headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 19/03/2024 - Ngày 10 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

HẠNH NGUYỆN NGƯỜI CON PHẬT

tieulavanĐạo Phật có mặt trên quê hương Việt Nam khoảng thế kỷ thứ III cho đến nay, trải qua bao biến động thăng trầm nhưng sức sống và ánh sáng đạo pháp vẫn tuôn chảy lan tỏa khắp nơi, đem đến nguồn an vui hạnh phúc cho biết bao thế hệ Phật tử Việt Nam. Thành tựu ấy có được là nhờ sự có mặt và tiếp nối truyền thừa không gián đoạn của những bậc danh tăng nước Việt. Nên biết mạng mạch của đạo pháp nằm ở Tăng bảo, những bậc Tổ sư tiền bối chân tu thực học, giới đức kiêm ưu, đạo hạnh tỏa sáng.

Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa, một danh tăng nước Việt, nhà lãnh đạo tài đức vẹn toàn, là ngôi sao sáng của Phật giáo miền Nam thời hiện đại. Lúc còn là tăng sĩ trẻ, Hòa thượng chuyên cần tinh tấn tu học, chẳng nệ khó nhọc cần cầu đạo pháp, khí lượng vượt thường tình, bạn đồng học không ai không ngưỡng mộ. Quá trình học Phật của Ngài bắt đầu từ Phật Học đường Lưỡng Xuyên miền Nam, sau đó cầu học Phật pháp với chư Tổ miền Trung, đến đất Thần Kinh học ở trường Tây Thiên, Báo Quốc và cuối cùng đi thẳng ra Bắc học Luật với chư Tổ miền Bắc. Như thế trải qua ngót hai mươi năm không một niệm thối lui. Khi trở thành bậc tòng lâm thạch trụ, Ngài đã cùng chư tôn Hòa thượng đương thời vững vàng lèo lái con thuyền đạo pháp vượt qua bao sóng gió vào đến bến bờ bình an.

Hòa thượng đến đâu là mở trường Phật học đến đó, tiếp tăng độ chúng không biết mệt mỏi. Tất cả đều vì tiền đồ Phật pháp, vì tương lai của Giáo hội. Ngài chính là vị Sơ tổ khai sơn trường Phật Học Đại Tòng Lâm. Những trang sử đầu tiên của nhà trường vẫn còn in rõ hình bóng Ngài hiển hiện khắp nơi trên núi rừng vùng trời Thị Vải. Khó khăn, thiếu thốn, thử thách, gian nan không làm chùn bước bậc đại tâm đại chí.

Vẫn còn đỏ thắm màu trái tim Bồ-tát, phảng phất nụ cười dung dị trên tượng đài lộ thiên, sừng sững đại tâm đại nguyện “Quan Âm diệu trí lực, năng cứu thế gian khổ”. Và đức Từ phụ thản nhiên tĩnh lặng dưới cội Bồ-đề nhìn thế sự đi qua, nhìn Tăng Ni lớn lên mỗi ngày. Thế Tôn cười. Nụ cười bất diệt của bậc giác ngộ giải thoát, bình thản an nhiên, luôn luôn có mặt ở trong chúng sanh, an vui vô ngại. Chiêm ngưỡng từ dung của đức Phật và Bồ-tát, chúng ta kính nhớ về Hòa thượng với những ngày tháng gian khổ dựng lập ban đầu. Cuộc đời tu hành và tâm hạnh của Ngài là khuôn vàng thước ngọc cho tất cả chúng ta noi theo.

Công đức khai hoang mảnh đất nơi đây của quý Hòa thượng tuy nhiều nhưng vẫn chẳng thắm vào đâu so với công đức khai hoang mảnh đất tâm cho biết bao thế hệ Tăng Ni kế thừa. Chư tôn thiền đức đã để lại tấm gương sáng ngàn đời soi chung. Sức sống đạo của người xưa không chỉ khiến hậu thế ngưỡng mộ trân quý mà còn là nguồn động viên vô cùng quý báu trên bước đường cầu đạo và hành đạo của người sau. Tăng sĩ Việt Nam có được ngày hôm nay là nhờ vào công đức khai sáng và giáo dưỡng của các bậc cổ đức từ xưa.

