headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Đại Giác Liễn

hoathuongdaigiaclieu1. Học vấn

Vật không giũa không thành vật, người không học không biết đạo. Nay biết người xưa, sau biết được trước, hay bắt chước, dở tự răn. Xem qua sự lập thân nổi tiếng ở đương thời của các bậc tiền bối ít có ai là không do sự học vấn mà thành đạt được.

Người xuất gia mà không chịu học hỏi đạo lý thì lấy gì tu hành, lấy gì hướng dẫn Phật tử. Ở ngoài đời cũng vậy, một dân tộc thiếu học vấn thì dân tộc đó khó giữ được truyền thống quý báu của dân tộc mình.

 

Hiện nay giới Tăng Ni Phật tử chúng ta tuy có học Phật nhưng chưa được đầy đủ lắm. Điều này chư tôn Hoà thượng, các vị có trách nhiệm rất quan tâm và trong hướng tới sẽ cố gắng thực hiện ngày một tốt hơn. Trước mắt ba tháng an cư là thời gian rất quý báu để giới xuất gia và luôn cả Phật tử có điều kiện gặp gỡ trao đổi, tìm hiểu thêm những kinh nghiệm tu hành cũng như hoằng pháp lợi sinh.

 

Người xưa đã dạy muốn hiểu thì phải học, muốn hành tốt cũng phải hiểu. Trong giảng đường Chánh Trí chùa Xá Lợi có hai câu “Học mà không tu là cái đãy đựng sách, tu mà không học là tu mù”. Đó là hai câu của cố Hoà thượng pháp chủ Khánh Anh ghi tặng cho Hội Phật Học Nam Việt. Như vậy, các bậc thầy, các bậc tiền bối đã rất chú trọng đến việc học tập, đặc biệt là giới tu sĩ. Bởi vì nếu chúng ta không nắm vững đường lối tu hành, không hiểu biết tam tạng thánh điển đúng đắn thì không thể tu được, nói gì đến việc hoằng dương chánh pháp, làm lợi ích chúng sanh. Vì vậy việc học không thể thiếu được.

 

Ở đây chư Tăng Ni học trong mùa hạ, sau đó về chùa mỗi vị phải tự nghiên cứu thêm, như vậy mới có chiều sâu. Người xưa nhắc chúng ta muốn làm được việc phải học. Có học mới nói đúng, làm đúng.

 

2. Phật pháp

 

Lý của diệu đạo, thánh nhân thường ngụ ở kinh Dịch. Đời Chu suy, pháp lực của các vị tiên vương hư hoại, lễ nghĩa mất. Sau đó những lời nói trước thuật kỳ lạ thỉnh thoảng tung ra làm loạn phong tục. Đến khi giáo pháp của đức Phật Thích Ca truyền vào Trung Quốc, thường đem Đệ nhất nghĩa đế chỉ bảo cho người mà trước sau dựng lên hạnh nguyện từ bi để hoá độ chúng sinh. Đó cũng là hoà theo kịp thời vậy”.

 

Ở đây nói rằng, nếu giáo pháp của Phật là những học thuyết tạp nham, không phải phát xuất từ trí tuệ chân thật của Phật Tổ và các bậc thánh hiền thì chắc rằng giáo pháp ấy không đem lại lợi ích thực sự cho chúng sanh. Song chúng ta thấy rõ, Phật pháp đi tới đâu cũng đều giúp cho người dân ở đó được nhiều lợi ích thiết thực. Vì vậy giáo pháp của đức Phật truyền dạy lại được nhân loại xem là chân lý, điều này quả không sai. Bởi vì rõ ràng chúng ta càng thật tâm nghiên cứu, học hỏi và tu tập chừng nào thì càng thấy ích lợi, giá trị của nó rất cao quý. Đặc biệt giáo pháp này phải được thể nghiệm ngay nơi bản thân mình mới thấy được sự kỳ diệu của nó. Chúng ta chỉ hiểu thôi, mà hiểu cũng chưa tới nơi tới chốn nữa, làm sao thấy được những ích lợi thiết thực và giá trị cao tột của nó. Vì vậy người quyết tâm tu, quyết tâm thực hiện trọn vẹn giáo pháp, mới gặt hái được những kết quả đúng như lời Phật Tổ dạy.

