headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ ĐƠNG SƠN DIỄN TIỄN ĐỆ TỬ ĐI HÀNH CƯỚC

thisudongsondienÔng nên ghi hai chữ sinh tử trên trán, xét nét tìm hiểu. Chớ có kết bè, hiệp bọn cười giỡn qua ngày. Lúc Diêm vương đến không thể đem cơm tiền đút lót được. Chớ bảo rằng ta chưa từng nhắc ông.

Nếu thực tập công phu, phải luôn luôn kiểm điểm thường thường xét nét, thế này là chỗ đắc lực, thế kia là chỗ không đắc lực, thế này là chỗ được, thế kia là chỗ mất. Có một bọn vừa lên bồ đoàn liền ngủ gật, đến lúc tỉnh thì tâm tưởng lăng xăng, vừa xuống bồ đoàn là nói chuyện vang rân. Biện đạo như thế đến đức Phật Di-lặc ra đời cũng chưa kết quả.

 Phải sáng suốt, mạnh mẽ đề khởi câu thoại đầu, sáng tham tối tham, cùng với thùy miên loạn tưởng chống nhau, không nên tọa trong vô sự. Lại không nên trên bồ đoàn ngồi như chết. Nếu tạp niệm dấy khởi, tranh đấu càng nhiều, chi bằng nhẹ nhàng buông xả, bước xuống đất đi một vòng. Lại lên bồ đoàn mở mắt, để hai bàn tay ngón cái gối đầu nhau, xương sống thẳng lên, y như trước đề khởi thoại đầu, liền có cảm giác mát mẻ, in như xoong nước sôi vừa đổ vào một gáo nước lạnh. Thực tập công phu như vậy, quyết định có ngày đạt đạo.

Lời dạy này thật trong sáng. Đây là giai đoạn thiền thịnh hành, trong đó ngài Đông Sơn Pháp Diễn là một trong những vị thiền sư nổi tiếng nhất. Ngài có các vị đệ tử như Phật Quả Viên Ngộ, Phật Nhãn, Phật Giám là những bậc danh nho học đạo thành tựu nên sở học bên nào cũng xuất sắc.

Nếu thực tập công phu, phải luôn luôn kiểm điểm thường thường xét nét, thế này là chỗ đắc lực, thế kia là chỗ không đắc lực, thế này là chỗ được, thế kia là chỗ mất.

Ngài dạy chúng ta luôn luôn phải tinh tấn tu tập, thường xuyên kiểm tra công phu của mình, không quan tâm đến chuyện khác.

Có một bọn vừa lên bồ đoàn liền ngủ gật, đến lúc tỉnh thì tâm tưởng lăng xăng, vừa xuống bồ đoàn là nói chuyện vang rân. Biện đạo như thế đến đức Phật Di-lặc ra đời cũng chưa kết quả.

Điểm này hơi giống chúng ta, phải không? Vừa lên bồ đoàn thì ngủ gục, xuống bồ đoàn thì dụm năm dụm ba nói dóc. Biện đạo như vậy đến lúc đức Phật Di-lặc ra đời cũng không dính dáng. Nếu ai vi phạm phải tự sửa, tự nguyện gắng gổ, tự có cách nâng đỡ mình. Hòa thượng Trúc Lâm dạy một câu thật tha thiết: "Rốt ráo là phải biết thương mình." Biết thương mình ráng lo tu, không còn cách nào hơn.

Thế giới có thành trụ hoại không, thời gian dài kiếp số vô lượng. Từ kiếp thành qua kiếp trụ cũng rất dài, nếu con người có mặt thì tuổi thọ hàng ngàn năm. Qua kiếp hoại tuổi thọ giảm xuống, cứ mỗi một kỷ giảm một tuổi. Như bây giờ tuổi thọ của con người là một trăm tuổi, một trăm năm sau sang thế kỷ thứ hai còn chín chín tuổi, thế kỷ thứ ba còn chín tám tuổi thọ. Giảm liên tục cho đến chỉ còn mười tuổi là hết một kiếp người. Thế giới càng giảm, càng đi xuống chừng nào thì con người càng ác độc chừng nấy.