Mỗi hơi thở đi qua mạch sống của chúng ta ngày nay là mỗi hơi thở chuyển tiếp vơi đầy năm tháng của các bậc Thầy mái đầu nhuộm màu sương tuyết. Mỗi tinh ba trút vào nguồn tâm người con Phật hôm nay là tinh lực được dồn nén từ bao kiếp tu hành của các bậc đại sĩ Bồ-tát. Vì thế Tăng Ni hữu duyên tu học tại Đại Tòng Lâm không thể không biết đến cội nguồn ban đầu. Biết để làm gì? Để dốc hết tâm lực vào việc tu học và hành đạo của mình. Sống sao cho xứng đáng với công đức gầy dựng và niềm hy vọng tha thiết của những bậc Thầy đã đi qua trong cuộc đời bằng tất cả sự nỗ lực vô bờ.
Thế hệ Tăng Ni ngày nay phải ý thức công đức và tâm hạnh của các bậc Thầy xưa, ra sức giữ gìn và phát triển ngôi trường Phật học này, nơi mà huynh đệ đã cùng chung lãnh thọ sự giáo huấn của chư vị Tôn đức, chia sẻ những ý tư đạo lý và chuyền tay từng trang sách Phật học. Từ đó từng phút trở mình từng phút vươn lên. Chúng ta tu học không phải để trở thành một danh tăng vang lừng tên tuổi, nhưng để trở thành một chân tăng đúng nghĩa cần phải đi theo con đường của những bậc danh tăng thật tu thật học. Vì chỉ như thế mới có thể nuôi dưỡng ý chí và hướng đời mình đến chân trời cao rộng. Người xưa nói:

Muốn giăng bắt phượng hoàng lưới diệu,
Chớ noi theo chim chóc chí hèn.
Đà buông câu kình ngạc lưỡi thần,
Đừng sợ lụy ểnh ương phận nhỏ.

Để trở thành người gìn giữ giềng mối đạo pháp, thiệu long thánh chủng, báo Phật ân đức, mỗi Tăng Ni hôm nay cần phải cương quyết vượt qua tập nghiệp của chính mình, mạnh dạn vươn lên, đạp tung thành trì cố hữu. Lười biếng, buông lung, si mê, tham ái… luôn rình rập dẫn lối chúng ta đi vào mê lộ tử sinh, chịu vô lượng trầm luân thống khổ. Cẩn thận! Đừng để rơi vào bẫy rập của chúng. Muốn thế phải siêng năng tinh tấn tu học, không được lơ là dù chỉ phút giây.

Tăng Ni sinh là người gánh vác sứ mệnh đạo pháp, truyền đăng tục diệm, đưa ánh sáng Phật pháp đi vào đời, cứu khổ ban vui theo lời chư Phật dạy. Muốn gìn giữ mạng mạch Phật pháp trước phải biết gìn giữ mạng mạch của chính mình. Mạng mạch ấy là gì? Là nguồn trí tuệ có sẵn nơi mỗi chúng ta. Nhưng muốn dùng được nó không dễ dàng chút nào. Cung thiền định, kiếm trí tuệ tay chẳng rời. Chém phăng, tháo sạch, ném quách tất cả mọi dây mơ rể má bu bám thân tâm. Bây giờ hơn bao giờ hết, Tăng Ni sinh chỉ có tu và học mà thôi. Không điên đảo vọng tưởng, không sa đà tuế nguyệt.

Như thế khả dĩ nuôi dưỡng giới thân huệ mạng, đi suốt con đường Phật đạo dài lâu.

Việc tu học cần phải thật lòng, bền tâm, vững chí. Hãy cúi xuống, cúi xuống thật thấp để học cách đi qua mọi cánh cổng cuộc đời và hành đạo vô ngại ung dung. Chúng ta nhất định sẽ gặp nhau ở chân trời tịnh thanh vô nhiễm vô ưu, tùy duyên nhậm vận, tùy duyên lợi ích chúng sanh. Đó chính là tấc lòng son của những người con Phật, mong mỏi báo đáp thâm ân Phật Tổ, các bậc tiền bối, lịch đại Tổ sư đã vì chúng ta và chúng sanh muôn đời sau mà thị hiện nơi đời.

- HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]