headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ CƯƠNG NHUYẾN ĐÁP THƯ NGƯỜI

zenThực tập công phu cần phải khởi đại nghi tình. Ông tập công phu chưa đầy một tháng đã kết thành khối. Nếu chân nghi hiện tiền thì dù khuấy cũng không động. Cần phải dũng mãnh tiến tới, trọn ngày như kẻ ngây khờ, khi thời tiết đến, không còn sợ con quỷ trong vò chạy mất.

Đây là nội dung bức thư Thiền sư đáp lại một người ngang cơ với ngài. Biết vị đó kết được khối nghi tình và có tỉnh lực, tuy thời gian công phu ngắn nhưng kết quả cao, ngài khuyên bằng cách tấn công, khá rồi đó nên phát huy thêm.

Cần phải dũng mãnh tiến tới, trọn ngày như kẻ ngây khờ, khi thời tiết đến, không còn sợ con quỷ trong vò chạy mất. Đó là cách nói của các vị tham thoại đầu. Cách thức đề khởi công án là như vậy. Ở đây nói trọn ngày như kẻ ngây khờ, nghĩa là không bị dính dáng tới những hiện tượng, sự kiện chung quanh thì công phu tu hành mới đắc lực. Tóm lại chúng ta tu hành phải dũng mãnh, quyết tiến, tiến thẳng không ngần ngừ.

Thật ra khi nói đến điều này tôi rất cảm động với cách dạy của Hòa thượng Trúc Lâm. Ngài không dạy chúng ta tham thoại đầu hay khán công án, mà phải tu trí tuệ, làm sao tỉnh sáng. Ngài tha thiết gầy dựng, sắp xếp chỗ ăn ở, dẫn dắt, nuôi dạy đệ tử, hướng dẫn tu hành thật kỹ lưỡng. Ngài chỉ cho chúng ta cách gầy dựng tỉnh lực trong mọi sinh hoạt. Từ đó làm chủ các nhân duyên bên ngoài.

Một trong những quy chế đầu tiên Hòa thượng thiết lập cho các thiền viện là không được giữ tiền riêng, không cất bất cứ thứ gì riêng tư quý báu cho mình, tất cả đều lợi hòa đồng quân. Thật ra việc này không khó lắm nhưng chúng ta làm không được. Vì sợ không có tiền xài nên bằng cách này cách nọ chúng ta giữ tiền riêng. Một điều này thôi là đã không tuân thủ theo vị tôn sư của mình. Thật xấu hổ!

Giữ tiền riêng sẽ dẫn tới đủ thứ chuyện. Giả sử, buổi chiều mỗi người lãnh một chén bột ngũ cốc nêm chút muối. Ngày nào cũng uống như vậy riết sanh ngán, bắt đầu vọng tưởng nếu có sữa để vào uống sẽ ngon hơn. Trong chúng liền có người phát tâm: "Hôm rồi tôi về thăm nhà, ba mẹ cho ít tiền. Tôi đi xe chưa hết, còn giữ đây, chưa giao thủ bổn. Thôi bây giờ chúng ta lấy mua sữa đi." Việc phát tâm này rất hợp lý, thay vì giữ xài riêng hoặc gửi thủ bổn, mình phát tâm cúng dường cho đại chúng. Nhưng sau đó lại sanh chuyện khác.

Chúng ta đều biết thứ bột lạt lẽo, ăn muốn mệt lỗ mũi, nhưng không làm thân thể đau nhức. Còn thứ bột thêm đường sữa ngọt thấy như ngon, nhưng tối lại ngồi thiền đau lạ lùng. Chỉ cần ăn hai ba bữa là có kinh nghiệm. Ngồi thiền không được vì đau quá. Thế là bỏ, trở lại ăn bột với muối, hai ba bữa sau thấy khỏe mạnh hết đau, bình thường. Tuy nhiên tìm một hành giả như thế thật hiếm. Ai cũng đồng ý cho chút sữa vào sẽ bổ hơn, bởi vì mình sợ mất đồ bổ, sợ bệnh, sợ yếu, sợ tu không được, sợ thiếu dinh dưỡng thế này thế khác, nên mới biện luận như vậy. Tất cả cũng từ tâm niệm thương thân mà ra.

