headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Chân Tịnh Văn

hoathuongchantinhvan1. Xuất xử

Hoà thượng Chân Tịnh Văn tham học nơi ngài Hoàng Long lâu ngày, nhưng những năm đầu ngài không thốt ra một lời nào trước chúng nhân. Và mãi sau này ngài mới nhận lời thỉnh của chùa Động Sơn. Tiện đường đi qua ngã Tây Sơn ngài ghé thăm Hoà thượng Hương Thành Cảnh Thuận. Hoà thượng Cảnh Thuận nói đùa:

Gia Cát tích niên xưng ẩn giả,
Mao lư kiên thỉnh xuất sơn lai.
Tùng hoa nhược dã triệm xuân lực,
Căn tại thâm nham dã trước khai.

Phỏng dịch:

Gia Cát năm xưa xưng ẩn sĩ,
Liều tranh cố thỉnh hạ sơn rồi.
Hoa thông như thắm khơi xuân lục,
Căn tại hang sâu nở rạng ngời.
Ngài Chân Tịnh lễ tạ và lui.

Hoà thượng Chân Tịnh Văn khi còn làm thiền khách tham học ở Hoàng Long Huệ Nam. Suốt thời kỳ tham học, ngài rất ít nói, không lý sự chuyện của ai, “thủ khẩu như bình”. Thời gian dài ở với thầy, cho đến khi xong việc, trở thành một thiền sư, ngài cũng vẫn rất ít nói. Chúng ta ngược lại, có tật hay lý sự vô chuyện của người ta. Đi ngang nghe hai người xù xì là mình để ý liền. Dĩ nhiên họ không muốn cho mình nghe nên mới xù xì. Mình cũng rán nghe lóm, nghe không được thì hỏi “Nói cái gì đó?” v.v… Bởi lý sự như vậy nên bận rộn cả ngày, mất thì giờ, mất luôn cả sự an định.

Do đạo hạnh như vậy nên ngài Chân Tịnh Văn rất được chư sơn quí trọng. Hòa thượng Cảnh Thuận đã so sánh ngài với Gia Cát Khổng Minh. Trong chuyện Tam Quốc, Gia Cát Khổng Minh xưng là ẩn sĩ ở Ngoạ Long Cương, nhưng cuối cùng ông khăn gói lên đường về với Lưu Bị. Bởi vì ba bốn lần Lưu Bị hạ mình tới khẩn cầu. Lưu Bị lúc đó là một ông vua, mà đến chỗ hàn vi của một ẩn sĩ, bỏ giày bên ngoài, nhẹ nhàng bước vô. Nếu thấy Khổng Minh nằm ngủ thì đứng chờ không dám cục cựa. Những người đi với Lưu Bị chờ đợi không được, ở ngoài nóng nảy la lối um sùm, Lưu Bị rầy “không được làm ồn tôn giả đang nghỉ bên trong”. Một ông vua mà hạ mình tới như vậy, nên cuối cùng mời được Khổng Minh ra giúp việc. Nếu nóng nảy như chúng ta thì thôi, chắc là không mời được Khổng Minh.

Ngài Chân Tịnh Văn đến lúc đủ duyên, có sự mời thỉnh thành khẩn của Phật tử, ngài cũng thuận theo ra hoá đạo. Hoà thượng vốn ít nói nhưng diễn giảng rất hay. Ngài chỉ nói những lời đáng nói, không nói những lời không cần thiết. Lối giảng dạy vừa giản dị nhẹ nhàng, vừa thích hợp với đương cơ, đúng sư phạm giáo khoa. Chỉ trình bày xoáy thẳng vào vấn đề gì mình muốn nói thôi. Đây là vị thiền sư nổi tiếng đạo hạnh bậc nhất. Lối chọn người của ngài kỹ lưỡng, chính chắn, làm việc gì cũng cân nhắc trước sau, không để sai phạm, chẳng thua chi Khổng Minh.

Lại thêm ngài rất có hiếu. Tăng sĩ trong viện có việc xin đi đây đi đó, ngài tuyệt nhiên không gật đầu. Nhưng vị nào còn cha mẹ già xin ngài về thăm, ngài rất hoan hỷ, gởi lời thăm hỏi, còn biếu quà nữa. Đó là tư cách của một thiền sư vừa có uy tín, vừa có đạo hạnh, vừa đông đảo đệ tử tăng tục. Do vậy về sau ngài có rất nhiều đệ tử tài giỏi và đức hạnh.

