TU TẬP PHẢI CÓ CÁI NHÌN THẤU ĐÁO
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 13 Tháng chín 2017 12:41
Phật giáo luôn lấy giác ngộ giải thoát làm mục đích tối thượng. Trong quá trình tiến đến mục đích ấy, mỗi hành giả phải tự nỗ lực hành trì, ứng dụng pháp của đức Phật đã dạy vào cuộc sống tu tập của mình. Tuy nhiên sự hỗ trợ của chư Bồ-tát, các thiện hữu tri thức cũng không kém phần quan trọng. Vì vậy chúng ta cần phải có một cái nhìn thấu đáo về sự tự tu, và việc hỗ trợ của các thiện hữu tri thức quanh ta đều có tầm quan trọng nhất định của nó.
Trong kinh Pháp Hoa có kể sự hỗ trợ của Bồ-tát Phổ Hiền đối với một vị Tăng trì kinh Pháp Hoa thế này. Sau một thời gian học hỏi và siêng năng tu hành, Sư phát nguyện trì kinh Pháp Hoa và thấy có linh nghiệm. Hữu cảm thì tất ứng, vị Tăng này luôn được sự hộ trì của Tam Bảo, nhất là Bồ-tát Phổ Hiền. Do đó Sư càng phát tâm dũng mãnh hơn nữa, tìm lên rừng núi xa vắng, ít người lai vãng để việc trì kinh được nhiều thuận lợi hơn.
Với tâm khẩn thiết, luôn gìn giữ giới hạnh trang nghiêm, vị Tăng chỉ nỗ lực tu hành. Bấy giờ quanh núi Ngài ở thường thoảng mùi thơm lạ, thân tâm Sư cảm thấy lâng lâng an lạc. Nhưng đến một hôm, suốt mấy ngày trời âm u bão tố. Dù trên núi rừng nhưng không hiểu sao giữa đêm Sư nghe có tiếng rên la, khóc lóc, rồi sau đó là tiếng gõ cửa của người khác phái. Sư rất phân vân khó xử, nhưng tiếng kêu cứu ngày càng dồn dập. Lòng từ bi của vị Tăng, không thể làm ngơ được, nên cuối cùng Sư mở cửa ra. Vừa mở cửa thì một phụ nữ ướt đẫm, run rẩy xanh mét sắp ngất xỉu hiện trước mặt Sư.
Trước tình trạng như vậy, Sư phải cho cô vào trú đỡ trong thất. Biết hoàn cảnh bất lợi, suốt đêm Sư ngồi tỉnh tâm trì kinh Pháp Hoa, không dám nói gì hết. Nhưng ngặt nỗi, càng lúc cô càng đổ bệnh ra. Cô bắt đầu đau bụng lăn lộn giống như người đau ruột thừa sắp chết tới nơi. Vị Tăng chẳng biết làm sao, phải lấy dầu đưa cho cô, nhưng đau quá cô không tự thoa dầu được, cuối cùng thầy đành phải thoa cho cô.
Như quí vị đã biết cảm giác xúc chạm giữa hai phái khác nhau, nếu không phải là người giác quan hư hoặc các bậc tu hành đã đạt đạo, ngoài ra tất cả đều có cảm giác khác lạ, cho dù đó là một vị Tăng. Đứng trước phút giây đó, chỉ cần khởi lên một niệm loạn động thì trong tích tắc thôi, bao nhiêu công phu tu hành xem như cháy rụi. Quả thật như vậy, vị tăng này đã dấy niệm. Nhưng Sư không ngờ ngay lúc vừa khởi niệm thì xa xa trên mây Bồ-tát Phổ Hiền ngự trên thớt bạch tượng hiện ra với lời quở trách. Sư giật mình tỉnh mộng, ăn năn sám hối thì thấy người con gái khi nãy đã cuộn trong mây đi mất. Kể từ đó vị Tăng thúc liễm thân tâm miên mật, hạ thủ công phu nghiêm cẩn không để bất cứ một ngoại cảnh chi phối nữa. Đây chính là sự hỗ trợ của Bồ-tát đối với những vị thật tâm muốn tu hành.
