headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/11/2024 - Ngày 19 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Quốc sư Huệ Trung

tshuetrung5. Quốc sư Huệ Trung
(? - 775)

Sư họ Nhiễm, quê ở Chư Kỵ, Việt Châu. Thuở nhỏ, Sư da trắng như tuyết, dáng vẻ trang nghiêm, mộ Phật xuất gia. Sư giới luật thanh tịnh, đức hạnh siêu nhiên, thường tìm đến các vị thiền đức hỏi đạo.

Hình dáng bên ngoài của Quốc sư cho thấy Ngài là một người đặc biệt. Ngay từ nhỏ đã có nghi cách trang nghiêm, sớm tin giáo pháp Phật. Sau khi xuất gia, Ngài tu hành chân chánh, giữ giới luật thanh tịnh, đức hạnh cao thâm, thường đến tham học với các bậc danh túc khắp nơi.

 Sau khi được tâm ấn nơi Lục tổ Huệ Năng, Sư về ở cốc Đảng Tử trên núi Bạch Nhai, Nam Dương. Nơi đây tu hành, hơn 40 năm Sư chưa từng xuống núi. Đạo hạnh của Sư được dân chúng đồn đại đến tai nhà vua.

Sau khi được tâm ấn nơi Lục tổ Huệ Năng, Ngài về sống ở cốc Đảng Tử trên núi Bạch Nhai, Nam Dương. Ngài ở đây tu hành hơn 40 năm chưa từng xuống núi. Danh đức của Ngài được người đời ca tụng thấu đến kinh thành. Thật là một người đặc biệt.

Đời Đường niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ 2 (761 TL), vua Túc Tông sai Trung sử Tôn Triều Tiến mang chiếu đến thỉnh Sư về kinh đô. Sư về đến triều, vua kính Sư làm thầy. Lúc đầu thỉnh Sư ở Tây thiền viện tại chùa Thiên Phước, sau vua thỉnh về chùa Quang Trạch gần nội cung. Hơn 16 năm, Sư tùy cơ thuyết pháp.

Công đức tu hành của Quốc sư đã trở thành hương đức hạnh lan tỏa khắp nơi. Bấy giờ, vua Túc Tông là một bậc hiền nhân đạo đức có niềm tin với Phật pháp, sai Trung sứ Tôn Triều Tiến mang chiếu thỉnh Ngài về triều. Vua kính trọng tôn Ngài làm thầy, người đời thường gọi là Quốc sư Nam Dương hay Quốc sư Huệ Trung.

Thời xưa, có một số vua quan không tin theo đạo Phật. Những vị vua muốn ngai vàng của mình luôn vững chắc nên khi có người giới thiệu thuật số này kia liền tin ngay. Thông qua những điều này, chúng ta có thể nhận ra ai là vị vua trí tuệ thanh liêm. Nếu là minh quân yêu nước thương dân thì đất nước sẽ thái bình hưng thịnh, dân chúng an vui, ấm no hạnh phúc. Nếu vua nghe theo tà thuật tà thuyết, không biết phân biệt đúng sai, bày ra những điều khổ nạn thì dân chúng sống cơ cực lầm than.

Quốc sư Huệ Trung là một người đặc biệt, hình nghi nghiêm chánh, tu hành chân chính, thường hay gần gũi với các bậc đạo cao đức trọng. Nhờ công đức tu hành mà danh tiếng thấu đến các vị quân vương nơi kinh thành xa xôi, cho nên được vua thỉnh về triều. Ngài hoan hỷ nhận lời, sau đó tùy cơ thuyết pháp trong suốt 16 năm. Đây là nhân duyên riêng của mỗi vị. Chúng ta còn nhớ pháp hội của Lục tổ Huệ Năng khi ở Tào Khê đang lúc hưng thịnh, đạo tục bốn phương quy tụ đông đảo, vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giản thỉnh Ngài về triều. Nhưng Ngài từ chối và nguyện trọn đời ở chốn núi rừng tu hành để đền trả ân vua.

Một hôm, có Đại Nhĩ Tam Tạng người Ấn sang đến kinh đô, tự nói được tuệ nhãn và tha tâm thông. Vua muốn trắc nghiệm nên mời ông đến ra mắt Sư. Tam Tạng đến, vừa thấy Sư, liền lễ bái khoanh tay đứng hầu bên hữu.

Sư hỏi:

- Ông được tha tâm thông chăng?

Tam Tạng đáp:

- Chẳng dám.

Tại xứ Ấn Độ có rất nhiều người tu hành đạt được thần thông, thần lực đặc biệt. Ngài Đại Nhĩ Tam Tạng từ Ấn Độ đến kinh đô, tự nói rằng mình được tuệ nhãn và tha tâm thông. Nhà vua muốn trắc nghiệm điều này nên mời ngài ra mắt Quốc sư. Sau khi lễ bái Quốc sư, Ngài khoanh tay đứng hầu bên hữu. Quốc sư muốn khẳng định thần thông của Ngài nên hỏi: Ông được tha tâm thông chăng ? Tam Tạng đáp: Chẳng dám, nghĩa là đúng vậy, tôi có tha tâm thông.