Qua gương hạnh của ngài, chúng ta không nên nói những điều vô ích, chỉ nói điều thích hợp và có lợi ích. Dụng lời nói vào việc hướng dẫn tu hành, vừa phải thích đáng, đừng dư thừa. Nếu dư thừa sẽ bị hao tổn khí lực, khó thực hiện trọn vẹn đạo hạnh của mình. Điều hoà đời sống là việc không thể thiếu, đừng để rơi vào tình trạng có hồi nói nhiều quá, có hồi không muốn nói gì hết. Có hồi thích ăn, có hồi người ta mời không thèm ăn... Tóm lại, phải giữ thân tâm bình thường. Bình thường lúc mình là người chưa có uy tín và bình thường luôn cả lúc mình đã là một vị thầy. Ai điều hòa được thân tâm, hoá giải những bất thường bất ổn của chính mình, đó là bậc hiền triết.

Bậc hiền triết không phải chỉ dành riêng cho ẩn sĩ trên non cao, chỉ chuyên tụng đọc lời của các bậc thánh, hay sống một đời sống đạo hạnh ở trong rừng, không ai với tới. Quan niệm của tôi trong đời sống bình thường này, ăn mặc ngủ nghỉ và tiếp xúc, mọi sự tương giao… khéo điều hoà được, lúc nào cũng vui vẻ bình thường, giản dị thích hợp, đây là bậc hiền triết ở giữa cuộc đời. Những vị này có cơ hội sẽ đem kinh nghiệm của mình để giảng dạy cho mọi người cùng thực hành theo. Như vậy không hay lắm sao!

3. Xét thực

Ngài Chân Tịnh cử Quảng Đạo Giả trụ trì chùa Bửu Phong. Chúng nhân bàn tán cho rằng Quảng Đạo Giả là người dốt nát vụng về, không có tài ứng thế. Đến khi trụ trì, Quảng Đạo Giả sửa mình một cách tinh nghiêm, xử chúng bằng đức khoan dung. Chưa bao lâu hàng trăm sự phế huỷ đều được sửa sang lại đầy đủ. Khi ấy hàng tăng sĩ vãng lai lại cạnh tranh tuyên truyền khen ngợi. Ngài Chân Tịnh nghe được nói: “Người học đạo sao hay dễ dàng trong sự khen chê vậy. Tôi thường thấy có vị hay bàn trộm vị trưởng lão kia hành đạo an chúng, vị trưởng lão kia không tham dụng của thường trụ và cùng chúng cùng chịu sự kham khổ. Phàm gọi là thiện tri thức chủ hóa một phương, hành đạo an chúng, không tham dụng của thường trụ và cùng chúng cùng chịu sự kham khổ là việc trước phải làm, thì cần nói làm chi. Như các sĩ đại phu làm quan vì nước an dân, lại nói tôi không nhận của hối lộ, không nhiễu dân vậy. Không nhận của hối lộ, không nhiễu dân đó là ngoài phận sự của quan chức ư?”

Ngài Chân Tịnh cử đệ tử là Quảng Đạo Giả tức thiền sư Cửu Phong Hy Quảng ở Tây Thục đi trụ trì. Trong chúng bàn tán e Hy Quảng không làm được gì. Ngài Chân Tịnh vốn ít nói nhưng rất cứng cỏi, ai bàn tán gì thì bàn, nhưng việc của ngài đã quyết thì không gì có thể thay đổi. Đúng như vậy, Quảng Đạo Giả về Cửu Phong một thời gian không bao lâu, tất cả những gì bị phế huỷ ở đạo tràng đó đều được dựng lập trở lại. Kỷ cương tu tập, uy tín, đạo hạnh, công đức của ngài mỗi lúc mỗi tăng trưởng. Bây giờ người trong Ngũ Hồ đồn đại và kéo về học với ngài rất đông. Họ lại bàn tán rằng ngài có phước, có tài kín. Hồi đó thấy quê mùa dốt nát nhưng bây giờ hữu sự, đối đầu với công việc rất khéo léo, rất chu toàn.

