HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Hành Tư
- Chi tiết
- Được đăng ngày Chủ Nhật, 30 Tháng chín 2018 11:34
1. Thiền sư Hành Tư
- ở núi Thanh Nguyên
(? – 740)
Sư họ Lưu, quê ở Kiết Châu, An Thành, xuất gia từ thuở bé. Mỗi khi trong chúng họp lại luận bàn đạo lý, Sư chỉ lặng thinh. Sau này, nghe Lục tổ Huệ Năng ở Tào Khê, Sư liền đến tham học.
Thiền sư Thanh Nguyên và thiền sư Hoài Nhượng là hai vị đệ tử thượng thủ trong chúng của Lục tổ Huệ Năng. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, là người có hạnh nghi đặc biệt. Trong những buổi họp chúng đông đảo, Ngài chỉ ngồi im lặng lắng nghe không nói gì hết, lúc nào cũng điềm nhiên, trầm tĩnh. Sau này, nghe pháp hội của Lục Tổ đạo tục quy tụ đông, thiền phong lớn mạnh, Ngài liền tìm đến tham học.
Đây là nhân duyên đầu tiên khi Ngài đến gặp Tổ.
Sư hỏi Tổ:
- Phải làm việc gì khỏi rơi vào giai cấp?
Tổ gạn lại:
- Ngươi từng làm việc gì?
- Thánh đế cũng chẳng làm.
Ngài hỏi Tổ Phải làm việc gì khỏi rơi vào giai cấp? Bây giờ chúng ta làm việc gì cũng suy nghĩ, tính toán cho nên không thể không rơi vào giai cấp. Câu hỏi Ngài thật chí lý, nhưng Tổ không trả lời ngay mà gạn lại Ngài đã từng làm việc gì. Rất đặc biệt. Thiền sư Hành Tư trả lời Thánh đế cũng chẳng làm, nghĩa là làm tất cả các việc nhưng không dính mắc việc nào hết. Điều này chứng tỏ Ngài đã bất động đối với tất cả các nhân duyên, hiện tượng. Cho nên đang ở giữa đây, trong cảnh trần hiện tại này Ngài luôn tự tại không vướng bận.
- Vậy rơi vào giai cấp nào?
- Thánh đế cũng chẳng làm, làm gì có giai cấp.
Tổ thầm hứa nhận.
Tại Tào Khê học chúng khá đông, Sư là người đứng đầu trong chúng.
Thánh đế cũng chẳng làm thì đâu có giai cấp nào để rơi vào. Ngay câu trả lời này, Tổ thầm hứa nhận Ngài đã vào được cửa, là người đứng đầu trong chúng.
Thiền sư Hành Tư trước khi đến với Lục tổ Huệ Năng đã có một quá trình tu học, cho nên ngay từ những câu hỏi đáp đầu tiên, Ngài đã vào được vị trí an ổn. Có thể nói đây là hình ảnh những bậc Bồ-tát tái lai, công hạnh và hành trạng trước đó hoặc đã hoàn tất hoặc đang trong quá trình gần hoàn tất. Các ngài tái sinh cõi Ta-bà này tiếp tục thực hiện hạnh nguyện của mình.
Học đến đây, chúng ta sẽ nhớ đến lời nguyện của các vị đệ tử Phật. Khi sắp lâm chung các ngài luôn có đại nguyện sanh trở lại, đời sau sớm được gặp Phật pháp, quay về trí tuệ Bát-nhã, sống với chân như thật tánh, tu hành cho đến ngày thành Phật. Bởi nguyện như vậy nên sự tiếp nối giữa công phu hiện tại và việc sắp đặt cho tương lai có một sự nhịp nhàng. Muốn làm được điều này phải là người đắc lực, quá trình trải nghiệm đã thuần thục, bằng không sẽ gặp nhiều khó khăn.