 

3. Dứt lòng tham và thực hành hạnh lợi tha

 

Người làm chủ một phương, muốn thực hành lẽ đạo mà mình đã có được để làm lợi cho người, trước tiên cần phải đánh đổ lòng tham muốn của chính mình để ra ơn cho người, nhún lòng mình xuống đối với hết thảy mọi giai cấp và coi vàng lụa như phấn thổ. Được như thế, đương nhiên bốn chúng sẽ tôn kính và hướng về mình”.

 

Ở đây nói người làm chủ một phương, muốn thực hành lẽ đạo mà mình đã có được để làm lợi cho người, trước tiên cần phải đánh đổ lòng tham muốn của chính mình. Nghĩa là những ham thích, những dấy khởi mong cầu... phải được đánh đổ, dẹp sạch hết. Lại còn phải ra ơn cho người, nhún lòng mình xuống với mọi người. Tất cả những mong muốn ham thích đều buông hết, làm chủ được mình và hạ mình đối với tất cả chúng sinh, sống một đời khiêm nhường. Chỉ lấy trí tuệ và từ bi để làm ích lợi chúng sanh. Được như vậy người bốn phương sẽ ngưỡng mộ, quy hướng về.

 

Tuy nhiên điều này cũng tuỳ duyên tuỳ cảnh thôi. Người xưa nói thẳng như vậy, nhưng thực sự ít ai thực hiện trọn vẹn. Tuỳ theo duyên, tuỳ theo cảnh, chúng ta làm bằng lòng thành của mình. Một vị trụ trì trước nhất là chân thật tu hành. Thứ hai, nếu có ai tới học hỏi, mình cũng thật lòng chỉ bày đúng theo đạo lý. Thứ ba, trong đời sống hằng ngày luôn khiêm nhường. Nếu sống được ba điều nêu trên, chắc chắn vị ấy cũng được mọi người tôn sùng kính mộ.

 

Nhiều vị nghĩ rằng, người tu phải khôn ngoan, lanh lợi, có bằng cấp cao, có những công tác quan trọng trong giáo hội mới lãnh đạo được. Hiểu như vậy chưa hẳn là đúng. Thông thường, Phật tử hay không phải Phật tử nhìn vào người tu, ý niệm đầu tiên của họ là người tu phải hiền. Chỉ hiền hoà thôi là đã chiếm được cảm tình của mọi người rồi, không nói những điểm khác. Trong cái hiền ấy thể hiện đạo đức, sự thâm trầm định tĩnh, trí tuệ sáng suốt. Cho nên đánh giá một tu sĩ không thể y cứ trên khoa bảng mà là trên phẩm chất, phần cốt lõi bên trong. Người hiền lành chân thật, tùy theo sự hiểu biết của mình mà trình bày. Điều nào biết thì nói, không biết thì thôi, không bắn bổng hay khoa trương sáo rỗng. Chúng ta có đời sống đạo sâu lắng, chân thật, thì sự nghiệp truyền thừa Phật pháp, giáo hoá chúng sanh chắc chắn sẽ thành tựu tốt đẹp.

 

4. Dè dặt những tai hoạ

 

Các bậc tiền bối có tư chất thông minh nhưng không biết lo nghĩ về sự an nguy. Trường hợp mà những tai hoạ xảy đến với thiền sư Uẩn Thông ở chùa Thạch Môn và xảy đến với thiền sư Liễu Thuần ở chùa Thê Hiền đáng làm gương để răn dạy chúng ta. Xong như vậy thì định nghiệp của nhân sinh khó minh biện chăng? Xét rõ căn nguyên của nó thì biết rằng sự việc xảy ra chỉ do ở chỗ sơ xuất khinh mạn và không lo nghĩ xa xôi thôi. Cho nên có sách nói: “Hoạ hoạn nấp ở chỗ ẩn vi, nhưng phát sinh ở chỗ sơ xuất của con người. Đem việc đã xảy ra của hai vị thiền sư, cũng như lời nói trên đây mà quan sát thì chúng ta càng nên cẩn thận và lo sợ”.

 

Chuyện của thiền sư Uẩn Thông như thế này. Khi ngài ở chùa Thạch Môn Tương Châu, thường hay gom góp chữ viết và thi văn của cổ nhân, đóng thành tập, thành pho để mình đọc học. Đó là thú riêng của ngài. Một hôm, viên quan thái thú ở Tương Châu vào chùa chơi, trông thấy mới sai người đến mượn ngài những văn phẩm ấy. Mượn ba lần mà ngài không cho. Viên thái thú giận, sai người mời ngài về quận đường và đánh ngài. Chúng ta thấy, tai hoạ do đồ chơi gây ra như thế.

