headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ HUYỀN SA SƯ BỊ DẠY CHÚNG

thiensuhuyensadubiPhàm người học Bát-nhã Bồ-tát phải đủ đại căn cơ, đại trí tuệ mới được. Nếu căn cơ trì độn, phải chuyên cần khổ nhọc, nhẫn nại đêm ngày quên mệt, giống như người đi đưa đám ma mẹ, cần cù cấp bách sẽ có người phụ lực. Ghi tạc trong lòng chuyên tâm thật cứu, ắt có ngày hội ngộ.

Ở đây nói người học Bát-nhã phải là người đại căn cơ mới vào ngõ đại trí tuệ, nếu căn cơ trì độn không thể vào. Chữ độn là tối, chữ trì là chậm, trì độn là chậm tối. Chuyên cần khổ nhọc, nhẫn nại đêm ngày quên mệt, giống như người đưa đám ma mẹ. Đưa ma mẹ thì chắc không còn chuyện gì khác xen vào. Người gắng gổ tu hành, phấn đấu tích cực nhất định sẽ có niềm vui. Từ đó càng tin chánh pháp, càng vững pháp hành.

Ghi tạc trong lòng chuyên tâm thật cứu, ắt có ngày hội ngộ. Chuyên tâm thật cứu là nghiên cứu sâu, chuyên nhất vào một vấn đề. Như thế nhất định sẽ có ngày hội ngộ. Thiền sư Huyền Sa Sư Bị cũng dạy chúng ta luôn cố gắng, chịu khó, gan dạ. Ghi tạc là phải nhớ, khắc ghi. Khắc ghi mãi sẽ có ngày hội ngộ. Chắc chắn như vậy.

Người học pháp phải là người đại căn cơ, đại trí tuệ, là Bồ-tát. Người này một nghe ngàn ngộ. Chúng ta độn căn độn trí cho nên phải cần khổ, nhẫn nại ngày đêm như đưa ma mẹ mới có chút phần tương ưng. Nếu thường xuyên nhớ lời dạy của người xưa, nhớ việc tu hành, khắc ghi nhiệm vụ chính của mình thì các thứ vọng tưởng không thể dẫn đi. Ví dụ nhớ nhà muốn về thăm, liền tự nhắc không đi. Một lần ghi bàn thắng rồi thì có lực. Về sau khởi nhớ là buông bỏ nhanh hơn.

Nghiệp lực có sức lôi dẫn rất mạnh, nếu chúng ta yếu đuối thì không bao giờ chiến thắng được nó. Như tới giờ tụng kinh, có người trốn đi chơi. Lần đầu trốn, đương sự thấy khó chịu, sợ toát mồ hôi, nhưng vì thuận theo cái điên đảo nên vẫn đi. Một lần đi được thì mai chiều đi tiếp. Đi thời gian quen lại rủ thêm người khác. Lần lần chẳng những chiều đi mà tối cũng kiếm chuyện đi. Ma quỷ dẫn cả đám. Đi được một lần, những lần khác nghe hô liền chạy. Sức mạnh của nghiệp như vậy.

Tuy nhiên với người biết khắc phục, chiến đấu, bảo vệ, giữ gìn được một lần thì có sức mạnh. Sức mạnh này là đạo lực. Ghi được bàn thắng ban đầu, tự nhiên nội lực thâm hậu. Ở đây Tổ nói, giống như có người phụ lực. Ai phụ lực ? Sức mạnh của mình đó. Đây là những kinh nghiệm mà huynh đệ chúng ta có thể trải nghiệm. Nếu vị nào đã bị thua thì bây giờ làm lại. Tu ngay trong chỗ đổ vỡ, ươn yếu, chớ đợi lúc bay bổng trên mây xanh mới tu thì té chết.

Tại sao có một số người tu lâu lại sanh bệnh? Vì thật ra họ đâu có tu, cho nên bản ngã càng ngày càng lớn. Mấy chỗ này huynh đệ phải tự xét, không ai giải quyết cho chúng ta được đâu. Phiền não càng ngày càng chồng chất, càng nặng nề. Hồi mới đi tu, bà con xa gần kêu bằng thằng, ta bình thường. Năm năm mười năm về gặp lại, nghe kêu kiểu đó, mình buồn. Pháp sư thuyết pháp độ sinh bao nhiêu ngàn người, mà không độ được bà con trong nhà, còn bị họ độ lại. Có đáng buồn chưa?

Cho nên đệ tử của Phật khi đã xuất gia, Thế Tôn bắt phải cạo tóc, mặc áo nhuộm, không có gia đình. Đoàn thể Tăng-già là đoàn thể thanh tịnh nên không có gia đình.

