headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/11/2024 - Ngày 19 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

HÀNH TRẠNG THIỀN SƯ TRUNG HOA: Thiền sư Duy Nghiễm (Dược Sơn)

tsduocson Thiền sư Duy Nghiễm (Dược Sơn)
(751 – 834)

Sư họ Hàn, quê ở Ráng Châu. Năm 17 tuổi, Sư theo thiền sư Huệ Chiếu ở Tây Sơn - Triều Dương xuất gia. Đời Đường niên hiệu Đại Lịch thứ 8 (774 TL), Sư thọ đại giới nơi luật sư Hy Tháo ở Hoành Nhạc. Sư học thông kinh luận, nghiêm trì giới luật. Một hôm, Sư tự than: “Đại trượng phu phải rời pháp tự tịnh, đâu thể theo việc vụn vặt, làm hạnh áo khăn này.”

 Thiền sư Dược Sơn xuất gia lúc còn nhỏ tuổi, thông thạo kinh luận, nghiêm trì giới luật. Điều này cho thấy Sư là một vị tỳ-kheo tu hành chân chánh nhưng vì chưa sáng đạo nên không thể an nhiên qua ngày. Theo việc vụn vặt, làm hạnh áo khăn, lời than của Ngài thể hiện khí phách của bậc xuất thế gian đúng như hình ảnh cao đẹp của người xuất gia tu đạo trong bài cảnh sách của thiền sư Quy Sơn: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương...”

Sư tìm đến Thiền sư Hy Thiên (Thạch Đầu) hỏi:
- Đối tam thừa mười hai phần giáo, con còn hiểu biết thô sơ, đến như thường nghe phương Nam nói: “Chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”, thật con mù mịt. Cúi mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Sự khiêm cung, chân thật của ngài Duy Nghiễm bộc lộ qua lời thỉnh cầu trước thiền sư Hy Thiên. Dù làu thông tam tạng kinh điển, nhưng đối trước một bậc đại sư, Ngài đã thể hiện tâm cần cầu đạo pháp, mong muốn tiến thẳng vào chỗ chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật như Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma đã từng nói.

Thiền sư Hy Thiên bảo:
- Thế ấy cũng chẳng được, không thế ấy cũng chẳng được, thế ấy không thế ấy đều chẳng được, ngươi làm sao?

Sư mờ mịt không hiểu.
Thiền sư Hy Thiên bảo:
- Nhân duyên của ngươi không phải ở đây, hãy đến chỗ Mã đại sư.

Ngài Hy Thiên ở Hồ Nam, ngài Đạo Nhất ở Giang Tây là hai bậc tông sư nổi tiếng bậc nhất đương thời. Các hành giả xuất gia với hoài bão ngộ nhập tri kiến Phật thường tìm đến tham học với một trong hai vị đại sư. Ngài Dược Sơn đến với thiền sư Hy Thiên nhưng không nhận được ý chỉ, nên được chỉ đến Giang Tây học với Mã đại sư.

Sư vâng lệnh đến yết kiến thiền sư Đạo Nhất. Sư thưa lại câu đã thưa với thiền sư Hy Thiên.
Thiền sư Đạo Nhất bảo:

- Ta có khi dạy y nhướng mày chớp mắt, có khi không dạy y nhướng mày chớp mắt; có khi nhướng mày chớp mắt là phải, có khi nhướng mày chớp mắt là không phải, ngươi làm sao?
Ngay câu nói này, Sư liền khế ngộ, bèn lễ bái.

Rõ ràng Ngài có duyên thầy trò với Mã Tổ. Hai câu hỏi này tuy lời khác nhau nhưng ý không khác. Đó là đừng chấp vào các hình thức bên ngoài. Đến đây cơ duyên chín muồi nên nhân câu nói này ngài Duy Nghiễm liền nhận được yếu chỉ.

