headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - SƯ ĐẠI HUỆ CẢO ĐÁP LỜI HỎI

thiensudaihuecaoThời nay có những kẻ tự mắt chưa sáng, chỉ biết dạy người tu tâm như ngây như chết là hết việc. Hoặc dạy người tùy duyên quán xét, mang vọng tình lặng lẽ chiếu soi. Hoặc dạy người việc ấy chớ soi xét... Các bệnh như thế, dụng công phu rất uổng không bao giờ liễu ngộ. Chỉ cần an tâm một chỗ, không việc gì chẳng được, một khi thời tiết nhân duyên đến, tự nhiên xúc chạm liền thấy khắp nơi đều bừng sáng.

Đem tâm thức duyên việc thế gian trần tục của mình, xoay lại để trên lầu Bát-nhã, dù đời này chưa triệt ngộ, nhưng khi chết nhất định không bị ác nghiệp kéo lôi. Kiếp sau, vừa ra đời là được ở trong nhà Bát-nhã, thấy nghe liền được thọ dụng. Việc này quyết định như vậy không thể nghi ngờ.

Chỉ phải tự luôn luôn đề khởi thoại đầu, khi vọng niệm dấy khởi không cần dụng tâm đàn áp, nên khán câu thoại đầu. Đi cũng đề khởi, ngồi cũng đề khởi, đề khởi qua, đề khởi lại, không cần xét ý nghĩa, nơi nào cũng là chỗ tốt, không nên phóng xả. Bỗng nhiên tâm hoa khai phát chiếu soi khắp mười phương cõi nước, hay ở trong đầu mảy lông hiện các cõi Phật, ngồi trong hạt bụi chuyển đại pháp luân.

Thiền sư Đại Huệ Cảo rất nổi tiếng ở thời Tống. Thời này có nhiều thiền sư chủ trương thiền mặc chiếu. Ngài Đại Huệ là một trong những vị tiên phong chỉ trích thiền mặc chiếu. Các ngài không đồng quan điểm trong phương tiện giáo hóa chúng sinh nên nói ra vậy thôi, chứ không phải có ý đả phá nhau làm gì. Trong khoảng này, những vị chủ trương thiền mặc chiếu bị luồng khai hóa của ngài Đại Huệ nói thẳng, rất mạnh mẽ.

 Ngài nói: Dạy người tu tâm như ngây như chết là hết việc. Ngài không chấp nhận như thế mà chủ trương xoay lại để trên lầu Bát-nhã, dù đời này chưa triệt ngộ, nhưng khi chết nhất định không bị ác nghiệp kéo lôi. Ngài vận dụng trí tuệ Bát-nhã soi chiếu để sáng đạo, không chịu ngồi coi như thây chết. Cách dạy của ngài có phần tích cực. Thật ra chúng ta phải hiểu hoàn cảnh nhân duyên của mỗi vị không ai giống ai, tất cả đều tùy duyên, tùy hoàn cảnh.

Như ngài Vĩnh Minh Thọ là một thiền sư, nhưng pháp hội có một phần lại theo khuynh hướng tu Tịnh tông, tức niệm Phật. Không có gì lạ, bởi người tham thiền lúc ấy đông quá mà tham không ngộ nên ngài dạy họ niệm Phật. Rõ ràng thiền sư vì lòng đại từ đại bi nên hướng dẫn đại chúng một phương pháp hữu hiệu hơn. Chúng ta tu lơ lửng không ra gì, ngày qua tháng lụn như vậy, rồi trở thành một ông thầy dạy tu cũng lơ lửng, có phải nguy hiểm cho mình và người không ?

Cái chuyên là lơ lửng thì dạy bản đạo cũng lơ lửng, vậy thôi. Lơ lửng là gì? Xuất gia rồi cứ sống lây lất qua ngày, thị phi phải trái không buông được, không theo thời khóa tu tập, thiếu sự hiểu biết Phật pháp chân chánh, thả tâm giong ruổi đông tây. Ngài Đại Huệ có một thái độ dứt khoát, nếu tham thiền không xong thì tu Tịnh độ đi, không uổng một đời. Nhưng tu Tịnh độ như thế nào? Không phải niệm Phật là được Phật rước. Nếu niệm mà được Phật rước thì ai cũng được hết rồi. Nhiều người có tu gì, nhưng đụng tới là Nam-mô A-di-đà Phật. Kiểu như vậy Phật nào rước. Tóm lại, tu Tịnh độ hay tu Thiền cũng phải tu cho đàng hoàng, nghiêm túc mới thành tựu. Cứ lơ lửng Thiền không ra Thiền, Tịnh không ra Tịnh, cuối cùng chỉ là quyến thuộc nhà ma, chẳng Phật tổ nào tiếp nhận. Người có trí tuệ phải chủ động, có thái độ dứt khoát.

Mỗi chúng ta nên chọn một cách thức tu thích hợp với căn duyên của mình. Như ngày xưa chúng tôi cùng học một trường, nhưng khi ra làm việc, mỗi người phát huy một sở trường, không ai giống ai. Người chủ trương theo tinh thần kinh Bát-nhã, người chủ trương theo kinh Lăng-nghiêm, người chuyên giảng về tứ đế hoặc mười hai nhân duyên. Cách quản giáo của mỗi vị khác nhau nhưng chung quy đều hướng dẫn Phật tử tu đúng theo tinh thần chánh pháp.

