headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Thiên Nhiên (Đơn Hà)

tsdonha10. Thiền sư Thiên Nhiên (Đơn Hà)

(738 - 824)

Không biết Sư quê quán ở đâu, chỉ biết Sư trước học Nho đi vào Trường An ứng thí, dừng nghỉ ở nhà trọ, chợt mộng thấy hào quang trắng đầy nhà. Người chiêm mộng đoán: “Điềm hiểu Không”. Gặp một thiền khách hỏi:
- Nhân giả đi đâu?

Sư đáp:
- Đi thi làm quan.
- Thi làm quan đâu bằng thi làm Phật?
- Thi làm Phật phải đến chỗ nào?
- Hiện nay ở Giang Tây có Mã đại sư ra đời, là trường thi làm Phật, nhân giả nên đến đó.

Thiền sử không ghi rõ thiền sư Thiên Nhiên (Đơn Hà) tên gì, quê quán ở đâu, chỉ biết thuở nhỏ ngài học Nho. Một hôm ngài đi vào Trường An ứng thí, ghé nhà trọ nghỉ, đêm nằm mộng thấy hào quang trắng đầy nhà. Sáng ra có người đoán mộng rằng: “Điềm hiểu Không”, tức mộng thấy đạt được lý Không. Gặp một thiền khách hỏi đi đâu, Ngài đáp đi thi làm quan. Vị thiền khách giới thiệu Ngài đến trường thi làm Phật của Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây. Thời này thiền phong Giang Tây rất hưng thịnh, đứng đầu là thiền sư Đạo Nhất, nơi đây được xem là trường thi Phật.

Sư bỏ thi, tìm đến Giang Tây ra mắt Mã đại sư. Vừa thấy Mã đại sư, Sư bèn lấy tay giơ chiếc khăn trên đầu.

Mã Đại sư nhìn giây lâu bảo:

- Nam Nhạc Thạch Đầu là thầy của ngươi.

Sư từ giã Mã đại sư đi sang Thạch Đầu.

Đến Thạch Đầu, Sư cũng làm giống như ở Mã đại sư.

Thạch Đầu bảo:

- Ra nhà sau đi.

Sư lễ tạ xong, vào phòng cư sĩ, luân phiên làm bếp ngót ba năm.

Vừa trông thấy Mã đại sư, Ngài bèn lấy tay giơ chiếc khăn trên đầu, ý muốn xin được xuất gia. Biết duyên của Ngài ở Hồ Nam nên Mã đại sư dạy qua gặp thiền sư Thạch Đầu. Gặp thiền sư Thạch Đầu, Ngài cũng làm giống như ở chỗ Mã đại sư. Ngài Thạch Đầu chấp nhận nên bảo ra nhà sau. Sư lễ tạ xong, vào phòng cư sĩ, luân phiên làm bếp ngót ba năm. Một nho sĩ đi thi làm quan, bây giờ đến học đạo không được chỉ dạy gì, mà phải làm việc trong nhà bếp suốt ba năm. Đây thật là người có ý chí.

Một hôm Thạch Đầu bảo chúng:

- Ngày mai cắt cỏ ở trước điện Phật.

Sáng hôm sau, đại chúng mỗi người cầm liềm, cầm cuốc đến trước chùa làm cỏ. Chỉ riêng Sư lấy thau múc nước gội đầu, đến quỳ gối trước Hòa thượng. Thạch Đầu thấy thế cười, liền cạo tóc cho Sư. Cạo xong, Thạch Đầu lại vì Sư nói giới. Sư bịt tai ra đi.

Một hôm nhân ngày phổ thỉnh, toàn chúng làm cỏ trước điện Phật, riêng Ngài lấy thau múc nước gội đầu, đến quỳ gối trước ngài Thạch Đầu, Ngài cười và cạo tóc cho Sư. Như vậy thầy trò đã cảm thông nhau rồi. Khi cạo tóc xong, ngài Thạch Đầu định nói giới thì Sư bịt tai đi ra. Điều đó chứng tỏ Ngài đã sẵn đủ rồi, giới luật chỉ là phương tiện bên ngoài, không cần thêm gì nữa.

Sư trở lại Giang Tây yết kiến Mã đại sư. Chưa lễ ra mắt, Sư đi thẳng về tăng đường trèo lên cổ tượng Thánh tăng ngồi. Đại chúng kinh ngạc chạy báo cho Mã đại sư hay. Mã đại sư đích thân vào tăng đường trông thấy bèn nói:

- Con ta, Thiên Nhiên.