 

Khi ngài về, chúng tăng ra đón bên đường, vị Thủ toạ tới trước ngài hỏi thăm: “Tại sao vô cớ viên thái thú lại làm nhục Hoà thượng?” Ngài lấy tay chỉ xuống đất mà nói: “Đất bằng nổi đống xương”. Bỗng nhiên có đống xương đùn lên cao ba thước, theo chỗ ngài chỉ tay. Viên thái thú nghe biết, cho người ra gạt bỏ đi, nhưng gạt đến ba lần đống xương ấy vẫn cứ đùn lên như cũ. Viên thái thú lo sợ ngày đêm và trong tháng ấy cả gia đình ông đều chết trong cơn bệnh ngặt nghèo.

 

Bởi đây là vị thiền sư đắc đạo, nên lời nói của ngài có giá trị rất lớn. Chúng ta chưa phải người đắc đạo nên không biết, chứ những vị có trí sáng thấy rõ nhân quả báo ứng trong hiện tiền. Cho nên khi ngài nói như vậy là biết cái quả không tốt đã đến với gia đình Thái thú. Ở đây các bậc tiền bối nhắc nhở chúng ta cẩn trọng, dè dặt ngay từ trong cái nhân. Bởi vì tai họa luôn ẩn ở chỗ ẩn vi, tức là trong chỗ nhỏ nhặt kín đáo, vì vậy chúng ta phải dè dặt, phòng bị. Đừng để đến khi nó xảy ra tai hoạ rồi, chống đỡ không kịp.

 

Chúng ta làm thế nào chuẩn bị được ngay trong chỗ ẩn vi? Hay nhất là vừa có một niệm khởi lên, làm việc gì kỳ lạ hơn thiên hạ thì thôi, mình vui vẻ bố thí niệm đó đi. Bố thí có nghĩa là mở rộng ra, ban cho, đừng chấp giữ nó nữa. Mình có những đồ quý, đừng nói là quan quyền mà bạn hữu mượn, mình không cho họ cũng giận, cũng kiếm chuyện nói xấu mình. Cho nên chỉ vì sở thích vui chơi riêng mà chuốt tai hoạ, chúng ta cũng nên tránh.

 

Câu chuyện trên cho chúng ta thấy, bất cứ một việc làm lớn nhỏ nào cũng phải cẩn trọng. Người có trách nhiệm, nên để tâm nhiều về việc tu học của chính mình, dè dặt từng chút ý niệm, lời nói, hành động, không thể lơi lỏng, không thể sống buông thả như mọi người. Làm thầy thiên hạ cực lắm. Quí vị có làm thầy thì biết rõ điều này.

 

Thiền sư Hiểu Thuần ở Vân Cư, quận Nam Khang, tự là Lão Phu. Ngài họ Hồ ở Thuỵ Châu. Ngài nối pháp thiền sư Động Sơn Phong, thuộc đời thứ 10 phái Thanh Nguyên. Khi ngài trụ trì chùa Thê Hiền ở Lô Sơn, sau chùa có nhiều cây lớn. Viên thái thú vào đây thăm, thấy thế muốn cho người đến đốn cây ấy đem về làm công sở. Ngài không cho. Sau bị người cáo gian cho ngài, viên thái thú làm nhục ngài, bắt ngài hoàn tục và mặc áo thường dân.

 

Trước đây ngài có quen với Hoà thượng Đại Giác ở kinh đô, ngài vào kinh để thăm Hoà thượng Đại Giác. Khi ngài đi có hai lực sĩ cáng ngài đến cửa chùa La Hán, chúng bỏ ngài đó và trở về. Trở về chúng nói với nhau rằng: “Ông này bây giờ có còn là trưởng lão của chùa ta đâu mà chúng ta cáng đi xa”. Ngài vào tới kinh, gặp Hoà thượng Đại Giác, Hoà thượng hết sức cung kính ngài. Một hôm vua Nhân Tông sai tịnh nhân làm cơm cúng dường chư tăng. Các tịnh nhân thấy Hoà thượng Đại Giác hầu ngài hết sức cung kính, họ về tâu lại với nhà vua. Nhà vua mời ngài vào cung khen ngợi là bậc đại sĩ, liền viết vào cái quạt “Không có lỗi lầm, được trở lại làm tăng và về ở chùa Thê Hiền như cũ”.

