headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TUYẾT KHÂM DẠY

toathienThời giờ không đợi người, một chớp mắt đã qua đời khác, lúc thân thể còn tráng kiện sao không dốc chí học hỏi cho thấu nguồn tột đáy. Chúng ta có cái diễm phúc gì mà ngày nay được ở trong Tăng đường ấm cúng, tại pháp hội của Tổ sư, trên ngọn danh sơn đại trạch thần long thế giới này. Ăn thì cơm cháo ngon lành, uống thì nước nôi ấm áp. Nếu không dốc chí học hỏi giáo lý cho tận cùng, triệt để, là các ông tự thả trôi đời mình cam chịu trôi lăn, thật là kẻ hạ liệt ngu si! Nếu thật là mờ mịt không biết, sao không thưa hỏi các bậc tiên tri? Phàm những khi có người hỏi đạo, các bậc trưởng lão chỉ dạy, hoặc nói ngang nói dọc sao không ghi nhớ xét nghĩ rốt ráo thử cái đó là cái gì ? 

Dù hoàn cảnh bây giờ cách xa thời xưa, nhưng những lời dạy và ý tư thiền sư Tuyết Nham Khâm đinh ninh nhắc nhở vẫn rất thiết thực và xác đáng đối với người xuất gia.

Ngài nói: Thời giờ không đợi người, một chớp mắt đã qua đời khác. Đó là sự đổi thay nhanh chóng của vô thường, một hơi thở ra trở ngại, ngượng ngập, đứt quãng không lấy lại được là qua đời khác. Vô thường nhanh chóng diễn ra trước mắt chúng ta. Chỉ cần hít vào một hơi tận cùng rồi nín lại ngang đó, không trở ra là tắc nghẽn. Nín thở rất nhanh.

Hồi xưa lúc còn trẻ, tôi có người huynh đệ sống nhờ trong chùa. Anh học trường đời, tôi học trường đạo. Hoàn cảnh gia đình hanh thông nên anh được người thân giúp đỡ, cung cấp. Một hôm anh bệnh ngặt, mấy huynh đệ chung phòng đưa đi bệnh viện Chợ Rẫy. Khu miễn phí nằm ở góc đường mé dưới, trong đó thờ Bồ-tát Quan Âm, người ta đến đây trị bệnh rất đông. Bác sỹ nói anh bị bệnh tim. Thời điểm này chưa có viện chuyên tim, vì thế anh được điều trị tại chỗ. Huynh đệ luân phiên nhau chăm sóc. Anh kể nhiều lúc hơi thở ngặt nghèo, thở không được, cái chết gần kề. Chỉ cần nghẽn một chút, không khì ra là kể như bứt.

Những năm học cuối cấp hai, khoảng lớp 9, lớp 10 nên anh phải ráng học. Nếu học không khá, sang lớp đệ nhị đệ nhất, tức lớp 11 lớp 12 sẽ không học nổi. Ngày xưa có hai kỳ thi tú tài, tú tài một và tú tài hai. Lần thi tú tài một của lớp đệ nhị, lần thứ hai còn gọi là kỳ thi toàn phần của lớp đệ nhất. Các môn học thời đó tuy nhiều và khó nhưng không rắc rối như bây giờ. Tuy nhiên tinh thần thi cử thì lại nghiêm túc hơn ngày nay nhiều.

Sau khi khỏe mạnh, anh tiếp tục đi học, chừng nào bệnh lại tới nhà thương.

Anh ráng học, nhưng càng ráng chừng nào càng nghẹt thở chừng nấy. Nhiều đêm nằm trong bệnh viện miễn phí nghe hẩm hiu làm sao. Chung quanh toàn người bệnh. Bệnh nhân dưới quê lên, không có giường họ nằm lê lết theo đường đi trông rất thảm. Bệnh viện lúc nào cũng quá tải, tai nạn súng đạn đủ thứ. Chứng kiến cảnh tượng này, anh dần dần hiểu ra lẽ thật của cuộc đời. Sự mong manh của kiếp sống con người, của thân tứ đại, của tất cả các thứ vinh nhục đều do phước duyên.

