headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

GIÁO GIỚI AN CƯ

ancuSau khi đại chúng đã chuẩn bị đầy đủ chương trình và điều kiện sinh hoạt tu học cho mùa hạ, quý Hòa thượng sẽ về đây như pháp như luật làm Lễ An cư và thuyết giới cho quý vị. Hôm nay tôi đại diện Tăng đến đây có những điều cần thiết xin được góp ý, chia sẻ trước với đại chúng. Quý vị đã có nhiều trưởng thành, trước nhất là tạo được công đức và thiết lập được quy chế tu hành đúng chánh pháp. Mỗi hành giả đều thể hiện tâm hoan hỉ, siêng năng như pháp như luật hành trì. Đây là điều đáng khen, một phúc duyên vô cùng to lớn cộng thêm sự hộ trì của Tam Bảo, nương nơi phúc trí, công đức của Hòa thượng Ân sư.

Tâm chân thành, khẩn thiết vì sự tu học chính là động lực giúp quý vị thành tựu tâm nguyện tu hành. Điều này tôi thấy rất rõ. Tất cả sự sắp đặt trong chúng được hiện bày rõ ràng tương đối đầy đủ đạo hạnh và nghi biểu trang nghiêm. Tuy chưa hoàn bị nhưng bước đầu được như vậy là điều đáng khen ngợi cho đại chúng.

 

Bản thân tôi hồi nhỏ là một chú tiểu lang thang khắp các đạo tràng, lại đủ duyên được gần gũi rất nhiều vị Tôn đức và sự thương tưởng hộ trì của Tam Bảo. Tôi luôn được hướng dẫn và đã biểu hiện đầy đủ những nghi cách của người sơ cơ vào đạo. Hôm nay tôi thấy quý vị cũng biểu hiện đầy đủ như vậy.

 

Ngày xưa sống trong những đạo tràng nghiêm tịnh, sự thực tâm tu học thể hiện qua sinh hoạt hàng ngày. Mỗi khi làm được việc gì hay nhận hiểu giáo lý Phật dạy tôi rất phấn khởi vui vẻ, tâm trạng này có được là từ sự cố gắng tột bậc. Hồi nhỏ tôi nhiều bệnh lắm, hoàn cảnh lúc đó lại thiếu thốn nên tôi cắn răng chịu đựng. Có lần bị bệnh, ngủ quên mất tiêu, ngủ như chết đến mức huynh đệ lấy nước lạnh đổ lên người tôi mới tỉnh. Khi bớt bệnh tỉnh táo rồi, tôi trở nên dũng mãnh phi thường. Nhớ có lần giảng pháp, Hòa thượng kể chuyện các vị hành khước một phen tỉnh rồi thì tỉnh lực ấy sẽ xuyên suốt, đâm thủng tất cả những mê muội, dã dượi, tăm tối. Dường như tôi cảm thấy phấn khởi vì mình cũng có được những phút giây như vậy. Sau niềm vui đó tôi càng cố gắng hơn nữa.

 

Chư huynh đệ đủ duyên lành vào chùa, có thời gian tập sự quen thuần rồi được xuất gia, tiến liêu làm thiền sinh tu học nhưng không phải ngang đó dừng. Giả tỉ như trong ba bốn vị lãnh đạo, vị căng mặt này nhưng dịu mặt kia. Hoặc có vị dịu mặt này nhưng căng mặt khác. Tại sao họ lại như vậy? Vì họ thương, lo lắng cho quý vị nên có trách nhiệm hướng dẫn và thành toàn cho huynh đệ. Từ nhân duyên tốt đẹp đó chúng ta phải cố gắng tu hành.

 

Như các thiền sinh trẻ tuổi ham ngủ nhiều, ăn nhiều lại hay thích nghĩ vớ vẩn, lúc nào cũng điên đảo chuyện này chuyện khác. Nếu mặc tình để cho những tư tưởng, vọng động tăm tối đó tung hoành, không khéo làm chủ thì si mê sẽ thúc đẩy trở thành nghiệp lực dẫn đi vào con đường xấu ác. Không thể biết trước đến bao giờ những dại khờ đó chấm dứt. Tuy nhiên nếu cố gắng, kiên quyết vận dụng trí tuệ như mũi nhọn xuyên thủng, đẩy lùi tất cả mê mờ thì con đường sáng sẽ mở ra. Quý vị nên nhìn lại chính mình xem con khỉ bên trong nó đang lăng xăng cỡ nào để từ đó ổn định lại, nhất định trên bước đường tu học sẽ kiên quyết mà thẳng bước tới thành công.