Sư hỏi:

- Ông nói xem, hiện giờ lão tăng đang ở chỗ nào?

Tam Tạng đáp:

- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến Tây Xuyên xem đò đua?

Sư lại hỏi:

- Ông nói xem, hiện giờ lão tăng đang ở chỗ nào?

Tam Tạng đáp:

- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?

Lần thứ ba Sư cũng hỏi y như trước. Tam Tạng lặng thinh không biết chỗ đi.

Sư nạt:

- Hồ tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào?

Tam Tạng lặng câm.

Quốc sư hỏi: Hiện giờ lão tăng đang ở chỗ nào ?, ý muốn kiểm tra thần thông của vị sư Ấn Độ. Tam Tạng đáp: Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến Tây Xuyên xem đò đua? Tây Xuyên là vùng sông nước, nhiều thuyền bè qua lại. Khi Tam Tạng trả lời, chỉ Ngài và Quốc sư biết đang nói đến vấn đề gì, trước mắt đại chúng chỉ thấy hai ngài đang hỏi chuyện nhau.

Quốc sư hỏi tiếp câu thứ hai giống như câu trước, lần này ngài Tam Tạng đáp: Hòa thượng là thầy một nước sao lại đứng trên cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn? Tại sao ngài Tam Tạng lại nói như vậy? Bởi vì Quốc sư đang ngồi đây nhưng thả vọng đến Tây Xuyên, Thiên Tân. Hình ảnh xem đò đua, coi khỉ giỡn dụ cho người bị vọng tưởng dẫn, không làm chủ được bản thân. Khi có niệm dấy khởi, để vọng tưởng dẫn chạy theo nó cho nên ma quỷ biết được. Vì thế khi Quốc sư dấy niệm thì Tam Tạng liền biết.

Đến lần thứ ba Quốc sư hỏi, ngài Tam Tạng lặng thinh không trả lời được bởi lúc này Quốc sư đã dừng vọng tưởng rồi. Do đó Quốc sư nạt: Hồ tinh! Tha tâm thông ở chỗ nào? Khi đạt đến chỗ lặng lẽ như như thì không ai có thể biết được chúng ta đang ở đâu. Thiền sư Hoàng Bá nói về chỗ lặng lẽ ấy là dù có mười vị hay trăm vị Phật ra đời cũng không biết được chỗ đó, vì tất cả vọng tưởng đã bặt hết. Chúng ta chưa đến được chỗ này nên ma quỷ có cơ hội lội trong tâm, kéo dẫn mình lang thang khắp nơi. Giả sử bây giờ có ngài Tam Tạng ở đây chắc hẳn sẽ không biết đường đâu mà trả lời. Bởi vọng tưởng của chúng ta điên đảo dữ quá, nhìn theo không kịp.

Một hôm, Sư gọi:

- Thị giả!

Thị giả:

- Dạ!

Sư gọi như thế ba lần, thị giả cũng dạ ba lần.

Sư bảo:

- Tưởng là ta cô phụ ngươi, nào ngờ ngươi cô phụ ta.

Cô phụ là gì? Tại sao Ngài lại nói như vậy? Thông thường các vị tu hành miên mật lúc nào cũng sống hiện hữu. Chúng ta chưa vào được chỗ này nên bất chợt có ai gọi liền giật mình, không biết phải làm gì. Vì thế khi Ngài gọi, thị giả dạ, ba lần như vậy mà không biết làm gì hay nói gì. Cùng một hình thức, một cách đáp nhưng thiền sư nhận ra ai là người vào được chỗ như như bất động. Cho nên Ngài trách thị giả đã cô phụ mình.

Nam Tuyền đến tham vấn, Sư hỏi:

- Ở đâu đến?

Nam Tuyền thưa:

- Ở Giang Tây đến.

- Có đem được hình của Mã đại sư đến chăng?

- Chỉ thế ấy.

- Ở sau lưng.

Nam Tuyền bèn lui ra.

Khi ngài Nam Tuyền đến tham vấn, Quốc sư hỏi: Ở đâu đến?, Ngài đáp: Ở Giang Tây đến. Quốc sư biết Giang Tây là đạo tràng của Mã đại sư, tức Mã Tổ Đạo Nhất nên hỏi: Có đem được hình của Mã đại sư đến chăng? Nghĩa là ông từ Giang Tây đến có đem được cái gì của Mã Tổ đến không. Ngài Nam Tuyền đáp: Chỉ thế ấy, Quốc sư liền nói: Ở sau lưng. Ở đây có hai trường hợp xảy ra. Thứ nhất, nếu là người đã vào được cửa, nghe vậy cứ bình thường đi ra. Thứ hai, nếu là người nói khoác, nghe Quốc sư nói chỉ đáng đứng sau lưng sẽ nổi giận ngay. Ngài Nam Tuyền bèn lui ra, điều này chứng tỏ Ngài là người đã xong việc, xứng là bậc long tượng.

