headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 28/01/2025 - Ngày 29 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatthanhdao  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Kỷ niệm - PHẬT THÀNH ĐẠO

PhatthanhdaoNam-mô Ta-bà Giáo chủ Điều ngự Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật tác đại chứng minh.

Cung kính ngưỡng bạch đức Từ phụ,

Hôm nay toàn thể tăng ni Phật tử chúng con cùng nhau một dạ chí thành hướng về đấng cha lành, kính mừng kỷ niệm ngày đức Thế Tôn thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ngày ánh sáng của trí tuệ và từ bi được soi sáng khắp cõi nhân gian.

Trong giờ phút thiêng liêng này, hướng về Bồ-đề đạo tràng, hướng về Phật độ trang nghiêm nơi mỗi mỗi tự thân, đệ tử chúng con khẩn thiết đầu thành dâng nén tâm hương cúng dường lên đức Từ phụ, quy kính ngưỡng vọng tôn dung và đê đầu tưởng niệm công đức vô lượng của Thế Tôn, cúi xin Như Lai từ bi chứng minh, phù trì cho Phật giáo Việt Nam phát huy quang đại, trường cửu nơi đời, lợi lạc quần sinh, hàng Tăng sĩ Việt Nam noi theo gương hạnh của đức Thế Tôn, tu tập giới định tuệ trang nghiêm thanh tịnh, tự giác giác tha viên mãn, Phật tử Việt Nam quy hướng Tam bảo, chuyển hoá ba nghiệp, cùng nhau xây dựng cõi nhân gian sung thịnh. Nguyện thế giới hoà bình, chúng sinh an lạc.

Cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, Bồ-tát Sĩ-đạt-ta chính thức thị hiện đản sinh, tu tập, thành đạo và hoá đạo tại Ấn Độ. Ngài xuất thân trong dòng dõi đế vương nhưng lại sống một cuộc đời hoàn toàn vô ngã, vô sở hữu, vô trú xứ, không gì có thể buộc ràng. Sinh ra dưới cội vô ưu nơi vườn Lâm-tỳ-ni, thành đạo dưới cội tất-bát-la bên dòng Ni-liên-thiền, nhập diệt dưới rừng sa-la song thọ tại thành Câu-thi-na… Thong dong tự tại giữa núi cao rừng thẳm hay sa mạc hoang vu hoặc qua lại thảnh thơi giữa phố thị kinh kỳ, tất cả vì lợi ích quần sinh mà đến mà đi, như ánh sáng toả chiếu khắp muôn nơi, không hạn lượng, không ngăn ngại.

Rời Ca-tỳ-la-vệ, áo mão cân đai Thế Tôn gửi lại chốn hoàng thành, một mình trong cảnh tịch liêu giữa non thâm, đầu đội trời chân đạp đất, ngài đi tìm ánh sáng của đạo giác ngộ giải thoát và đã giẫm qua vô số chông gai thử thách, có lúc suýt phải tan thân mất mạng. Nóng lạnh đói khát, thú dữ rừng sâu, thầy tà phép lạ… dàn trải trên đoạn đường năm năm tầm đạo và sáu năm khổ hạnh đầu-đà, đức Thế Tôn không có bất luận sự hỗ trợ nào từ bên ngoài. Cạnh dòng Ni-liên-thuyền, nhận bát sữa của mục nữ Tu-xà-đà, Bồ-tát trải toà cỏ dưới cội tất-bát-la, với ý chí sắt đá, ngài lập nguyện nỗ lực tột cùng, bất thối chuyển: “Dù thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi này cho đến khi chứng ngộ toàn giác.”

