NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời Dạy của Hòa Thượng Minh Giáo Tung
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 02 Tháng mười 2014 13:50
1. Đạo đức
Tôn không có gì tôn hơn đạo, đẹp không có gì đẹp hơn đức. Giữ được đạo đức, tuy là người thất phu nhưng không phải là kẻ cùng khổ. Không giữ được đạo đức, tuy là người cai trị thiên hạ, nhưng không phải là người lương thiện. Xưa kia ông Bá Di và ông Thúc Tề là người chết đói trên núi Thú Dương, nay đem so sánh phần đạo đức của hai ông ấy, ai cũng đều hoan hỷ. Ngược lại, xưa kia vua Kiệt, vua Trụ, vua U, vua Lệ, là những vị nhân chủ, nay đem so sánh phần đạo đức của các vua ấy, ai cũng đều phẩn nộ. Vì vậy người tu học chỉ lo mình không đầy đủ đạo đức, chứ đừng lo mình sẽ không có quyền thế và địa vị.
Ngài Minh Giáo Tung là vị thiền sư ngộ đạo trong trường hợp hết sức đặc biệt. Hồi thời ngài đi hành cước, tức đi học hỏi kinh nghiệm của các vị tôn túc, ngài rất siêng năng với chí nguyện làm thế nào đạt được bản nguyện thành Phật của mình. Có thời gian ngài ở một thiền hội đó, ban ngày làm tất cả việc trong chúng chu toàn. Sau giờ chúng nghỉ, ngài đội tượng Bồ-tát Quan Thế Âm trên đầu đi kinh hành suốt đêm. Công phu như thế, một hôm ngài nhận được đạo lý. Vì vậy sau này dạy chúng, Ngài bảo: Nếu nói về sự tôn quí, thì không có gì tôn quí hơn đạo, nói về cái đẹp thì không có gì đẹp hơn đức. Điều này chắc rằng mỗi người chúng ta đã nhận được rồi.
Giữ được đạo đức, tuy là người thất phu nhưng không phải là kẻ cùng khổ, ngài khẳng định rõ ràng như vậy. Người có đạo đức tuy ở trong hang cùng ngỏ hẻm, trong núi sâu, nhưng các vị ấy là những bông hoa đẹp của cuộc đời, là những hòn đảo quý báu đáng cho mọi người nương tựa. Trái lại, người không giữ được đạo đức, tuy cai trị thiên hạ, nhưng không hẳn là vinh hiển. Họ có cơ hội làm việc tốt nhưng được một thời gian thôi, cũng sẽ bị đánh giá không có đạo đức. Do vậy chúng ta luôn luôn được dạy dỗ phải có đạo đức.
Ngài dẫn chuyện xưa, Bá Di Thúc Tề là hai người con vua Cô Trúc, là chư hầu của nhà Ân. Vua Cô Trúc muốn Thúc Tề nối ngôi nhưng khi vua mất, Thúc Tề nhường ngôi cho Bá Di, Bá Di không nhận bèn bỏ đi nơi khác. Thúc Tề cũng bỏ nước mà đi, người trong nước phải lập con thứ lên thay. Bá Di, Thúc Tề nghe tiếng Tây Bá tức Chu Văn Vương là người hiền nên mới theo về với ông ta. Đến khi Tây Bá chết, Vũ Vương dùng mộc của Chu Văn Vương kéo quân sang đánh Trụ. Bá Di, Thúc Tề ghìm cương ngựa can, cho đó là việc làm bất nhân. Khi vua Vũ diệt xong nhà Ân, dựng nghiệp nhà Chu. Bá Di và Thúc Tề lấy việc nước mất làm xấu hổ, mới bỏ lên núi Vũ Vương ở ẩn, hái rau vi mà ăn, chớ không ăn thóc nhà Chu. Đến ngày đói gần chết, mới làm bài hát rằng: Đăng bỉ Tây Sơn hề, tái kỳ vị hỉ! Dĩ bạo dịch bạo hề bất tri kỳ phi hỉ! Thần nông Ngu Hạ hốt yên một hề, ngã an thích quy hỉ! Vu ta tồ hề mệnh chi suy hỉ! Nghĩa là “ta lên núi Tây Sơn tức núi Thú Dương, hái khóm rau vi! Tôi bạo ngược thay chúa bạo ngược, không biết điều trái của mình. Đạo nhường nhau từ đời Thần Nông Ngu Hạ bỗng mất hẳn, ta thư thái mà chết. Thật mệnh ta suy!”. Cả hai người đều chịu chết đói trên núi Thú Dương. Ngược lại vua Kiệt, vua Trụ, Vua U, vua Lệ hoang dâm vô độ, tàn ác thất nhân tâm. Đây là những vị nhân chủ, nhưng nếu đem so sánh với Bá Di, Thúc Tề thì chỉ càng bị người sau biếm nhẻ cười chê, chớ không được quí trọng như các bậc đạo đức trong đời.
