headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

THIỀN QUAN SÁCH TẤN - THIỀN SƯ ĐOẠN NHAI NGHĨA DẠY CHÚNG

thiensudoannhainghiaNếu muốn siêu phàm nhập thánh thoát khỏi trần lao, phải nên lột da chẻ xương, dứt hẳn tái sinh, như trong tro lạnh phát lửa, cây khô nảy chồi, đâu phải là việc dễ dàng. Tôi trước kia hầu hạ Tiên sư đã nhiều năm, mỗi khi bị đánh phạt, tâm không khởi một niệm xa lìa. Cho đến ngày nay khi gặp những việc đau khổ, bất giác nhớ đến Thầy mà rơi nước mắt! Đâu phải như các ông hiện giờ, gặp một việc khổ nhỏ là bỏ thầy ra đi không thèm ngó trở lại!

Thiền sư Đoạn Nhai Nghĩa nhắc lại cuộc đời tu hành của mình. Ngài dạy: Nếu muốn siêu phàm nhập thánh thoát khỏi trần lao, phải nên lột da chẻ xương, dứt hẳn tái sanh, như trong tro lạnh phát lửa, cây khô nảy chồi, đâu phải là việc dễ dàng.

 Thật ra không có một việc làm nào dễ dàng, tốt đẹp, điều gì cũng như ý mà có thể thành tựu và có giá trị. Trái lại dù một việc làm nhỏ, một công phu khiêm tốn, nếu chúng ta không phấn đấu, sấn sướt, quyết tâm thì không bao giờ gặt hái thành công. Nên nhớ những thành quả có giá trị phải được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt. Việc tu hành cũng vậy, có khi người xưa được ở trong đạo tràng đầy đủ tất cả tiện nghi mà vẫn cảm thấy buồn. Bởi vì khi đã bị dính mắc thì không tu nổi.

Có thể nói đây là việc rất bình thường trong đời sống hiện thực. Vì thế chư tổ đinh ninh dặn dò chúng ta: "Dù nơi nào thiếu cơm gạo nhưng có Phật pháp, ta quyết chí theo hành trì. Giả như nơi nào đầy đủ tiện nghi, mười phương sùng bái nhưng nghèo Phật pháp, không có Phật pháp, ta vẫn quảy tay nải đi một cách hiên ngang." Đó là tư cách, phong thái của các vị thiền tăng. Rõ ràng không vì cơm áo, danh văn lợi dưỡng hay bất cứ điều gì ngoài việc cầu đạo, sáng đạo.

Đối với hành giả, chỉ riêng việc dứt hẳn tái sanh đã quá vất vả, không hề đơn giản. Tái sanh là gì? Nói chung là những niệm lăng xăng liên hệ, vướng mắc còn tồn đọng lại sẽ sanh ra, nối nắm, phát triển. Còn với người tu chúng ta, tái sanh là gì? Ngay trong thời lập giáo của đức Thế Tôn, tiêu chí đầu tiên của hàng môn đệ là không được có gia đình. Trong giới xuất gia cũng có nhiều người bề ngoài sần sùi ghẻ lác, còm cõi, dường như thiếu ăn. Nhưng các ngài lại sạch sẽ chủng tái sanh, con đường đi lên ngát hương giải thoát. Thời điểm hiện nay chúng ta bị nhiều hệ lụy trong dục cảnh, hình sắc, sự kiện trước mắt, cho nên tu hoài vẫn không ra khỏi trần lao.

Ngay trong nước mình có đầy đủ các thế hệ, chư vị ngoài bảy mươi, bốn mươi, ba mươi hành đạo, thậm chí hai mươi, mười tuổi cũng hành đạo. Nhưng người thật sự dứt hệ lụy, hoàn toàn thanh tịnh thật hiếm. Bởi vì cuộc đời quá nhiều hơi hướm, dư vị của dục lạc. Nó kéo lôi, hình thành, rồi dệt nên những mộng mơ tiếp nối trong cuộc đời, khiến người ta thoát ly không nổi. Suy nghiệm về những vấn đề này, huynh đệ mới thấy tại sao người xưa lại chủ trương tu khổ hạnh, chui vào trong hang núi thiền định một mình.

