headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Bạch Vân

htbachvan1. Thiền cơ

Ông Công Phụ từ đất Đương Đồ qua sông thăm Hoà thượng Bạch Vân Đoan, tại chùa Hải Hội. Hoà thượng Bạch Vân hỏi: “Trâu của ông thuần chưa?”. Ông Công Phụ đáp: “Thuần rồi”. Bạch Vân quát mắng, ông Công Phụ vẫn khoanh tay đứng im. Ngài Bạch Vân nói: “Thuần rồi, thuần rồi! Việc này không khác gì việc chứng ngộ của ngài Nam Tuyền và ngài Đại Quy”. Nói rồi ngài liền tặng ông Công Phụ một bài kệ:

Trong non trâu đủ đồ dùng,
Rong chơi ngoài núi tây đông mặc tình.

Ngài lại nói: “Bậc thượng đại nhân dạy ba nghìn người biết được lễ vậy”.

 Đây là thiền cơ. Trong nhà thiền có nhiều thiền cơ lắm. Ông Quách Công Phụ là quan Đề hình, học trò của ngài Thủ Đoan. Hôm đó rảnh việc, ông đến hầu thầy, dù làm quan lớn nhưng vẫn giữ đúng lễ thầy trò. Đến nơi, ngài Thủ Đoan hỏi con trâu của ông thuần chưa, đệ tử thưa thuần rồi. Ngài Thủ Đoan liền mắng với những lời lẽ khó nghe nhất. Quách Công Phụ đứng khoanh tay vui vẻ bình thường. Thủ Đoan thấy vậy khen con trâu của ông đã thật thuần rồi.

 

Quí vị thử hôm nào nghiệm đệ tử của mình xem sao. Họ từ miền tây, miền trung xa xôi quà cáp về thăm thầy. Hỏi thăm sơ sơ mấy câu, ông thầy mắng cho một hồi. Nếu họ đã thuần, thực sự gắn bó với đạo thì những lời mắng ấy không dính dáng gì. Nếu họ chưa thuần thì sau khi mắng rồi, chúng ta chuẩn bị đóng cửa lại. Thiền cơ là như vậy.

 

Trong nhà thiền các thiền sư sử dụng nhiều thiền cơ cao vút, học nhân không khéo, khó lãnh hội được. Như câu chuyện chém mèo của ngài Nam Tuyền. Nói rằng, tăng của hai nhà đông nhà tây tranh nhau một con mèo. Ngài Nam Tuyền thấy vậy, nhân cơ hội ấy muốn dùng thiền cơ để thí nghiệm xem ai người xuất cách. Ngài liền nắm con mèo lại, nói: “Nói được thì tha con mèo, không nói được thì chém chết con mèo”. Cả hai nhà đông tây đều tịnh khẩu, không ai có lời nào hết. Ngài liền hạ thủ đúng như lời nói. Mấy ông thầy thất sắc hết. Đến chiều Tùng Thẩm về, ngài Nam Tuyền nhắc lại nhân duyên hồi sáng, rồi hỏi Tùng Thẩm “với ngươi thì sao?”. Tùng Thẩm nghe vậy, lấy chiếc dép đội lên đầu đi ra, không nói gì hết. Nam Tuyền bảo: “Giá như khi sáng có ngươi thì cứu được con mèo rồi”.

 

Thành ra nhiều khi sử dụng thiền cơ mà không có người khế hợp, giống như đấm vô hư không vậy, chẳng có gì dính dáng. Cho nên sử dụng thiền cơ cũng tuỳ theo người, không phải với ai cũng sử dụng được. Ngày nay nhiều vị bắt chước người xưa hay dùng những thủ thuật kỳ lạ, e không đúng lại thành trò cười. Ví dụ có người cũng hét cũng nhăn mày chớp mắt, làm cho đệ tử nó sợ. E rằng thiền cơ ấy không hợp, bản thân ông thầy bị tổn giảm công đức.

