headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NGHIÊM HUẤN TÙNG LÂM-Lời dạy của Hòa thượng Hối Đường

hthoiduong1. Tri cơ

Ngài Bạch Vân đầu tiên trụ trì chùa Thừa Thiên ở Cửu Giang, sau này dời về chùa Viên Thông, khi ấy Ngài còn ít tuổi. Bấy giờ ngài Hối Đường ở chùa Bảo Phong nói với ngài Nguyệt Công Hối: “Vị tân trụ trì chùa Viên Thông là người thấy suốt nguồn gốc một cách rõ ràng, thực không hổ là người nối pháp của ngài Dương Kỳ. Nhưng tiếc rằng Ngài ra trụ quá sớm, chẳng phải là phúc của tùng lâm”. Nhân đó ngài Công Hối mới hỏi: “Tại sao vậy?”. Ngài Hối Đường nói: “Công danh mỹ khí, tạo vật thường tiếc không muốn cho người ta được hoàn toàn. Người ta cố mong muốn được điều ấy thì tạo vật cướp đoạt lấy”. Đến khi ngài Bạch Vân mất ở chùa Hải Hội thuộc Thư Châu, năm ấy Ngài mới có năm mươi sáu tuổi. Các thức giả cho ngài Hối Đường là người biết cơ vi, thực là bậc triết nhân vậy.

 Người tri cơ là người biết được việc phải làm. Chúng ta không thể làm một việc mà không biết hậu quả của nó, làm mà còn mơ hồ, chưa vững niềm tin. Nếu cưỡng làm, gượng làm, kết quả có được cũng chỉ tạm thời, chưa kể đôi khi mắc phải tai họa. Vì vậy khi nhận lãnh công tác, chúng ta phải tự xét xem khả năng của mình có thể thực hiện được công tác đó không? Không thể thiếu sự hiểu biết và niềm tin nơi chính mình.

Ở đây kể lại khi ngài Bạch Vân mới về trụ trì chùa Thừa Thiên, có bậc tôn túc khen vị tân trụ trì này là người xứng đáng, nhưng ra làm Phật sự sớm quá, e không có lợi nhiều cho tùng lâm. Quả thực như vậy, ngài Bạch Vân chỉ thọ được năm mươi mấy tuổi thôi. Luôn luôn người tài, người có khả năng thì thọ mệnh ngắn. Nêu lên vấn đề này để cho chúng ta thấy không có gì hoàn toàn như ý, được cái này thì mất cái kia. Con người cũng vậy, được phần này lại kém khuyết phần kia.

Trong việc lãnh đạo hướng dẫn Tăng Ni Phật tử tu hành cũng thế. Người thì giảng hay, người có đời sống đẹp, người tổ chức giỏi…, không ai giống ai hết. Điều quan trọng là chúng ta biết sử dụng sở trường của mình làm ích lợi cho Phật pháp, đừng nghĩ đến quyền lợi riêng tư. Với một tâm nguyện chung là tiếp nối ngọn đèn Phật được sáng mãi trên đời. Bởi vì đó là ánh sáng duy nhất để đưa chúng sanh ra khỏi hầm hố chông gai, đến chỗ an ổn thực sự.

Chúng ta tích cực đối với trách nhiệm, nhưng phải nhớ việc tu hành của mình. Như trường hợp ngài Bạch Vân, sống có năm mươi mấy tuổi thôi. Nếu chúng ta hăng say làm việc, hẹn tới sáu bảy mươi tuổi mới tu thì không kịp rồi. Do đó phải tu ngay trong việc làm, chăm chút cho đạo lực của mình phát triển tương xứng với công tác bên ngoài. Như vậy năm mươi tuổi theo Phật cũng được, ba mươi từ giã cuộc đời cũng xong, hoặc sống đến bảy tám mươi cũng tốt. Bởi vì lúc nào mình cũng chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế ra đi rồi, không phải quýnh quáng khi việc ấy đến.

Cái khổ của chúng sanh là sự đổi thay, luật vô thường chụp tới xoay ngược nguyện vọng của chúng ta, mà mình không chống đỡ kịp. Nguyện vọng gì? Muốn có thời gian dài làm thật nhiều việc ích lợi cho mọi người, cho xã hội, muốn sống lâu để tu tập… nhưng trái lại cuộc vô thường không cho hẹn. Muốn thì muốn nhưng tuỳ theo duyên phúc của mình, không phải muốn hai mươi phần trăm được hai mươi phần trăm, muốn năm mươi phần trăm được năm mươi phần trăm, không bao giờ có chuyện đó. Thân thể này luôn bị cái bại hoại vô thường mài dũa, thúc đẩy, không ai muốn bệnh tật, nhưng có khi cũng đi nằm nhà thương… khổ vậy. Những bất hạnh luôn chờ chực bên cạnh chúng ta, xê một chút là rơi vào một trong những bất hạnh.

Vì vậy Phật dạy chúng ta lúc nào cũng phải bình tĩnh, sáng suốt, tin chắc nhân quả. Mình chuẩn bị tối đa, nhưng lỡ xảy ra chuyện ngoài sức tưởng tượng, ngoài sự chuẩn bị âu cũng là nhân quả. Do nghiệp nhân nào đó trong đời quá khứ len vô, khiến có hậu quả không tốt như vậy. Bây giờ mình cũng phải sáng suốt bình tĩnh để trôi tròn việc tu và các công tác Phật sự. Như vậy mới bình an trong hiện tại và mai sau. Người nắm vững nhân quả sẽ có sức mạnh kham nhẫn, có bản lĩnh phi thường vượt qua mọi chướng duyên. Từ đó mới hướng dẫn người sau đi đúng theo con đường Phật dạy.

 2. Tự thắng mình

 Ngài Hối Đường tham học cùng ngài Nguyệt Công Hối ở chùa Bảo Phong. Ngài Công Hối thấy rõ ý chỉ sâu xa của kinh Lăng Nghiêm, được coi là bậc “Hải thượng độc bộ”. Ngài Hối Đường mỗi khi nghe được một câu một chữ như là được một viên ngọc báu, vui mừng khôn xiết. Trong hàng tăng đôi khi có một số người bàn trộm về Ngài. Ngài Hối Đường nghe được, nói: “Rút tỉa sở trường của người, mài giũa sở đoản của mình, mình hiềm với họ làm chi”. Ngài Anh Thiệu Vũ nói: “Sư huynh Hối Đường học đạo được các tăng sĩ tôn trọng mà còn lấy sự tôn đức tự thắng làm hơn và cho những điều chưa thấy chưa nghe được làm thẹn hổ, khiến cho tùng lâm tự mở rộng ra mà thu hẹp người ta vào chỗ có khuôn phép, như thế sẽ có sự bổ ích lớn lao vậy”.

Ý của đoạn này dạy chúng ta phải có sự sáng suốt để thắng vượt tất cả trở lực gây trở ngại, phiền não cho chúng ta trên bước đường tu tập. Phiền não không có hình thức gì hết, nhưng nó làm đình đốn việc tu hành, đình đốn luôn các Phật sự của chúng ta nữa. Phiền não quá còn làm cho chúng ta sanh bệnh. Như bệnh bao tử là do phiền não, suy nghĩ buồn bực nhiều nên ăn không tiêu. Bao tử sình lên thì mệt. Do mệt ngủ không được, thế là càng buồn phiền. Càng buồn phiền càng đau bao tử. Lẩn quẩn lần quần, ngày càng tệ hơn, không thể điều trị được nếu không có công phu tu hành, không có sự tỉnh giác.