Tịnh độ dạy niệm Phật, thiền tông dạy phải làm chủ được nghiệp, làm chủ được mình, chọn đường tự tại mà đi. Muốn biết làm chủ được nghiệp hay không, ngay bây giờ xem thử mình có sức làm chủ hay không. Không làm chủ được nghiệp thì đừng nói tự tại mà đi, nghiệp lôi dẫn thôi. Chúng ta nhớ lại xem, từ hồi ngo ngoe trong tay của mẹ, cho tới lúc để vào quan tài đóng nắp ầm ầm, ta tạo bao nhiêu nghiệp? Niệm tham, niệm sân, phiền não, điên đảo, ác tập vô lượng vô biên. Những thứ đó dẫn đi, không biết chúng ta sẽ trôi giạt từ xứ nào tới xứ nào? Ngay lúc mình còn sống còn tỉnh đây đã thấy như vậy.

Cho nên người tu thiền phải lo trước chỗ đó. Bản thân không giải quyết, lúc ấy không thể kêu thầy, kêu Phật tới cứu được đâu. Hằng ngày cứ lơ láo qua ngày, trơ trơ không chút tiến thủ, không có công phu gì hết. Chư tổ nói bấy giờ như con cua bị thả vào nồi nước sôi, ngo ngoe trong phút chốc rồi chết. Cận tử nghiệp hoành hành phải xuôi theo, không biết rơi vào kiếp nào, thời gian quay trở lại làm người biết đâu mà tính.

Qua những lời chỉ dạy của các bậc tiền bối, rõ ràng tông nào cũng phải có công phu, nhất là người tu thiền, không nên để mất thời gian. Một khi công phu luống qua, già chết đến mà không có chút đạo lực, thật là đáng tiếc. Mỗi huynh đệ tự nhận đạo lý, bình sinh tỉnh sáng, còn vui vẻ, còn năng lực, phải tu cho có thực lực. Nhiều Phật tử không phải là người xuất gia nhưng sắp đặt hết mọi việc, tới lúc chết cười từ giã ra đi. Chúng ta là người tu đôi khi lại không bằng, vì còn đa đoan nhiều việc, mà không có việc nào đáng việc nào.

Kiểm lại, gia tài mỗi vị có một cái đơn. Trong đơn cũng chẳng có chi quý báu, chỉ quần áo mặc hằng ngày chưa giặt. Nếu đơn đóng bằng gỗ chiên-đàn, trầm hương hoặc cây chò cây trắc thì mới đặc biệt, đằng này đóng bằng cây mít, cây tràm, bữa nào ngã ầm xuống một cái là bể hết. Nếu không có chủ trương, cái đơn lúc nào cũng khóa lại, không cho ai rớ vào, sợ mất. Không biết mất cái gì trong đó ?

Lúc đầu chư tăng Thường Chiếu không ai có đơn, vì trên núi cũng chẳng có đơn để đưa xuống. Chơn Không dùng giường sắt của nhà thương Tây họ cho, lót thêm mấy miếng gỗ thông thành giường nằm. Hồi đó anh em chúng tôi đi xin mấy thùng gỗ về, bổ ra đóng mỗi người một cái đơn. Thầy nào siêng đóng có cái thùng ở dưới để đồ, thầy nào lười lắp mặt lên rồi nằm thôi. Đơn của anh em như vậy, đâu có gì mà khóa. Cho nên ngay từ đầu không gắn ổ khóa, sau thành quy chế chung đơn không gắn ổ khóa.

Những vị còn lại bây giờ là thầy Trí Chơn, thầy Đắc Huyền, ai nữa đâu? À, còn một ông đi tới đi lui bên Mỹ là Phước Tịnh, một ông nữa là Thông Hội. Hồi đó cả đoàn đệ tử của Hòa thượng Trúc Lâm, học trò hai khóa thiền Chơn Không và Linh Quang dồn lại, đưa về Thường Chiếu với số thiền sinh ban đầu hai chục người, bây giờ còn lại bao nhiêu đó. Chư huynh đệ thấy, thân này rõ ràng giữ không được, nói chi các thứ bên ngoài. Cho nên việc đáng lo đáng giữ nhất là đạo nghiệp. Nếu không nỗ lực, một khi vô thường đến chúng ta trở tay không kịp, bị nghiệp lôi dẫn vào những con đường xấu thì khổ biết dường nào, làm sao kể xiết!

Nói về tu hành, thật ra không phải học nhiều là tu nhiều, tuy nhiên không học cũng không tu được. Chỉ người nào biết tu, muốn tu mới tu được. Đâu phải những vị đi đông đi tây làm việc này việc kia mới tu, còn người ở nhà không biết gì hết thì không tu. Đi hay ở nhà mà cứ lớ xớ đều không tu được, nên rơi vào tình trạng bất đắc chí. Tay không với tới Niết-bàn, chân không đạp tới thật địa, bờ mê bến giác lộn xộn. Cho nên nghe lời răn nhắc rất cứng rất mạnh của Tổ sư, chúng ta phải cố gắng.

Ngài Đại Huệ trong mùa an cư khai thị rất nhiều người ngộ đạo. Cách dạy của ngài thật đặc biệt. Thật là con người kỳ vĩ, chẳng phải tầm thường.
 

 

[ Quay lại ]