 

Người tu theo Phật là đang đi trên con đường Bồ-tát đạo và chí hướng tới viên thành Phật đạo. Hạnh nguyện độ tất cả chúng sanh chóng thành Phật đạo không chỉ là sự cố gắng cho riêng mình mà vì đại cuộc, đại thể, vì tâm nguyện tu hành lớn lao vô lượng vô biên. Muốn làm được như vậy đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, có cố gắng mới chuyển hóa được nghiệp tập đầy tăm tối. Một phương tiện hữu ích gọi là pháp lực có thể đánh tan, chuyển hóa làm cho nghiệp tăm tối không làm gì nổi. Bây giờ chúng ta cố gắng mở sáng phát huy trí tuệ để vô minh bị giảm thiểu và đẩy lùi.

 

Muốn trị vô minh chúng ta phải làm gì? Những khi vọng động dấy khởi, không làm chủ được bản thân thì những bực tức, hằn học càng lúc càng dày lên. Nó dày lên thì mình sẽ bất lực buông tay để cho nghiệp tăm tối dẫn. Những lúc sơ suất như vậy chúng ta sẽ thấy buồn, thấy dể duôi để cho những tơ tưởng, dấy niệm và vô vàn trạng thái loạn tưởng bất như ý dấy khởi. Rồi từ đó vô minh phát tiết. Khi vô minh có cơ hội vận hành dẫn mình đi thì đằng sau đó là cả một cảnh giới hiểm nguy đen tối. Muốn thoát ra đòi hỏi thật nhiều công phu, chớ không phải dễ dàng đâu.

 

Ví dụ một chuyện đơn giản như thế này. Vị thiền sinh đó từ nhà khách bước ra, trong đầu có tâm niệm đến điện Phật phụ huynh đệ quét dọn vì biết ở đó đang cần người. Đây là niệm tốt. Vừa bước ra, một thiền sinh bên kia kêu lại “Chị ơi ra đây, hoa bướm nhiều lắm, rất đẹp và thú vị”. Ngay lúc đó mình do dự, không lên điện Phật mà hướng ra huynh đệ ngoài kia, thế là tâm niệm lành tan mất, nghiệp xấu dẫn đi rồi. Chuyện hết sức bình thường như vậy nhưng nếu không kiểm soát làm chủ, lâu ngày gặp những chuyện to lớn hơn mình phải làm sao? Một chút vậy thôi nghiệm lại thấy loạn tưởng, sôi nổi trong phút chốc không làm chủ được nó dẫn đi xa mút.

 

Trong bất cứ thời tu tập nào, chúng ta chớ bao giờ xem thường những dấy niệm dù nhỏ nhất, tuy không đáng gì nhưng có khi mình giữ không được. Xây dựng làm thành ngay từ những việc nhỏ để tập trung vào việc chính là thực hiện tròn đầy đại hạnh viên thành Phật đạo. Bao giờ đại hạnh hoàn bị thì Phật đạo mới viên thành. Đại hạnh chưa hoàn bị mà muốn thành Phật đạo hoặc tự nói Phật đạo đã thành là ma mị rồi. Cho nên chúng ta phải cẩn thận, luôn có nhiệt tâm tu học để giải quyết vấn đề sinh tử. Biết vận dụng trí tuệ soi tỏ vấn đề một cách tường tận như thế thì sự cố gắng tu học mới thực sự có cơ năng hoàn chỉnh. Nhiều khi tự nói mình tốt bụng, dễ chịu nên ai mời thỉnh, rủ rê đi đâu cũng được. Thấy như tốt nhưng không phải đâu. Trong giai đoạn tu tập, quý vị chớ bao giờ xem thường mà phải luôn sáng suốt thấy cho rõ.

 

Sự cố gắng mà thiếu trí tuệ thì ngay cả tâm niệm nhỏ cũng nguy hiểm vô cùng. Không đủ tỉnh sáng dừng những tâm niệm đó, nó sẽ dẫn mình đi vô vàn dặm. Cho nên chớ xem thường dấy niệm, đừng bao giờ hoàn toàn tin vào nó để rồi bị trôi dạt. Sức mạnh của nghiệp lực có tác dụng thúc đẩy phát triển sự tăm tối. Người tu mà để nghiệp dẫn thì uổng lắm, không biết nghiệp và không trị được nghiệp là điều cay đắng. Trong từng phút giây phải cố gắng làm chủ các dấy niệm, đó là bước đầu chuyển hóa nghiệp. Chúng ta có quyền vận dụng sự sáng suốt của mình như con dao bén phẫu thuật tìm cho ra dây mơ rễ má vô minh, xem nó ở đâu và dõng dạc tuyên bố chặt đứt nó đi. Vậy là ta đã chuyển được phần nào nghiệp tập rồi.

