ của người, gãy xương sống một cái thì chỉ có nước nằm nhà thương, chẳng còn gì là công phu, công đức.
2. Tự tỉnh
Ngài Anh Thiệu Vũ mỗi khi thấy những học chúng phóng túng, không sợ nhân quả, ngài thở dài nói: “Kiếp sống lao lự như khách phiền tạm trú nơi quán trọ, bến sông, ở thì tuỳ duyên, đi thì quên hết, và thời gian của họ được bao lâu. Các ông không biết liêm sĩ, can phạm danh phận và làm nhơ nhuốc tôn giáo đến như thế. Đại trượng phu chí đặt tại chỗ mở rộng đạo tổ, dắt dẫn hậu lai, không nên chuyên làm những sự ham muốn riêng mình mà không kiêng tránh điều gì. Vì ham muốn như thế chỉ tự vời lấy hoạ hoạn cho mình một đời và tạo ra tai ương muôn kiếp mà thôi. Các ông nên biết rằng, chịu khổ nơi địa ngục ngạ quỷ súc sanh chưa phải là khổ, nhưng rất tiếc mặc áo giải thoát này mà bỏ mất đi thân người mới thật là khổ”.
Đây là lời dạy thuần tuý cho giới xuất gia. Người tu đối với cuộc đời này như khách trọ qua đêm. Qua một đêm thì sáng mai phải lo khăn gói lên đường. Chiếc thuyền tạm dừng ở một bến nào đó khi cần mua sắm thêm lương thực, rồi lại tiếp tục lên đường, không phải là chỗ dừng nghỉ lâu. Tam giới và thân hiện hữu này cũng không cho phép chúng ta dừng lâu. Cho nên không thể hẹn bốn năm mươi tuổi hay sáu bảy mươi sẽ tu, mà ngay bây giờ thời khoá phải liên tục khít khao. Bởi sao? Bởi vô thường đổi thay, nhất là sự bại hoại của thân này, không có gì bảo đảm hết. Hẹn bảy mươi nhưng chưa tới bảy mươi tuổi đã chết, làm sao tu đây?
Cho nên lúc nào cũng tự tỉnh, phải thấy mình như người khách trọ qua đêm, như thuyền bè tạm đậu ở bến rồi lên đường. Người làm chủ được rồi muốn đi đâu thì đi, hoặc ghé nhà bản đạo uống trà chơi cũng tốt. Người chưa làm chủ được mà ghé đầu này đầu kia thì đi không biết năm nào mới tới. Cho nên đi thì đi thẳng, khẳng định dứt khoát như vậy, may ra có thể đốt được giai đoạn và có kết quả tương xứng. Nếu không như thế, Phật nói chúng ta là kẻ ngu si phiêu bạt trong tam giới, bị luân hồi sinh tử kéo lôi nhiều đời, chưa có lối thoát. Những lời này xoáy trong tim mình, thấy thương cho thân phận của kẻ phiêu bạc trong tam giới.
Trong kinh Pháp Hoa đưa ra ví dụ nhà lửa. Có ngôi nhà to lớn, nhiều đời hư mục sắp sập. Chẳng những cột vách bên ngoài muốn sập mà luôn cả những cây cột cái chống đỡ bên trong cũng xiêu vẹo sắp đổ. Bỗng nhiên lửa cháy hừng hực bốn bề. Trong nhà ấy có một đám trẻ con đang nhảy cò cò, đánh đũa, ca hát vui chơi, không hề hay biết ngôi nhà sắp sập. Người sáng mắt thấy tình huống ấy, không nở để cho bọn chúng bị chết, nên bày ra phương tiện để kéo đám trẻ đó ra khỏi nhà lửa. Ông dụ chúng mau chạy ra khỏi ngôi nhà nguy hiểm ấy, sẽ được cho các thứ xe dê, xe nai, xe hươu, tha hồ vui chơi tùy thích. Nghe thế bọn chúng mới chịu chạy ra.
Tình huống của chúng ta hiện nay cũng thế, mình còn ham chơi văn nghệ trong ngôi nhà sắp sập ấy, chưa chịu chạy ra. Phật dụ dẫn đủ cách, nào là các pháp Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát nhẫn đến thành Phật, vĩnh viễn được an vui hạnh phúc. Muốn thế chúng ta phải nhảy ra khỏi cái bẫy sập của ngũ dục. Nếu không nhảy gấp, để cho nó sập xuống rồi thì dù có người kiếm được mình, cạy lên, lấy ra, chắc cũng nát xương. Cho nên bây giờ còn sáng suốt, tinh thần vững mạnh, các căn đầy đủ, đường đi nước bước nhận biết rõ ràng, phải gắng lo cho mình.