Nhìn vào nền văn minh của đất nước Ấn Độ, những người thực tập Yoga đa số thuộc tầng lớp đại gia, giàu sang phú hộ. Họ đem của cải đổ hết xuống sông, hoàn toàn không để một thứ gì cho chính mình. Sống ở ngã ba ngã tư đường, ngoài trời lạnh không mặc quần áo. Họ có thể sống quá khích đến mức độ như vậy nhưng cũng chưa thể giải thoát. Về hình thức có thể là triệt để, mình không bì được với họ.

Nhưng đối chiếu với pháp tu Hòa thượng Trúc Lâm dạy, chúng ta không theo, không chấp nhận vọng tưởng thì dường như họ không nhận ra. Vì thế dù có khổ hạnh, tan thân nát mạng cũng không thành tựu.

Thời xưa khi Hồi giáo tấn công Ấn Độ, các nhà tư tưởng trong những quốc gia văn minh khác thấy sinh hoạt của người dân Ấn, họ lên tiếng phê bình. Giặc đến cướp nước, cướp quê hương xứ sở mà người dân vẫn ngồi trần truồng bất động ngoài ngã ba, ngã tư đường. Có thể cách nhìn, cách sống của người dân ảnh hưởng tinh thần đạo giáo như thế nên mới xảy ra tình trạng này.

Hệ thống Đại thừa Phật giáo mà chúng ta đang thực thi, hành trì, tu tập chính là thuyết trung đạo. Nghĩa là không quá cực đoan bên này, không quá ngã theo bên kia. Nó ung dung vào khoảng không vướng bên này không mắc bên kia. May ra thuyết này có thể cứu vãn được tình hình. Cực đoan như mấy nhân vật vô vi cũng không giải thoát nổi, hưởng thụ như mấy ông hoàng bà chúa cũng chỉ là tro bụi, không dính dáng gì hết.

Với tinh thần đạo Phật, có thể nói chúng ta được thừa hưởng một nền tư tưởng văn minh kết tinh qua nhiều thế hệ. Từ đời sống tịnh hạnh của đức Phật và chư thánh đệ tử, chúng ta nghiên cứu học tập theo. Cho nên mình tu tập trên tinh thần tịnh hóa thân tâm, dần dần đi đến thanh tịnh hoàn toàn, không vướng bên này không mắc bên kia. Trong hành trình tu đạo nếu chúng ta ý thức được chỗ này mới mong có ngày thoát ly.

Rõ ràng hiện nay mỗi người đang tự hình thành nhân sinh quan của chính mình, cách nhìn vũ trụ và mọi thứ xung quanh. Cuối cùng chiết trung lại một đời sống không nói rằng thánh thiện, nhưng cũng không bị vướng kẹt hoặc bên quá cực đoan, hoặc bên quá hưởng thụ. Chư huynh đệ nên nghiên cứu và cố gắng làm thành ngay trong đời sống của mình. Chưa nói về mặt tu chứng hay hành trì công phu, chỉ cần học tập, tu luyện để thoát ly hai thái cực ấy, xem như đã tháo gỡ một giai đoạn đáng kể trong đời tu hành.

Tại đạo tràng này, những vị chưa thọ giới Cụ túc, mỗi ngày tụng bốn bộ luật Trường hàng, còn gọi là Tiểu luật. Quyển thứ nhất là Tỳ-ni Nhật Dụng, bao gồm những lời dặn dò nhắc nhở trong sinh hoạt thường nhật. Đôi khi đọc những câu thần chú mà không hiểu ý nghĩa. Giả sử nói về một vấn đề nào đó, giới thiệu việc làm xong, kết thúc bằng câu chú "Án tố rô tố rô, bát ra tố rô, bát ra tố rô, ta bà ha". Đây là giai đoạn huynh đệ phải ghi nhớ và tụng đọc thuộc lòng. Hành trì theo nội dung những bài kệ chú trong đây có thể đến được chỗ dứt bặt tất cả những niệm dây mơ rễ má. Tập trung rèn luyện gầy dựng, xây dựng đời sống người xuất gia thánh thiện.