Nam Tuyền là học trò của Mã đại sư, Mã đại sư là học trò của Hoài Nhượng. Ngài Hoài Nhượng là huynh đệ với Quốc sư Huệ Trung. Như vậy Nam Tuyền là hàng cháu, nhưng là người đặc biệt nên cách đến và cách trả lời vượt trội. Khi nghe Quốc sư nói: Ở sau lưng, Ngài bèn lui ra chứng tỏ xong việc, chẳng có gì để nói thêm. Cũng như khi hỏi đến thầy của Ngài thì trả lời: Chỉ thế ấy.

Ma Cốc đến tham vấn, đi nhiễu quanh giường thiền của Sư ba vòng, rồi chống tích trượng đứng trước Sư.

Sư bảo:
- Đã như thế cần gì thấy bần đạo?

Ma Cốc lại chống tích trượng.

Sư nạt:
- Hồ tinh! Đi đi!

Đã như thế cần gì thấy bần đạo, nghĩa là ông đã như vậy còn đến đây làm gì? Điều này chứng tỏ ngài Ma Cốc đã xong việc. Nam Tuyền và Ma Cốc đều đã vào cửa, cho nên sự biểu hiện khi đến với bậc thầy của mình rất nhẹ nhàng. Ngài Nam Tuyền khi được hỏi đến tông tích liền đáp: Chỉ thế ấy rồi bước đi. Ngài Ma Cốc khi được Quốc sư dạy: ông đã như vậy còn đến đây làm gì. Ngay đó Ngài liền chống tích trượng, ý thưa rằng tuy như thế nhưng con vẫn muốn nhiễu giường thiền của thầy. Quốc sư nạt một tiếng như tiễn Ma Cốc: Hồ tinh! Đi đi! Hàm nghĩa rằng ông đã xong việc thì hãy đi đi.

Sư thường dạy chúng:

- Người học thiền tông nên theo lời Phật, lấy Nhất thừa liễu nghĩa khế hợp với nguồn tâm của mình, kinh không liễu nghĩa chẳng nên phối hợp. Như bọn trùng trong thân sư tử, khi vì người làm thầy, nếu dính mắc danh lợi bèn bày điều dị đoan, thế là mình và người có lợi ích gì?

Theo lời dạy của Quốc sư, người học thiền tông phải lấy Nhất thừa liễu nghĩa khế hợp với nguồn tâm làm kế sống, kinh không liễu nghĩa thì không nên phối hợp. Muốn làm một người tu hành chân chánh, chúng ta phải tâm tâm niệm niệm ghi nhớ những lời dạy này. Làm thầy người mà dính mắc này kia, bày ra những thứ dị đoan khiến cả mình và người đều không lợi ích, giống như trong thân sư tử chứa trùng bọ vậy.

Giả sử bây giờ huynh đệ rời đại chúng, ra lãnh một ngôi già-lam ở phương nào đó. Nếu là người tu hành chân chánh, đến nơi việc trước nhất là thiết lập nhân duyên giáo hóa để tuyên dương chánh pháp. Đó chính là môn phong, là sự tu hành của mình. Tôi vẫn thường nhắc nhở chư tăng ni và quý Phật tử, phải tự thiết lập cho mình một thời khóa tu hành. Tuy tu thiền nhưng vẫn phải lấy kinh điển, giáo pháp từ kim khẩu đức Phật nói ra để học, hiểu và xác chứng cho sự tu hành của mình.

Hơn nữa vì lợi ích chúng sanh, chúng ta phải sáng con mắt trí tuệ, không để lợi danh bu bám, không bày ra những chuyện linh tinh. Để làm được điều này phải có trí tuệ và công đức tu hành, mới sáng suốt sắp đặt mọi việc, bởi danh văn lợi dưỡng là những thứ rất dễ dính phải. Sự sống thì muôn hình vạn trạng, khi đã dính mắc rồi sẽ bày biện này kia, do đó càng ngày càng xa đạo. Là vị thầy giáo hóa một phương mà không gầy dựng được tinh thần tu hành chân chánh thì mình và mọi người đều không được lợi ích gì.

Như người thợ mộc giỏi, búa rìu không đứt tay họ. Sức con voi lớn chở, con lừa không thể kham.