Các thiền sư không những ở Việt Nam, Trung Quốc mà luôn cả những vị thiền sư Nhật Bản, phút cuộc đời các ngài từ giã ra đi, thường nói câu này: “Trong mấy mươi năm tôi có mặt trên cuộc đời, những việc gì đáng làm tôi đã làm. Giờ này các duyên rã rời, đường sáng trước mắt, tôi là người làm chủ, tôi chống gậy đi đây”. Bây giờ đặt trường hợp mình là người sắp từ giã cuộc đời này, xem chúng ta có đủ sức khắc phục những sợ sệt của bệnh hoạn, chết chóc để nói được câu đó không? Hay là mình quờ quạng, mất tự chủ, sợ sệt hốt hoảng. Người tham đắm thân này nên sợ chết thì con đường tham đắm sẽ dẫn họ đi. Người si mê nóng giận thì con đường si mê sân hận sẽ dẫn họ đi. Sân thì vào địa ngục, tham vào ngạ quỷ, si vào súc sanh. Cho nên chúng ta phải chuẩn bị.
Làm sao trước lúc từ giã huynh đệ, bản đạo, đệ tử, mình nói được câu nói của các thiền sư. Như vậy thì Phật pháp không gì có thể phá hoại. Việc tu tập của chúng ta mới cống hiến được cho Phật pháp, cho chúng sanh niềm an vui dài lâu. Chứ nếu chúng ta tu ba bốn mươi năm, mà lúc chết sợ sệt hốt hoảng, đám đệ tử nó nói “Cha, thầy mình tu cỡ đó mà còn vậy, không biết mình sao đây” thì nguy. Phật tử thấy thế nghi ngờ và sẽ lui sụt trên đường tu. Mỗi người có cây gậy trong tay thì ma mị bóng quế bị gạt phăng hết. Chúng ta đi một cách vững vàng an nhiên, không phải sợ sệt lo lắng gì cả. Có khối óc sáng, đi trên con đường sáng thì tham sân si không dẫn được. Đó là nói về tinh thần tự tỉnh của người tu.
Có nhiều huynh đệ đi du học, các thầy hướng về quê nhà nói rằng Phật giáo Việt Nam có nhiều vị cao tăng tu tập rất hay. Các ngài vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng, sẵn sàng hy sinh cả thân mạng để thành tựu chí nguyện giác ngộ giải thoát. Như vậy pháp môn tu hành ở xứ mình không phải dở mà là trân bảo vô giá. Chúng ta đã có được những đặc phẩm như vậy mà không biết khai thác thì thật là uổng. Người nước ngoài đang hướng về mình, tìm hiểu xem chúng ta tu như thế nào. Cho nên chúng ta cố gắng nỗ lực, kiên trì tu hành thì sẽ làm sáng lên tinh thần chánh pháp nước Việt. Chánh hay mạt pháp là tự chúng ta, không căn cứ vào thời gian. Phật pháp còn lưu hành, mọi người tu được kết quả tốt đẹp, ấy là chánh pháp, ngược lại việc tu hành lu mờ là mạt pháp.
Do đó chúng ta không thể đổ thừa thời mạt pháp, việc tu hành khó khăn, ma chướng nhiều, đạo lực kém, trí tuệ không sáng. Tự mỗi người phải kéo dài chánh pháp ra, giống như trong Khởi Tín Luận, tổ Mã Minh dạy chúng ta phải kéo dài phút giây hiện tại, kéo dài sự an lạc. Ngôi nhà chánh pháp hiện nay, trách nhiệm thuộc về Tăng ni Phật tử. Chúng ta phải giữ gìn, gầy dựng, phát huy thế nào cho đạo pháp được trường tồn nơi đời. Bằng không như thế, chúng ta sẽ có lỗi đối với Phật Tổ, Sư trưởng, cha mẹ cũng như đàn na tín thí.
3. Lập chí
Ngài Anh Thiệu Vũ nói với Hoà thượng Chân Tịnh Văn rằng: “Vật lớn mau tất gãy non, công chóng thành tất dễ hoại. Không suy tìm cái kế lâu dài lại bảo công chóng thành, như thế đều không phải là tư chất cao xa rộng lớn. Trời đất đầy đủ lẽ linh diệu mà còn cứ ba năm lại trở lại một năm nhuận mới thành công, mới đủ sự hoá dục. Huống là lẽ vi diệu của đại đạo, vội vàng mà làm xong được chăng. Cốt yếu ở chỗ chứa góp công đức dần dần mới được. Cho nên có chỗ nói: “Muốn chóng thì không thông đạt, giữ tế hạnh thì không lầm lẫn. Vậy muốn thành đạt mỹ mãn, phải lâu ngày và phải có mưu kế trọn đời”. Thánh nhân nói vững tin để giữ gìn chí khí, lanh lẹ để gia sức thực hành, trung hậu để đạt thành. Như vậy việc dù lớn cũng quyết thành.