Tuy thời chiến tranh nhưng gia đình anh vẫn có điều kiện giúp đỡ phương tiện sống. Bạn bè thì nghèo xác nghèo xơ, chia nhau từ miếng bánh, từ viên thuốc khi cần. Đa số người dân đến nhà thương không có tiền, ăn uống lại thiếu thốn. Thỉnh thoảng có người nấu cơm bố thí, còn những ngày khác phải đi ăn cơm phước thiện. Như ở chùa Vạn Quốc đường Phan Thanh Giản, chỉ tốn năm sáu đồng mà ăn no bụng.
Mấy huynh đệ thường rủ tôi vào đó: "Ông nên vào đây cho biết cuộc đời. Không phải như mấy ông ở chùa, cơm dọn sẵn lên mâm, tụng lếu láo một chút là no bụng..." Đối với những học tăng nghèo, nơi này là tiệm cơm từ thiện. Cơm lấy đủ ăn, một tô canh thập cẩm gồm các loại củ, lá cải nấu chung. Món kho gồm củ cải trắng, củ cải đỏ thái vuông nhỏ, kho chung với mấy miếng đậu hũ, thêm bột ngọt, tiêu, ăn thấy cũng được. Nước tương, ớt để sẵn trong chai, ăn chưa no có thể xin tiếp. Bây giờ nếu gặp lại Ni sư trụ trì, không biết tôi có nhận ra không, chỉ nhớ mang máng trong đầu, nhưng lòng biết ơn thì chắc chắn anh em chúng tôi không bao giờ quên.

Trong các huynh đệ cùng trang lứa, tôi ở nội trú tại Học viện, còn một số đi học bên ngoài. Những vị này ý chí lẫm liệt, có thể chịu cực chịu khó. Học tăng hồi đó không được mời đi cúng cầu an cầu siêu. Chúng tôi có nhiều thời gian học, do đó mấy huynh đệ đều rất giỏi. Hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn nên phương tiện đi lại hiếm hoi. Cô Tuệ Đăng được ông già sắm cho chiếc xe mini Lambretta, Định Huệ đem về để ở Huệ Nghiêm. Tôi cũng được Phật tử cho một chiếc xe Honda khá tốt. Mấy anh em chịu lắm. Mười mấy huynh đệ chúng tôi đi học bên Phật khoa bằng chiếc xe Lambre do nhà trường cấp. Hôm nào bận việc đi trễ, Định Huệ chở tôi. Anh học bên khoa Xã hội, tôi học bên Phật khoa.

Thời gian này chúng tôi luôn ý thức phấn đấu cho nên học hành khá giỏi. Dường như những tế bào ngủ gục, đen tối bị đánh bạt tất cả, chỉ còn sự siêng năng, tích cực hướng đến tương lai. Sự cố gắng đã đem đến kết quả rõ rệt cho các huynh đệ, thi đâu đậu đó. Một số thi tú tài gặp trở ngại, họ tự biết mình chưa phải là học sinh giỏi, vì thế xin thi ở Cần Thơ, cuối cùng đều đậu hết. Một số học tăng thực hiện chương trình mới của Giáo hội được di dời về các học viện như Học viện Nguyên Thiều, Học viện Nha Trang. Sau đó khoảng sáu chục vị được gửi trở lại chùa Giác Nguyên của Hòa thượng Vạn Thọ để thi tú tài một, tất cả đều thi đậu. Trong hoàn cảnh khó khăn như thế, đòi hỏi chúng ta càng phải thức tỉnh, hưng phấn và cố gắng nhiều hơn.

Đối với chương trình tu học hiện nay, nếu chúng ta không cố gắng sẽ không tới đâu. Những người tích cực thể hiện rõ nét trên khuôn mặt, trên phong thái. Những người quen thói lề mề thả trôi biểu hiện qua dáng đi đứng ngồi nằm. Nghe tiếng kẻng thức chúng mà không muốn dậy, ngồi học uể oải, đứng đi lập cập v.v... đều là hiện tướng của lười nhác. Đây là loại ma quân biếng trễ, xem thường, ngày qua ngày không tiến được.
Một hôm thiền sư Bảo Thông Đại Điên đứng hầu, Thạch Đầu hỏi:
- Ông là tăng tham thiền hay tăng châu huyện?
- Tăng tham thiền.
- Sao là thiền?
- Nhướng mày chớp mắt.
- Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, đem bản lai diện mục của ngươi ra trình xem?
- Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, thỉnh Hòa thượng xem con!
- Ta trừ xong.
- Con trình Hòa thượng rồi.
Ngài Đại Điên không phải là tăng châu huyện, ngài thưa con là tăng tham thiền. Tổ gạn lại đúng như vậy nên chấp nhận. Tư cách, việc làm, hạnh nghi của người học đạo nói lên công đức và sự thành tựu của người ấy.

