headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA : TẬP 1

hanh-trang-thien-su-trung-hoaLỜI ĐẦU SÁCH

Năm xưa, những năm tháng còn ở trên núi Tương Kỳ, chúng tôi được hầu nghe đức Ân sư nói về hành trạng chư tổ. Xa từ Thượng tổ Ca-diếp, truyền xuống Phú-na-dạ-xa, Đề-bà tôn giả, Bất-như-mật-đa, Bồ-đề-đạt-ma và mạch truyền chảy vào Trung thổ.

Một Thần Quang lẫm liệt, Đạo Tín uyên thâm, chuyển hóa được cổ lão Tài Tòng, để rồi được nghe ở vùng bình nguyên Đông tự, lão Lư một thân giã gạo thành tài. Nửa đêm được truyền y bát, mười tám năm lẩn khuất trong đám lạp nhân, chông gai không thiếu, tân khổ quá thừa. Duyên xưa vừa gợi, nơi Pháp Ấn phướn động thành danh. Tổ ấn trùng quang học đồ quy tụ, công hãn mã ngàn đời thông qua. Vầng đông ló dạng, đại sĩ Tào Khê hôm nay dựng pháp tràng, lập tông chỉ. Mạng mạch này, tâm tông này uyên nguyên vô tận, Hồ Nam - Giang Tây chảy mãi.

 Tôi là kẻ gì, dám động đến chỗ này! Tuy nhiên, bất đắc dĩ vì bạn lứa anh em làm một việc phủi trần tôn tổ. Trân kính quá! Một cái xéo lỗ mũi đau thấu xương, liền theo câu “Sao không nói bay qua mất nữa đi?” của Hoài Hải tổ sư. Văng vẳng mà trầm hùng thống thiết, quả đây một cõi mở ra. Bởi từ loạn Hồ về sau, không thiếu cơm cháo. Sao mà đơn sơ mà đồng vọng. Chắc có lẽ từ thượng nguồn lưu xuất.

Thật lạ đời, Nam Nhạc đại sư vừa tới Tào Khê, liền thốt: “Nói như một vật thì không đúng mà tu chứng thì chẳng không. Tuy nhiên nhiễm ô không thể được.” Cửa này ta làm sao đây? Chỉ nghe một tiếng hét đinh tai của Mã đại sư. Tỉnh lại đi để còn nhận lại kho báu nhà mình của Đại Châu Huệ Hải.

Tôi rất cảm bội tấm lòng của Hòa thượng Ân sư. Ngài dạy chúng ta lắng dứt muôn duyên, cùng nghe cùng học, thẩm thấu tâm lão bà của người xưa. Để làm gì? Đời đời không quên kho báu nhà mình.

Lời thô ý cạn, dám mong chư pháp hữu thông cảm cho. Có bao nhiêu công đức, đệ tử cúi đầu dâng lên Thầy, một bậc Thầy đã mở sáng tâm con, chỉ con đường đi, mình và người đều được an lạc.


Thiền viện Thường Chiếu, 27/07/2013
Mùa Hạ Quý Tỵ
THÍCH NHẬT QUANG

 

LỜI ĐẦU HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA

Thiền sư Thích Thanh Từ

Tác phẩm Thiền Sư Trung Hoa gồm các tập I, II, III là tuyển tập hành trạng chư vị thiền tổ Trung Quốc do thầy tôi, Hòa thượng thiền sư thượng Thanh hạ Từ soạn dịch. Chữ “hành trạng” nghĩa là nói về cuộc đời cũng như sinh hoạt tu học của quý ngài. Theo cú pháp thời xưa, người Trung Hoa dịch chữ “hành trạng” là công hạnh và tất cả sinh hoạt.

Sử liệu đã ghi chép rõ ràng, đầy đủ hành trạng từ đức Phật, các vị thánh tổ, lịch đại tổ sư, thiện hữu tri thức cho đến thời đại của chúng ta. Một dọc dài từ Thượng tổ Ma-ha Ca-diếp ở Ấn Độ cho tới Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma ở Trung Hoa, rồi tới các bậc danh tăng thời của chúng ta đều là những tấm gương sáng cho người cầu học Phật pháp. Trong tác phẩm Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn-Hoa có nói hành trạng của sáu vị thủy tổ Trung Hoa: tổ Bồ-đề-đạt-ma, Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn và Huệ Năng. Các ngài là những bậc có chìa khóa mở kho tàng Phật pháp, mang đại nguyện đi vào đời, mở cửa Niết-bàn cho tất cả chúng sanh bước vào. Chúng ta không thể diễn tả, trình bày hay dùng bất cứ phương tiện gì để biểu trưng hết những công đức, việc làm vĩ đại, hành trạng của đức Thế Tôn cũng như các vị Bồ-tát, liệt vị tổ sư.

Chư vị Bồ-tát thị hiện nơi cõi Ta-bà với tâm đại từ bi cứu độ chúng sanh, nơi nào cần các ngài đều có mặt. Do đó trong đạo tràng của chúng ta luôn có sự thị hiện của vô lượng Bồ-tát và thánh nhân. Bởi không thấy được sự hiện diện của các ngài cho nên chúng ta mới siêng tu. Nếu thấy thì chắc rằng chúng ta sẽ cầu xin này kia và không chịu tu. Do đó các ngài thường thị hiện mà ẩn danh. Người tu thiền phải dẹp sạch sự ỷ lại mới nhập thiền. Bởi còn trông chờ, ỷ lại, mong ngóng thì không bao giờ gặp Phật, Bồ-tát. Chừng nào dẹp sạch hết những điều đó, quyết chí sống, quyết tử tu, hoan hỷ, nhẫn nại trả tất cả nợ nần cũ thì Phật, Bồ-tát hiển hiện.

Dưới đây là Lời Dẫn Đầu của Hòa thượng Trúc Lâm, ghi lại những nhân duyên trong đại nguyện của Ngài khi soạn dịch bộ Hành trạng Thiền sư Trung Hoa.

Tập I Thiền Sư Trung Hoa này, chúng tôi góp dịch trong ba bộ sách: Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Chỉ Nguyệt Lục và Cao Tăng Truyện. Tuy chung hội cả ba bộ sách, song hành trạng của Thiền sư “ra đi không lưu lại dấu vết”, nên chi không thể tìm kiếm cho được đầy đủ.

Tuy lượng bộ sách nhiều nhưng chủ trương của các vị thiền sư ra đi không để lại dấu vết, cho nên không cách gì tìm kiếm đầy đủ được. Có thiền sư sống cuộc đời nhẹ nhàng, siêu thoát, mỗi sáng sau khi uống trà, Ngài chống gậy đi dạo rồi đến ngồi một mình nơi gộp đá. Có người hỏi: “Trong suốt mười hai giờ thầy tu như thế nào?” Ngài gọi một đứa bé đến, vò đầu nó bảo: “Tỉnh tỉnh hẳn vậy tỉnh tỉnh. Rõ ràng hẳn vậy rõ ràng. Về sau chớ bị người gạt.” Ngài nói với ai? Nói với chính mình. Không chuông mõ, không trống kèn nhưng lời nói ấy vang mãi tới thời đại ngày nay. Ngài thức tỉnh chúng ta phải sống được với con người thật của mình, ngay đây bây giờ. Phần nhiều khi làm bất cứ việc gì, chúng ta đều chạy theo ngoại duyên nên đánh mất sự tỉnh giác thường hằng.

Sở dĩ chúng ta khổ, phiền não len lỏi, xâm nhập, tấn công và dẫn mình đi vì những cớ sự, dây mơ rễ má chung quanh quá nhiều. Nghĩ được một ý đầu thì ý thứ hai, thứ ba sẽ hiện ra. Chính vì vậy hao tốn thời gian, từ đó bị xoay chuyển trong vòng lẩn quẩn không tìm được lối thoát. Đó là nỗi niềm cay đắng của người tu. Đầu tư rất nhiều năm tháng thời gian cho việc tu tập nhưng cuối cùng lại không lối thoát. Ai nhận chân được điều này hy vọng sẽ tìm được lối thoát.