Sư bèn bước xuống đất lễ bái, thưa:

- Cảm tạ thầy ban cho pháp hiệu.

Mã đại sư hỏi:

- Từ đâu đến?

Sư thưa:

- Từ Thạch Đầu đến.

- Đường Thạch Đầu trơn, ngươi có té chăng?

- Nếu có trợt té thì chẳng đến đây.

Ngài trở lại Giang Tây chưa ra mắt Mã đại sư, liền đi thẳng đến tăng đường trèo lên cổ tượng Thánh tăng ngồi. Thật là hành động kỳ khôi khiến đại chúng hoảng hốt. Nhiều người không hiểu cho rằng đây là người ngỗ nghịch. Nhưng khi vừa thấy Ngài, Mã đại sư bèn nói: Con ta, Thiên Nhiên. Qua hành động, Tổ biết được đây là hạng người nào, nên biết người ngộ đạo rồi không chấp nơi hình tướng. Ngược lại, chúng ta thấy điều gì hơi vô lễ là chịu không nổi, phải không?

Ngài liền trèo xuống đảnh lễ: Cảm tạ thầy ban cho pháp hiệu. Thiên Nhiên là pháp danh của Mã đại sư ban cho ngài. Mã đại sư biết được nơi Thạch Đầu rất khó nên hỏi Sư có bị té không. Nếu có trợt té thì chẳng đến đây, tức Ngài đã lãnh hội được, đã làm thành vững vàng nên không còn bị té. Hai thầy trò đối đáp dường như không có gì hết nhưng trong đó chứa đầy đạo lý.

Từ biệt Mã Tổ, Sư đi dọc đường gặp một ông già dắt một đứa bé.

Sư hỏi:

- Ông nhà ở đâu?

Ông già đáp:

- Trên là trời, dưới là đất.

Sư bảo:

- Chợt gặp trời đổ đất sụp thì sao?

Ông già đáp:

- Trời xanh! Trời xanh!

Đứa bé: “Hư!” một tiếng.

Sư bảo:

- Không phải cha này chẳng sanh được đứa con kia.

Ông già dắt đứa bé vào núi mất.

Đọc xong đoạn đối đáp này, chúng ta thấy dường như không có đạo lý gì hết, nhưng thực sự những hình ảnh trong đây rất giàu ý nghĩa. Trong nhà thiền, hình ảnh một ông già hay một bà già dắt theo đứa bé thường là tượng trưng sự thị hiện của các vị đại sĩ. Hạnh nguyện của các ngài là đi vào đời cứu độ, giáo hóa chúng sanh cho nên thường thị hiện những con người rất gần gũi đời thường. Hỏi nhà ở đâu, ông già đáp: Trên là trời, dưới là đất nghĩa là đâu đâu cũng là nhà, không hề trói buộc một nơi chốn nào. Thênh thang, tự tại. Chợt gặp trời đổ đất sụp thì sao? Đáp: Trời xanh! Trời xanh! Mênh mông bát ngát, dù cho đất trời bại hoại nhưng vẫn còn một cái bất sanh bất diệt trường tồn vĩnh cửu. Đứa bé “Hư!” một tiếng. Rất độc đáo. Ngay đó Ngài khen: Không phải cha này chẳng sanh được đứa con kia.

Chúng ta thấy ở bất cứ nơi đâu, bao giờ cũng có các vị Bồ-tát xung quanh mình. Vừa bước lên điện Phật đã thấy Bồ-tát Văn-thù tay cầm kiếm lửa, Bồ-tát Phổ Hiền tay cầm cuốn kinh, ý muốn nhắc nhở chúng ta phải siêng năng tu tập chớ nhút nhát, lười biếng. Chúng ta phát đại tâm Bồ-đề trùm khắp và luôn biết sống trong sự hỗ trợ của vô lượng vô lượng chư vị thánh, Bồ-tát thì nhất định chúng ta thành tựu.