Trải qua bốn chín ngày đêm dưới cội bồ-đề, bằng cung thiền định kiếm trí tuệ, Thế Tôn đã chém phăng cội gốc vô minh sinh tử từ vô thuỷ. Trong đêm cuối cùng, ngài lần lượt chứng Túc mạng minh, Thiên nhãn minh, và khi sao mai bừng sáng Thế Tôn chứng Lậu tận minh. Tất cả cội gốc phiền não đều được bứng sạch, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thật tướng của muôn pháp. “Màn vô minh đã bị phá tan, tuệ giác sinh khởi. Đêm tối đã chấm dứt, ánh sáng phát sinh đến với người sống chuyên cần, nhiệt thành và giác tỉnh tự kiểm soát.” (Majjhima-nikāya - Trung A-hàm, kinh số 36, Mahā Saccaka Sutta). Năm ấy ngài ba mươi lăm tuổi.

Trong cuộc chiến đấu phi thường, vượt qua mọi thử thách chông gai và trên hết là vượt qua chính mình, ngài đã chiến thắng vẻ vang, oanh liệt. Ánh sáng chân lý từ đây sáng soi khắp nơi. Ba cõi rung chuyển, cung ma chấn động, nhạc trời vang lừng, kính mừng Bồ-tát Sĩ-đạt-ta uy nghiêm rạng rỡ bước lên ngôi vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đầy đủ mười hiệu: Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn.

Thế Tôn đại hoan hỷ nói lên bài kệ:

                Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi,
                Như Lai lang thang đi, đi mãi.
                Như Lai đi tìm mãi mà không gặp,
                Như Lai tìm người thợ cất cái nhà này.
                Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
                Này hỡi người thợ làm nhà!
                Như Lai đã tìm được ngươi.
                Từ đây,
                Ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
                Tất cả sườn nhà đều gãy,
                Cây đòn dông của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
                Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt,
                Và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.

                                                        (Dhammapada - kinh Pháp Cú, câu 153-154)

Đức Phật xác nhận không chỉ riêng ngài mà tất cả chúng sinh đã cùng chung một cuộc lang thang vô định trong nhiều kiếp sống quá khứ đầy khổ đau phiền luỵ. Ngài khẳng định như vậy, không phải do lý luận hay nghe ai nói, mà do trí tuệ tự tâm nhận thấy trong canh đầu đêm thành đạo. Ngài mãi đi tìm nguyên nhân đã lôi cuốn mình trôi giạt trong những kiếp sinh tồn, sống rồi chết, chết rồi tái sinh trở lại, triền miên vô cùng tận. Tìm mãi nhưng không gặp. Trong kiếp sống cuối cùng, giữa khung cảnh cô liêu tĩnh mịch, lúc an trụ sâu trong đại định, trí tuệ phát sinh, ngài khám phá ra anh thợ cất nhà hằng muốn biết.

Anh thợ này không phải ai xa lạ bên ngoài, mà đã tiềm tàng sâu kín trong mỗi chúng ta. Đó là ái dục. Tìm ra người thợ cất nhà, biết được nguyên nhân lôi cuốn chúng sinh trong vòng sinh tử, là ngài có cách tận diệt ái dục. Cái sườn của ngôi nhà tự tạo ấy là các ô nhiễm: tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến, hoài nghi, phóng dật… Cây đòn dông chịu đựng cái sườn là vô minh, căn nguyên xuất phát mọi dục vọng. Ngài phá vỡ cây đòn dông và giật sập ngôi nhà. Ánh sáng trí tuệ vĩnh viễn đẩy lùi đêm tối vô minh. Đức Phật thành đạo không chỉ là một chiến thắng vĩ đại đối với bản thân ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho toàn thể nhân loại. Ánh đạo vàng vượt thời gian không gian chiếu soi khắp muôn nơi, chưa bao giờ thiếu vắng trên thế gian.

Là đệ tử Như Lai, chúng ta không thể không kính cẩn tri ân, cảm bội công đức khai hoá của Như Lai. Sự kiện đức Phật thành đạo có ý nghĩa vô cùng lớn lao đối với những người con Phật trên khắp năm châu bốn bể. Kinh Pháp Hoa ghi rõ, đức Thế Tôn vì một đại sự nhân duyên nên xuất hiện ở đời, đó là muốn khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến của mình. Bản nguyện rộng lớn của chư Phật, chỉ vì một việc duy nhất là muốn mở bày cho tất cả chúng sinh nhận được và hằng sống với tri kiến Phật, đó chính là tâm thể rỗng rang sáng suốt của mình.