Hòa thượng thường dạy chúng ta “Chỉ một niệm bất giác thôi là hư hỏng”. Từ một niệm bất giác chúng ta lao theo, lang thang trôi giạt, làm kiếp giang hồ lãng tử từ vô lượng kiếp rồi. Cho tới bây giờ, nếu không tỉnh giác triệt để, những niệm bất giác đó sẽ tiếp tục dẫn ta đi nữa, tiếp nối luân hồi không dứt. Cho nên Hòa thượng dạy chúng ta lúc nào cũng phải tỉnh giác. Tỉnh giác để làm gì? Để biết tất cả hiện tượng bên ngoài đều không thật, những niệm dấy khởi lăng xăng trong tâm cũng không thật.
Như câu chuyện trên, nếu vị Tăng có tỉnh lực cao, biết rõ thân cô gái kia không thật nên cái đau của cô cũng không thật. Sư liệu sức mình không thể va chạm vào thân phụ nữ thì cứ mạnh dạn nói: “Nếu hết duyên, cô cứ an lòng nhắm mắt, mai mốt trở lại tôi sẽ độ cho, chứ bây giờ tôi chưa đủ lực độ cô”. Tại vì lúc đó Sư bất giác, nên mới hỏng việc lớn của mình như thế.
Chúng ta tu hành phải tỉnh giác, thấy một cách tường tận, chắc thật, không có chút điên đảo nào hết rằng tất cả các hiện tượng chung quanh đều không thật. Thấy biết chắc thực như vậy rồi thì định tuệ sẽ hiện tiền. Đó chính là định tuệ cơ bản nhất nằm sẵn nơi mỗi chúng ta, chỉ cần mình phát huy được thì sẽ thấy vô số lợi ích lớn lao. Chẳng những hàng xuất gia cần có những trí tuệ ấy mà ngay cả quí Phật tử cũng thế. Chúng ta hướng về con đường Phật đạo, tu học theo và hành trì theo lời Phật dạy thì phải làm sao phát huy cho được trí tuệ Bát-nhã của chính mình. Đó là điều tối thiết yếu trong công phu tu tập vậy.
Người đời thường cho những gì vui thích vừa ý là phúc báo của mình. Thưa, đó chỉ là niềm vui thụ hưởng như ngũ dục, tài sắc, danh lợi ăn uống, ngủ nghỉ. Ví dụ người được tài thì vui, sắc diện tươi tắn, nhưng trái lại các bậc Thánh cho đó là hiểm họa cần phải xa lánh. Đây là điểm chúng ta cần phải bàn kỹ để không bị lầm lẫn như người thế gian. Thành ra người tu có cái nhìn tận nguồn tận gốc khác hơn người thế tục.
Sở dĩ chúng sanh luân hồi trong sanh tử, khổ đau triền miên cũng vì những thứ mê lầm này. Ví dụ quí vị nuôi con cái từ nhỏ, mỗi mỗi việc gì cũng sắp đặt cho nó. Khi còn bé thơ, nó ngoan ngoãn nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ. Đến khi lớn khôn, quí vị nhắc nhở, có những điều chúng không đồng ý và cãi lại: “Bây giờ con lớn rồi, xin ba má đừng nói thế nữa”. Chừng đó quí vị giật mình “Trời ơi khổ!” Cuộc đời này luôn luôn là vậy. Bởi con người chấp cho cái nhìn của mình là đúng, khi gặp sự phản kháng liền thấy khổ. Nhà Phật gọi đó là si mê. Vì vậy chúng ta cần phải sáng suốt quay lại, sống lại với sự thật, biết rõ các pháp như huyễn, không có gì cố định, đừng cố chấp nữa là bớt khổ.