Thiền sư Đạo Nhất hỏi:
- Ngươi thấy đạo lý gì lễ bái?

Sư thưa:
- Con ở chỗ Thạch Đầu như con muỗi đậu trên trâu sắt.

Thiền sư Đạo Nhất bảo:
- Ngươi đã biết như thế, tự khéo gìn giữ.
Sư ở đây hầu hạ ba năm.

Con muỗi đậu trên trâu sắt là sao? Chỗ này nếu suy nghĩ vào câu chữ thì không thể nào thấy được. Ngài nói một câu không cho dính bên này bên kia, cũng không trả lời thẳng câu hỏi của Mã Tổ, khiến cho học nhân không có chỗ vin, bặt mọi nghĩ suy. Như con cá kiểng bơi trong hồ không cho đụng bên này, không cho đụng bên kia, cũng không sát tới đáy. Đạo lý là ở chỗ đó.

Một hôm thiền sư Đạo Nhất hỏi:
- Ngày gần đây chỗ thấy của ngươi thế nào?

Sư thưa:
- Da mỏng da dày đều rớt sạch, chỉ có một chân thật.

Thiền sư Đạo Nhất bảo:
- Sở đắc của ngươi đã hợp với tâm thể, khắp hết tứ chi. Đã được như thế, nên đem ba cật tre cột da bụng, tùy chỗ ở núi đi.

Sau khi được ấn chứng, Ngài tới lui hầu thầy lúc nào cũng khế hợp. Một khi đã biết được chỗ vào thì đi đứng nằm ngồi cũng chỉ hành trì một pháp. Đó là ngoài không dính các duyên, trong tâm không dấy động, làm muôn việc muôn sự mà vẫn rảnh rang, tự tại. Vì thầy trò đã tâm đắc, nên khi xá chào thầy hoan hỷ nhận, bưng nước đến thầy hoan hỷ dùng, thưa hỏi thầy hoan hỷ trả lời. Tất cả mọi việc đều là diệu dụng.

Sư Duy Nghiễm miên mật hành trì như lời ngài Đạo Nhất chỉ dạy được ba năm thì đến được chỗ da mỏng da dày đều rớt sạch, chỉ có một chân thật. Đến lúc đó Mã Tổ dạy Sư phải phát chí làm việc vì lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Sư thưa:
- Con là người gì dám nói ở núi?

Thiền sư Đạo Nhất bảo:

- Chẳng phải vậy, chưa có thường đi mà chẳng đứng, chưa có thường đứng mà chẳng đi, muốn lợi ích không chỗ lợi ích, muốn làm không chỗ làm, nên tạo thuyền bè, không nên ở đây lâu.
Sư từ giã Mã Tổ trở về Thạch Đầu.

Lợi ích không chỗ lợi ích, làm không chỗ làm nghĩa là làm với tâm buông bỏ hết ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, chỉ một lòng phục vụ tha nhân. Ý Mã Tổ muốn Sư mở mang việc hoằng hóa. Tổ còn dạy Sư trở lại với vị thầy xưa là thiền sư Hy Thiên ở Thạch Đầu.

Một hôm Sư ngồi trên cục đá, Thạch Đầu trông thấy hỏi:
- Ngươi ở đây làm gì?

Sư thưa:
- Tất cả chẳng làm.

- Tại sao ngồi yên?

- Nếu ngồi yên tức làm.

- Ngươi nói chẳng làm, chẳng làm cái gì?

- Ngàn thánh cũng không biết.

Là một con người xuất cách nên chỉ qua một thời gian, ngài Duy Nghiễm nhận được yếu chỉ Phật pháp và biểu hiện được đời sống của người đã khế ngộ tâm tông. Tất cả chẳng làm, đó là thực sự sống được với tâm thể nên làm mà không làm. Tuy nhiên thiền sư Hy Thiên vẫn gạn lại: Tại sao ngồi yên? Nếu ngồi im mới đạt được an định thì vẫn còn vướng, trong tứ oai nghi đều phải rỗng lặng mới đúng.