 

Đó là chuyện của thiền sư Hiểu Thuần. Đại khái trong vườn chùa có nhiều cây lớn, những cây này trước để làm cảnh, sau để phòng bị khi cơ sở hư hao, lấy đó mà tu bổ. Viên quan thái thú đến chơi thấy những cây ấy, cho người tới hạ đem về làm công sở. Hoà thượng hết lời giải thích nhưng quan không nghe. Vị này không hạ được cây sinh tức giận. Một hôm nhân có cớ sự gì đó, ông liền cho người tới bắt Hoà thượng về, rồi ra lệnh không được tu nữa, phải mặc áo thường dân, tức làm nhục ngài. Nhưng ngài là vị tu hành chân chánh được nhiều người quý trọng, nhất là thiền sư Đại Giác đang ở tại kinh đô.

 

Thiền sư Đại Giác biết sự việc đó nên dùng phương tiện nhỏ để thức tỉnh viên quan. Nhân ngày nhà vua thiết trai cúng dường chư tăng tại chùa Đại Giác, ngài Đại Giác đóng vai một vị thị giả cung kính hầu hạ thiền sư Hiểu Thuần như hầu thầy mình. Các quan trong triều tới cúng dường thấy lạ, về tâu lại nhà vua. Quốc vương mời ngài lên hỏi đạo, mới biết đây là một bậc chân tu đạo cao đức trọng. Vì vậy vua viết vào quạt tặng, nói ngài không có tội, được trở lại làm tăng và về chùa cũ như thường. Nhờ đó ngài hết nạn.

 

Gặp nạn như thế, bình thường chúng ta bảo vô cớ, nhưng xét về sâu xa, có lẽ ngài cũng kết chút duyên nợ sao đó. Tuy nhiên, trong đạo Phật nói nghiệp có thể chuyển được. Muốn chuyển được nghiệp chúng ta phải có trí tuệ, có đạo lực. Trường hợp ngài Hiểu Thuần chuyển nghiệp bằng cách nào? Bắt hoàn tục, chấp nhận hoàn tục, bắt mặc áo dân, chấp nhận mặc áo dân, nhưng tâm niệm tu hành không bỏ, vẫn là một nhà tu. Không hận thù, không có bất cứ một tâm niệm nào xấu, vẫn sống bình thường. Nhờ giữ vững tâm niệm và công đức tu hành đó, cho nên mới gặp duyên tốt, có những người bạn đủ điều kiện giúp đỡ mình vượt qua khó khăn.

 

Điều mà chúng ta cần phải nhớ là dù bị nhục, bị thay đổi hình thức, bị khó khăn trong một khoảng thời gian nào đó, lòng mình luôn trong sáng, chân thành, thật tâm tu hành, không có niệm nào khác. Đó chính là công đức để cứu mình ra khỏi hiểm họa, chớ không phải lo lắng, sợ hãi chạy chọt đầu này đầu nọ mà có thể thoát khỏi ách nạn. Những kinh nghiệm trên đây giúp cho chúng ta rất nhiều trong đời sống tu hành, nhất là trong hoàn cảnh đòi hỏi người có trách nhiệm phải vận dụng đến trí tuệ để ứng xử khi đối diện với các chướng duyên. Người tu phải nhớ chỉ có lòng thương, sự tha thứ, mới tạo dựng đời sống an vui tốt đẹp, giúp đỡ nhau vững tiến trên con đường giải thoát.

 

5. Giản dị

 

Thuấn Lão Phu phú tính giản trực, không biết đến các việc quyền hành của cải. Hằng ngày ngài có khoá biểu nhất định và không bao giờ thay đổi chút nào. Dù rằng đến việc thắp đèn, quét đất, ngài cũng đều tự làm lấy. Ngài thường nói: “Cổ nhân có lời răn: “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Nếu tôi làm trái, tôi là người thế nào?”. Tuy thân hình ngài đã trở về già nhưng chí khí ngài càng bền. Có người nghi ngờ hỏi: “Sao ngài không sai người chung quanh làm?”. Ngài Thuấn Lão Phu đáp: “Thân thể tôi giờ đây đã trải qua sự lạnh nóng thay đổi, ngồi dậy bất thường, tôi không muốn làm mệt người khác”.

