headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - ĐẠI SĨ TỐ AM ĐIỀN DẠY CHÚNG

toathien6Gần đây những người dốc chí tham thiền rất ít, vừa tham câu thoại đầu liền bị ma hôn trầm, tán loạn lôi cuốn. Không biết hôn trầm tán loạn với nghi tình chống đối nhau. Tín tâm nặng thì nghi tình nhiều, nghi tình nhiều thì hôn trầm, tán loạn tự mất.

Tựu trung ngài Tố Am Điền chỉ cho chúng ta cách trị hôn tán. Hai bệnh này giống như gọng kìm, luôn sẵn sàng bóp mũi, siết cổ ta bất cứ lúc nào.

Thật sự trước khi ngồi thiền chúng ta đã có chuẩn bị, nhưng vừa lên bồ đoàn là ngủ. Ngủ gà ngủ gật hoặc nghĩ vớ vẩn chuyện này chuyện khác. Như thế là mình đã bị bóp mũi, siết cổ rồi.

 Cho nên người tu thiền phải biết cách trị hai thứ bệnh này. Tại xứ sở quê hương mình, phần nhiều bị nóng bức. Bởi nóng bức nên ma ngủ quay mình trước. Tuy nhiên ở những nơi thoáng mát cũng vậy, nếu không đủ tỉnh lực, ma ngủ đến không sao chúng ta chống chọi nổi.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy những cách trị hôn tán tương đối giản dị: Giống như chiến đấu với hư không. Chiến đấu với hư không là chiến đấu với cái gì? Lời dạy này quả thật dày dặn kinh nghiệm. Thời điểm mình còn trẻ khỏe, nghe kẻng thức chúng lúc hai giờ bốn lăm phút hoặc ba giờ cảm giác thật nặng nề, khó khăn. Nhưng nhờ vào tỉnh lực và tinh thần chung của đạo tràng của huynh đệ, chúng ta cố gắng dễ dàng hơn.

Nghe tiếng kẻng, ngóc đầu dậy. Ngồi đó mà hai con mắt còn nhắm, không biết mình đang ở đâu. Nhìn qua nhìn lại thấy thuộc lòng, nhớ một cách rõ ràng. Thức dậy thì phải mau mau đi rửa mặt. Từ đơn ra tới phòng vệ sinh có khi còn ngây ngất trong cơn ngủ vùi. Rửa mặt nhanh nhanh, mặc áo lên thiền đường, vừa đi vừa ngủ. Vào trong đạo tràng cùng nhau đảnh lễ Tổ sư, mấy vị hàng đầu giáo xướng, đánh chuông, đánh khánh cho mình lạy theo. Nhưng trong suốt thời gian đó, ta hoàn toàn không làm chủ. Nghe cái "boong" biết là lạy, thả đầu xuống cái cụp. Nghe tiếng khánh biết là đứng dậy, hai ba lần như vậy rồi ngồi xuống. Sắp đặt bồ đoàn, tọa cụ ngay ngắn xong leo lên ngồi.

Do vì đã quen nên cái chân có khi tự kéo, mình chỉ sắp đặt mấy tà áo cho gọn, vừa phải trong phạm vi ngồi của mình. Xong xuôi bắt đầu điều thân, điều hơi thở. Áp dụng pháp tu trong cơn ngủ gật, hai con mắt không chịu mở ra. Những vị tu trước có kinh nghiệm nói chúng ta đã bị bóp mũi chết rồi. Cho nên khi ngủ gật, hơi thở nghe rất nặng nề, thậm chí có người ngáy luôn. Mỗi người gục mỗi kiểu khác nhau, gục xuống, gục nghiêng qua, ngoẻo cái đầu... Có trường hợp gục quá đà nên bồ đoàn tụt ra khỏi mông, tiện tay hất đi luôn. Tất cả đều hiện tướng không làm chủ được mình.

Thời gian này kéo dài chừng nửa tiếng một tiếng đồng hồ. Thậm chí có những vị không làm chủ được cái miệng, để nước trong đó chảy ra. Lúc này đâu có me chua, muối ớt hoặc cái gì khác mà vẫn tự nhiên vậy. Đó là hiện tướng mất tự chủ. Người biết xấu hổ thì có thể trị được bệnh buồn ngủ, nhưng ít ai làm được điều này, có khi không đủ sức đủ hơi để biết.