 

Vì vậy ở đây chúng tôi xin lưu ý những lời dạy của thiền sư, những cơ phong khác thường là phương tiện độ người của các ngài, nó không phải là chân lý. Tùy căn cơ của mỗi vị đệ tử, mà ông thầy có cách hướng dẫn khác nhau, không nhất thiết phải đúng bài bản trong kinh điển. Chúng ta chưa đạt được chỗ rốt ráo viên mãn, công phu chưa chính chắn, nội lực chưa sung mãn thì nên cẩn trọng, chớ làm theo các ngài mà tự đưa mình và người rơi vào đường ác, rất nguy hiểm.

 

Ngày xưa thiền sư dùng thiền cơ để kiểm tra, khảo hạch lại xem đệ tử mình có người nào khế hợp với cơ phong hay không. Tìm được người tâm đắc gọi là “Sư tư truyền thừa”.

 

2. Không thực

 

Ngài Bạch Vân nói với ông Công Phụ: “Năm xưa thiền sư Khả Chân ở chùa Thuý Nham, thường tự khoe là say sưa về thiền quán, và luôn luôn dùng miệng lưỡi lanh lợi biện luận, trách mắng chư phương, cho rằng chưa có vị nào được vừa ý mình, nhưng thực ra vị ấy chưa tỏ ngộ được đại pháp. Một ngày kia, thị giả Kim Loan Thiện gặp thiền sư Khả Chân, cười mà bảo rằng: “Sư huynh tham thiền tuy nhiều, nhưng không diệu ngộ được, gọi là si thiền”.

 

Ngài Khả Chân ở chùa Thuý Nham Hồng Châu, nối pháp thiền sư Thạch Sương Sở Viên. Thị giả Kim Loan Thiện là cao đệ mà cũng là thị giả của ngài Thạch Sương. Như vậy hai vị này là huynh đệ với nhau. Ngài Khả Chân hằng ngày nói chuyện tham thiền học đạo rất hay. Nhưng một hôm, nhân có duyên gì đó gặp thị giả Thiện, sư đệ này mới gạn hỏi yếu lý, ngài Khả Chân lúng túng suy nghĩ. Thị giả Thiện nói: Sư huynh hằng ngày chỉ được nói khoát mà thôi, chứ còn thiền đạo chưa có hiện tiền. Do lời khích này, về sau ngài Khả Chân mới thành tựu nghiệp lớn.

 

Thật ra ngài Khả Chân cũng rất giỏi, chứ không phải tầm thường, nhưng có điều hay nói. Nói được mà chưa sống được là một cái nguy. Nói thiền nói đạo, nói lý nói sự, nói kinh nói kệ, nói đủ thứ chuyện trên đời, nhưng phần nội tại chưa vững, nên gặp những câu hỏi ngặt liền đắn đo suy nghĩ. Một chút xíu suy nghĩ xen vào là bị sư đệ trách ngay “Sư huynh tham thiền tuy nhiều, nhưng không diệu ngộ được, gọi là si thiền”.

 

Chúng ta thấy rất khó, đâu phải làm lớn ở trong chúng năm bảy trăm người, rồi ưng nói gì thì nói, ưng làm gì thì làm, không ai biết. Cũng có người nghiệm được mình. Những vướng mắc chưa rốt ráo, chưa viên mãn nơi mình, không ông thầy thì mấy huynh đệ cũng sẽ phát hiện ra thôi. Thành thử làm sao có cái thực. Chính cái chân thực là nền tảng để thành tựu đạo nghiệp của mình.

 

3. Hoằng đạo

 

Ngài Bạch Vân nói: “Sự thịnh suy của đạo không phải là thường pháp, mà đều do ở người hoằng đạo. Cổ nhân nói: “Biết giữ thì còn, nếu bỏ thì mất”. Thực vậy, đạo chẳng bỏ người mà do người bỏ đạo. Người xưa hoặc ở trong rừng núi, hay ẩn ở nơi triều thị, không bị lôi kéo vào danh lợi, không bị mê hoặc bởi thanh sắc nên danh dự được vang dội một thời và mỹ danh lưu truyền muôn thưở. Như thế, há rằng người xưa làm được mà người đời nay không làm được sao? Không, đều bởi sự giáo hoá chưa đến nơi và ta làm không tận lực mà thôi. Có người lại cho rằng người xưa thật thà nên giáo hoá được và người đời nay bạc bẽo nên không giáo hoá được. Đó chỉ là lời cổ hoặc, thực không đủ để xét nghiệm”.

