headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/11/2024 - Ngày 19 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ THIÊN NHƯ TẮC DẠY

thiensunhutacSinh không biết từ đâu đến, gọi là sinh đại. Tử không biết về đâu, gọi là tử đại.

Chúng ta thường nghe câu "Sinh tử sự đại", sự đại tức là một việc rất lớn, xưa nay chưa có người nào giải quyết được vấn đề này. Hòa thượng Trúc Lâm dạy, tu là để giải quyết cho được việc sinh tử của chính mình, chứ chưa triển khai rộng đến việc sinh tử của chúng sinh, của muôn loài như đức Phật.

Sinh không biết từ đâu đến, gọi là sinh đại. Tử không biết về đâu, gọi là tử đại. Nghĩa là đến mà không biết mình từ đâu đến, đi mà không biết mình đi về đâu. Quả thật đây là một vấn đề trọng đại của tất cả chúng ta. Sinh tử sự đại.

Khi tử thần đến chỉ còn biết co tay giật chân. Huống nữa, đường trước mịt mờ theo nghiệp thọ báo, thật là cái việc rất khẩn cấp vậy.

Khi đối diện với tử thần, không giải quyết được việc của mình nên chỉ còn biết co tay giật chân. Nghĩa là sự kiện đến như thế nào đó thì chấp nhận như vậy. Một cách thụ động, tiêu cực, không có năng lực gì hết. Sự sinh tử lớn lao như thế mà chỉ biết co tay giật chân, để rồi trôi theo dòng sinh tử. Thật quá nguy hiểm! Đây là một vấn đề lớn và chỉ có những con người phi thường mới có thể làm được.

Đức Thế Tôn khi còn là một vị hoàng tử đã có nhân duyên chứng kiến những cảnh tượng sinh diệt vô thường. Vì có túc duyên đặc biệt cho nên ngài liền biết đây là việc trọng đại. Một hôm thái tử Sĩ-đạt-ta cùng người hầu Xa-nặc và đoàn tùy tùng dạo chơi bốn cửa thành. Khác với khung cảnh tươi đẹp bên trong cung điện, thế giới bên ngoài của nhân loại thật u ám đen tối, đáng ghê sợ. Ngài đã tận mắt thấy hình ảnh một cụ già chân chùn gối mỏi, răng rụng, hơi thở phều phào; một người bệnh nằm trên phân và nước tiểu của mình, đau khổ quằn quại, rên rỉ thảm thiết; một thây ma hôi thối trông rất ghê tởm nằm bên vệ đường, ruồi nhặng bu bám, đang bắt đầu sình lên; một đạo sỹ nghiêm trang trầm tĩnh đáng tôn kính. Đứng trước cảnh già, bệnh, chết, Thái tử ngậm ngùi hỏi Xa-nặc: "Người này sao lại như thế, ta sau này có bị như họ không?" Rõ ràng trong con người ngài đã toát ra một năng lực muốn vén màn tăm tối đang che phủ con người. Xa-nặc giải thích chi tiết từng cảnh tượng rồi khẳng định: "Tất cả các hạng người, từ nghèo hèn cho tới bậc vua chúa, muôn loài sinh vật đều không ai thoát khỏi cái già bệnh chết." Về đến cung điện, Thái tử trầm ngâm suy nghĩ, cương quyết phải tìm cho ra phương cách thoát ly sinh tử.

Phần nhiều người tu chúng ta khi sắp lâm chung có được thêm những trợ duyên, nhưng thật sự nó cũng bấp bênh. Thí dụ, gần đến lúc giật tay giật chân, chợt nhớ lại việc đang làm của mình, tha thiết khẩn cầu nhờ một bậc đạo cao đức trọng khai thị. Nghĩa là chỉ ra những việc đã làm và nhân duyên sắp đến như thế nào để mình vững tâm. Dù là một vị Phật hay Bồ-tát thì rốt cuộc việc đó là của chính mình, phải đương đầu giải quyết, chứ không ai thế được.

Tuy nhiên, đối với những bậc thị hiện như chư Phật, chư vị Bồ-tát, chư thánh tăng, chúng ta có phúc duyên nhiều đời mới có thể gặp được. Sau khi nghe những lời chỉ vẽ rõ ràng của quý ngài, mình tỉnh táo sáng suốt yên lòng giải quyết. Hoặc có những bậc thầy khi hiện diện trước chúng ta, quý ngài lẳng lặng tĩnh trí dặn dò một vài lời, mình yên lòng hoan hỷ tiếp nhận cái duyên đang đến. Cho nên sự hiện diện cùng những lời khai thị đó có tác dụng và kết quả tốt.