Những phương pháp Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta điều trị bệnh hôn trầm, đều phải được vận dụng từ tỉnh lực của bản thân. Lấy việc sinh tử làm đà tiến, gầy dựng cho được cái tỉnh sáng. Hoặc điểm trán: "Chính mi đấy! Ta bị luân hồi sinh tử khổ sở vô cùng, trải dài nhiều đời nhiều kiếp cũng từ mi. Cho nên bây giờ ta không lầm mi nữa." Chúng ta nói với ai? Với hư không. Nói để tỉnh. Cách này đòi hỏi chúng ta phải cố gắng hết sức.

Nếu chúng ta chưa tỉnh được thì tiếp tục áp dụng cách cúi ngước đầu, xoay phải trái, nhún vai nhẹ nhàng chậm rãi. Cách này giúp cơ xương phần cổ và thân được giãn ra, hơi ấm từ dưới đan điền xông lên. Nên làm đều hai bên, ba cái thì cùng ba cái, chứ làm bên ba bên năm sau này sẽ bị ngoẻo một bên. Tất cả mọi người xung quanh đều ngồi yên, đang vào định; còn mình lúc lắc, nhún lên nhún xuống, ngó qua ngó lại, coi rất kỳ.

Nếu quá ba lần mà chúng ta không tỉnh được, coi như hiệu năng của phương pháp này không còn tác dụng. Nên đứng dậy nghiêm chỉnh, giập đầu lạy Phật. Tự hứa tự nguyện rằng: "Con vì nghiệp tập sâu dày khiến ma buồn ngủ chụp đầu không sao đuổi đi được. Nhờ uy lực của Tam bảo gia hộ cho con đừng buồn ngủ nữa. Nếu ma ngủ chưa tha, chúng ta nên xin phép Giám thiền ra ngoài rửa mặt, đi kinh hành nghiêm chỉnh bên ngoài thiền đường. Thấy an ổn phải quay vào tiếp tục tọa thiền. Chừng nào đại chúng xả thiền, chúng ta mới có quyền rút lui. Nghiêm chỉnh áp dụng thì những cách đối trị của Hòa thượng dạy trở nên nhẹ nhàng và có hiệu lực.

Chúng ta chưa giác ngộ cho nên ai cũng ngán sợ luân hồi sinh tử. Nếu để si mê dẫn đi trong chỗ lăng xăng, loanh quanh tạo nghiệp thì khổ quả không biết chừng nào mới dừng. Ngày hôm nay ta kết được chủng giác ngộ giải thoát là cơ hội để dừng bước. Vì thế phải cố gắng vận dụng tỉnh lực một cách triệt để. Có một anh người Bình Định, khi tọa thiền anh để mẻ lửa với cái dùi nướng đỏ tươi gần đó. Ma ngủ tới trị cách này cách khác không xong, anh lấy cái dùi kê vào đùi non một phát, da thịt khét lên. Một lần như vậy ma ngủ tởn luôn, không bao giờ dám bén mảng tới nữa. Anh này chắc cũng thuộc hàng con cháu của ngài Từ Minh. Ở Phần Dương, mỗi khi bị ma ngủ hành, ngài cũng lấy dùi nung đỏ chích vào đùi. Từ đó ngài trở thành một vị đại thiền sư lừng danh. Ngài Từ Minh Sở Viên, người ra đời để chấn chỉnh mở mang tông Lâm Tế trụ thế dài lâu mãi cho tới ngày nay.

Gần đây những người dốc chí tham thiền rất ít, vừa tham câu thoại đầu liền bị ma hôn trầm, tán loạn lôi cuốn. Tham thiền thoại đầu là một ngành rất khó, nói nghe dễ nhưng làm không hề dễ chút nào. Bởi vậy rất ít người tu theo.

Không biết hôn trầm tán loạn với nghi tình chống đối nhau. Đây là mấu chốt trong công phu thoại đầu. Cái nghi càng to thì cái ngộ càng lớn. Nếu trị được hôn trầm thì nghi tình kết khối. Ngược lại nghi tình kết khối thì ma hôn trầm tán loạn không thể xâm nhập. Bước vào được chỗ này phải trải qua muôn vàn gian nan. Bởi vì bệnh ngủ gật và tán tâm vớ vẩn chuyện này chuyện khác rất khó trị. Một khi chúng ta tập trung điều trị phải trải qua rất nhiều thời gian và cách thức. Trong khi áp dụng nếu thấy mình làm không xong, phải vận dụng đến tâm lực và những cách thức mạnh mẽ hơn.