 

Nói đến hoằng đạo thì người xưa hay người nay gì cũng hoằng đạo được hết, nhưng với điều kiện phải sáng đạo. Có đạo mới hoằng đạo được. Ngài nói đạo ấy không bỏ người, chỉ người bỏ đạo thôi. Nghĩa là chỉ người mê danh lợi, mê tài sắc rồi bỏ đạo, chứ đạo lý luôn hiện tiền. Ta thành tâm, không chạy theo vọng tưởng, khắc phục những điên loạn của mình, sống trong trí tuệ sáng suốt thì đạo hiện tiền, lúc nào cũng có trong ta. Trái lại, nếu ta ham cái này mê cái kia, chạy theo bên ngoài thì chính ta bỏ đạo.

 

Người xưa cũng con người, cũng ăn mặc, cũng sống, cũng tư duy, cũng có tâm tình như người nay. Cho nên người xưa đạt đạo thì người nay cũng đạt đạo, không lý gì người xưa đạt đạo mà người nay không đạt đạo. Song vì người nay bận rộn nhiều, để tâm chạy ra ngoài nên đạo chưa sáng. Bây giờ nếu dừng được, bỏ được tất cả những thứ bên ngoài, xoay trở lại mình thì đạo hiện tiền. Như vậy mới có đạo và hoằng đạo được. Ví dụ vừa khởi một niệm lợi lộc gì đó, chúng ta dừng được, bỏ đi thì đạo hiện tiền. Ngược lại, nếu lúc đó chúng ta quên cái chân thật, chạy theo niệm ấy thì mất mình, mất đạo. Cho nên việc tu hành hoàn toàn do mình, dễ hay khó đều tùy thuộc vào chúng ta.

 

Chỗ cùng tột của Phật pháp không luận người già người trẻ, tăng tục, bất cứ giai cấp nào trong xã hội cũng đều có thể thấu đạt được. Nếu ai dám bỏ, dám buông, dám dừng những nghiệp tập xấu ác đều có thể sống được với đạo. Cho nên Phật tổ thường dạy chúng ta đừng ham mê lợi dưỡng, đừng chạy theo những thứ bên ngoài, hãy xoay lại chính mình. Chủ đạo của Phật giáo Việt Nam trong thời Trần là xoay lại chính mình, “phản quan tự kỷ bản phận sự”. Dùng trí tuệ sáng suốt soi lại để thấy mình còn dở không, còn chạy bên ngoài không... Phải biết những gì bên ngoài đều không phải là gia bảo chân thực của chính mình, đừng lầm nhận giả là thật.

 

Quách Công Phụ đến thăm ngài Thủ Đoan, nếu ông không phải là người hiện tiền tỉnh sáng thì khi bị thầy mắng, ông sẽ buồn. Như vậy là ông chạy theo thinh trần bên ngoài, không sống được với cái hiện tiền hay nghe. Đằng này trái lại, ông đã sống được với tánh chân thật của mình, nên thầy mắng ông vẫn vui vẻ bình thản, đứng nghiêm trang lắng nghe. Cuối cùng ông thầy gật đầu khen ngợi “con trâu của ông đã thuần rồi đó”.

 

Việc tu hành của chúng ta cũng thế, làm sao phổ được đạo lý vào cuộc sống hằng ngày. Chúng ta bị bận rộn nhiều, đâu còn thì giờ mà đợi tối về hãy tu. Tối về mệt mỏi chỉ còn có nước ngủ. Vô mùng ngủ thì đâu có hẹn được tới mấy giờ thức dậy đâu, ngủ một mạch cho tới sáng. Chúng ta đã sống u mê hết cả ngày, rồi về đêm lại tiếp tục u mê nữa thì cả đời toàn là u mê. U mê nhiều thì làm sao sống được với đạo, với tâm tỉnh giác, với cái hiện tiền. Thành ra làm sao chúng ta khéo phổ cách tu hành vào trong mọi sinh hoạt của mình. Ngồi tiếp khách cũng tu được, làm việc chùa cũng tu được, đi công chuyện cũng tu được… Nếu đứng chờ xe mà nhớ chuyện năm trên năm dưới, xe này đẹp xe kia xấu, đó là không tu, là thả con khỉ rong chơi. Người biết tu khi đón xe chỉ đón xe, không có niệm khác. Nếu có niệm khác hãy bỏ đi. Như vậy là cột được con khỉ hoang, không cho nó chạy phá phách xóm làng. Lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng trong thế làm chủ như vậy.