Lúc thế giới mới thành, con người phước nhiều tuổi thọ cao, đời sống sung túc thoải mái. Chiều lại, lúa chín thơm lừng, tự động từ trên cánh đồng rơi xuống, lăn vào kho. Thiên hạ khỏi làm gì. Nhưng một thời gian con người lười biếng, bê tha lêu lổng nên phước báo giảm dần, lúa không lăn về nữa. Người ta phải ra đồng hái về, từ đó bắt đầu có tranh đấu, phiền não với nhau. Có đấu tranh sát phạt thì phải có cấp giải quyết những bất ổn bất an. Từ đó có làng xóm, tù trưởng, dần dần xã hội hình thành. Tuổi thọ con người từ bốn năm ngàn, xuống hai ba ngàn rồi một trăm, năm sáu chục đến mười tuổi là thế giới bước vào thời kỳ tan hoại.

Như vừa rồi chúng ta nghe một mảnh hành tinh nào bay loạn rơi ngay Liên Xô. Nó rơi Liên Xô được thì có ngày cũng rơi vào Việt Nam, đâu có tha mình. Rồi hiện tượng sao chổi, động đất, lũ lụt... con người càng mất tuổi càng thấp thỏm, càng khổ đau, càng ác độc. Xã hội bây giờ trộm đạo giết hại lẫn nhau đủ thứ, có khi điên cuồng giết cả cha mẹ. Trong khoảng tuổi lụn xuống, con người còn chừng mấy mươi tuổi thì thế giới có những trận hồng thủy, rồi tới nước ngập. Nước ngập từ Dục giới lên tới cõi trời Quang Âm. Tôi nói không được trật tự, nhớ đâu nói đó vậy thôi. Núi Tu-di sơn lút trong nước. Con người đói khổ, chết chóc, giết hại nhau như bầy thú. Kế đến là lửa cháy rụi hết. Lửa xong thì tới gió. Một trận cuồng phong thổi dậy thì tam thiên đại thiên thế giới trở thành bình địa, thông thống trống không. Việc này chỉ có các bậc thánh vượt ngoài tam giới mới thấy.

Nhắc điều này để làm gì? Để chúng ta sợ mà lo tu, để không thấy cõi này thật rồi sanh tâm tham đắm. Đến lúc nào đó chúng ta sẽ bị ngập nước, bị lửa cháy rồi gió thổi tiêu tan, không còn gì nữa. Cho nên tu làm sao để dự vào dòng thánh mới thoát ra ngoài tam giới. Điều này chúng ta có thể thực hiện được mà. Như huynh đệ ngồi thiền một thời hai tiếng, nhưng có vị ngồi bốn tiếng. Như vậy là tiến bộ. Nếu tăng trưởng thêm nữa thì có thể vào chỗ an lạc thật sự, tức Niết-bàn tự tâm. Vào Niết-bàn tự tâm rồi thì cõi nước, thân xác này có đáng kể đâu. Chư vị Bồ-tát, chư thánh sống tự tại, không trụ chỗ nào, vượt ngoài thành trụ hoại không.

Người không nặng về vật dục, ăn uống ngủ nghỉ... thì giảm thiểu rất nhiều vấn đề trong cuộc sống. Người đời do miếng ăn mà phải tranh đấu. Người tu nếu không khéo không tỉnh, cũng sẽ như thế. Ví dụ có Phật tử phát tâm cúng dường quà cho quý thầy. Chùa trăm người, chia ra làm hai đợt. Đợt đầu sáu chục, đợt sau bốn chục. Mọi việc bình thường, danh sách mình lọt vào đợt một, đợt hai gì cũng được. Nhưng qua đợt một, bắt đầu đợt hai, mình cũng làm bộ hỏi thử đợt một cúng gì. Để chi? Để xem đợt hai có giống không. Nếu đợt một cúng hai gói mà đợt hai cúng một gói là có vấn đề. Mình sẽ đem lời Phật dạy ra bắt lỗi: "Bình đẳng ở đâu, lợi hòa ở đâu...?" Ba mớ đó còn đầy bụng thì tu mãi tu hoài cũng vậy thôi.