Sư đi du phương, đến núi Thiên Thai, chót Hoa Đảnh dừng ở ba năm. Sau đó, Sư viếng những nơi như Kính Sơn yết kiến thiền sư Quốc Nhất. Đời Đường khoảng niên hiệu Nguyên Hòa (806 - 821 TL), Sư đến núi Hương Sơn ở Long Môn - Lạc Kinh làm bạn với hòa thượng Phục Ngưu. Sư lại đến chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời đại hàn, Sư bèn thỉnh tượng Phật gỗ đốt để hơ, Viện chủ Hướng trông thấy quở:

- Sao đốt tượng Phật của tôi?

Sư lấy gậy bới tro nói:

- Tôi thiêu để lấy xá-lợi.

Viện chủ bảo:

- Phật gỗ làm gì có xá-lợi?

Sư nói:

- Đã không có xá-lợi thì thỉnh thêm hai vị nữa thiêu.

Viện chủ nghe câu nói này tất cả chấp đều tan vỡ.

Thật quá sức tưởng tượng! Chỉ có người đạt đạo mới dám làm việc này. Các ngài thường hay dùng những cử chỉ, hành động siêu xuất khó hiểu làm phương tiện dẫn dắt chúng ta trở về cái chân thật nơi mình.

Khi thấy Ngài đốt tượng Phật, Viện chủ bực mình hỏi: Sao đốt tượng Phật của tôi? Ngài đứng dậy lấy gậy bới trong đám tro nói để tìm xá-lợi. Viện chủ chưa nhận ra được ý của Ngài nên bảo: Phật gỗ làm gì có xá-lợi. Ngài đáp: Đã không có xá-lợi thì thỉnh thêm hai vị nữa thiêu. Đây là tiếng sét đánh ngang màng tai khiến Viện chủ tỉnh ngộ. Ông rất quý kính các đồ vật trong chùa, ngày ngày chỉ lo quét dọn lau chùi, cho việc kính phụng, lo lắng, săn sóc già-lam làm sự nghiệp tu hành. Vì thế bị chìm sâu trong phương tiện. Cho nên càng tu càng mắc kẹt, chưa thể ngộ đạo.

Hành động táo bạo của thiền sư Thiên Nhiên Đơn Hà đã đánh tan tất cả kiến chấp của ông, do đó trong nhà thiền có câu “Đơn Hà thiêu tượng Phật, Viện chủ rụng lông mày” (Đơn Hà thiêu mộc Phật, Viện chủ lạc mi mao). Việc làm của Ngài ban đầu thấy như không bình thường, tỉnh táo nhưng thực ra đây là con người siêu việt, không còn câu thúc trong những hình thức tầm thường.

Chúng ta có đầy đủ duyên lành, được gặp thiện tri thức tế độ, cho thế phát xuất gia, truyền giới, điều kiện nhân duyên tu học đầy đủ nhưng tất cả chỉ là hình thức. Vấn đề cốt yếu là làm sao sáng được việc của mình, làm sao ngộ đạo, giải quyết được việc sanh tử. Điều này khi xưa Hòa thượng Trúc Lâm đã từng dạy, những người hữu duyên đến học thiền với Ngài phải xác định chủ đích tu học là làm chủ được sanh tử. Cho nên Ngài tùy hỷ khi đệ tử tùy duyên đi khắp nơi, miễn sao sáng được việc lớn. Chúng ta phải luôn tâm niệm phổ vào đời sống của mình đại nguyện giải quyết sanh tử. Ngay trong hiện tại phải làm chủ được mình và lúc nào cũng tự tại. Giải quyết được tất cả phiền não, buồn vui tức khắc không còn dính dáng.

Nếu kiên tâm quyết chí, dứt khoát như vậy, chẳng bao lâu tất cả những phiền muộn sẽ không còn, chỉ thông thống trước mắt một niềm vui và sự tinh tấn phi thường. Khi đó chúng ta sẽ thấy không còn đủ thời gian để tu tập hoặc nghĩ ngợi những chuyện vô nghĩa, chỉ một tâm niệm tỉnh giác và tinh tấn.

Một hôm, Sư đến yết kiến Quốc sư Huệ Trung, trước hỏi thị giả:

- Quốc sư có ở nhà chăng?

Thị giả bảo:

- Ở nhà thì ở mà không thấy khách.

Sư bảo:

- Rất sâu xa thay!

Thị giả bảo:

- Mắt Phật cũng nhìn chẳng thấy.

Sư khen:

- Rồng sanh rồng con, phụng sanh phụng con.

Quốc sư ngủ dậy, thị giả thuật lại, Quốc sư đánh thị giả hai chục gậy đuổi ra.

