headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ VĨNH MINH DIÊN THỌ DẠY

thiensudienthoCửa học đạo không có gì kỳ đặc, chỉ cần gột sạch căn trần và những chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến giờ. Các ông nếu tiêu trừ hết tình niệm, đoạn dứt vọng duyên, đối với tất cả ái dục ở thế gian, tâm không động nhiễm như cây đá, dù đạo nhãn chưa sáng, tự nhiên thân tâm an tịnh. Nếu gặp bậc đạo sư chân chánh phải thiết tha thân cận, giả sử tham chưa thấu triệt, học chưa thành tài, một phen tai nghe đạo vị, tạo thành chủng tử đạo trong tàng thức, kiếp kiếp không sa vào ác thú, đời đời không mất thân người, vừa sinh ra một nghe ngàn ngộ.

 Thiền sư Vĩnh Minh Diên Thọ là một bậc trí tuệ tuyệt vời. Ngài nói: Cửa học đạo không có gì kỳ đặc, chỉ cần gột sạch căn trần và những chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến giờ. Gột sạch căn trần là sao? Là căn không dính với trần. Căn là căn, trần là trần, căn trần không đến nhau, không dính nhau gọi là tâm cảnh như như.

Những chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến giờ là những chủng tử gì? Thật ra thì vô lượng vô lượng chủng tử. Chúng ta đã gieo, đã nuôi dưỡng, đã đem tất cả phương tiện sống vun quén nó nhiều đời, nên nó nhạy bén phi thường. Như hồi nhỏ chúng ta được dạy dỗ đạo đức công dân, đi đường thấy các cụ lớn mình khoanh tay cúi đầu, hoặc thấy người bệnh ta dìu dẫn đỡ đần v.v..., phải biết tôn trọng, quý kính những bậc trưởng thượng...

Đạo lý khai tâm chúng ta đã được học từ thời bé thơ. Nhưng nghiệp chủng sâu dày lắm, đừng nói là bậc già nua trưởng thượng ở bên ngoài, ngay như ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại là bậc sanh ra cha mẹ mình, nhiều khi ta cũng giận. Ông bà nói không đúng ý giận dữ lắm, trả lời hỗn hào lại hoặc cho tiền không lấy. Đó là gì? Là những nghiệp thức tham sân phiền não vùi sâu trong tâm. Ông bà sanh ra cha mẹ, cha mẹ sanh ra mình, nuôi dưỡng thân thể hình hài này khó nhọc bao nhiêu năm ta không nhớ, chỉ nhớ lời nói không đúng ý, mà chính những lời nói ấy là vì bảo vệ chúng ta.

Cha mẹ không hề nuôi dưỡng nghiệp thức nhưng nó vùi sẵn ở đâu bên trong. Nó phát triển cùng thời, cùng lúc, song hành với thân này. Mình đâu có muốn như vậy, nhưng nó sai khiến mình như vậy. Nhiều lúc rất thương ông, nhưng khi không vừa lòng liền giận, bỏ giận không được. Cha nói mình cũng nổi sùng, thậm chí ác khẩu với cha mẹ! Quả thật là chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp cấy sâu ở trong huyết mạch của chúng sinh.

Hiểu như vậy mới biết vì sao chúng sinh khó tu. Nếu không có Phật pháp, không biết chúng ta sẽ dùng phương tiện gì để gột rửa chủng nghiệp. Đức Phật nói được làm được, sự giác ngộ của ngài trải qua một quá trình thân hành và thân chứng rốt ráo. Cho nên ngài dạy chúng ta được. Thế Tôn không chấp nhận trôi lăn mãi trong sinh tử nên ngài xuất gia, tu khổ hạnh, tọa thiền và đạt đạo, trí tuệ viên mãn. Một việc làm trải qua từng bước, từng giai đoạn, chúng ta học hiểu rõ ràng mới tu theo được.

Người có đạo đức ở thế gian cũng hướng dẫn con cháu đời sống hiền lành, lương thiện hoặc nhẫn nhịn, nhưng không dạy thấu đáo như đức Phật. Ví dụ người ta chửi thì bảo nhịn, vậy thôi. Trong đạo Phật không đơn giản như thế. Chẳng những bảo nhịn mà còn giải thích cho biết những lời chửi đó không thật, từ duyên hợp mà ra. Cái miệng chửi không thật, con người chửi cũng không thật, tất cả đều không thật. Chỉ có giáo lý nhà Phật mới giải thích tường tận thấu đáo như vậy.