Người tu đối với tất cả những nhiễm trước của cuộc đời phải chấm dứt. Đó là cơ sở vững chắc để ta đi lên thanh thoát nhẹ nhàng. Chữ “Nhiễm” là thấm, lúc bắt đầu thấm ta không hay biết, nhưng khi đã thấm rồi thì hoàn toàn thay đổi. Chẳng hạn như ta đi trong sương móc, đầu tiên không thấy gì nhưng khi hay chiếc áo đã ướt là mình đã thấm sương đậm rồi. Cũng vậy, nếu ở trong dục lạc thế gian, ta không tỉnh, không có cái nhìn chính xác thì dần dần bị ô nhiễm mà ta không hay. Bởi vậy điểm đầu tiên mà người tu chúng ta cần phải cắt đứt là sự nhiễm trước các pháp thế gian. Làm một người chiến sĩ dũng cảm, trên tay không bao giờ rời thanh gươm trí tuệ, sẵn sàng chiến đấu với ma phiền não, ma tham dục. Nếu lơ mơ ta sẽ thua nó lúc nào không hay. Tỉnh giác liên tục là sức mạnh của người tu, nếu không như thế ta sẽ bị dây mơ rễ má của tham dục ràng buộc, kéo lôi, không có ngày thoát khỏi.
Nói tới đây tôi nhớ chuyện hồi lúc ở Chân Không, những năm đầu còn rừng rậm, khỉ xuống phá trái cây nhiều lắm. Anh em chúng tôi lấy làm lạ một điều là lũ khỉ được xem như khôn ngoan nhất trong các loài cầm thú mà dường như nó cũng ngu xuẩn hơn ai hết. Cho nên muốn bắt nó không hẳn là khó. Mấy anh em để ý thấy bọn chúng thường xuống rình xem quí thầy làm gì rồi bắt chước. Vì vậy, một hôm chúng tôi rủ nhau ra đám khoai lang, làm bộ lấy dây tự cột mình vào cây này cây kia. Biết bọn chúng ghi ảnh này rồi chúng tôi rút lui. Đợi quí thầy vắng một chút chúng tràn xuống, cũng vào giữa đám khoai, lấy dây tự cột mình vào các cây chung quanh. Chừng ấy quí thầy vỗ tay, đập thùng, chúng hoảng chạy nhưng chạy đi đâu được. Thế là cả bọn té nghiêng té ngửa, vì mắc kẹt trong các cây mà hồi nãy nó tự cột. Chúng tôi được một mẻ cười thật vui.
Sự nhiễm ô, mắc mứu cũng như vậy, thấm hồi nào không biết nhưng tới lúc mình đứng dậy muốn đi thì kẹt cứng, đi không được. Cho nên phải làm sao tự chủ, cắt đứt những dây mơ rễ má của nó. Thành ra điểm thứ nhất ở đây tôi nhấn mạnh là người tu cần phải cắt đứt sự ô nhiễm dục lạc. Dục, nói chung là lòng tham đắm tất cả những nhu cầu trong đời sống, chứ không phải chỉ riêng sắc dục. Trong đời sống của chúng ta, nói về nhu cầu thì nhiều lắm. Ăn mặc, ngủ nghỉ, đi đứng, tiếp khách, làm việc… càng ngày càng phát sinh. Như con mắt của tôi hồi nhỏ đâu cần cặp kính này, bây giờ nếu không có nó thì tôi nhìn chữ này dính chữ kia, không đọc viết gì được, thế là một nhu cầu phát sinh.
Nếu chúng ta không tỉnh để soát xét kỹ những nhu cầu nào cần thiết cho mình, cuối cùng ta sẽ mất hết thì giờ vì những nhu cầu không cần thiết lại quá nhiều. Như vậy là mình đã rơi vào lưới dục hồi nào không hay. Tôi nhớ những năm thiếu gạo, chư Tăng phải ăn độn bo bo nhưng quí thầy vẫn sống vui. Bây giờ ngày hai ba bữa cũng vậy thôi. Giả như không có cơm mình ăn cháo cũng sống được như thường. Ngày xưa đức Phật tu khổ hạnh trong rừng già, ngày ăn chỉ một vài hạt đậu hạt mè mà sống được tới sáu năm trường. Nhận định được điều này, chúng ta tự giảm thiểu những nhu cầu không cần thiết trong đời sống để dành thì giờ cho việc tu hành.