 

Có những dấy niệm ban đầu tuy tầm thường không mang tính xấu gì, nhưng nếu để lâu ngày nó phát triển mạnh thì khó tháo gỡ. Trường hợp các chú tiểu La Vân cũng vậy, xin về nhà ba bữa vui quá, đến ngày trở lại chùa ông cậu đến xin đón về thăm thêm mấy bữa nữa. Cứ vậy hết ông cậu tới bà cô, đi chơi khắp một vòng với bà con dòng họ. Tới hồi trở lên, mặt mày hốc hác tóc tai dài thòng. Hỏi:

 

- Chú đi đâu, làm gì giờ mới lên?

 

- Con bệnh quá chắc học không nổi.

 

- Niệm này có từ hồi nào?

 

- Dạ, chừng một tháng trở lại đây.

 

- Giờ chú tính sao?

 

- Chắc con học không nổi.

 

- Không nổi thì về thôi.

 

Từ niệm bà con anh em rủ về nhà thăm đâu có xấu hay to lớn gì, tí xíu vậy thôi mà nó dẫn đi luôn. Vì chưa làm chủ được, công phu tu hành cũng chưa dính dáng, chưa thể chuyển hóa được sự tăm tối, sức hấp dẫn của nghiệp, do đó bị rơi rớt. Đây là vấn đề nhỏ nhưng quý vị phải lưu ý cảnh giác. Trong suốt thời gian phát nguyện tu học, trước nhất phải bảo vệ tâm tu hành ban đầu cho vững, không để sự tăm tối xen vào khiến nghiệp dấy động dẫn mình đi. Nên luôn luôn phát nguyện yên lòng trong mọi hoàn cảnh, phấn đấu tu tập.

 

Ba giờ khuya thức dậy, ai nấy đều năng nổ rửa mặt lên điện Phật ngồi thiền. Riêng mình còn ngáp, chùng chình đợi mấy huynh đệ rửa mặt xong hết rồi mới vô rửa mặt, họ lên điện Phật hết mình mới lên. Đó là chưa kiểm soát, chưa phát huy được tâm nguyện chân chính tu hành. Quý vị phải cố gắng, chớ để rơi vào những tình huống tầm thường như vậy. Nó là nguyên nhân làm cho mình lui dần. Huynh đệ lên chùa hết, mình lại khởi niệm đi vệ sinh, đi xong thấy còn mấy bộ đồ thôi giặt luôn. Giặt xong mệt, nghỉ một chút. Vừa nằm xuống hai con mắt khép lại, ngáy luôn cả buổi. Tới chừng mở mắt ra nghe trên kia đang hồi hướng, giọng tụng niệm lảnh lót, thanh tao đầy đủ uy nghi và công đức.

 

Hồi còn sống trong học viện, tôi có người huynh đệ theo học chương trình Đại học Văn khoa. Anh học rất khá, sau này nhận chứng chỉ thầy giáo. Huynh đệ khuyên, thầy tu rồi nên ở nhà dạy anh em, chứ dạy trường ngoài làm sao tu được. Anh không nghe và nói học cực khổ nên phải đi dạy cho ra phết. Mỗi lần ra ngoài dạy anh hay về nhà. Lúc đầu về thăm, nghỉ lại một hai đêm, nói với huynh đệ là đi dạy chỗ này chỗ kia. Sau cùng về cất một ngôi nhà nhỏ trong phần đất của gia đình. Bà con dòng họ xung quanh xúm lại sinh hoạt, thời gian chừng hai năm nơi đó trở thành một nhà thế tục không hơn không kém, có khi còn hơn nhà thế tục nữa.