Cũng thế, trong cuộc sống này nếu chúng ta đừng lo nghĩ đảo điên, mà chuyên tâm tu sửa những tập nghiệp xấu của mình, để trở thành một con người tốt là quí nhất rồi. Làm sao chúng ta là những người tu hành chân chính, thực sự có đạo đức, từng bước thực hiện trách nhiệm, công tác của mình cho vẹn toàn mới xứng đáng là người con Phật. Chúng ta tu hành chân chánh, thì dù ở đâu cũng có người đến thưa hỏi đạo lý. Mình chân thành đem những kinh nghiệm, những đạo lý học được, hướng dẫn họ tu tập. Như vậy cũng là quí lắm rồi. Căn bản là làm thế nào chúng ta đầy đủ đạo đức. Dù người tu hay người Phật tử tại gia đều không thể thiếu đạo đức. Vì vậy ngài kết lại: “Người tu học chỉ lo mình không đầy đủ đạo đức, chứ đừng lo mình sẽ không có quyền thế và địa vị”. Khi đã có đạo đức, có phần nội tại đầy đủ thì các duyên sẽ theo đến, mọi người quý trọng, vị ấy sẽ làm được việc.
2. Học hành
Cái học của Thánh hiền, quyết định không phải học một ngày mà đầy đủ được. Ban ngày học không đủ phải học tiếp ban đêm, gom góp năm này tháng khác tự nhiên mới thành. Nay có người học ít khi thốt ra một lời bàn hỏi người khác, không hiểu họ lấy gì giúp ích cho tánh địa và trở thành mỗi ngày thêm mới mẻ.
Thiền sư dạy ngoài đạo đức ra, chúng ta còn phải có học thức nữa. Theo kinh nghiệm của các bậc thánh triết, học thức không phải là học một ngày một bữa, không phải học chương trình một năm hai năm rồi đi thi để có bằng này bằng nọ. Người tu không xem việc ấy quan trọng. Học cốt để hiểu những ý hay, những kinh nghiệm của các bậc thánh hiền, trước áp dụng cho bản thân, sau nữa đem phổ vào trong đời sống mọi người chung quanh. Ý nghĩa học thức của người có đạo đức là như vậy. Chúng ta cứ thật tình tu học, không tính kể thời gian, càng tu càng bổ ích cho việc học, càng học càng có kinh nghiệm cho việc tu. Kiến thức có được từ sự trui luyện, thể nghiệm, tu tập của bản thân mới thực sự có giá trị nuôi dưỡng đạo đức của chúng ta.
Ngài nói người thời nay ít nghe bàn hỏi đạo lý, không hiểu họ lấy gì để giúp ích cho tâm địa? Nghĩa là học mà không thấy thưa hỏi, không thấy trao đổi thì không biết làm sao đạt được sở học như thánh hiền. Trở về với Tăng Ni chúng ta, nhờ phúc duyên lớn nên một năm chúng ta có được tối thiểu ba bốn tháng cùng sống, cùng tu, cùng học trong một tụ điểm. Sinh hoạt hằng ngày, dù có bận rộn bao nhiêu chăng nữa, vẫn còn thì giờ để huynh đệ trao đổi những kinh nghiệm tu hành với nhau. Làm thế nào nắm vững những điểm thiết yếu trong công phu hành trì, đây mới thật là điều quí báu, chúng ta cần cố gắng giữ gìn và phát huy.
Trong cuộc đời tu hành, chúng ta gặp nhiều trắc trở nhiêu khê lắm. Nếu không có bạn, không có thầy, không có kinh nghiệm thì mình sẽ ngã gục thôi. Cho nên khi hội đủ các thiện duyên, chúng ta phải nỗ lực học tập tu hành, chứ thầy bạn không trực tiếp ngộ hiểu cho chúng ta được. Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải thế này thế nọ, thầy của chúng ta cũng không bắt buộc mình như vầy như kia, mà tùy theo duyên, theo căn nghiệp của mỗi người các ngài có những phương tiện hóa độ khác nhau. Tuy nhiên phần thể nghiệm, thực chứng là do nơi chúng ta.
3. Nghĩa và lợi
Thái Sử Công đọc sách Mạnh Tử, đến chỗ Lương Huệ Vương hỏi thầy Mạnh Tử: “Ngài chỉ cho tôi cách nào để có lợi cho nước tôi”. Bất giác ông để sách xuống thở dài và than: “Ôi! Lợi thật là đầu mối của sự loạn lạc. Vì vậy đức Phu Tử ít nói đến lợi, mà ngài thường nói về cách đề phòng cội gốc của nó mà thôi. Cội gốc tức là đầu mối, cái tệ tham lợi của người tôn quý cũng như cái tệ tham lợi của những người bần tiện không biết lấy gì mà phân biệt được. Tại nơi công, tham lợi, không minh thì pháp luật loạn. Tại nơi tư, dối trá lấy lợi thì công việc loạn. Công việc loạn thì người người tranh nhau sinh bất bình. Pháp luật loạn thì dân oán chẳng cùng. Sự oan trái đấu tranh không nghĩ gì đến sự chết chóc từ đó phát sinh. Đó chẳng phải lợi thực là đầu mối của sự loạn lạc sao? Thánh hiền thường răn việc bỏ lợi, tôn trọng nhân nghĩa, đời sau có người cậy vào lợi mà lừa nhau, làm thương tổn phong hoá, bại hoại chính giáo rất nhiều. Họ công nhiên thực hành đường lối tranh lợi của họ, họ muốn chỉnh lại phong tục thiên hạ để cho thiên hạ không bị phiêu bạt thì ý muốn ấy có thể được chăng ?