Quyển thứ hai là Sa-di Luật Nghi Yếu Lược, tức là mười giới điều mà những vị Sa-di phát tâm Bồ-đề lãnh thọ, nguyện giữ trọn đời. Đại khái chỉ có mười điều nhưng tại sao chúng ta phải học thuộc, phải phát nguyện, phải lãnh thọ, phải có sự truyền thừa do chư tôn đức chủ trì? Các ngài đọc lời Phật dạy rồi giảng giải ra, xong ban bố lại cho chúng ta. Tuy mười điều mà chưa chắc mình đã làm được một điều, thế hệ này thế hệ khác làm mãi không xong. Do vậy chư tổ mới phương tiện bày ra nghi cách để chúng ta phát huy sự thành khẩn trân trọng, từ đó cố gắng giữ gìn. Trong huynh đệ có những vị thọ lên đến hai trăm năm mươi giới, nhưng nghiệm kỹ lại với mười giới đầu mình còn sơ suất, giữ chưa trọn vẹn, nhất là những giới thuộc về tánh giới.

Giá trị của người tu theo Phật đạo là những phút giây nghiệm lại để biết mình như thế nào, đang ở đâu, phải làm gì. Đồng thời biết thêm một lô những điều đáng bỏ không cần lưu giữ và những điều cần phải phát huy. Đó là nội dung trong quyển thứ hai mà những vị chưa thọ giới Tỳ-kheo vẫn tụng đọc hàng ngày.

Quyển thứ ba là Oai Nghi Sa-di, nội dung chỉ bày cho chúng ta oai nghi của một người xuất gia, từ cách đi đứng, ăn ngủ, hầu thầy, lễ Phật, lúc lên chánh điện v.v... Tổng cộng hăm bốn điều cần phải ghi nhớ và giữ gìn. Mỗi huynh đệ có một thói quen, tập khí riêng, đôi khi thành ra cái tật khó trị. Cho nên trong hăm bốn oai nghi có những điều rất bình thường mà mình giữ không được. Nhiều khi do lơ đễnh để vọng tưởng dẫn, vì thế thiền giáo dạy chúng ta phải trị ngay vọng tưởng.

Người học thiền nếu thấm được, vào cửa được thì cảm thấy thích thú, trước mắt là cả một khung trời thênh thang. Các vị thiền sư chỉ thẳng cho chúng ta lối đi bước vào cánh cửa giải thoát. Các ngài không bảo phải tụng luật, thuộc luật, giữ luật... chỉ đừng có vọng tưởng, không chạy theo vọng tưởng, không để vọng tưởng kéo lôi. Lúc nào cũng tỉnh sáng, không để bất cứ dấy niệm nào bên ngoài kéo lôi, hoàn toàn trong chỗ thanh thản, an nhiên, tự tại giải thoát thì đâu cần phải tụng đọc.

Trên thực tế chúng ta không làm được như vậy, cho nên thân tâm của mình giống như những con cá mực ngoài biển Vũng Tàu bị người ta cắt nhuyễn banh ra phơi. Nó bị kéo đầu này căng đầu kia, tanh bành té bẹ không biết ngõ đâu mà vào. Cũng vậy, những lúc chúng ta chưa tỉnh, đang thọ trai trang nghiêm, ngồi thiền trang nghiêm mà vẫn bị kéo lôi, bị xé ra từng mảnh. Thí dụ, một thiền sinh đang tọa thiền bỗng nghĩ đến chuyện đi học, dừng không được nên xin phép xả thất rồi bạch chúng đi về. Ra ngoài đi lòng vòng đầu này đầu kia, chứ có đi học chỗ nào đâu.

Cuối cùng quay trở lại nói không vào được chỗ nào hết. Vậy mà trước đó không ráng nhập thất, đòi đi cho được. Vọng tưởng quá mạnh để nó dẫn đi, bây giờ bó tay không biết làm sao. Chưa vào thiền được, chưa nhận ra ý thiền là ở chỗ đó. Thật quá tội nghiệp!