Hiểu ý thầy, ngài Duy Nghiễm thưa: Ngồi yên tức làm, nghĩa là nếu chấp ngồi im tức vẫn còn đang kẹt, còn Sư tuy ngồi nhưng không chấp vào tướng ngồi, mọi thời mọi lúc mọi sinh hoạt đều ở trong định. Đây chính là chỗ vào được, sống được của các vị đại thiền sư.

Ngài Hy Thiên vẫn vặn lại: Ngươi nói chẳng làm, chẳng làm cái gì? - Ngàn thánh cũng không biết, Sư đã thể nhập Phật tâm không còn dấy niệm nên quỷ thần không thể thấy. Như giai thoại thiền sư Kim Bích Phong thoát ly sanh tử và để lại bài thơ cho quỷ sứ:

Nếu ai muốn bắt Kim Bích Phong,
Trừ phi luyện sắt khóa hư không.
Hư không nếu hay khóa chắc được,
Đến đây bắt ta Kim Bích Phong.

Thạch Đầu dùng kệ khen:

Tùng lai cộng trụ bất tri danh,
Nhậm vận tương tương chỉ ma hành.
Tự cổ thượng hiền du bất thức,
Tạo thứ phàm lưu khởi khả minh.

Dịch:

Chung ở từ lâu chẳng biết chi,
Lặng lẽ theo nhau chỉ thế đi.
Thượng hiền từ trước còn chẳng biết,
Huống bọn phàm phu đâu dễ tri.

Thạch Đầu dạy:
- Nói năng động dụng chớ giao thiệp.
Sư thưa:
- Chẳng nói năng động dụng cũng chớ giao thiệp.
- Ta trong ấy mũi kim mảnh bụi chẳng lọt vào.
- Con trong ấy như trồng hoa trên đá.
Thạch Đầu ấn khả.

Thiền sư Hy Thiên dạy: Nói năng động dụng chớ giao thiệp, nghĩa là trong cảnh động đừng để cho sáu căn chạy theo sáu trần. Duy Nghiễm thưa: Chẳng nói năng động dụng cũng chớ giao thiệp, nghĩa là dù trong cảnh động hay cảnh không động Ngài cũng không còn dính mắc.

Ta trong ấy mũi kim mảnh bụi chẳng lọt vào. - Con trong ấy như trồng hoa trên đá. Ngài Duy Nghiễm thưa với thầy là mình cũng đã xong việc và hoàn toàn tự tại trước ngoại cảnh giống như ngài Thạch Đầu. Thầy trò tâm đắc, ngài Thạch Đầu ấn khả. Vậy là cả hai vị thầy Mã Tổ và Hy Thiên đều chấp nhận Sư đủ lực để bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh.

Sau Sư đến ở Dược Sơn - Lễ Châu, đồ chúng theo học rất đông. Một hôm Sư ngồi, Đạo Ngô, Vân Nham đứng hầu. Sư chỉ hai cây, một tươi, một khô đứng trên núi, hỏi Đạo Ngô:

- Khô là phải hay tươi là phải?

Đạo Ngô thưa:

- Tươi là phải.

Sư bảo:

- Sáng tỏ tất cả chỗ, quang minh xán lạn.

Tươi khô là nghĩa gì? Tươi là định mà hằng dụng, còn khô là định mà không khởi dụng. Như vậy ngài Đạo Ngô chấp nhận cái diệu dụng hoạt động hằng sa cho nên nói tươi là phải. Đối với Ngài dụng là lợi ích.

Sư lại hỏi Vân Nham:

- Khô là phải hay tươi là phải?

Vân Nham thưa:

- Khô là phải.

Sư bảo:

- Sáng tỏ tất cả chỗ, thôi dạy khô lạt.