Phật dạy hàng xuất gia phải tam thường bất túc, nghĩa là ba việc ăn, mặc, ngủ phải thiếu một chút. Để làm gì? Để không bị phạm vào lỗi ngũ ấm xí thạnh, tức thân này béo phì nặng nề, trở ngại cho việc tu hành. Nhờ thế chúng ta có thời gian thiền định, quán niệm, tỉnh thức sống lại với chính mình. Chớ cả ngày từ sáng tới chiều tối, ta cứ lo ăn, hết món này đến món khác. Xong buổi sáng tới buổi trưa, hết trưa lại chiều, nội việc ăn thôi cũng đủ oải rồi còn thì giờ đâu mà tu hành.
Phật pháp mênh mông, chúng ta học cả đời còn không thể hết, huống là để thời gian luống qua vô ích vì những việc ăn mặc tầm thường. Sống như vậy đâu còn ý nghĩa của hàng xuất gia ly dục, cầu giác ngộ giải thoát nữa. Con người lúc nào cũng chạy đua với vô thường để được sống còn, nhưng họ không ngờ rằng chính vì những cuộc chạy đua ấy mà họ đã mất tất cả. Chỉ có những ai biết dừng lại mới có thể tồn tại, có thể sống còn với chính mình. Nên nhớ ta không thể tìm sự sống trong lòng định luật đổi thay hữu sinh hữu hoại này.
Chúng ta đã trôi giạt, sinh đây chết kia nhiều đời nhiều kiếp mệt mỏi lắm rồi. Thế nên ngay trong đời này phải khẳng định cắt đứt dòng sanh tử cho rồi. Muốn như vậy cần sáng được việc của mình, làm chủ sinh tử mới nói chuyện được với vô thường. Điều không thể thiếu được đối với người tu là thiền định, chứ không phải ăn uống ngủ nghỉ hay tiền tài danh vọng. Vì vậy người xưa tu rất giản dị.
Nếu chúng ta cứ tạo nghiệp trầm luân sanh tử, cứ đắm trước dục lạc thì nhất định loay quay lẩn quẩn trong sáu đường thôi. Đây là việc làm của mình, chứ đâu phải của ai. Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về những hành vi của mình ngay trong cuộc sống hiện tại. Nó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến đời vị lai của mỗi vị. Vì thế làm điều tốt, tu nghiệp lành bỏ nghiệp dữ, cốt là để dự phòng cho chính bản thân mình, chớ chẳng phải lo cho ai khác. Điều này dân gian thường nói “Ai ăn nấy no, ai tu nấy chứng”, rõ ràng như vậy.
Làm sao ta gầy dựng được chủ lực để khi tái sinh vẫn đầy đủ chủng duyên tu hành. Điều này rất quan trọng. Chư Tổ thường nhắc “Đường trước mờ mịt chưa biết về đâu?” để chúng ta ý thức việc tu hành hôm nay là sinh mệnh của mình ở mai sau. Hòa thượng Viện trưởng nói: “Mỗi người sanh ra đã mang sẵn một bản án tử hình, chưa biết ngày nào lên đoạn đầu đài?” Trong chúng ta ai là người biết trước ngày mai mình sẽ ra sao, sao lại không nỗ lực tu hành?
Trong kinh Nhân Quả nói về quả báo tái sinh của nhiều loài rất đáng sợ. Đời này người nào tạo những nghiệp ác, khi chết phải đọa vào loài bàng sinh, khi vừa tắt thở họ thấy trời long đất lở, sấm sét mưa chuyển, cọp sói đuổi rượt. Họ chạy đến mức không biết phải chạy đi đâu nữa, bấy giờ gặp lùm bụi nào cũng chui vô để núp. Vừa chui vào là đã tái sinh, mang kiếp nhiều chân hoặc bốn chân, lông lá lù xù, sừng gạc đủ thứ; đã mang vào rồi thì không cởi ra được nữa. Thành ra nghiệp dẫn trong luân hồi là con đường mờ mịt chưa biết về đâu, ghê gớm thật.