Mặc dù thế, chúng tôi nghĩ một câu nói của Thiền sư, nếu độc giả lãnh hội được, cũng có thể đủ tu hành đến giải thoát. Cho nên, chúng tôi không ngại phiên dịch ra đây.

Mặc dù sử liệu, ngôn ngữ nhiều không thể thâu hết được nhưng một câu, một ý nhỏ nếu lãnh hội đến nơi đến chốn thì tu hành được giải thoát.

Đặc điểm trong sự truyền bá Thiền tông, Thiền sư không khi nào nói trắng ra những gì mình muốn dạy cho kẻ tham vấn. Các ngài khéo dùng những hành động lạ thường, những ngôn ngữ bí hiểm khiến cho người tham vấn phải ngạc nhiên, phải nghi ngờ. Vì thế, chỉ có những người lanh lợi mới có thể ngay đó thể hội được. Bằng người không thể ngay đó thể hội, thì phải ôm hoài nghi mãi trong lòng, đến bao giờ gặp cơ duyên mới tỉnh ngộ. Có một thiền sư đã nói: “Tôi không quý Tiên sư về đức hạnh, mà chỉ quý chỗ không giải nghi cho tôi.” Do đó, khi cầm viết dịch tập sách này, tôi chỉ muốn hoàn toàn là dịch giả, không muốn xen vào một ý kiến nào.

Hòa thượng cầm bút soạn dịch tập sách này đã nói như vậy. Chúng tôi, những người cầm bản văn giảng giải chắc rằng cũng không làm khác được. Cho nên có những điều xin được tôn trọng hoàn toàn chư Phật tương lai, không dám đả động gì tới, vì thế để nguyên như vậy. Để làm gì? Để bất chợt hôm nào đó quý vị tự vỡ lẽ ra như “thùng sơn lủng đáy”, nhận được hết ý tư của thiền sư thì còn gì sung sướng bằng. Như vậy mới thật là của báu nhà mình, tha hồ thọ dụng. Do đó đoạn này không có gì để giải thích thêm.

Nhưng hành trạng Thiền sư thật quá khó hiểu. Có khi các ngài như quá ngang tàng không kể gì tội phước, như thiền sư Đơn Hà thiêu tượng Phật. Có khi các ngài như thô bạo dám giết hại chúng sanh, như Nam Tuyền cầm dao chặt con mèo. Có khi các ngài như tàn nhẫn không biết thương kẻ hậu học, như Hoàng Bá đánh Lâm Tế. Hoặc các ngài tự bảo sau khi chết sẽ sanh làm con trâu, như Nam Tuyền, Quy Sơn... Vì thế, nếu chúng tôi không điểm sơ qua, quý độc giả khó bề lãnh hội được thâm ý. Chẳng những không lãnh hội được thâm ý, trái lại còn đâm ra nghi ngờ hoang mang, có khi phỉ báng các ngài là khác. Bởi lẽ ấy, buộc lòng chúng tôi phải dẫn giải một vài điểm đặc biệt ở sau đây, gọi là hé cửa cho quý độc giả bước vào nhà thiền.

Sự duyên ngài Nam Tuyền cầm dao chặt con mèo là do chúng hai nhà Đông Tây tranh nhau một con mèo. Chỗ chúng ở gọi là thiền đường, trong đó không có đơn riêng, mọi người nằm chung một cái sạp lớn. Chư vị hành giả đi hành cước đến đó tự trải đồ dùng của mình trong khoảng có thể sử dụng được. Hàng ngày cùng sinh hoạt với chúng, hoặc học hỏi nơi Hòa thượng hay đi lao tác. Một hôm hai nhà chúng tranh nhau một con mèo. Nhân đây Ngài tạo cớ sự để tìm đệ tử sáng chói trong chúng. Thiền sư nắm con mèo rồi bảo: “Nói được là cứu con mèo, nói không được thì chém nó.” Bởi sự tình quá đột ngột cho nên mọi người đều ngơ ngác, trong bụng chỉ có ý tranh nhau chứ không hiểu gì lời Ngài nói. Do đó Ngài đành phải trảm con mèo.

Chiều lại Triệu Châu về, Ngài kể lại sự duyên. Vừa nghe xong câu chuyện, Triệu Châu liền cởi dép để lên đầu đi ra, không nói gì. Ngài Nam Tuyền nói: “Giá khi sáng có ngươi ở đây, đã cứu được con mèo.” Trong chúng ai cũng hân hoan vì có một người xuất sắc vào được cửa, nhận ra ý chỉ của Tổ sư. Đó là niềm vinh dự trong đạo tràng.

Những biểu hiện đặc biệt của ngài Triệu Châu từ đâu mà có? Không phải từ trong những thời khóa tọa thiền, thọ trai, tụng sám hối sáu căn, làm các công việc. Không phải từ trong giờ học Phật pháp, cũng không phải trong bài kệ, tiếng chuông, hồi trống. Nó không ở đâu hết mà hiện hữu sống. Bởi hiện hữu sống cho nên không để một tư niệm nào xen vào, vì thế liền lột dép để lên đầu đi ra. Đó là điểm học thiền đặc biệt của chư vị tôn đức xưa nay trong tùng lâm.

Thời đại chúng ta đang sống rất khoa học, mọi việc được truyền thông công bố rõ ràng, cho nên không ai thèm quán chiếu xoay trở lại mình, do vậy chẳng thể lãnh hội nổi cách học của các thiền sư đi hành cước ngày xưa. Thật ra đây mới chính là con đường thẳng tắt nhất, đúng đắn nhất để vào đạo. Ai vào được, nhận được chỗ đó thì thành công.

Thiền sư Nam Tuyền và thiền sư Quy Sơn đều là hậu duệ của Lục tổ Huệ Năng. Lục tổ Huệ Năng xuất thân ở núi, không tốt nghiệp bất cứ trường lớp nào. Công phu của Ngài vỏn vẹn trong tám tháng giã gạo ở nhà bếp. Đây là những hạnh nghi, hành trạng biểu hiện vô cùng đặc biệt của các vị Thiền tổ. Lúc nào cuộc sống cũng hiện hữu và luôn trôi chảy tuần hoàn trong huyết quản của các ngài. Cho nên đâu đâu cũng có sự thị hiện của các ngài, có khi trên núi non, dưới nhà bếp hoặc tại điện Phật, pháp đường hay bất cứ chỗ nào.

Vì thế, nếu chúng tôi không điểm sơ qua, quý độc giả khó bề lãnh hội được thâm ý. Chẳng những không lãnh hội được thâm ý, trái lại còn đâm ra nghi ngờ hoang mang, có khi phỉ báng các ngài là khác. Thực sự nếu không vào cửa được, không nhận hiểu thâm ý tổ sư, có khi chúng ta sẽ thấy việc làm của các ngài gần như loạn. Sau này học về pháp hội của thiền sư Lâm Tế và thiền sư Đức Sơn, chúng ta sẽ thấy những xuất chiêu lạ thường hơn nữa. Cho nên trong khi soạn dịch, Hòa thượng cũng giải thích phần nào những điều đặc biệt đó để chúng ta có thể vào được cửa thiền.

Người tu theo Thiền tông cốt nhận được bản tâm, thấy được bản tánh của mình. Khi nhận được bản tâm, mới tin “tâm tức là Phật”. Khi thấy được bản tánh, mới tin “tánh mình đầy đủ tất cả, xưa nay vẫn thanh tịnh”. Nhưng tâm tánh ở đâu? Thế nào? Tất cả người tu Phật đều thắc mắc vấn đề này. Khi đặt câu hỏi tâm tánh ở đâu, thế nào, thì khác gì người cỡi trâu tìm trâu, vác Phật đi cầu Phật, biết bao giờ thấy được. Sao chúng ta không mạnh mẽ như thiền sư Huệ Hải?