Chúng ta đã biết phiền não không thật, không có hình tướng, nhưng nếu thiếu sáng suốt thì không thể vứt bỏ đi đâu. Nó cứ hiện diện, đuổi không được. Có người nói muốn vui mà vui không nổi. Đó là vì phiền não vây bủa, không thể làm chủ được. Là người tu chúng ta phải dứt khoát làm sao chiến thắng phiền não. Việc gì cần suy nghĩ thì suy nghĩ, không cần thì thôi. Dẹp. Mạnh dạn như vậy nó mới ngán chứ. Mình phải làm việc, phải tu mà bây giờ còn gánh thêm phiền não nữa thì làm sao làm nổi. Nhất định không thể nào cùng một lúc làm nhiều việc như vậy. Cho nên chúng ta phải lọc lừa, bỏ đi những gì không cần thiết trong đời sống của mình.

Các thiền sư hay nhắc chúng ta: Ông suy nghĩ làm gì những điều phi pháp, phi lý, ôm ấp những thứ ấy làm chi? Tại sao không vận dụng trí tuệ để biết tận cùng gốc rễ của nó là không thật. Phật dạy phải vận dụng trí tuệ Bát-nhã, nhìn thấu tất cả hiện tượng bên ngoài, luôn cả thân này là giả. Khi chúng ta thấy được lẽ thực của các pháp rồi sẽ chấm dứt phiền não. Trái lại, một suy nghĩ không đúng chánh pháp sẽ dẫn chúng ta đi tới chuyện ăn không ngon, ngủ không yên.

Có học nhân hỏi thiền sư Huệ Hải:
- Thế nào là Thiền?
Ngài đáp:
- Đói ăn mệt ngủ.
- Mọi người cũng đói ăn mệt ngủ, chẳng lẽ họ thiền hết sao?
- Tuy vậy, nhưng không phải thiền.
- Vậy thế nào mới là thiền?
- Tới giờ ăn thì ăn, không nghĩ trăm thức ngon. Tới giờ ngủ thì ngủ, không gát tay lên trán suy nghĩ chuyện quá khứ vị lai. Như vậy là thiền.

Ở đây muốn nhấn mạnh đến chỗ biết việc. Chúng ta đang làm việc gì chỉ biết việc đó thôi. Những nghĩ tưởng, những niệm dấy lên trong tâm phải dẹp liền, tập trung làm một việc duy nhất. Đây là điều hết sức khó khăn chúng ta mới khắc phục được. Quí vị thử xét lại xem, từ sáng tới chiều mình bị kéo lôi bởi bao nhiêu thứ vọng tưởng. Hết suy nghĩ này tới suy nghĩ kia, niệm này vừa lặn niệm kia dấy lên, làm việc này chưa xong lại tới việc khác v.v... cứ như vậy. Chúng ta như người đứng trước ngã tư đường, đàng nào cũng muốn đi hết, nên bị cấu xé kéo lôi trăm chiều.

Nhà thiền không cho phép chúng ta sống như vậy. Làm việc gì chỉ chuyên việc đó, nhất định làm tới nơi tới chốn. Được như vậy chúng ta sẽ thành công trong việc tu hành, trong các Phật sự khác. Đó là người tự thắng mình. Ở đây khen vị tăng sĩ có tư cách mô phạm, có đạo hạnh, đồng thời cũng khiêm hạ, học những kinh nghiệm quý báu của người trước, lắng nghe ý hay của người sau. Luôn luôn sáng suốt tỉnh táo, không bị bất cứ phiền não, dấy niệm nào kéo lôi. Nghĩ bậy không cho nghĩ, cần nghĩ thì nghĩ, không cần nghĩ thì thôi. Kiên quyết mạnh dạn, có như vậy mới đi vào chiều sâu của việc tu hành.

Phiền não ngủ ngầm trong chúng ta, không biết nó ở trên đầu hay trong tim trong ngực, mà hễ động tới là nó nhảy ra liền. Khi nó nhảy ra mình đỏ con mắt, nóng cái đầu, tức cái ngực, ngộp cái tim v.v... nó qua rồi mình cũng không biết nó ở đâu, phiền não ẩn trong mỗi chúng ta rất khó đuổi, khó trị. Chỉ có sáng suốt tu hành, đầy đủ đạo lực mới trị được. Đó là nói về tự thắng mình.

3. Mưu định

Sự quan yếu của trụ trì là nên chọn lấy những sự có ý nghĩa xa rộng và nên biết những sự nhỏ nhặt gần gũi. Những việc mà mãi chưa giải quyết được thì nên hỏi bậc lão thành. Những việc còn ngờ vực thì nên hỏi người hiểu biết. Ví dù có chỗ chưa hiểu biết hết cũng không đến nỗi phải tranh luận nhiều. Kỳ hoặc, người chủ ưa thích lòng riêng tư tự dụng và tự giữ lấy việc cho tuỳ ý, một mai gặp mưu kế của tiểu nhân thì tội ấy sẽ về ai. Cho nên có chỗ nói “Mưu tính cần nhiều người và quyết đoán thì chỉ một mình. Mưu tính cần nhiều người vì nhiều người có thể quan sát được đến chỗ cùng cực của sự lợi hại. Quyết đoán chỉ một mình, vì nó có thể đặt định được sự phải trái nơi tùng lâm”.

Việc quan yếu của trụ trì là chọn lấy những việc có ý nghĩa xa rộng, bớt đi những tiểu tiết nhỏ nhặt, những việc không cần thiết. Nội chuyện này thôi chúng ta cũng cực nhọc lắm mới làm được. Nghĩa là chúng ta phải ngồi ngay ngắn nhìn bằng cái tâm thật sáng, mới thấy được việc nào là việc nhỏ, việc nào là việc đáng làm, việc nào sâu xa có ích lợi cho đạo và cho đời. Chứ không thì chúng ta cứ bộp chộp lăng xăng vì vọng niệm dấy khởi hoài. Trong nhà thiền nói người tu “Đi như trâu”, “Nhìn như cọp”. Nghe nói con cọp muốn ngó là phải quay cả đầu theo hướng nó nhìn, nghĩa là nhìn thẳng chớ không thể liếc háy được. Người tu cũng như thế, nhìn thẳng như cọp, đi chững chạc như trâu.

Mỗi người có một năng lực, một khả năng riêng. Cho dù ta có suy nghĩ nát óc đi nữa thì khả năng của mình tới đó, nó cũng chỉ chừng đó, không phải suy nghĩ nhiều mà làm được việc đâu. Nghĩ trăm phương ngàn kế chỉ khổ não thôi. Trong cuộc sống này, những việc thiết thực trước mắt, chúng ta nên sáng suốt nhìn cho thật sâu, thật rõ, việc nào đáng làm thì làm, việc không đáng làm thì bỏ qua. Việc đáng làm nhất của chúng ta là gì? Là “Sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc”. Việc sống việc chết là việc quan trọng nhất. Vô thường nhanh chóng, không tha không hẹn, không báo trước ai. Đó là việc lớn mà chúng ta phải làm phải lo. Việc này không ai có thể lo thế, làm thế mình được. Giả như cha mẹ giàu có muôn hộ, tài sản chất đầy cũng không thay thế ta được. Thầy Tổ cũng chỉ nhắc nhở “Con ráng tu”, chớ không thế ta được.

Trong nhà thiền có câu “uống nước lạnh nóng tự biết”. Vì vậy chúng ta không nên ỷ lại, không thể dễ duôi yếu đuối trông cậy vào bất cứ một thế lực nào bên ngoài. Luôn luôn kiện toàn sức mạnh, kiện toàn đạo lực cho mình. Nếu con mắt đạo chưa sáng phải làm sao cho sáng, chưa tốt phải phấn đấu cho tốt. Như thế mới mong giải quyết được vấn đề sinh tử sự đại, vô thường tấn tốc. Các thiền sư nói “Sinh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”, là vì các ngài làm chủ được mình suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không một phút giây nào lơ lỏng. Các ngài cũng sống, cũng ăn, cũng mặc, cũng làm, cũng thuyết pháp, cũng dạy đệ tử, cũng đi đó đi đây như chúng ta, nhưng các ngài làm chủ được. Cho nên thấy sanh như đắp chăn đông. Mùa đông có thêm chăn ấm để đắp còn gì sướng bằng.