Giả tỷ mình có chỗ ở yên, tới giờ ăn mình ăn. Ăn ít ăn nhiều gì, ăn một miếng rồi về chỗ nghỉ. Tới giờ tu, giờ đọc sách, giờ tưới cây... mình đều giữ đúng như vậy. Sống khỏe nhàn như tiên. Tôi mơ kiểu như vậy nên thấy kiểng ở đâu cũng đem về trồng. Để làm gì? Để khi nào rảnh quý thầy có thể đi kinh hành dưới gốc cây, hoặc sửa soạn hoa kiểng. Cây cảnh không đem lại tham sân phiền não cho mình, nó giúp mình an ổn. Giúp an ổn thế nào? Như phía sau thất tôi có một giò lan thật đẹp, cả tuần lễ chưa tàn. Trong thời gian đóa hoa phô hương phô sắc như vậy, cành gốc của nó cằn cỗi lắm. Một gốc có một lá hoặc hai lá. Như vậy mà nó cống hiến cho đời một đóa hoa tuyệt vời. Nhìn giò lan ấy cũng đủ tu rồi.

Thân tứ đại năm bảy chục ký như thế này, mà chúng ta chưa cống hiến gì được cho đời. Nên phải ráng tu để có thể cống hiến hương đạo hạnh, hương trí tuệ, hương giác ngộ, thanh tịnh trang nghiêm đạo tràng. Đó là đóa hoa hương sắc tuyệt vời cúng dường cho cả trời người. Rõ ràng mình có cơ hội như vậy, ráng thêm một chút là được thôi. Đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh, Phật tử thấy Tăng bảo sáng ngời, chư tăng uy nghi từ cái đi cái đứng, cái nói cái cười... họ phát tâm quy hướng. Đó chính là cống hiến, là phụng sự.

Hòa thượng Ân sư thường mong huynh đệ chúng ta từ lớn chí nhỏ biết thương nhau, chia sẻ công phu tu hành, giới hạnh thanh tịnh, giữ thanh quy trọn vẹn. Như vậy là quý lắm. Ngày xưa khi thầy về Đà Lạt, có kêu tôi lại nói: "Thầy nghĩ giao chùa lại cho Nhật Quang, chú gầy dựng được khoảng chừng hai chục người tu cho đàng hoàng, như vậy cũng thành công." Bây giờ chúng đông đảo thật đáng mừng, nhưng tôi mong huynh đệ nhớ lời Hòa thượng dạy, anh em phải biết thương nhau, đùm bọc nhau, nhường nhịn nhau tu hành, giữ cho đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh. Chúng ta tu trong một ngày không thể chứng đạo được, nhưng Phật tử về thấy hương vị giải thoát của Thiền viện, họ vui. Họ vui thì càng tin kính Tam bảo.

Tôi vẫn thường nói tại Trai đường:
- Quý Phật tử đã kết được chủng Phật, được sự hướng dẫn của chư vị tôn đức tăng ni, đã học hiểu chánh pháp nên có niềm vui. Một khi có niềm vui, quý vị càng tin kính vững chắc đối với Tam bảo. Đó là điều tất yếu.
Người tu có niềm vui tự động siêng năng tích cực. Ngược lại, tu mà thấy buồn phiền, nặng đầu, đi không muốn nổi thì trước sau gì cũng bỏ đạo. Thành ra chư huynh đệ phải cố gắng.

Phải sáng suốt, mạnh mẽ đề khởi câu thoại đầu, sáng tham tối tham, cùng với thùy miên loạn tưởng chống nhau, không nên tọa trong vô sự.

Ngài dạy, người tu thoại đầu trong khi tham bị loạn tưởng, ngủ gục hoành hành dữ lắm, nhưng giờ giấc sáng tham tối tham, lúc nào cũng phải giữ như vậy. Chống chọi với thùy miên, loạn tưởng, không nên tọa trong vô sự, tức là ngồi như xác chết.

Có loại thiền tử tâm, hành giả đóng cửa các giác quan, ngồi như chết. Nếu như thế dù có ngồi từ tháng này đến tháng kia cũng không có tác dụng gì.