Ở đây Hòa thượng khẳng định: Người tu theo Thiền tông cốt nhận được bản tâm, thấy được bản tánh của mình, đây là cốt lõi của sự tu tập. Nếu không sáng được việc này thì cứ ngồi đó mà mong cầu được kiến tánh, nhận ra pháp thân của mình. Những khởi niệm như vậy đúng chưa? Lúc nào cũng có hướng mong cầu được tốt đẹp thì chỉ càng thêm bất an. Chư tổ không dạy chúng ta mong cầu hay không mong cầu, các ngài chỉ nói cái đãy da hôi thối đương nhiên là một ổ ủ bệnh. Nếu biết cách trị và sống hài hòa thì bệnh hết. Bằng không nó sẽ phát ra đủ thứ bệnh khác ghê gớm hơn. Cho nên trị bệnh lành hay không, sống khỏe mạnh hay không là do mình.

Trong Thanh quy, Hòa thượng thiết lập thêm thời khóa lao tác song hành với việc tu học. Mục đích để rèn luyện sức khỏe cho tăng ni và nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ, trân quý hạt gạo, bát cơm, phẩm vật có được từ nỗi vất vả khó khăn của đàn-na thí chủ. Họ đã nhịn phần ăn, bớt phần mặc dành dụm đem dâng cúng cho chúng ta, vì thế giá trị công lao khó nhọc này khó đáp đền. Cho nên lao động là việc làm tốt cho sức khỏe cũng như bồi đắp công phu tu tập của thiền sinh. Ngài dạy chúng ta phải luôn luôn nỗ lực tu hành mới mong đền đáp phần nào thâm ân đó.

Khi Sư đến tham vấn Mã Tổ, Mã Tổ hỏi:

- Đến đây tính cầu việc gì?

Sư thưa:

- Đến cầu Phật pháp.

- Kho báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật pháp cái gì?

- Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ Hải?

- Chính nay ngươi hỏi ta, đó là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

Ngay câu nói này, Sư nhận được bản tâm.

Ngài Huệ Hải là một thiền sư, hiệu Đại Châu. Ngay câu trả lời của Tổ, Ngài nhận được bản tâm tức nhận được kho báu của chính mình.

Thật không xa, nếu chúng ta can đảm tin nhận thì nó sờ sờ trước mắt. Bằng chúng ta không tin nhận thì tìm mãi suốt đời không ra. Bởi chúng ta đã tưởng tượng quá nhiều về tâm tánh, những tưởng tượng ấy đã tô đắp vẽ vời khiến bộ mặt thật của tâm tánh biến thành hình tướng lạ kỳ huyền bí. Giờ đây, nghe các thiền sư chỉ thẳng bộ mặt thật của nó rất tầm thường bình dị, tất cả chúng ta không ai chịu tin. Do đó, muốn thấy bộ mặt thật của mình (bản lai diện mục) qua lời chỉ dạy của các thiền sư, chúng ta phải gạt bỏ mọi tưởng tượng đã có lâu nay đi, khả dĩ mới trực nhận được tâm tánh.

Chúng ta, ai cũng có sẵn bản tâm chân thật mà không dám nhận. Vì tô vẽ lên nó quá nhiều thứ cho nên khi được thiền sư chỉ dạy mà cũng chưa nhận ra được. Kinh nghiệm của các bậc thầy đi trước là phải tập buông bỏ, đừng chạy theo vọng tưởng, hãy coi như mình chết rồi.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên huynh đệ chúng tôi nhập thất trên thiền viện Chơn Không, một kỳ ba tháng. Chu kỳ nhập thất nhịp nhàng theo chu kỳ làm Quản viện và Tri khách. Anh em chúng tôi gồm ba người, thầy Phước Hảo, thầy Đắc Pháp và tôi, ba đệ tử lớn của Hòa thượng Ân sư thời đó. Người lãnh công tác Quản viện sẽ được Ngài giao hết chìa khóa, tiền bạc, sách vở… để quản lý trong ba tháng đó. Đời sống của Ngài giản dị như một sơn tăng, hàng ngày chống gậy đi xem coi công việc trong chùa, luôn kề cận gần bên đệ tử, thấy điều gì chưa ổn liền chỉ dạy ngay. Cho nên thuở đó pháp hội, kinh điển, bài vở rải khắp núi rừng Chơn Không. Có khi trên gộp đá, tại nhà bếp, dưới rặng cây và thích nhất là những lúc thầy trò cùng đi với nhau, được thầy chỉ dạy pháp yếu.

Ba người chịu trách nhiệm hai công tác nên khi đại huynh Phước Hảo làm Quản viện thì thầy Đắc Pháp kế tiếp làm Tri khách, còn tôi được nhập thất. Ba tháng sau, thầy Đắc Pháp lên làm Quản viện, tôi ra làm Tri khách, thầy Phước Hảo nhập thất. Thầy Phước Hảo nhập thất mãn ba tháng xong, tôi lên làm Quản viện còn sư huynh Đắc Pháp nhập thất, sư huynh Phước Hảo làm Tri khách. Ba người hai công tác nên cứ luân phiên thay nhau như thế. Thời gian nhập thất tuy không nhiều, nhưng vì mới nên chúng tôi cũng sợ đủ thứ chuyện, sợ khó, sợ ma … nhất là về đêm nhìn vào trong núi thật tăm tối hãi hùng. Nhưng rồi cũng phải vượt qua vì chúng tôi biết bên cạnh mình luôn luôn có Phật, có thầy.

Lần đầu tiên tôi nhập thất. Sáng ra thọ trai xong, tôi đến đảnh lễ và xin Thầy chỉ dạy để vào thất được yên ổn tu hành. Ngài dạy ba điều mà suốt cả cuộc đời tôi không bao giờ dám quên. Điều thứ nhất, giữ khóe miệng lên meo lên mốc như cây quạt mùa đông ở cao nguyên, nghĩa là không nói gì hết cũng không được ghi giấy đưa ra ngoài. Điều thứ hai, Ngài dạy phải “chăn trâu”. Hồi này nói “chăn trâu” là sớm lắm, vì hành trạng này Thầy chưa giảng dạy. Điều thứ ba, hãy coi như mình đã chết.

Trong khi Hòa thượng soạn dịch bài giảng trên lớp học, anh em chúng tôi cũng tham gia một phần. Thí dụ Ngài đưa cho tôi tập Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và nói: “Chỗ nào dịch được, chú phụ Thầy dịch ra để làm tài liệu dạy học.” Hồi đó Thầy cực lắm. Mỗi tuần từ chiều thứ hai đến chiều thứ bảy đều phải lên lớp. Có khi tháng tới dạy bộ kinh đó mà tháng này Thầy soạn chưa xong. Tuy vậy giờ giấc làm việc của Thầy rất đều đặn và khoa học. Mỗi sáng sau giờ ăn, Thầy chống gậy đi quanh chùa một vòng với mấy đệ tử rồi trở về bắt đầu làm việc. Thầy đưa ra mấy tập sách Chỉ Nguyệt Lục, Cao Tăng Truyện, chúng tôi đọc chỗ nào thích thú thì dịch ra trình Thầy xem. Nhiều khi chúng tôi dịch sai, có những tên thuộc về địa danh, anh em cũng dịch luôn thành ra trật lất, nhưng Thầy chỉ cười thôi, không quở trách chi.

Vui một điều là những gì Thầy dạy, thầy trò đều cảm thông hết. Chiều lại Thầy ngồi trên gộp đá, anh em vây quanh, Thầy đem những điều hay trong khi soạn bài kể cho chúng tôi nghe rồi giải thích thêm. Do đó nội dung bài tháng tới mình đã nắm rõ, nếu Thầy hỏi gì cũng trả lời được. Cho nên thời gian này chúng tôi rất nổi tiếng trong lớp học, ai cũng khen nức nở. Thực sự vì Thầy đã ướm trước cho rồi, chứ có giỏi gì đâu.

Chìa khóa thứ hai Thầy dạy phải biết cách “chăn trâu”. Điều kiện của người chăn trâu giỏi là đừng mờ mịt, tay luôn cầm roi và nắm chắc dây dàm. Nếu ngồi thiền ngủ gục làm sao biết mình đang chăn trâu? Thậm chí con trâu đi đâu cũng không biết. Cho nên đừng ngủ gục, phải tỉnh táo. Cần thiết nhất là cái roi cầm trong tay, nếu trâu không chịu đi ngay thẳng thì mình đét vào mông nó. Hòa thượng dạy thật giản dị. Ngài còn dẫn thêm hình ảnh những vị đi hành cước ngày xưa được thiền sư dạy về cách chăn trâu, như ngài Thạch Củng với Mã Đại Sư.