Ở đây nói về nghĩa và lợi. Điều này mới nghe qua thấy như việc ở thế gian, nhưng thực sự rất cần thiết trong đời sống đạo của chúng ta. Cho nên thời nguyên thủy, đức Phật đặt ra quy chế Lục hòa, lấy sáu pháp căn bản này để xây dựng tăng đoàn vững mạnh, an hòa. Trong sáu điều đó có một điều rất quan trọng là lợi hoà đồng quân. Bởi vì từ lợi xảy ra biết bao nhiêu nguy hại, phá hoại đời sống thanh tịnh của tăng già. Vì vậy ngài khuyên chúng ta đừng dấy niệm chạy theo lợi lộc. Bởi lẽ chạy theo nó chúng ta sẽ đánh mất mình, sẽ không còn thì giờ tu tập, học hỏi đạo lý.
Chúng ta đã biết lợi là đầu mối của nguy hại, nhất là đối với người xuất gia, nên phải dè dặt cảnh giác về cái lợi, đặc biệt những cái lợi phi pháp thì đừng có nhắm mắt chạy theo. Người tu mà còn thích chạy theo lợi lộc, thì dù có nói hay đến đâu, phần nội tại bên trong cũng không vững. Đã không có nội tại vững vàng thì chưa thể xứng đáng là đệ tử của Phật. Ở đây nếu chúng ta không được trau dồi, học tập thì cũng dễ vướng mắc nó lắm. Cho nên đối với lợi, lúc nào mình cũng phải cảnh giác.
Tốt hơn hết là đừng đặt cái lợi vào đời sống của chúng ta, mà phải có nghĩa, phải hy sinh, còn cái lợi thì xin cống hiến cho xã hội, chúng ta không màng tới nó làm chi. Cuộc sống của người xuất gia là cuộc sống giải thoát, thanh tịnh. Muốn được thanh tịnh, giải thoát thì phải buông, phải dừng tất cả những dấy niệm về lợi danh, gan dạ buông bỏ một cách mạnh mẽ, đừng có tiếc gì hết, như vậy chúng ta mới ổn được.
4. Đề phòng
Những cái ác mà người ta làm có cái ác hữu hình và có cái ác vô hình. Cái ác vô hình hại người, cái ác hữu hình giết người. Giết người là ác nhỏ, hại người là ác lớn. Trong buổi tiệc vui có thuốc độc, trong buổi bàn bạc cười đùa có giáo mác, trong ngôi nhà kín có hổ báo, trong làng xóm có giặc cướp. Mình chưa phải là thánh hiền thì cần phải chặn đứng nó ở lúc chưa nẩy mầm và đề phòng nó bằng lễ phép. Nếu không đề phòng, nó sẽ làm hại một cách ghê gớm.
Trên phương diện tu, nếu chúng ta không đề phòng những thứ giặc nguy hiểm này thì nó sẽ len vào chúng ta, xây dựng cơ sở hoạt động, cho đến một lúc nào đó ta sẽ không còn biết mình là gì nữa. Đó là gì? Là dấy niệm. Những niệm lăng xăng, nếu chúng ta chưa đủ sáng suốt để làm chủ, đừng lầm chạy theo nó thì chẳng khác nào mở cửa mời giặc vào nhà. Một khi giặc đã vào nhà thì chắc chắn chỉ trong thời gian không lâu, chúng ta sẽ mất hết của cải, thậm chí còn bị nguy hại đến tính mạng nữa. Do đó chúng ta phải cảnh giác từng dấy niệm của mình. Nếu là niệm tốt để làm việc tốt thì ta mời vào, tạo điều kiện thuận lợi cho nó phát triển. Nếu là niệm xấu, lăng xăng danh lợi, chạy ngược chạy xuôi thì đuổi nó ra, đừng cho nó vào nhà, phải dứt khoát kháng cự mới được. Cho nên trong khi tu, có lúc chúng ta hiền lành, nhưng cũng có lúc phải dữ dằn mới làm chủ được.
Trong buổi tiệc vui có thuốc độc, trong buổi bàn bạc cười đùa có giáo mác, trong ngôi nhà kín có hổ báo, trong làng xóm có giặc cướp, như người đời thường nói “tai vách mạch rừng” luôn luôn chúng ta phải đề phòng. Nhờ đề phòng nên lúc nào ta cũng chỉnh đốn tâm ý của mình. Chỉnh đốn ngay trong suy nghĩ, trong ý tưởng, không để phát ra thành lời nói hay hành động sai lầm. Người tu hành thanh tịnh là người kiểm soát được các dấy niệm của mình. Hễ vừa có suy nghĩ không tốt liền bỏ đi. Nếu lỡ bỏ chưa được để phát ra thành lời nói không tốt, liền sám hối nguyện chừa bỏ, tự hứa không bao giờ nói lại lời đó nữa. Đó chính là tu vậy.