 

Đây là một tấm gương sáng chúng ta cần phải học tập, noi theo. Các bậc cổ đức tu hành nghiêm túc, đến già cũng không muốn làm nhọc ai, tự mình giải quyết việc của mình. Có người xin được cung phụng hầu hạ, ngài nói chư tổ đã dạy “Một ngày không làm, một ngày không ăn”, nên không dám trái lệnh.

 

Cổ đức ghi lại gương hạnh này trong Bảo Huấn là nhắm vào công phu tu hành của chúng ta. Làm sao chúng ta nhìn lại mình, biết được mình và tự khắc phục những cái dở của mình. Đối với tất cả mọi người chung quanh nên mở rộng lòng, tha thứ hết, không dùng sự hiểu biết của mình bắt người ta phải thế này, thế nọ. Khắc kỷ khoan nhân là tâm niệm và phương châm sống của người tu.

 

6. Chân thật

 

Ngài Thuấn Lão Phu nói: “Truyền giữ đạo Phật, điều quý trọng hơn hết là hết thảy phải chân thật. Phân biệt tà chánh, trừ bỏ vọng tình là cái thuật trị tâm. Biết nhân quả, rõ tội phúc là cái thuật của đạo lý. Mở rộng đạo lý, tiếp đón người từ các phương tới là cái thuật của trụ trì. Lượng tài năng, mời giữ việc là cái thuật dùng người. Xét nói làm, định nên không, là cái thuật cầu hiền”.

 

Chúng ta muốn truyền bá, giữ gìn đạo Phật thì phải chân thật, đó là gốc không thể thiếu được. Phân biệt tà chánh, trừ bỏ vọng tình là cái thuật trị tâm. Đem lời này áp dụng cho chính bản thân chúng ta thì từng phút giây, phải dùng trí tuệ của mình soi rọi lại, xem những vọng tưởng xấu dở còn hay không. Nếu còn thì cố gắng tu tập thật nhiều cho sạch hết. Với công đức tu hành của chúng ta, theo thời gian nó bị tiêu diệt, không sinh trưởng, không phát triển. Chúng ta tu được như vậy là tu hành chân chánh.

 

Chúng ta giữ mấy trăm điều giới, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ sự chân thật, sự xét nét của mình. Khi xét thấy còn niệm xấu, chưa khắc phục được thì biết mình chưa giữ giới thanh tịnh. Người có sức mạnh, có trí tuệ, vừa dấy một niệm không hay liền tỉnh sáng dừng lại, đó là người giữ giới thanh tịnh. Vị ấy được xem như đã thọ tâm giới, giữ tâm giới, hoàn toàn thanh tịnh, làm chủ được mình.

 

Những người có trách nhiệm trước nhất phải trị tâm của mình. Trị ngay từ các dấy niệm ban đầu. Kế nữa là biết nhân quả, rõ tội phước. Mỗi người là chủ nhân tạo ra các nghiệp quả, từ nhân đó đưa đến quả đó, chúng ta biết chắc như vậy. Biết thế rồi thì nhân nào đưa đến quả xấu nhất định không làm. Dù làm điều đó được lợi lộc tới đâu chăng nữa, chúng ta cũng phải gan dạ bỏ đi, như vậy không bao giờ có quả không tốt đến với mình. Điều này quý thầy cô phải giảng dạy thật rộng, thật nhiều để hướng dẫn giới Phật tử.

 

Người con Phật, không luận là xuất gia hay tại gia, hiểu rõ nhân quả, sống đúng nhân quả thì người ấy có thể biết được tương lai của mình như thế nào. Nếu người không bao giờ làm những nhân xấu, người này đang từ chỗ bình thường bước lên đài vinh quang. Còn dù người có vinh dự bao nhiêu mà không nắm được nhân quả, gây bừa nhân không tốt thì chắc rằng, người ấy từ chỗ vinh quang đi dần vào chỗ khổ đau. Phật tử không hiểu luật nhân quả, cứ chạy đầu này đầu kia, cầu khẩn chỗ này chỗ nọ, càng chạy càng mệt. Ai có thể ban bố sự an vui cho mình được đâu. Nhân quả do chính mình tạo ra thì mình phải gánh chịu.