Một hôm Mã Đại Sư thấy Ngài đang lúi húi làm gì đó, bèn hỏi:

- Làm gì đây?

- Con chăn trâu.

- Việc chăn trâu như thế nào?

- Có dây, có roi đàng hoàng. Khi trâu ăn lúa mạ người ta thì phải đánh, kéo nó lại.

- Như vậy là ngươi biết chăn trâu.

Đó là những cách thức Hòa thượng dạy về việc chăn trâu.

Chìa khóa thứ ba Hòa thượng dạy: “Hãy coi như mình đã chết”. Ngài hỏi tôi một câu:

- Có khi nào chú thấy người chết rồi mà ngóc đầu dậy nói chuyện này chuyện khác không?

- Dạ, tuyệt đối không có.

Phải học cách coi như mình đã chết rồi thì mới yên lòng ở trong thất một năm, năm năm, mười năm. Như vậy mới có thể vững niềm tin trong Phật pháp mà tu hành dù chưa đạt đạo, chưa chứng đạo.

Thí dụ bây giờ đang gặp khó khăn, bệnh tật gì đó nhưng coi như mình chết rồi thì mọi việc yên hết. Cái gì rồi nó cũng qua và kết quả đều thành tựu. Đó là chiếc chìa khóa thứ ba.

Thời gian này tuy chúng tôi không áp dụng hoàn chỉnh lắm cả ba chìa khóa Hòa thượng trao, nhưng cũng được chút phần lợi lạc. Sau kỳ nhập thất đầu tiên, tâm niệm của anh em chúng tôi càng thêm quý kính thầy tổ. Ai nấy đều nghĩ rằng sau này nếu đủ duyên mình sẽ kể lại cho những huynh đệ thế hệ sau nghe. Bởi trong đó không có gì mờ ám cũng không có gì huyền diệu. Không phải nhập thất để có thêm hào quang, để biết được chuyện quá khứ, vị lai. Không hề có chuyện đó. Suốt thời gian chúng tôi nhập thất, cứ khoảng một tuần hoặc mười ngày Hòa thượng đích thân lên chỉ dạy. Ai hay thấy cái này, cái khác là bị rầy liền, đôi khi phải sám hối.

Hình ảnh Lục tổ Huệ Năng giã gạo là bài học mẫu về sự hành trì công phu cho chúng ta. Muốn sử dụng được phần tinh ba của hạt gạo, phải giã cho tróc lớp vỏ cứng bên ngoài rồi sàng sạch đi mới dùng được. Cũng vậy, muốn làm chủ được mình, sống trở về với chân tâm thanh tịnh thì phải buông vọng tưởng, không chạy theo vọng tưởng, không để vọng tưởng dẫn mình đi, không chấp nhận vọng tưởng. Giống như loại bỏ những lớp vỏ bên ngoài hạt gạo, dùng nó làm tro làm phân vậy. Rõ ràng người nào bớt lăng xăng, buông được vọng niệm, không chạy theo vọng tưởng thì người đó định tỉnh, được định thì trí tuệ phát. Sống bình thường, không lăng xăng lộn xộn, không ngơ ngác. Bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, ăn biết ăn, làm biết làm, đi đứng an nhiên rõ ràng. Được vậy thì thật thống khoái, sung sướng phải không?

Thiền tông lấy bản tâm làm chủ, nên sự tu hành của thiền sư là sống trở lại với ông chủ của mình, trong mọi hành động, mọi thời gian. Tất cả hình thức bên ngoài đối với thiền sư không có gì là quan trọng. Dù ngồi thiền suốt ngày, dưới con mắt các ngài vẫn thấy chưa phải là tinh tấn. Vì thế, thiền sư Hoài Nhượng mới đặt câu hỏi với thiền sư Đạo Nhất, khi Sư này đang mải mê ngồi thiền, rằng: “Như trâu kéo xe, xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?”

Xin được nhắc rằng tuy Hòa thượng nói như vậy nhưng nhất định thời khóa ngồi thiền chư huynh đệ không được lơi lỏng. Nó phải tăng lên hoài chứ không thể giảm hay bỏ luôn. Công phu hành thiền của chúng ta chưa đạt đến chỗ thâm nhập thì nhất định phải theo thời khóa nghiêm chỉnh, theo chúng lệnh, giờ giấc đàng hoàng. Muốn tọa thiền được kết quả tốt, chúng ta phải biết tự giảm thiểu việc ăn ngủ, đi lại, bớt lăng xăng và buông tất cả ngoại duyên để thực sự yên ổn. Tu hành trong tất cả oai nghi cho nên thời nào cũng là thời tu. Hiện tại chúng ta còn mới nên lấy việc ngồi thiền làm chuẩn, phải ngồi thật trang nghiêm.

Trong hành trạng các vị đại đệ tử của đức Phật, sinh hoạt hàng ngày là đi khất thực, thọ trai, thuyết pháp và tọa thiền. Đó là những phương tiện giúp nâng cao đời sống thánh hạnh. Tôn giả A-na-luật là một tấm gương sáng chói về sự nỗ lực miên mật tu trì. Một lần khi đang nghe Phật thuyết pháp, Ngài ngủ gục và bị Phật quở rất nặng. Từ đó Ngài phát nguyện sẽ không bao giờ ngủ trở lại cho đến lúc chết. Ngài dụng công miên mật không dừng nghỉ, cuối cùng hai mắt bị mù. Tuy đôi mắt thịt không còn thấy được gì nữa và mọi sinh hoạt trở nên khó khăn nhưng con mắt trí tuệ của Ngài rất sáng suốt.
Đức Phật dạy tu tập pháp “Kim cang chiếu minh tam-muội”, chẳng bao lâu Ngài chứng được Thiên nhãn thông, một tuệ giác đặc biệt có thể nhìn thấu tam thiên, đại thiên thế giới. Vì thế Thiền tông lấy bản tâm làm chủ, nên sự tu hành của thiền sư là sống trở lại với ông chủ của mình, trong mọi hành động, mọi thời gian.

Thiền sư Hoài Nhượng khi đến chùa Bát-nhã ở Hoành Nhạc gặp ngài Đạo Nhất hàng ngày ngồi thiền. Biết đây là bậc pháp khí, Sư bèn đến hỏi:

- Đại đức ngồi thiền để làm gì?

- Để làm Phật.

Bữa sau Thiền sư lấy một cục gạch đến trên hòn đá trước am ngài Đạo Nhất ngồi mài. Ngài Đạo Nhất thấy lạ hỏi:

- Thầy mài gạch để làm gì?

- Mài để làm gương.

- Gạch mài đâu có thể thành gương được?

- Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?

Tất cả hình thức bên ngoài đối với thiền sư không có gì là quan trọng. Dù ngồi thiền suốt ngày, dưới con mắt các ngài vẫn thấy chưa phải là tinh tấn. Vì thế, thiền sư Hoài Nhượng mới đặt câu hỏi với thiền sư Đạo Nhất, khi Sư này đang mải mê ngồi thiền, rằng: “Như trâu kéo xe, xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?” Chắc chắn chúng ta sẽ nói đánh trâu chứ gì? Đánh trâu thì tan nát cái tâm của mình rồi. Các ngài dạy không đánh trâu cũng không đánh xe, tự yên thì cái xe tự chạy thôi.

Huống nữa, quên tâm mình chạy theo hình thức bên ngoài, càng tu càng xa đạo. Không có sự giác ngộ nào ngoài tâm mà có. Phật là giác, nếu chúng ta cầu Phật mà quên tâm, thử hỏi bao giờ thấy Phật? Những hình tượng Phật, Bồ-tát thờ bên ngoài, chỉ là phương tiện gợi lại cho chúng ta nhớ bản tâm. Nếu chúng ta không chịu nhớ lại bản tâm, cứ cầu cạnh nơi hình tượng bên ngoài, thật là một việc làm trái đạo. Vì thế, thiền sư Đơn Hà đã bạo dạn thiêu tượng Phật gỗ.