Có một số người hay than thở không biết từ nhân duyên nào, kiếp trước tu hành kém dở, không hoàn chỉnh nên đời này dù gặp Phật pháp nhưng còn nhiều điều bất như ý, tu không tiến. Tuy chủng Phật không mất nhưng nhân duyên ráp nối không khớp. Trong kinh điển Đại thừa có nói đến giai đoạn cách ấm của các vị Bồ-tát, đây là khoảng thời gian xả bỏ hoàn toàn thân tứ đại để tiếp nhận thân mới. Nếu còn một chút mù mờ sẽ gặp chướng ngại bởi nhân duyên đó mong manh như dây leo chơi vơi trên bờ hố thẳm, sơ ý một chút là nguy. Khoảng cách ấm này đòi hỏi phải có đạo lực và trí tuệ sáng suốt mới kết nối nhân duyên một cách vững vàng.
Một hôm Tổ gọi Sư bảo:
- Từ trước y, pháp cả hai đều được thầy truyền cho trò, y để tiêu biểu làm tin, pháp để ấn tâm, nay không còn sợ người chẳng tin. Ta từ nhận y đến nay đã gặp nhiều tai nạn, huống là đời sau cạnh tranh quá nhiều. Y để lại nơi đây, ngươi đến một phương truyền bá Tâm tông không để cho đoạn dứt.
Đây là lời di chúc của Lục Tổ. Từ khi được trao truyền y pháp, Tổ gặp rất nhiều gian nan nguy khốn, có khi mạng sống mỏng manh như chỉ mành treo chuông. Bây giờ pháp đã được mọi người tin tưởng nên Tổ không trao y bát nữa. Tổ căn dặn Ngài nên để y bát lại, đến một phương chủ hóa, truyền bá Tâm tông không để đoạn dứt.
Sau khi đắc pháp, Sư trở về trụ trì chùa Tịnh Cư trên núi Thanh Nguyên ở Kiết Châu.
Có ông sa-di Hy Thiên đến, Sư hỏi:
- Ngươi phương nào đến?
Thật ra thiền sư Hy Thiên là vị đệ tử nhỏ của Lục tổ Huệ Năng, Ngài tới pháp hội tu không bao lâu thì Tổ tịch. Khi đó Ngài chưa thọ giới Cụ túc cũng chưa đạt đạo, nghe Tổ báo tin sắp tịch, Ngài hỏi:
- Sau khi Hòa thượng viên tịch, con phải nương tựa nơi ai?
Tổ bảo:
- Tầm Tư đi.
Ngài không hiểu “tầm tư” là gì nên sau khi Tổ tịch, mỗi ngày đều đến nơi tháp mộ suy ngẫm quên cả ăn ngủ. Cho đến một hôm có vị thiện tri thức thấy Ngài lẩn quẩn nơi tháp mộ của Tổ mới gạn hỏi duyên do. Ngài thuật lại lời Tổ dạy là phải “tầm tư”. Thật là thầy dạy một nơi, trò hiểu một nẻo nên cứ đi lòng vòng hoài!
Thiện tri thức thấy thế bảo:
- Ngươi có sư huynh hiệu Hành Tư đang ở núi Thanh Nguyên, nên đến đó nương tựa, thầy dạy đã rõ, ngươi còn nghi gì?
Nghe lời dạy này, Ngài liền đến núi Thanh Nguyên. Vừa gặp Ngài, thiền sư Hành Tư hỏi từ đâu đến.
Hy Thiên thưa:
- Con từ Tào Khê đến.
- Đem được cái gì đến?
- Chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất.
- Mặc tình dùng đi, đến Tào Khê làm gì?
- Nếu không đến Tào Khê đâu biết chẳng mất.
Một loạt đối đáp giữa hai thầy trò. Hỏi từ Tào Khê đến đem theo được gì, trả lời rằng khi chưa đến Tào Khê cũng chẳng mất. Nếu vậy mặc tình dùng đi, đến Tào Khê làm gì? Ngài đáp nếu không đến Tào Khê đâu biết được là không mất. Trả lời rất hay. Nếu là mình đáp bắn bổng thì trật rồi.
Hy Thiên hỏi:
- Đại sư Tào Khê lại biết Hòa thượng chăng?
- Nay ngươi biết ta chăng?
- Biết. Lại đâu có thể biết được.
- Loài có sừng tuy nhiều, một con lân là đủ.
- Hòa thượng rời Tào Khê đến giờ là bao lâu?