5. Cảnh giác
Khi Hòa thượng Đại Giác Liễn trụ trì chùa Dục Vương. Nhân có hai vị tăng tranh nhau về lợi dưỡng do thí chủ cúng mà vị chủ sự không sao xử đoán được. Ngài Đại Giác gọi hai vị tăng ấy đến trách rằng: “Xưa kia ông Bao Công làm tài khoán ở phủ Khai Phong, có người dân đến trình bày: “Có người đem 100 lạng bạc gởi cho tôi rồi mất. Nay tôi đem số bạc đó trả lại cho người con của ông ta, nhưng người đó không chịu nhận, vậy mong ông cho gọi người đó để trả lại giúp tôi”. Ông Bao Công ngạc nhiên và than rằng: “Đây thật là việc lạ lùng”. Ông liền triệu con ông Lý Giác An là Lý Cảnh Văn đến, nói rõ sự việc như trên. Ông Lý Cảnh Văn từ chối: “Cha tôi khi còn sống không làm gì có bạc đem gởi riêng nơi nhà khác”. Hai người cố nhường nhau, bất đắc dĩ ông Bao Công đem số bạc ấy cho các tự quán trong thành để làm lễ cầu siêu cho người đã mất. Đó là việc mắt tôi trông thấy. Đó là những người trong cõi trần lao mà biết xa của mến nghĩa như thế, huống chi các ông là đệ tử Phật lại không biết liêm sỉ à? Nói rồi ngài y theo phép tùng lâm đuổi hai vị tăng ấy ra khỏi chùa.
Hòa thượng Đại Giác Liễn trụ trì chùa Dục Vương, nhân có hai vị tăng tranh nhau về lợi dưỡng, ngài nêu gương người xưa ra để xử. Lợi dưỡng vốn do Phật tử cúng dường, vậy mà tăng nhân lại tranh hơn thua nhau. Tranh đến nỗi những vị có trách nhiệm như chủ sự trong viện can không được. Khi này ngài Đại Giác mới dẫn chuyện thời Tống, Bao Công xử án ở vùng Khai Phong rất nghiêm minh. Có một người tên là Trương Huệ Minh tới trình bày sự việc như đã kể trên. Bao Công nghe xong hết sức ngạc nhiên, cả trăm lạng bạc chứ đâu phải ít, vậy mà Trương Huệ Minh và Lý Cảnh Văn nhất định không nhận. Hai người cứ nhường nhau, không ai dám nhận hết. Cuối cùng nhà quan quyết định đem cúng chùa, để hồi hướng công đức cho người đã quá cố. Thật là hay biết bao!
Ngài Đại Giác Liễn bảo người đời mà còn như vậy, không màng lợi lộc, gìn giữ tiết nghĩa, huống là những vị tu hành như các ông mà còn ham lợi, tranh giành với nhau, can gián hoài không chịu nghe. Bấy giờ ngài đem thanh quy ra, mời cả hai vị tăng ra khỏi chùa.
Câu chuyện này giúp ích cho chúng ta nhiều lắm. Tuy là người đời mà tốt như vậy, đối với lợi dưỡng không chính đáng quyết không nhận lấy, vì đó là của phi nghĩa. Huống là người tu, phát nguyện xả bỏ tài sản vật chất thế gian, thế mà bây giờ lại vướng vào cái bã lợi dưỡng như vậy sao? Ngài Đại Giác Liễn nêu lên câu chuyện trên rồi dựa vào thanh quy mời hai vị tăng ra khỏi thiền viện. Như thế để làm gương cho tăng chúng. Bởi vì hồi xưa mỗi thiền viện năm bảy trăm người, có nơi cả nghìn người chớ không phải ít. Nếu chư tăng trong đó tranh nhau, không can ngăn được thì thôi loạn hết, vị thầy làm sao lãnh đạo hàng trăm hàng nghìn người. Vì vậy Hòa thượng tuyên bố dứt khoát, các vị tu hành mà không bằng người thế tục thì mời ra khỏi viện. Nghiêm minh như vậy.
Nói chuyện này tôi lại nhớ chuyện khác. Ở Trung Hoa khoảng đời nhà Tống, có một thiền sư đức hạnh nổi tiếng khắp tùng lâm, rất được các nơi mến mộ. Một hôm trong viện có việc tranh chấp giữa hai thầy tri sự. Hai vị cứ cãi hoài, cuối cùng dẫn nhau đến Hòa thượng. Ngài dùng hết lý lẽ giảng hòa, nhưng thầy nào cũng nhất định ý mình đúng. Cuối cùng Hòa thượng bất lực, nói: “Chủ tòa thiếu đức cho nên đệ tử loạn. Thôi bây giờ ta đi, các ngươi làm chi đó thì làm”. Nói xong ngài tắm rửa sạch sẽ, từ giã đại chúng nhập niết bàn. Thiệt khỏe !
Bây giờ mình chưa nhập niết-bàn như vậy nổi nên phải dạy, phải nói hết lời. Nói hết lời mà đệ tử không nghe thì khổ lắm. Thành ra bây giờ đệ tử mới vô chùa còn nhỏ, quí vị dạy từ từ đi, để lúc nó lớn mọc nanh mọc sừng cãi bướng cãi bừa mệt lắm. Thật ra làm thầy khó lắm. Muốn làm thầy một người hoặc một số người, trước tiên phải tự thanh lọc mình trở thành người tốt đẹp. Sau đó mới có thể dẫn dắt chỉ bảo người sau. Ngày nay chúng ta nhờ những tấm gương đạo đức, những kinh nghiệm của các bậc thầy để lại, từ đó mình noi theo lo tu, trước là để làm chủ bản thân, sau giáo hóa chúng nhân. Nhất định chúng ta phải tu tới nơi tới chốn, đó là tâm nguyện chung của những người con Phật. Muốn tu tới nơi tới chốn thì phải có sự chuẩn bị, có kinh nghiệm, có sự học hỏi chính chắn. Như vậy đường đi nước bước của chúng ta sẽ vững vàng, kết quả tu tập sẽ chắc chắn.
