headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ DI AM CHÂN DẠY CHÚNG

thiensudiamTin có mười phần, nghi cũng có mười phần; nghi mười phần, ngộ cũng mười phần. Hãy đem những cái đã nghe đã thấy, biết quấy hiểu lầm, câu hay lời diệu, thiền đạo Phật pháp, tâm cống cao ngã mạn... trong lúc bình sinh trút đổ triệt để. Chỉ để lại công án còn chưa minh liễu, an định tại gót chân, ngồi thẳng xương sống, không phân biệt ngày đêm, liền được quên lửng đông tây nam bắc, tợ hồ như người chết. Tâm tùy cảnh hóa, tự nhiên bên trong quên suy nghĩ, bặt tâm thức, chợt phá vỡ đầu lâu, xưa nay không phải do ai mà được. Bấy giờ đâu không thỏa chí bình sinh sao!

Thiền sư Di Am Chân, Chân là pháp danh, Di Am là nơi ở. Vì kính trọng nên thời nhân gọi tránh đi tên ngài bằng tên địa danh.

 Tin có mười phần, nghi cũng có mười phần; nghi mười phần, ngộ cũng mười phần. Thường thường trong nhà thiền nói nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ không ngộ, chứ không phải ngộ nhỏ. Nghi nhỏ không ngộ vì chưa có công phu. Tu tham công án đòi hỏi công phu phải miên mật liên tục, để nghi tình kết thành khối. Nếu nghi chưa kết thì chưa thể ngộ. Nghi kết thành khối, hành giả tiếp tục tu tập lâu ngày vỡ ra, gọi là đại ngộ.

Chúng ta tu theo con đường thiền giáo có những ngộ nhỏ gọi là tiểu ngộ hay giải ngộ. Chữ giải là mở ra. Nghe dạy, tu tập đến mức nào đó, tâm thể có phần sáng suốt, nhận ra, hé mở ra ánh sáng. Đó là giải ngộ. Giải ngộ có nhiều đoạn. Ví dụ anh em đến thiền viện Thường Chiếu, vào cổng được thầy Tri khách mời vào nhà khách. Tại đây, quý thầy chịu trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn những nghi thức, pháp tu, Phật lý... Có khi qua sự hướng dẫn đó, quý vị được giải ngộ hay tiểu ngộ. Thì ra muốn phát tâm xuất gia phải chịu khó như vậy, chấp nhận như vậy, thuần thục như vậy v.v... Trải qua rất nhiều tầng cấp, từng đoạn tiểu ngộ, đầy đủ công phu mới đại ngộ. Như vậy đại ngộ đòi hỏi phải có một quá trình tu tập lâu dài tinh chuyên, không phải tự nhiên mà được.

Từ nghi tiến đến ngộ phải trải qua công phu. Ở đây thiền sư dạy: Hãy đem những cái đã nghe đã thấy, biết quấy hiểu lầm, câu hay lời diệu, thiền đạo Phật pháp, tâm cống cao ngã mạn... trong lúc bình sinh trút đổ triệt để. Chỉ để lại công án còn chưa minh liễu, an định tại gót chân. Tức là xả bỏ những hiểu biết phân biệt, các kiến thức thu nạp từ bên ngoài, không lưu giữ thứ gì. Chỉ còn lại công án thôi, ôm công án đó mà sống mà tu.

Ngồi thẳng xương sống, không phân biệt ngày đêm, liền được quên lửng đông tây nam bắc, tợ hồ như người chết. Tâm tùy cảnh hóa, tự nhiên bên trong quên suy nghĩ, bặt tâm thức, chợt phá vỡ đầu lâu, xưa nay không phải do ai mà được. Bấy giờ đâu không thỏa chí bình sinh sao !

Ngài chỉ rõ quá trình công phu của người tham công án. Bắt đầu gầy dựng có được niềm tin, từ đó phấn phát hành trì. Pháp tu nào cũng vậy, phải quên thân, coi như mình đã chết. Tất cả chuyện hay dở phải quấy, lời diệu, thiền pháp... trong lúc bình sinh trút bỏ hết, chỉ còn công án chưa minh liễu, ôm công án đó mà tham, mà nghiên cứu, mà tu tập.

Chúng ta không chuyên về pháp tu này. Tuy nhiên những lời dạy của thiền sư Di Am chúng ta cũng áp dụng được. Tất cả những phải quấy tốt xấu hay dở... trút bỏ hết, tâm mới rỗng rang sáng suốt. Nếu mình còn vướng chuyện này chuyện kia, còn vọng động lăng xăng thì tâm không sáng được, không an định được. Không định thì không có tuệ. Chúng ta không dùng từ thùng sơn lủng đáy hay phá vỡ đầu lâu, nhưng phải được định, có định mới có tuệ.