Thật ra giáo lý Phật dạy chúng ta không hành trì được thì trên đời này khó có lời dạy của một bậc thầy nào để mình an ổn. Một khi chúng ta hiểu và hành đến nơi đến chốn thì quả thật hết khổ được vui, giác ngộ giải thoát là điều có thể thực hiện.

Trở lại vấn đề những chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến giờ, mình phải làm sao? Thẩy sạch. Hòa thượng Ân sư dạy chúng ta buông bỏ, vì nó không thật. Như thấy vàng sáng chói ngoài chợ, mình không biết đó là giả nên mua về cất giữ. Đến khi biết rồi chẳng thèm nhìn tới, có ai đem cho cũng từ chối, nó không thật mà cất làm gì. Thân này cũng thế, do không biết duyên hợp giả có nên con người quý trọng gìn giữ, sợ bệnh sợ chết. Bây giờ Phật bảo nó giả, đừng đắm luyến nữa, đừng vì nó mà tạo nghiệp đi trong luân hồi sinh tử. Hãy mượn nó làm phương tiện tu hành, hết duyên xả bỏ, đừng thương đừng tiếc.

Nói thế, nhưng chúng ta vẫn thấy thân thật, nên rồi chấp giữ khổ sở vì nó. Mặc dù nhiều lúc bệnh tật thấy chán, muốn nín thở cho yên, nhưng khi thần chết đến vẫn phát run. Với người thấy được lẽ thật thì việc xả bỏ thân giả tạm là điều cần phải làm. Có thể nói bài pháp đầu tiên Phật giảng cho quý thầy Tỳ-kheo nghe ở vườn Nai là bài pháp chỉ lẽ thật, chỉ nguyên nhân có thân, có dòng sinh tử này. Các ngài ngộ đạo, chứng thánh, tâm thanh tịnh, ngộ giải hiện tiền. Các ngài đã thực hiện được như vậy.

Ở đây điều ngài Vĩnh Minh Thọ dạy là cần gột sạch căn trần, chủng tử nghiệp thức nhiều đời cũng phải cho nó tịnh luôn.

Người tu hành phải như vậy. Đây là pháp hành cơ bản. Các thiền sư đã thành tựu rồi, chỉ lại cho mình nên pháp tu có giá trị thực tiễn. Chúng ta nương theo đó tu hành nhất định cũng sẽ đạt kết quả như các ngài.

Các ông nếu tiêu trừ hết tình niệm, đoạn dứt vọng duyên, đối với tất cả thứ ái dục ở thế gian tâm không động nhiễm như cây đá, dù đạo nhãn chưa sáng, tự nhiên thân tâm an tịnh.

Muốn thân tâm thanh tịnh phải trừ hết tình niệm, đoạn dứt vọng duyên, các thứ ái dục không còn nữa. Vọng duyên là gì? Là những lăng xăng, ba mớ vọng tưởng. Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta buông. Nó không thật nên không kéo, không trói buộc mình được, ta cũng không điên đảo chạy theo nó. Mình là mình, nó là nó.

Ái là yêu thích, dục là ham muốn. Trên đời này có biết bao nhiêu thứ ham muốn, nhưng nặng nhất là ái dục. Nếu tình niệm lặng dứt, ái dục lặng dứt, vọng duyên lặng dứt, ba thứ này ổn rồi thì được tự tại. Người công phu đến mức như vậy, dù đạo nhãn chưa sáng, nhưng thân tâm tự nhiên an tịnh. Chúng ta muốn thân tâm an tịnh mà không dứt gì hết, không để tình niệm lặng xuống làm sao an tịnh ?