 

Như có người nói tôi cả đời làm lành, mà gia đình cứ gặp chuyện này chuyện kia, bệnh hoạn đủ thứ hết. Thưa vấn đề nhân quả còn có cái mốc quá khứ nữa. Có gì lạ đâu, đời trước vị ấy cũng làm lành làm phước, nhưng sơ hở một khoảng nào đó gây nhân không tốt, bây giờ quả không tốt chen vô, chấp nhận trả đi rồi hết. Chúng ta vay nợ thì phải trả nợ, chắc chắn như vậy. Đó là điều mà tất cả quý Phật tử phải hiểu.

 

Mở rộng đạo đức, đón tiếp người từ các phương tới là cái thuật của trụ trì. Trụ trì là gì? Người ta thường nói trụ trì là người làm dâu bá tánh. Thành ra phải mở rộng đạo đức đón tiếp người từ các phương. Việc này cũng tùy theo duyên của mỗi vị, không phải ngày nào chúng ta cũng mở cửa chùa để ai muốn vô thì vô, tối cứ bỏ cửa chùa, ai muốn làm gì thì làm. Nói đạo đức tức vị trụ trì sáng suốt áp dụng đúng theo tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật.

 

Lượng tài năng, mời giữ việc là cái thuật của dùng người. Đây là nói trong phạm vi nhỏ trong chùa, những vị trong chùa là đệ tử hoặc huynh đệ của mình. Muốn tổ chức trong chùa tương đối ổn định, vị trụ trì phải biết khả năng riêng của mỗi người, sắp đặt việc cho đúng. Ví dụ người giỏi về thuốc men mà để họ đi chợ nấu cơm thì uổng lắm. Người nào có khả năng ấy, mình chọn đúng cho họ làm thì khỏi phải lo gì hết, chỉ ngồi nghe báo cáo và nhắc nhở những ưu khuyết điểm cho họ thôi.

 

Sự sắp đặt hằng ngày ổn hết, việc nào ra việc đó, thì chúng ta yên tâm tu hành. Trong chùa ai chịu trách nhiệm về hành chánh, ai chịu trách nhiệm về thủ quỹ, ai chịu trách nhiệm về cơ sở, mỗi người mỗi việc. Hằng ngày chúng ta theo dõi, việc nào còn thiếu sót chúng ta nhắc nhở, bổ túc thêm. Việc nào tốt đẹp chúng ta khuyến khích để họ làm, đâu đó rõ ràng. Sự sắp đặt của chúng ta được như vậy thì mới khoẻ.

 

“Người không giữ được đức chân thật thì chỉ là tự giới thiệu hư danh mà không có ích gì về đạo lý. Vì vậy, người biết giữ chí không thay đổi và việc làm hợp lý, chỉ cần ở chỗ thành thật. Nếu giữ được đức chân thật, không thay đổi, thì dù gặp lúc bình thường hay trắc trở cũng có thể đạt được nhất trí”.

 

Người thật tâm vì đạo thì không cần đến hư danh. Ngược lại những vị không giữ đức chân thật, khoe khoang sáo rỗng mà thực chất chẳng làm được gì cả, người này trọn không có lợi ích cho Phật pháp, không thể gọi là người có đạo đức. Cho nên người tu rất cần đức thành thật, giữ ý chí, lập trường, không thay đổi bất nhất, chắc chắn sẽ thành công trên đường đạo.

 

7. Chí khí

 

Thuấn Lão Phu nói với ngài Viễn Lục Công ở Phù Sơn: “Muốn nghiên cứu đạo nhiệm mầu vô thượng, khi khốn cùng chí khí phải càng bền, lúc già yếu chí khí phải càng mạnh, không nên theo đòi, bám víu vào thanh danh quyền lợi để chôn vùi chí đức của mình. Viên ngọc quý trong suốt thì màu xanh tím cũng không làm phai mờ được nguyên chất của nó. Cây thông quen lạnh giá hàng năm thì sương tuyết không làm điêu tàn được tiết tháo của nó. Thế nên tiết nghĩa là đức lớn trong thiên hạ, chỉ có ngài Viễn Lục Công là bậc siêu việt đáng chuộng, há ngài không tự cường. Cổ nhân nói, chim Bằng tung cánh bay một mình, phong thái cao hơn bạn. Câu ấy hợp với chí khí của ngài vậy”.