Ngài Vân Nham thì cho rằng định là phải. Ngài Duy Nghiễm bảo sáng tỏ tất cả chỗ nghĩa là chấp nhận thể thanh tịnh, nhưng thôi dạy khô lạt tức là đừng chỉ ở yên trong định mà phải từ định khởi dụng. Thể dụng không rời nhau mới có thể làm mọi việc lợi ích.

Chợt sa-di Cao đến. Sư hỏi:

- Khô là phải hay tươi là phải?

Sa-di Cao thưa:

- Khô là từ nơi khác mà khô, tươi là từ nơi khác mà tươi.

Sư nhìn Đạo Ngô, Vân Nham bảo:

- Chẳng phải, chẳng phải.

Sa-di Cao cho rằng khô tươi cũng là chuyện bên ngoài. Đối với ngài Đạo Ngô, Vân Nham, khô cũng phải, tươi cũng phải là vì các ngài muốn chỉ thể và dụng, cho nên hai vị đều là phải. Đến sa-di Cao, ngài Dược Sơn nói không phải không phải, vì nếu sa-di Cao đã thấy khô tươi là việc bên ngoài thì đúng là tươi khô đều không phải.

Viện chủ thưa:

- Đánh chuông rồi, thỉnh Hòa thượng thượng đường.

Sư bảo:

- Ông bưng giùm bát cho tôi.

- Hòa thượng không tay từ bao giờ?

- Ông chỉ là uổng mặc ca-sa.

- Con chỉ là thế, Hòa thượng thì sao?

- Ta không quyến thuộc ấy.

Ngài Dược Sơn bảo Viện chủ bưng bình bát, ý muốn trao cái ấy cho Sư. Viện chủ không nhận, chỗ này có thể nói là thầy trò chưa xứng hợp. Vì vậy thiền sư chê uổng mặc ca-sa, nghĩa là không xứng đáng là bậc xuất trần và khẳng định: Ta không quyến thuộc ấy, nghĩa là ta không chấp nhận những người như thế.

Thấy thầy Tri viên trồng rau, Sư bảo:

- Trồng thì không ngăn ngươi trồng, chớ cho nó mọc rễ.

Thầy Tri viên thưa:

- Không cho mọc rễ thì đại chúng lấy gì ăn?

Sư bảo:

- Ngươi có miệng sao?

Thầy Tri viên không đáp được.

Ngài Dược Sơn căn dặn Tri viên trồng rau thì trồng rau nhưng đừng cho mọc rễ. Lời này mới nghe cứ như Ngài đang đùa, thật ra ý của Thiền sư là làm thì làm, nhưng đừng để dính mắc. Việc này khó hay dễ? Khó như trồng rau mà không cho mọc rễ, nhưng nếu quyết tâm làm thì sẽ làm được.

Thấy Tri viên chưa vào được, nên Sư chỉ thêm: Ngươi có miệng sao? Bản tâm thì đâu có miệng, đâu cần ăn uống. Đến vậy mà ông Tri viên vẫn chưa nhận ra.

Có vị Tăng hỏi:

- Tổ sư chưa đến nước này (Trung Hoa), nước này có ý Tổ sư chăng?

Sư đáp:

- Có.

- Đã có ý Tổ sư, lại đến làm gì?

- Bởi có, cho nên đến.

Chỗ này thâm thúy vô cùng. Ý Tổ sư chính là Phật tâm. Mỗi người đều có sẵn tánh giác, chẳng qua vì vô minh che lấp nên phải chịu làm kiếp cùng tử lang thang. Chư Phật, chư tổ thị hiện ra đời chỉ cho chúng ta bản thể chân thật, để chúng ta tự nhận lại, từ đó thoát ly sanh tử, khổ đau. Cũng như mỗi khi đọc tụng bài Tam tự quy y, chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của ba điều nguyện. Tự quy y Phật là xin nguyện trở về với Phật tánh sáng suốt. Tự quy y Pháp là xin nguyện trở về với Pháp tánh từ bi bình đẳng. Tự quy y Tăng là xin nguyện trở về với thể tánh thanh tịnh, hòa hợp. Nghĩa là chúng ta nguyện trở về nhận lại những đức tính tốt đẹp sẵn có của chính mình. Vì vậy, ngài Duy Nghiễm nói bởi có cho nên đến.