Viện chủ Hướng nóng lòng hỏi:

- Tại sao thiêu tượng Phật của tôi?

Sư đáp:

- Thiêu tìm xá-lợi.

Thật là một câu đáp bất hủ. Vậy mà Viện chủ còn ngây thơ nói:

- Phật gỗ làm gì có xá-lợi!

Sư bảo:

- Thỉnh thêm hai vị nữa thiêu.

Quả nhiên một tiếng sấm tét màng tai, làm sao Viện chủ không tỉnh ngộ được. Do đó, người sau nói: “

Đơn Hà thiêu Phật gỗ,
Viện chủ rụng lông mày.
(Đơn Hà thiêu mộc Phật,
Viện chủ lạc mi mao.)

Hành động táo bạo của thiền sư Đơn Hà là một sức mạnh phi thường, đánh thức được người đang chìm trong giấc mơ hình thức.

Hòa thượng đưa ra những cách lý luận, dẫn dụ giúp chúng ta sẵn sàng bước vào chỗ sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình, từ đó không loay hoay vướng mắc hình thức bên ngoài. Cho nên khi nghe ai hỏi tâm là gì chớ vội trả lời. Bởi nói tâm là gì đều sai, đều không đúng. Bằng chứng trong kinh Lăng-nghiêm, khi ngài A-nan bảy lần trình bày với Phật tâm là gì, tâm ở đâu, đều không được chấp thuận. Cuối cùng Phật kết luận tâm không có hình thức, không thể dùng ngôn ngữ diễn tả được. Vì không hình thức nên không bị sanh diệt, không mắc mứu quá khứ, vị lai. Đó là chân tâm vô niệm.

Nếu chúng ta nhận được tâm thể rỗng rang sáng suốt này thì đâu bị mắc kẹt trong các hình thức đang có đây. Hoặc nam nữ, hoặc tăng tục, hoặc người có trí tuệ hay kém trí tuệ, hoặc người sang cả hay nghèo hèn … Hình thức thì đầy dẫy, Phật chỉ cho chúng ta đừng bao giờ bám vào những thứ đó. Phải làm sao sống được với pháp thể thanh tịnh hay chân tâm vô niệm của mình. Phật tổ đã đinh ninh dạy như vậy nhưng thực sự chưa ai dám nhận tâm mình là thể rỗng rang sáng suốt. Cho nên lúc nào chúng ta cũng phải đối mặt với bao muộn phiền, áp lực trong đời sống.

Từ thập niên 70 khi bắt đầu khai mở pháp hội thiền tông, Hòa thượng Ân sư đã chỉ cho chúng tôi cách nhận lại ông chủ của chính mình. Đó là bản tâm thanh tịnh, diệu tịnh minh thể, là viên bảo châu vô giá, không nam nữ, không hình tướng. Phẩm Đề-bà-đạt-đa trong kinh Pháp Hoa kể lại chuyện Long nữ mới tám tuổi đã có trí tuệ bén nhạy, có khả năng thọ trì kinh tạng của Phật. Long nữ dâng cúng đức Phật một hạt bảo châu, nhờ công đức này liền chuyển thân nữ thành thân nam, với vô lượng tướng hảo trang nghiêm, ngay lập tức biến sang cõi nước Vô Cấu ở phương nam, thành bậc Đẳng Chánh Giác. Vậy thì nam nữ chỗ nào, hình thức chỗ nào, phải không? Qua hành trạng của các vị tổ sư thiền, Hòa thượng Ân sư dẫn giải những cách sống trở về với bản tâm chân thật để từ đó chúng ta nhận được viên bảo châu vô giá của mình.

Muốn trắc nghiệm chỗ thấy biết của người, không gì hay hơn ở trong một trường hợp bất thần bắt buộc họ phải thổ lộ ra lời nói, hoặc hành động. Thiền sư Nam Tuyền giơ dao sắp chặt con mèo một cách đột ngột giữa đại chúng, bắt buộc chúng phải đáp một câu cho hợp ý, Sư sẽ cứu con mèo. Rốt cuộc trong đại chúng không có người đáp được, buộc lòng Sư phải hạ dao. Hành động ấy không phải nhằm vào con mèo, mà nhằm thẳng đại chúng. Nhưng đại chúng đã bất lực, Sư bất đắc dĩ phải giết con mèo như lời đã nói.

Khi Tùng Thẩm đi ra ngoài về, Sư cũng thuật lại lời ấy, Tùng Thẩm liền cởi giày đội trên đầu. Sư bảo: “Giá khi nãy có ngươi thì đã cứu được con mèo”. Hành động bất thần của Sư chẳng khác nào cơn sét đánh, chỉ có Tùng Thẩm biết được ý Sư nên cởi giày đội trên đầu. Bởi vì chỗ tột quý của con người là đầu, cái ti tiện nhất là giày. Tùng Thẩm cởi giày đội trên đầu là nói lên cái thấy của mình không có quý tiện, không còn phàm thánh, vượt ngoài vòng đối đãi. Đó là chỗ thầy trò thông hội nhau. Người thời nay thấy hành động giết con mèo của Sư, liền kết án Sư phạm tội sát sanh. Họ có biết đâu, Sư đã khéo mượn phương tiện để thấy cứu cánh.

Đoạn này Hòa thượng giải thích rõ nguyên nhân ngài Nam Tuyền hạ dao trảm con mèo, mục đích muốn cho đại chúng sống được chỗ cứu cánh chân thật. Các vị tôn đức khi bày ra một nhân duyên nào đó thường nhắm thẳng vào đại chúng chứ không phải vì một cá nhân riêng tư nào. Tâm huyết xây dựng thiền viện, thiết lập đạo tràng, mục đích cũng vì đại chúng. Mong rằng đại chúng cảm nhận được tấm lòng của các vị lãnh đạo mà tu học cho xứng đáng. Được như vậy thì tốt lắm, đủ lắm rồi.

Khi Tùng Thẩm đi ngoài về, Sư cũng thuật lại lời ấy, Tùng Thẩm liền cởi giày đội trên đầu. Sư bảo: “Giá khi nãy có ngươi thì đã cứu được con mèo.” Đây là chỗ nhân duyên chưa khế hội, nhân trên mây xanh còn duyên dưới bùn lầy, cho nên không gặp nhau. Chỗ này chúng ta phải thầm nhận, nhất là biết nhân duyên chưa hội đủ thì tất cả những phiền muộn bặt dấu, không còn một điều gì cả. Từ đó sống trở lại với bản vị bình thường của tâm thể rỗng rang sáng suốt.

Ngài bảo với vị đệ tử: “Giá khi nãy có ngươi thì đã cứu được con mèo.” Không biết từ hồi sáng vị này đi đâu, làm việc gì mà không có mặt ở chùa. Đây là nhân duyên. Ngài cũng không ngờ, không biết trước được rằng khi sắp dạy đại chúng lại có sự kiện con mèo. Giả tỷ hồi sáng có một người giữ con mèo trong nhà bếp, ngay lúc Ngài nêu lên cớ sự thì thả con mèo đi ra. Nếu có sự chuẩn bị này thì nhân duyên hội đủ, đằng này Ngài không hề sắp đặt trước. Chúng ta cũng nên để cho mọi việc trong đời diễn ra một cách hồn nhiên, bình thường. Việc gì đủ duyên thì thành, không đủ duyên thì thôi.

Đừng để lưu lại bất cứ điều gì đằng sau tất cả những nhân duyên đó thì chúng ta thực sự an ổn, tự tại giải thoát.