Chúng ta có tri kiến Phật mà bỏ quên, rồi lăng xăng tạo nghiệp, bị trôi giạt trong luân hồi số kiếp vô kể, nên chư Phật phát nguyện nơi nào có chúng sinh, Thế Tôn thị hiện đến chỉ dạy việc ấy. Tăng ni, Phật tử cần hiểu thấu ý nghĩa Phật thành đạo, noi gương đức Từ phụ, nương giáo pháp Phật dạy, phát đại tâm đại nguyện đi suốt cuộc hành trình cho đến ngày viên thành Phật đạo.

Chúng ta học tập được ý nghĩa Phật thành đạo thứ nhất, là sự nỗ lực vô bờ của một con người nhiệt thành, tinh cần, dũng mãnh. Ngài đã để lại một tấm gương sáng ngời, thông qua con đường tự tu tự chứng viên mãn. Trải qua biết bao tháng ngày trăn trở quên ăn bỏ ngủ, công phu nhọc nhằn, gạn lọc chân lý cạn sâu, hy sinh thân mạng, từ bỏ tất cả ngũ dục vinh hoa phú quý, những thứ mà người đời vốn rất say mê đắm luyến... Có thế ngài mới có được giây phút lịch sử chói lọi huy hoàng. Giây phút thành đạo.

Thế Tôn để lại cho chúng ta bài học tối hậu về sự tự nỗ lực trên bước đường tu tập, phải biết buông bỏ chứ đừng nắm bắt cố giữ. Giáo lý tứ diệu đế đã nói rất rõ về điều này. Đây là khổ ta đã nếm, đây là khổ tập ta đã biết, đây là khổ diệt ta đã chứng, đây là khổ đạo ta đã tu. Các ngươi cũng nên như thế mà tu chứng, mà thoát khỏi nỗi khổ luân hồi sinh tử. Thế Tôn thành đạo là kết quả tự nhiên của tự tu tự chứng, chứ không dựa vào bất kỳ một đấng thần linh nào. Phật ra đời ngay trong lòng thế gian đau khổ và lìa chúng sinh là không có Phật. Cũng một con đường ấy nhưng mê là chúng sinh, ngộ chính là Phật.

Suốt cuộc đời giáo hoá, đức Phật luôn nhắc nhở chúng ta: “Các con hãy tự mình cố gắng, đức Như Lai chỉ là bậc Đạo sư, hãy tự mình làm hòn đảo, làm nơi nương tựa cho chính mình, tự mình thắp đuốc lên mà đi.” Đạo Phật chú trọng ở thực chứng, không thích hý luận sáo rỗng vô ích hay cuồng tín tin tưởng vào các đấng siêu nhiên. Cho nên mỗi người con Phật là một hành giả, một chiến sĩ anh dũng trên chiến trường tự thân, kiên quyết chiến đấu và chiến thắng với chính mình. Đó là ý nghĩa tự lợi thứ nhất.

Ý nghĩa Phật thành đạo thứ hai, là viên mãn công đức lợi tha. Ngài ra đời là “vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người” (Tăng Chi I). Trong lịch sử nhân loại, chưa thấy ai đã từng yêu thương muôn loài và đề cao tinh thần bình đẳng như đức Phật. Thật vĩ đại biết dường nào khi xã hội Ấn Độ ngày nay còn nặng đầu óc phân biệt giai cấp mà ngay từ thời xa xưa ấy, đức Phật đã gióng lên thông điệp xoá bỏ giai cấp: “Tình thương là sợi dây liên lạc giữa người với người, không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Một người sinh ra không ai mang sẵn từ trong thai vòng dây ở cổ hay dấu Ti-ca trên trán.”