Đối với dư luận ở đời, nếu mình không vững tâm thì nó sẽ quật ngã thôi. Thành ra chúng ta biết sợ dư luận nhưng cũng biết sử dụng dư luận. Tại sao sợ dư luận? Vì nếu mình tu hành mà để những dư luận không tốt đồn tới hoài thì không yên tu, lại còn ảnh hưởng xấu đến tập thể, đến tăng đoàn, nên phải sợ chứ. Nhưng dư luận vốn không thật, không dính dáng được tới mình nên ta không sợ mà sử dụng ngược lại dư luận ấy để chứng tỏ mình tu tập chân chánh thanh tịnh. Từ đó đạo hạnh, công đức của mình tăng trưởng nhiều hơn, trả lời cho mọi người biết người tu tốt không hề dính dáng, không hề sợ những điều đồn đại sai trái. Chúng ta không cần chạy đi đâu để thanh minh, chỉ nỗ lực tu tập, sống an nhiên vui vẻ trước mọi thị phi. Đó cũng là cách vừa làm chủ mình, vừa khắc phục được dư luận.

Trước khi lãnh trách nhiệm trụ trì, dư luận không tốt đến với thiền sư Hy Quảng. Một thời gian không lâu, tăng sĩ tranh nhau về học đạo với ngài, bấy giờ dư luận lại khác. Chỉ một thời gian ngắn, trước và sau khi ngài đi trụ trì, mà tốt xấu thuận nghịch thay đổi ngay đó thôi. Người xưa đã như vậy chúng ta ngày nay cũng như vậy. Trong cuộc đời hành đạo của mình luôn vấp phải những khó khăn, những thay đổi bất ngờ, không thể nào tránh khỏi. Quan trọng là ở chính mình, chúng ta có thật tâm thương mình không, có thật tâm tu hành hay không? Điều này mỗi người phải tự soi rọi, tự sửa lấy. Có thế con đường tu đạo mới mong được thành công.

Ở đây ngài Chân Tịnh trách người học đạo sao ồn ào, sao ưa thích sự khen chê quá. Ngài nói tôi thường thấy nơi tùng lâm có vị hay bàn trộm vị trưởng lão kia hành đạo an chúng, vị trưởng lão kia không tham dụng của thường trụ v.v... Việc không tham dụng của thường trụ, hành đạo an chúng xưa nay vốn là bổn phận của người hành đạo chân chính, đâu cần phải bàn tán gì. Giả dụ mình nghe vị Hoà thượng hay Ni sư nào đạo cao đức trọng, tiếp đãi tăng chúng, Phật tử mười phương về tu học đạt kết quả tốt, dĩ nhiên chúng ta khen ngợi vui mừng. Nhưng nghĩ lại cho cùng, đó là trách nhiệm của vị tôn túc ấy, chứ đâu có gì lạ. Khi chúng ta ra làm Phật sự, lãnh trách nhiệm hoằng pháp lợi sinh, việc của mình thì mình làm, chứ đâu làm việc gì khác. Cho nên hoàn thành công việc ấy là chúng ta làm tròn trách nhiệm của mình thôi. Biết như vậy rồi, có ai khen mình cũng bình thường, không cần phải nở lỗ mũi làm chi. Có ai chê mình liền tự xét nét lại để sửa đổi và còn phải cảm ơn thiện hữu tri thức nữa, nếu là lời chê đúng. Bằng như lời chê không đúng mình cũng không buồn bực. Đó là kinh nghiệm, là bài học quí giá giúp cho chúng ta trên bước đường hành đạo. Tóm lại, khen hay chê gì cũng giúp cho chúng ta được hết.

Ở đây ngài Chân Tịnh không chấp nhận kiểu khen chê ồn ào trong tùng lâm. Bởi người thật tu thường ít nói, không muốn nói những vấn đề vô ích, huống nữa là chuyện thị phi. Cho nên nghe người ta ồn ào việc này việc nọ ngài không thích. Ngài dạy khi xét một vấn đề gì phải xét đến lẽ thực của nó. Như khi nghe dư luận bàn về một thầy nào, chúng ta không nên vội tin, cần phải xét đến lẽ thực của vấn đề rồi tìm cách giúp đỡ thầy ấy. Nếu cần mình tạo điều kiện thuận lợi cho thầy vươn lên. Chúng ta có sự chủ động, không khéo dễ bị dư luận khen chê bên ngoài làm rộn ràng, mệt lắm.