Lại không nên trên bồ đoàn ngồi như chết. Nếu tạp niệm dấy khởi tranh đấu càng nhiều, chi bằng nhẹ nhàng buông xả, bước xuống đất đi một vòng. Lại lên bồ đoàn mở mắt, để hai bàn tay ngón cái gối đầu nhau, xương sống thẳng lên, y như trước đề khởi thoại đầu, liền có cảm giác mát mẻ, in như xoong nước sôi vừa đổ vào một gáo nước lạnh.

Tóm lại ngài nhắc nhở hành giả cố gắng tu hành. Phải chiến đấu với buồn ngủ, loạn tưởng. Đây là hai gọng kìm của người tu thiền, chúng thay nhau hoành hành mình. Hết buồn ngủ thì loạn tưởng, ngồi trên bồ đoàn nghĩ đông nghĩ tây, lăng xăng không dừng được. Không nghĩ thì ngủ, cứ rơi vào hai tình huống đó, nên nói mình bị nó kìm kẹp.

Huynh đệ sống trong thiền viện chỉ mỗi việc tu mà không làm được thì chẳng biết nói sao đây. Công việc hằng ngày có thầy Tri sự coi sóc, sắp đặt. Bữa nay tưới kiểng, ngày mai quét sân... sắp đâu ta làm đó, khỏi phải suy nghĩ tính toán lung tung, khỏi sợ mất việc, sợ đói sợ no... Ở ngoài đi làm, đừng nói là giám đốc, thủ trưởng, chỉ là công nhân thôi cũng phải tuân quy củ của cơ quan. Người ta quy định bảy giờ phải có mặt mà mình còn ở nhà, tới trễ người ta đóng cửa. Lần thứ hai trễ nữa bị đuổi luôn. Công ty chọn công chức hạng A có bằng cử nhân, cao học hoặc tiến sỹ. Mình học chưa hết phổ thông, người ta cũng thâu nhưng phải làm công, khuân vác nặng nhọc.

Như thiền viện Trí Đức có anh kỹ sư tới chùa thường lắm. Mỗi trưa anh xin nghỉ phía sau nhà Tổ, mượn sách đọc. Hôm rồi anh dẫn gia đình ra cúng dường, quy y. Tôi dặn: "Đạo hữu cứ qua chùa nghỉ, khi nào muốn ăn cơm chay thì thưa với quý thầy, đừng ngại." Anh hiền và vui vẻ, rất mến quý thầy. Là kỹ sư nên có xe riêng, anh dặn quý thầy khoảng mười một giờ trưa đến một giờ là giờ nghỉ, cần chuyện gì cho hay, anh cho xe đến giúp.

Học lên tới kỹ sư tức là có bằng cử nhân, công sức nhiều lắm mới kiếm được việc làm tương đối. Tuy nhiên, trong thời gian đi làm phải nghiên cứu, phát minh thêm mới tiến thân được. Ví dụ tiến sỹ về ngành đậu hũ, mình làm đậu hũ người ta ăn ngon khỏe mạnh, ăn một miếng có thể nghỉ ăn cơm cả ngày cũng no, mà không được dùng hóa chất nghe, đậu hũ bằng đậu nành thật. Đại khái vậy đó, như thế là được cấp bằng phát minh. Cực khổ lắm, chứ đâu có sướng ích gì. Đó là chưa kể trong công việc còn gặp các đối tác tranh chấp nữa. Thật là chen chân với đời lắm nỗi gian nan!

Trước khi có việc làm, đương sự phải bảo vệ thành công luận án. Quá trình bảo vệ ấy phải giải đáp gay go với Ban giám khảo. Tuy nhiên, có nhiều vị trả lời rất tự nhiên, vì lên tới học giả rồi không phải rị mọ bài bản như ở cấp trung học, tiểu học. Ví dụ hỏi Tứ đế là gì? Vị ấy không cần định nghĩa Tứ đế, chỉ nói cuộc sống con người sờ sờ trước mặt toàn là khổ. Trong đó cái khổ nhan nhản con người không có cách gì đuổi đi, đó là già, bệnh, chết. Nói một câu dõng dạc, dứt khoát rằng cuộc trần ai này từ hạng quân tử cao cấp nhất cho tới anh công nhân bình dân, không ai phá được già bệnh chết. Cho nên Phật nói đời là khổ. Lý luận như vậy thành công.