Trường hợp giả sử ai đó không có đạo lực đến khai thị, nghe xong mình hốt hoảng lo sợ, nghĩ rằng chốc lát nữa sẽ chết, sẽ cắt đứt tất cả những dòng nhân duyên liên hệ với mọi người, những gì ta gầy dựng mấy chục năm nay mất hết. Như vậy chuyện khai thị không phát huy được tác dụng. Chư huynh đệ nên lưu tâm điểm này, khi đối diện mà thấy không xong thì rút lui. Bởi vì lúc đó đương sự rất cần đạo lực, công đức, công phu tu hành và trí tuệ của người khai thị. Mình thiếu những điều này đương nhiên làm không nên việc. Thật tình tôi rất sợ người ta đến mời khai thị, vì tôi biết đạo mình không cao, đức mình không trọng, cho nên đâu thể biết việc mình làm có kết quả hay không.

Ngoài ra còn một nhân duyên nữa là sự gia trì của Phật lực. Hồi xưa, lúc tôi còn nhỏ ở dưới quê, Sư chú tôi ở tổ đình Phước Lưu. Nhà nghèo lắm, thời này đang trong chiến tranh, giai đoạn chín năm trong khu. Sư chú đi tu chưa đầy một tháng thì người mẹ bệnh sắp chết, ở nhà kêu về. Năm ấy chú khoảng mười bảy mười tám tuổi. Về nhà thấy anh em ai cũng khóc, mấy đứa cháu nhỏ cũng khóc. Bà già nằm lăn lộn, quằn quại. Thời đó khó khăn đâu có thuốc men hay bác sỹ gì chữa trị. Nếu có cũng chỉ là phương ngoại, họ đâm lá cây gì đó rồi cạy miệng đổ, không có chi đảm bảo.
Cuối cùng mấy người chị của chú nói:
- Giờ em tụng kinh đi.
Chú thật thà đáp:
- Em mới tu chưa đầy một tháng, đâu có thuộc kinh gì mà tụng.
- Thuộc gì thì em cứ tụng nấy.
- Kinh Đại Bi em mới thuộc khoảng chừng một phần ba thôi.

Sau đó Sư chú nghe lời mấy chị ngồi tụng "Nam-mô Đại Bi hội thượng Phật Bồ-tát". Điều đặc biệt là chú vừa xướng tụng lên khoảng chừng vài phút thì bà già nằm yên lại, không còn lăn lộn quơ tay quơ chân, không còn trừng trợn nữa. Thấy chú tụng kinh có kết quả, mọi người trong nhà mừng quá. Tụng được khúc đầu, tới khúc sau không biết tụng nữa, chú đành quanh trở lại. Kinh Đại Bi đầy đủ có ba phần, chú mới tụng được một phần, mà cũng chưa chắc đã đúng.

Thấy mọi người xung quanh ai cũng khóc, chú sảng sốt vừa khóc vừa tụng. Thật là một cảnh hãi hùng! Chú tụng bao nhiêu đó kinh mà bà già nằm yên. Lúc mệt quá chú ngưng tụng đi ra ngoài, trong này bà già lại tiếp tục lăn lộn. Tình trạng ấy kéo dài cả nửa ngày. Cuối cùng chú cũng bất lực, bà già trút hơi thở cuối cùng trong lúc tay chân quờ quạng, la hét đủ thứ. Sau khi nghe Sư chú kể, tôi hỏi:
- Chú biết hiện tượng đó là bà cô đi đâu không?
- Tao đâu có biết.
- Quơ tay quơ chân, nhăn mặt nhăn mày là đi con đường tối rồi đó chú ơi.
- Mày nói đường tối là đường nào?
- Có ba đường. Lúc bà đòi ăn uống này kia, là sẽ đi đường ngạ quỷ. Lâu lâu bà kêu nhắc tiền bạc... là con đường địa ngục.

Hoàn cảnh người dân quê thời đó so với bây giờ thật là đìu hiu, âm u tàn tịch, không đèn điện gì hết. Họa hoằn lắm nhà nào bề thế ruộng vườn, con cái đi học, tối mới có cây đèn. Ngày xưa đầu tiên là cây đèn khí đá, hai lớp, phần dưới ở giữa có bình chứa khí đá, bắt ngang chỗ đó là cái roong, bên trên có cái béc. Muốn khí đá cháy, mình phải bơm có nước sau đó thì khí đá sôi ở dưới, lửa bung lên sáng qua cái bét. Tiếp theo loại đèn khí đá là đèn manchon (măng-sông), nhà nào có đèn này là hạng sang chứ không phải thường. Khi thấy nhà ai đốt đèn măng-sông, người ta đi tới đi lui là biết nhà đó đang có chuyện, hoặc đám cưới đám hỏi, hoặc đám chết đám giỗ.