Tử như cởi áo hạ. Mùa hạ nóng bức cởi được chiếc áo ra thì khoẻ biết mấy.

Chúng ta sống lăng xăng lộn xộn, nên giờ tử biệt đến cũng lăng xăng lộn xộn. Đáng lẽ thân bại hoại này rã, mình vui vẻ vì đã thoát khỏi cái khổ bức bách của nó, nhưng ta lại không làm được chuyện đó. Sắp chết, con người vẫn cố hết sức để níu kéo cái bại hoại ấy. Chỉ có phàm phu mới làm như thế, các bậc thánh nhân thì không. Các ngài thấy rõ cái nào bại hoại cần phải bỏ, cái nào chân thật cần phải nhận. Chỉ sống với cái chân thực, còn cái bại hoại tạm thời sử dụng, nương nó tu tập cho chính mình. Đến lúc nó mãn, mình chào từ giã, không phải bận bịu quyến luyến gì. Như vậy mới đúng chân tinh thần của người tu hành.

Chúng ta đặt định việc làm nào chân chính thì làm, không trông cậy vào ai, không nương tựa ai. Ngoài các công tác Phật sự ra, những phút giây riêng mình, như về đêm phải toạ thiền, niệm Phật, tụng kinh… tu tập pháp môn của mình, cái đó phải bỏ túi, không chia cho đệ tử được. Bây giờ huynh đệ năm bảy chục người đông đảo vui vẻ, nhưng đến lúc bỏ cuộc đời này mà đi, chỉ đi một mình thôi. Cho nên mỗi người phải tự đảm đương lấy.

Người chủ ưa thích lòng riêng tư tự dụng và tự giữ lấy việc cho tuỳ ý, một mai gặp mưu kế của tiểu nhân thì tội ấy sẽ về ai. Trọng trách của người có chút ít trách nhiệm, trước khi làm việc gì nên xét nét cho thật kỹ, đừng dùng cái ý “của tôi”. Phật nói cái ý của mình như khỉ vượn, lúc thì vầy lúc thì khác. Thành ra đừng bao giờ tin cái ý của mình, mà phải soi rọi đạo lý chân chính để bổ sung cho cái ý của mình. Như vậy việc tiếp nhân độ chúng, việc xử lý trong tùng lâm mới chân chánh.

Như trong chùa có mười đệ tử, mình đừng bao giờ nhìn chúng bằng con mắt thịt này. Bởi vì không phải đứa nào cũng như đứa nào. Đứa thì xấu, đứa thì đẹp, đứa thì khéo léo, đứa thì vụng về v.v... Người thầy phải có cái nhìn tổng quát, dung hoà để độ hết mười đứa đệ tử. Nếu mình chỉ nhìn bằng con mắt riêng, bằng cái ý của mình, thì chỉ độ đứa vừa ý, còn những đứa khác bỏ đi đâu, trong khi nó cũng là đệ tử của mình? Chẳng lẽ phải ngồi thiền, phải quán chiếu, phải thấy các pháp như huyễn mới thương nó nổi? Nó nói ra lời nào, đi đứng kiểu nào mình cũng chói tai gay mắt, không lẽ đóng thùng gởi nó đi đâu, cũng phải dạy nó thôi. Duyên thầy trò mà! Sử dụng từ bi, trí tuệ để uốn nắn mình trước rồi dạy dỗ nó sau.

Lẽ ra những đứa như vậy chúng ta càng phải lưu tâm nhiều hơn. Nó đã gây nhân gì, nên thần tướng có vẻ sân si hoặc xấu xí như vậy, bây giờ nó tới nương tựa mình, ta phải giúp cho nó chuyển đổi thân tướng ấy. Do đó đối với mười đứa đệ tử, lúc nào chúng ta cũng phải công bằng, nghe thì nghe hết. Đứa mình thương lên mách chuyện gì mình cũng nghe, đứa không thương lên mách chuyện gì cũng vui vẻ lắng nghe. Sau đó dùng sự định tỉnh sáng suốt quyết định dạy dỗ. Như vậy chúng mới phục tùng vâng theo, đạo thầy trò mới vẹn toàn.

4. Lợi sinh

Ngài Hối Đường không đi dự cuộc lễ theo lời mời của chùa Qui Sơn. Ông Trần Oánh Trung huyện Diên Bình gởi thư khuyên rằng: “Cổ nhân trụ trì không có chức sự mà chỉ lựa chọn người có đức vào chức sự ấy. Người đương gánh vác chức sự ấy, quyết phải đem đạo lý mà mình đã tu chứng được để giác ngộ cho nhân dân nơi địa phương ấy, chứ hoàn toàn không phải dùng quyền thế địa vị, thanh danh lợi dưỡng để cải biến. Nay người tu học, đại đạo chưa rõ mà đều chạy theo dị học, trôi vào danh tướng, liền bị thanh sắc quấy động. Như thế, người hiền kẻ bất tiếu chung cùng lẫn lộn, không thể phân biệt rõ ràng được. Chính lúc này cần có các bậc lão thành còn giữ được lòng trắc ẩn cho đạo là trách nhiệm của mình. Để thay đổi lại tình thế, như ngăn chặn trăm sông, đừng cho thuận dòng xuôi chảy, thực không khó vậy. Nếu các vị lui về tìm cầu sự vắng lặng, cho được an nhàn, đó là cái tốt của sự độc thiện kỳ thân, nhưng chẳng phải là chỗ tùng lâm trông mong nơi các Ngài vậy”.

Nhân ngài Hối Đường không đi dự lễ theo lời mời của chùa Qui Sơn, có vị bình luận rằng muốn được người giúp đỡ, phải có sự liên hệ với người, chứ đóng cửa ở nhà hoài thì ai biết mà giúp cho. Trong phần giao tế của chùa, của Thiền viện, chúng ta không thể không biết tới. Người ta nói cửa chùa rộng mở, bởi vì chùa là nơi mọi người, mọi giới đều có thể đến để lễ bái, học tập hoặc tìm sự thư thái cho tâm hồn. Đến rồi họ về, ít nhất cũng có ý niệm tốt đẹp với chùa. Cho nên chúng ta không có quyền đóng cửa, cũng không có quyền tiếp người này mà không tiếp người kia. Điều này rất khó cho các thầy trụ trì. Mình không muốn như vậy mà lỡ rơi vào tình thế này thì thật là khổ.

 Ví dụ từ sáng tới chiều nhiều việc mệt nhoài, khoảng bốn năm giờ chiều mình mới nghỉ được một chút. Lúc ấy có vị cư sĩ nghèo lắm đến yêu cầu quý thầy tụng dùm thời kinh. Nếu lúc đó mấy đứa đệ tử nói thầy đóng cửa rồi, không tiếp thì nguy. Không được, phải cố gắng tiếp họ, người nghèo dễ mặc cảm lắm, không khéo chúng ta sẽ làm cho tâm Bồ-đề của họ lui sụt. Cho nên làm trụ trì cực chứ, khó lắm. Làm sao người khá giả, có chức quyền đến mình cũng bình thường vui vẻ, người nghèo cùng khổ sở đến mình cũng vui vẻ bình thường, không bỏ ai hết. Như vậy mới đúng là lợi sinh.