Thật ra chỉ trừ các bậc thánh hiền, các bậc đã đạt đạo là bất động trước khen chê, còn thì hạng phàm phu chúng ta vẫn thấy đó là chuyện quan trọng. Ví dụ tôi đang giảng thế này, có vị đứng lên nói “Ôi! Thầy nói dở quá, nghe không được” chắc tôi cũng cụt hứng, không biết nói gì nữa bây giờ. Hoặc có vị đứng dậy vỗ tay nói “Trời ơi, bữa nay thầy nói hay quá chừng, hồi nào giờ con chưa từng nghe những điều này, bữa nay mới được nghe” thì tôi cũng thấy thích. Với tâm phàm phu ấy, rõ ràng sự khen chê sẽ dập tắt hay thổi phồng lòng nhiệt tình của mình rất nhiều lần.

Bởi chúng ta thích khen và không thích chê như vậy nên mới khổ. Nếu bị chê thì không vui, từ đó về sau mình mặc cảm là không có khả năng diễn giảng, thôi bây giờ kiếm cái am nào trong rừng trong núi mình ẩn tu… đại khái như vậy. Thành ra chúng ta đã bị khen chê nắm đầu lôi cổ kéo đi mất rồi. Trong khi người phát biểu khen chê, họ cũng không có chủ ý xấu như vậy. Vì thế thiền sư Chân Tịnh dạy chúng ta phải xét nét kỹ mọi vấn đề trước khi quyết định làm một việc gì. Như thế mới đúng với tinh thần sáng suốt, có trí tuệ trong đạo Phật.

Trong A Hàm cũng có bài kinh đức Phật dạy các đệ tử thế này. Buổi sáng nọ, Phật đi khất thực cùng các đệ tử. Vừa ra khỏi cửa thì gặp thầy trò một vị Bà la môn. Đặc biệt là người đệ tử của vị Bà la môn kia gặp Phật liền cung kính đảnh lễ, tôn trọng xem như thầy trò. Trong khi ông thầy thì lẽo đẽo theo sau mắng chửi Phật đủ thứ. Đức Phật trước sau vẫn lặng yên đi khất thực, không nói gì hết. Khi khất thực về, một số đệ tử lớn hỏi đức Phật chuyện hồi sáng, tại sao hai thầy trò mà một người khen một người chê? Phật vui vẻ trả lời: “Khen cũng không đến ta mà chê cũng không dính dáng gì ta”.
Bây giờ có lẽ chúng ta cũng phải áp dụng kiểu của Phật, đừng để khen chê chi phối mình, đừng vui buồn theo sự khen chê ấy. Chỉ sợ mình không lo tu thôi, chớ không sợ khen chê. Như trên đã nói, khó khăn hay lời chê sẽ giúp mình chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn, việc hành đạo vững vàng hơn. Vì vậy chớ bận tâm với khen chê.

Ngài Chân Tịnh trụ trì chùa Qui Tông, hàng năm hóa chủ đem dâng nạp rất nhiều vật dụng, vật thực như vải, lụa v.v... Ngài Chân Tịnh trông thấy cao mày than: “Đây là cao huyết của lòng tin, tôi thẹn không đủ đức, sao dám nhận lãnh”.

Ngài Chân Tịnh là bậc đạo cao đức trọng, nên lúc ngài trụ trì chùa Qui Tông, đàn na thí chủ mười phương về cúng dường nhiều lắm. Mỗi lần ngài nhìn thấy vật dụng cúng dường, đều tự răn nhắc mình đừng để lòng tham nổi lên, kiểm xét lại xem mình đủ đạo hạnh để nhận lãnh lòng tin, sự nhiệt thành vì đạo của Phật tử hay chưa? Đó là nói lên tư cách, đạo đức của ngài.