Các vị thiền sư đã chỉ thẳng, Hòa thượng Trúc Lâm cũng dạy phải buông. Ngay khi vọng tưởng chưa có nanh vuốt, vừa ló lên phải buông, phải chặt liền. Tuy nhiên chúng ta chưa lấy được thế thượng phong tự chủ, nó đã dẫn mình đi rồi. Bấy giờ nó hiện hình cùng hết, đi tới đâu hiện tới đó. Cho nên gặp cảnh tham, nó hiện theo cảnh tham với màu xanh tươi đẹp, mát mẻ, thích thú... Gặp cảnh sân, nó hiện ra dáng của uất hận, sân si, nghĩa là mặt đỏ mặt xanh, trợn con mắt, méo cái miệng...

Nó là vọng tưởng, Hòa thượng dạy chúng ta phải làm chủ đừng để bị dẫn đi, nhưng lỡ theo nó rồi thì chấp nhận đi vậy. Vừa dẫn ra ngoài cửa, hiện đủ thứ nanh vuốt. Gặp mấy người đảnh lễ xưng bằng Thầy, hiện tướng vui vẻ, tham. Bước thêm chút gặp ông kia chửi, hiện tướng sân dữ dằn. Tới ngoài cổng thấy người ta bán buôn, đói bụng không có tiền mua, hiện tướng quỷ đói. Khổ! Ma quỷ trong lòng hiện ra đủ tướng. Nếu mình sống theo nó thì khổ sở hoài. Tóm lại quyển luật thứ ba phải tụng đọc dù chỉ mấy oai nghi giản dị vậy thôi.

Trong Đại luật dạy rằng, khoảng mười hai năm đầu, đức Phật không chế giới điều. Bởi vì quý thầy Tỳ-kheo trong Tăng đoàn sống thánh thiện hoàn toàn, không bị ràng buộc. Sau mười hai năm, đời sống sinh hoạt phức tạp cho nên mỗi mỗi, đức Phật đều chế giới. Có những vị rồ Honda chạy ào ào nên phải chế giới về đi. Có những vị bưng tô húp vội vã nên phải chế giới về ăn. Cho tới bây giờ tuy là mấy trăm giới điều mà còn không thể khống chế nổi các thầy cô. Cho nên một giới giữ được thì thanh tịnh một phần, trăm giới giữ không được giới nào thì cũng như không. Trong Tâm tông nói rằng, quan trọng là từ tâm. Tâm không hình tướng nhưng nó là chủ, vì thế rất quan trọng. Nếu chúng ta chịu chấp nhận tâm điên đảo, nó sẽ hiện ra đủ thứ dẫn mình đi, lên thiên đường hay xuống địa ngục đều có.

Quan trọng của việc tu hành là chúng ta phải luôn luôn quán chiếu, soi rọi xét nét lại chính mình và phải chỉ quán. Khi hướng dẫn người sau hành trì Phật pháp, trước hết các bậc tôn đức dạy phải chỉ quán. Thực tế có rất nhiều vị đến thưa với Hòa thượng Trúc Lâm rằng: "Con học thiền năm sáu năm, cũng hành thiền, ngồi thiền, sống thiền, cái gì cũng thiền. Nhưng thật sự khi đối duyên xúc cảnh, con thấy mình còn nguyên." Trong thời đại này, đa số hành giả bị rơi vào tình huống như vậy, gọi là "thiền nguyên".

Cho nên Hòa thượng rất lo cho con cháu sau này. Ngài xây dựng thiền viện, xuất gia cho tăng ni, đưa mọi người vào quy củ để cùng tương trợ, nhắc nhở nhau tu hành. Giả sử huynh đệ đang công phu tu thiền, cần có người chia sẻ hỗ trợ về thiền. Nếu không có bạn đồng học đồng tu thì ai nhắc nhở, khó lắm. Do vậy Hòa thượng mới hướng dẫn nếp sống trong chúng có giờ giấc học tập, hành trì, sinh hoạt chung. Đồng thời có những điều phải học, phải hiểu để gầy dựng một đời sống tương đối có ý nghĩa, có đạo hạnh. Huynh đệ tương trợ nhau cùng giữ gìn giới luật, thực hành lời Phật dạy, nguyện tu hành chừng nào bằng Phật mới vừa lòng.