Hàng ngày mình sống trong vọng tưởng điên đảo, lăng xăng chuyện hay dở được mất, chuyện mình chuyện người, không sao tập trung nên Hòa thượng Trúc Lâm dạy phải buông, không chạy theo vọng tưởng nữa. Như vậy mới yên, mới có định tuệ. Huynh đệ tự nghiệm, thấy rõ khi nào mình yên lắng những lăng xăng, thì có chút tỉnh sáng. Người lăng xăng hoài không tỉnh sáng đâu. Nên nhớ, giỏi chuyện bên ngoài không phải là người tu giỏi. Việc gì cũng vừa phải, biết lo tu mới là đắc lực.

Ở đây nói quên thân liều mạng, nghĩa là không biết gì khác, chỉ còn một công án chưa liễu ngộ mà thôi. Cứ thầm thầm tu tập như vậy sẽ có ngày ngộ. Ngày xưa chúng tôi được học với Hòa thượng Bửu Huệ, Hòa thượng Thiền Tâm. Hòa thượng Thiền Tâm là Giáo thọ trưởng ở Học viện Huệ Nghiêm, gần giống như Giám học ở các trường ngoài. Hòa thượng Bửu Huệ là Giám đốc, thời Pháp gọi là Đốc học tức Hiệu trưởng. Hai ngài sau khi tốt nghiệp ở Phật học đường Nam Việt, phát nguyện nhập thất mười năm mới ra làm việc. Mười năm nhập thất này có nhiều giai đoạn hết sức nhiêu khê.

Hòa thượng Thiền Tâm nhập thất trên Đại Ninh. Tôi lên đó thăm, ngài dạy: "Nếu muốn tu thì lên đây, Thầy sắp đặt hướng dẫn cho tu." Sau đó Hòa thượng có việc đi Đà Lạt và cho tôi theo. Đêm nghỉ lại Cực Lạc Viện của Ni sư Trí Nguyện. Ni sư mời Hòa thượng nghỉ trên gác gỗ, tôi cũng được theo. Không hiểu sao đêm đó trong lòng cứ bôn chôn, tôi không ngủ được. Thầy cũng ít ngủ, khoảng chừng mười hai giờ khuya Thầy thức dậy, nhìn thấy tôi không ngủ, Hòa thượng hỏi: "Nhật Quang ngủ được không?" Tôi thưa: "Bạch Thầy, từ hôm giờ con chưa ngủ được chút nào hết." Thế là ngài bắt đầu nói chuyện:

- Qua nay gặp Nhật Quang, Thầy lo một việc.

Tôi không biết ông cụ lo việc gì. Thầy nói tiếp:

- Nhật Quang sẽ rơi vào bệnh bất đắc chí.

- Thưa Thầy, con sợ bệnh này lắm, không dám nuôi bất kỳ cao vọng nào.

Bất đắc chí là sao? Là không được như chí nguyện mình mong muốn, thượng bất đáo, hạ bất chí. Trên không tới mà dưới cũng không xong. Lơ lửng kiểu như vậy. Thầy kể chuyện xưa chuyện nay, cuối cùng nêu rõ lý do dẫn tới bất đắc chí. Quả thật đúng bệnh của mình nên tôi khai hết. Hòa thượng hỏi:

- Tại sao đang học Đại học lại bỏ đi học Nhật ngữ? Phải xin tiền Phật tử cực khổ, rồi tự than oán mình thiếu phước. Có phải là bày ra cái khổ cho mình không! Học Nhật ngữ để làm gì?

Tôi thưa:

- Bạch Thầy, vì trong chữ Nhật có rất nhiều chữ Hán nên con thích. Tại Vạn Hạnh con ghi danh học Nhật ngữ năm thứ nhất. Học xong thấy vui nên con ghi tiếp năm thứ hai. Ở quê nhà mình khó tìm thầy dạy chuyên nên con muốn sang Nhật.

Thầy nói rõ:

- Mơ ước đi Nhật không thành đâu. Nếu có thành, sau này cũng không được gì.

Tôi chưng hửng, mình đang dốc toàn lực vào việc này, bây giờ tự dưng Thầy "phá ngang", thật khó tính ghê! Sau chuyến đi thăm Thầy, tôi về thẳng Thủ Đức. Y như lời Hòa thượng nói, nhiều duyên ập tới làm hỏng tất cả chương trình tôi sắp đặt, luôn cả người Phật tử phát tâm cung cấp tiền du học cũng dừng lại. Rõ ràng mọi thứ đều do duyên, chúng ta không thể cưỡng cầu hay sắp xếp quá phước duyên của mình.