Tôi nhớ hồi nhỏ những lần bị cảm, mấy ông cậu lấy rau răm nhai xong, lôi mình ra phun từ đầu tới đuôi, tùm lum toàn rau răm. Vừa phun vừa tụng thần chú, nói giải hết bệnh rồi. Được phun vào nghe mát, giải cảm. Nhà quê trị bệnh kiểu ấy. Như ngài Thiên Như Tắc nói chúng ta còn mông muội quá, tu hành chưa có đạo lực. Con người không biết từ đâu đến, mai kia xả bỏ thân tứ đại này, giã từ tất cả ra đi cũng không biết về đâu. Học tới đây chúng ta mới thấy ơn của Phật pháp đối với mình lớn lao vô cùng. Các ngài mở đạo, khai thị cho chúng ta biết thực chất của luân hồi sinh tử và những phương pháp, cách thức để giải trừ sự tăm tối.

Tuy nhiên chúng ta không chịu hành trì, nghe xong rồi bỏ đó. Nếu có hành trì cũng ba mớ thôi không đến đâu hết. Bởi vậy sinh tử vẫn còn là vấn đề trọng đại đối với chúng sinh. Riêng huynh đệ ở đây, sống trong điều kiện nhân duyên, môi trường tu học như thế này, chúng ta có đủ cách thức để giải quyết vấn đề sinh tử của chính mình. Đó là phúc duyên vô cùng lớn lao; so với các thời kỳ trước, thời đại ngày nay mọi việc sáng sủa hơn nhiều. Chẳng phải đợi đến lúc mình ngáp ngáp, quơ tay méo miệng mới có khai đạo, khai thị. Ngay bây giờ, huynh đệ đang được học những pháp học để hành trì. Từ đó giải trừ tất cả tăm tối, ngờ vực, những sự duyên lớn lao mà trước đây con người phải bó tay.

Từ sau khi đức Thế Tôn thành đạo, chuyển bánh xe pháp luân giáo hóa khắp quần sinh, cho tới thời kỳ này chúng ta vẫn còn được thừa tư công đức, tiếp thu một cách trọn vẹn tư tưởng, lời dạy của ngài để lại. Mỗi người phải tự ý thức, tự cố gắng hành trì. Những lời khai thị ấy, dù học thuộc mà không chịu hành trì thì cũng không dính dáng vào đâu. Cho nên ở đây nói đường trước mịt mờ theo nghiệp thọ báo, thật là việc rất khẩn cấp vậy. Đến lúc phải đối diện với sự kiện đường trước đang mịt mờ không biết đi về đâu. Thật là trọng đại và khẩn cấp!

Khi cận tử nghiệp kề sát một bên, sức mạnh của nó như sấm sét. Đương nhân nghe tiếng kêu hú của thú dữ, màn đêm u ám dẫn vào chỗ tăm tối hãi hùng, sợ sệt kêu la chạy trốn, cuối cùng thấy lùm bụi lủi vào. Vừa lủi vào, mở con mắt ra là đã tái sinh vào trong lớp mang lông đội sừng. Nghiệp lực dẫn chúng sinh đi đến chỗ khủng khiếp như vậy, cho nên phải ráng tu nhân tích quả như lời Phật dạy.

Trong nhân duyên sinh hoạt, gầy dựng cuộc sống tốt đẹp như thế này mà chúng ta lại không đủ trí lực, để tham sân si thúc bách dẫn vào chỗ gây tạo những nghiệp nhân đưa đến khổ quả. Đừng nói đến lúc lai sinh, ngay bây giờ cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh vẫn có trong lòng mình. Lời dạy của Phật, các bậc tổ sư, các bậc thầy đã chỉ lại cho chúng ta, bây giờ phải hành trì, đương đầu giải quyết, đó là việc khẩn cấp.

Cái đó là cảnh quả báo của sinh tử.

Lý nhân quả trên thế gian được ngài Khổng Tử bên Nho giáo đúc kết lại trong một bài kệ ngắn gọn súc tích:

Dục tri tiền thế nhân,
Kim sinh thọ giả thị.
Yếu tri lai thế quả,
Kim sinh tác giả thị.

Dục tri tiền thế nhân, kim sinh thọ giả thị, nghĩa là muốn biết nhân của đời trước, hãy nhìn quả đang thọ trong đời này. Yếu tri lai thế quả, kim sinh tác giả thị, nghĩa là muốn biết quả báo của đời sau, hãy nhìn ngay tác nhân trong đời hiện tại. Bài kệ này diễn tả trọn vẹn tinh thần tu học trong giáo nghĩa Đại thừa duyên sinh Phật giáo. Những sinh hoạt, tạo tác ngay trong đời này là biểu hiện rõ nét, cụ thể cho quả báo tương lai.