Ngày xưa thiền sư Mộ Triết khi giữ chức thị giả, thường thường ban đêm ngài chỉ ngồi, không ngủ. Ngài dùng khúc gỗ tròn làm gối, hơi buồn ngủ thì gối lăn, ngài tỉnh lại. Thức dậy và ngồi yên như cũ. Hoặc có người cho là ngài dụng tâm thái quá. Ngài Mộ Triết nói: “Duyên phận trí tuệ của tôi rất mỏng manh, nếu tôi không khắc khổ rèn luyện chí khí, sợ bị vọng tập lôi kéo, huống chi đây chỉ là mộng ảo không thực, đâu phải là kế trường cửu. Ngày xưa ở đất Tương Tây, tôi đã mục kích thấy sự thao lý như thế. Do đó tùng lâm phục danh ngài và kính tụng đức ngài”.
Nói về lập chí, người xưa để lại cho chúng ta những kinh nghiệm rất quý báu. Như lối hành đạo khắc khổ của thiền sư Mộ Triết. Ngài làm thị giả nên ban ngày rất bận. Công việc này không có gì nặng, nhưng lúc nào cũng phải có mặt để chăm sóc lo lắng cho thầy như châm nước, quét phòng, thầy dặn bảo việc nọ việc kia v.v... không khi nào rãnh. Vì vậy về đêm ngài hạ thủ công phu bằng cách thường ngồi. Vì trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, thì ngồi là thế vững vàng nhất, dễ tỉnh nhất, có oai nghi nhất. Dù nói đi cũng thiền, nằm cũng thiền... nhưng ngồi lại có phong cách trang nghiêm của chư Phật, Bồ-tát nhất. Vì vậy người xưa thường chọn cách ngồi làm phương pháp giúp cho việc nội tỉnh của mình.
Ngài Mộ Triết tự thấy việc tu tập của mình chậm tiến vì ban ngày bận rộn, nên về đêm ngài chuyên ngồi. Sợ mỏi mệt sẽ ngã xuống ngủ, ngài không dùng gối bông mà dùng khúc gỗ tròn. Khúc gỗ đó sẽ là bạn đánh thức khi ngài vừa chợp mắt, vì mất thăng bằng nó sẽ lăn. Khúc gỗ lăn khiến ngài giựt mình thức dậy và tiếp tục ngồi. Người xưa dụng công như vậy, không có chuyện thành Phật dễ dàng đâu. Nếu chúng ta tu như người xưa cũng sẽ thành Phật. Nhưng vì chưa có những phút giây quyết liệt như người xưa nên mình vẫn còn làm chúng sanh.
Ngài Mộ Triết dụng công quyết liệt khắc khổ, cho nên không bao lâu ngài sáng được việc của mình và trở thành một đại thiện tri thức nổi tiếng đương thời. Ngày nay chúng ta có chùa, có phòng nghỉ, có thời khoá tu tập hẳn hoi. Giờ giấc này không ai có quyền mượn chúng ta làm bất cứ việc gì, bởi đó là giờ ấn định chung cho thời khoá tu tập. Hành trì đều đặn như thế cũng là tốt lắm rồi, không dám mong như ngài Mộ Triết. Vậy mà đôi khi chúng ta làm vẫn chưa được. Cho nên không ngạc nhiên chi khi kết quả tu tập của chúng ta còn quá sơ sài.
Nói thế không có nghĩa là thời này không có người siêng tu. Cũng có, nhưng rất ít và hạ thủ cũng kém hơn. Tại thiền viện Thường Chiếu, ngoài thời khoá chính quy, nhiều thầy đã tự tạo một thêm thời khoá riêng cho mình. Ví dụ tối 9 giờ xả thiền, quí thầy có thể ngồi thêm tới 11, 12 giờ. Khuya 3 giờ thức chúng thì 2 giờ quí thầy đã thức dậy ngồi thiền. Nhưng chưa có ai thức dậy bất cứ lúc nào hay nằm trên gối gỗ như ngài Mộ Triết. Song như thế cũng là đáng khích lệ cho anh em lắm rồi.