Người tham thiền chưa vào được cửa là do chưa có sự cố gắng phấn đấu tích cực. Chưa biết sợ sinh tử vì thế chưa biết tham thiền là gì. "Châu huyện" là một cách nói, đại khái như bữa nay đi Sài Gòn, mai đi Vũng Tàu, lâu lâu đi Hà Nội chẳng hạn. Người tu hành nếu thiếu sự cố gắng, thiếu ý thức trong công phu thì cuộc đời sẽ trôi suông vô ích, nhất là khi có nhân duyên khác xen vào. Người chưa thấy rõ mục đích tu để giải quyết sinh tử, chưa ngán cái khổ luân hồi, chỉ nhìn thấy cơm ăn áo mặc trước mắt, chẳng khác nào tăng châu huyện.

Vừa rồi một thầy đang nhập thất nghĩ mình tu không tiến, muốn xin ra ngoài đi học, tôi đồng ý. Tôi nhờ quý thầy chịu trách nhiệm vào trong thất lễ Phật lãnh vị đó ra, khỏi đến gặp tôi, muốn đi học thì cứ đi thẳng. Tưởng sao, ra thất rồi luộm thuộm y áo lên sám hối. Tội gì? Không chịu phấn đấu, sinh tử chụp trên đầu mà còn chưa biết, gánh không nổi mà chẳng sợ. Ngồi yên tu trong điều kiện an ổn lại nghĩ đến chuyện đi học. Sám hối gì đâu, bị rầy xong quay sang xin về thăm nhà, chứng tỏ tâm niệm tu hành không vững, ý chí không có.

Mỗi người phải tự ý thức việc tu hành của mình. Đời sống tiện nghi do nhân duyên, phúc đức kết tụ trong nhiều đời, nó không đến hai lần. Bây giờ có phước được sống như vậy mà không biết đầu tư, tự nhiên phước hết không tìm lại được. Vì thế huynh đệ phải cố gắng phấn đấu, sao cho mỗi phút giây sống đều có ý nghĩa, có giá trị, đừng để đời tu trôi bồng bềnh trong cuộc sống cơm cháo hằng ngày, như vậy chẳng phải người tu.

Lúc thân thể còn tráng kiện sao không dốc chí học hỏi cho thấu nguồn tột đáy.

Thân thể khỏe mạnh tráng kiện, đầu óc minh mẫn sáng suốt có thể đọc sách, nghiên cứu, nghe giảng là điều kiện rất thuận lợi. Từ đó có thể biết được thế nào là việc làm đúng sai, thế nào là buông xuôi theo vọng tưởng để ngày qua ngày.

Sau khi nhận bát sữa của mục nữ Sujata, đức Phật đến bên cội Bồ-đề trải tòa cỏ thiền định với lời thệ kiên quyết: Nếu không thành tựu đạo quả, dù thịt nát xương tan Ta cũng không rời khỏi chỗ này.

Sau bốn mươi chín ngày đêm, đức Thế Tôn thành tựu đạo quả, ngài khẳng định: "Ta học đạo không thầy, Ta đã thành tựu trí tuệ vô sư." Mỗi chúng ta đều có sẵn trí tuệ đó, khi tất cả những lầm mê tăm tối, dã dượi ươn yếu tan sạch, trí vô sư sẽ hiện bày và phát huy trọn vẹn.

Chúng ta có cái diễm phúc gì mà ngày nay được ở trong Tăng đường ấm cúng, tại pháp hội của Tổ sư, trên ngọn danh sơn đại trạch thần long thế giới này. Ăn thì cơm cháo ngon lành, uống thì nước nôi ấm áp.

Ngày nay chúng ta được ở trong Tăng đường, trong đại chúng, trong chốn Tổ, nơi mười phương các bậc hiền thánh quy tụ, các Phật tử hướng về hỗ trợ việc tu học là một phúc duyên rất lớn. Hoàn cảnh người xưa không được như chúng ta bây giờ. Trong thiền sử kể lại, có nhiều pháp hội chư tăng phải chia nhau từng bát cơm khô, sớt nhau từng chén canh rau.
Nhưng quý ngài vẫn vui vẻ, tích cực tham thiền học đạo, giải quyết cho được việc sinh tử.
Thuở xưa, thiền sư Ngộ ở Pháp Xương sống rất đạm bạc, tự trồng rau để ăn, tăng chúng các nơi đến học đạo đều không kham nổi đời sống cơ cực này. Hoàn cảnh, phương tiện, những nhu yếu phẩm thời đó chưa dồi dào, cho nên sự cung cấp không được đầy đủ. Tuy vậy, các ngài luôn luôn phấn đấu, vì thế ai cũng thành tựu. Cho nên chúng ta tu hành phải có sự cố gắng đắc lực, tích cực mới mong được như các ngài.