Chúng ta ngồi thiền theo sự hướng dẫn của Hòa thượng Trúc Lâm, biết vọng liền buông. Muốn buông được thì phải tỉnh táo, nếu không tỉnh biết gì đâu mà buông. Vừa ngồi xuống là ngủ. Một niệm dấy khởi lôi đi đã đời, đến hồi giật mình tỉnh lại thì hết giờ, đâu còn chi nữa công phu. Chư huynh đệ để ý, thời gian ngồi thiền tốt nhất của chúng ta là ba giờ khuya. Khí hậu mát mẻ, chúng ta đã được nghỉ yên một giấc từ khoảng chín rưỡi, mười giờ cho tới ba giờ khuya. Cho nên ngồi thiền giờ này dễ tỉnh, không buồn ngủ như những buổi khác.

Ngày xưa lúc tôi ở trên núi, buổi sáng khỏe khoắn tỉnh táo. Đi đứng, nói chuyện, làm việc rất tốt nhưng ngồi thiền lại nhọc, khó chịu hơn bất cứ thời thiền nào trong ngày. Anh em đều công nhận giờ thiền sáng là bị hành hạ nhiều nhất. Hòa thượng cho ngồi chỉ một tiếng, vậy mà khó chịu, nhọc nhằn và buồn ngủ. Ngủ là nhiều nhất, nặng nhất, sâu nhất, khó thẩy nhất. Nhưng đổi lại, sau khi thọ trai nghỉ ngơi được khoảng hơn tiếng đồng hồ, thức dậy, đọc học xong khoảng ba giờ chiều tọa thiền. Thời thiền từ ba giờ tới năm giờ chiều rất ổn. Khí hậu bên ngoài dịu xuống, gió biển lộng mát.

Thật sự mà nói, nếu không có gió, trên núi nóng hơn ở Thường Chiếu. Tại sao? Vì đá. Hơi của đá qua một ngày thâu nắng hắt ra nghe rất nóng. Trên núi mát nhờ gió. Thời thiền buổi chiều rất tốt, chư tăng không ngủ gục. Ai ngủ gục buổi chiều là người đó bệnh. Đến thời thiền đầu đêm cũng hành hạ thiền tăng không thua gì thời thiền ban sáng. Cho nên mình phải đối đầu với hai thời thiền, ban sáng và đầu đêm rất vất vả. Trên núi gió lộng như vậy, mà xả thiền áo ướt đẫm, mồ hôi ở đâu nó tuôn ra. Nóng nực thế đó nhưng thiên hạ vẫn ngủ, tôi không hiểu nổi. Quả thật là cái nghiệp của mình! Cho nên muốn đối đầu với nó, tỉnh lực phải khỏe, trí lực phải mạnh, sự kiên quyết phải vững mới vượt qua được khó khăn này.

Những khó khăn này không có hình thức, không phải là khối đá để khuân vác, nó giống như hư không vậy. Chiến đấu với một đối tác không biết không thấy quả là rắc rối. Thí dụ khi chúng ta đánh trống, đối diện với mình là mặt trống. Anh em cầm hai cây dùi thện vào nghe một cái "đùng" là biết chính xác ngay giữa, nếu thện vào nghe một cái "cảng" là biết đánh một bên, thện vào nghe một cái "cốp" là biết đánh trật ngoài bản trống. Nó có đối tượng, sự tướng rõ ràng. Chúng ta chiến đấu với hư không, đánh trúng đánh trật gì không thể biết. Vì thế đòi hỏi phải là người có ý chí, có trí tuệ mới làm nổi.

Ngài Tổ Am Điền dạy: Tín tâm nặng thì nghi tình nhiều, nghi tình nhiều thì hôn trầm tán loạn tự mất. Tín tâm nghĩa là tin tâm mình, sống được với tánh giác của mình. Người nào vào được chỗ đó thì hôn trầm tán loạn không còn. Chúng ta không cố gắng, cứ thả rề thì biết chừng nào làm được điều này. Thành ra ngài dạy tín tâm phải hoàn toàn triệt để thì nghi tình kết khối. Nghi tình kết khối thì hôn trầm tán loạn không có cơ hội phát triển.

Đó là những lời dạy thiết yếu của Đại sỹ Tố Am Điền.

  - HT Thích Nhật Quang -

 

[ Quay lại ]