- Ta cũng chẳng biết. Ngươi mới lìa Tào Khê?
- Hy Thiên không từ Tào Khê đến.
- Ta cũng biết chỗ ngươi đi.
- Hòa thượng thật là đại nhân, chớ tạo thứ lớp.
Sau một hồi vấn đáp, thiền sư Hành Tư khen: Loài có sừng tuy nhiều, một con lân là đủ, tức thầm hứa nhận người đệ tử này đã phần nào vào được cửa. Giữa thầy trò có ý tâm đắc nhau, thầy đã biết chỗ trò đi, trò tán dương thầy là bậc đại nhân không tạo thứ lớp. Thực sự nếu có được người đệ tử đặc biệt như thế thì dù cực khổ bao nhiêu, người thầy cũng vui trong lòng.
Hôm khác, Sư lại hỏi Hy Thiên:
- Ngươi từ đâu đến?
Hy Thiên thưa:
- Con từ Tào Khê đến.
Sư bèn dựng phất tử hỏi:
- Tào Khê lại có cái này chăng?
- Chẳng những Tào Khê, Tây Thiên cũng không.
- Ngươi đã từng đến Tây Thiên chăng?
- Nếu đến tức có.
- Chưa đúng, hãy nói lại.
- Hòa thượng cũng cần nói giúp phân nửa chớ hoàn toàn trông cậy vào học nhân.
- Không từ chối nói với ngươi, chỉ ngại về sau không có người đảm đương thừa kế.
Hình ảnh thiền sư Hành Tư dựng phất tử lên biểu trưng cho cái thần dụng. Nhân khi ngài Hy Thiên nói đến Tây Thiên, Ngài hỏi tiếp một câu: Ngươi đã từng đến Tây Thiên chăng, làm sao biết có cái này. Trả lời: Nếu đến tức có. Cách đối đáp của các vị thiền sư là không cho dính bất cứ chỗ nào. Nghe nói giống y như có bẫy, nhưng người đã sáng việc thì thoát ra dễ dàng.
Chưa đúng, hãy nói lại, ngài Hy Thiên đáp: Hòa thượng cũng cần nói giúp phân nửa chớ hoàn toàn trông cậy vào học nhân. - Không từ chối nói với ngươi, chỉ ngại về sau không có người đảm đương thừa kế. Không ngại nói ra nhưng nếu bộc toạc trắng hết thì về sau không có người đảm đương. Chỗ này cần học thêm hành trạng của nhiều vị tổ sư khác và phải có công phu đắc dụng mới nhận ra được ý chỉ của Ngài. Cho nên ở đây tôi không giải thích.
Một hôm, Sư sai Hy Thiên đem thư sang thiền sư Hoài Nhượng, dặn rằng:
- Ngươi đem thư xong về nhanh, ta có chiếc búa nhỏ sẽ cho ngươi ở núi.
Hy Thiên đến thiền sư Hoài Nhượng, chưa trình thư đã hỏi:
- Khi chẳng mộ chư thánh, chẳng trọng tánh linh mình thì thế nào?
Thiền sư Hoài Nhượng đáp:
- Ngươi hỏi tột cao xanh, sao không hỏi trở xuống?
- Thà chịu vĩnh kiếp trầm luân, chứ chẳng mộ chư thánh giải thoát.
Thiền sư Hoài Nhượng bèn thôi.
Hy Thiên về đến chùa Tịnh Cư, Sư hỏi:
- Ngươi đi không lâu, đem thư đến chăng?
- Tin cũng chẳng thông, thư cũng chẳng đến.
- Làm thế nào?
Hy Thiên thuật lại lúc đến thiền sư Hoài Nhượng cho Sư nghe xong, bèn thưa:
- Khi đi nhờ ơn Hòa thượng hứa cho chiếc búa, tiện đây xin nhận lấy.
Sư liền duỗi một chân.
Hy Thiên lễ bái.
Sau đó, Hy Thiên từ giã Sư lên núi Nam Nhạc ở tu.