4. Chính tâm

Ngài Chân Tịnh nói: “Tỳ-kheo thời mạt pháp ít vị có tiết nghĩa. Bình thường thấy các vị bàn luận những sự việc xa rộng thì tự cho mình là không ai bằng. Nhưng khi có chút ân huệ bằng bữa cơm thì trước kia có tư tưởng bất đồng, sau này lại xu phụ, trước chê sau khen. Tìm được vị thấy phải nói là phải, thấy trái nói là trái, trung chính không bí ẩn thật ít vậy.

Ở đây nói về chính tâm. Theo tôi, chỗ này gọi là tiết nghĩa của một con người. Chúng ta phải có phẩm hạnh đó, đừng dễ dàng vì những lợi nhuận nhỏ mà thay đổi ý chí, chủ trương ban đầu, đừng để nó hướng dẫn cho hành động của mình. Có những ân huệ nhỏ thôi, mà thay đổi quan niệm của bạn bè. Chúng ta là người tu mà rơi vào cái thế ấy thì thật không xứng đáng tí nào hết. Cho nên phải giữ tiết nghĩa, khí phách, sự trong sáng thuần túy của mình. Không vì bất cứ lợi nhuận nào mà bẻ cong chân lý.

Thiền sư Phù Dung đúng là một thiền sư tiết nghĩa, không vì lợi dưỡng, mà làm cong vạy cái tâm của mình. Khi triều đình chuẩn bị ban tử y, lụa vải quí báu cho ngài, ngài nhất định không nhận. Thiền sư nói: “Tôi làm thầy một số người, nếu không khéo, về sau đệ tử tôi bắt chước, ưa thích những thứ này thì đạo lý tôi dạy bấy lâu nay không thể áp dụng được. Triều đình quan chức có thương, xin hãy cho tôi được tròn bản nguyện của mình”. Ngài chỉ yêu cầu có vậy thôi, nhưng vì chạm đến tự ái của triều đình nên bị tội phải đi đày. Bị đày một thời gian, cuối cùng người ta thấy ngài không có tội nên lại thỉnh về. Con người ngài khí phách như vậy.

Chúng ta tu hành phải chính tâm, chân thành, đừng vì lợi dưỡng mà thay lòng đổi dạ. Đối với đạo lớn, người nắm giềng mối phải kiên định, chính tâm. Đối với bạn hữu, mình không vì lợi mà đánh mất tình huynh đệ. Đối với xã hội, người tu nêu cao tiết nghĩa để mọi người biết quý trọng tăng sĩ. Chúng ta biết, trong xã hội bất cứ là xã hội nào, nền tảng đạo đức, những nghĩa cử cao đẹp luôn luôn có giá trị và được mọi người quí trọng, những thứ khác không thể sánh được. Nếu nó được truyền tụng nhiều chừng nào thì xã hội đó tốt đẹp chừng nấy. Đóng góp của người tu sĩ đối với xã hội chính là ở mặt này.

5. Thể cách

Ngài Chân Tịnh nói: “Sự thụ dụng của Tỳ-kheo không nên quá đầy đủ, vì quá đầy đủ thì sẽ hư hỏng. Việc làm cho vừa ý không thể do nơi nhiều mưu kế, vì nhiều mưu kế thì sau sẽ thất bại. Sự việc có thành tất có hoại. Tôi thấy tiên sư Hoàng Long bốn mươi năm ra đời làm việc lợi sinh, khi nói khi nín, khi động khi tĩnh, chưa bao giờ ngài dùng nhan sắc để làm vui, dùng lễ mạo cho thích hợp và dùng văn tài để lao lung các tăng sĩ đương thời. Trong chúng quả như có ai là người có kiến thức, muốn noi theo đạo lý chân thực thì ngài uốn nắn cho thành thục. Sự thận trọng của ngài thực được như thể cách của cổ nhân, các nơi ít có vị nào sánh kịp. Ngày nay tôi đối với chúng, sự gì cũng đều theo như pháp ấy.