Nếu không dốc chí học hỏi giáo lý cho tận cùng, triệt để, là các ông tự thả trôi đời mình cam chịu trôi lăn, thật là kẻ hạ liệt ngu si!

Ngài quở, nếu chúng ta cứ dễ duôi thả trôi qua ngày chẳng khác nào kẻ hạ liệt ngu si. Cách nói mạnh bạo như vậy không có nghĩa là hạ nhục hay chê bai, cốt để chúng ta giác tỉnh vươn lên. Những lời ấy nhằm giúp chúng ta dồn hết tâm lực phá tan ngu si, phát huy trí tuệ bản hữu, tức trí vô sư.
Các bậc thầy tổ ngày nay thường tránh những lời nói nặng nề. Khi chúng tôi làm điều gì sai, Hòa thượng Trúc Lâm nhìn mặt nói: "Sao dốt quá vậy?" Ngài lặp đi lặp lại hai ba lần như thế. Hòa thượng Vạn Đức thì nói: "Sao mà dở quá!" Nếu nghe trong chúng dùng từ "ngu", ngài quở không nên nói như vậy, sẽ kết nghiệp ngu.

Nếu thật là mờ mịt không biết, sao không thưa hỏi các bậc tiên tri?

Nếu còn chỗ không biết, tại sao không chịu học hỏi các bậc thầy của mình. Chúng ta ở trong Thiền viện, cuộc sống bình ổn, tiện nghi, sách vở đầy đủ, có nhiều thời gian học hành, nghiên cứu. Giả sử không gặp thầy để hỏi, chúng ta đã có một thư viện sách vở đầy đủ tam tạng kinh điển, có cả Thiền tạng, Tục tạng v.v... Chẳng những trong thư viện mà riêng mỗi huynh đệ đều không thiếu kinh sách. Nhưng coi chừng, huynh đệ đọc qua loa rồi tặng biếu cho người này người khác, trong khi bản thân chưa đào xới được gì trong đó thì cũng không lợi ích bao nhiêu. Nhiều quyển sách rất giá trị, rất hữu ích nhưng anh em lại xem thường, không chịu nghiên cứu, học hỏi, thật đáng tiếc!

Phàm những khi có người hỏi đạo, các bậc trưởng lão chỉ dạy, hoặc nói ngang nói dọc sao không ghi nhớ xét nghĩ rốt ráo thử cái đó là cái gì?

Khi đến những pháp hội thuyết giảng Phật pháp do các vị tôn đức chủ trì, người học đạo phải nên khắc cốt ghi tâm điều quý ngài chỉ vẽ. Hồi trước Hòa thượng Ân sư còn giảng ở Thường Chiếu, sau mỗi lần giảng ngài để ra một tiếng hoặc nửa tiếng đồng hồ cho mọi người tham vấn. Đa số Phật tử ở xa, từ Thành phố, miền Tây, miền Trung... về học. Thường là các câu hỏi đạo, hoặc những vướng mắc trong khi tu tập, họ cầu Hòa thượng giải đáp. Trong khi chúng ta ở tại đây lại xem thường, không chịu học. Thật là trái ngược!

Chư huynh đệ nên kiểm điểm lại, điều nào chưa làm đúng nên nghiêm túc chấn chỉnh. Đối với sự học, bản thân phải trui rèn, không nên cầm quyển sách đọc qua loa. Hoặc nhận xét quyển sách này viết hay, quyển sách kia viết không hay. Chúng ta chỉ biết được phần ngoài da, còn cốt tủy bên trong thì nghiên cứu chưa tới, chưa hiểu, mà không chịu học hỏi giồi mài, làm sao mở thông trí tuệ. Như vậy biết bao giờ mới tu học xong!
Lời Phật dạy gốc từ sự giác ngộ trí vô sư, phát huy viên mãn trí Bát-nhã. Thầy tổ giảng giải những kinh sách của Phật, lời dạy của Phật, đọc thấy không hay là điều vô lý. Phật đã giác ngộ nên mới chỉ dạy lại, người chưa giác ngộ không hiểu lời của bậc giác ngộ nên mới chê Phật. Thật là đáng thương! Những cuốn tiểu thuyết ngoài đời nói không hay thì tôi không biết, nhưng đạo lý mình hiểu không tới mà chê thì đọa.