Khi chúng ta sống chung rất cần những điều cảm thông. Bình thường thấy như không có gì, nhưng nếu một huynh đệ gặp tai họa, mọi người đều lo buồn, thương tưởng. Nhất là huynh đệ trong một đạo tràng, hàng ngày cùng tu tập, học Phật pháp, gắn bó, chia sẻ với nhau, ruột thịt tình thâm đậm đà. Nhiều đời trước chúng ta đã kết chủng Phật pháp, chủng giác ngộ giải thoát. Cho nên đời này đủ duyên được xuất gia làm Tăng, tu cầu giác ngộ giải thoát là một điều đặc biệt. Vì thế chúng ta phải trân trọng cuộc sống tập thể mà nỗ lực tiến tu.

Thật ra nếu thiếu trí tuệ và nhận định, chúng ta rất dễ huân tập những điều không hay. Khoan nói tu để được thành Phật, giác ngộ giải thoát. Chỉ cần trọn đời tu hành trong điều kiện như thế này, chúng ta cố gắng lột bỏ nhiều thứ không tốt bu bám. Ngày nào chúng ta còn tu hành nghiêm chỉnh, biết đạo lý giới luật là quý báu vô cùng. Chuyện giác ngộ giải thoát là đương nhiên, nhưng phải tu phải tiến, phải gột rửa dần dần, không thể nói suông được.

Hồi nhỏ, tôi còn đi học ở Đại học Vạn Hạnh, thường nghe nói về thuyết "đang là" của Krishnamurti. Sách của ông được phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên học Phật. Mấy anh chị thường nói với nhau "đang là", phải sống với cái "đang là". Tôi hiểu nôm na "đang là" tức cái hiện tiền.

Buổi chiều hôm đó, mấy anh chị xúm nhau đi uống nước, ngồi bàn "đang là". Tôi thấy họ nói "đang là" mà không có "đang là" gì hết. Một anh đề nghị đi vườn trái cây chơi, rồi kéo nhau chạy tới Long Thành, vào vườn chôm chôm, vườn mít tố nữ. Sang Lái Thiêu, Chợ Bún... "đang là" như vậy đó. Sau này được học Thiền mới biết đó là bị vọng tưởng dẫn. "Đang là" cái gì lạ vậy. "Đang là" của thiền sư là sống với cái hiện tiền, hồn nhiên. Đằng này dấy niệm lên lao theo, sống với niệm tưởng lăng xăng mà nói "đang là" là nói rỗng, không dính dáng gì với cái hiện tiền "đang là".

Người nào thực hiện thành tựu những quy chế chung khoảng chừng bảy tám mươi phần trăm đã là quý rồi. Như chủ trương của viện không cho sử dụng điện thoại di động và các loại máy móc riêng tư. Nhưng thực tế chúng ta chưa thực hiện hoàn toàn triệt để, vì thế còn bị vướng mắc nhiều. Mình không dính dáng đến chuyện gì mà đi đâu cũng kè kè nó làm chi. Có những huynh đệ làm được, nhưng cũng còn rất nhiều người chưa làm được. Tự bản thân mình cố gắng, biết nó là quấy, không cần thiết, bỏ! Chứ còn luật lệ, quy chế nhiều khi làm cho chúng ta phiền thêm.

Chúng ta còn nghiệp thức mênh mông, điên đảo lắm. Vô minh nhiều, nghiệp sẽ dẫn mình đến chỗ không tốt. Trái lại nếu vô minh bị phá, trí tuệ sẽ trở thành một năng lực giúp chúng ta thành tựu thánh đạo. Sự chuyển hóa phi thường này từ năng lực trí tuệ, công phu tu tập của chúng ta. Chớ đặt định mình vào trong một khuôn khổ an bài sẵn. Chắp tay lạy Phật: "Con nghiệp dày phước mỏng tu không được." Khóc lóc lễ lạy một hồi mong cho nghiệp mỏng phước dày! Làm như vậy là không đúng với tinh thần Phật dạy. Nghiệp dày thì làm cho nó mỏng, phước mỏng thì làm cho nó dày. Do sự cố gắng của mình thôi.

Con đường thiền định là lối đi thẳng vào công cuộc xây dựng sinh mệnh của mình.

Ngay đây, chúng ta làm chủ đối với các nghiệp tập thì tất cả những bu bám lâu nay trở lên bất lực. Đệ tử xuất gia của Phật thì phải quyết thẳng một đường tu hành, bao giờ thành Phật mới vừa lòng. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa trong tinh thần hồi hướng. Hồi tự hướng tha, hồi nhân hướng quả. Nghĩa là từ chỗ chúng sinh cùng cực khổ đau, chuyển hóa thành thánh hiền, Phật tổ. Nhờ công đức tu hành nên chúng ta có thể chuyển hóa được. Tuy nhiên những thứ trầm trì thuộc về định nghiệp, chuyển nó là cả một công phu.

