headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM

nghiemhuantunglamBa tháng mùa hạ, chư Tăng Ni cùng nhau hòa hợp tu học trong một trú xứ thế này, thật là phúc duyên lành cho chúng ta. Huynh đệ được gặp nhau, cùng trao đổi, tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát cho chính mình và giúp mọi người cùng được như vậy. Đó là tuân thủ đúng theo quy chế tùng lâm từ nghìn xưa. Điều này thật vô cùng quý báu, cần được duy trì và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn.

Đối với giáo lý đạo Phật, nếu chúng ta chịu tu hành thì dù bất cứ pháp môn nào cũng có thể giải thoát, cũng có thể thành Phật. Ví như kinh Tứ Thập Nhị Chương, tuy rằng 42 chương nói đầy đủ đạo lý, nhưng thật ra chỉ cần nghiệm kỹ một chương hoặc một lời dạy của đức Phật thôi, chúng ta chịu nghe, chịu tu, chịu áp dụng một cách chân thành thì chắc chắn có thể đạt được bản nguyện giác ngộ giải thoát.

Như có chương, một vị Tỳ-kheo hỏi Phật thế này: “Kính bạch đức Thế Tôn, làm thế nào người xuất gia như chúng con có thể biết được túc mệnh và có thể đến được chí đạo?” Phật dạy hết sức giản dị: Bao giờ các ông lắng lòng mình trong sạch, giữ gìn ý chí và trí tuệ các ông sáng suốt thì các ông có thể chứng được túc mệnh. Bao giờ các ông quyết tâm dứt tất cả những tham cầu, ngược xuôi, lăng xăng, trong lòng thực sự yên ổn, lặng lẽ thì đến được chí đạo”. Qua lời dạy này, chúng ta thấy khỏi phải học nhiều, cũng không cần nghiên cứu đông tây gì cả, chỉ lời dạy giản dị trong tình thầy trò, và bằng tâm thành của mình, chúng ta áp dụng tu tập đúng như vậy sẽ được an lạc giải thoát hiện tiền, không mong cầu ở đâu xa xôi.

Đặc biệt năm này, chúng tôi muốn rút tỉa một số lời chỉ dạy của các bậc cổ đức trong bản Thiền Lâm Bảo Huấn, để huynh đệ chúng ta cùng nhau ôn lại những ưu khuyết điểm đã qua, mà tu sửa ngày càng tốt đẹp hơn. Bản luận này tựu trung truyền dạy kinh nghiệm cho các vị đảm nhiệm công tác trụ trì. Đây là những chỉ dạy quý báu trong nhà thiền, giúp cho chư Tăng Ni biết được trách nhiệm đối với đệ tử, với bổn đạo và nhất là với xã hội. Chúng tôi nghĩ trách nhiệm này chúng ta phải gánh vác cho đến bao giờ thành tựu đạo nghiệp mới thôi. Bởi vì chúng ta không thể bỏ đệ tử cho ai dạy, cũng không thể chạy trốn xã hội, mà phải tự thanh lọc, tự tu tập cho mình, đồng thời chịu trách nhiệm với cuộc đời tu học của đệ tử mình nữa. Người ta tìm đến chùa, nương tựa, học hỏi đạo lý với mình, thì không lý nào ta lại thờ ơ bỏ mặc họ được. Chư Tăng Ni gánh vác trách nhiệm bổn phận của một người thầy, phải là tấm gương sáng, là bậc sư trưởng đáng tin cậy, thân thiết đối với đạo pháp cũng như xã hội.

Vì vậy trong chương trình nhập hạ năm nay, chúng tôi trích giảng một phần trong Thiền Lâm Bảo Huấn, mong rằng tất cả chúng ta theo lời dạy của cổ nhân, nỗ lực làm thế nào để kiện toàn được việc tu học và hoằng pháp lợi sinh của người con Phật. Nói đến đạo Phật là nói đến sự chân thật. Chúng ta phải chân thật với chính mình, vì vậy trong mọi sinh hoạt phải làm sao toát ra được bản chất chân thật. Như thế từng bước chúng ta sẽ thực hiện được chỗ chí đạo.
- HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]