Sơn tăng xuất gia lúc năm tuổi, làm thị giả Thượng nhân, mỗi khi ngài cùng khách luận đạo đều lặng tâm lóng nghe, liền biết có việc này, lòng tin chắc chắn khởi sự học tọa thiền. Năm mười sáu tuổi làm tăng, mười tám tuổi đi hành cước.

Ngài nói về công phu của bản thân. Xuất gia lúc năm tuổi, quá đặc biệt. Làm thị giả thượng nhân, tức là làm thị giả của thầy. Mỗi khi ngài cùng khách luận đạo đều lặng tâm lóng nghe, liền biết có việc này, tuy chưa đạt lý nhưng nghe sự luận bàn giữa thầy với thiền khách, biết được lẽ đạo. Lòng tin chắc chắn khởi sự tu tập tọa thiền. Năm mười sáu tuổi làm tăng, mười tám tuổi đi hành cước, tức là đi học đạo các nơi.

Đến chỗ Hòa thượng Song Lâm Viễn, thực tập công phu từ sáng đến chiều không ra khỏi ngõ, dù vào liêu của chúng cũng chỉ đi đến giá phía sau. Vòng tay trước ngực, không ngó hai bên, chỉ nhìn trước không hơn ba thước.

Khi vào liêu của chúng, thường chỉ đến chỗ để đồ vật phía sau, không ngó liếc hai bên, chỉ ngó thẳng khoảng chừng ba thước, tâm niệm luôn miên mật.

Có lần lên nhà Tổ sắp đặt công việc, đang ngồi bên đây bất chợt nghe tiếng rú xe Honda bên kia, tôi tưởng mình đang ở chỗ sửa xe ngoài đường phố. Vì cái cổ bị đau, không ngó được xa nên không biết chính xác thầy nào. Lúc đó tôi thầm nghĩ trong bụng, nếu có vị khách tăng thâm niên tu hành đàng hoàng, thấy hạnh nghi của thiền sinh tại đây như vậy, chắc ngài chê cười lắm. Huynh đệ là chúng lớn chứ đâu phải mấy chú tiểu La Vân Tuệ Uyển, vì thế cần chấn chỉnh lại. Oai nghi, thể diện, tư cách phải tự mình giữ gìn, chứ đâu ai giữ giùm.

Mỗi lần đi lên Trí Đức, tôi không cho thị giả chạy xe nhanh, nhất là lúc quanh qua trước điện Phật. Thấy Phật tử, mình nên chạy chậm nhường đường cho họ đi. Nhiều thầy lái xe cải tiến, thấy người ta đi rần rần mà cứ chạy ào ào. Hình ảnh đó thể hiện nỗi bất an bất ổn trong lòng mình. Phật tử đến chùa tham quan rất đông, chúng ta càng phải cẩn thận. Dù đi bộ một mình hay đi cùng năm ba huynh đệ hoặc lái xe cũng vậy. Khi đi qua điện Phật, là người tu huynh đệ nên tránh những hành vi thô động. Hiện nay nhiều người quy hướng thiền viện, họ nghe danh và muốn tiếp chuyện với mình. Đến nơi thấy quý thầy lăng xăng như chim như chuột, gặp một lần là bái luôn. Cho nên huynh đệ cố gắng giữ gìn phép tắc, xứng đáng một người tu hành chân chánh.

Chúng ta ở Thiền viện sinh hoạt nghiêm túc thì được tiến liêu. Tịnh nhân cư sỹ muốn xuất gia cũng phải có thời gian huấn luyện tập sự. Khi thấy các vị tinh tấn, tôi rất vui. Vừa nghe đánh kẻng thức chúng, có vị đã có mặt trên điện Phật. Trong khi đó các liêu gần tôi thì chậm chạp, kẻng thức chúng một hồi lâu còn có người súc miệng, có người quậy cà phê, quậy nước đá đập lạch cạch. Không lẽ mình tu lâu mà thua mấy cư sỹ. Anh em phải gắng gổ lên.