Hòa thượng Trúc Lâm dạy phải buông là cách giản dị nhất. Chịu khó thực tập, gắn bó với công phu thì dù đạo nhãn chưa sáng nhưng thân tâm cũng an tịnh. Nói đạo nhãn sáng, nói thân tâm an tịnh chưa phải là đạo nhãn sáng, chưa phải thân tâm an tịnh, chẳng qua chỉ là nói trên miệng thôi. Thực hiện cho được lời Phật tổ dạy, dứt tình niệm dẹp ái dục, làm chủ loạn tưởng, không điên cuồng chạy theo nó, nó không đủ sức kéo lôi mình. Được như vậy dù không nói sáng đạo cũng sáng, không nói thân tâm tự tại cũng tự tại. Đó là công phu chân chánh.

Nếu gặp bậc đạo sư chân chánh phải thiết tha thân cận, giả sử tham chưa thấu triệt, học chưa thành tài, một phen tai nghe đạo vị tạo thành chủng tử đạo trong tàng thức, kiếp kiếp không sa vào ác thú, đời đời không mất thân người, vừa sanh ra một nghe ngàn ngộ.

Đây là lời khuyên. Các bậc thầy của chúng ta luôn khuyên nhủ như thế, không phải mới bây giờ mà từ xưa đã vậy. Lúc tôi khoảng mười lăm mười bảy tuổi, học bộ Tiểu luật được thầy dạy:

- Mấy ông ở chùa nào dù nhiều cơm gạo, mà không được học Phật pháp thì quảy gói đi, không cần từ giã thầy. Trái lại dù ở chùa quê, cơm gạo không có, áo quần thiếu thốn nhưng được học đầy đủ Phật pháp, được thầy dạy tu hành chân chánh, mấy ông phải ở lại. Nếu thầy đuổi đi cũng đảnh lễ xin ở lại để được tu học.

Quý ngài khuyên chúng ta phải ráng tu học, cần cầu những bậc thiện hữu tri thức hướng dẫn, chỉ dạy. Điều này rất quan trọng đối với người cầu đạo. Nếu không thiết tha tu hành, không lập chí vững chắc, vừa gặp khó một chút hay bị thầy quở trách liền sanh tâm chán nản, muốn bỏ đi. Như vậy đạo nghiệp bao giờ thành tựu? Rất nhiều đệ tử đã bỏ thầy đi, lang thang cùng khắp, cuối cùng chẳng được gì, càng thêm buồn khổ.

Chư huynh đệ trẻ nhận được sự hướng dẫn, huấn luyện của Hòa thượng là hạnh phúc rất lớn. Bởi quý ngài muốn đào tạo những bậc pháp khí về sau, vừa tu vừa làm lợi ích cho nhiều người, cho Phật pháp. Chúng ta phải tu hành đắc lực mới đủ sức nói chuyện với Diêm vương vào đêm ba mươi tăm tối. Muốn thế huynh đệ phải học, phải lao động, phải dàn dựng cuộc sống nếm trải. Hiểu biết và nhận định chín chắn từ miếng cơm manh áo, để hoàn chỉnh cung cách người tu hành đầy đủ đạo hạnh, như thế đời tu mới có giá trị.

Hòa thượng từ bi như vậy nhưng con cháu lại không biết, nhiều người cũng tài tuấn, nhưng chưa làm được gì đã sanh tâm ngã mạn, đụng tới liền quảy gói đi. Đi năm lần bảy đỗi bị sứt đầu sảy chân, té ngã... không làm được gì. Đáng lẽ thời gian tu tập là thời gian chí cốt, chúng ta dồn hết tinh thần ý chí vào việc này, nhưng anh em lại để ngôi nhà tâm linh trống trơn, giặc cướp lấy hết gia bảo của mình rồi. Thật là đáng tiếc !

Người xưa nói giả như thầy tổ nổi giận đuổi đi, mấy ông cũng phải năn nỉ ở lại, phải tu học. Tức là quý ngài nhắm vào việc tu học đắc lực. Thực chất phẩm vị nằm ở đó. Chúng ta lãnh hội cho được thâm ý này mới có thể gầy dựng công phu tốt. Nên nhớ thời gian nương theo đại chúng tu học rất quý báu. Theo đó mà hành trì thấm nhuần, cả một đời tu dài lâu, sao không biết trân quý, lại dại dột chạy theo tình niệm si mê!