Quả báo bị rơi trong những loài súc sinh hoặc nặng hơn như địa ngục, ngạ quỷ thì thọ mạng dài vô cùng, chịu không biết bao nhiêu thống khổ. Như ngục vô gián, bị rơi vào đó thì sự hành hình liên tục từ cho tới bao giờ trả xong nghiệp mới dừng được. Trong khoảng đó không có phút giây nào để nhớ Phật, nhớ pháp, không ai giúp đỡ mình được hết. Chỉ trừ Phật, Bồ-tát theo nguyện dùng từ lực tam-muội vào trong ấy hóa độ, tội nhân nương phúc trí của các Ngài có được chút phút giây tỉnh thức để chuyển hóa nghiệp dữ của mình.
Thế nên hằng ngày chúng ta dành được phút giây nào chiêm nghiệm, quán chiếu tỉnh tu thì quí giá phút giây ấy. Do đó cần phải mãnh tỉnh, tiết từng chút thì giờ đừng để tuột dốc, hối tiếc không kịp. Đó là những điều rất cần thiết đối với người tu.
Lâu lâu ta cũng nên kiểm tra lại chí nguyện ban đầu của mình, xem có còn giống lúc sơ tâm xuất gia không. Chúng ta có bệnh yếu đuối lại dễ quên. Mới hôm nào vào chùa siêng năng tinh tấn, việc gì cũng làm được, thời khóa nào cũng theo nổi. Chẳng biết vì sao được một thời gian, tự nhiên bệnh hoạn đổ ra, không làm gì nổi, tụng kinh tọa thiền cũng bỏ luôn, tuệ giác tắt ngủm, đụng việc phiền não… Thử hỏi những tình trạng này từ đâu mà ra? Bởi vì chí chưa đủ, tâm chưa quyết, lại bị ma ngũ dục chực chờ bên cạnh, nên chỉ cần một niệm giải đãi khởi lên là bọn chúng ập vào kéo lôi. Tu hành như vậy chỉ càng khổ thêm, vì nợ đàn na tín thí chất chồng, biết trả sao đây?
Đức Phật khi đã thấy được cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người, Ngài trăn trở thao thao thức về số phận nhân lọai, cuối cùng phải vượt thành xuất gia tìm đường giải thoát. Năm năm tầm đạo, sáu năm khổ hạnh trong rừng già, cơ thể suy mòn cạn kiệt, tưởng như đã tắt thở, nhưng ý chí của Ngài vẫn không thoái chuyển. Nhờ thế, sau khi nhận bát sữa của nàng mục nữ bên cạnh dòng Ni Liên Thuyền, Thế Tôn chú tâm thiền định dưới cội Tất-bát-la suốt bốn mươi chín ngày đêm, chiến thắng toàn bộ nội ma lẫn ngoại ma, cuối cùng mới thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Công đức, thiện duyên như Ngài mà còn phải nỗ lực tu hành tới vậy, huống bọn chúng ta lại quá dễ duôi làm sao chấm dứt được dòng luân hồi sanh tử đây?
Chúng ta là đệ tử Ngài, cũng có tâm tìm sự giác ngộ giải thoát thì phải nên học hành theo tâm gương sáng của chư Phật, chư Tổ. Không ai hành đạo mà chẳng trải qua những thử thách gian nan cả, cốt yếu là phải có ý chí vững vàng, trí tuệ bén nhạy. Sau đó còn phải biết đủ, sống giản dị, siêng tọa thiền, để thì giờ quán niệm phát huy trí tuệ Bát-nhã của mình, đó mới điều cần thiết, quan trọng. Nếu người tu mà lại để tâm vào các việc tầm thường như ăn uống ngủ nghỉ hoặc theo đòi thế học, thì thật đáng hổ thẹn, chẳng giống Thích tử Như Lai chút nào. Cho nên chúng ta cần phải nghiệm lại mình việc này.