Vị nào nói làm không nổi, làm không được, tôi mời đi liền. Ở Thường Chiếu cũng như trên Trí Đức và luôn cả bên Ni. Nghe báo cáo vị nào dã dượi, lôi thôi, tôi nói không đủ duyên thì hoan hỷ kiếm chỗ khác thuận lợi cho mình. Cuộc đời chúng ta không có bao lâu, rất nhanh. Bệnh tật chết chóc tới trở tay không kịp, ở đó mà dã dượi, trăn trối. Chúng ta có duyên mới cùng quy tụ trong một đạo tràng, cho nên chư huynh đệ phải cố gắng, siêng năng, tha thiết với việc tu học.

Ban đầu khán chữ Không, chợt niệm đầu phát khởi, liền phản quán trở lại, bỗng được một niệm như băng lạnh, tâm lóng lặng trong trẻo không diêu động, hơn một ngày và khoảng một khắc (mười lăm phút) không nghe tiếng chuông trống.

Ngài quên thân quên cảnh chỉ còn niệm nghi, chỉ còn khán chữ Không. Đề khởi được nghi tình, tất cả loạn niệm, vọng tưởng tiêu băng hết. Đó là công phu đắc lực của ngài. Hành giả công phu được như vậy, khi gặp cơ hội rất dễ ngộ đạo.

Năm tôi mười chín tuổi dừng tại Linh Ẩn, được thư Xử Châu gửi đến. Trong thư nói: "Nghe ông thực tập công phu như nước lạnh, việc ấy không hay, hai tướng động và tịnh phải đoạn dứt. Phàm tham thiền phải khởi nghi tình, nghi ít ngộ ít, nghi nhiều ngộ nhiều..."

Trong thư trao đổi, các pháp hữu nói rằng tuy đã được công phu nhưng chưa phải chỗ dừng, cần tiến thêm.

Được Xử Châu chỉ bảo, tôi liền đổi thoại đầu khán "càn niệu quyết"1. Một bề đông nghi tây nghi, khán ngang khán dọc, lại bị hôn trầm, tán loạn giao công, không được một khắc yên tịnh. Tôi bèn dời sang Tịnh Từ. Được bảy huynh đệ kết bạn tọa thiền, giao ước không đắp mền và không kề lưng xuống chiếu. Ngoài ra, có thượng tọa Tu mỗi ngày ngồi trên bồ đoàn in tuồng "thiết quyết tử"2, khi bước xuống đi mở đôi mắt, xuôi hai tay cũng tợ thiết quyết tử. Muốn gần gũi Ngài để hỏi thoại đầu, mà không được. Nhân hai năm thân không nằm, bị hôn trầm hành rất khổ sở. Bèn một buông, tất cả đều buông. Sau hai tháng, mới chỉnh đốn được sự tu tập trước, lần lần tinh thần hồi phục. Lâu nay cốt mong đạt được bản hoài, nên không nằm quên ngủ; nhưng không ngủ không được, đến giữa đêm buồn ngủ muồi phải ngủ một giấc, thức dậy mới có tinh thần.

Đây là những kinh nghiệm trong thời gian ngài tu khán thoại đầu. Đầu tiên chỉ một mình công phu, sau kết hợp năm bảy huynh đệ cùng tu. Do tinh tấn quá sức, không kề lưng xuống chiếu, cho nên hôn trầm tán loạn loạn xà ngầu, không điều chỉnh được. Thiết quyết tử là cái gì? Cái cọc máng áo. Trơ trơ như cây cọc sắt. Một buông, tất cả đều buông. Công phu thái quá, thân sanh bệnh, khi thân bệnh liền buông tất cả. Đến giữa đêm buồn ngủ muồi phải ngủ một giấc, thức dậy mới có tinh thần. Ngủ một giấc để lấy lại tinh thần, quân bình sức khỏe tiếp tục tu. Đó là chuyên môn bên ngành thoại đầu.

Tuy nhiên pháp tu của chúng ta cũng vậy. Nếu người hạ thủ công phu quá, không chịu ăn hoặc không chịu nằm, thần kinh sẽ bị căng thẳng khiến phát loạn. Nói lảm nhảm, không kiểm soát lời nói thành ra nói bậy, nói quá đà. Thời khóa trong Thiền viện tương đối quân bình, sáu giờ sám hối, bảy giờ rưỡi tọa thiền, chín giờ rưỡi xả thiền. Xả thiền xong, kinh hành rồi nghỉ. Nhiều người không chịu ngủ, dụm đầu uống trà ăn bánh, nói chuyện tào lao, hoặc làm chuyện riêng của mình cho tới một hai giờ khuya. Tới giờ thức chúng quá mệt, duỗi chân nằm ngủ. Người ta thức dậy tỉnh táo tu, còn mình đi trong mờ mịt tăm tối, ngủ gà ngủ gật không ích gì.