Chuyện thiền sư Đơn Hà thiêu tượng Phật gỗ cũng là một nhân duyên hóa đạo. Ngài dùng phương tiện phá tan kiến chấp cầu cạnh nơi hình tượng bên ngoài để gợi cho chúng ta nhớ lại bản tâm của mình. Phương tiện của Ngài thật là người thường không dám động tới! Ai mà dám đem tượng Phật trên bàn xuống đốt? Hỏi đốt làm gì, Ngài nói đốt tìm xá-lợi. Độc đáo không? Viện chủ ngây thơ hỏi Phật gỗ làm gì có xá-lợi. Ngài bảo thỉnh thêm hai vị nữa thiêu. Nhân câu nói này Viện chủ ngộ đạo, đảnh lễ tôn Ngài làm thầy. Cho nên người sau nói: “Đơn Hà thiêu Phật gỗ, Viện chủ rụng lông mày”. Chúng ta tôn thờ hình tượng Phật để nhắc nhở mình nhớ lại ông Phật trong tâm, kích dương tinh thần tu tập, chứ không phải vì mong cầu Phật ban cho nơi chốn êm ấm. Yù nghĩa câu chuyện là như vậy.

Hòa thượng dẫn dụ hai nhân duyên trong nhà thiền rồi giải thích rõ vì sợ chúng ta hiểu lầm, vướng vào chỗ mê tín, dị đoan. Mê tín là tin làm theo mà không biết cái đó là gì. Giống như chỉ thích tìm những loại gỗ quý để làm tượng Phật, tượng Bồ-tát tôn thờ. Đó chỉ là phương tiện, Phật, Bồ-tát thật không có trong ấy. Ngài nêu lên nhân duyên này để mọi người thấy rằng những sự kiện giữa đây không có gì tồn tại, không có gì thật. Đã là không thật thì đắm đuối trong đó làm gì, chỉ khổ thêm thôi. Ngay cả cái thân này cũng vậy, Phật nói nó không thật, là đồ giả. Tâm vọng tưởng cũng chỉ là bóng dáng của tiền trần, không có gì thật. Chúng ta phải biết dùng tạm những cái không thật này rồi ráng tu để tìm ra cái chân thật bất sanh bất diệt luôn hằng hữu bên trong.

Chân tâm là chỗ bặt suy nghĩ, càng suy nghĩ càng xa. Thiền tông xưa nay truyền trao chỉ một chân tâm không gì khác. Người tu thiền vừa móng lòng tìm chân tâm thì không bao giờ thấy nó. Vì thế, sư Lâm Tế Nghĩa Huyền vừa hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”, liền bị thiền sư Hoàng Bá đập cho một gậy. Ba phen hỏi đều ăn ba gậy, mà không được một lời chỉ dạy. Thế mà, đi đến thiền sư Đại Ngu, Lâm Tế thuật lại việc bị đánh mà không biết có lỗi gì, Đại Ngu còn nói: “Hoàng Bá dạy ngươi rất thống thiết, chỉ tại ngươi còn tìm lỗi.” Ngay câu nói này, Lâm Tế tỉnh ngộ. Thế mới biết, cái đánh của Hoàng Bá thật thống thiết. Nhưng nếu không có thiền sư Đại Ngu thì cái đánh ấy trở thành vô nghĩa.

Đây là nhân duyên ông thầy sử dụng tâm đại từ bi, hoặc nói theo thông thường là những tuyệt chiêu để dẫn dắt đệ tử. Nhưng phải nhờ một người khác hiểu điều đó chỉ lại, đệ tử mới có thể nhận ra được. Thiền sư Lâm Tế là một nhân vật xuất cách trong thời kỳ thiền tông thịnh hành ở Trung Quốc. Vì chưa vào cửa được nên ba lần hỏi “Thế nào là đại ý Phật pháp?” đều bị thiền sư Hoàng Bá cho ăn gậy, mà không nhận được một lời chỉ dạy. Khi đi đến thiền sư Đại Ngu, Ngài thuật lại việc bị đánh, không biết có lỗi gì. Thiền sư Đại Ngu dạy: “Hoàng Bá dạy ngươi rất thống thiết, chỉ tại ngươi còn tìm lỗi.” Ngay câu nói này, Ngài tỉnh ngộ.

Người tu thiền vừa móng lòng tìm chân tâm thì không bao giờ thấy nó. Vì sao? Vì nó không hình thức, không tướng mạo thì có gì để tìm. Một loạt những chỉ giáo của Hòa thượng cho thấy tâm là cái rỗng rang sáng suốt, không hình thức cho nên không bị sanh diệt, cuối cùng Ngài kết luận nó là chân tâm vô niệm. Chỉ có người nào ngay đó nhận ra thì ngộ được chân tâm. Vì thế còn móng lòng tìm chân tâm thì không bao giờ thấy.

Ngài Lâm Tế hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, thiền sư trả lời bằng cách đập cho một hèo. Tại sao trả lời như vậy? Bởi đó là chỗ không cho suy nghĩ, nói không đến, sờ không được. Chỉ có cách tống cho một đạp, đánh cho một hèo đau điếng để đừng nghĩ gì hết thì ngộ đạo. Mấu chốt của việc này là như thế. Chúng ta ngày nay không hiểu rõ thâm ý của Phật tổ, cho nên thầy bạn vừa chỉ dạy điều gì mình đã buồn, đã giận rồi. Học đạo như thế biết bao giờ thành?

Trong kinh Lăng-nghiêm nói về chân tâm, diễn tả cảnh ngôi nhà có sáu cửa, mỗi cửa đều mở toang. Ánh sáng từ trong nhà phát ra sáu cửa. Người nào nhận được ánh sáng từ sáu cửa này tức trở về với cái “viên trạm thường tính” của chính mình. Ngược lại, quay lưng với ánh sáng trong nhà, lao ra ngoài nhìn bên đông bên tây, giống như nước đã xa nguồn, trôi mãi không dừng. Đó là hình ảnh dụ cho tâm thức bị vọng tình cuốn trôi lưu đãng rồi tạo nghiệp, loay hoay mãi trong vòng luân hồi sanh tử. Nếu ngay đây biết nhận lại, đừng chạy theo vọng động thì có thể từ một chút nhân duyên nào đó, chúng ta nhảy vào chỗ thực sự an ổn.

Chân tâm hằng lộ liễu trong mọi hành động của ta. Nếu ta trực nhận là thấy, bằng không trực nhận tìm hoài suốt kiếp cũng chẳng gặp. Người học đạo không chịu ngay nơi hành động trực nhận chân tâm, mãi cầu thiện tri thức chỉ dạy cho thể hội. Nhưng làm sao chỉ dạy được, vừa nói ra là đã sai rồi. Vì thế, sư Sùng Tín theo hầu thiền sư Đạo Ngộ mấy năm mà không nghe chỉ dạy. Nóng lòng, Sư hỏi:

- Con theo hầu thầy mấy năm mà chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu.

Đạo Ngộ bảo:

- Ta đã từng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi rồi.

- Thầy dạy con lúc nào?

- Khi ngươi bưng cơm lên thì ta nhận, ngươi dâng trà thì ta tiếp, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, đâu không dạy tâm yếu cho ngươi?

Nhân câu nói này, sư Sùng Tín tỉnh ngộ. Thật dạy mà không dạy, nói mà không nói. Đây là đại dụng của Thiền sư, những người học ngôn ngữ không sao hiểu thấu.

Chân tâm hằng lộ liễu trong mọi hành động của ta, lộ liễu nghĩa là hiển bày trực tiếp rõ ràng. Nếu ta trực nhận là thấy, bằng không trực nhận tìm hoài suốt kiếp cũng chẳng gặp, chân tâm sờ sờ trước mắt, nhưng không trực nhận thì không bao giờ gặp.

Ngài Sùng Tín theo hầu thiền sư Đạo Ngộ mấy năm mà không nghe chỉ dạy tâm yếu nên nóng lòng hỏi: Con theo hầu thầy mấy năm mà chưa được thầy chỉ dạy tâm yếu. Thiền sư Đạo Ngộ bảo: Khi ngươi bưng cơm lên thì ta nhận, ngươi dâng trà thì ta tiếp, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, đâu không dạy tâm yếu cho ngươi? Quá đỗi bình thường đến mức độ đệ tử không nhận ra được yếu chỉ của thầy.

