Công phu trong mùa An cư
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 05 Tháng tám 2014 12:26
Ba tháng mùa hạ, huynh đệ cùng nhau hòa hợp tu học trong một trú xứ, thật là duyên lành cho chúng ta. Huynh đệ gặp nhau, cùng trao đổi, tu tập để đi đến giác ngộ giải thoát cho chính mình và giúp mọi người cùng được như vậy. Đó là tuân thủ đúng theo quy chế tùng lâm từ nghìn xưa. Điều này thật vô cùng quý báu, cần được duy trì và phát huy ngày càng tốt đẹp hơn.
Đối với giáo lý đạo Phật, nếu chúng ta chịu tu hành thì dù bất cứ pháp môn nào cũng có thể giải thoát, cũng có thể thành Phật. Kinh Tứ Thập Nhị Chương ghi lại, có một vị Tỳ-kheo hỏi Phật:
- Bạch đức Thế Tôn, làm thế nào người xuất gia như chúng con có thể biết được túc mệnh và có thể đến được chí đạo?
Phật dạy hết sức giản dị:
- Bao giờ các ông lắng lòng mình trong sạch, giữ gìn ý chí và trí tuệ sáng suốt thì các ông có thể chứng được túc mệnh. Bao giờ các ông quyết tâm dứt tất cả những tham cầu, ngược xuôi, lăng xăng, trong lòng thực sự yên ổn, lặng lẽ thì đến được chí đạo.
Chỉ lời dạy giản dị trong tình thầy trò và bằng tâm thành của mình, chúng ta áp dụng tu tập đúng như vậy sẽ được giải thoát hiện tiền, không mong cầu ở đâu xa xôi. Nói đến đạo Phật là nói đến sự chân thật. Chúng ta phải chân thật với chính mình, vì vậy trong mọi sinh hoạt phải làm sao toát ra được bản chất chân thật. Như thế từng bước chúng ta sẽ thực hiện được chỗ chí đạo.
Hòa thượng Minh Giáo Tung dạy:
- Tôn không có gì tôn hơn đạo, đẹp không có gì đẹp hơn đức. Giữ được đạo đức, tuy là người thất phu nhưng không phải là kẻ cùng khổ. Không giữ được đạo đức, tuy là người ngồi trên thiên hạ, nhưng không phải là người lương thiện. Vì vậy, người tu hành chỉ lo mình không đầy đủ đạo đức, chứ đừng lo mình sẽ không có quyền thế và địa vị.
Minh Giáo Tung là vị thiền sư ngộ đạo trong trường hợp hết sức đặc biệt.
Hồi thời Ngài đi hành cước, tức đi học hỏi kinh nghiệm của các vị tôn túc, Ngài rất siêng năng với chí nguyện làm thế nào đạt được bản nguyện thành Phật của mình. Có thời gian Ngài ở một thiền hội đó, ban ngày làm tất cả việc trong chúng chu toàn. Sau giờ chúng nghỉ, Ngài đội tượng Bồ-tát Quan Thế Âm trên đầu đi kinh hành suốt đêm. Công phu như thế, một hôm Ngài nhận được đạo lý. Vì vậy sau này dạy chúng, Ngài bảo: “Nếu nói về sự tôn quý, thì không có gì tôn quý hơn đạo, nói về cái đẹp thì không có gì đẹp hơn đức”. Điều này chắc rằng mỗi người chúng ta đã nhận được rồi.
“Giữ được đạo đức, tuy là người thất phu nhưng không phải là kẻ cùng khổ”, Ngài khẳng định rõ ràng như vậy. Người có đạo đức tuy ở trong hang cùng ngõ hẻm, trong núi sâu, nhưng các vị ấy là những bông hoa đẹp của cuộc đời, là những hòn đảo quý báu đáng cho mọi người nương tựa. Trái lại, người không giữ được đạo đức, tuy cai trị thiên hạ, nhưng không hẳn là vinh hiển. Do vậy, chúng ta luôn luôn được dạy dỗ phải có đạo đức.
Trong cuộc sống này nếu chúng ta đừng lo nghĩ đảo điên, mà chuyên tâm tu sửa những tập nghiệp xấu của mình, để trở thành một con người tốt là quý lắm rồi. Làm sao chúng ta là những người tu hành chân chính, thực sự có đạo đức, từng bước thực hiện trách nhiệm, công tác của mình cho vẹn toàn mới xứng đáng là người con Phật.