Trần Oánh Trung là một ông quan, tên thật là Trần Liễu Quyền, tự Oánh Trung, hiệu Hoa Nghiêm. Đời Tống Huy Tông ông đậu tiến sĩ, đầu tiên trấn nhậm huyện Diên Bình, sau làm thừa tướng, rất lưu tâm về Không tông của Phật giáo. Đây là một vị cư sĩ đắc pháp trong tùng lâm, nên có những đóng góp với vị tân trụ trì. Theo ông, người giữ cương lĩnh trong tùng lâm, đối với láng giềng phải có tình giao hữu. Việc chính của người trụ trì trước tiên là có đạo đức, có trí tuệ, hướng dẫn giáo hoá quần chúng hợp thời hợp cơ. Với việc giao tế chung quanh, tùy thời khéo léo, tuy nhiên đừng để bị mất mình trong công tác này.

Ở đây nhằm huấn luyện cho những vị có trách nhiệm lớn trong tùng lâm, làm việc vừa có tình có lý, vừa tốt cho đạo mà cũng xây dựng được cuộc đời. Bây giờ người ta dùng từ “Tốt đạo đẹp đời”. Nhất là những ngôi chùa nằm lẫn trong phố thị. Dĩ nhiên việc tối lửa tắt đèn của bà con quần chúng Phật tử, nếu cần chúng ta cũng phải giúp đỡ, không thể lơ là được. Quý thầy cô gần gũi, giúp đỡ và giáo hóa cho Phật tử hiểu nhân quả, sống đúng với tinh thần Phật dạy thì thật là quí báu. Vì vậy sự hiện hiện của những ngôi chùa ở tại khu phố rất quan trọng.

5. Dùng người

Ngày kia ngài Hối Đường thấy ngài Hoàng Long có nét mặt không vui, nhân đó ngài Hối Đường đón hỏi duyên cớ. Ngài Hoàng Long đáp: “Chưa tìm được người giám thu. Hối Đường bèn tiến cử phó tự Cảm. Hoàng Long nói: Cảm còn thô bạo, sợ bị kẻ tiểu nhân mưu hại. Hối Đường thưa: Vậy có thị giả Hoá tánh tình hơi liêm cẩn. Ngài Hoàng Long nói: Thị giả Hoá tuy liêm cẩn nhưng không bằng tạng chủ Tú là người có độ lượng mà trung thành”. Ngài Linh Nguyên thường hỏi ngài Hối Đường: “Không hiểu sao ngài Hoàng Long chỉ cần dùng một chức giám thu mà lo nghĩ quá như thế”. Ngài Hối Đường nói: “Từ khi có nước có nhà đến nay, ai cũng đều phải xét kỹ trong sự được người và dùng người làm căn bản. Đây há riêng gì ngài Hoàng Long làm như thế, mà các bậc tiên thánh cũng từng răn dạy như vậy”.

Đây là nói đến cách dùng người. Ngài Hoàng Long chỉ cần người giám thu tức là thủ quỹ, mà suy nghĩ không biết đặt chức này cho ai. Ngài rất đông đệ tử, nhiều vị có thể làm thầy thiên hạ rồi, nhưng ngài vô cùng cẩn thận khi tìm vị thủ quỹ cho tùng lâm. Thành ra khi dùng người, chúng ta không nên bộp chộp đặt trách nhiệm không đúng khả năng, sở trường của họ. Đặt người không đúng chỗ chẳng những không có lợi mà còn có hại. Thà là đừng giao việc, chứ giao việc mà nhầm người thì hư việc. Trong chùa vị thầy biết khả năng của từng đứa đệ tử, đứa tế nhị nhã nhặn, đứa nói năng ồn ào, đứa giao thiệp giỏi giang v.v... tuỳ khả năng, sở trường của mỗi đứa mà giao việc. Như thế mọi việc sẽ thành tựu dễ dàng, đồng thời ai nấy đều vui vẻ, hết lòng hết sức với Thầy tổ, với Tam bảo.

Chọn thủ quỹ cho một ngôi đại tùng lâm cần phải rất cẩn trọng. Bởi vì nếu vị giám thu không bình đẳng, người thương thì thấy lý do xin tiền của họ chánh đáng, hoan hỷ mở tủ đưa. Còn người không thương thì bất luận lý do nào cũng thấy không chính đáng nên không cho. Như vậy là không được. Lại giữ tiền bạc của công cần phải trong sạch, không có lòng tham, không cất chứa riêng cho người thân, biết việc nào cần chi, việc nào không cần chi, kín đáo và nhu nhuyến khi chi thu.

 Vì vậy ngài Hoàng Long nói “Phó tự Cảm tánh tình thô bạo, sợ có kẻ tiểu nhân mưu hại”. Thô bạo nên ai tới xin tiền là la, người ta ngán quá đi, dù chuyện chánh đáng cũng không muốn xin. Người thẳng bẵng thô bạo như vậy sẽ mất lòng thiên hạ. Mất lòng thiên hạ, với người sáng suốt thì không nói chi, nhưng với kẻ tiểu nhân họ sẽ tìm cách hại. Nói đến thị giả Hoá thì ông này nghiêm cẩn nhưng còn nhỏ, nên kinh nghiệm không bằng tạng chủ Tú, người từng chịu trách nhiệm lãnh đạo công tác lớn.

 Việc cắt đặt trong chùa đòi hỏi đến sự sáng suốt, khéo léo và nhất là bộ não của vị lãnh đạo phải ổn định. Cắt đặt sai, việc làm không kết quả là chúng ta gánh lấy hậu quả nguy hiểm. Do đó muốn ổn định việc gia đình, việc trong chùa, hoặc luôn cả xóm làng xã hội, cái hay của người lãnh đạo là nhìn thấy khả năng, sở trường của từng người rồi cắt đặt việc cho họ, đâu đó khít khao, vừa vặn, chính đáng. Như vậy sẽ được kết quả tốt đẹp như ý.

Phật nói “Con người là giả, cuộc đời là tạm, mọi thứ đều giả tạm”. Nghe thế nhiều người có thái độ buông xuôi, không ổn định sinh hoạt cuộc sống, mặc tình phóng túng buông lung. Như vậy là không đúng. Các pháp tuy giả tạm nhưng chúng ta cũng còn ăn, còn sống, còn nói năng, còn làm việc, còn các duyên liên hệ chung quanh… Nếu cho rằng giả tạm rồi buông hết, thì mọi thứ sẽ hỗn độn, mất trật tựï, con người sống không có đạo đức, không tôn ti chi hết. Cho nên dù giả tạm, cuộc đời mỏng manh, nhưng trật tự, đạo lý, đời sống con người cần phải được thăng hoa, người tu chúng ta cần phải tu tập nhiều hơn mới có thể giải thoát khỏi cõi tạm này được chứ! Một khi chúng ta chưa giải quyết xong cuộc sanh tử thì các thứ giả tạm đều có phân biệt lành dữ, tốt xấu, thiện ác… rõ ràng. Người còn bị nghiệp sai sử kéo lôi thì còn luân chuyển mãi trong cái vòng giả tạm lẩn quẩn ấy. Cho nên phải biết chọn con đường tốt để mà đi, đừng để chuốt khổ vào thân vì sự si mê lầm lạc.

6. Tinh tiến

Ngài Hối Đường nói với ông Cấp Sự Chu Thế Anh: “Khi tôi mới vào đạo thì tôi tự thị là đạo rất dễ. Sau khi tôi yết kiến tiên sư Hoàng Long, tôi nghĩ lại về những việc thường dùng của tôi đối với đạo lý, tôi thấy nó mâu thuẫn rất nhiều. Tôi liền gắng sức thực hành trong ba năm, dù gặp mưa lạnh buốt hay nắng gắt tôi vẫn bền chí không dời, và sau đó tôi mới thấy được sự sự như lý. Ngày nay dù là khi tôi ho hắng hay huơ tay cũng đều là như ý của tổ sư từ phương Tây lại”.