Đây là những lời dạy chí thiết. Như người thợ mộc giỏi biết sử dụng búa rìu một cách tinh nhuệ nên không hề bị đứt tay, con voi lớn có sức chở nặng con lừa không thể bằng. Chỗ rốt ráo đặc biệt của mỗi người không ai giống ai, nên chúng ta càng phải dè dặt, chớ có nói tướng linh tinh rồi mang họa. Phải xem xét và nghiệm cho kỹ đâu là chỗ mình có thể gần gũi học hỏi, đâu là chỗ mình phải lánh xa.

Có vị tăng hỏi:

- Làm sao được thành Phật?

Sư đáp:

- Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, ngay đó được giải thoát.

- Làm thế nào được tương ưng?

- Không nghĩ thiện ác, tự thấy Phật tánh.

Câu hỏi và câu trả lời thật chí lý. Hỏi: Làm sao được thành Phật? Đáp rằng: Phật và chúng sanh đồng thời dẹp đi, ngay đó được giải thoát. Câu trả lời hàm ý không thêm vào trong gánh người hỏi bất cứ một vật gì. Muốn được tương ưng thì không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Không nghĩ thiện ác tức vén mở ra chân trời rỗng thênh, sống được với cái bất sinh bất diệt. Ở đây tuy ngôn ngữ khác nhưng đều muốn chỉ thẳng chân như Phật tánh.

- Làm sao được chứng pháp thân?

- Vượt cảnh giới Tỳ-lô.

- Pháp thân thanh tịnh làm sao được?

- Không chấp Phật để cầu.

Khởi niệm là vọng rồi, làm sao thấy pháp thân, làm sao tương ưng được. Hỏi tiếp: Pháp thân thanh tịnh làm sao được? Đáp: Không chấp Phật để cầu, tức trở về với cái rỗng rang sáng suốt. Không chấp nhận các dấy niệm, vượt lên trên tầng an lạc thì có thể vào trong vị đó nói pháp thân, chân như, Bát-nhã. Còn ở dưới phàm trần mà nói chuyện trên mây xanh thì làm sao tương ưng. Quốc sư rất từ bi, hỏi cách nào Ngài cũng dẫn dụ để vào được chỗ đó.

- Thế nào là Phật?

- Tâm tức là Phật.

- Tâm có phiền não chăng?

- Tánh phiền não tự lìa.

- Đâu không đoạn sao?

- Đoạn phiền não tức gọi Nhị thừa. Phiền não không sanh gọi Đại Niết-bàn.

Hỏi thế nào là Phật?, Ngài đáp rất dịu dàng Tâm tức là Phật. Tóm lại không thêm vào gánh người hỏi thứ gì hết, dù là vàng ròng, ngọc ngà. Nếu đến được chỗ tâm tánh như như, bất sanh bất diệt thì phiền não tự tan mất. Ở đây nói: Đoạn phiền não tức gọi Nhị thừa, phiền não không sanh gọi Đại Niết-bàn. Chỗ này nếu bàn nói nhiều e sẽ loạn và không biết ngả nào để vào. Bởi quả vị này chúng ta chưa thể đến được, cho nên không dám nói nhiều.

- Ngồi thiền quán tịnh là làm gì?

- Chẳng cấu chẳng tịnh đâu cần khởi tâm quán tướng tịnh.

- Thiền sư thấy mười phương hư không là pháp thân chăng?

- Lấy tâm tưởng nhận, đó là thấy điên đảo.

- Tâm tức là Phật, lại cần tu vạn hạnh chăng?

- Chư thánh đều đủ hai thứ trang nghiêm (phước tuệ) đâu có bác không nhân quả.

Đoạn này hỏi sang hướng khác, khi ngồi thiền quán tịnh là sao? Quốc sư nhấn mạnh, đã không cấu tịnh thì đâu cần khởi tâm quán tướng tịnh. Tăng gạn lại, thầy thấy mười phương hư không là pháp thân chăng, nghĩa là thầy sống được pháp thân chưa. Lấy tâm tưởng nhận, đó là thấy điên đảo, nếu lấy tâm tưởng lăng xăng mà nhìn nhận cái này cái khác là cái thấy điên đảo.

Tâm tức là Phật, lại cần tu vạn hạnh chăng? Nếu sống được với cái tức tâm tức Phật đó thì cần làm những việc công đức gì khác nữa không, cần tu không? Quốc sư đáp: Chư thánh đều đủ hai thứ trang nghiêm (phước tuệ) đâu có bác không nhân quả. Tất cả các vị thánh đều có đầy đủ hai thứ trang nghiêm là phước và tuệ, gọi là “phước trí nhị nghiêm”. Vậy thì đâu phải là người bác không nhân quả mà nói đoạn hay không đoạn.

Sư lại nói:

- Nay tôi đáp những câu hỏi của ông cùng kiếp không hết, nói nhiều cách đạo càng xa. Cho nên nói: “Thuyết pháp có sở đắc, đây là dã can kêu; thuyết pháp không sở đắc, ấy gọi sư tử rống.”