6. Tri túc
Đời Tống Nhân Tông, niên hiệu Hoằng Hựu năm đầu, nhà vua sai một tiểu sứ cầm một chiếu thư. Chiếu thư này viết trên vải, giấy màu lục ép vào mảnh gỗ, triệu thiền sư Viên Thông Nột trụ trì Hiếu Từ đại già lam. Thiền sư Viên Thông Nột cáo bệnh không dậy và ngài liền viết sớ dâng lên nhà vua, tiến cử Hoà thượng Đại Giác ứng nhận chức trụ trì như chiếu thư. Có người nghi ngờ, hỏi thiền sư Viên Thông Nột: “Thánh thiên tử tôn sùng đạo đức, ơn xuống cả nơi tuyền trạch như thế, tại sao thiền sư lại cố từ? Thiền sư Viên Thông Nột đáp: “Tôi lạm dự vào hàng tăng, kiến văn chưa suốt, may được ở yên nơi rừng núi này, ăn cơm rau, uống nước suối cũng là quý lắm rồi. Vả lại có những lời dạy của Phật tổ tôi còn chưa làm trọn, huống là các việc khác. Bậc tiên triết có nói, nơi có tiếng tăm lừng lẫy, khó ở lâu được. Bình sinh tôi thực hành kế tri túc, không muốn đem thanh danh quyền lợi buộc vào mình. Tôi nghĩ nếu thanh danh quyền lợi đầy đủ theo ý muốn của tâm mình thì biết ngày nào đủ được. Ông Tô Đông Pha thường nói: “Biết an thì vinh, biết đủ thì giàu, tránh danh trọn tiết, khéo trước khéo sau”. Thiền sư Viên Thông Nột được các điểm ấy vậy.
Nói về tri túc, Ngài dẫn chuyện đời Tống Nhân Tông, niên hiệu Hoàng Hựu năm đầu. Nhà vua sai tiểu sứ đem chiếu chỉ đến triệu thiền sư Viên Thông Nột về trụ trì chùa Hiếu Từ. Hồi xưa những thiền hội như chùa Hiếu từ dung chứa hàng nghìn người, vì vậy được sự ủng hộ của triều đình, cá nhân một Phật tử không có cách gì lo nổi. Vì vậy hầu hết các thiền hội, các tùng lâm lớn được vua chọn những bậc anh tài mời về trụ trì để xiển dương Phật pháp. Thiền sư Viên Thông Nột là một vị thiền sư nổi danh đương thời, được tùng lâm quý trọng đến cả triều nội cũng biết. Do đó nhà vua viết chiếu chỉ mời ngài về trụ trì chùa Hiếu Từ.
Thiền sư từ chối với lời lẽ rất khiêm tốn, trước nhất là cáo bệnh, sau tự cho mình là một vị tăng thường, chỉ mong được ở núi rừng, tu hành trọn đời, để đền ơn đàn na thí chủ, đền ơn tổ quốc là quí rồi, đâu dám nhận những việc lớn lao, hoặc đến chỗ sang quí. Có người hỏi: “Nhà vua hiện thời là bậc minh quân, có đạo đức, có tâm ủng hộ Phật pháp. Nhà vua mời ngài về đó, tại sao lại từ chối? Ngài Viên Thông Nột dẫn lời thế này: “Nơi có tiếng tăm lừng lẫy thì khó ở lâu được”. Như chốn triều đình, các bậc anh tuấn hội đủ, nếu mình thiếu tài thiếu đức thì không thể ở lâu, do đó cần phải biết phận mình.
Dù có đạo đức được nhiều người khen ngợi, nhưng mình phải thấy được ưu khuyết điểm của mình để tự chọn cho mình một nơi thích hợp, làm những việc thích hợp với khả năng của mình. Như chúng tôi ở Thường Chiếu, lâu nay sống với ruộng rẫy quen rồi. Bây giờ bất thần có người mời về thành phố ở những ngôi chùa lớn, những tụ điểm của giáo hội v.v… chắc chắn không thích hợp với cuộc sống của mình. Cho nên chúng ta phải biết phận mình. Thấy được mình, biết được mình, làm chủ được mình, đó là những điều cần thiết. Còn thì mọi thứ danh lợi chung quanh, không có gì đáng để người tu bận lòng.
Những bậc thầy đi trước đã đem những kinh nghiệm nhắc nhở chúng ta phải biết tri túc, biết sở đoản, sở trường của mình và phải tuỳ duyên nữa. Nhân duyên hội đủ thì việc khó hóa ra dễ. Nhân duyên thiếu khuyết việc dễ cũng thành khó. Cho nên nắm vững thời tiết nhân duyên là điều rất cần thiết đối với người lãnh trách nhiệm giáo hóa đồ chúng và thừa hành các Phật sự khác.
Nói về tu hành mỗi người phải nhìn lại chính mình. Nhìn lại mình, biết được mình, thấy rõ tập khí hay dở của mình để dứt khoát buông bỏ. Như vậy gọi là người tu hành chân chính. Tất cả mọi việc đều tùy duyên, chúng ta không phủ nhận. Ví dụ một Phật tử từ miền tây hay từ Cam Pu Chia về quy y, học hỏi đạo lý với mình. Thực sự chúng ta không mời họ, nhưng do nhân duyên thầy trò, họ đến học đạo tu tập thì mình mừng, hướng dẫn vậy thôi. Phải biết đó là phương tiện, tự nhiên đời sống chúng ta nhẹ đi những ưu tư, lo lắng này kia. Người biết dùng phương tiện thì không chết trong phương tiện, mới không quên việc chính của mình. Đó là ý nghĩa tùy duyên và tri túc.