Ở đây ngài Chân Tịnh nhắc lại thể cách của sư phụ là ngài Hoàng Long Huệ Nam. Sư phụ ngài là người chân chính, thương chúng, dùng đạo đức chân thực để uốn nắn người, tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người mà tác thành cho họ. Biết rõ ưu khuyết từng người, vì thương họ mà dùng phương tiện đạo lý sáng suốt để hướng dẫn họ trở thành người hữu dụng. Đó là một vị thầy gương mẫu đương thời. Vì vậy ngài Chân Tịnh khi ra làm Phật sự dù lớn dù nhỏ, cũng đều hướng theo thể cách của sư phụ.

Ngài Chân Tịnh khi ở chùa Bảo Ninh, ông Thư Vương làm lễ trai tăng và cúng ngài một tấm lụa noãn. Ngài hỏi vị tăng thị giả: “Đó là vật gì?”. Vị tăng đáp: “Đây là thứ lụa tốt”. Ngài Chân Tịnh lại hỏi: “Dùng làm gì?”. Vị tăng đáp: “Có thể may ca sa”. Ngài Chân Tịnh chỉ vào tấm y vải tăng già lê và nói: “Bình thường tôi vẫn mặc tấm y này, người ta trông thấy cũng chẳng ai hiềm ghét gì”. Ngài liền sai đem giao cho vị coi kho bán đi, lấy tiền cúng dường chúng tăng. Ngài không may mặc những phục sức như thế.

Ngài Chân Tịnh được một vị Thư Vương tức Vương An Thạch, từng làm tể tướng đời Tống Huy Tông, cúng dường một tấm lụa đặc biệt. Thị giả nói vải này nếu may y đắp thì mát lắm. Ngài lắc đầu chỉ vào cái y cũ bảo: “Bình thường tôi đắp y này, mọi người thấy cũng không chê hiềm gì, cần chi phải đắp y lụa”. Sau đó ngài giao tấm vải trên cho tri sự bán, lấy tiền cúng dường đại chúng.

Qua việc này, chúng ta học được một kinh nghiệm trong đời sống tu hành. Thật ra những vùng nóng bức như chúng ta mà được mặc loại vải nhẹ mát thì thích lắm. Nhưng đối với ngài thì không được. Người tu, nhất là sống chung trong tập thể, không vì sở thích riêng của mình mà thọ hưởng nhiều hơn hoặc sống biệt lập với đại chúng. Nhiều người nghĩ người ta cúng cho mình thì mình xài, đâu có gì. Nhưng trên phương diện đạo đức, cần tự xét nét chỉnh đốn tâm ý của mình, không nên hướng theo vật chất, mong cầu thụ hưởng, chỉ gánh thêm nợ nần, chớ không có lợi ích gì cả.

Đức Phật dạy Tỳ-kheo chỉ giữ ba y, mình nên vâng theo như vậy hoặc có chừng hai y cũng đủ rồi. Nhiều hơn nữa thì chia sớt cho thiên hạ, đặt nó vào trong chỗ dùng tập thể, có ích lợi chung, đừng nghĩ đến chuyện riêng tư. Như vậy chúng ta sẽ thành công trong việc tiếp tăng, độ chúng. Nếu ông thầy ưa thích riêng tư cho đẹp, thỏa ý thích của mình cũng không ai nói gì, nhưng sau này đệ tử nó bắt chước, không thể dạy dỗ được. Nếu ông thầy khắc kỷ nghiêm thân, sau này đệ tử muốn dùng những thứ tốt đẹp, nó nhớ lại hồi đó thầy mình không dùng như vậy, nên bây giờ cũng không nên dùng. Thành thử không những đạo hạnh của chúng ta trong sáng mà luôn cả thể cách, những sinh hoạt chung quanh đời sống lúc nào cũng sáng, cũng gạn đục khơi trong.

Tại sao phải như vậy? Bởi vì người tu là vị đại diện cho đạo đức, cho đời sống thanh tịnh giải thoát, nên những gì làm tổn thương đạo đức, mất phẩm hạnh thì đừng bao giờ chúng ta để nó di hại, phạm đến đời sống thanh tịnh giải thoát của mình. Đó là điều người xưa răn nhắc chúng ta bằng cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo.

Ngài Chân Tịnh nói với ông Thư Vương: “Hằng ngày những việc phải thì ra sức làm, những việc trái thì cố ngăn tránh, chứ không nên lấy sự khó dễ mà thay đổi tâm chí. Nếu ngày nay cho là khó, lắc đầu ngoảnh đi biết đâu ngày kia lại có việc chẳng khó hơn ngày nay ư ?”