Chúng ta tu hành chân chính, thì dù ở đâu cũng có người đến thưa hỏi đạo lý. Mình chân thành đem những kinh nghiệm, những đạo lý học được, hướng dẫn họ tu tập. Như vậy là quý rồi. Căn bản là làm thế nào chúng ta đầy đủ đạo đức. Dù người tu hay người Phật tử tại gia đều không thể thiếu đạo đức. Vì vậy, Ngài kết lại: “Người tu học chỉ lo mình không đầy đủ đạo đức, chứ đừng lo mình sẽ không có quyền thế và địa vị”. Khi đã có đạo đức, có phần nội tại đầy đủ thì các duyên sẽ theo đến, mọi người quý trọng, vị ấy sẽ làm được việc.
Cái học của Thánh hiền, quyết định không phải học một ngày mà đầy đủ được. Ban ngày học không đủ phải học tiếp ban đêm, gom góp năm này tháng khác tự nhiên mới thành. Người học ngày nay ít khi thốt ra một lời bàn hỏi người khác, không hiểu họ lấy gì giúp ích cho tánh địa và trở thành mỗi ngày thêm mới mẻ.
Thiền sư dạy ngoài đạo đức ra, chúng ta còn phải có học thức nữa. Theo kinh nghiệm của các bậc thánh triết, học thức không phải là học một ngày một bữa, không phải học chương trình một năm hai năm rồi đi thi để có bằng này bằng nọ. Người tu không cho việc ấy là quan trọng. Học cốt để hiểu những ý hay, những kinh nghiệm của các bậc thánh hiền, trước áp dụng cho bản thân, sau nữa đem phổ vào trong đời sống mọi người chung quanh. Ý nghĩa học thức của người có đạo đức là như vậy.
Chúng ta cứ thật tình tu học, không tính kể thời gian, càng tu càng bổ ích cho việc học, càng học càng có kinh nghiệm cho việc tu. Kiến thức có được từ sự trui luyện, thể nghiệm, tu tập của bản thân mới thực sự có giá trị nuôi dưỡng đạo đức của chúng ta.
Ngài nói người thời nay ít nghe bàn hỏi đạo lý, không hiểu họ lấy gì để giúp ích cho tâm địa? Nghĩa là học mà không thấy thưa hỏi, không thấy trao đổi thì không biết làm sao đạt được sở học như thánh hiền.
Trở về với Tăng Ni chúng ta, sinh hoạt hằng ngày, dù có bận rộn bao nhiêu chăng nữa, vẫn còn thì giờ để huynh đệ trao đổi những kinh nghiệm tu hành với nhau. Làm thế nào nắm vững những điểm thiết yếu trong công phu hành trì, đây mới thật là điều quý báu, chúng ta cần cố gắng giữ gìn và phát huy.
Trong cuộc đời tu hành, chúng ta gặp nhiều trắc trở nhiêu khê lắm. Nếu không có bạn, không có thầy, không có kinh nghiệm thì mình sẽ ngã gục thôi. Cho nên khi hội đủ các thiện duyên, chúng ta phải nỗ lực học tập tu hành, chứ thầy bạn không trực tiếp ngộ hiểu cho chúng ta được.
Đức Phật không bắt buộc chúng ta phải thế này thế nọ, thầy của chúng ta cũng không bắt buộc mình như vầy như kia, mà tùy theo duyên, theo căn nghiệp của mỗi người, các Ngài có những phương tiện hóa độ khác nhau. Tuy nhiên phần thể nghiệm, thực chứng là do nơi chúng ta.
Ngày nay nhờ những tấm gương đạo đức, những kinh nghiệm của các bậc thầy để lại, từ đó chúng ta noi theo lo tu, trước là để làm chủ bản thân, sau giáo hóa chúng nhân. Nhất định chúng ta phải tu tới nơi tới chốn, đó là tâm nguyện chung của những người con Phật. Muốn tu tới nơi tới chốn thì phải có kinh nghiệm, có sự học hỏi chín chắn, có ý chí và quyết tâm vững mạnh. Như vậy đường đi nước bước của chúng ta sẽ vững vàng, kết quả tu tập chắc chắn sẽ tốt đẹp.
- HT Thích Nhật Quang -
Tin mới
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Diễn Tổ - 29/11/2014 01:36
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của ngài Viễn Công - 14/11/2014 13:21
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Đại Giác Liễn - 26/10/2014 12:55
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời Dạy của Hòa Thượng Minh Giáo Tung - 02/10/2014 13:50
- NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM - 20/09/2014 09:27