Đức Phật ngày xưa tu khổ hạnh không thể đạt được đạo lý giải thoát, nên cuối cùng Ngài trở về với thiền định, phát huy trí tuệ vô sư, triệt chứng thật tướng của các pháp mới thành đạo. Bây giờ chúng ta cũng đi theo con đường trung đạo ấy. Ví dụ ta cũng ăn sáng, ngọ trai, buổi chiều dùng chút ít gì đó để giữ sức khỏe tu tập. Nếu quá lệ thuộc vào thân này hoặc quá bỏ bê nó đều không thể dẫn đến thành tựu đạo nghiệp. Đó là điều chúng ta phải khéo tiết chế quân bình.
Do đó Hòa thượng ở đây thường dạy chúng ta phải có cái thấy thấu đáo, lấy trí tuệ làm đầu cốt nhận ra lẽ thật của tất cả các pháp. Có thế việc tu mới tiến triển đúng ý nghĩa, cuộc sống an ổn, ta thực sự là người biết gầy dựng niềm vui giải thoát ngay trong đời sống này. Chứ còn mắc mứu, còn chạy theo dục lạc thế gian thì khó mà giữ được nề nếp, tỉnh giác của người con Phật.
Niềm vui của người đã tỉnh giác khác với niềm vui của người đam mê chấp trước vào các pháp thế gian. Kinh Pháp Hoa kể lại niềm vui của anh chàng cùng tử khi nhận lại được cha mình cùng với gia tài của ông Trưởng giả, thật không thể sánh nổi với niềm vui của kẻ tha phương cầu thực, được ít cho là đủ. Chúng ta cũng thế, chỉ với chút ngũ dục thế gian cho là vui, trong khi chư Phật Bồ-tát thấy đó là pháp ô nhiễm, là bất tịnh đáng gờm đáng chán. Có cả một kho báu sẵn nơi mỗi chúng ta, dùng hoài không hết mà chúng ta lại bỏ quên không đoái hoài tới, thật là đáng thương xót! Vì vậy, các Ngài đã dùng mọi phương tiện để đánh thức trí tuệ của chúng ta, khiến ta nhớ lại của báu vô lượng ấy, lấy ra dùng thì sẽ trở thành Trưởng giả giàu có vô lượng.
Niềm vui sau khi đã có trí tuệ sẽ không bao giờ mất. Từ trí tuệ ấy chúng ta có cái nhìn chính xác đối với tất cả các pháp, đảm bảo việc tái sinh không còn “Đường trước mờ mờ chưa biết về đâu” nữa. Đó là lúc ta sung sướng nhất, hết phải lang thang làm kẻ thuê mướn vất vả. Cho nên Hòa thượng nói “Nếu một phen nhận được tánh giác rồi, chúng ta có đầy đủ tất cả, con đường luân hồi ngay đây chấm dứt”. Việc làm này tự ta thực hiện, không ai thế được. Chư Phật, Bồ-tát thương chỉ dạy vậy thôi, phần còn lại là của mỗi đương sự.
Trong kinh Pháp Hoa kể chuyện anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa ở thành Thất La Phiệt. Mỗi ngày anh nhìn vào gương thấy mặt mắt của mình xinh xắn dễ thương. Một hôm cái gương đó bể, soi vào không thấy đầu nữa, anh hốt hoảng vừa chạy vừa ôm đầu kêu “Tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi”. Anh chạy vòng quanh thành phố như thế, cuối cùng đến chỗ Thế Tôn. Đức Phật gọi lại bảo: “Cái đầu mắt mà mỗi ngày ngươi trông thấy xinh xắn dễ thương ấy, thật ra chỉ là cái bóng hiện trong gương thôi. Khi gương bể, bóng đó sẽ mất. Còn cái đầu thật ngươi đang ôm trong tay kia mới chính là của ngươi, dù gương có bể hay không, nó vẫn nguyên vẹn bên ngươi, không mất đi đâu hết”. Nghe thế anh chàng tỉnh ra, nhận biết cái đầu xinh xắn của mình còn nguyên vẹn, vui mừng khôn xiết.