 

Trong nhà thiền có mười bức tranh chăn trâu. Lúc đầu không thấy hình dạng nó đâu hết. Kế đến vừa thấy một chút xíu thôi, nó dữ tợn như là cọp như sói. Nhưng không lâu, theo dấu ấy mình sẽ làm quen và bắt được trâu, cột mũi nó, khống chế nó bằng dây bằng roi. Từ từ từng bước mình nắm dây cầm roi, nó vừa ngó ra lúa mạ của người liền quất, như vậy lần lần con trâu sẽ thuần thôi.

 

Chúng ta tu hành cũng vậy, không phải là quá khó đâu. Nếu mình học đầy đủ pháp môn trong nhà Phật thì không sao nhớ hết, nhưng nắm được chỗ căn bản để áp dụng thì không nhiều, nó hiện tiền ngay đây. Người biết nhận thì cái đó hiện tiền, không biết nhận thì vụt qua mất. Sở dĩ chúng sanh nhiều kiếp bị trầm luân trong sanh tử cũng vì không nhận được tâm chân thật, cứ để nó vụt qua mất. Do đó sống quờ quạng trong si mê, gây tạo nghiệp rồi theo đó vay trả, trả vay không cùng. Bây giờ thức tỉnh, chấp nhận trả nợ cũ nhưng không vay nữa, có thế mới dứt sạch nghiệp, mới ra khỏi luân hồi sinh tử.

 

Lúc chưa thực hành chúng ta thấy tu khó, nhưng tâm niệm thực hành rồi thì thấy không khó. Thật ra hoàn cảnh khó khăn mới thuận lợi cho việc tu hành. Chúng ta ngồi trong tháp ngà thì không biết trần gian này ra sao, lấy chi mà tu. Có câu chuyện hai thầy trò ở trên núi cao, chưa từng xuống núi. Hôm đó, không biết duyên sự gì ông thầy dẫn đệ tử xuống núi. Đây là lần đầu tiên được xuống núi, nên gã đệ tử thấy cái gì cũng lạ lẫm, cũng thích thú. Trên đường, bỗng hai thầy trò gặp một cô gái đẹp. Người đệ tử nhìn theo không chớp mắt, cô ta cũng nhìn lại. Anh đệ tử thích quá, hỏi thầy “đó là ai?”. Thầy kinh sợ nói “nó là con cọp”. Đi một khoảng, tên đệ tử nói “thầy ơi, sao con thương con cọp đó quá”. Ông thầy nghe thế vội can ngăn “Đừng có thương nó, nó sẽ ăn thịt con đó”. Hôm sau, anh chàng đồ đệ thú thật “Thưa thầy, chắc con phải đi tìm con cọp đó thôi. Con nhớ nó lắm. Thây kệ, cho dù nó ăn thịt cũng được, miễn là con được ở bên cạnh nó”. Thua. Ông thầy biết là đứa đệ tử không thể ở trên núi được nữa rồi.

 

Cho nên chưa từng tiếp xúc với cuộc đời, chưa thấy rõ bộ mặt thật của nó thì chưa muốn bỏ nó đâu. Phải lăn lóc trong trần lao, nếm mùi khổ đau nhiều, người ta mới phát tâm từ bỏ mạnh mẽ. Sống trong hoàn cảnh như ý không thì đâu có khởi niệm tu hành. Bây giờ chúng ta định nghĩa lại Phật là gì? Đừng định nghĩa theo thuật ngữ “tự giác giác tha, giác hạnh viện mãn” thì sẽ thấy Phật là sự tỉnh sáng giữa cuộc đời tối tăm. Trí tuệ đó chúng ta có thể ứng dụng ngay trong đời sống này, không khó khăn gì hết.