Ngay trong đời sống hiện tại, huynh đệ được hưởng những nhân duyên tốt lành cộng thêm lời dạy của Phật, Bồ-tát. Đây là điều kiện cho chúng ta phát huy cái nhân tu từng tâm niệm, đầy đủ giới định tuệ, tiến đến quả giác ngộ giải thoát. Vào được hay không là tùy ở mỗi vị, kết quả đó chính là sự biểu hiện thiết thực ngay bây giờ.

Huynh đệ đã được nhân duyên làm đệ tử Phật, xuất gia thọ giới cao quý, cùng sách tấn nhau hành trì, thật quá đặc biệt, phải không? Như trong viện chúng ta, có đến hai trăm vị thượng nhân, đó là nói riêng bên tăng, còn nói chung trong đạo tràng cả một ngàn mấy trăm người. Chúng ta luôn luôn sống trong sự tỉnh sáng, đường đi nước bước lúc nào cũng có giới luật, kinh nghiệm, sự nhắc nhở, hỗ trợ của pháp hữu xung quanh. Quá quý! Nhân duyên như thế mà ngã té, đi sai thì thật là không hiểu gì hết. Do vậy qua những lời dạy của các bậc thánh, chúng ta phải nên ghi nhận, từ đó tìm tòi, khắc phục những yếu điểm để được tiến lên.

Cũng vậy, chúng ta học Phật là để hành trì công phu, bảo vệ công phu cho tới ngày thành tựu viên mãn. Sở dĩ mình xuất gia, ở trong thiền viện, không lao lư ngược xuôi theo dòng đời là để luôn được sách tấn và thẳng tiến một con đường. Chúng ta có thể định hướng mục đích của mình, tu để đi đến giác ngộ giải thoát, ngoài ra không có việc khác. Càng phấn khởi, chư huynh đệ càng cố gắng nhiều hơn nữa.

Trong đạo tràng, các cụ ở Lâm Viên Niết-bàn lớn tuổi, đang đương đầu với vấn đề sinh tử thấy rõ hơn ai hết. Các vị còn trẻ tuổi từ hai mươi, ba mươi thì vẫn yêu đời, ham vui nên con đường sinh tử thấy lờ mờ không rõ ràng như các cụ bảy tám mươi tuổi. Người già thấy bệnh chết đang cướp đoạt mạng sống của mình từng giây từng phút. Nhiều khi đang ngủ mà ngặt thở, đâu thể thương lượng với nó: "Sáng mai hãy ngặt thở, giờ để ta ngủ một chút!" Hơi thở bảo thôi, mọi việc buông đi thì mình cũng phải buông, đâu có cãi được.

Cho nên những vị có tuổi, thấy sự cọ xát của già bệnh chết thì phải tranh thủ, đừng để bất cứ việc gì xen vào, làm giảm đi tinh thần tu học, sức sống hàng ngày của mình. Rất uổng! Nếu các cụ đánh mất tinh thần ấy rồi thì không gầy dựng lại được. Mấy huynh đệ trẻ sở dĩ còn dung dị là vì còn sức sống, còn thời gian tương đối, thua trận này gầy trận khác. Nói vậy thôi chứ tất cả dù già hay trẻ đều phải gắng tu. Đừng để rơi vào tình trạng sanh không biết từ đâu đến, chết không biết đi về đâu. Thật là lạng quạng trong sinh tử. Nếu mình cứ để cho si mê, vô minh dẫn vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh thì mãi mãi trôi lăn trong ba đường khổ, không có ngày ra được.

Nếu luận về gốc nghiệp sinh tử, tức là ngày nay phóng tâm chạy theo thanh sắc khiến phải thất điên bát đảo, chính là gốc ở nó.

Hòa thượng Trúc Lâm dạy, chạy theo vọng tưởng là gốc của luân hồi sinh tử. Muốn giải quyết được vấn đề sinh tử thì dừng vọng tưởng. Lời dạy của ngài quả thật chính xác. Từ đâu có sinh tử? Do vọng tưởng, vô minh. Như chúng ta đang ngồi thiền, thấy rõ ràng vọng tưởng dẫn đi, mình không đủ tỉnh lực nên thua nó. Đi hết giờ này đến giờ khác, hết ngày này đến ngày khác, hết đời này đến đời khác, hết cõi này đến cõi khác. Đi trong những chỗ tăm tối, hãi hùng. Là người tu, chúng ta không cam chịu, không chấp nhận như vậy; phải cố gắng làm chủ ngay những dấy niệm, những phóng tâm chạy theo thanh sắc.