Xưa kia vua A-xà-thế giết cha giam mẹ để được làm vua sớm. Tới khi tỉnh ngộ thì cha đã chết trong ngục, mẹ đau khổ cùng cực. Tội giết cha mẹ rất nặng, phải bị đọa địa ngục Vô gián, chịu vô vàn thống khổ. Ông biết tội lỗi vừa chạy vừa la sảng, tha thiết cầu xin đức Phật chỉ cho sám hối. Đức Phật dạy cách sám hối, sau này ông trở thành người tốt, một vị hộ pháp đắc lực nhất trong thời đức Phật còn tại thế.

Cho nên ý chí mãnh liệt, công đức tu hành có thể làm nên đại nguyện, sự nghiệp, tư cách của chúng ta. Huynh đệ chớ có dễ duôi ôm giữ những thói thường, những cái tệ của mình, phải mạnh dạn vứt nó đi. Ngày nay chúng ta được mặc chiếc áo nhà tu, được xuất gia làm đệ tử Phật, được học pháp Phật, được hành trì những giới điều cao quý, chúng ta càng phải trân trọng nhiều hơn.

Trong đời thường, chúng ta còn bị nhiều bó buộc này kia, vì thế ý chí phải mãnh liệt mới vượt thoát nổi. Người tu hành không có ý chí giống như sắt lụt không dùng được. Chư huynh đệ cố gắng. Thực sự mà nói, nếu không có tinh thần chuyển nghiệp, chúng ta tu làm gì. Chẳng lẽ chúng ta chịu làm kiếp chúng sinh đời đời hay sao? Các vị trưởng lão già nua, yếu bệnh còn có thể chuyển, huống là trai tráng như chúng ta. Chuyển thế nào? Mỗi ngày nương theo lực của chư tăng, tới giờ ăn thì nghiêm chỉnh mặc áo, đi thẳng hàng đến Trai đường, như pháp thọ trai, xứng đáng là hàng đệ tử của Phật. Xong quay về lại đi ngay hàng thẳng lối. Đó là có chuyển. Còn không chuyển thì ghé chỗ này nói chuyện, ghé chỗ kia nghỉ mệt.

Bản thân tôi cũng phải cố gắng chuyển. Nhiều khi chống gậy đi thấy xương sống không ổn. Đi cũng đau, đứng lâu cũng khó chịu, nhưng ráng. Lên dự lễ sám hối, đứng niệm hương mà hai chân đều run, không có chỗ để tựa. Do vậy một tay vịn bàn thờ, tay kia cầm ba cây hương cộng với cái micro xướng tụng. Lúc đó tôi phải cố gắng nhiều lắm, vì không làm chủ được hai chân. Không lạy được, xấu hổ lắm. Tuy nhiên chẳng bao giờ kêu đệ tử đem ghế lại ngồi xuống. Run là run, đứng là đứng. Tròn khóa lễ mới cà lê cà lết đi về. Phải có chút ý chí quyết định, chứ chiều theo thân này thì thôi tu hành gì được nữa.

Ngày xưa đức Phật đi tu, hoàng cung đâu có gửi sữa bánh, cơm nước. Ngài ép mình khổ hạnh, vì thấy dù có nhồi nhét bao nhiêu cho thân này, nó cũng từ tạ, bạc bẽo với mình. Mấy mươi năm sống trong nhung lụa, thụ hưởng tất cả những thứ dục lạc, ngài không cảm nhận an vui chút nào, chán phèo! Bây giờ chấp nhận khổ hạnh, mỗi ngày ăn một hạt mè, không mền mùng chiếu gối, chỉ một tấm vải khoác trên thân. Điều đó đã nói lên được ý chí dứt khoát, mãnh liệt của đức Phật.

Tóm lại, thiền sư Cương Nhuyến dạy chúng ta phải dũng mãnh tiến tới, coi như mình đã chết mới có được an lạc. Người xưa nói rằng: "Sự thành công nào cũng phải đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt." Cũng vậy, công phu gắn bó, có giá trị với chúng ta là công phu được mài giũa, đánh đổi. Đừng để mình trở thành tăng cơm cháo qua ngày, không nghĩ gì đến vận mệnh tu hành của bản thân. Thật đáng tiếc!

- HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]