7. Thủ tiết
Hòa thượng Viên Thông Nột nói: “Mệnh người què ký thác ở cây gậy, mất gậy thì ngã. Mệnh người qua sông ký thác ở chiếc thuyền, thuyền hư thì chìm. Phàm những người tu học ở chốn lâm hạ, tự mình không giữ gìn lấy mình, nương cậy vào thế lực ngoài là hơn, một mai nếu mất chỗ nương cậy thì đều không thể tránh khỏi được những hoạn nạn như những người bị ngã bị chìm kia.
Lời dạy này rất gần với di huấn của đức Phật: Các vị hãy là cồn đảo của chính mình, đừng chạy mong cầu bên ngoài. Hãy lấy giới luật làm thầy, hãy tự thắp sáng trí tuệ của mình. Thắp lên với chánh pháp… Ở đây, Hòa thượng Viên Thông Nột dạy chúng ta phải biết thủ tiết. Như người què đi không vững thì nhờ cây gậy, nếu thiếu cây gậy họ sẽ bị té ngã. Cho nên cây gậy là chỗ nương tựa của họ. Người qua sông thì cần thuyền bè, cho nên thuyền bè là phương tiện, là chỗ nương tựa không thể thiếu của họ. Cũng vậy, nếu người tu hành lúc nào cũng đợi chờ, tin cậy vào các duyên bên ngoài, không tự mình nỗ lực, tự mình thắp sáng trí tuệ, tự mình là cồn đảo cho chính mình… bất ngờ khi mất hết phương tiện chung quanh, giống như người què không gậy, người qua sông không thuyền, chúng ta sẽ ngã gục.
Lời dạy của Hoà thượng Viên Thông Nột quả thực hết sức thích đáng. Mỗi người chúng ta phải xoay lại mình, tự nương tựa chính mình. Đức Phật từng nói tất cả chúng sanh đều là Phật sẽ thành, như vậy chúng ta có thiếu thốn gì đâu mà tìm cầu nương tựa bên ngoài. Những thứ mình cho là thiếu thốn, thật ra chỉ là những thứ phụ, những phương tiện trong đời sống thôi, còn cái chính thì chúng ta không thiếu. Bởi không thiếu nên đức Phật mới nói “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”. Biết như vậy rồi lúc nào chúng ta cũng tự tin tưởng vào trí tuệ, vào sự chân thành, vào nỗ lực tu hành của chính mình. Kế nữa tin tưởng vào giáo pháp của Phật, vào kinh nghiệm của các bậc đi trước, lúc nào cũng trau dồi học hỏi để áp dụng cho công phu của mình. Chân thành, lúc nào cũng luôn thực hiện như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ là người con Phật xứng đáng.
Tất cả vật chất, tiện nghi chung quanh đời sống chúng ta đều là duyên. Duyên thì lúc có lúc không, không phải lúc nào cũng đủ. Ví như các duyên trong đời sống như cơm ăn áo mặc, thuốc men sách vở… khi đủ, khi thiếu. Thiếu rồi cũng có người giúp đỡ, chúng ta tạm sống qua ngày. Thành ra nó không phải là vấn đề quan trọng. Quan trọng là làm sao hằng ngày chúng ta đủ sáng suốt, tự tin vào khả năng tu hành thành Phật của mình, từ đó chân thành nỗ lực tu hành. Bởi vì ta biết chắc rằng không có đức Phật nào, Tổ sư nào, vị thầy nào không thật với mình. Những kinh nghiệm các ngài để lại là những lời thật, kinh nghiệm thật, thể nghiệm thật. Điều nào thích hợp với mình thì áp dụng, chắc chắn sẽ có kết quả tốt. Và ngay đây trong đời chúng ta từng bước đạt được kết quả.
Phật dạy muốn người ta đừng chửi mình thì mình đừng chửi người ta. Nhưng giả dụ có người chửi mình, mình nhịn không chửi lại. Họ chửi một lần mình nhịn một lần, chửi hai lần nhịn hai lần, chửi ba lần nhịn ba lần… chửi hoài mình nhịn hoài. Chắc chắn một thời gian họ mỏi miệng hết chửi nổi. Nói về duyên thì nó không tụ hội hoài, mà luôn luôn xoay vần. Đến giai đoạn nào đó cũng thay đổi, mình chết người kia cũng chết, hoặc không thì kẻ vô Sài Gòn, người ra Vũng Tàu, mạnh ai nấy đi, chẳng còn ai nhớ tới ai nữa đâu mà chửi. Nghĩ như vậy không có gì phải lo cả. Trái lại, người ta chửi mình một câu, mình chửi lại hai câu. Đôi chối qua lại một hồi thì có chuyện, làng nước xúm tới xem xấu hổ cả đám, không ích lợi gì hết. Cho nên người tu phải nhẫn nhục, đừng nghĩ rằng mình phải hơn người, mà chấp nhận thua đi. Người ta nói thua thiệt nhưng thật ra không phải thiệt đâu, mà là an ổn.