Ngày xưa đức Phật và chư Tỳ-kheo mặc áo nạp, áo vá. Quý ngài lượm những miếng vải người ta bỏ thùng rác, về ráp lại mặc. Sống ở đâu? Du phương khất thực, không nhà học đạo, vô sở hữu, vô trụ xứ. Phật sinh ra dưới gốc cây, viên tịch dưới gốc cây, sống ở rừng cây. Thầy trò đi bộ từng đoàn, đúng theo pháp khất thực mà trì bát. Thỉnh thoảng vua chúa hay các trưởng giả thỉnh thọ trai, Phật nhận lời đến thọ trai xong lại đi. Đoàn thể thánh đệ tử thanh tịnh của Phật là vậy.

Người xuất gia, sống đời Phạm hạnh, tọa thiền, kinh hành, giữ đủ thứ giới luật. Để làm gì? Để đừng điên đảo, đừng quay về mà đi thẳng một đường. Đó là pháp học căn bản của người xuất gia. Thời nay canh tân, cải cách, cuộc sống tăng sỹ cũng thay đổi. Muốn đời sống tu hành ổn định thì phải lập chùa viện, có thầy bạn, kinh luật, đủ thứ hết... cho nên đời sống nhiêu khê hơn ngày xưa. Buổi sáng nấu ăn, buổi trưa nấu ăn, buổi chiều nấu ăn. Mất hết thì giờ tu hành, lại phải nợ của đàn-na tín thí rất nhiều. Thật sự mà nói, nếu chúng ta không tu, coi chừng mình trở thành kẻ dối gạt đàn-việt. Nói thế để huynh đệ ráng tu.

Anh em có về miền Tây, thấy người dân sống trên một chiếc xuồng, nheo nhóc vợ con, lo ăn từng buổi. Rõ ràng họ đâu có giàu hơn mình, mà là nghèo hơn mình nhiều. Nói thế để làm gì? Để chúng ta luôn nhớ nhìn lại mình, lo chỉnh đốn việc tu hành. Phước báo ngày hôm nay và về sau, tất cả đều nhờ vào công phu tu hành, nhờ vào đạo đức, nhờ vào uy lực của Tam bảo. Chư huynh đệ không phát huy bảo vệ nhân duyên quý báu ấy thì chúng ta làm gì? Nghĩ đến đó, anh em nên cố gắng nhiều hơn.

Có hai điều cần nhớ: Một là hoàn chỉnh phong cách của người tu hành, phải có trí tuệ và đạo đức. Hai là hoàn chỉnh đời sống đạo lý mà chúng ta đang sống. Con người đang ở vào thời đại cuộc sống văn minh giàu đẹp mà mình làm ngược lại thì e rằng sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của chúng ta không thành tựu. Cho nên vấn đề phong cách, sinh hoạt của người tu sao cho vừa phù hợp với xã hội đương thời, vừa không cách xa với tinh thần Phật dạy, đó là điều chúng ta cần phải quan tâm. Nên nhớ sống ở bất cứ đâu, hàng tăng sỹ phải xứng đáng là điểm tựa cho tín đồ. Đối với người dân Khmer, chùa viện được xem là trung tâm văn hóa, giáo dục và mọi sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng. Cho nên chư sư rất được Phật tử quý kính. Điều này càng làm cho người xuất gia phải nghiêm giữ giới luật nhiều hơn.

Phật dạy Tỳ-kheo là Thiên nhân sư, nghĩa là Thầy của trời người. Chư huynh đệ có trách nhiệm đi hoằng pháp lợi sinh hay trụ trì ở một trú xứ nào đó, thấy quần chúng nghèo khó, kém học kém hiểu biết, chớ bày điều mê tín làm hoặc loạn lòng họ, mà phải giảng giải đúng chánh pháp, giúp đỡ họ theo khả năng của mình, trong tinh thần trí tuệ và từ bi của đạo Phật.

Cho nên chúng ta cần phải hoàn chỉnh cả hai mặt đạo và đời, đúng theo đường lối chủ trương của Giáo hội bây giờ.

Phật dạy các pháp tùy duyên, nhưng nhớ tùy duyên mà bất biến. Làm gì cũng phải đặt mục đích vì lợi ích của nhiều người lên trên, sống cho có ý nghĩa, không đi sai tinh thần đạo lý. Có thế mới xứng với nguyện tu hành của người đệ tử xuất gia của đức Phật. Như vậy làm ít làm nhiều gì đều có lợi. Ngược lại nếu trái đi thì càng làm càng tạo nghiệp, càng tu càng
phiền não.

Thiền sư Huyền Sa Sư Bị nhắc nhở chúng ta, nếu tự thấy mình không phải hàng đại căn đại trí thì nên cố gắng tu học cần mẫn, chớ có dung dị buông lung. Nhớ ghi tạc chuyên lòng thật cứu sẽ có ngày ngộ đạo. Chúng ta tin như vậy, cố gắng nỗ lực công phu, nhất định sẽ có ngày thành công.

[ Quay lại ]