 

Điều này khiến chúng ta phải sợ, sợ cái gì? Lòng chưa vững, trí chưa sáng, chưa phát huy tốt tâm Bồ-đề, do vậy khi tiếp cận với hoàn cảnh bên ngoài dễ say sưa dính mắc. Đây là những kinh nghiệm quý vị nên lưu tâm cố gắng xa lìa. Chư huynh đệ còn trẻ tuổi nên phải ráng tu tập, gắn bó với Phật pháp, giới luật và cố gắng thương tưởng đùm bọc nhau. Từ đây cho tới giai đoạn làm chủ được vấn đề sinh tử đâu ai có thể biết trước việc gì xảy ra. Nói chung con đường Phật đạo còn dài lắm, huynh đệ cần phải nương tựa, đùm bọc bảo vệ nhau đi cho trọn cuộc hành trình.

 

Trong đời tu hành, Hòa thượng Ân sư dạy có hai trường hợp chúng ta phải thực sự trải nghiệm. Tiêu chí thứ nhất phải sáng đạo, tiêu chí thứ hai phải làm chủ vấn đề sinh tử. Sáng đạo tức là đầy đủ sáng suốt, sống an ổn trong đạo lý bình thường, chớ có nhị tâm, ngó qua ngó về, ngay đây bây giờ tập trung phát huy và sống được với trí tuệ của mình. Kế nữa phải làm chủ được vấn đề sanh tử. Ví dụ như nói không uống cà phê mà lại uống là không làm chủ được. Ngay khi còn đang sống đang thở đây mà không làm chủ được huống gì khi chết thì làm sao. Không lẽ tới lúc ngáp ngáp gần chết kêu kiếm cà phê uống một cốc cho đã rồi mới chết sao. Nghiệp nó dẫn tới như vậy không phải đơn giản.

 

Câu chuyện về một vị tu hành đến hàng trưởng lão, khi bệnh sắp qua đời mà đạo tràng chưa xây dựng xong. Tới lúc hấp hối, thầy bảo đệ tử dìu đi rờ từng viên gạch, tảng đá vừa mới xây chưa khô. Tất cả những tiếc nuối lưu luyến đó mở đường dẫn chúng ta đi vào nghiệp thức mê mờ. Lúc đó dù có liễu đạo vào Niết-bàn hay đến cõi Phật thì Niết-bàn đó chẳng có viên đá viên gạch nào hết và cũng chẳng có cõi Phật nào cho những tâm hồn vớ vẩn vô trong đó được. Cho nên muốn được sanh vào cõi Phật an vui phải làm chủ được mình, sinh tử tự tại đối với tất cả các pháp. Tất cả những gì chúng ta thấy còn khó khăn, bực bội, bức xúc đều phải san bằng hết thì trong cuộc đời này giữa đây bây giờ ai nấy an ổn tự tại. Người an ổn tự tại ngồi góc này cười được, đứng góc kia cũng cười được. Cuốc đất, làm cỏ hay bất cứ công việc gì cũng có thể cười. Vì thế thức ngủ an tường, tự tại xả bỏ dễ dàng những gì không cần thiết, không còn chấp chặt dính mắc với bất cứ cái nào. Đó chính là định hướng tu hành cho quý vị.

 

Một khoảng thời gian tôi gặp khó khăn mà không tự điều phục được mình, do đó trăn trở dẫn đến mất ngủ và bất an trong lòng. Không khéo tu để bất an trong lòng mà thải ra không được, giải quyết không xong thì nhất định công phu tu hành sẽ hụt hẫng. Không tự điều hòa, cái hụt hẫng càng tăng trưởng do đó tâm Bồ-đề bị gậm nhấm, dần dần thành ra rách nát. Nếu ngay từ phát xuất điểm, trăn trở không có dịp chia sẻ cũng không chịu thải ra ngoài, cứ để tồn đọng dẫn đến tình trạng hụt hẫng nặng nề, tâm Bồ-đề thối chuyển thì còn gì để tu.

 

Bản thân tôi đã trải qua tình trạng như thế. Chịu trách nhiệm lãnh đạo đôi khi có những chuyện thấy dường như ngoài sức của mình. Chuyện không giải quyết được để tồn đọng trong lòng, trước nhất là mất ngủ rồi những ngày sau sinh hoạt bất thường. Bước đi cảm giác cái đầu nặng hơn hai cái chân. Đầu nặng, xương sống đau cộng với hai cái chân lỏng khỏng nên có bao giờ đi ngay ngắn được đâu. Cái đầu nặng đến mức bước đi cảm giác mình đang cách mặt đất. Những lúc như thế rất dễ nổi cáu. Gặp nhân duyên không hóa giải được làm thiệt hại cho mình và mọi người xung quanh là có thể cáu lên liền. Khi đó tâm Bồ-đề đã rách bươm không còn lành lặn nữa. Ban ngày chao đảo chuyện này chuyện khác, đêm đến nhớ chuyện này chuyện kia ngủ không được thì bình yên ở đâu, làm sao gầy dựng được nếp công phu đúng như pháp. Có lúc tôi cảm thấy xấu hổ không xứng đáng vì mình luôn dạy người khác phải điều hòa, buông bỏ, an ổn vui vẻ không để dính mắc bất cứ điều gì trong khi chính mình chưa làm được. Những lúc như vậy tôi thành tâm mong mỏi mọi việc xung quanh an ổn để vào đêm bớt đi mộng mị, coi như đó là chút an lạc để công phu tu hành có cơ hội phát triển.