Đây là những lời dạy bình thường mà vô cùng quan trọng, có giá trị quyết định công phu tu hành của chúng ta. Thư Vương là quan tể tướng, nhưng ngài không nói những đạo lý cao siêu thế này thế kia, chỉ nói những điều rất bình thường trong đời sống. Việc nào nên làm thì gia sức làm, việc nào trái thì ngăn tránh đừng làm, không nên lấy sự khó dễ mà thay đổi tâm chí. Nếu ngày nay cho là khó, lắc đầu không làm, thì biết đâu ngày mai lại có những việc khó hơn! Cho nên phải tranh thủ ngay bây giờ, những gì có thể làm được, có ích lợi cho chúng nhân, cho mọi người thì hết sức làm. Những gì không có lợi ích cho tập thể, chỉ cung cấp cho lợi ích cá nhân thì bớt đi, để khỏi mất thì giờ vì chuyện vật chất tầm thường. Đời sống người tu cần phải giản dị. Được như vậy mới đúng với tinh thần Phật dạy.

6. Tinh thần trọng người

Ngài Chân Tịnh mỗi khi nghe nói nơi nào có vị đạo đức mất đi thì ngài thương tiếc, than thở đến rơi lệ. Khi ấy ngài Trạm Đường làm thị giả thấy thế thưa rằng: “Vạn vật sinh trong vũ trụ này, đã có hình chất thì sự khô chết tàn lụi không thể tránh được, Hòa thượng tự chuốc lấy khổ đau làm chi?” Ngài Chân Tịnh nói: “Pháp môn hưng thịnh nhờ có các vị đạo đức chấn hưng, nay các vị đều mất đi thì tùng lâm quyết suy kém vậy. Ông có thể lấy lời nói của tôi làm chiêm nghiệm”.

Đây là điểm có nơi ngài Chân Tịnh mà ít có ở những vị khác. Mỗi khi nghe một vị tôn túc nào viên tịch, ngài than thở rơi lệ. Các đệ tử lớn thấy tình cảnh như vậy mới thưa “sự vật vô thường đổi thay, các pháp như vậy, có gì thầy phải buồn khổ”. Ngài nói tùng lâm hưng thịnh là nhờ vào những vị có đạo đức, thật tu thật học. Bây giờ những vị ấy từ giã đi hết thì ai gánh vác trọng trách đối với tùng lâm? Sở dĩ tôi buồn, tôi rơi lệ là vì chỗ đó. Giống như một ngôi nhà hư mục, cột kèo là những cây cần thiết để chống chõi, bây giờ nó bị rút đi thì chắc chắn rằng ngôi nhà ấy sẽ sụp thôi. Ngài đâu nở nhìn thấy ngôi nhà sụp đè chết bao nhiêu người trong đó. Thành ra sự hiện diện của những cây kèo cây cột vô cùng cần thiết đối với ngôi nhà sắp sụp. Cái rơi lệ của ngài Chân Tịnh khi nghe một vị tiền bối, một vị tôn túc theo Phật là như vậy, chứ không phải chuyện khóc lóc thường tình như chúng ta. Thật chí lý làm sao!

Dù xưa hay nay, sự hiện diện của Tăng Ni trưởng lão luôn là chỗ nương tựa chung cho tứ chúng, trong đó có Phật tử và đôi khi cho cả người dân không phải là Phật tử. Ví dụ chúng ta sống ở vùng quê nào đó, người dân nơi đây không phải là Phật tử, nhưng họ thấy mình có đạo đức, sống chân tình với mọi người, họ mến mộ khen ngợi. Đó cũng là một điểm tựa, là cách đóng góp xây dựng đời sống tốt đẹp cho xã hội. Vì vậy tăng ni nào là người thật tu thật học, chính vị đó là cồn đảo, là nơi nương tựa, là gương sáng cho xóm làng quanh vùng mình ở. Quan trọng như vậy chứ không phải tầm thường.