Trong một ngày, thời thiền ban chiều và thời thiền buổi khuya lợi lạc hơn hai thời còn lại. Nhất là thời thiền ban sáng, khi áp dụng chúng ta sẽ thấy rất vất vả đối với việc điều chỉnh thân tâm. Nóng bức, khó chịu, ngủ gục. Cơ địa của chúng ta lúc đó hưng phấn hơn những lúc khác, ngồi vô một hồi là ngủ. Dù cho có khắc tỉnh khắc tiết thế nào vẫn ngủ gật, trừ những người có công phu khá.

Hồi chúng tôi tu học trên Chơn Không, anh em chừng mười người. Sáng ra làm công tác, mang giày bót, cầm dao, đội nón, chống gậy đi. Công việc cũng không nhiều, Hòa thượng giao cho mỗi người một khu. Cụ Phước Hảo là khu thung lũng ở giữa, nơi tháp mộ của ông. Tôi với một thầy khác lãnh khu Phương trượng của Hòa thượng. Chặt bỏ những cây gai xong gom lại, dọn dẹp chút vậy thôi, hoặc gặp cây khô thì tưới. Ở đó không có nhiều nước, thành ra khi giặt đồ, nước xà phòng bỏ, nước thứ hai để lại dùng dội cầu, tưới cây. Chư tăng chỉ được dùng nước trong khuôn khổ hạn chế.

Lao động chút ít, sau đó chúng tôi về nghỉ ngơi rồi tọa thiền. Leo lên bồ đoàn khoảng mười lăm phút sau là ngủ. Có người ngủ rất khéo, ngáy khò khò mà vẫn ngồi nghiêm chỉnh, ngủ có oai nghi. Người thì quay, người thì giã cụp cụp, giã đến nỗi bung bồ đoàn mới giật mình thức dậy. Ngót hơn hai năm, anh em chúng tôi mới phát minh được cách trị ngủ gật của buổi sáng, cũng là lúc gần hết khóa học.

Buổi trưa, thọ trai xong chúng tôi được ngủ khoảng một tiếng hoặc hơn nửa tiếng, sau đó thức dậy đọc sách. Đến ba giờ tọa thiền cho tới năm giờ, thời thiền này rất an ổn. Sau thời tụng sám hối là thời thiền đầu đêm. Thời này vất vả vô cùng, trời nóng bức, không có gió lại thêm muỗi mòng. Tuy có cửa lưới nhưng thiền đường nhỏ, anh em đi ra đi vào mở cửa muỗi nó chen vào, hoặc ban chiều thầy hương đăng đuổi muỗi chưa hết. Con nào con nấy to đùng, chừng vài chục con bu lại cắn rất khó chịu. Bù lại thời thiền ba giờ khuya tới năm giờ sáng an ổn hơn. Như vậy nội công phu ngồi thiền, chúng ta chỉ được phân nửa. Nếu ngồi không ra gì coi như chỉ tu được một phần tư.

Một hôm, bên hành lang gặp thượng tọa Tu, mới một lần được gặp ngài. Tôi liền hỏi: "Năm rồi, muốn nhờ Thầy dạy câu thoại đầu, tại sao Thầy cứ tránh tôi?"

Thượng tọa Tu là vị thầy đang có mặt tại đó. Năm rồi việc tu hành của ngài có nhiều điều muốn trình hỏi, nhưng ít gặp được Thượng tọa.

