headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - TỰA

thienquansachtanMỞ ĐẦU

Kính thưa  đại chúng,
Hôm nay là buổi học đầu của năm Quý Tỵ, chúng ta học tác phẩm Thiền Quan Sách Tấn của ngài Châu Hoằng. Năm trước chúng ta đã học Quy Sơn Cảnh Sách, năm nay tôi cũng muốn lựa những bản kinh, những bài minh, bài châm của chư vị tổ sư để tiếp tục hướng dẫn cho đại chúng. Những bản kinh lớn như Kim Cang, Viên Giác, Duy-ma-cật, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm v.v... đã có quý thầy giáo thọ hướng dẫn. Chư huynh đệ sẽ được học dần dần đầy đủ những bộ kinh, bộ luận căn bản và quan trọng của Phật cũng như chư tổ.

Ngài Châu Hoằng ở vào thời Minh của  Trung Hoa, từ công phu nghiên cứu các kinh  điển, luận cứ, bài minh, ngài tuyển soạn  thành tác phẩm này. Hòa thượng Ân sư đã dịch và in vào năm 1962, đây là thời  gian ngài để tâm nghiên cứu tìm hiểu và tu thiền. Song song với quyển Thiền Quan  Sách Tấn, Hòa thượng còn dịch các quyển  như Tu Tập Tọa Thiền Chỉ Quán, Tham  Thiền Yếu Chỉ, Tọa Thiền Tam-muội,  Thiền Môn Khẩu Quyết v.v...

TỰA

Thiền lại có cửa (quan) sao ? Đạo vốn không có trong ngoài, ra vào, nhưng người hành đạo bởi có mê ngộ nên bậc đại thiện tri thức giữ cửa không thể  không có khi mở, đóng. Các ngài giữ khóa chốt kỹ càng, tra hỏi nghiêm ngặt, khiến những kẻ loạn ngôn tà ý muốn vượt qua bị cửa ngăn cản không thể thực hiện được mưu gian, cũng là cái kế giữ lâu dài vậy.

Tôi khi mới xuất gia được gặp một pho sách để trong phòng tên Thiền Môn Phật Tổ Cương Mục. Trong ấy ghi chép những lời tường thuật của các vị tôn túc về sự tham học, tu chứng của mình. Nào lúc mới tham học khó khăn thấu hiểu, lúc thực hành công phu nhọc nhằn khổ sở, đến sau cùng bỗng nhiên thấu ngộ. Tôi đọc qua, lòng rất kính mộ, nguyện học theo gương các ngài. Bộ sách này các nơi khác không thấy có. Kế tôi đọc bộ Ngũ Đăng chư ngữ lục trong Tạp truyện, không luận những vị xuất gia hay tại gia có thực tham thực ngộ, tôi đều góp nhặt thêm vào phần trước pho sách.

Tôi chọn rút những chuyện cốt yếu, xếp theo loại, biên thành tập lấy tên là Thiền Quan Sách Tấn. Ở nơi nào thì tôi để nó trên bàn, đi đâu thì mang theo trong bị, mỗi lần đọc cảm thấy kích lệ tâm chí, tinh thần khoáng đạt, như có một sức mạnh vô hình thúc đẩy gắng tiến.

Có thể nói quyển sách này rất cần thiết đối với người chưa vượt qua khỏi  cửa, nếu với kẻ vượt khỏi cửa đã xa  thì đâu còn cần dùng. Tuy nhiên, ngoài cửa này còn lớp cửa khác, chẳng qua giả mượn tiếng gà, tạm rời miệng cọp mà thôi. Được ít cho là đủ là người tăng thượng mạn. Sông chưa cùng, núi chưa  tột vẫn phải gắng tiến. Chạy mau, đi mãi bao giờ vượt khỏi cái cửa đen tối  sau cùng, chừng ấy sẽ chậm rãi nghỉ ngơi không muộn.

Niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 28

Đầu mùa xuân, chùa Vân Thê

Sa-môn Châu Hoằng

Cẩn chí.

Chữ quan (關) là cửa. Thiền có cửa không? Thiền vốn không cửa, đạo vốn không trong ngoài, nhưng do căn cơ của người tu hành có sâu cạn, nên các bậc đại thiện tri thức tạm mượn phương tiện giữ cửa. Giữ cửa để làm gì? Để người nào vô được thì cho vô, người nào chưa vô được thì đuổi ra, không có thái độ lưng chừng. Thiền sư làm việc dứt khoát như vậy, cho nên cửa có khi đóng, khi mở.

Các ngài giữ khóa chốt kỹ càng, tra hỏi nghiêm ngặt khiến những kẻ loạn ngôn tà ý muốn vượt qua, bị cửa ngăn cản không thể thực hiện mưu gian. Đây chính là cái kế lâu dài, các bậc thiện tri thức muốn giữ tông môn Tổ đạo bền vững.

Ngài Châu Hoằng tức là đại sư Liên Trì nói về duyên do làm ra bộ sách này. Tuy mới xuất gia nhưng ngài được gặp một  pho sách để trong phòng tên là Thiền Môn Phật Tổ Cương Mục, ghi lại cương lĩnh của Phật tổ trong thiền môn, các lời tường thuật của chư vị tôn túc về sự tham học tu chứng của mình. Nào lúc mới tham học khó khăn rồi được thấu hiểu, lúc thực hành công phu nhọc nhằn khổ sở, đến sau cùng thấu ngộ, đạt đạo.

Ngài đọc trong Ngũ Đăng, tức là Ngũ Đăng Hội Nguyên, gồm năm bộ lục như  Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Lịch Đại Tam  Bảo Ký, Phật Tổ Thống Tải... là những bộ lục quan trọng trong nhà thiền. Ở đây ngài trích dẫn một số lời dạy đặc biệt của chư tổ, soạn thành tập sách này. Ngài đi  đâu ở đâu đều đọc người xưa. Mỗi lần đọc  thấy phấn phát, khoáng đạt, tu tiến, cho nên luôn để nó trong tay nải quảy đi.

Ngài khuyên chúng ta, vừa có chút ít công phu chớ nên tự mãn. Được ít cho là đủ là người tăng thượng mạn. Sông chưa cùng, núi chưa tột vẫn phải gắng tiến chạy mau đi mãi, bao giờ vượt khỏi cái cửa đen tối sau cùng, chừng ấy sẽ chậm rãi nghỉ ngơi không muộn. Tức là chừng nào phá hết si mê điên đảo mới được nghỉ ngơi.

Niên hiệu Vạn Lịch năm thứ 28 đầu mùa xuân tại chùa Vân Thê, ngài soạn xong tác phẩm này. Niên hiệu Vạn Lịch nhằm thời Minh. Đây là quyển sách rất cần thiết đối với người chưa vượt qua khỏi cửa. Với kẻ vượt khỏi cửa xa thì đâu cần dùng. Tuy nhiên ngoài lớp cửa này còn lớp cửa khác, cần phải dè dặt khiêm tốn, không nên khinh suất

[ Quay lại ]