Sư nghe việc ấy bèn nói:
- Không lầm là Nam Dương Quốc sư.

Quốc sư Huệ Trung là vị đệ tử đời thứ nhất của Lục tổ Huệ Năng, cũng là hàng sư thúc của Ngài. Đây là một nhân vật đặc biệt, suốt 40 năm tu hành trên núi, sau được vua thỉnh về triều làm Quốc sư, tùy duyên giáo hóa trong 16 năm không hề có sơ suất.

Khi Ngài đến yết kiến Quốc sư, hỏi thị giả: Quốc sư có ở nhà chăng? Câu hỏi thật thà bình thường, nhưng thị giả trả lời phi thường: Ở nhà thì ở mà không thấy khách. Câu nói này rất thâm trầm. Ông chủ nhà không bao giờ vắng nhưng bây giờ sáu căn đóng cửa nên không thấy khách. Nghe xong Ngài khen: Rất sâu xa thay! Thị giả tiếp lời: Mắt Phật cũng nhìn chẳng thấy. Câu này làm sáng tỏ ý trên, cái đó không tên, ngay cả mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy. Vì thế Ngài khen: Rồng sanh rồng con, phụng sanh phụng con.

Sự việc tưởng đã xong nhưng khi Quốc sư ngủ dậy nghe thị giả thuật lại liền đánh hai mươi hèo rồi đuổi ra. Tại sao thị giả lại bị ăn đòn? Vì đã làm lộ chỗ đặc biệt của thầy tổ. Trong nhà thiền rất cấm kỵ điều này. Theo như luật trong thiền môn, khi có người đến hỏi đạo, thầy trả lời cũng không để người nghe thấy hiểu. Nếu đệ tử nghe hiểu rõ ràng cũng không có quyền nói. Thà để cho người ta chết trong cái nghi chứ không cho nói. Nói là bị ăn đòn. Nhưng ở đây thị giả lanh lợi quá, vì thế phải chịu đòn. Đây là điểm đặc biệt trong nhà thiền. Do đó Ngài khen: Không lầm là Nam Dương Quốc sư.

Hôm sau, Sư lại đến yết kiến Quốc sư, thấy Quốc sư, Sư bèn trải tọa cụ. Quốc sư bảo:

- Chẳng dùng, chẳng dùng.

Sư bước lui. Quốc sư bảo:

- Như thế, như thế.

Sư tiến lại trước. Quốc sư bảo:

- Chẳng phải, chẳng phải.

Sư đi quanh Quốc sư một vòng rồi lui ra. Quốc sư bảo:

- Cách Phật đã xa người nhiều lười biếng, ba mươi năm sau tìm kẻ này lại khó được.

Thông thường những người đã vào được cửa, khi nhận hiểu rồi sẽ dùng hành động thay lời nói để biểu hiện chỗ đến của mình. Người sáng đạo thấy học nhân đến cầu đạo liền biết người đó như thế nào. Cho nên ngài Đơn Hà tới không nói gì, trải tọa cụ ngồi. Quốc sư biết Ngài đã xong việc nên bảo chẳng dùng, chẳng dùng. Ngài liền bước lui. Như thế, như thế nghĩa là đúng rồi. Ngài tiến lại trước, Quốc sư bảo chẳng phải, chẳng phải tức được rồi, đã xong việc rồi thì còn tiến lại làm gì nữa. Sư đi quanh Quốc sư một vòng rồi lui ra, đây là nghi thức thể hiện sự kính trọng đối với các bậc tôn đức. Quốc sư khen, thời nay cách Phật đã xa nhiều người lười biếng, kẻ đạt được như vậy ít gặp. Lối khen của các ngài rất kín đáo ẩn mật, chứ không như chúng ta bây giờ, khen làm cho người khác trở thành ngã mạn.

Sư đến thăm cư sĩ Bàng Uẩn, thấy con gái Bàng Uẩn là Linh Chiếu đang rửa rau, Sư hỏi:

- Cư sĩ có nhà chăng?

Linh Chiếu buông rổ rau xuống, đứng khoanh tay.

Sư lại hỏi:

- Cư sĩ có nhà chăng?

Linh Chiếu bèn bưng rổ rau lên đi thẳng.

Sư bèn trở về. Chốc lát sau, Bàng Uẩn về. Linh Chiếu đem việc vừa rồi thuật lại. Bàng Uẩn hỏi:

- Đơn Hà ở đâu?