Ở đây tinh thần kích dương của chư tổ thật mạnh mẽ. Chúng ta không thể tu trong một ngày một giờ thành Phật được. Nói thành Phật tức là nhận ra chủng Phật của mình, đời đời gắn bó phát huy, đừng để nó bị vùi lấp. Trên thực tế, muốn thành Phật phải qua Bồ-tát vị, thực hành Bồ-tát đạo vô lượng vô số kiếp dài lâu mới được. Một thiền sư Việt Nam khi sắp lâm chung, thấy đệ tử khóc, ngài nói:

- Khóc cái gì? Thầy nay thầy xưa có khác chi. Ta còn sanh lên trời, xuống lại nhân gian làm vua chúa, gặp nhau hoài thôi. Mất mát, cách trở gì đâu mà khóc.

Công phu tu hành với đại nguyện, đại hạnh Bồ-tát trải dài, thầy trò còn gặp nhau nhiều lắm, bao giờ Phật đạo viên thành mới xong. Bây giờ cố gắng tu tập. Nói gì thì nói, chúng ta phải chịu khó thôi. Nghiệp tập của mỗi người, chính đương sự biết rõ hơn ai hết, thầy tổ cũng không rõ bằng. Cho nên trị được nghiệp tập hay không cũng tự mình, không phải ai khác. Trong vô vàn những thứ dây mơ rễ má, chúng ta lật ngang lật ngửa, lượm từng tên mà thẩy ra. Chỉ như vậy mới tạm yên.

Ngài Vĩnh Minh dạy phải trừ hết tình niệm, đoạn dứt vọng duyên, xa lìa ái dục. Chúng ta thực tập từng thứ. Trước hết nói về tình niệm. Tình niệm là những niệm tưởng lăng xăng. Huynh đệ cố gắng trong đời này nguyện phải dứt sạch nó. Thành tựu được một thứ rồi thì tất cả thứ khác theo đó thành. Giả tỷ đời này vừa xong một thứ, mình tắt thở thì nguyện mở mắt ra tiếp tục tu cái thứ hai, không mất đàng nào. Chủng Phật một khi đã gieo vào lòng rồi thì không mất, lời nguyện chắc thực.

Cho nên bây giờ có nhiều đứa bé tí xíu, vừa thấy Phật là tự nó chắp tay nói “Mô Phật”, chắp tay lạy. Nếu không có chủng trước, làm gì biết như vậy. Việc tu hành xuyên suốt, không kể thời nào, ở đâu.

Tất cả chủng tử, nhân duyên đều có từ nhiều đời, do ta đầu tư mới thành, đâu phải tự dưng mà được. Cho nên phát tâm tu hành là tốt, nhưng cũng kim chỉ một chút, làm sao biết được bệnh của mình, tiễu trừ từng phần, từng đoạn, mới mong có ngày thành tựu.

Ví dụ lên bàn ăn, ngồi chung ba bốn người một mâm, mình không được quyền gắp thô tháo. Có người chưa cúng kiếng gì hết, đã gắp những món dễ nhìn, dễ nhai, dễ nuốt. Nếu biết mình bị bệnh tham ăn, thì tuyệt đối nhắm con mắt lại, dẹp quách đôi đũa đi. Tự biết mình tham thứ gì thì trị thứ đó. Đã biết mình dở mà cứ mở con mắt nhìn thì chết chắc. Phật cứu cũng không kịp.

Sống nhịp nhàng theo thời khóa, tới giờ tụng kinh đi tụng kinh, tới giờ ngồi thiền đi ngồi thiền, tới giờ học đi học... như vậy thì an ổn. Nhìn lại một ngày đêm hăm bốn tiếng, chúng ta có chưa tới một giờ tụng kinh, vài giờ ngồi thiền. Quá ít phải không? Giờ thiền, tôn giả nào siêng có thể ngồi tiếng rưỡi hoặc kéo dài hai tiếng, nhưng có ai chịu ngồi tới hai tiếng đâu. Chưa tới giờ xả thiền đã rục rịch, nhúc nhích rồi. Xả thiền mau mau đi ngủ, như thế là xong một ngày. Sáng ra lu bu chuyện ăn, chuyện mặc, chuyện đi lại... tạp nhạp đủ thứ. Chúng ta mất hút trong đó, không hề biết mình làm gì, ở đâu. Giống như vùi trong một cơn ngủ sâu, tỉnh dậy không nhớ gì cả.