Quốc sư nói, bây giờ tôi và ông cứ hỏi đáp mãi như thế thì cùng kiếp không xong, bởi càng nói nhiều càng cách xa đạo. Cho nên nói: Thuyết pháp có sở đắc, đây là dã can kêu; thuyết pháp không sở đắc, ấy gọi sư tử rống. Trong nhà thiền thường hay vận dụng cách lý giải theo kiểu “tử cú” và “hoạt cú”. “Hoạt cú” là câu sống, “tử cú” là câu chết. Những câu nói giải thích cho người khác hiểu, các thiền sư gọi là tiếng kêu của loài dã can, đó là tử cú. Hoạt cú là cách nói khiến người nghe không có chỗ cắm dùi, nói giống như tường đồng vách sắt vậy. Ví dụ hỏi Phật là gì? Đáp ba cân gai. Nghe câu trả lời này, người hỏi bặt hết vọng tưởng.

Chúng ta bị trôi lăn trong luân hồi sanh tử cũng từ vọng tưởng điên đảo của mình. Hòa thượng Ân sư luôn dạy chúng ta đừng theo vọng tưởng, không chấp nhận bất cứ một khởi niệm nào, phải buông hết. Niệm vừa nhú lên buông liền, buông không được cũng phải buông. Giai đoạn thứ nhất là đừng để vọng tưởng kéo lôi mình.

Giả sử khi đang ngồi thiền nghiêm chỉnh, vọng tưởng vào ngay mí mắt. Nó kéo hai con mắt xụp xuống khiến mình gục cái đầu, lát sau đưa qua đưa lại. Nếu không chấn chỉnh ngay, chấp nhận theo nó một cách dễ dàng thì nó sẽ dẫn mình đến chỗ khác. Gục gặc cái đầu tỏ ý đồng tình, một hồi nó kéo cái tay mình xuống rồi kéo luôn bồ đoàn ra. Nghĩa là vọng tưởng nó muốn mình ngồi ngủ nhưng vẫn bình thường không để ai biết. Một chút xíu vậy thôi nhưng nó đã dẫn mình đi vào sự gian dối. Bây giờ hai cái chân cản trở mình khiến đau quá. Nó xúi mình phải kéo hai cái chân ra ngồi cho thoải mái. Như vậy mà nó vẫn chưa chịu tha cho mình. Kéo hai cái chân rồi, nó bắt đầu kéo mình cúi sát xuống đất, có khi nằm luôn không dậy được. Đáng sợ chưa?

Vì vậy Hòa thượng Ân sư dạy chúng ta một điều quan trọng là phải làm chủ vọng tưởng. Nó vừa dấy lên liền buông, không chấp nhận, không để nó kéo lôi mình. Nó không đủ sức kéo mình, mình không điên đảo chạy theo nó thì vững vàng ngồi trên bồ đoàn. Con mắt trừng sáng lên, kiên quyết như vậy dần dần sẽ đuổi được ma ngủ. Đây là một việc làm khó, nhất là đối với các tân thiền sinh phải không?

Vọng tưởng vốn đã ngủ ngầm nhiều đời kiếp rồi. Bây giờ nó đưa mình đi từng đoạn đường thực tế theo yêu cầu của thân này. Khi ta ngồi nó bảo nằm, khi không cần ăn nó bảo ăn. Không bao giờ nó đồng tình, lúc nào cũng muốn dẫn mình đi theo kiểu khác. Tới giờ tụng kinh thì bảo mình làm biếng. Tới giờ tọa thiền thì bảo mình đau răng, nhức đầu. Nó đi guốc trong bụng mà mình không hay. Vọng tưởng có theo từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau, nhưng bản chất đều thêu dệt cho mình cuộc sống đằm thắm êm đềm. Từ đó thỏa mãn cái bản ngã riêng của mỗi người. Nếu chúng ta không chín chắn nhận chân được điều này thì mãi chấp nhận lao theo vọng tưởng.

Cho nên các thiền sư thường dạy chúng ta hãy sống trở về với chân tâm hiện tiền. Con đường chúng ta đi có nhiều ngã, nếu biết tùy thuận theo duyên thì ngã nào cũng dẫn đến chỗ thành tựu. Hy vọng chúng ta không bị vọng tưởng kéo lôi và nhất là không bao giờ để nó lừa mình.

Có cư sĩ ở Nam Dương tên Trương Phần đến hỏi:

- Được nghe Hòa thượng nói “vô tình thuyết pháp”, con chưa hiểu ý này, xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Sư đáp:

- Ông nếu hỏi vô tình thuyết pháp, hiểu vô tình kia mới được nghe tôi thuyết pháp. Ông chỉ nghe lấy vô tình thuyết pháp đi!