 

Ngài Viễn Lục Công tức là thiền sư Pháp Viễn Viên Giám ở Phù Sơn, Thư Châu. Ngài họ Vương ở Trình Châu, ngài nối pháp thiền sư Diệp Huyện Qui Tỉnh. Ngài Pháp Viễn thường cùng với bảy tám vị khác như là Đạt Quang Vĩnh, Tiết Đạt Đầu v.v... thường sang nước Thục, mấy lần gặp trở ngại về thủ tục giao lưu, ngài Pháp Viễn đều dùng trí thông minh khéo léo mà thoát khỏi, nên các vị gọi ngài là Viễn Lục Công. Diệp Huyện tức là quản giáo huyện thuộc Diệp Huyện Nhữ Châu, do thiền sư Quy Tỉnh làm chủ pháp. Thiền sư Quy Tỉnh họ Giả ở Ký Châu, ngài nói pháp thiền sư Thủ Sơ Niệm, Hoà thượng đời thứ 9 của phái Nam Nhạc. Tính tình ngài rất mực khô khan, đạm bạc và nghiêm mật, tăng chúng đều sợ.

 

Ngài Phù Sơn Viễn và ngài Thiên Y Hoài nghe cao phong của ngài liền rủ nhau đến tham thiền. Gặp mùa nghiêm đông (mùa trở tuyết, lạnh thấu xương) hai vị tới lễ thiền sư. Thiền sư múc nước tát ướt hết và đuổi đi. Các vị khác đều đi hết, duy chỉ có hai vị cứ ngồi yên đấy, không dậy. Thiền sư đuổi mãi vẫn không đi và nói: “Hai chúng tôi muốn tới tham thiền nơi thiền sư, nên không vì gáo nước mà bỏ về”. Thiền sư nói: “Thực tâm tham thiền à, cho vậy”. Cất hành lý và cử ngài Phù Sơn Viễn giữ chức Điển toạ, trông coi vật thực trong chùa.

 

Nhân khi thiền sư ra ngoài, ngài Phù Sơn Viễn thấy tăng chúng quá khổ, mới lấy nước dầu và miến nấu cho chúng tăng dùng. Khi thiền sư về biết được, bắt ngài Phù Sơn Viễn phải bán áo mà đền và còn đuổi ra khỏi chùa. Các bạn hữu xin cho Phù Sơn Viễn, tuy ra khỏi chùa nhưng được vào nghe pháp, thiền sư cũng không cho. Dù vậy, ngài Phù Sơn Viễn vẫn ra ngoài ở trọ mái hiên ngoài phố chứ không đi xa. Một hôm thiền sư đi ra phố trông thấy bắt phải nộp tiền thuê trọ. Ngài Phù Sơn Viễn lại đi xin tiền để trả đủ số tiền ở trọ. Thiền sư Quy Tỉnh thấy thế, công nhận là người có pháp khí, thực tâm tham thiền, nên liền gọi về chùa, lên thượng đường trước chúng tặng trao cho y bát và pháp hiệu”.

 

Ngày xưa các thiền sư trải qua giai đoạn thử thách trong thời đi hành cước đến như vậy, mới tin chắc khả năng kham nhận việc lớn. Thiền sư Quy Tỉnh bấy giờ nổi tiếng là người hành đạo khắc khổ hơn các nơi. Lúc này Phù Sơn Viễn còn là học tăng cùng một số các bạn đến tham học. Đến nơi ngài Quy Tỉnh xử sự hết sức tệ, mùa đông lạnh lẽo, trở tuyết như vậy mà dùng nước lạnh tạt ướt hết, rồi đuổi đi. Nếu là chúng ta, bao nhiêu đó cũng đủ quải gói đi rồi. Vừa đi vừa lầm bầm nữa chứ, ông thầy gì mà tàn nhẫn v.v... Nhưng ngài Phù Sơn Viễn không đi đâu hết. Ngài thưa chúng con đến đây để tham thiền học đạo với Hoà thượng, nên đuổi mấy cũng không đi.