Ngài Hối Đường nói với cư sĩ Chu Thế Anh là quan Cấp Sự, từng học đạo nơi ngài Hoàng Long, khi ngài mới vô đạo tưởng chuyện tu hành không khó khăn. Nhưng từ lúc vô chùa rồi, mới thấy sự hiểu biết hồi xưa không đúng. Càng ở trong đạo, càng tu chừng nào càng thấy nhiều thứ phiền toái, mâu thuẫn? Từ đó ngài nỗ lực, tinh tấn nhiều hơn, tự khắc phục những xấu dở của mình. Một năm, hai năm, ba bốn năm sau, dần dần ổn định. Đây chính là tinh thần cốt lõi trong đạo pháp. Giải quyết từ tâm giải quyết ra, chứ không phải giải quyết theo các hiện tượng bên ngoài. Gốc là tâm ổn định, trí tuệ hiện tiền, chúng ta sáng suốt mới giải quyết được mọi việc ổn thỏa tốt đẹp.

Cho nên đạo lý không thể nói bằng miệng, bằng sự khéo léo của văn tự mà đòi hỏi dụng công, hạ thủ công phu, sự thể nghiệm của chính mình. Đạo lý thực chỉ xuất hiện từ đây. Đạo lý thực là gì? Là thực tướng của muôn pháp. Con người như vậy. Cuộc đời như vậy. Nghiệp tập của chúng sanh không ai giống ai, tất cả đều bị lực vô thường chi phối mãnh liệt. Muốn giải quyết ổn những hiện tượng ấy, trước nhất ta phải ổn định cái tâm của mình. Từ tâm ổn định ta thấy các pháp giả tạm, không thực, nên không đắm trước, không mê lầm chạy theo nó nữa. Như vậy mới là người có đạo lực.

Trong đạo, tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá công phu tu tập của một hành giả là “Tám gió thổi không động”. Giản dị thôi. Bây giờ không nói thầy ngồi thiền cả ngày hay không ngồi thiền, không nói thầy tụng kinh suốt đêm hay không tụng kinh… không đặt vấn đề đó mà làm thế nào tám gió thổi không động. Tám gió là gió lợi, suy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc. Bị người ta chửi mắng hay được người ta công kênh lên... đều bất động. Đó là gió thổi không động. Muốn thế tâm mình phải ổn, trí phải sáng. Tâm mà không ổn, gió vừa thổi hiu hiu một chút là mình bay mất tiêu rồi.

Như gió suy chẳng hạn, ngày trước một năm mình thu thập bao nhiêu lợi lộc, bây giờ trong thời gian kinh tế suy sụp, chẳng những không thu thập được mà bán dần tài sản. Với tình huống này, nếu người không có tu tập thì rầu rĩ, than van lỗ lã, hao hụt… đủ thứ chuyện. Chúng ta đa số có điểm dở này, than thôi là than! Không phải chỉ than, mà còn ăn không được, ngủ không được. Lúc nào cũng xìu xìu rầu rầu, không làm được việc gì, đi đứng lững thững không ra chi hết.

 Người tu gặp phải những trường hợp này thì sao? Vẫn bình thường, nhân duyên như vậy. Chúng ta đâu thể nắm đứng thời gian, hoặc giải quyết nhân quả một cách ngoại lệ. Mình không có năng lực đó. Mình chỉ là một chiếc lá, một cọng cỏ trôi giạt trong dòng luân hồi sanh tử. Cái khó là làm sao đừng bị tấp bên này, bị giạt bên kia, đừng mục nát giữa dòng, đừng bị người ta vớt, như vậy mình sẽ trôi suôn tới bể cả. Vấn đề tu hành của chúng ta là thế. Muốn tu hành tới nơi tới chốn, đừng ốp bên này, đừng kẹt bên kia, đừng bị mục nát giữa dòng, đừng có “bán đồ nhi phế” v.v... thì mới đi đến bến bờ giải thoát an vui.

Cho nên hoàn cảnh thay đổi, chúng ta vẫn vui vẻ. Hồi xưa bổn đạo làm ăn phát đạt, mình cũng tổ chức tu hành. Bây giờ làm ăn không được, mình cũng khuyên họ tu hành, nhắc nhở họ ứng phó với hoàn cảnh theo luật nhân quả, dùng ý chí và nghị lực để vươn lên, không nên ngồi đó lo lắng rầu rĩ vô ích. Chúng ta làm tận lực như vậy nhưng còn tùy theo duyên phúc nữa, còn nghiệp chung nghiệp riêng nữa. Nói về nghiệp chủng thì có cộng nghiệp và biệt nghiệp. Biệt nghiệp là nghiệp riêng của từng người. Cộng nghiệp là nghiệp chung của một cộng đồng nhiều người. Như chúng ta là người Việt Nam, cùng chung chịu sự thăng trầm của đất nước, của dân tộc, của thời đại mà mình đang chung sống. Thành ra ngoài cái chung còn có cái riêng. Cái riêng của mỗi người ảnh hưởng đến cái chung.

Cho nên nếu chúng ta không sáng suốt thì cuộc đời hết mắc mứu cái này đến vướng kẹt cái kia, không lúc nào hanh thông. Chủ trương của đạo Phật là giải thoát. Giải thoát là sao? Là ngay trong cuộc sống này, dù lợi suy, dù được ca tụng hay bị huỷ báng v.v… ta vẫn cười, vẫn tự tại, vẫn an nhiên. Như thế gọi là giải thoát. Người tu hành không thể chạy trốn xã hội, không thể thiếu trách nhiệm với xã hội, mà phải vừa thực hiện nghĩa vụ của một người dân, đồng thời từng bước tạo tư thế an lạc thanh tịnh giải thoát cho chính mình, nghĩa là không phiền não, tâm an ổn thực sự.

 7. Bất đồng

 Ông Chu Thế Anh hỏi ngài Hối Đường: “Người quân tử không mai có chút sai lầm nhỏ, thì những người nghe thấy hay trông thấy đều chỉ mục không ngớt. Trái lại, kẻ tiểu nhân suốt ngày tạo ác mà không bị như thế là sao vậy”. Ngài Hối Đường đáp: “Đức của người quân tử như viên ngọc quí, nếu trong viên ngọc ấy tự nhiên sanh ra vết tức nhiên phải hiện ra ngoài, và người trông thấy viên ngọc ấy như thế coi là kỳ dị, nên không thể không chú ý được. Còn kẻ tiểu nhân hằng ngày họ chuyên làm những lỗi ác thì cần nói làm chi”.

 Câu hỏi của cư sĩ Chu Thế Anh, ngày nay cũng có nhiều Phật tử đặt ra với quý thầy cô. Nhiều vị tu sĩ cũng thắc mắc không kém, chẳng hạn mình sợ nhân quả, sợ tội, sợ đủ thứ chuyện, rồi còn phải giữ 250 giới, 348 giới, thúc liễm oai nghi, lúc nào cũng sống gò bó trong giới luật. Vậy mà hở một chút thiên hạ chê dèm đủ thứ. Tại sao người đời làm những chuyện phi pháp, chuyện ác v.v.. mà không ai nói hết? Theo lời dạy của chư tổ, người tốt giống như viên ngọc sáng, có một chút tỳ vết liền mất giá trị. Nếu là sỏi đá, không phải ngọc thì thôi, nói làm gì nữa.

 Phật tử hay người khách quan bình luận về chúng ta vì mình là người đại diện cho đạo đức, tu hành thanh tịnh. Do đó có một chút sơ suất, người ta liền bình phẩm để mình cố gắng giữ gìn trọn vẹn phẩm chất cao đẹp đáng trân quý kia. Người thế tục tạo nhiều nghiệp xấu ác thì thôi, nói làm gì nữa, họ vốn nhơ nhớp sẵn rồi, bây giờ nhơ thêm một chút nữa có sao đâu. Bởi vì người ta xem đó là vật đã bỏ đi. Cho nên lúc Phật pháp hưng thịnh, chúng ta tu hành đàng hoàng, Phật tử ủng hộ mình. Lúc Phật pháp suy đồi, chúng ta tu hành không đàng hoàng, thì cũng chính Phật tử khó dễ với mình, chứ không ai khác.