Do đó Phật tổ vận đại từ bi hoặc dạy ông tham thoại đầu, hoặc dạy niệm Phật, khiến ông quét sạch vọng niệm, nhận ra mặt thật xưa nay (bản lai diện mục), làm cái việc khoáng đạt đại giải thoát.

Sự kiện của chúng ta là như vậy, cho nên chư Phật, chư thánh, các đời tổ sư vận đại tâm từ bi chỉ dạy nhiều cách tu hành. Hòa thượng Trúc Lâm dạy, sự sống chết, lao lư khó nhọc, loay hoay lẩn quẩn trong kiếp luân hồi sinh tử là từ vọng tưởng. Ông hãy làm chủ vọng tưởng, chớ chạy theo vọng tưởng, đừng để vọng tưởng kéo lôi ông đi v.v... Đó là phương pháp học thiền trực chỉ.

Học trực chỉ tức là chỉ thẳng vọng tưởng, chứ không bảo phải tụng kinh Di-đà hoặc Pháp Hoa mới nhận ra cái đó. Nói thẳng với ông rằng cái đó là vọng tưởng, mình phải làm chủ, đừng để nó dẫn đi. Không lầm chạy theo nó, không để nó đủ sức kéo lôi thì an ổn, phát huy được chủ lực, từ đó định và tuệ đầy đủ. Cách tu của chúng ta là như vậy.

Phật tổ vận đại từ bi hoặc dạy ông tham thoại đầu, hoặc dạy niệm Phật, khiến ông quét sạch vọng niệm, nhận ra mặt thật xưa nay (bản lai diện mục), làm cái việc khoáng đạt đại giải thoát.

Pháp tham thoại đầu hay niệm Phật dùng để quét sạch vọng niệm. Nhưng muốn quét sạch thì phải biết nó là vọng niệm mới quét được. Cũng như muốn thảy hết rác trong túi thì ít ra phải biết nó là đồ bỏ. Phật nói nó là rắn độc, là ma quân, chúng ta mới chịu móc ra, thẩy đi. Nếu các ngài nói nó là ngọc ngà châu báu quý lắm, để trong túi sẽ sanh từ trường khiến mình tận diệt các bệnh, sống lâu trăm tuổi thì dễ gì buông. Chẳng những không buông mà còn đi kiếm chất vào. Nghe nói ở đâu có liền liên hệ, tìm cho bằng được một miếng nhỏ bỏ vào túi. Chúng sinh có nhiều cái ngộ như vậy.

Chỗ này Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng ta phải phát huy được trí lực tỉnh sáng. Ngài nói giả tỷ hồi xưa người ta bán vàng ngoài chợ, màu mè rực rỡ, mình không biết nên có bao nhiêu đồng ra chợ gom hết về. Bây giờ biết nó là đồ giả, chỉ mạ vàng bên ngoài, để lâu sẽ rỉ sét... Khi biết rõ như thế mình mới chịu bỏ, có người đem cho cũng không lấy.

Nhưng đến khi nào chúng ta mới biết nó là đồ giả? Hòa thượng nói thân này giả hợp, huyễn hóa, nhân duyên sinh. Huyễn hóa tức là không thật, do nhiều thứ hợp lại. Nhân duyên sinh là do nhiều duyên kết hợp mà ra. Nó bị vô thường chi phối, luôn luôn thay đổi. Cho nên chúng ta không bao giờ trẻ mãi, không bao giờ tồn tại mãi v.v... Tất cả lý thuyết đều đã được học, nhưng thật sự có ai dám buông nó chưa?

Thật ra khi nói tới chỗ này, nghiệm lại cũng thấy hơi hổ thẹn. Nói bỏ mà đâu là bỏ? Bằng cách này cách khác, xoay qua trở lại... Ít ra mỗi sáng cũng phải cạo mặt cạo mày, rồi cũng tắm rửa thay đồ, còn thấy hôi nhơ thì phải thêm chút dầu mỡ. Con người muôn đời là như vậy. Chỗ này con người không tỉnh nên tới lúc chết ôm giữ rất khổ. Nếu ngay đây mình tỉnh được, biết thân này đồ bỏ thì tới chết sẽ nhẹ nhàng.

Năm xưa, Nhị tổ Pháp Loa lúc sắp tịch có làm một bài kệ:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh man khoan.