 

Hoà thượng thấy được quyết tâm tham thiền, cho nhập chúng cử làm điển toạ, tức người chịu trách nhiệm về vật thực trong nhà bếp. Thấy trong chùa sống khắc khổ quá, đợi Hoà thượng đi vắng, ngài lấy một ít dầu nấu với miến cho chúng tăng ăn. Hòa thượng về nghe chuyện kêu lên bắt tội, buộc Phù Sơn Viễn phải bán y trả lại tiền miến và dầu, rồi đuổi ra khỏi chùa. Bạn hữu xin bao nhiêu cũng không được, cuối cùng chỉ xin mỗi lần Hoà thượng thăng đường thuyết pháp thì cho Phù Sơn Viễn được vào chùa nghe pháp. Hòa thượng cũng không chịu. Ngài Phù Sơn Viễn bây giờ phải đi, nhưng không đi xa, ngài ra ngoài phố gần trước chùa ở nhờ mái hiên của người ta, tìm cách gần gũi với thầy để được học đạo. Ý chí của ngài thật đáng cho chúng ta khâm phục.

 

Một hôm Hoà thượng đi ngang gặp, bảo ở như vậy là gian lận, bắt phải tính thuế trả cho chủ nhà. Ngài một lần nữa đi kiếm tiền trả nợ ở trước hiên nhà người. Ngặt nghèo như thế mà Phù Sơn Viễn vẫn không thối chí nản lòng, cần cầu đạo pháp. Sau chuyện đó Hoà thượng mới nhận ngài thật xứng đáng là bậc pháp khí. Cho nên kêu về chùa thượng đường, họp chúng lại truyền y bát cho Phù Sơn Viễn. Chúng ta thấy người xưa học đạo khó khăn như vậy mà ý chí vẫn bền vững, không chút lay chuyển.

 

Người xưa dùng nhiều thử thách vô cùng mạnh bạo, sử dụng những chiêu thuật huấn luyện đệ tử thật cứng rắn. Nếu người nào chịu đựng nổi, sau đó mới cho kế thừa sự nghiệp. Cho nên bất thần quí vị thấy thầy của mình có thái độ, cử chỉ khác thường thì biết, coi chừng thầy thử mình. Ví dụ hôm nào Ni sư mắng xối xả vào người đệ tử lớn thì người đệ tử lớn đó phải biết, hôm nay thầy thử mình để giao nhiệm vụ trụ trì lại đây. Đừng có bị mắng rồi bực bội, nói thầy thế này thế nọ, thầy già rồi mà sao còn nặng nghiệp quá… thì trật lất. Như vậy thầy không tìm được đệ tử mà đệ tử cũng không hiểu thầy.

 

Ngài Phần Dương cũng là một thiền sư nổi danh đương thời, có rất nhiều đệ tử anh kiệt. Ngài sử dụng tuyệt chiêu để đưa những người đệ tử ấy vượt lên một bước nữa. Một hôm ngài kêu Tri sự lại nói “Bữa nay là ngày cúng ông già tôi, ông hoan hỷ sắm cho tôi một mâm rượu thịt”. Thầy Tri sự không dám cãi lời, đi chợ mua rượu thịt về nấu nướng, tới giờ dọn lên cúng. Cúng xong ngài nói “mời đại chúng vì tôi, hôm nay đánh chén một bữa”. Chúng nghe lệnh đó là ngán hết, trong lòng bất bình “Trời ơi, ông thầy của mình hôm nay nổi chướng lên rồi!”, không ai dám dự tiệc. Ngài tự nhiên ngồi ăn thịt, uống rượu tỉnh bơ. Qua mâm rượu thịt đó, bảy tám trăm chúng đi hết, chỉ còn lại mấy người thôi. Ngài thăng toà nói: “Ta chỉ cần một mâm rượu thịt là đã tống cổ được một đám không ra gì”. Bấy giờ những người còn lại mới hiểu ngài, ngài liền truyền tâm pháp cho họ. Đó, những chiêu thuật của người xưa là như vậy.

 

Nêu ra như thế để làm gì? Để tăng thêm ý chí cho chúng ta trên con đường học đạo. Bởi vì trong khi hành đạo, chắc chắn chúng ta sẽ gặp nhiều điều không như ý, những khó khăn, bất hạnh, trái lại với bản nguyện của mình. Song với người tu chân chánh, quyết tâm đạt đạo, thì dù khó khăn bao nhiêu cũng vượt qua, cũng khắc phục để thực hiện trọn vẹn bản nguyện của mình. Người xưa như vậy, chúng ta bây giờ cũng thế thôi, theo một đường đó mà làm, khó khăn gì cũng phải vượt qua.
 

 

- HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]