Chúng ta chỉ tập trung vào một việc là giữ vững công phu hành trì, nguyện tu Bồ-tát đạo, làm tất cả các Phật sự cho tới ngày viên thành Phật đạo. Thời gian đó dài vô lượng kiếp, bởi vì chính đức Thế Tôn cũng phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật. Chúng ta cương quyết chỉ duy nhất một tâm nguyện tu hành được như Phật, nhưng e rằng nghe ba vô số kiếp mình ngán quá. Bởi vì một vô số kiếp đã không thể tính nổi. Huynh đệ cứ thử tưởng tượng, có thể ngày xửa ngày xưa, lúc mình cùng với đức Thế Tôn làm chúng sinh trong cõi nào đó. Nhân duyên đến, ngài phát tâm tu học, thành tựu Phật đạo. Tính đến thời điểm này đã trên hai ngàn sáu trăm năm, còn mình là gì? Cái cột mốc ngày xưa đã quá xa rồi, mình không giác ngộ vì còn vác nhiều thứ trên vai trên cổ, ẩn trong lòng trong đầu.

Khi học những đoạn văn này, nhiều vị hoan hỷ la lên, trình ra sở ngộ của mình. Anh em nên nhớ chuyện tu hành không phải bữa nào cũng ngồi lên cỗ lên mâm, có khi phải lặn vào địa ngục, có khi cũng leo lên trời. Trải dài vô lượng vô biên số kiếp như vậy, chấp nhận tất cả những khó khổ xung quanh, thẳng một đường tới chừng nào thành Phật. Cảm nhận được chỗ ấy, họ phấn khởi la lên: "Con biết được con đường tu thành Phật rồi." Nếu biết như vậy, cần quyết tâm hơn nữa thì mới thành tựu.

Qua lời dạy của chư tổ và các bậc thầy, chúng ta cảm nhận được những khó khổ cần phải vượt qua. Từ đó hình thành cho mình một nếp sinh hoạt, một đời sống tu hành bình thường nhưng đầy đủ ý nghĩa, chân chất, thật thà và không thiếu tinh thần giác ngộ giải thoát. Đảm bảo thẳng một đường tiến tới thì nguyện tu hành chừng nào thành Phật mới vừa lòng không còn là lời nói suông.

Huynh đệ chúng ta nên tập cho mình có một cái nhìn tương đối, thấy rõ việc làm và đường đi đúng đắn. Đó là con đường trung đạo và đại nguyện tu hành chừng nào thành Phật mới ưng. Nhận ra được điều đó, chúng ta hăng hái tu tập không còn chán ngán. Chứ không như mấy tôn giả hồi chưa xuất gia là sinh viên tài tuấn đỗ đạt, tiền bạc khá nhiều, tình cảm dồi dào, đùng cái ma xui quỷ khiến cạo trọc đầu vào chùa tu. Tu thời gian nhớ lại thời điểm trước đây, sanh ra chán nản, lúng túng muốn rút lui nhưng không biết phải trình với thầy ra sao. Cuối cùng đành âm thầm ôm gói đi một lèo. Đó là do cái cốt bên trong không vững cho nên bị tạp nham dẫn đường. Thế cho nên, tu hành đạt đạo không phải là việc dễ dàng.

Thiền sư Đoạn Nhai Nghĩa nhắc lại giai đoạn học đạo của mình:

Tôi trước kia hầu hạ Tiên sư đã nhiều năm, mỗi khi bị đánh phạt, tâm không khởi một niệm xa lìa. Nghĩa là trong lúc được hầu hạ thầy, được thầy dạy bảo, mỗi khi bị thầy quở phạt, không bao giờ có một niệm bỏ thầy và đại chúng.