Học giả thuyết trình, nói nhiều vấn đề ở đâu mình không biết, nhưng tới chừng họ kết lại, quả thật kiến thức rộng, chất xám đầy đủ. Không phải hỏi Tứ đế là gì rồi bắt đầu kể Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế... Những vấn đề nhân sinh hay khoa học, người ta diễn đạt cụ thể, sống động, không khô khan hoặc chết cứng trên bài bản, tất cả đều được dẫn chứng ngay trong hiện thực cuộc sống. Người đời còn thế, huống là người tu lại quá mơ hồ viển vông.

Ví dụ hỏi tại sao chúng ta phải ăn? Đáp tôi ăn vì đói bụng, vậy thôi. Sự thật nếu anh không đói bụng thì khỏi ăn. Nhưng người có trí tuệ, trong khi ăn phải như thế nào? Đây là vấn đề quan trọng. Người bình thường ăn khen chê ngon dở, giành ăn chẳng hạn, nhưng người trí tuệ ăn chỉ ăn vậy thôi. Các thiền sư nói, đói ăn mệt ngủ. Người đời đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ, nghĩ trăm thứ tính trăm việc cho nên luôn bất an.

Nên biết người tu phát huy được trí tuệ vô sư thì làm gì nói gì cũng triệt để. Đức Phật Bổn sư Thích-ca-mâu-ni sau khi thành đạo, ngài tuyên bố Ta học đạo không thầy, tức là phát huy được trí vô sư. Trí này từ thiền định và trí tuệ, không do thầy nào dạy. Chúng ta tu theo Phật cũng phải như vậy. Tập trung công phu thiền định chuyên nhất mới phát sinh được trí tuệ, thành tựu giác ngộ giải thoát.

Cuối cùng Ngũ Tổ Diễn kết lại nói: Thực tập công phu như vậy, quyết định có ngày đạt đạo. Cố gắng tu thì quyết định có ngày đạt đạo. Chúng ta đủ duyên sống với nhau trong đạo tràng thế này là phúc duyên vô cùng lớn, vô cùng đặc biệt. Nếu ở ngoài đời, huynh đệ gầy dựng một gia đình tương đối hạnh phúc thì vợ chồng, con cái, công việc làm ăn đều đầy đủ. Tuy nhiên cuộc sống ấy chỉ xoay quanh gia đình nhỏ bé, chật hẹp. Bởi vậy lúc nào họ cũng bảo vệ, ai đụng tới không được.

Chúng ta tu hành sống trong tập thể, phụng sự nhân sinh, lợi ích số đông. Kinh A-hàm nhắc tới nhắc lui, tăng sỹ là người bỏ nhà, không nhà học đạo, không có gia đình. Đó là mở ra một chân trời tịnh thanh rộng rãi, không bị kẹt bị lụy, không dính dáng chuyện tình cảm, gia đình. Đời sống thênh thang nên người tu cần phải bảo vệ đời sống quý báu này. Tăng sỹ không dính dấp chuyện gia đình để có thời gian tọa thiền, mở ra trí vô sư. Phật dạy cả tam tạng kinh điển nhưng chúng ta chỉ cần làm cho được một việc ấy thôi, là có thể vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai.

Lời dạy của ngài Ngộ Tân Tử Tâm và thiền sư Pháp Diễn ở Đông Sơn, đều nhắc nhở chúng ta phải siêng năng tu tập, đừng để bị cuốn theo các hiện tượng bên ngoài. Anh em học hiểu chánh pháp, hành trì chánh pháp, gầy dựng được niềm vui trong đời này, nên càng tinh tấn, càng tin sâu Tam bảo. Chúng ta là Tăng bảo, không lẽ đánh mất giá trị cao quý của Tăng bảo. Cho nên không gì hơn là phải cố gắng tu.
 

 

[ Quay lại ]