Cho nên chỉ khéo nhận mà thôi. Người nào không phân biệt lăng xăng, lúc nào cũng hiện tiền, không bị ý thức kéo lôi mới mong thể nhập được những cơ phong như vậy.

Thật dạy mà không dạy, nói mà không nói. Đây là đại dụng của Thiền sư, những người học ngôn ngữ không sao hiểu thấu. Qua đây chúng ta nhận được yếu chỉ gì? Người hay nói, nói nhiều, hay lăng xăng thì không thể nhận ra cái chân thật của mình. Vì cái đó xưa nay không hình thức, không màu sắc, không sanh diệt, chỉ tự khéo nhận thôi. Khéo nhận trong những lúc thực sự sống bình thường yên lắng không bị vọng tưởng kéo lôi. Do vậy Hòa thượng Ân sư dạy muốn vào cửa thiền trước hết chớ vọng tưởng, chớ chạy theo vọng tưởng, đừng để vọng tưởng kéo lôi.

Nếu chỉ quen chiếu theo văn tự ngôn ngữ hoặc muốn mình phải viết cho hay, dùng từ cho bóng, cho gợi hình gợi ý thì không bao giờ nhận được yếu chỉ này. Khi đệ tử mời trà mà thầy ngồi đơ ra thì biết ông thầy đang bị vọng tưởng kéo ra ngoài rừng. Ở đây rõ ràng, đệ tử xá lui thầy gật đầu, mời cơm thầy dùng cơm, mời nước thầy dùng nước. Thầy luôn sống với hiện thực bình thường trước mắt, ngược lại đệ tử bất thường hoài nên không nhận ra được tâm yếu thầy trao.

Người tu thiền phải dẹp sạch bản ngã, dù là bản ngã Thánh cũng không còn. Nếu còn thấy sở đắc là còn bản ngã, giả sử thấy đắc quả Thánh cũng là vị Thánh tương đối, chứ chưa thật giải thoát. Chỗ giải thoát cứu cánh là tâm không còn dính mắc một chỗ nào, như câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Vì thế vua Đường Túc Tông hỏi thiền sư Huệ Trung:

- Thầy được pháp gì?

Huệ Trung đáp:

- Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?

- Thấy.

- Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc?

Được không dính mắc mới tự tại giải thoát, còn dính mắc bất cứ một quả vị nào cũng là chưa tự tại. Thế mà, người tu thiền hiện nay ngồi lại là mong thấy cái này, chứng quả kia. Khởi tâm vọng cầu như vậy làm sao không lạc vào cảnh giới ma? Làm sao tránh khỏi cuồng loạn?

Người tu thiền phải dẹp sạch bản ngã, dù là bản ngã Thánh cũng không còn. Nếu còn thấy sở đắc là còn bản ngã, giả sử thấy đắc quả Thánh cũng là vị Thánh tương đối, chứ chưa thật giải thoát. Đây là nhát dao bén gọt sạch tất cả những râu ria cố chấp của chúng ta. Chỗ giải thoát cứu cánh là tâm không còn dính mắc một chỗ nào, tâm không vướng mắc mới là chân tâm. Còn vướng bên đây mắc bên kia là còn vọng tưởng. Vọng tưởng từ thức dấy khởi. Thức là cái phân biệt, như đây là cái bàn, kia là cái nhà, đây là người mình thương, kia là người mình ghét… Chân tâm không như thế, nó luôn yên lắng, rỗng rang sáng suốt, xưa nay bặt dấu vết.

Nếu còn thấy sở đắc là còn bản ngã, bản ngã là gốc của sanh tử luân hồi. Cái gốc đó do sự cố chấp, bảo thủ, cứng nhắc của mình cho nên bị rơi rớt ở đâu cũng đều chết cứng trong đó. Lục tổ Huệ Năng đã sớm nhận ra được “bản lai vô nhất vật” tức bản tánh sáng suốt thanh tịnh của mỗi người. Khi Ngài đến chùa Đông Sơn, huyện Huỳnh Mai yết kiến Ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Tổ hỏi:

- Đến đây cầu việc gì?

- Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.

- Người Lãnh Nam không có Phật tánh, làm sao cầu làm Phật được?

- Người thì có Nam Bắc, chứ Phật tánh không chia Nam Bắc.

Ngài khẳng định ai ai cũng có Phật tánh, thầy là người cao quý, con là dân tiều phu nhưng bản tánh của thầy và con không khác. Ngũ Tổ biết đây là bậc pháp khí nên sau này trao truyền tâm ấn và y bát cho Ngài.

Nếu chúng ta không nhận ra và sống được với bản lai diện mục của mình, chịu chết cứng trong bộ vỏ người nam người nữ, không dám cởi bỏ những chấp ngã điên đảo về ta về người thì làm sao nhận ra hạt châu bên trong. Bởi sống loay hoay không phương hướng nên nghe ai nói gì hơi sốc mình buồn. Có chuyện hơi phật ý mình giận. Tuổi Mẹo tuổi Dậu gì cũng vậy, nhưng khi buồn giận lên đều là “tủi thân”. Từ đó yếu lòng rồi trôi dạt theo vọng tình vọng thức. Chỉ khi nào thân tâm rỗng rang một cách tự nhiên thì cái bản lai diện mục, cái tâm tánh sẵn có kia mới hiện tiền. Học thiền chúng ta phải sống dậy ngay những ý tư bậc thầy chỉ cho mình. Phải một phen nhảy thẳng vào đất Như Lai, còn không thì trăm ngàn kiếp cứ trầm luân mãi trong sanh tử. Cho nên bây giờ chúng ta chớ bị vướng kẹt trong khuôn thức, mất thời gian lắm.

Ở đây nói Chỗ giải thoát cứu cánh là tâm không còn dính mắc một chỗ nào như câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Kinh Kim Cang nói đủ là: “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Đây là lời đức Phật dạy về ý nghĩa an trụ tâm cho ngài Tu-bồ-đề. Tức là không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Không kẹt vào sáu trần, không có chỗ trụ mới đúng là tâm thanh tịnh chân thật, bất sanh bất diệt.

Chúng ta kiểm lại mình không trụ sắc thì dính thanh, không trụ thanh thì dính hương, vị, xúc, pháp… năm bảy thứ. Cho nên cuối cùng không vào được chỗ vô sở trụ, cứ mãi lăng xăng hoài. Do vướng mắc rồi tự trói buộc mình, bây giờ ôm mớ hệ lụy này cầu thần thánh cởi trói cho giải thoát, giác ngộ thì làm sao được. Thật quá mâu thuẫn phải không? Thiền sư nói: Như người ở dưới nước mà kêu khát nước. Chỗ này quý ngài thấy rõ và chỉ thẳng cho chúng ta bằng cách không cho suy nghĩ. Vừa nghĩ là bị ăn gậy, vừa nói là bị hét. Những điều bình thường trước mắt thấy nghe như vậy đó nhưng có khi chúng ta làm không được. Cho nên Phật tổ, các vị thiện hữu tri thức nói chúng ta còn lưu lạc trong luân hồi sanh tử nhiều đời kiếp, quả thật không sai.

Bây giờ muốn vào được chỗ vô sở trụ thì đừng dính mắc sáu trần, giản dị vậy thôi. Hòa thượng Ân sư dạy phải làm chủ mình, không để bất cứ điều gì kéo lôi, không điên đảo chạy theo nó tức trụ được chỗ không vướng mắc. Hàng ngày trong tất cả các thời chúng ta đều tụng kinh Bát-nhã, vậy Bát-nhã là gì? Hành thâm Bát-nhã thì qua hết khổ ách, sao mình hành hoài mà không thâm? Vì chúng ta không hiểu được Bát-nhã là gì. Bát-nhã chính là trí tuệ vô sư sẵn có trong mỗi chúng ta, tại chúng ta không chịu nhận thôi. Nếu ngay đây nhận ra và sống được với nó thì đâu còn khổ ách nữa. Nó hiện diện đó mà không chịu nhận, cứ lao ra ngoài khiến mình khổ, có phải vô lý không? Đó chính là trọng tâm của sự tu.

Vì thế vua Đường Túc Tông hỏi thiền sư Huệ Trung:

- Thầy được pháp gì?