Cho đến ngày nay khi gặp những việc đau khổ, bất giác nhớ đến Thầy mà rơi nước mắt! Khi ngài đối đầu với thực tế, nhớ lại thâm Ân của người đã khai hóa cho mình mà cảm động rơi nước mắt.

Đâu phải như các ông hiện giờ, gặp một việc khổ nhỏ là bỏ thầy ra đi không thèm ngó trở lại! Đó là lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng rất sâu xa. Đối với huynh đệ chúng ta, người nào còn nhẹ dạ, còn những cảm giác quá sôi nổi rất dễ rơi vào tình huống bị vọng tưởng dẫn như vậy.

Thật ra trong đời sống, chúng ta mong mỏi một trăm điều nhưng chỉ được chừng hai ba điều. Có người biết công phu tu học khó, vì thế làm bạn với một huynh đệ để được nhắc nhở. Người đó lớn tuổi, lớn giới hơn, tính tình chân thật hay nói thẳng. Những lời góp ý mạnh mẽ ban đầu còn có tác dụng, sau bị nhắc nhở nhiều tự nhiên bất giác thối tâm Bồ-đề. Từ đó hối hận ray rứt trong lòng, ngỡ rằng mình tìm được người bạn rất lý tưởng, tốt bụng, sáng suốt, nhưng không ngờ tình hình xấu đi. Bây giờ thỉnh thoảng gặp nhau không chịu nổi, cuối cùng bỏ tu.

Trong thời điểm hiện nay, phần nhiều không chịu nổi khó khăn thử thách thì tìm cách bỏ đi. Có khi vì một sơ suất nào đó ra đi không hề nói cho người chịu trách nhiệm biết. Tôi không hiểu tại sao mà tiếc lời như vậy. Tôi nghĩ rằng chắc có lẽ ngày trước, trong thời học đạo, mình cũng có những tâm trạng, hành động như vậy. Do gây chủng kết thành nghiệp, cho nên bây giờ huynh đệ tự mang cái quả đến cho mình. Anh em cần có cái nhìn chín chắn, dứt khoát để gầy dựng một đời sống tương đối, biết dung hòa, không vướng mắc bên này bên kia.

Đời sống của chư tăng là đời sống cùng nhau tu học trong một đạo tràng, ăn chung một mâm, ở chung một chùa, thờ chung một thầy, học chung một pháp. Nhờ những sự gắn bó này mà nuôi dưỡng, hỗ trợ cho nguyện tu hành thành Phật của chúng ta. Có người một năm đi quá nhiều chỗ, dù tu kiểu nào cũng không giỏi nổi. Mới nghe hồi Tết tôn giả đó ở bên Ấn Độ theo đức Đạt-lai-lạt-ma tu hành. Qua tháng hai tháng ba nhập hạ ở đâu không biết. Tới khoảng giữa hạ về đây xin sách để cúng dường trường hạ đang tu học. Mãn hạ nghe nói anh đi hành hương Trung Quốc. Bây giờ có duyên được người ta bảo lãnh đi Mỹ.

Tu gì mà nhanh mà giỏi vậy? Đi hành cước hơn cả ngài Thiện Tài đồng tử, trong một năm tới lui nhiều đạo tràng như vậy, nhưng có được gì đâu ngoài bôn chôn, khổ hoàn khổ thôi. Sang Mỹ mà ngoại ngữ không thông, thao lược không có, giống như đi chơi vậy. Rồi sự tu hành căn bản chưa vững, cũng chưa phải là một vị giảng kinh thuyết pháp, chưa có năng lực gì cho nên cuối cùng chẳng làm được việc chi.

Chư huynh đệ chớ để mình rơi vào tình huống như vậy, khổ lắm. Người ta chiều xuống có nơi dừng chân, có những giây phút lắng lòng nghe tiếng đại hồng chung, cùng đại chúng tụng kinh, tọa thiền. Cuộc sống đẹp và vui làm sao! Còn mình chiều xuống đứng bơ vơ nhìn phương trời xa, không biết bà con thân thuộc ở đâu, mình đang làm cái gì ở đây. Sống như vậy thật buồn, phải không ?

  - HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]