Trở lại điều ngài dạy ở đây, chúng ta đừng nương tựa hay tin cậy bên ngoài, phải biết nó là phương tiện trong một giai đoạn nào thôi. Chúng ta tranh thủ dùng phương tiện đó để thăng hoa cuộc sống của mình, tu tập cho đạt được kết quả như lời Phật dạy. Chúng ta đâu thể làm Tăng Ni hoài thế này. Tu là muốn khi bỏ báo thân này, mình sáng suốt chọn đường mà đi, được tự tại ra khỏi trần lao sanh tử. Chứ đâu phải tôi là trụ trì chùa đó, bây giờ ráng tu để đời sau sanh lên làm trụ trì chùa đó nữa. Như vậy là không tiến, là tu không thành Phật. Chí nguyện của chúng ta là tu để thành Phật, thành Phật từng bước một, chớ không phải để làm trụ trì. Cho nên người ta chửi mình, mình không chửi lại là có thể thành Phật. Người ta nói xấu mình, mình không nói xấu lại v.v... nhịn được tất cả, làm chủ được mình là đã thành Phật rồi.
8. Bách Trượng thanh quy
Xưa kia thiền sư Bách Trượng Đại Trí dựng tùng lâm, lập qui củ là muốn cứu cái tệ bất chánh của thời tượng quí. Nhưng thiền sư không biết rằng, những học giả thời tượng quí lại trộm qui củ của ngài để phá tùng lâm của ngài. Đời thượng cổ người ta tuy ở lỗ ở hang nhưng người người tự giữ luật. Sau thời ngài Đại Trí, tuy người ta ở nhà cao lầu rộng mà người người tự phế. Có người tự nói: “An nguy do đức, hưng vong do số. Nếu như vậy, người giữ được đức thì ở đâu cũng được, hà tất phải dựng tùng lâm. Nếu đạt được lý số thì lúc nào cũng thành lệ pháp, hà tất phải dùng qui củ.
Đây là những lời dạy có tầm quan trọng trong việc lãnh đạo lớn lao. Những vị có trách nhiệm, có đệ tử đông đảo nên nghiên cứu những lời dạy này cho thấu đáo. Nói về luật lệ trong tùng lâm thì từ xưa tới giờ có bộ Thanh Quy của tổ Bách Trượng. Tổ Bách Trượng là đệ tử của Mã Tổ Đạo Nhất. Mã Tổ Đạo Nhất là đệ tử lớn của ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng. Nam Nhạc Hoài Nhượng là đệ tử lớn của Lục tổ Huệ Năng. Như vậy ngài Bách Trượng là cháu đời thứ tư của Tổ Huệ Năng chứ không ai đâu xa.
Ngài thấy sau thời của Lục tổ Huệ Năng, Phật pháp thịnh hành, thiền pháp được truyền bá khắp nơi, tùng lâm phát triển rất nhiều, người xuất gia tu hành và đạt đạo cũng không phải ít. Tuy nhiên trong số tăng chúng xuất gia, những người chưa đạt đạo lại đông hơn nữa. Do đó ngài nghĩ phải có qui củ, làm thế nào giữ gìn được giềng mối, hướng dẫn cho người căn cơ cạn mỏng có thể tu tập tốt hơn. Hạng thượng căn thượng trí nghe một câu liền ngộ, nhưng hạng này không nhiều. Số còn lại không phải bậc thượng thì rất nhiều. Hạng này càng nghe càng lộn xộn, cho nên phải có thiền viện, có thanh quy để hướng dẫn họ theo một đường lối, một chủ trương đàng hoàng. Vì thế phải có quy chế, giống như nhà nước có hiến pháp, giáo hội có hiến chương vậy.
Ngài Bách Trượng do thấy được điều đó nên đặt ra Thanh Quy. Từ Thanh Quy ấy, chư tăng học hỏi và áp dụng trong tất cả các tùng lâm. Cho tới bây giờ, thời của chúng ta cách các ngài thật xa mà cũng còn áp dụng những điều nào cần thiết trong bản Thanh Quy ấy. Chính Thanh Quy ấy giúp cho không ít người căn tánh bình thường tiến lên được Phật đạo. Tuy nhiên cũng có người lợi dung Thanh quy ấy vào những việc riêng của mình, khiến cho đạo pháp rơi vào các tệ tình.
Hoà thượng Viên Thông Nột thấy được điều đó ngay trong thời của ngài, nên mới nói lời này để nhắc nhở chúng ta. Làm thế nào những vị có trách nhiệm áp dụng đúng với thanh quy, để tùng lâm tự viện của chúng ta lúc nào cũng được thanh lọc hóa hàng ngũ tu sĩ, mọi người tu hành trang nghiêm thanh tịnh, sống trên dưới hòa thuận, hòa hợp và tu đúng với chánh pháp. Tất cả chẳng qua các ngài thương chúng ta mà làm ra thanh quy, mà nói những lời này để nhắc nhở khuyên răn.
Giới Tăng Ni Phật tử chúng ta mỗi người tự ý thức, tự mình thanh lọc bản thân. Nếu có duyên sống chung trong một đoàn thể, mọi người đều tuân thủ thanh quy, sống lục hòa, có quy củ, có điều giới giữ thanh tịnh. Nghĩa là làm việc đúng giờ, ăn ngủ, học tập, tu hành… đâu vào đó, như vậy chúng ta mới tiến được. Chứ nhìn vào cái chùa, vào tập thể, thấy trên dưới lẫn lộn, giờ giấc lung tung, không có quy củ gì hết, thì nhất định tập thể ấy tu hành không ổn rồi.