 

4. Nói và làm

 

Ngài Bạch Vân nói với ông Vô Vi Tử (Tức là ông Dương Kiệt, tự là Sơ Công, hiệu là Vô Vi cư sĩ. Ông này làm quan Lễ Bộ, là học trò của Thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài): “Nói mà không làm được chẳng bằng đừng nói, làm mà không hiểu lời nói chẳng bằng đừng làm. Nói ra phải nghĩ tới chỗ chung cuộc của nó, và định làm phải xét đến chỗ ngăn trở của nó. Vì vậy bậc tiên triết cẩn trọng lời nói và lựa chọn việc làm. Nói ra không phải để cầu cho lý được hiển lộ mà hầu mong mở tỏ chỗ chưa ngộ cho học giả. Làm việc là không phải muốn hay riêng cho mình, mà hầu mong dạy chỗ chưa thành cho học giả. Cho nên nói ra có pháp độ, làm việc có lễ tiết mới có thể nói không bị mang hoạ và làm không bị mang nhục. Nói phải làm mực thước và làm phải là khuôn phép. Kinh Dịch nói: “Nói và làm là then chốt của người quân tử, là căn bản của việc sửa mình”. Nói và làm làm động đến trời đất, cảm đến quỷ thần, thực đáng kính vậy”.

 

Ở đây dạy về việc “Nói” và “Làm” phải tương ưng. Nếu chúng ta bàn đạo lý cao siêu, những bộ kinh cao đẳng Đại thừa trong nhà Phật thì bàn hoài không bao giờ hết. Tại sao? Vì các vị hồi xưa chứng ngộ viên mãn, từ trí tuệ chân thật nói ra như thế. Bây giờ chúng ta trí tuệ chưa viên mãn, do đó càng nói càng không đúng đâu vào đâu, làm sao nói hết nổi. Các bậc tiên đức e ngại chúng ta rơi vào cái thế nói mà làm không được, nên dạy nói và làm phải tương hợp, vừa vặn khít khao, nói có chân nghĩa, chứ đừng nói suông. Nói suông sẽ mang hoạ, mang nhục. Điều nói ra phải nằm trong kinh nghiệm của mình, bản thân làm được, mới có thể hướng dẫn mọi người làm theo.

 

Nếu người không dừng được loạn tưởng, những suy nghĩ tạp nhạp sẽ bị bệnh nói nhiều, nói hoài, nói đủ thứ chuyện mà không có chuyện nào đúng chuyện nào. Người biết giữ gìn khẩu nghiệp, biết trăm biết ngàn, nhưng chỉ nói một hai thôi. Cái một hai làm được mới nói, còn những gì chưa làm được thì không nói.

 

Sử kể rằng, nghe danh thiền sư Ô Sào là bậc thầy lỗi lạc, một hôm Bạch Lạc Thiên tìm đến tham vấn ngài, hỏi chỗ tột của đạo. Thiền sư đáp bằng một bài kệ rất quen:

 

Chớ làm các điều ác,
Vâng làm các việc lành,
Tự thanh tịnh ý mình,
Là lời chư Phật dạy.

 

Bạch Lạc Thiên nghe qua thất vọng, bảo rằng: “Bài kệ này đứa con nít tám tuổi cũng biết”. Ngài Ô Sào nói: “Đứa con nít tám tuổi cũng biết, nhưng ông già tám mươi vẫn chưa làm được”. Ngay câu nói này, Bạch Lạc Thiên có tỉnh, bèn lễ tạ thiền sư Ô Sào.

 

Một đoạn nhân duyên này dạy cho chúng ta kinh nghiệm về nói và làm đi đôi với nhau. Điều mình nói gói trọn trong từng bước thực hành. Đừng nói quá, nói khoát có ngày sẽ mang hoạ vì lời nói của mình. Các vị tu chứng đạo, một lời nói của các ngài cảm đến chúng quỷ thần, những loài quỷ thần hạng thượng, có thể tác oai tác phúc đến cuộc đời. Cho nên cần phải xét nét cẩn ngôn, nói và làm tương ưng.