Người xưa hạ thủ quyết tử nên đến được chỗ hiện tiền, như con trâu trắng sờ sờ trước mắt, đuổi cũng không đi. Chúng ta chưa được như vậy nên phải cần dây roi, nếu thấy trâu đi bậy liền đánh, cần nữa thì lấy dây khớp mỏ nó lại, cầm dây dẫn đi, không cho liếc ngó hai bên lúa mạ của người. Trong phước duyên bình thường chung của chúng ta, phương tiện lúc nào cũng vẫn rất cần thiết vậy. Dù ta có căn cơ khá, nhưng nếu không khéo ứng dụng phương tiện tu hành, không tránh duyên, khó tạo cho mình thế cân bằng an ổn. Thành ra tránh duyên là điều không thể thiếu đối với chúng ta.
Mỗi vị tự xét nét lại mình, người yếu về âm thanh, người yếu về sắc tướng, người yếu về mùi vị v.v… tất cả đều là bệnh. Muốn trị những bệnh này không thể áp dụng phương thức của những người tu bình thường, mà đương sự phải khéo léo tự khắc phục mình. Mỗi khi đi ngang qua góc phố đó mình mang về một gánh, tối lại ngồi lấy ra từng mảng, coi tới coi lui rồi cất vô kho, lâu lâu lại lấy ra coi nữa. Mỗi ngày qua mỗi ngày qua đều như vậy thì chắc có lẽ cái kho của mình trở thành cái bồ chứa toàn là vật dụng quán xá bên đường. Cho nên với người tu, tránh duyên là bảo vệ cho mình, vì sự yếu đuối bệnh hoạn của mình mà không dám xông xáo.
Không phải chúng ta sợ những thứ đó, nhưng chỉ ngại cái gánh nặng thôi. Người khôn ngoan là người biết bỏ bớt đồ trong gánh ra. Bởi vì đường xa trời trưa nắng gắt, không ai dại gì chất thêm trong gánh nữa, phải biết rằng cái gánh này rồi cũng quăng luôn. Trong kinh Kim Cang Phật nói “Pháp còn phải bỏ” hà huống cái gánh! Tóm lại, cái gì cũng phải bỏ. Thời gian bỏ là ngay bây giờ đây chứ không phải đợi lúc nào. Người xưa cũng như chúng ta hôm nay, muốn sáng được việc lớn, muốn thành đạt và nhất là muốn mình trở thành người hữu dụng cho Phật pháp, chúng ta phải sáng suốt, phải lập chí.
Việc tu không thể nóng vội, người muốn chóng thành chừng nào thì không thông đạt chừng đó. Bởi sự thành đạt không có phẩm chất thì không có giá trị và càng không thể tồn tại. Dụng công tu hành cần trải qua thời gian chiêm nghiệm, vượt mọi khó khăn, như vậy sự thành công mới có giá trị. Hồi xưa có vị sau khi sáng được việc của mình rồi, các ngài vẫn tiếp tục trui luyện công phu, thử xem đạo lực của mình vững đến mức nào. Đại sư Huệ Khả sau khi truyền tâm pháp cho Tam tổ Tăng Xán, ngài không trụ trì nhất định ở chỗ nào, mà đi cùng khắp, vào các quán rượu, chợ búa… Ngài nói có tới lui như vậy mới thấy được ta là gì, mới biết ta là ai. Đó là những cách thức người xưa dùng để thử mình. Từ những trở lực lớn lao đó mà các ngài thành công. Tuy nhiên cũng có vị không cần phải đối diện với những khó khăn ấy mà vẫn thành công. Tùy theo duyên của mỗi người, không nhất thiết như thế. Nhưng thường các bậc thành tựu đạo nghiệp đều trải qua rất nhiều gian nan khó khổ.
Mỗi người tự nghiệm lại xem bệnh của mình là gì, tránh đi. Ví dụ người thích uống rượu thì đừng bao giờ đi ngang quán rượu. Người thích âm nhạc thì đừng tới chỗ âm nhạc. Người thích ăn ngon thì đừng tới lui các quán xá. Làm thế nào mình tu được, trôi tròn trách nhiệm của người xuất gia, đừng để mất đạo nghiệp, xứng đáng là đệ tử Phật, tu hành thanh tịnh.
- Hòa thượng Thích Nhật Quang -
Tin mới
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TRIỆU CHÂU DẠY - 09/06/2015 13:54
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ HOÀNG BÁ DẠY - 17/05/2015 11:53
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - TỰA - 17/05/2015 11:50
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của thiền sư Đại Huệ - 02/04/2015 13:31
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Chân Tịnh Văn - 08/03/2015 14:08
Các tin khác
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của thiền sư Hoàng Long Huệ Nam - 17/01/2015 13:18
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Hối Đường - 28/12/2014 14:27
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Bạch Vân - 21/12/2014 11:55
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Diễn Tổ - 29/11/2014 01:36
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Viễn Công - 14/11/2014 13:21