Sau khi đến tham học với thiền sư Hành Tư chẳng bao lâu, ngài Hy Thiên đã xong việc. Phần đối đáp giữa hai thầy trò rất khế hợp, thầy nêu lên vấn đề gì trò đều phá được.
Một hôm, Ngài sai Hy Thiên đem thư sang thiền sư Hoài Nhượng và dặn rằng việc xong mau về, ta có chiếc búa nhỏ sẽ cho ngươi ở núi. Thư tín của các vị thiền sư không ai có thể biết được các ngài nói gì trong đó. Qua sự duyên này Ngài muốn đệ tử của mình có cơ hội đến trình diện vị đại thiện tri thức để chỗ ngộ được hoàn chỉnh hơn. Cho nên khi trở về Thiền sư hỏi: Ngươi đi không bao lâu, thư có đem đến chăng? Ngài Hy Thiên trả lời: Tin cũng chẳng thông, thư cũng chẳng đến, tức là việc thầy biểu con làm hoàn chỉnh hết rồi. Ngài biết rằng đối với vị đệ tử này đã đầy đủ nên giữ lời hứa trước, trao cho chiếc búa bằng cách duỗi một chân ra. Nghĩa là ấn chứng cho ngài Hy Thiên đã tự tại, đem chỗ đạt đạo của mình ra giáo hóa chúng sanh một cách tự tại khiến cho mạng mạch Phật pháp tiếp tục được truyền bá không đoạn mất. Ngài Hy Thiên lễ bái rồi từ giã lên núi Nam Nhạc ở tu.
Một hôm thiền sư Thần Hội đến tham vấn, Sư hỏi:
- Ở đâu đến?
Thần Hội đáp:
- Tào Khê đến.
- Ý chỉ Tào Khê thế nào?
Thần Hội chỉnh thân rồi thôi.
Sư bảo:
- Vẫn còn đeo ngói gạch.
- Ở đây Hòa thượng có vàng ròng cho người chăng?
- Giả sử có cho, ông để vào chỗ nào?
Thiền sư Hy Thiên và thiền sư Thần Hội là hai học trò nhỏ của Lục tổ Huệ Năng, cả hai vị đều đến tham học nơi thiền sư Hành Tư. Nhưng chỗ đến của hai ngài khác nhau, cho nên khi ngài Thần Hội đến tham vấn, được hỏi ý chỉ Tào Khê thế nào, không đáp lại mà chỉnh thân cho ngay ngắn rồi thôi. Do đó bị thiền sư Hành Tư quở: Vẫn còn đeo ngói gạch. - Ở đây Hòa thượng có vàng ròng cho người chăng? - Giả sử có cho, ông để vào chỗ nào? Tức là có cho ông cũng chưa đủ tư cách nhận. Đây là chỗ đến của hai vị thiện tri thức trong tương lai.
Ngài Thần Hội đến pháp hội Tào Khê yết kiến Lục Tổ khi còn là một sa-di mười bốn tuổi, rất thông minh lanh lợi. Khi hỏi đạo bị Tổ đánh nhưng Ngài vẫn đối đáp như thường. Một hôm Tổ bảo đại chúng rằng :
- Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không họ, không lưng không mặt, có ai biết không?
Ngài bước ra thưa:
- Cái đó là bản nguyên của chư Phật, là Phật tánh của Thần Hội.
Tổ liền quở:
- Đã nói với ngươi cái đó không tên không họ mà lại kêu là bản nguyên, Phật tánh, thật là lấy tranh che đầu, cũng chỉ là tông đồ của hàng tri giải.
Điểm này giống với chỗ thiền sư Hành Tư nói với Ngài rằng: Vẫn còn đeo mang ngói gạch.