Cho nên trong tăng đoàn, vị nào dù vô tình hay cố ý đánh mất đạo đức thì cũng làm hoen ố, tai tiếng cho tập thể. Chúng ta đừng nghĩ phải bố giáo, hướng dẫn Phật tử thế này thế kia, mà quan trọng là tu tập đúng chánh pháp, có đời sống thanh tịnh sáng suốt. Bao nhiêu đó cũng đủ góp phần xứng đáng cho đạo pháp và xã hội.

7. Diệu ngộ

Hòa thượng Trạm Đường Chuẩn khi mới tham học nơi ngài Chân Tịnh, thường thắp đèn trong mùng xem sách. Ngài Chân Tịnh thấy thế trách: “Gọi là người tham học, mong trị tâm trước hết. Dù học nhiều mà tâm không trị thì học có ích gì? Hơn nữa các môn học khác nhau của hàng trăm nhà nhiều như núi cao biển sâu, ông học được hết chăng. Nay ông bỏ gốc theo ngọn như người nghèo muốn sai khiến người giàu, không những khó thực hiện mà còn sợ rằng nó làm phương hại đến đạo nghiệp. Vậy ông nên ngăn lấp ngay mọi duyên, quyết cầu sự diệu ngộ. Ngày kia chứng ngộ rồi, ông xem kinh đọc sách như là đẩy cánh cửa vào cối cửa không khó khăn gì cả”. Tức thì ngài Trạm Đường bỏ hết sự học cũ, chuyên chú vào thiền quán. Một ngày nọ ngài nghe thấy một vị tăng sĩ đọc bài “Biểu Xuất Quân” của Gia Cát Khổng Minh, bỗng dưng ngài khai ngộ. Do sự khai ngộ, tất cả những gì ngưng trệ trong ngài từ trước đều tiêu tan. Từ đây ngài biện tài lưu loát mà những vị đồng hàng với ngài ít có người hơn được.

Một hôm ngài Chân Tịnh thấy đệ tử là Trạm Đường đốt đèn trong mùng để đọc sách, ngài quở. Ở đây không phải quở trách bình thường như chúng ta vì sợ đèn đổ cháy mùng. Ngài dạy người tăng sĩ phải biết việc chính của mình. Muốn sáng việc lớn, muốn ngộ đạo, phải hạ thủ công phu, kinh sách bên ngoài chỉ là phương tiện giới hạn thôi. Một khi sáng được việc gốc, tâm yên định rồi, mình làm chủ mọi vọng động thì muôn việc theo đó sẽ sáng. Chúng ta đừng lo dốt, không hiểu điều này điều kia, không cần đâu, lo tu đi. Sáng được tâm rồi thì tất cả việc đều thông sáng hết. Trong kinh diễn tả khi chứng được thánh quả thì có lục thông. Hoặc kinh Lăng Nghiêm nói một căn xoay lại, không chạy theo ngoại trần thì các căn đều viên thông.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta không học, cũng học cũng nghiên cứu, nhưng biết nó là phương tiện phụ thuộc, việc chính là tu. Ban ngày trời sáng đọc sách, nhưng đến giờ nghỉ thì nghỉ. Hoặc giờ thiền quán thì thiền quán, tu tập, loại dần những tư tưởng bất chính, những vọng động điên đảo ngược xuôi. Giờ nào việc đó, chúng ta không thể học hay làm việc trái giờ trái giấc.

Học thức chúng ta kém hơn người đời, không có bằng tiến sĩ kỹ sư, không đáng xấu hổ đâu. Mình là người tu mà mờ mịt, chưa sáng việc lớn, chạy theo danh lợi thế gian, đó mới là điều xấu hổ. Mười phương Phật tử kính nể người tu là họ kính nể đạo đức, giá trị tâm linh, họ đến với đạo vì thiếu phần này. Chứ bằng cấp này bằng cấp kia bên ngoài đâu thiếu gì, người ta học được mình cũng học được, dù chậm cũng học được, không khó khăn chi. Chỉ tu tập cho xong việc mới là thiên nan vạn nan, không phải dễ. Vì vậy chúng ta tu hoài mà vẫn chưa thành Phật, chưa có ngày gọi là “Nhất đỗ minh tinh đạo thành giáng pháp lâm”.

- HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]