    Dịch:

Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng,
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

Ngài ra đi nhẹ nhàng tự tại, bốn mươi bảy năm sống trên cõi đời chỉ là một giấc mộng, những việc cần làm đã làm xong. Bây giờ vui vẻ hòa mình vào trời trong trăng sáng, nhàn nhã thênh thang. Người xưa nói đi, chỉ cần thở khì một cái là xong, không có gì vướng mắc.

Chúng ta chưa được như vậy, còn vướng mắc nhiều lắm. Cho nên trong đời thường anh em chạm góc cạnh với nhau. Có những việc nhỏ xíu mà không hóa giải nổi. Ví dụ huynh đệ có một cái tật nho nhỏ, làm mình khó chịu. Dù thân tình nhưng chính cái tật đó khiến mình không thể gần gũi được nữa. Nó vô hình nhưng lại ngăn cách trong thâm tâm.

Chỉ khi nào chúng ta phát huy được cái vô duyên đại từ, vô duyên đại bi, nghĩa là lòng từ bi hồn nhiên, mới yêu thương và đối xử bình đẳng với tất cả mọi người. Nhờ học giáo lý biết người bạn của mình là Phật sẽ thành, nghe léng phéng mình cũng là Phật sẽ thành, nên không gây gổ làm chi, vì Phật với Phật không thể có vấn đề được. May ra từ những thuyết như thế mới có thể kéo chúng ta xích lại gần nhau. Nếu không thì việc ăn mặc ngủ nghỉ tài vật... sẽ cắt xén mình thành trăm mảnh.

Nhiều khi năm bảy huynh đệ cùng sống chung, cùng làm một việc, nhưng có một nhân duyên nào đó, một luồng gió lợi dưỡng từ đâu thổi vào, huynh đệ mờ mắt, không nhìn mặt nhau được nữa. Cho nên phải tỉnh, phải luôn luôn ngồi thiền, phải thấy đức Đại trí Văn-thù sờ sờ trước mặt, đức Đại hạnh Phổ Hiền, đức Đại từ đại bi Quán Thế Âm ở một bên. Tập sống như vậy thì luồng gió lợi dưỡng kia sẽ không làm huynh đệ lao xao.

Nếu tu tập thiếu trí lực, đừng nói là những thứ lợi dưỡng chói lọi hào quang, chỉ cần một món quà nhỏ, một miếng bánh mỏng cũng để lại trong lòng mình tỳ vết. Từ đó nghiệm lại mới thấy sự cố chấp, điên đảo, tăm tối của con người dày cộm. Anh em có tu, ngang đây nhận ra đó là mê lầm, cần phải bỏ để bước theo con đường của Phật. Nếu không sẽ đi mãi trên con đường gập ghềnh sinh tử, biển khổ mênh mông, sóng dậy ngập trời. Do đó, chư Phật chư tổ vận đại từ bi chỉ dạy cho chúng ta phương pháp quét sạch vọng niệm, nhận ra bộ mặt thật xưa nay, làm cái việc khoáng đạt đại giải thoát.

Nhưng, người nay tu không linh nghiệm bởi ba thứ bệnh:

1- Không gặp thiện tri thức chỉ dạy.
2- Không thống thiết ghi nhớ việc lớn sinh tử, lửng lơ thong thả không ngờ mình ở trong vô sự.
3- Đối với danh hư lợi ảo ở thế gian, quán không tan buông không rời, lên ngồi trên bồ đoàn mà vọng duyên ác tập đoạn không được, bỏ không khỏi. Chỗ phong ba dấy động, bất giác thân này lăn vào trong biển nghiệp, trôi giạt đông tây.

Chúng ta đã được gặp thiện tri thức chỉ dạy, song vẫn chưa khỏi hai bệnh kia. Vô sự ở đây nghĩa là tình trạng bất đắc chí, thượng bất đáo hạ bất chí, lơ lửng. Như mấy huynh đệ lớn sau một trận phong ba, trở về Tổ đình cùng sống cùng tu nhưng vẫn không vui. Đáng lẽ mình tham gia những công việc quan trọng nhưng lại lãnh mấy việc bình thường. Đó là do anh em không phát huy được ý chí tu học và chưa hết lòng với Tam bảo. Điểm yếu này làm mất thời gian, tu không tiến, học không xong, chẳng làm được việc gì. Lơ lơ lửng lửng. Quen dã dượi như vậy, lớn lên làm sao thừa hành Phật sự. Tổ Quy Sơn nói đụng việc ngồi xoay mặt vào vách, trong tâm cống cao ngã mạn v.v...