Tức là ông phải vô tình mới hiểu được cái vô tình thuyết pháp. Do đó Quốc sư bảo nghe lấy cái vô tình thuyết pháp đi.

- Chỉ nhằm hiện nay trong phương tiện của hữu tình, thế nào là nhân duyên của vô tình?

Trương Phần đã hiểu được ý của Quốc sư nên chuyển câu hỏi, bây giờ đang ở trong phương tiện của hữu tình, vậy nên hiểu nhân duyên của vô tình là sao? Quốc sư đáp:

- Hiện nay trong tất cả động dụng, nhưng hai dòng phàm thánh trọn không có ít phần khởi diệt, là ra khỏi thức, không thuộc có không, rõ ràng thấy giác, chỉ nghe không có tình thức buộc chấp kia. Cho nên Lục Tổ nói: “Sáu căn đối cảnh phân biệt mà không phải thức.”

Quốc sư giải thích, trong tất cả động dụng, phàm thánh không có khởi diệt là ra khỏi thức, không thuộc có không, rõ ràng thấy biết như vậy. Người được như thế là người nghe được vô tình thuyết pháp. Tóm lại, sáu căn đối cảnh phân biệt rõ ràng mà không phải thức. Nếu sống được như vậy tức nghe được âm thanh của pháp thân thanh tịnh.

Có vị tăng đến tham lễ, Sư hỏi:

- Ông chứa đựng sự nghiệp gì?

Tăng thưa:

- Giảng kinh Kim Cang.

- Hai chữ rốt đầu kinh là gì?

- Như thị.

- Là gì?

Tăng không đáp được.

Quốc sư có con mắt thật tinh nhuệ, qua cung cách tham lễ của vị tăng, Ngài nhận ra trong con người này biểu hiện có cái gì đó. Vì thế Ngài hỏi: Ông chứa đựng sự nghiệp gì? Có lẽ vị tăng gặp Ngài chỉ cúi đầu sơ sơ nên mới bị hỏi như vậy. Tăng thưa: Giảng kinh Kim Cang, do giảng kinh Kim Cang nên cái đầu cứng đơ, không chào hỏi được. Quốc sư lại hỏi: Hai chữ rốt đầu kinh là gì? Vị này trả lời: Như thị. Hỏi tiếp: Là gì? Tăng không đáp được.

Có người hỏi Sư:

- Thế nào là giải thoát?

Sư đáp:

- Các pháp không đến nhau, ngay đó là giải thoát.

- Làm sao đoạn được?

- Đã nói với ông các pháp không đến nhau, đoạn cái gì?

Vua Túc Tông hỏi:

- Thầy được pháp gì?

Sư đáp:

- Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?

- Thấy.

- Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc?

Nhà vua theo Quốc sư học pháp mười mấy năm rồi, nay hỏi thầy được pháp gì? Ngài lấy tay chỉ lên trời hỏi nhà vua thấy một mảnh mây trong hư không chăng? Vua đáp: Thấy. Quốc sư lại hỏi: Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc? Một mảnh mây trong hư không do bị đóng đinh hay ai cột dây mà nó dính? Vua hỏi tiếp :

- Thế nào là mười thân của Phật?

Sư đứng dậy hỏi:

- Hội chăng?

- Chẳng hội.

- Đem tịnh bình qua cho lão tăng.

Mười thân của Phật tức mười danh hiệu chỉ cho đức Phật, đó là: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Đức Phật nào khi thành chánh giác cũng đều đủ mười hiệu như vậy. Khi vua hỏi đến đây, Ngài đứng dậy hỏi: Hội chăng? Vua đáp: Chẳng hội. Ngài biểu hiện mười danh hiệu đó mà nhà vua không hiểu nên bảo: Đem tịnh bình qua cho lão tăng là một cách nói chuyển sang qua chuyện khác. Giờ vua không hiểu thì đem tịnh bình qua đây. Rất bình thường.

- Thế nào là vô tránh tam-muội?

- Đàn-việt đi đạp trên đảnh Tỳ-lô.

- Ý này thế nào?

- Chớ nhận thân này là pháp thân thanh tịnh.

Quốc sư nhắc nhở: Chớ nhận thân này là pháp thân thanh tịnh. Trong kinh cũng như lời các thiền sư luôn dạy rằng nơi chúng ta mỗi người đều có pháp thân, báo thân và hóa thân. Nhưng ở đây Ngài dặn chớ điên đảo mà nhận thân này là pháp thân thanh tịnh. Thực sự là như vậy đó. Bởi pháp thân không hình tướng, không sanh diệt, còn thân này là tứ đại duyên hợp, làm sao nó là pháp thân được.

Vua lại hỏi Sư. Sư đều không nhìn Vua. Vua bảo:

- Trẫm là thiên tử nước Đại Đường, tại sao Thầy không nhìn đến?