Phần nhân duyên hình thức tuy không quan trọng, nhưng nếu chúng ta không hiểu biết, không tổ chức ổn định thì khó gầy dựng được tinh thần tu hành tốt cho đại chúng. Một khi chúng ta khéo léo sắp đặt được rồi, mình khỏi phải mất thì giờ để giải quyết phần hình thức, mà chỉ tập trung về một mục tiêu duy nhất là nỗ lực tu. Như vậy công phu tu của chúng ta sẽ mạnh, định tuệ sẽ phát triển, mới mong đạt được kết quả tốt đẹp.
Vị trụ trì có trách nhiệm ổn định cơ sở, sắp xếp mọi sinh hoạt của đại chúng hợp tình hợp lý, rồi còn lo tu tập nữa. Càng làm lớn chừng nào càng phải lo tu nhiều chừng nấy. Lên tòa giảng dạy cho đệ tử xong thì đóng cửa tu tập cho chính mình để có đạo đức, có trí tuệ, có đủ điều kiện hướng dẫn người sau. Nếu chúng ta bỏ quên phần này thì giống như chiếc xe không đổ xăng, như bình ac quy không sạc, như cục đá bị mài mòn... Người có trách nhiệm lớn phải tự lo, không thể đổ thừa tôi bận quá, nhiều đệ tử mất thì giờ không tu được. Đệ tử nhiều chừng nào mừng chừng nấy, mình có điều kiện tự tu và dạy người cùng tu. Đủ duyên, có giấy tờ hợp pháp, có hộ khẩu thường trú, cứ nuôi cứ dạy. Người ta đến với mình, tu học đúng chánh pháp, chúng ta hướng dẫn họ trở thành người tốt thì đỡ cho xã hội. Nếu không như thế nó đi long nhong phá làng phá xóm còn nguy hơn nữa. Cho nên tùy duyên, nhưng nhớ lúc nào cũng phải đặt việc tu của mình lên trên.
Muốn làm được việc, chúng ta phải sáng suốt, tự xây dựng, tự lo lắng cho chính mình. Các bậc thầy đi trước đã nêu tấm gương sáng cho chúng ta noi theo. Các ngài bận đủ thứ công việc, nhưng tới giờ ngồi thiền là ngồi thiền, tới giờ tụng kinh là tụng kinh. Để chi? Để lấy lại nội lực. Nếu không, cả ngày xài hết không thêm vào thì hết bình, đâu thể làm gì được nữa. Phải làm sao vừa xài ra vừa thu vào, điều hòa thân tâm. Chúng ta có trách nhiệm mà không chuẩn bị được như thế thì sẽ không còn thì giờ để tu. Thì giờ quý lắm, phải biết dành dụm thì giờ để tu.
9. Dự bị
Hòa thượng Viên Thông Nột nói với ngài Đại Giác: “Thánh hiền xưa trị tâm khi chưa phát sinh, phòng tình khi chưa loạn động. Vì biết dự bị thì không phải lo lắng. Người canh nơi cửa cấm thường thường đánh mõ, báo cho bạo khách biết là mình vẫn có mặt nơi đây. Đó là công việc dự phòng. Công việc có dự bị thì làm dễ, vội vàng thì làm khó. Hiền thánh trước xưa có cái lo chung thân chứ không có cái lo chốc lát, thực là lời nói ám chỉ vào sự dự bị này vậy”.
Bây giờ chúng ta phải dự bị, phải lo trước, làm thế nào trị được tâm mình khi chưa phát sinh, phòng được cái tình của mình khi chưa loạn động. Muốn trị được tâm điên đảo vọng tưởng, chúng ta phải sáng suốt, làm chủ được mình khi nó vừa dấy niệm, bất cứ niệm nào cũng buông bỏ. Chúng ta đi theo sự hướng dẫn của trí tuệ, tu tập như vậy dần dần thuần thục, lời nói, ý nghĩ, hành động lúc nào cũng được trui luyện qua đạo lý của thánh hiền. Bấy giờ mình nói lời gì cũng từ tốn, nghĩ điều gì cũng đúng đắn, làm điều gì cũng tốt đẹp.
Tóm lại trong phần dự bị này, trước nhất người tu phải có trí tuệ, kế nữa phải biết dùng phương tiện. Định hướng của chúng ta là không tu thì thôi, đã tu thì phải thành tựu đạo nghiệp. Nên biết tất cả việc làm trong cuộc sống này đều là phương tiện. Ngay cả chiếc thân chúng ta đang quí trọng đây cũng là phương tiện, nó có mặt và ta xử dụng nó trong một giai đoạn nào thôi. Vì vậy mình phải dự phòng, học hỏi kinh nghiệm cổ nhân, làm thế nào xử dụng được thân tâm, xử dụng thời gian để tu hành cho tới thành Phật mới xong.
Tin mới
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Hối Đường - 28/12/2014 14:27
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Bạch Vân - 21/12/2014 11:55
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Diễn Tổ - 29/11/2014 01:36
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Viễn Công - 14/11/2014 13:21
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Đại Giác Liễn - 26/10/2014 12:55