Danh hư, lợi ảo toàn là vọng tưởng mà chúng ta bỏ không được, gỡ ra không được, nên bị nó dẫn vào trong biển nghiệp sinh tử. Kết duyên với nhau để rồi vay trả nợ nần. Nếu hàng ngày mình không tu thì vay trả nhiều lắm. Người xưa rất miên mật tu hành cho nên giữ lòng được trong sáng, chúng ta bây giờ phần nhiều tạp nham. Hễ không thích điều gì, tâm sân tâm giận ngầm phát tiết. Yêu thích cái gì đó, tâm tham ngầm phát tiết. Cho nên ta không đi được con đường sáng, mà chỉ lủi vào những con đường tối tăm, gập ghềnh sinh tử.

Ba thứ bệnh thiền sư Thiên Như Tắc nêu ra ở đây, thứ nhất là không gặp thiện tri thức. Chúng ta có thiện tri thức, có Phật pháp, có thầy tổ, có nhân duyên đầy đủ hết rồi. Thứ hai, không thống thiết ghi nhớ việc lớn sinh tử, lửng lơ qua ngày không chịu tu. Điểm này chúng ta đang vấp phải, vì thế huynh đệ dù lớn nhỏ gì nên kiểm lại mình. Thứ ba, đối với danh hư lợi ảo trên đời, chúng ta buông không được. Quán không tan buông không rời, lên ngồi trên bồ đoàn mà vọng duyên ác tập đoạn không được, bỏ không khỏi. Cuối cùng chỗ phong ba dấy động dẫn vào trong nghiệp sinh tử. Lời dạy của người xưa rõ ràng như vậy, huynh đệ phải cố gắng tu thôi.

Người chân chánh học đạo đâu có cam chịu như vậy. Phải tin quyết lời Tổ sư dạy: "Tạp niệm lăng xăng làm sao hạ thủ công phu? Chỉ một câu thoại đầu như cầm cây chổi sắt quét dọn, càng quét nó càng nhiều, càng nhiều lại càng quét, quét xuôi không được thì quét ngược, hốt nhiên quét tận thái hư không, muôn sai ngàn biệt một đường suốt thấu." Chư thiện đức! Nỗ lực đời này cho liễu ngộ, đừng để vĩnh kiếp thọ tai ương.

Sau lời dạy thống thiết, ngài khuyên một cách nhỏ nhẹ: Chư thiện đức! Nỗ lực đời này cho liễu ngộ, đừng để vĩnh kiếp thọ tai ương. Phần trên ngài chỉ dạy cho các vị tu thoại đầu, đưa ra hình ảnh người đang cầm chổi bằng sắt quét, chứ không phải bằng tàu dừa tàu cau như chổi của chúng ta. Quét tức là loại bỏ vọng tưởng. Vọng tưởng càng nhiều thì càng quét, quét xuôi không được ta quét ngược, quét tận thái hư không. Quét sạch không còn gì, rỗng rang như hư không. Chữ thái là lớn, hư không là cả bầu trời thênh thang. Muôn sai ngàn biệt một đường suốt thấu, quét sạch hết thì rỗng rang sáng suốt.

Người chưa gan chưa vào được chỗ này, quét xuôi mà gặp gió ngược liền nổi quạu. Hòa thượng Trúc Lâm dạy phải gầy dựng tỉnh lực. Tu thiền là tu trí tuệ; đầy đủ tỉnh lực, phát huy được trí tuệ thì không gì có thể bu bám, không dính mắc chi. Lúc đó rỗng rang sáng suốt, biết mình xưa nay luôn là như vậy.

Có người tự nghi niệm Phật cùng tham thiền không đồng? Đâu biết rằng tham thiền chỉ mong biết được tâm thấy được tánh, niệm Phật ngộ tự tánh Di-đà duy tâm Tịnh độ, làm gì có hai lý.

Người không chịu tu, cứ ngồi đó nói tu Thiền thế này, tu Tịnh thế kia. Trong đây nói tham thiền thì biết được tâm, thấy được tánh; niệm Phật ngộ tự tánh Di-đà duy tâm Tịnh độ, đâu có khác. Tùy nhân duyên của mỗi người, chư tổ chỉ dạy cách tu khác nhau. Như trong pháp đường có hai cửa lớn, một cửa exit là cái cửa thoát hiểm, xung quanh ba mặt tổng cộng mười một cửa sổ. Như vậy nội pháp đường có mười bốn lối để chúng ta thoát ra. Huynh đệ đang ngồi học, giả tỷ có sự cố gì, tùy theo điều kiện thuận lợi nhất, quý vị bay ra bằng cửa sổ hay cửa cái đều được, miễn thoát ra khỏi nhà. Điều quan trọng là làm sao bay ra khỏi đây khi có nạn, không luận đi cửa nào.