Hòa thượng Thiền Tâm chỉ lỗi của người tu mà không đặt sự tu lên trên, không thấy nó quan trọng. Cứ nghĩ phải học này học nọ, đi đây đi kia... mai mốt mới làm việc được. Thầy quở, đó là vướng vào vòng danh lợi. Nhân duyên điều kiện thực hiện không có mà cứ mong muốn thế này thế nọ, do vậy nên không thành tựu. Trong đạo đòi hỏi người tha thiết tu hành, là bậc chân tài, chứ không chuộng giỏi các việc khác.

Ngài Di Am dạy tu đến mức độ quên đông tây nam bắc, cũng không biết mình là gì, coi như đã chết. Như vậy mới hợp với đạo, mới chuyên chú đi sâu vào công phu, mới khám phá chỗ huyền diệu của đạo. Huynh đệ bây giờ không rơi vào bệnh bất đắc chí như tôi ngày xưa, nhưng lại kẹt trong thế lơ lửng. Rõ ràng anh em đang lơ lửng, cho nên các duyên ập tới liền hổng chân, biểu hiện ra ngoài là phiền não. Phiền não hại đến tâm Bồ-đề, dẫn tới thối chí, cuối cùng rơi vào bất đắc chí. Bất đắc chí ở giai đoạn này thể hiện qua tâm trạng chỉ muốn là một người tu bình thường thôi, không muốn làm gì khác, nhưng trên thực tế tu bình thường cũng không tu được.

Thưa chư huynh đệ, việc tu hành loay hoay cũng từ mình thôi. Cho nên, ngài Di Am dạy đối với tất cả chuyện hơn thua, phải quấy, hay dở... đều vất hết, chỉ chuyên tu. Huynh đệ chưa quyết tâm làm việc này nên phiền não hoài, không hóa giải được. Từ đó tà ma quỷ mỵ xen vào, bệnh càng thêm bệnh. Muốn trị tà ma, tốt nhất tự huynh đệ chấn chỉnh công phu, dẹp trừ phiền não. Làm sao coi như mình đã chết. Rõ ràng người chết không ngóc đầu lên nói gì hết. Người có sức nhẫn chịu như vậy mới kham đi con đường thánh đạo.

Hòa thượng Thiền Tâm kể, có khi đang kiết thất ở Giang Quới, Bến Tre hay Mỹ Tho gì đó, có chuyện phải dọn đi chỗ khác. Tới chỗ khác vẫn chưa yên, lại dọn đi nữa. Đó là vì trong lòng chưa yên. Bởi chưa yên nên duyên bên ngoài thổi đến liền lụy. Cuối cùng thua ma. Thua là do mình yếu, chưa làm chủ được. Người làm chủ coi như mình đã chết. Chỉ như thế mới yên. Cho nên chư huynh đệ mỗi người phải tự cố gắng.

Ngày xưa tôi tự vẽ ra một bức tranh: Sau thời gian du học, có người hỗ trợ cho miếng đất ở vùng Bình Phước. Vườn không lớn lắm nhưng trồng cây trái rất tốt. Gần thất trồng mai, thêm một ít cây cảnh. Thất bằng gỗ không lớn lắm nhưng tiện nghi. Tôi ở đó, nếu có Phật tử mời đi giảng mùa hạ mùa đông gì thì đi. Giảng xong lại về, không lãnh công việc quản chúng, điều hành ở nơi nào cả. Vì lúc nhỏ ở với thầy, biết việc này cực lắm nên tôi rất ngán sợ. Trong đầu nghĩ rằng sống như vậy mình sẽ điêu luyện về viết văn, làm thơ, dịch thuật, sáng tác... Tự hào lắm! Thật là điên hết biết. Trong lòng nuôi dưỡng chí khí cao ngạo, trong khi phúc duyên lại thấp lè tè dưới nền. Hai thứ ấy không khớp với nhau, nên mình trở thành người bất đắc chí.

Kinh nghiệm từ sự hụt hẫng của bản thân lúc còn là tăng sỹ trẻ, tôi luôn khuyên chư huynh đệ cố gắng gầy dựng cho mình một chương trình tu học căn bản, thiết thực, hợp với căn cơ phúc duyên của mình. Vị nào thực hiện được điều này tự nhiên thấy vững tâm, trong lòng vui vẻ. Ngược lại sẽ rơi vào tình trạng bất đắc chí như tôi vừa nói ở trên. Nhân duyên được tu hành như thế này là rất tốt, nhưng huynh đệ phải quyết tâm, lập chí vững mới tiến thẳng, tiến sâu vào chỗ an lạc thật sự. Biết thế nào là bệnh thì phải lo trị, đừng để mất thời gian, không cho chuyện bên ngoài xen vào làm trở ngại việc tu hành của mình.

- HT Thích Nhật Quang -
 

 

[ Quay lại ]