Sư xem kinh, có vị tăng thấy, hỏi:

- Hòa thượng bình thường không cho chúng con xem kinh, vì sao Hòa thượng lại xem?

Sư đáp:

- Ta xem chỉ để che mắt.

- Chúng con học theo Hòa thượng được chăng?

- Nếu các ngươi xem thì da trâu cũng lủng.

Ngài Dược Sơn dạy chúng rất kỹ lưỡng. Không cho đệ tử xem kinh vì sợ các vị dựa vào lời kinh sanh kiến chấp. Ngài xem kinh chỉ để che mắt nghĩa là xem thì xem nhưng không chấp giữ vào chữ nghĩa trong kinh. Còn chúng tăng đọc kinh thì phân tích, nghiên cứu nên da trâu cũng lủng mà không có lợi ích gì cho việc nhận ra cái chân thật sẵn có.

Thích sử Lý Tường ở Lãng Châu, nghe danh Sư, nhiều phen sai người đến thỉnh mà Sư không đi. Ông đích thân lên núi yết kiến Sư. Sư cầm quyển kinh xem không nhìn lại. Thị giả bạch:

- Thái thú đến đây!

Lý Tường tánh nóng nảy nói:

- Thấy mặt không bằng nghe danh.

Sư gọi:

- Thái thú!

Lý Tường:

- Dạ!

Sư bảo:

- Sao lại quý lỗ tai mà khinh con mắt?

Thích sử Lãng Châu mến mộ Ngài nhưng vì không mời được nên đích thân tìm đến đạo tràng ở Lễ Châu vấn đạo. Khi đến, Sư không thèm nhìn nên ông nổi giận. Lý Tường là một người đã tham vấn tại nhiều thiền hội, thông hiểu lý thiền, lại làm đến chức Thái thú nên cái ngã cũng lớn. Do đó, ngài Dược Sơn phương tiện giúp Thích sử giảm trừ kiêu khí để ông đến được với đạo.

Thái thú nói: Thấy mặt không bằng nghe danh ý muốn chê ngài Duy Nghiễm chỉ có hư danh. Hòa thượng bảo: Sao lại quý lỗ tai mà khinh con mắt? Nghĩa là Lý Tường vì nghe danh tiếng của Ngài nên tìm đến, trong khi đó chỉ là tiếng đồn, là cái tưởng trong tâm ông. Khi diện kiến Sư, ông lại bị bản ngã làm cho sân giận không còn nhớ đến mục đích chính là tìm thầy học đạo. Vậy là quan đã theo hư mà quên cái thật cho nên Ngài nói khinh con mắt.

Đem cái ngã mong học đạo vô ngã thì trọn không thể được. Đến như ngài Thần Quang đứng suốt đêm trong tuyết lạnh còn bị Bồ-đề tổ sư chê là: “Diệu đạo vô thượng của chư Phật, dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm được việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay! Huống là, dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa?” Chỉ khi nào thật sự buông thân, buông cảnh, buông tâm, một lòng cần cầu giáo pháp thì mới có thể bước lên con đường Bồ-đề vô thượng.

Lý Tường chắp tay xin lỗi, rồi hỏi:

- Thế nào là đạo?

Sư lấy tay chỉ trên, chỉ dưới, hỏi:

- Hội chăng?

Tường thưa:

- Chẳng hội.

Sư bảo:

- Mây ở trời xanh, nước trong bình. (Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.)