Cũng thế, pháp Phật dạy vô lượng vô biên, sự hướng dẫn của chư vị tôn đức cũng vô lượng vô biên. Pháp nào thích hợp với mình thì tu. Giả tỷ như thầy Tổng khố chịu trách nhiệm lo thức ăn cho đại chúng. Công việc nhiều và thất thường. Như vậy pháp tu của Tổng khố là gì? Giữ tâm thanh thản, bao nhiêu thức ăn đều biết. Thức ăn nào dùng ngay, thức ăn nào để lại ngày mai, giải quyết kịp thời. Chịu khó. Khi có nhiều thức ăn, không ngủ trưa, tối chong đèn sắp xếp món này món kia. Bằng lòng thành, bằng sự sáng suốt tỉnh táo, lựa lọc tất cả trần lao. Sống và làm việc an vui, tỉnh sáng. Đó là tu.

Hôm nào có đại lễ, chư tôn đức đem bao nhiêu chén đĩa đũa muỗng dính dầu, dính tương bỏ đầy sàn chén. Trong lòng Thầy hùng khí phát lên: "Để đó, tôi phát tâm làm, sẽ rửa sạch hết." Xong xuôi cất gọn gàng vào kho, việc gì cũng vui lòng làm. Đó là đang ngồi trên tòa Bảo Hoa, tâm từ tâm tuệ rỗng rang sáng suốt, mọi việc trước mắt không có gì dính mắc; tự tại. Đây là hạnh lực của đức Bồ-tát Đại trí Văn-thù, đức Đại hạnh Phổ Hiền, là tâm từ bi vô lượng của Bồ-tát Quán Thế Âm. Do có đức nhẫn chịu nên làm được việc của Bồ-tát. Một trong các nhân tu quan trọng của Bồ-tát Quán Thế Âm là đức nhẫn. Từ bi đành rồi nhưng đức nhẫn vô cùng quan trọng. Từ đức nhẫn thành tựu công đức, cho nên khi ngài thành Phật, tâm từ bi bủa khắp.

Thật ra pháp tu nào trong đạo tràng cũng vậy, quét sân, hốt rác, làm bất cứ việc gì, trong tâm thanh thản, từ bi bủa khắp, trí tuệ rạng ngời cũng đưa đến kết quả tốt đẹp. Tu thiền là tu trí tuệ, giác ngộ giải thoát cũng đều từ đó mà ra.

Kinh nói: "Nhớ Phật, niệm Phật hiện tiền và đời sau quyết định thấy Phật." Đã nói hiện tiền thấy Phật thì cùng với tham thiền ngộ đạo, đâu có cái gì là khác ?

Do có sự tranh cãi giữa người tu Thiền và người tu Tịnh nên ngài dẫn lý này để chỉ dạy cho họ.

Chỉ đem bốn chữ A-di-đà Phật làm câu thoại đầu, suốt mười hai thời (hai mươi bốn giờ) luôn luôn đề khởi, đến chỗ một niệm không sanh, không mắc trong giai cấp vượt thẳng đến cõi Phật.

Thí dụ người tham thoại đầu có công án "Sinh từ đâu đến", đó là một đề án. Nghi tình phát khởi, đề tới đề lui, nghi qua nghi về, cuối cùng giải quyết xong việc. Tham thoại đầu, niệm Phật là để giải quyết vấn đề sinh tử. Bởi nó từng làm cho chúng ta điên đảo ngược xuôi, sóng gió khổ đau. Bây giờ không theo nó nữa, bình thản an nhiên bằng cách dụng công phu tu hành. Có những vị tổ tu về Giảng tông, Luận tông, sáng tác văn thơ... cũng ngộ đạo. Chư vị tổ bên tông Thiên Thai, tông Hoa Nghiêm sau khi chú sớ bản kinh, cuối cùng gác bút kết thúc bản chú sớ, chim chóc kêu rộ lên, hương trời phảng phất rất đặc biệt. Quý ngài làm việc trong tinh thần giác ngộ giải thoát nên việc gì cũng thành tựu.

Vị tổ bên tông Thiên Thai là đại sư Trí Khải, tổ bên tông Hoa Nghiêm là đại sư Quốc Nhất, tức là bậc thầy hạng nhất trong nước. Cho tới bây giờ người Trung Hoa vẫn tự hào về nền văn học của hai tông phái này. Những bản chú sớ của quý ngài trong kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, từng câu từng lời ngọc ngà châu báu. Tùy duyên, nếu mình chuyên theo tu thiền hay niệm Phật cũng đều có thể ngộ đạo. Đừng nên ngồi đó luận bàn tu Thiền hay, tu Tịnh dở... chộn rộn, rối ren, không giải quyết được việc gì.
 

- HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]