Huệ Trung đáp:

- Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?

- Thấy.

- Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc?

Được không dính mắc mới tự tại giải thoát, còn dính mắc bất cứ một quả vị nào cũng là chưa tự tại. Thế mà, người tu thiền hiện nay ngồi lại là mong thấy cái này, chứng quả kia. Khởi tâm vọng cầu như vậy làm sao không lạc vào cảnh giới ma? Làm sao tránh khỏi cuồng loạn?

Đây là mấu chốt Hòa thượng nêu lên để kết thúc lời dẫn. Người tu thiền kỵ nhất là mong được cái này cái khác hoặc mong chứng được quả vị này quả vị kia. Những móng khởi đó chính là cơ hội để ma dẫn chúng ta đi vào cảnh giới của nó. Cho nên chư vị tu thiền chớ ngồi đó mong cầu. Giả tỷ muốn ngồi thiền đừng đau chân thì cũng có ngày con ma nào đó nó làm được điều này. Đi vào cảnh giới của ma hồi nào không hay. Người tỉnh táo, khi bị đau nhức chỉ nên quán thân này là tạng thịt hư thối, do năm uẩn bốn đại tụ họp thành, dĩ nhiên phải đau thôi. Cố gắng chịu đựng thì tận cùng cái đau sẽ hết đau.

Cũng vậy nếu ngồi thiền ngủ gục đừng hỏi sao lại vậy, mệt quá ngủ chứ sao. Người nào dung hòa được ngoại duyên cùng những chướng ngại trong thân tâm thì bình yên. Yếu tố dẫn đến giác ngộ giải thoát cũng từ chỗ dung hòa và không vướng mắc. Chúng ta cố gắng sống bình thường tỉnh giác, giờ nào việc nấy. Giờ ăn đi ăn, giờ nghỉ đi nghỉ, giờ học đi học, giờ tu đi tu. Bình thường. Cần đi thì đi, cần ngồi thì ngồi, cần nói thì nói. Không nên khi thì mắt tròn quay, khi thì cười hả hả, lúc lại chăm bẳm, ai hỏi đến là muốn thoi người ta … Làm như thế là không đúng. Tu thì phải dung hòa mọi chuyện.

Chúng ta tự kiểm lại thấy mình cũng có những cái ngồ ngộ. Lúc thì thấy huynh đệ dễ thương, ai cũng là Phật, Bồ-tát. Lúc lại thấy ai cũng dễ ghét. Những lúc này chỉ muốn đi vô rừng vô núi, ở yên một mình để tu. Đây là hiện tượng bị ma dẫn. Rừng núi ở đâu? Đi một vòng hết tiền xe quay về. Rừng núi nào dung mình được? Do mình bất thường thôi. Chúng ta nên nhớ rằng con đường Phật đạo không thể đi trong một ngày một bữa và sự giác ngộ tự tâm là cốt tủy của mỗi người. Làm sao nhận ra được bản lai vô nhất vật của mình thì vô lượng kiếp ở bất cứ nơi nào, chúng ta cũng vô sở trụ và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh, an ổn không tính kể thời gian.

Chẳng những tâm không còn dính mắc trong quả vị, mà cũng sạch hết phàm tình thánh giải. Kinh Lăng-nghiêm nói: “Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà”. Phàm tình là tình chấp của chúng sanh trong lục đạo. Thánh giải là cái hiểu thánh, hiểu rằng mình chứng mình đắc trong các quả vị thánh. Nếu chưa sạch phàm tình thánh giải thì người tu khó bề thoát khỏi cảnh ma.
Tổ Quy Sơn sắp tịch, bảo chúng: “Sau khi lão tăng trăm tuổi sẽ đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái đề năm chữ “Quy Sơn Tăng Linh Hựu”. Khi ấy, gọi là Quy Sơn tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Quy Sơn tăng? Gọi thế nào mới đúng?” Người thời nay nghe câu nói này bèn sanh nghi: “Tại sao Ngài tu như vậy mà đọa làm súc sanh?” Thật là cái biết của kẻ mù, làm sao thấy được trời đất bao la? Nơi Ngài tâm phàm thánh đã sạch mới thốt ra được câu ấy.

Tuy nói như vậy nhưng Hòa thượng rất từ bi, Ngài tiếp tục mở ra phương tiện để chúng ta có thể vào cửa được:

Chúng tôi mong quý độc giả khi đọc quyển sách này, mỗi người tự cởi sạch những thiên chấp của mình để thấy được đại cơ đại dụng của Thiền sư, đừng bị đầu lưỡi các ngài lừa.

Kinh Lăng-nghiêm nói: “Nhược tác Thánh giải tức thọ quần tà, bất khởi thắng tâm tức thiện cảnh giới”. Giả tỷ như đang ngồi thiền mà thấy điều gì lạ liền cho rằng mình vào được thánh vị. Thấy biết sai lầm ấy gọi là “thọ quần tà” tức đã bị tà mị dẫn đi. Ngược lại nếu khi thấy cảnh giới này kia mà không dấy khởi ý niệm cho đó là cảnh đặc biệt thì đây là cảnh giới tốt.

Tóm lại trên đường tu hành, mọi cảnh duyên tốt xấu đến hay đi ta đều bình thường. Không mong cầu cũng không xua đuổi. Không khởi niệm thì không thọ quần tà, tức sống được với cảnh giới lành. Kết thúc lời dẫn đầu, Hòa thượng đã mở rộng cửa cho chúng ta thoát khỏi những vướng mắc.

Tập sách này, chúng tôi soạn dịch các vị thiền sư từ đời thứ nhất sau Lục tổ Huệ Năng đến đời thứ tư, tức là đến bắt đầu chia tông phái.

Tập thứ hai, chúng tôi soạn dịch từ đời thứ năm sau Lục Tổ đến đầy đủ chia năm tông và bảy phái, nghĩa là tông Tào Động, Lâm Tế, Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn và đến tông Lâm Tế chia làm hai phái Hoàng Long và Dương Kỳ.

Về phần sử chư thiền đức ở Trung Hoa đến đây không phải là hết, song những nhân vật trọng yếu trong nhà thiền cũng gần tạm đủ. Đợi khi có thì giờ rỗi, chúng tôi có thể sẽ dịch thêm để cống hiến quý độc giả.

Tác phẩm Thiền Sư Trung Hoa tuy chia làm ba tập, nhưng được trích dịch trong các tác phẩm Tông Cảnh Lục, Phật Tổ Thống Tải, Lịch Đại Tam Bảo Ký. Nếu huynh đệ nghiên cứu các tập sách này sẽ thấy còn rất nhiều chư vị thiền sư trong đó. Ở đây, Hòa thượng chỉ trích dịch mỗi đời một vị chánh và một hai vị kế tiếp. Như Lục tổ Huệ Năng, vị đệ tử thượng túc của Ngài là thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư. Sau khi ngài Thanh Nguyên ngộ đạo, Tổ dặn ông phải đi đến một phương nào đó giáo hóa làm lợi ích chúng sanh, không để đoạn mất tông Phật. Đây là mục đích của chư vị tổ sư, vị nào cũng mở mang đạo tràng, tìm người kế thừa không để đoạn mất chủng Phật.

Đợi khi có thì giờ rỗi, chúng tôi có thể sẽ dịch thêm để cống hiến quý độc giả. Hòa thượng đã lớn tuổi rồi, Ngài trông chờ ở thế hệ chúng ta tiếp bước con đường Ngài đã đi. Cho nên khi học về hành trạng của chư vị tổ sư thiền, tôi mong rằng quý vị nắm được chìa khóa này và nỗ lực hơn trong việc nghiên cứu, làm sao đọc được nguyên tác các tác phẩm Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Chỉ Nguyệt Lục và Cao Tăng Truyện. Muốn vậy quý vị phải ráng trang bị cho mình đủ một số ngữ vựng và kiến thức để đọc được chánh bản. Càng đi sâu vào lịch sử các thiền sư, chúng ta sẽ thấy còn rất nhiều điều lý thú.
 

 

[ Quay lại ]