 

Đại chúng có duyên lành cùng chung sống trong đạo tràng trang nghiêm như thế này, nhưng không dễ để tìm được một người trăm phần trăm như ý mình. Nếu có chỉ là những người mắc sai sót biết sửa đổi cũng là tốt lắm rồi. Làm sao có thể đồng cảm hết được phải không? Kinh nghiệm bản thân cho thấy nhất là những người có trọng trách lãnh đạo giữ cương lĩnh, sự đồng tình thống nhất được đặt làm trọng tâm. Bản thân mình và người cộng sự phải thấy được nhiệm vụ chính là tập trung làm sao làm tròn mục đích ổn định đạo tràng trang nghiêm thanh tịnh. Còn những gì xung quanh tùy duyên xí xóa mà thôi.

 

Hòa thượng Ân sư dạy, tất cả các pháp đều không thiệt, không gì là của mình, mọi thứ chỉ là nhân duyên hội họp nên có quả ứng thế này thế khác. Tự mỗi cá nhân phải cố gắng tôi tròn trọng trách của mình, còn những gì xung quanh coi như mảnh vụn không cần thiết, thải ra cho nhẹ. Nên biết việc mình phải làm là gì. Những đêm mất ngủ và mất ngủ dài, tôi có cảm giác hãi hùng vì việc của mình làm chưa xong, công phu tu hành không ra chi. Ai rồi cũng có những lúc chiêm bao, hụt hẫng như vậy. Cho nên phút giây hối hận tự nhận thấy khuyết điểm, tự mình sám hối là điều đáng quý hơn hết. Phải cố gắng buông bỏ, đó là phương thức tu hành từ đây mà đạt đạo, không có gì lạ hết.

 

Nhiều khi chúng ta thấy những vướng mắc trước mặt sao khổ quá, khó quá đi nhưng nghiệm lại thấy tất cả đều không thiệt. Dù không ai lắng nghe, không ai hiểu và chia sẻ, mình chỉ biết vậy thôi chứ nên khởi nghĩ gì cả. Thậm chí người khác có thái độ quá đáng, mình cũng không nên biểu hiện bất mãn. Bên trên có giao phó công tác gì quá sức, mình hoan hỉ cố gắng vươn lên và hòa nhập với sự đồng tình hỗ tương của những người xung quanh. Đó là hướng quý vị nên mở lòng mình ra mà đón nhận tất cả sự cảm thông. Hơn nữa, trong số quý vị ngồi đây, rõ ràng có người hoàn bị điểm này nhưng còn trăm ngàn điều khác chưa được. Giả tỉ như sư huynh này giỏi cắt xén hoa cảnh, đưa vô nhà bếp lại tùm lum làm không được. Hoặc không ai ra ngoài rẫy làm tuyệt vời, vô nấu cơm tuyệt vời, làm vườn hay gì khác cũng tuyệt vời hết. Dường như chưa có người nào được như vậy. Làm rẫy rất tốt mà ngồi thiền ngủ gục thì thiếu đi, hay nấu ăn nêm nếm xuất sắc nhưng ra ngoài làm việc không được. Do đó mỗi người chỉ thành tựu trong một phạm vi. Cho nên muốn thành tựu lớn, chúng ta phải mở rộng lòng mình để đón nhận và cảm thông, cùng nhau phát tâm hướng đến đỉnh cao chung.