Trong chúng ta luôn luôn có hoặc là công phu tu hành hoặc là tập nghiệp từ nhiều đời. Nó chính là hơi hướm của chủng tử nghiệp, dính liền với chúng ta cho đến chừng nào lột được hết lớp lang phàm phu này. Chỉ có các bậc hoàn toàn chứng ngộ mới thoát khỏi những thứ đó. Chúng ta nghiệm lại trong đời mình cũng có biết bao ấn tượng, nhất là sinh mệnh của kiếp người, hoặc trôi dạt trong các cõi, hoặc sanh lên tử xuống trong các loài. Có thể nói ngả nào, đường nào chúng ta cũng đã từng nếm trải. Cho nên dù chưa từng thấy con ma thế nào nhưng chỉ nghe đến thôi là khiếp sợ rồi. Chắc có lẽ nhiều đời nhiều kiếp mình đã làm ma, phải vậy không? Mình giống như con thú đã bị thương tích trong nhiều lớp lang, trong nhiều đời kiếp. Đó chính là những khoảng hụt hẫng, những lúc mê mờ trong thời điểm cách ấm.
Vì mê nên chúng ta chơi vơi không biết ngả nào để vào. Nếu đang tu hành tốt như thế này mà giả tỷ có ai đến thuyết cho mình nghe cách thức tu hành mới. Tuy biết cách này chưa phải khoa học, chưa ai chấp nhận nhưng mình cũng lung lay phần nào. Điều đó chứng tỏ chủng Phật của mình có nhưng chưa sâu dày. Cho nên hơi hướm xấu vẫn còn dẫn dụ kéo lôi mình đi. Nói tóm lại người tu cần phải gan dạ, quyết chí và thực sự sáng suốt. Vì thế chúng ta phải kiên định, quyết tâm và miên mật hành trì mới đánh tan được tất cả những mớ vọng động, những khoảng hụt hẫng. Nhất là phải luôn có tâm nguyện tu trọn đời, theo Phật đến khi nào thành tựu mới vừa lòng.
Có vị tăng đến hỏi Sư:
- Thế nào là đại ý Phật pháp?
Sư đáp:
- Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu?
Khách tăng hỏi đại ý Phật pháp là gì, Ngài hỏi lại: Gạo ở Lô Lăng giá bao nhiêu? Đây là cách đáp hiền hậu chứ không đánh hét như các thiền sư khác. Gạn hỏi lại một câu không dính dáng vào đâu hết. Nghĩa là sao? Không cho vọng tưởng phân biệt thêm vào để cái hiện hữu có cơ hội hiển bày. Hết vọng tưởng là ngộ đạo thôi.
Sư truyền pháp cho Hy Thiên xong, đến ngày 13 tháng chạp năm Canh Thìn, nhằm đời Đường niên hiệu Khai Nguyên năm thứ 28 (740 TL), Sư lên pháp đường từ biệt chúng, ngồi kiết-già thị tịch.
Sau này, vua Hiến Tông ban hiệu là Hoàng Tế thiền sư, tháp tên Quy Chân.
Thiền sư Hành Tư truyền pháp cho ngài Hy Thiên, đây là vị đệ tử đứng đầu trong dòng chánh truyền thừa. Sau khi truyền pháp xong, đến này 13 tháng chạp năm Canh Thìn, Ngài lên pháp đường từ biệt chúng rồi kiết-già thị tịch. Về sau vua Hiến Tông ban hiệu cho Ngài là Hoàng Tế thiền sư và đặt tên tháp là Quy Chân. Mỗi vị thiền tổ khi đã viên tịch đều được các vua chúa đương thời ban cho pháp hiệu và tên tháp.
Thiền sư Hành Tư là vị đại đệ tử của Lục tổ Huệ Năng, cũng là vị thủ chúng trong pháp hội của Tổ. Sau này Ngài trụ trì chùa Tịnh Cư núi Thanh Nguyên, nên người đời gọi là Thanh Nguyên Hành Tư. Nơi đây Ngài đã xiển dương hưng thịnh giáo pháp Phật tổ, tông phong lớn mạnh, môn đồ đông đảo. Từ đó thành lập dòng phái Thanh Nguyên, song song với dòng phái Nam Nhạc. Về sau phái Thanh Nguyên được chia ra ba pháp hệ: Vân Môn, Tào Động và Pháp Nhãn.
Tin mới
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Thần Hội - 20/12/2018 13:25
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Quốc sư Huệ Trung - 04/12/2018 15:13
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Bổn Tịnh - 17/11/2018 15:32
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Huyền Giác - 30/10/2018 14:05
- HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : Thiền sư Hoài Nhượng - 14/10/2018 13:41