Linh Chiếu thưa:

- Đã về.

Bàng Uẩn bảo:

- Con lấy đất đỏ nặn trâu.

Gia đình cư sĩ Bàng Uẩn có bốn người. Khi ông lên núi cất am, người con gái tên Linh Chiếu theo lo cho cha, còn người con trai ở dưới đất cày ruộng nuôi mẹ. Cô Linh Chiếu là một người rất lanh lợi.

Gặp cô Linh Chiếu đang rửa rau, Ngài hỏi: Cư sĩ có nhà chăng? Cô không đáp mà buông rổ rau xuống, đứng khoanh tay. Ngài lại hỏi: Cư sĩ có nhà chăng? Cô bèn bưng rổ rau lên đi thẳng. Ngài trở về, vì biết Bàng Uẩn không có nhà. Linh Chiếu không đối đáp mà đối đáp. Rất độc đáo, phải không? Lát sau Bàng Uẩn về, cô thuật lại việc hồi nãy. Ông hỏi: Đơn Hà ở đâu? Cô đáp: Đã về. Ông bảo: Con lấy đất đỏ nặn trâu, tức quở con gái làm chuyện trò đùa của con nít.

Lại một hôm, Sư đến thăm Bàng Uẩn, vừa đến cửa gặp nhau. Sư hỏi:

- Cư sĩ có nhà chăng?

Bàng Uẩn đáp:

- Đói chẳng chọn thức ăn.

Cư sĩ Bàng Uẩn cũng là đệ tử của Mã đại sư, là huynh đệ với Ngài. Hai vị có thể coi là đối thủ tương xứng nhau. Gặp Bàng Uẩn ngoài cửa, vậy mà Ngài vẫn hỏi: Cư sĩ có nhà không? Đây chính là gạn hỏi đến chỗ cốt yếu, thân ở đây nhưng tâm có thực sự ở đây không. Trong nhà thiền, khi đã nhận được tâm thì phải luôn luôn thấy nó, không bao giờ vắng mặt. Không thấy nó vắng mặt tức là chủ nhân không vắng nhà. Bàng Uẩn đáp: Đói chẳng chọn thức ăn. Nghĩa là sao? Bữa nào chúng ta đói bụng quá, lên bàn ăn chỉ biết ăn cho nhanh. Lúc đó không còn lựa chọn phân biệt cái nào ngon, cái nào dở nữa, phải không?

Sư lại hỏi:

- Bàng công có nhà chăng?

Uẩn đáp:

- Trời xanh! Trời xanh!

Nói xong Bàng Uẩn vào nhà. Sư nói:

- Trời xanh! Trời xanh!

Nói xong Sư trở về.

Ngài muốn xác nhận lại xem Bàng Uẩn có hằng sống được với cái đó không nên hỏi tiếp: Bàng công có nhà chăng? Đáp: Trời xanh! Trời xanh! Tức là không khi nào ra khỏi cái đó. Nói xong Bàng Uẩn đi vào nhà. Bấy nhiêu đó vừa đủ đâu cần gì nữa, nên Ngài nói theo: Trời xanh! Trời xanh! ,rồi ra về.

Hôm sau, Sư lại đến Bàng Uẩn, Sư bảo:

- Hôm qua thấy nhau đâu giống ngày nay.

Uẩn đáp:

- Đúng pháp nhắc lại việc hôm qua để làm con mắt quý.

- Chỉ như con mắt quý lại xem đến Bàng công chăng?

- Tôi ở trong con mắt của Thầy.

- Con mắt tôi chật hẹp chỗ nào an thân?

- Là con mắt gì chật? Là thân nào an?

Sư thôi bỏ đi.

Hôm sau Ngài lại đến thăm cư sĩ Bàng Uẩn. Hai người đàm đạo thấy như nói chuyện chơi nhưng trong đó tràn đầy đạo lý, không thiếu thốn gì.