Lý Tường vui mừng thỏa thích làm lễ, trình một bài kệ:

Luyện đắc thân hình tợ nhạn hình,

Thiên châu tùng hạ lưỡng hàm kinh.

Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết,

Vân tại thanh thiên, thủy tại bình.

    Dịch:

Luyện được thân hình giống nhạn hình,

Dưới tùng ngàn gốc hai hòm kinh.

Ta tìm hỏi đạo không lời khác,

Mây ở trời xanh, nước trong bình.

Thiền sư chỉ trên chỉ dưới ý nói Lý Tường nên dùng tánh thấy trở về nhận lại bản tâm. Lý Tường chưa hội nên ngài Dược Sơn phải nói thêm: Mây ở trời xanh, nước trong bình. Muôn sự muôn vật quanh ta đều là đạo. Ngắm nhìn niềm vui của cây cỏ khi tiếp xúc với nắng gió, lắng nghe tiếng chuông đồng vọng, thưởng thức hương trầm thoang thoảng, hòa nhập vào thinh không lặng lẽ… Phải quay lại sống với cái đó từ chính những sự vật bình thường quanh ta.

Thái thú nhận ra và làm kệ ca tụng: Dứt bặt suy nghĩ, toan tính, phân biệt, người nào nhận ra thì vào được cửa không.

Tường lại hỏi:

- Thế nào là giới định tuệ?

Sư bảo:

- Bần đạo trong ấy không có gia cụ nhàn này.

Lý Tường không lường nổi huyền chỉ.

Sư lại bảo:

- Thái thú muốn gìn giữ được việc này, cần phải tiến lên ngọn núi cao chót vót mà ngồi, xuống tận đáy biển sâu mà đi, việc trong khuê các nếu bỏ chẳng được bèn là lủng chảy.

Sau khi Thích sử nhận được yếu chỉ, ngài Dược Sơn dạy thêm nếu muốn gìn giữ phải có điều kiện để công phu, buông bỏ việc thế sự, tinh tấn miên mật thì mới có thể hằng sống được với thể tánh chân như.

Hòa thượng Trúc Lâm từng dạy chư tăng, chư ni phải làm sao xứng đáng với đời sống người đệ tử Phật, chặt đứt mọi việc lăng xăng bên ngoài. Sống ở đâu thì nơi đó là viện, là chùa, là đạo tràng, là chỗ sinh hoạt của người tu hành thanh tịnh. Chúng ta nên giữ nếp trong sáng, an lạc thì mới nỗ lực tu hành tinh tấn được.

Sư thượng đường dạy chúng:

- Tổ sư chỉ dạy bảo hộ, nếu tham sân khởi lên cần phải phòng ngự, chớ cho khởi dậy. Các ngươi muốn biết cây khô ở Thạch Đầu cần phải gánh vác, trọn không có cành lá. Tuy nhiên như thế, lại phải tự xem, không được bặt ngôn ngữ. Nay ta vì các ngươi nói ngôn ngữ ấy để hiển bày không ngôn ngữ, cái này xưa nay không tướng mạo tai mắt...

Khi các vị hòa thượng thăng đường thì có đánh kiền chùy lên tòa, đó là những buổi thượng đường dạy chúng tham học ở viện. Trong chúng ra thưa hỏi những điều đang tu tập để được ngài chỉ bảo. Sau đó Ngài có những lời dạy để chúng nương theo hành trì.

Sư dạy phải lấy thước tham sân để đo tâm tu hành. Cảnh sân đến ta nổi sân, tức thì cửa địa ngục mở ra. Cảnh tham đến ta khởi tham, cửa ngạ quỷ liền mở. Si mê điên đảo, lăng xăng vọng tưởng không chủ động được thì đọa vào súc sanh, đi bằng bốn chân, nhiều chân khắp ngả khắp nẻo. Mọi sinh hoạt trong đời sống nếu không bảo hộ tham sân thì sẽ bị lưu đãng, trôi dạt trong luân hồi lục đạo.