Câu chuyện anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa cũng na ná như chúng ta. Phật nói mỗi người đều có sẵn tánh giác, nhưng chẳng ai chịu nhận, cứ sống với thân tứ đại hư dối, tâm vọng tưởng đảo điên. Sau đó lại chạy đi tìm chân tâm Phật tánh ở bên ngoài. Khi được Phật Tổ chỉ dạy, nhận lại được cái vốn sẵn có nơi mình, vui mừng như được của báu. Nhưng thật ra đâu có được gì, nó vốn sẵn nơi mình từ thủy chí chung rồi, chỉ tự ta cho là mất, rồi tự ta cho là vừa tìm lại được, thành ra có đủ thứ ngôn từ để diễn tả nó như bản lai diện mục, Phật tánh, chân tâm v.v… Tất cả đều chỉ là một trường huyễn mộng, chỗ này nhà thiền nói “đất bằng dậy sóng” thật không sai.
Tánh giác sẵn nơi mình, nhận được rồi thì tự nhiên không còn chạy theo những bóng dáng hư giả nữa, cũng không nói Bồ-đề, Niết-bàn, mà tất cả đều đầy đủ viên mãn. Tới đây rồi không muốn giải thoát cũng giải thoát, không cầu vui cũng vui, nhưng muốn diễn tả thì không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được. Tuy nhiên với phúc duyên và chủng tử sẵn có của mỗi người, tôi tin chắc không sớm thì muộn, rồi đây chúng ta sẽ thấy nó sờ sờ giống như ngài Đại An nói: “Bây giờ con trâu trắng sờ sờ trước mắt, đuổi cũng không đi”.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi xin mượn câu chuyện một thiền tăng đi hành cước đến hỏi đạo một Thiền sư:
- Cúi mong Hòa thượng vì con chỉ dạy pháp yếu. Thiền sư đáp:
- Ta nói thì được rồi, chỉ sợ ông không tin.
Vị Tăng thưa:
- Lời Hòa thượng, con đâu dám không tin.
Thiền sư bảo:
- Ngươi có nghe tiếng con rắn bắt con nhái kêu bên ngoài không?
Vị Tăng lắng tai nghe và ngay lúc ấy Sư sửng sốt kêu lên: “Ôi chao!”.
Nếu quí vị nhận được cái đó thì nhận được tánh giác của mình, đồng thời cũng có cái nhìn thấu đáo về sự hỗ trợ của thiện hữu tri thức giúp phần khai sáng những gì quí báu nhất mà ta đã tự khuất lấp từ bao đời.
Buổi nói chuyện hôm nay đến đây xin tạm dừng. Cầu nguyện tất cả chúng ta thành tựu được công hạnh tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.
- HT THƯỜNG CHIẾU
Tin mới
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Huyền Giác - 30/10/2018 14:05
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Hoài Nhượng - 14/10/2018 13:41
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Hành Tư - 30/09/2018 11:34
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : TẬP 1 - 15/09/2018 14:47
- CHƠN KHÔNG NÔI THIỀN THẾ KỶ XX - 06/01/2018 14:18
Các tin khác
- NHÌN LẠI MỘT ĐOẠN NHÂN DUYÊN - 23/03/2017 14:04
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TRÍ TRIỆT BÀN VỀ TỊNH ĐỘ HUYỀN MÔN - 07/06/2016 12:00
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ THIÊN NHƯ TẮC DẠY - 24/05/2016 14:00
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ TRUNG PHONG BẢN DẠY CHÚNG - 05/05/2016 13:42
- THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ ĐOẠN NHAI NGHĨA DẠY CHÚNG - 17/04/2016 14:17