 Người tu luôn luôn bị Phật tử để ý, nếu tu tốt họ khen ngợi lễ lạy, cúng dường, nếu tu không tốt họ chê bai, phỉ báng, xua đuổi. Xưa nay luôn như vậy. Như người đời đi lỡ đường, đói bụng có thể vô bất cứ quán nào để ăn, nhưng người tu thì không được. Dù một ông thầy nhỏ, muốn ăn cũng phải chọn chỗ đàng hoàng, không phải đụng đâu ăn đó như người thế gian. Phật tử thấy rồi là bình phẩm ngay. Khó lắm. Thật ra điều này không phải ai bắt buộc mình. Chúng ta đồng ý đi tu, là chấp nhận cuộc sống phạm hạnh với những giới điều phép tắc như vậy, rất tự nhiên. Người Phật tử hay người khách quan bên ngoài thấy thầy cô tu hành không đúng, họ nói cũng là điều tự nhiên.

Cho nên muốn yên ổn, đừng xảy ra chuyện gì, chỉ có cách là chúng ta phát nguyện giữ gìn phẩm hạnh cho tốt, mới không bị sóng gió trong cuộc đời tu hành. Nếu mình buông lung bừa bãi thì khó tránh khỏi sự hủy báng và khinh miệt của người đời, cuộc đời tu của mình vì thế chẳng đi tới đâu, ngược lại còn chuốt nhiều lụy phiền và nợ nần của đàn na tín thí. Những khó khăn này người xưa đã sợ, đã dạy chúng ta thật kỹ lưỡng, làm sao thắng được mình, tránh bớt những khó khăn vấp váp trong cuộc đời.

Trong đạo, tại sao chúng ta phải giữ nhiều giới luật? Tại vì đường đi, việc làm, hướng đến của chúng ta phải như vậy. Phải có cái thắng, thắng đó phải an toàn. Giới chính là cái thắng ấy. Nếu chúng ta ý thức được chính những giới điều ấy giúp cho chúng ta đi đến chỗ siêu thoát, tự tại, an vui thì mình sẽ rất vui để được lãnh thọ và giữ gìn giới pháp. Nếu không thì mở mắt ra, đi đâu ngồi đâu cũng toàn là giữ giới, phải nói thế này, làm thế này, thiệt là gò bó hết sức, không có cục kịt nhúc nhích gì được hết. Chỉ khi nào ta vươn lên, sống được với đạo lý, sống đúng với chánh pháp mới không còn bị khuôn cứng của giới luật bóp ngẹt. Cho nên trong nhà thiền, gốc là giữ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì không cần nói giữ giới cũng đã giữ gìn giới rất trọn vẹn.

Người xưa khi phát tâm tu hành thường vào sâu trong núi rừng, ăn trái dẻ, mặc lá cây, uống nước suối, cuộc đời thực sự thanh thoát. Chúng ta ngày nay sống nhiều tiện nghi quá. Ví dụ muốn ổn định chỗ ở, ít nhiều gì chúng ta cũng phải trải qua một thời gian xây dựng cơ sở, các việc đối nội đối ngoại. Sau đó lo tới phần tinh thần, phải nghiên cứu học tập. Thành ra nhiều khi mình đi ngược lại với lời Phật dạy “tu là phải buông bỏ hết”. Cho nên chúng ta phải giới hạn thời gian cho những công việc bên ngoài để còn lo tu nữa. Bởi vì tu mới là bổn phận chính của mình. Chúng ta nhớ rằng mình không buông bỏ các duyên bên ngoài, nó cũng bỏ mình. Đến lúc không đủ hơi thở, tay chân quờ quạng, bất cứ thứ gì cũng buông bỏ hết.

Ở đây, kinh nghiệm của các bậc tiền bối để lại, nhằm hướng dẫn chúng ta làm thế nào điều hoà được thân tâm giả tạm này. Nương nó để phát hiện ra cái chân thật nằm ở bên trong. Chớ ngoại hình xấu đẹp, cao thấp gì mặc nó, miễn đừng làm bậy, nói bậy, nghĩ bậy, sống đúng với đạo lý là tốt rồi. Người khéo tu là điều hòa được thân tâm, đừng để mất thì giờ vì vọng tưởng. Người không khéo tu thì bị vọng tưởng sai sử suốt ngày đêm. Đi cũng suy nghĩ, ngồi cũng suy nghĩ, nằm cũng suy nghĩ, nhiều khi đang ăn cũng suy nghĩ vớ vẫn… rồi lo lắng tính toán đủ thứ chuyện, thành ra khổ. Bây giờ mình phải sáng suốt kiểm soát sắp đặt lại, việc nào đáng suy nghĩ thì suy nghĩ, không đáng thì bỏ đi. Như vậy lần lần ổn định được và hướng tới chỗ an ổn giải thoát, không còn bận bịu bởi thân tâm giả tạm, bởi cuộc sống và nghiệp thức sâu dày của chúng ta.

Phật nói tất cả chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Nhưng kẹt cái tâm vọng và cái thân dỏm này, nó làm cho mình phải lăng xăng lộn xộn cả đời, nào danh vọng tiền tài, địa vị, gia đình... người đời khổ vì những thứ đó. Chúng ta tu phải khác, khéo điều phục dung hoà. Người tu thì luôn mát mẻ, hiền lành, vui tươi, không bận rộn, không có tướng hung hăng dữ dằn làm cho người ta ngán, người ta sợ. Tóm lại, lời dạy của chư tổ đều nhằm xây dựng tư cách của người xuất gia, làm sao trang nghiêm tự thân và là chỗ nương tựa người Phật tử tại gia phát tâm quy hướng Tam bảo.

Chúng ta phát nguyện đến với đạo, học đạo, phát nguyện qui y giữ những điều giới của Phật dạy, nhằm hướng tới mục đích cao đẹp nhất của mình. Đó là giác ngộ giải thoát. Đã phát nguyện tu rồi thì phải tu cho tới thành Phật. Đó là chủ đích lớn nhất và cũng là duy nhất của những người con Phật. Mong sao chúng ta không cô phụ đức Như Lai và chí nguyện của chính bản thân mình.

8. Đại đạo

Ngài Hối Đường nói: “Đạo của thánh nhân như trời đất nuôi nấng muôn vật và không có vật gì mà không đầy đủ trong đạo ấy. Đạo của chúng nhân như sông lớn, sông nhỏ, sông Hoài, sông Tế, núi, sông, gò, hang, cỏ cây côn trùng, đều dung hết lượng của nó mà thôi. Nó không biết ngoài lượng của nó ra thì trong vũ trụ này vật gì cũng đầy đủ đạo ấy. Vậy có hai đạo ư? Không, do sự thấy được có nông sâu và thành tựu có lớn nhỏ mà thôi”.

Ở đây nói đến đạo, tức là đạo thể thanh tịnh trùm khắp. Với người đạt đạo, sống với đạo thể thanh tịnh, không còn vướng bận nhơ nhiễm dù gặp bất cứ cảnh duyên nào. Nhưng với chúng nhân thường tình thì gò nổng, núi sông, gai góc, hầm hố… đủ thứ chuyện phiền não. Tất cả đều chung một đạo thể ấy, nhưng tùy tâm niệm riêng của từng người mà thấy khác. Như nói “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” tức người buồn thấy cảnh cũng buồn. Nhưng lúc đó có người đứng bên người buồn nhìn chung một cảnh, mà người kia lạc quan vui tươi, không thấy buồn. Cho nên biết không phải tại cảnh mà tại tâm. Trong nhà Phật nói chướng ngại lớn nhất là bản ngã, chúng ta tu là tháo gỡ cho được cái bản ngã này thì giải quyết xong tất cả mọi chuyện.