Ngài bảo: Hôm qua thấy nhau đâu giống ngày nay. Bàng Uẩn đáp: Đúng pháp nhắc lại việc hôm qua để làm con mắt quý, tức là nhắc lại chuyện hôm qua một cách đúng pháp để làm con mắt cho người sau. Chỉ như con mắt quý lại xem đến Bàng công chăng? Đáp: Tôi ở trong con mắt của Thầy, nghĩa là nếu mỗi người có một cái đầy khắp thì có gì là không đầy khắp. Khi đã thấy như vậy rồi thì có ai ngoài ai đâu. Vì vậy Bàng Uẩn nói tôi ở trong con mắt của thầy. Ngài liền dùng nghĩa thường của con mắt gạn lại: Con mắt tôi chật hẹp chỗ nào an thân? Ngay đó Bàng Uẩn xác nhận: Là con mắt gì chật? Là thân nào an? Ngài liền thôi, bỏ đi. Ngay đó không phải là con mắt, không phải là tướng bên ngoài.

Bàng Uẩn nói:

- Lại nói lấy một câu là được tròn lời này.

Sư vẫn không nói. Bàng Uẩn lại nói:

- Tựu trung một câu cũng không người nói được.

Lại nói lấy một câu là được tròn lời này, đến chỗ đó là đủ rồi nên đâu còn gì có thể nói được. Tựu trung một câu cũng không người nói được, tuy không nói được nhưng đã là nói được rồi, còn nếu cố gắng nói, lại càng nói không được. Chỗ này không cần phải nói, vì nói thêm là sai. Các bậc tu hành đạt đạo luôn vận dụng, hiện hữu sống và tuyên dương chánh pháp cũng từ chỗ đó.

Đời Đường niên hiệu Nguyên Hòa thứ 3 (808 TL), một hôm, Sư nằm ngang trên cầu Thiên Tân. Hội lưu thú là Trịnh Công ra đuổi mà Sư không dậy. Trịnh Công gạn hỏi duyên do. Sư chậm rãi đáp:

- Tăng vô sự.

Trịnh Công lấy làm lạ, phát tâm dâng hai bó lụa và hai áo ngắn. Từ đây mỗi ngày, Trịnh Công thường dâng cúng gạo, bún. Dân chúng ở kinh đô Lạc Dương đồng quy kính Sư.

Vô sự nên muốn làm gì thì làm, muốn nằm đâu thì nằm, đâu có ngại cái gì, phải không? Ngài hiên ngang nằm trên cầu Thiên Tân, bị đuổi đi mà phong thái rất bình thản đáp: Tăng vô sự. Chữ “vô sự” hay vô cùng. Không phải thấy công việc cực nhọc, không muốn làm rồi nói “tăng vô sự”. Làm tất cả việc mà vẫn vô sự, không toan tính không nghĩ ngợi chi cả, ấy là tăng vô sự. Thấy phong thái của Ngài như vậy, Trịnh Công kính phục dâng cúng phẩm vật mỗi ngày. Dân chúng ngày càng quy hướng về Ngài.

Đến niên hiệu Nguyên Hòa thứ 15 (820 TL) vào mùa xuân, Sư bảo đồ đệ:

- Ta nhớ suối rừng, chỗ gửi thân ngày già.

Môn đệ sai Tề Tịnh Phương đến Nam Dương núi Đơn Hà cất am cúng dường. Sư về núi Đơn Hà khoảng ba năm, những người học đạo tìm đến tham học số thường đến ba trăm. Chúng xây cất thành viện lớn.

Đến lúc sắp tịch, Ngài muốn trở về núi. Đệ tử đến núi Đơn Hà xây am cúng dường, từ đây dân chúng gọi là thiền sư Đơn Hà. Nhân duyên hóa đạo của Ngài ngày thêm mở rộng cho nên từ am thất nhỏ đã trở thành viện lớn. Giống như hồi xưa trên núi Tao Phùng, thiền viện Chơn Không chỉ là rừng tre núi đá. Sau đó, Hòa thượng Ân sư xây Pháp Lạc thất, chỉ có một thầy và một thị giả thổi lửa nấu bếp. Dần dần pháp hội được mở rộng. Tuy hoàn cảnh thời đó khó khăn là vậy nhưng người đến học đạo rất nhiều, ngày đó cả những cụ già cũng đến nghe pháp. Tôi hỏi thăm: “Cụ nghe có hiểu không? Bà đáp: “Hiểu, ông thầy giảng vui quá!”

Sư thượng đường dạy chúng:

- Tất cả các ngươi đều phải bảo hộ một vật linh, chẳng phải các ngươi tạo tác danh mạo, lại nói gì là tiến cùng chẳng tiến. Ta ngày xưa yết kiến Hòa thượng Thạch Đầu cũng chỉ dạy cần phải tự bảo hộ. Việc này không phải tự các ngươi nói bàn mà được.