 

5. Thiền na

 

Ngài Bạch Vân nói với ngài Diễn Tổ: “Trí năng của những người tu thiền phần nhiều chỉ thấy những việc đã xảy ra, chứ không thể thấy những việc chưa xảy ra. Tu Chỉ Quán Định Tuệ là phòng trước những việc chưa xảy ra, còn Tác Chỉ Nhiệm Diệt là biết sau những việc đã xảy ra. Cho nên công việc của Tác Chỉ Nhiệm Diệt dễ thấy mà chỗ làm của Chỉ Quán Định Tuệ khó biết. Chỉ vì người xưa chí thiết vào đạo, dứt bỏ vọng niệm khi nó chưa nảy mầm, thì tuy rằng có Chỉ Quán Định Tuệ, Tác Chỉ Nhiệm Diệt cũng đều là sự bàn luận về gốc ngọn mà thôi. Vì vậy còn có chỗ nói: “Nếu còn có một lời nói nào hướng vào gốc ngọn bằng đầu sợi lông thì cũng đều là dối mình”. Người xưa thấy suốt đến nơi nên không dối mình vậy”.

 

Chỉ Quán Định Tuệ, Tác Chỉ Nhiệm Diệt là những danh từ chuyên môn. Tác là làm những điều thiện, Chỉ là ngưng những điều ác, Nhiệm là dùng đúng chân lý, Diệt là bỏ hết phiền não. Nói tóm lại, trong đời tu hành của chúng ta, làm thế nào đủ sáng suốt làm chủ được mình, mọi dấy niệm lăng xăng đều dừng hết. Dừng được nó là Chỉ, biết nó vọng là Tuệ, làm đúng chánh pháp là Nhiệm, dứt bỏ tất cả phiền não là Diệt. Phải tu tập như thế chúng ta mới hoàn toàn làm chủ, sống được với chính mình.

 

6. Trách nhiệm

 

Ngài Bạch Vân nói: “Thấy nhiều tăng sĩ chưa bao giờ nghĩ đến kế hoạch cho tùng lâm. Tôi sợ rằng từ đó mà tùng lâm suy kém. Tiên sư Dương Kỳ nói: “Người trên kẻ dưới lẫn tránh trách nhiệm cho yên thân thì thực là tai hoạ lớn cho pháp môn. Xưa kia khi tôi ở ẩn trong thư viện chùa Qui Tông, tôi mở xem kinh sử, không những qua mắt mấy trăm lần mà xem đến nỗi những sách ấy hư nát rất nhiều. Mỗi khi mở sách ra xem là tôi quyết định biết được những ý mới. Đem việc ấy mà suy nghĩ, tôi thấy rằng học không phụ người là như thế.

 

Mỗi một tăng sĩ khi lớn lên phải ý thức trách nhiệm của mình đối với Phật pháp. Nếu trong tùng lâm ai nấy đều tiêu cực, chỉ nghĩ lợi ích riêng mình, muốn được yên thân, thì Phật sự ai lo? Chúng ta không còn nhiều thời gian, không thể đợi đến lúc già mới tu. Đó là nói về phương diện tu. Kế nữa là nói đến phương diện hoằng đạo, cũng không thể hẹn, mỗi người phải có trách nhiệm. Nghĩa là chúng ta tự ý thức làm tròn bổn phận của mình, đóng góp cho giáo hội, cho Phật pháp. Ý thức như thế rồi dù việc khó việc dễ gì cũng trôi tròn, không ngán sợ, không đổ thừa, không chờ đợi, tâm thành tu hành.

 

Muốn trôi tròn được trách nhiệm ấy chúng ta phải có Nhân, Minh, Dũng. Việc tự lợi cũng như lợi tha cần phải thực hành ngay, không đợi chừng nào, bởi vì quỷ vô thường không hẹn. Bất cứ lúc nào, một hơi thở ra không lấy lại là rồi. Với tâm thành vì đạo, mỗi tu sĩ hiện diện hôm nay sẽ là một viên gạch quý, góp phần xây dựng cuộc đời, xây dựng xã hội tốt đẹp, theo đó đạo pháp của chúng ta cũng được trường tồn lợi lạc cho đời. Đó là mong mỏi của người xưa, cũng là tâm nguyện của chúng ta hiện nay.

 

[ Quay lại ]