Kinh nói chí đạo hiện tiền tức đạo luôn ở trước mắt, nhưng chúng ta trôi giạt trong luân hồi sinh tử cũng tại cái nhìn, cái sống riêng tư của mình, chứ không phải đạo vắng thiếu. Người muốn sống được với đạo thể thanh tịnh trùm khắp, thì đừng bao giờ để cho gò nổng chông gai, hang hầm, hố thẳm trổi dậy làm trở ngại hướng đi của mình. Người hoá giải, tiêu dung được những gai góc, hầm hố đó là người khéo sử dụng đạo, khéo sống đạo. Thành đạo hay không, giải thoát hay trầm luân đều do chính chúng ta. Ai dám buông cái giả, dám nhận cái thật, thẳng thắng đi trên con đường sáng thì sẽ đạt được chí đạo.

9. Thiệp thế

Ngài Hối Đường nói: “Sự việc đã bỏ lâu không thể mong chóng thành, điều xấu chồng chất nhiều không thể từ bỏ ngay, sự ưu du không thể lưu luyến mãi, nhân tình không thể tốt mãi và hoạ hoạn không thể cẩu thả mà mong tránh khỏi được. Là bậc thiện tri thức, hiểu suốt được năm việc ấy thì trong sự thiệp thế sẽ không bị buồn phiền”.

Trong đây có năm việc. Việc thứ nhất là sự việc đã bỏ lâu, không thể mong chóng thành. Việc gì mình bỏ dở lâu ngày, bây giờ muốn nó thành tựu mau chóng, không thể được. Tu hành cũng thế, không siêng năng hành trì liên tục, công phu một nắng mười mưa thì không sao có thể đi tới giác ngộ giải thoát.

Thứ hai là điều xấu chồng chất nhiều không thể bỏ ngay được. Huân tập chủng tử xấu đã nhiều, đã lâu, nó thành nếp, thành tập quán rồi, bây giờ muốn gột rửa, xoá đi vết hằng ấy, không thể nhanh được.

Thứ ba là sự ưu du không thể lưu luyến mãi. Ưu du nghĩa là nhàn nhã vui chơi, đối với việc này không thể buông tuồng mãi.

Thứ tư là nhân tình không thể tốt mãi, Phật dạy các pháp vô thường, không gì có thể đứng yên một chỗ, mà nó luôn thay đổi. Hôm nay người ta tốt với mình thì ghi nhận như thế. Ngày mai có thể họ sẽ không còn tốt nữa, cũng là chuyện thường thôi, bởi lẽ cuộc đời vốn như vậy. Biết rõ thế rồi, chúng ta vui vẻ bình an, không buồn phiền hệ lụy, không lo lắng hay ỷ lại vào các duyên bên ngoài.

Thứ năm là hoạ hoạn không thể cẩu thả mà mong tránh khỏi được. Sống mà muốn đừng kẹt vướng hoạ hoạn thì chớ có chủ quan, luôn cân nhắc cẩn thận các việc làm, lời nói hay từng suy nghĩ. Người xưa đâu không từng dạy “Phàm làm việc gì trước phải nghĩ kỹ đến hậu quả của nó”. Đó chính là không cẩu thả để tránh các họa hoạn về sau.

Muốn thành tựu được năm điều này phải có đầy đủ sự sáng suốt và vững tâm tu tập một cách liên tục. Chúng ta tu mấy chục năm rồi mà không thấy thành Phật, cũng không cảm thấy buồn chi hết. Bởi vì Tổ đã nói từ lâu rồi mình không làm Phật, nên bây giờ tập làm Phật cũng phải từ từ. Tập đi, tập đứng, tập ăn, tập nói, mỗi mỗi đều phải tập. Cho đến khi nào thuần như Phật, tự nhiên sẽ thành Phật. Chúng ta cứ vui vẻ tu, biết rõ con đường như vậy, không thể nhanh được, thì đừng nôn nóng.

Nhà thiền nói thấy tánh rất nhanh, nghĩa là nhận ra lẽ thực rất nhanh, nhưng quá trình đi từ phàm phu đến thánh nhân, không có cách gì khác hơn là phải sống trải trong đạo, giải quyết hết các nghiệp quá khứ, tu tạo mọi công đức lành cho đến viên mãn, mới thành Phật được. Tuy nhiên chúng ta cũng nghe từ “Tức tâm tức Phật”, nghĩa là ngay tâm mình là Phật. Đó là nói trên Phật nhân, còn Phật quả phải tu mới thành tựu. Không nên hiểu lầm rồi khinh suất, không nỗ lực công phu thì tự mình chịu thiệt thòi vậy. Nhân Phật mình có sẵn, nhưng tệ hại là nhiều đời kiếp mình lỡ trôi giạt trong luân hồi sanh tử, bây giờ muốn gột rửa để trở về bản vị ban đầu cũng phải có thời gian, có công phu, không thể bỗng dưng mà được.

Có một thiền sinh học thiền với Hoà thượng Trúc Lâm ba bốn năm rồi, ông thưa:

- Bạch thầy! Hồi trước nghe băng, đọc sách của thầy, con thấy y như là con đã xong rồi. Con đến gặp thầy, trình với thầy, mong thầy ấn chứng cho con. Nhưng từ khi con về tu tập với thầy ba bốn năm nay, thấy mình còn đủ thứ vọng tưởng hết, dẹp cái này cái kia ló lên. Ngày đêm con cứ bận rộn với ba mớ vọng tưởng.

Hoà thượng hỏi:

- Trước đây con làm nghề gì?

- Bạch Thầy, con biết chút ít thuốc men, có thể chẩn mạch cho toa.

Hòa thượng hỏi:

- Con học nghề đó bao lâu?

- Bạch Hoà thượng! Con học căn bản năm năm, biết chẩn mạch cho toa, nhưng cũng phải nghiên cứu hoài thôi.

Hoà thượng nói:

- Chỉ chuyện làm thầy thuốc cũng năm bảy năm rồi, bây giờ muốn tu thành Phật trong vòng đôi ba năm, làm sao thành được. Đâu có giản dị như vậy. Mình lỡ làm người khách trôi giạt trong luân hồi nhiều đời kiếp rồi, bây giờ muốn trở lại bình thường, phải có thời gian chỉnh đốn mới được.

Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật đâu không nói rằng, Bồ-tát Di Lặc phát tâm tu hành một lượt với đức Phật Thích Ca, đến nay đức Phật Thích Ca đã thành Phật rồi mà Bồ-tát Di Lặc vẫn chưa thành Phật. Vì sao? Vì Phật Thích Ca tinh tấn cần mẫn liên tục, không dám lơi lỏng, dễ duôi chút xíu nào hết. Trái lại, Bồ-tát Di Lặc trong thời tu nhân chưa tinh tấn liên tục, do đó đến bây giờ vẫn chưa thành tựu.

Qua đó chúng ta thấy kết quả thành tựu mau hay chậm là do chính mình. Người cần mẫn siêng năng liên tục, ráo riết quyết liệt, nhất định chóng thành tựu đạo quả. Kẻ lười biếng dễ duôi sẽ không đi tới đâu. Điều này rõ ràng như vậy, không thể đổ thừa cho ai.

10. Tận hiếu

 Ngài Hối Đường nói: “Sự tiến chỉ của tiên sư Hoàng Long rất nghiêm trọng, ai trông thấy ngài cũng đều kính sợ. Tăng sĩ nào có việc xin nghỉ thì phần nhiều ngài dứt khoát từ chối. Nhưng khi ngài nghe thấy ai xin về thăm song thân già yếu thì khí sắc ngài vui hoà hiện trên nét mặt. Ngài tỏ hết lễ độ và còn gởi phẩm vật về biếu. Ngài mến người cung kính sự hiếu như thế”.