Ngài dạy chúng ta phải bảo hộ một vật linh, tức là bảo hộ tâm thể của mình. Cái đó không phải là danh mạo, cũng không hình tướng thì làm sao có tiến hay không tiến. Tổ Bồ-đề-đạt-ma gọi nó là linh giác. Nghĩa là tánh giác linh diệu sẵn có trong mỗi chúng sanh, cũng chỉ cho trí tuệ linh diệu không thể nghĩ bàn. Ngày xưa thiền sư Thạch Đầu cũng dạy Ngài phải tự bảo hộ cái đó. Đây là việc không thể đem ra luận bàn mà được.

Tất cả mỗi người các ngươi đều tự có một chỗ đất ngồi, lại nghi cái gì? Thiền đâu phải là vật để các ngươi hiểu, đâu có Phật khá thành. Một chữ Phật hằng không thích nghe. Các ngươi tự xem, thiện xảo phương tiện từ bi hỷ xả chẳng phải từ ngoài được, chẳng dính một tấc vuông, thiện xảo là Văn-thù, phương tiện là Phổ Hiền.

Trên đã nói mỗi chúng ta đều có sẵn một vật linh, dưới lại nói mỗi người đều tự có một chỗ đất ngồi, tức chỉ cho tâm thể rỗng rang sáng suốt. Vậy thì đâu có gì để nghi nữa. Chỗ đất ngồi này chính là khoảng đất an nhàn, trong nhà thiền gọi là “nhàn điền địa”. Cả hai cái đó đều gọi là Phật, Đạo hoặc Thiền. Ở đây Ngài gọi là Thiền. Thiền đâu phải là vật để các ngươi hiểu, đâu có Phật khá thành, thiền là cái linh giác đó chứ không phải là một vật hình thức, cho nên đâu có thể hiểu.

Hơn nữa đâu có Phật có thể thành, vì thiền đó chính là Phật, là Đạo rồi. Nó đã sẵn có như vậy thì nói thành là thành cái gì? Cho nên một chữ Phật hằng không thích nghe, tức là không thích nghe theo danh tự mà phải luôn sống được với ông Phật hằng tồn bên trong. Thiện xảo là Văn-thù, tức nói đến trí tuệ khéo léo. Phương tiện là Phổ Hiền, tức các phương tiện đắc dụng. Hai cái đó sẵn có nơi mỗi chúng ta, chứ không phải ở bên ngoài được.

Các ngươi lại nghĩ tìm đuổi vật gì? Chẳng cần hằng cầu, chẳng rơi vào không. Học giả thời nay lăng xăng lộn xộn cho là tham thiền hỏi đạo. Ta dạo này không đạo có thể tu, không pháp có thể chứng, miếng ăn thức uống mỗi cái tự có phần, đâu cần phải nghi ngờ. Mỗi nơi mỗi chỗ có cái gì?

Khi Ngài đã thực sự giác ngộ rồi thì không thấy có đạo để tu, không thấy có pháp để chứng. Cho nên mỗi khi ăn uống đều an nhàn, thanh tịnh, không nghi ngờ gì hết. Vì thế luôn hằng sống được với tánh linh giác.

Nếu biết Thích-ca tức là ông già phàm phu, các ngươi phải tự xem xét lấy. Chớ để một người mù dẫn đám mù kéo nhau rơi vào hầm lửa, đêm tối hai đường, màu sắc mập mờ. Vô sự, trân trọng!

Nếu biết Thích-ca tức là ông già phàm phu, các ngươi phải tự xem xét lấy. Tại sao Ngài lại nói vô lễ như vậy? Ý muốn nói ở đây là thân tướng của đức Thích-ca, thân tướng ấy bị vô thường sanh diệt chi phối, tất nhiên là phàm phu rồi. Thân tướng của chúng ta cũng chỉ là sự kết hợp giả tạo của bốn đại, rồi nó sẽ bại hoại. Nhưng trong đó có cái phi phàm, tức tánh giác bất sanh bất diệt. Nếu nhận ra được cái phi phàm nơi đức Phật, chúng ta sẽ thấy được tánh giác nơi chính mình. Đó là điều chính yếu.