Sư đáp:

- Bệ hạ thấy hư không chăng?

- Thấy.

- Hư không có nhìn bệ hạ không?

Thật là một câu đáp đặc biệt!

Ngư Quân Dung hỏi:

- Thầy ở núi Bạch Nhai trong mười hai giờ tu thế nào?

Sư gọi một đứa trẻ đến, vò đầu nó, bảo:

- Tỉnh tỉnh hẳn vậy tỉnh tỉnh. Rõ ràng hẳn vậy rõ ràng. Về sau chớ bị người gạt.

Ngài ở trong núi tu suốt 40 năm, chợt có Phật tử hỏi thầy tu như thế nào mà yên ổn trong núi một thời gian quá lâu như vậy. Ngài trả lời cách tu của mình là: Tỉnh tỉnh hẳn vậy tỉnh tỉnh, rõ ràng hẳn vậy rõ ràng. Về sau chớ bị người gạt. Nghĩa là luôn luôn phải tỉnh, phải rõ ràng, không để vọng tưởng kéo lôi. Cũng vậy nếu có người đến hỏi, chúng ta có thể trả lời rằng “Ngồi thiền hẳn vậy ngồi thiền. Làm việc hẳn vậy làm việc. Không để bụi mê vọng tưởng kéo lôi”.

Một hôm, Sư hỏi Tử Lân Cung Phụng:

- Phật là nghĩa gì?

Cung Phụng thưa:

- Là nghĩa giác.

- Phật từng mê chăng?

- Chẳng từng mê.

- Dùng giác làm gì?

Cung Phụng không thể đáp được, hỏi lại Sư:

- Thế nào là thật tướng?

- Đem hư không lại!

- Hư không đâu thể đem được!

- Hư không còn không thể đem được, hỏi thật tướng làm gì?

Qua những cách đối đáp trên cho thấy Ngài là một bậc tôn đức xuất cách. Thiền sư đã vào được chỗ siêu xuất nên hỏi cách nào cũng trả lời xuôi, hợp đạo lý và đưa chúng ta trở về vị trí sống bình thường. Các ngài không để cho chúng ta có cơ hội dấy khởi niệm suy ngẫm, lao theo và trói buộc bởi những danh từ trong câu hỏi. Do vậy khi hỏi đến pháp thân, Phật tánh, pháp tướng, ngài đều trả lời một cách bình thường, đưa người hỏi trở về vị trí bình thường.

Vị trí bình thường bây giờ của chúng ta là “trời trưa nắng gắt, gánh nặng, đường xa, dốc ngược” nhưng chúng ta vẫn cứ đi. Nếu có nghỉ thì cũng tạm thời chứ không được quyền đứng lại nghĩ ngợi, như vậy mới tiến thẳng lên đỉnh được. Điều quan trọng là chớ có thêm bất cứ vật gì vào trong gánh của mình. Càng buông càng nhẹ và một lòng quyết tiến, không thối lui, không bỏ cuộc thì nhất định con đường đến với đạo lúc nào cũng sáng rỡ và rất gần với mình.

Sư thấy duyên hóa độ sắp mãn, giờ Niết-bàn sắp đến, bèn từ giã vua Đại Tông trở về núi.

Đại Tông hỏi:

- Thầy sau khi diệt độ, đệ tử sẽ làm gì để kỷ niệm?

Sư đáp:

- Bảo đàn-việt tạo một ngôi tháp Vô Phùng.

- Xin Thầy cho họa đồ?

Sư lặng thinh giây lâu hỏi:

- Hội chăng?

- Không hội.

- Bần đạo đi rồi có thị giả hiệu Ứng Chơn sẽ biết việc này.

Ngày mùng 9 tháng chạp năm Đại Lịch thứ 10 (775 TL), Sư nằm nghiêng bên hữu thị tịch. Đệ tử xây tháp cạnh cốc Đảng Tử thờ Sư. Vua sắc ban hiệu là Đại Chứng Thiền sư.

Thấy cơ duyên hóa độ sắp mãn, Quốc sư xin từ giã vua Đại Tông về núi. Ngài dặn dò nhà vua, sau khi Ngài tịch rồi, những hậu sự cần thiết xin hỏi thị giả Ứng Chơn, vị này biết mọi việc và sẽ hướng dẫn sắp xếp. Ngày mùng 9 tháng chạp, Ngài thị tịch. Đệ tử vâng lời xây tháp thờ cạnh cốc Đảng Tử trên núi Bạch Nhai. Vua ban thụy hiệu là Đại Chứng thiền sư.