Ngài còn dạy trọng trách truyền đăng tục diệm cần phải được gánh vác. Mặc dầu chỗ đó ngôn ngữ không thể đến được, nhưng phải biết vận dụng phương tiện chỉ ra cho người hữu duyên. Như vậy mới có thể làm tròn bổn phận người xuất gia tu đạo, đáp đền tứ trọng ân.

Một hôm Sư lên núi đi kinh hành, chợt mây tan thấy trăng sáng, Sư cười to một tiếng, vang xa gần 90 dặm. Dân chúng ở xa nghe tiếng, hôm sau tìm đến hỏi tăng chúng. Tăng chúng bảo:

- Đó là tiếng Hòa thượng đêm qua ở trên núi cười.

Lý Tường nghe việc này lại làm bài thơ tặng:

Tuyển đắc u cư hiệp dã tình,

Chung niên vô tống diệc vô nghinh.

Hữu thời trực thướng cô phong đảnh,

Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thanh!

    Dịch:

Chọn nơi xa vắng hợp lòng quê,

Năm tròn mặc khách đến hay về.

Có khi tiến thẳng lên đỉnh núi,

Mây tan trăng hiện tiếng cười hề!

Ngày xưa, sau khi tôi theo Hòa thượng Trúc Lâm ở núi ba năm, về gặp lại một số huynh đệ cũ. Các vị tổ chức một bữa tiệc nhỏ, ý muốn biết tôi sẽ trở lại núi hay về phố thị. Lúc đó tôi mượn bốn câu thơ này trả lời với anh em. Đây là bài thơ thể hiện hoài bão của tất cả những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức, giải thoát.

Ngoài nghĩa rừng núi u tịch, nơi xa vắng còn ngầm chỉ tâm thể vắng lặng. Người tu đạo phải trở về sống với bản tâm tịch tĩnh, vọng tưởng dấy khởi hay lóng lặng đều thường biết nhưng không quan tâm, mặc khách đến hay về. Có như vậy mới nhận ra được chính mình tròn đầy, sáng ngời như ánh trăng đầu non.

Đời Đường niên hiệu Thái Hòa, năm thứ 8 (834 TL) tháng 2, sắp thị tịch, Sư kêu to:

- Pháp đường ngã! Pháp đường ngã!

Đại chúng đều mang cột đến chống.

Sư khoát tay bảo:

- Các ngươi không hiểu ý ta.

Sư bèn từ giã chúng thị tịch, thọ 84 tuổi, 60 tuổi hạ.

Vua sắc phong là Hoàng Đạo đại sư, tháp hiệu là Hóa Thành.

Tâm hành của thiền sư Duy Nghiễm là gương hạnh của một vị Bồ-tát thực hiện chí nguyện tự giác giác tha cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Ngài xuất gia với tâm nguyện của bậc đại trượng phu không cam sống cảnh cầu an qua ngày một khi chưa sáng đạo. Quyết lòng tìm cầu các bậc long tượng Không tông, mong được một bước nhảy thẳng vào đất Như Lai. Ngài đã không cô phụ công ân giáo dưỡng của hai vị tổ sư, mở mang hoằng hóa gầy dựng đạo tràng Dược Sơn hưng thịnh, tiếp nối dòng thiền phái Hành Tư.

Đến khi sắp thị tịch, Sư vẫn phương tiện để đại chúng quay lại với chính mình, nhận ra cái chân thật hiện tiền. Thiền sư Dược Sơn đã sống cuộc đời của người trồng hoa trên đá, độ chúng nhân vô số mà vẫn như không độ, tự tại an nhiên, thống khoái vô cùng. Tiếng cười đêm trăng đầu núi không chỉ vang xa 90 dặm mà đồng vọng cho đến tận hôm nay trong tâm khảm của tất cả hành giả Thiền tông.
 

[ Quay lại ]