Từ sáng tới chiều, chúng ta dường như chìm trong loạn tưởng, mê man say sưa với không biết bao nhiêu sự duyên. Tu hành mà không tỉnh, cứ vùi mình như thế thì đời nào ra khỏi tăm tối. Nếu không thực tập thức tỉnh buông bỏ, mà cứ nói giác ngộ giải thoát là hỏng rồi. Chạy theo vọng động của thân tâm, đâu có mở ra chân trời giác ngộ giải thoát gì đâu. Kiểm lại thấy hôm nay như vậy, ngày mai tiếp tục như vậy. Thật đáng sợ!

Trong Thiền viện, mỗi khi đến giờ tụng kinh, quý thầy bắc loa, đánh trống để cảnh tỉnh đại chúng biết việc này quan trọng lắm, phải nghe, vậy mà có người vẫn không nghe. Bên ngoài hô canh lớn, nhưng bên trong tiếp khách hoặc thuyết pháp cho khách nghe. Ngày nay đã qua nhưng mình vẫn vùi đầu trong điên đảo vọng tưởng, cho nên tu hành lâu năm mà chẳng tiến bộ chút nào.

Người xưa học đạo, thấy một ngày qua là lo sợ nơm nớp, phải dùi cho được, phủng cho hết tất cả đam mê chấp trước, điên đảo vọng tưởng v.v... cho nên các ngài mới thành tựu đạo nghiệp. Chúng ta nghe “ngày nay đã qua” thì biết ngày nay đã qua, không thêm không bớt gì, tu hành lạ thật! Nếu ngài Vĩnh Minh Thọ sống dậy cũng đầu hàng, không giúp được gì cho chúng ta. Một ngày của Tổ, buổi sáng đại tham, buổi chiều tiểu tham, buổi tối lên núi tụng kinh Pháp Hoa, phóng sanh. Ban đêm ngài nghỉ rất ít mà khỏe mạnh phi thường. Đạo tràng không dưới ba bốn ngàn người tới lui tu học, thưa hỏi Phật pháp. Ngài ngồi đó tiếp hàng loạt khách như thế mà không bệnh hoạn chi. Thật hy hữu phi thường!

Đọc chư tổ, thấy mình tu khiêm tốn quá, ít ỏi quá nên làm chúng sinh hoài! Con đường Phật đạo đi ba a-tăng-kỳ kiếp, nhưng tới hàng môn hạ đệ tử như mình thì chắc bốn năm kỳ kiếp, chứ không phải ba a-tăng-kỳ. Trong đời này mà chúng ta được gặp Phật pháp, gặp các bậc thầy dạy dỗ tu hành là phước duyên rất lớn. Tự thấy duyên như thế phải cố gắng. Cố gắng tu tập cho tròn bản nguyện của mình. Thân này không thật, sớm còn tối mất, phải siêng tinh tấn, đừng để thời gian qua mất chẳng tìm lại được.

Ngài dạy dù chúng ta tu học chưa thành tài nhưng quá trình tích lũy công phu cũng thành chủng. Cái chủng đó không mất, nên vừa sanh ra một nghe ngàn ngộ. Vì vậy huynh đệ phải cố gắng, khéo điều hòa. Cuối đời, ngài Vĩnh Minh mở ra phương tiện khuyên người ta niệm Phật, nhưng bản thân ngài là một vị đại thiền sư. Pháp hội của ngài lớn, lời dạy của ngài rất thiết thực. Thiền sư từ trong bệnh duyên thoát ra, chỉ dạy những kinh nghiệm lại cho người sau cố gắng tu hành, nên học nhân dễ nhận dễ hiểu. Ngài nói các chủng tử nghiệp thức từ vô lượng kiếp đến nay phải trừ bỏ, rửa sạch. Tình niệm, vọng duyên, ái dục... đều dứt trừ. Người tu như vậy đời này dù chưa sáng đạo, chưa ngộ đạo nhưng chủng Phật không mất. Lai sinh vừa mở mắt ra gặp Phật pháp, một nghe ngàn ngộ. Đó là lời dạy của các bậc thầy, chúng ta cần phải ghi nhớ
thực hành.

 

- HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]