Quốc sư Huệ Trung cùng với các thiền sư Hành Tư, Hoài Nhượng, Huyền Giác, Bổn Tịnh được coi là năm vị đại tông tượng trong hàng đệ tử của Lục Tổ Huệ Năng. Cuộc đời Ngài cao quý từ thuở nhỏ cho đến cuối đời. Khi mới sanh ra đã có thần tướng thanh thoát, sớm biết nương náu Phật pháp. Lớn lên giới đức công phu vang khắp cả kinh thành. Mười sáu năm trường sống trong kinh đô, làm thầy của vua nhưng không hề có sơ suất gì. Những lời Ngài dạy thật chí tình chí lý. Quốc sư Huệ Trung là một bậc thầy thâm trầm về đạo đức, vi diệu về đạo lý.

Qua hành trạng của Quốc sư, chúng ta ghi nhận được những điểm quan trọng cần thiết cho đời sống tu hành của mình. Thứ nhất, công phu tu hành của Ngài là bài học trân bảo quý giá vô cùng. Ngài ở trên núi Bạch Nhai yên tu hơn bốn mươi năm. Tuy ẩn tu nhưng danh đức lan truyền đến tận kinh đô. Ngài bắt đầu nổi tiếng từ khi vua Đường thỉnh về triều thuyết pháp, hướng dẫn cho vua quan và dân chúng tu hành. Chỉ việc này thôi chúng ta học cả đời không xong.

Dù hiện tại chúng ta đang yên vị ở một nơi nào đó nhưng thực sự trong lòng chưa hẳn yên vị. Vì thế còn nhiều băn khoăn, đang tu thiền đây nhưng xét lại không biết mình có duyên với pháp môn nào. Do vậy có người từ đâu tới nói theo tôi tu ba tháng thành gì đó, mình đi liền. Đó là tâm trạng của một số người trong thời đại hiện nay. Không phải chỉ những vị mới tu, có cả những vị đã tu hành trong Phật pháp trên hai mươi năm mà vẫn còn yếu đuối như vậy.

Hòa thượng Trúc Lâm nói, do vì chúng ta chưa quyết tử nên mới trôi nổi ngổn ngang. Qua gương hạnh của Quốc sư Huệ Trung, chúng ta nên đình chỉ tất cả ngổn ngang, rối ren trong lòng để thực sự bước vào chỗ yên vị. Nếu yên lòng tu hành một chỗ chừng năm năm, mười năm nhất định có đạo lực. Bởi đạo lực của một người chuyên tu năm năm, mười năm rất quý. Sở dĩ chư tăng ni trẻ ra làm Phật sự còn bị thất thoát mặt này mặt khác là chưa có thời gian yên vị. Sống trong chánh pháp mà chưa khẳng định được niềm tin thì lấy gì gieo rắc vào lòng người. Chúng ta phải sáng suốt nhìn nhận lại, khẳng định cho mình có được niềm tin nơi chánh pháp. Phật pháp không lừa gạt chúng sanh, chư tổ không hề nói dối chúng ta, chỉ có điều mình chưa quyết tử thôi.

Điểm thứ hai, tuy được vua mời về triều làm Quốc sư nhưng Ngài vẫn bình thường, không hề có thái độ khác lạ. Những câu hỏi đạo gần như kích bác nhưng Ngài vẫn đưa về một mối bình thường và khuyên gắng tu hành. Như câu chư thánh đều đủ hai thứ trang nghiêm (phước tuệ) đâu có bác không nhân quả, từ xưa đến nay chư Phật chư thánh, những người hành đạo đều đầy đủ phước và tuệ. Một cách hóa đạo hết sức bình thường. Tất cả các việc công đức phải tùy duyên thực hiện và nhất là phải ráng tu. Ở bất cứ nơi đâu nếu làm Phật sự có niềm vui, đời sống hài hòa với tất cả mọi người thì sự tu hành cũng như việc hướng dẫn đạo tràng được thành công. Cho nên có phước thì sắp đặt mọi việc như ý, có tuệ thì không dính mắc, do vậy giác ngộ giải thoát không khó.

Điểm thứ ba, mười sáu năm trong cung đình ở vị trí Quốc sư nhưng khi thấy cơ duyên hóa đạo sắp mãn, Ngài trở về núi. Bởi nơi kinh thành chỉ là chỗ tạm để hành đạo. Sự sống, quê hương vốn là chốn núi rừng thanh nhàn, đạm bạc. Đây là cách giúp chúng ta không rơi vào vướng mắc. Điều này các bậc thầy của chúng ta rất sợ nên thường xuyên khuyên răn. Bởi khi còn nhỏ trí tuệ chưa có bao nhiêu, học thiền, học những pháp môn siêu việt mà ra nói đạo e rằng nói sảng, làm điều quấy quá nên có tội phải đọa. Cẩn trọng.

Đó là những bài học quý giá từ Quốc sư Huệ Trung. Mong rằng chư huynh đệ trân quý và khắc ghi suốt cuộc đời tu hành của mình.
 

[ Quay lại ]