Ngài Hoàng Long đặc biệt rất quý trọng chữ hiếu. Trong chúng xin ngài nghỉ làm việc hay đi đâu, phần nhiều ngài từ chối, nêu lý do việc lớn chưa sáng, các ông phải siêng năng cần mẫn, đừng có lơi lỏng. Nhưng nghe ai có cha mẹ già, muốn về thăm thì ngài hoan hỷ, nhắn nhủ thăm viếng.

Các bậc đạo đức lớn, là người gương mẫu trong tùng lâm, không phải chỉ làm những việc lớn mà quên đi hiếu đạo. Thiền sư Huệ Nam không đem hiếu kinh dạy cho tăng chúng, nhưng ngài tỏ vẻ ưu ái, khuyến khích những vị còn cha mẹ có lòng hiếu thảo. Đó là một cách tôn trọng đạo hiếu và nhắc nhở cho môn đồ phải có hiếu đạo. Bởi vì đó là nguồn gốc của chúng ta, do đâu mà có mình, ân đức sinh thành dưỡng dục ấy, phải biết đền trả thế nào.

Tổ sư nhắc đến đạo hiếu để làm gì? Để chúng ta hồi hướng công đức tu hành cho những người mình đã thọ ân. Nguyện cha mẹ hay thân bằng quyến thuộc tin kính Tam bảo, hướng về đường lành, đi theo chánh đạo như chúng ta. Đối với người xuất gia, hiếu đạo được thể hiện bằng cách nỗ lực tu tập. Bởi nếu chỉ lo hiếu đạo bằng cách thân cận phụng dưỡng cha mẹ mà không lo tu, thì đâu khác gì người thế gian. Cho nên người tu không thể luôn sống bên cạnh cha mẹ, chỉ thăm viếng nhắc nhở an ủi cha mẹ, rồi nỗ lực hành trì Phật đạo. Một khi Phật đạo viên mãn thì chữ hiếu cũng thành tựu. Như Tôn giả Mục Liên là một người con đại hiếu. Sau khi thành đạo rồi, ngài trả hiếu cho mẹ không khó khăn gì. Ngoài ra tuỳ theo duyên của mỗi người. Nhiều vị vừa tu vừa làm tròn đạo hiếu. Điều này thật đáng quý!

11. Độ lượng

Ngài Hối Đường nói: “Xưa kia tiên sư Hoàng Long cùng Hoà thượng Vân Phong Văn Duyệt mùa hạ an cư tại chùa Phụng Lâm, đất Kinh Nam. Tính Hoà thượng Văn Duyệt hay biện luận. Một hôm Hoà thượng Văn Duyệt cùng một số tăng sĩ bàn cãi ồn ào mà tiên sư Hoàng Long vẫn thản nhiên xem sách, như không biết gì cả. Sau khi bàn cãi xong, Hoà thượng Văn Duyệt đến đầu bàn của tiên sư Hoàng Long quắc mắt trách: “Ngài ở đây tập độ lượng của bậc thiện tri thức à?”. Tiên sư Hoàng Long cúi đầu tạ lễ và vẫn xem kinh như cũ.

Đây nói về sự độ lượng của ngài Hoàng Long. Ngài Hoàng Long hiệu là Huệ Nam, đắc pháp với thiền sư Từ Minh Thạch Sương Sở Viên. Trước khi thọ giáo với ngài Từ Minh, Huệ Nam đã từng lãnh chúng. Tuy nhiên lúc ấy chỗ đến của ngài chưa viên mãn, thiện hữu chung quanh khuyên ngài nên đến chỗ thiền sư Từ Minh. Lúc đầu Huệ Nam không mấy chú ý đến lời nhắc nhở của huynh đệ. Là một vị đang có uy tín trong tùng lâm, mà tìm đến học đạo với một vị khác, điều này rất dễ chạm tự ái. Lại nghe tiếng thiền sư Từ Minh lời lẽ thô tháo, thủ thuật lạ lùng, khó lường nên ngài không muốn tới.

Tuy nhiên nhân duyên đưa đẩy thật trùng hợp. Ngài Từ Minh được chuyển đến trụ trì ngay ngôi chùa ngài Huệ Nam đang ở. Đó là duyên kỳ ngộ của những bậc tôn túc. Nghe tiếng từ trước nên khi ngài Từ Minh đến, Huệ Nam theo dõi từng chút một. Trái lại, ngài Từ Minh rất bình thường, nhất là đối với ngài Huệ Nam. Một hôm, Huệ Nam lên phương trượng, đắp y kính lễ đàng hoàng, sau đó xin thưa hỏi Phật pháp. Ngài Từ Minh dùng toàn lời lẽ thô tục, chê trách Huệ Nam. Đôi ba lần như vậy, Huệ Nam cố gắng tự nhủ trong lòng “mình vì Phật pháp, vì sự tu nên phải buông bỏ, phải cần cầu học đạo với Hoà thượng”. Thế là ngài lên thưa nữa, Từ Minh lại mắng xối xả. Hết chịu nổi, Huệ Nam mới nói “Đạo lý giải thoát đâu phải sử dụng những lời mắng nhiếc như vậy?” Ngài Từ Minh trợn mắt quát: “Đó là mắng nhiếc sao!” Ngay đây ngài Huệ Nam đại ngộ.

Từ khi ngộ đạo rồi, Huệ Nam là một trợï thủ đắc lực của ngài Từ Minh, rất ít nói. Ngài sống một đời bình thản, một đời hùng hậu phi thường, chúng nhân ai cũng nể. Thành ra thời đó, pháp hội của ngài Từ Minh rất nổi tiếng vì giáo hoá được nhiều người xong việc. Đó là nhờ thủ thuật đặc biệt của ngài Từ Minh và nhờ đạo phong, tư cách độc đáo của ngài Huệ Nam.

 Sau khi ngài Huệ Nam ra lãnh chúng, hôm đó trong viện bị hỏa hoạn, tăng chúng năm bảy trăm người kêu hoán chữa lửa. Ngài Huệ Nam tuyệt nhiên bất động trong phương trượng. Thấy lửa cháy tới nơi mà ngài vẫn ngồi bình thản, thầy Tri sự vô cõng ra, thưa: “đạo lý của tiên sư Từ Minh trông cậy vào Hòa thượng, lỡ ngài có mệnh hệ gì thì mạng mạch Phật pháp sẽ ra sao?” Ngài bình thản không nói một tiếng, bấy giờ lửa cháy xém vào da, tới mấy tháng sau mới lành. Con người của Ngài đặc biệt như vậy. Chính đạo phong độc đáo đó nên hàng pháp tử pháp tôn tông Lâm Tế truyền thừa về sau rất dài lâu, ích lợi cho nhiều người.

Ở đây kể lại thời ngài còn đi học đạo. Ngài Văn Duyệt là huynh đệ đi chung, rất thích luận bàn. Thiền sư Duyệt hay nói đủ thứ chuyện. Nói xong thấy ngài vẫn ngồi im lặng đọc kinh, Văn Duyệt liền đến chỗ ngài nghiêm mặt, nói: “Ngài ở đây tập độ lượng của bậc thiện tri thức à?”, nghĩa là dèm pha ngài tập cách làm thầy. Ngài từ tốn vui vẻ tạ lỗi, không nói tới nói lui gì hết. Thành ra đạo phong, tư cách của ngài có nhiều điểm đặc biệt kỳ lạ. Chính phong thái đó toát ra được sức sống xuất cách trong thâm tâm của ngài.

[ Quay lại ]