Thượng tọa bảo: "Người chân chánh biện đạo không có rảnh mà cắt móng tay, huống là dạy thoại đầu." Tôi hỏi: "Hiện giờ tôi bị hôn trầm tán loạn đuổi không đi, phải làm sao?" Thượng tọa dạy: "Tại ông không mãnh liệt, phải lên bồ đoàn ngồi thẳng xương sống, gom toàn lực vào câu thoại đầu, không màng đến hôn trầm tán loạn." Tôi y lời dạy của Thượng tọa thực hành công phu, bỗng nhiên quên cả thân tâm, trong trẻo sáng suốt cả ba ngày đêm, hai con mắt không nhắm. Ngày thứ ba, sau buổi ngọ trai, tôi kinh hành ngoài tam môn, chợt gặp Thượng tọa. Thượng tọa hỏi:

"Ông thực hành công phu thế nào?" Tôi thưa: "Được đạo". Thượng tọa hỏi: "Ông nói thế nào được đạo?" Tôi lặng thinh không thể trả lời, lại tăng thêm mê muội. Toan quay vào thiền đường tọa thiền, chợt gặp Thủ tọa. Thủ tọa bảo: "Ông chỉ mở sáng đôi mắt, xem thử cái ấy là cái gì?" Tôi lại bị đề thêm một câu thoại đầu, vội vã vào thiền đường tọa thiền. Vừa lên ngồi bồ đoàn, bỗng nhiên trước mặt mở sáng như tuồng đất lở. Trạng thái này không thể trình bày cho người hiểu được, không thể lấy các tướng thế gian thí dụ được. Tôi bèn bước xuống đơn tìm Thượng tọa. Thượng tọa thấy, liền bảo: "Tốt lắm! Tốt lắm!" Rồi nắm tay tôi dẫn đi một vòng trên bờ liễu trước cửa chùa. Ngước nhìn trời đất sum la vạn tượng, những vật mắt thấy tai nghe xưa nay là đáng chán đáng bỏ, cho đến vô minh, phiền não từ trước đến giờ đều là diệu minh của mình, lưu xuất từ chân tánh. Hơn nửa tháng không khởi xao động.

Rất tiếc! Không gặp bậc tôn túc sáng suốt hướng dẫn nên không tiến lên được, phải dừng trụ nơi đây. Không thể vượt được chỗ thấy biết, làm ngăn ngại chánh tri kiến, mỗi khi ngủ cảnh khác lúc thức. Chỉ thú của công án thì lý hội, còn "núi bạc vách sắt"3 thì không hiểu. Tuy ở dưới hội tiên sư Vô Chuẩn, cũng nhiều năm nhập thất thăng tòa, mà không có một lời nào giải quyết được sự nghi ngại trong tâm. Trong kinh giáo và những lời ngữ lục cũng không cứu được bệnh này. Ôm ấp cái nghi này trong lòng ngót mười năm.

Ngài kể lại quá trình tu tập của mình, được thượng tọa Tu và thầy Thủ tọa trong thiền đường chỉ vẽ công phu, được khen: Tốt lắm! Tốt lắm! Tuy nhiên không có các bậc tôn sư hướng dẫn thêm, ngang đây bị chùng chình bế tắc, ngót khoảng mười năm không tiến.

Một hôm, ở Thiên Mục, tôi kinh hành trên điện Phật, mắt chợt thấy một gốc bá cổ, vừa thấy liền phát tỉnh, cảnh giới được lâu nay là vật ngăn ngại, chợt nhiên tiêu tán, như trong nhà tối hiện mặt trời. Từ đây không còn nghi sinh nghi tử, nghi Phật nghi Tổ, mới được thấy chỗ đứng của Kính Sơn lão nhân, vui vẻ an trụ nơi đây ba mươi năm.

Kính Sơn lão nhân tức là ngài Đại Huệ, là bậc thầy của ngài Tuyết Nham Khâm. Trong quá trình công phu, tuy gặp trở ngại chùng chình ngót mười năm nhưng ngài không bỏ cuộc. Công phu đắc lực nên phát minh được chỗ tâm yếu của mình. Xong việc, ngài trụ lại Thiên Mục ba mươi năm.

Qua những lời dạy của thiền sư Tuyết Nham Khâm, chúng ta học được kinh nghiệm và công phu quyết tử của ngài. Từ đó có thể bắt chước điều chỉnh công phu tu tập của mình. Nghĩa là phải siêng năng, phải liều chết tiến tới, không nên cơm cháo qua ngày và xem thường việc sinh tử. Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta làm chủ bản thân, làm quen với cái bất sinh bất diệt. Phải phát chí để thật sự an ổn trong công phu. Nếu đủ duyên học đạo lý mà không hành trì, đạo lý ấy sẽ bị những duyên sự xung quanh làm tan loãng. Cho nên chúng ta phải hết sức cố gắng.


  - HT THÍCH NHẬT QUANG -

 

[ Quay lại ]