 

Số lượng thiền sinh cả hai viện mỗi ngày mỗi tăng, do đó các vị lãnh đạo phải có cách điều động, khuyến khích, ủng hộ và vận dụng hợp lý tạo sự hưng phấn cho huynh đệ nhắm tới đỉnh cao của việc tu tập. Quý vị lãnh đạo ở đây đã có quá trình tu tập gần 30 năm, trên 30 năm nhưng hầu hết chư huynh đệ mới 2, 3 năm tuổi. Do đó, quý vị cần tạo cơ hội, nhân duyên để khuyến khích chư huynh đệ cố gắng ghi nhận, chia sẻ, đoàn kết vui vẻ trên đường tu học. Mong mỏi gầy dựng thành tựu được một Phật sự từ những chư huynh đệ này ít nhất cũng phải hai, ba thập niên. Chắc quý vị cũng đồng cảm được với tôi điều này.

 

Nhìn chung trình độ của chư huynh đệ tương đối ngang nhau, hầu hết là phổ thông và trên phổ thông. Một số huynh đệ có trải qua sự va chạm trong cuộc đời nhưng công phu đều chưa trải nghiệm nhiều. Cho nên quý vị phải cố gắng, chủ đích cuối cùng là làm sao thành tựu được đạo nghiệp. Đạo nghiệp có thành tựu thì mọi mê lầm chấp trước không làm gì được chúng ta và tâm nguyện lợi mình lợi người mới được viên mãn tốt đẹp. Đạo nghiệp chưa thành tựu thì chúng ta phải cố gắng, phấn đấu tích cực hỗ trợ cho nhau nhiều hơn nữa. Bởi vì chúng ta đang cùng bơi lội giữa sáu trần, đang còn mê lầm tăm tối nên rất cần sự hỗ trợ, thương yêu, chia sẻ cho nhau để tự bản thân mỗi người thành tựu được nguyện tu hành của mình. Những lúc như thế này có ai nỡ buông tay người bạn của mình ra không? Quý vị đã có nhân duyên tụ họp như vậy thì phải nên vững tâm phát đại nguyện nương tựa nhau, làm thành cho nhau.

 

Mong rằng nhờ nhân duyên tốt lành này quý vị cố gắng hoàn thành tu tốt, đâu có gì thực hết nên cái gì cũng phải buông. Một ngày nào đó trong giờ tọa thiền, bất chợt quý vị nhận ra lý vô thường của các pháp. Mọi thứ đều là giả tạm, tất cả thành kiến, riêng tư, tăm tối, cố chấp của mình tan rã hết. Không đợi buông, không đợi bỏ nó cũng tự buông bỏ, tan rã rồi. Mỗi chúng ta phải cố gắng tu tập mới nhận ra và thâm nhập được điều đó để được tự tại giải thoát. Hàng ngày nấu cơm, đi làm cỏ, tưới hoa, làm rẫy, bổ củi, gánh nước … làm chỉ biết đang làm, không dính mắc gì hết. Tất cả đều là đồ bỏ, nhận ra và sống với cái chân thật của mình thì nấu cơm không dính nấu cơm, làm cỏ không dính làm cỏ, trồng rẫy không dính trồng rẫy ... tự tại đối với tất cả. Đó là chỗ phải ghi nhận và thực hiện để làm sao hoàn toàn sống được với cái chân thật ngay nơi mình.

 

Hôm nay tôi chia sẻ với quý vị những điều rất bình thường trong đời sống, không phải kinh điển gì xa xôi. Mong rằng trong mùa an cư này, còn những gì bức xúc bất an chưa thông suốt, chư huynh đệ cố gắng chia sẻ, điều hòa giải tỏa tất cả. Làm sao thực hiện được điều Hòa thượng dạy là tu sạch ba nghiệp tham sân si, tu sao bằng Phật mới vừa lòng. Từ các vị lãnh đạo lớn tới các vị mới xuất gia, ai nấy đều phải cố gắng tu tới mức giải trừ những nhỏ nhen cứng nhắc, tăm tối, ương yếu của riêng mình.

 

Chúc đại chúng một mùa an cư an lạc, gặt hái được nhiều thành tựu trong công phu, xứng đáng một hành giả tu hành đúng chánh pháp. Đó là điểm đến và cũng là công đức dâng lên cúng dường Tam Bảo, cúng dường Hòa thượng Ân sư, bày tỏ tấm lòng biết ơn trả ơn tất cả những ân nghĩa giữa đây. Xin hướng về Tam Bảo thành tâm chúc nguyện đại chúng nương nơi uy đức Thầy Tổ, ai nấy đều đầy đủ sáng suốt phát huy được mũi tên trí tuệ bắn thủng tất cả những nghiệp tập tăm tối, thực sự vào được an lạc.

 

[ Quay lại ]