Trên tất cả là ngài đã gieo vào lòng chúng nhân điều quan trọng bậc nhất: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.” Từ đó cánh cửa giải thoát đã mở ra cho tất cả chúng sinh. Phật tánh bình đẳng là cơ sở quan trọng để sau này ngài thâu nhận một cách vô điều kiện mọi tầng lớp đệ tử trong xã hội. Tam bảo xuất hiện nơi đời, không phân biệt giai cấp sang hèn... Ngài đã cởi bỏ hoàng bào của một Đông cung thái tử, khoác lên mình y ca-sa giải thoát, cầm bát đi khất thực tận hang cùng ngõ hẻm của cuộc đời, đó là một sự hoà hợp lớn lao vĩ đại. Đến với những người cùng khổ chính là đến với tha nhân. Đến với tha nhân cũng là đến với chính mình. Hoà nhập. Dung thông vô ngại. Cho nên đạo Phật là đạo của tha nhân, của con đường vị tha vô ngã.

Đặc biệt sự kiện Phật thành đạo đã đề cao giá trị nhân bản của con người. Ngài chứng quả ngay trong kiếp người, là người giác ngộ. Điều này chứng tỏ con người có khả năng tối ưu để trở thành Phật. Ngài là đấng siêu việt mà loài người từng biết tới nhưng ngài cũng mang một trái tim rất người, lấy con người làm mục đích cứu cánh để giải quyết mọi vấn đề bế tắc của thời đại. Con người tự chịu trách nhiệm đối với bản thân, không thể gửi gắm vận mệnh của mình cho ai khác, dù đó là thần thánh hay bất cứ thế lực nào bên ngoài. Quả là Thế Tôn đã mang niềm tin và trí tuệ đến cho muôn người.

Phật thành đạo còn mang một ý nghĩa căn bản cho việc thiết lập một nền giáo dục Phật giáo toàn diện. Nền giáo dục cần phải đặt trên nền tảng của sự chuyển hoá, hướng thượng tinh thần, tâm thức con người. Tâm là chủ quyết định cho mọi hành động của chúng ta. Con người là chủ thể xã hội. Cho nên một nền giáo dục đích thực phải bắt đầu từ việc cải tạo tâm. Kho tàng giáo lý trong bốn mươi lăm năm thuyết pháp của Thế Tôn đều nhằm hướng đạo đối trị vô lượng phiền não phát khởi từ vọng tâm của chúng sinh. Đạo Phật với tinh thần vô ngã vị tha, tứ vô lượng tâm, lục độ ba-la-mật sẽ là chất liệu quý giá cho sự nghiệp giáo dục và đưa xã hội loài người hướng đến Chân Thiện Mỹ. Đây chính là cõi tịnh lạc trong nhân gian.

Ánh Đạo Vàng sáng soi muôn loài, chúng ta không phải kỷ niệm Phật thành đạo trong một ngày, một giờ là đủ, mà cần khơi nguồn sáng đó vào đời sống, vào thời đại từng giây từng khắc, từng sát-na, từng hơi thở đời mình. Công đức ngài là vô lượng vô biên, sự thành đạo của ngài là cao quý, hy hữu như hoa ưu-đàm-bát-la trăm ngàn năm mới có một lần nở, hạng phàm phu khó có thể hiểu biết và nói bàn trọn vẹn về ý nghĩa sự thành đạo của ngài.

Để tưởng kính và tri ân đức Thế Tôn, đấng cha lành của muôn loài, thiết nghĩ không gì hơn là chúng ta hãy từng bước tiến gần đến Như Lai, thông qua con đường tu tập tự thân và phụng sự tha nhân. Bởi vì chúng ta là đệ tử của đức Phật, cho nên không thể đi khác con đường Phật đi. Đó là con đường Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

- HT. THÍCH NHẬT QUANG -
 

[ Quay lại ]