Cách dạy thiền của các thiền sư là như vậy. Tâm thể vốn rỗng rang sáng suốt, nếu có hiện tượng gì chỉ là duyên bên ngoài. Cho nên chớ lầm chạy theo hình thức rồi bày chuyện này chuyện nọ. Vì thế nói Chớ để một người mù dẫn đám mù kéo nhau rơi vào hầm lửa, đêm tối hai đường, màu sắc mập mờ. Nếu không thấy tánh giác thì chẳng khác nào một người mù dẫn đám mù kéo nhau rơi vào hầm lửa. Vì không thấy được bản tâm cho nên đường tu mờ mịt, chánh tà không thông. Do đó phải hết sức thận trọng.

Có vị tăng đến tham học, vừa tới chân núi gặp Sư, tăng hỏi:

- Núi Đơn Hà phải đi đường nào?

Sư chỉ núi bảo:

- Chỗ xanh sâm sẩm.

Tăng thưa:

- Chớ chỉ cái ấy là phải sao?

Sư bảo:

- Thật sư tử con, một phen khêu động liền nhảy.

Chỗ xanh sâm sẩm cũng tương tợ Trời xanh! Trời xanh! Đó là hình ảnh dụ cho pháp thân thanh tịnh. Vị tăng nghe qua liền biết ý Ngài muốn chỉ cái đó. Nhưng nếu chỉ như vậy thì nó đã có hình tướng rồi, cho nên nói Chớ chỉ cái ấy là phải sao? Ngài khen: Thật sư tử con, một phen khêu động liền nhảy, thật xứng đáng là chú sư tử con tài giỏi.

Cách dạy của các ngài thường chỉ thẳng chỗ tột cùng, nếu còn hỏi nữa sẽ đáp: “Trời xanh! Trời xanh!” hoặc “Hư! Hư!” để cho chúng ta nhận lại cái chân thật nơi mình, mọi mộng mơ đều tan biến. Tất cả pháp đều là duyên sanh không thật, thân là duyên sanh không thật, tâm là bóng dáng của sáu trần nên cũng không thật. Chúng ta nhận được cái không thật đó thì lòng luôn rỗng rang sáng suốt, có gì để vướng mắc, khổ lụy?

Sư hỏi vị tăng:

- Nghỉ ở đâu?

Tăng thưa:

- Nghỉ dưới núi.

- Ăn cơm chỗ nào? Người đem cơm cho Xà-lê ăn có đủ mắt không?

Tăng không đáp được.

Ngài ban rải ân tình một cách rất bình thường, hỏi han đệ tử nghỉ ngơi ở đâu, ăn cơm chỗ nào. Tựu trung trong mọi oai nghi cử động làm sao phải sáng đạo, đây là chỗ chí yếu. Dù đi hành cước đông tây thưa hỏi Phật pháp nhưng trong mọi thời lúc luôn hằng nhớ ông chủ của mình. Ngay trong những chuyện đời thường như ăn uống, đi đứng, tiếp xúc với mọi người xung quanh, có thấy rõ cái đó hay chưa? Lời dạy chí thiết này chúng ta nên ghi nhớ.

Niên hiệu Trường Khánh năm thứ 4 (824 TL) ngày 23 tháng 6, Sư gọi đệ tử bảo:

- Lấy nước nóng tắm, ta sắp đi đây.

Tắm xong, Sư đội mũ mang giày cầm trượng, duỗi một chân chưa đến đất liền tịch, thọ 86 tuổi. Vua sắc phong là Trí Thông thiền sư, tháp hiệu Diệu Giác.

Sư có làm hai bài “Ngoạn Châu Ngâm”, hiện còn lưu hành.

Ngài ra đi rất nhẹ nhàng, an tịnh. Đến lúc cuối đời mà công phu vẫn tròn đầy, viên mãn. Sau Vua ban thụy hiệu là Trí Thông thiền sư, tên tháp thờ là Diệu Giác.

Qua cuộc đời Ngài, chúng ta đón nhận được yếu chỉ của chư vị thiền tổ một cách chắc thực, để cố gắng tu cho hết khổ được an vui. Làm sao sanh tử tự tại ngay bây giờ. Không mong cầu một thế giới hay một vị Phật nào đón rước mình. Phải tự gầy dựng một chủ lực vững niềm tin và tự tại đi trên con đường mình đã chọn. Đó mới là việc chánh yếu của người tu.



 

[ Quay lại ]