Khai pháp NĂM NHÂM THÌN - 2012
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 21 Tháng Hai 2013 14:07
Hôm nay nhân ngày đầu năm chư Tăng Ni và quý Phật tử trong đạo tràng về họp mặt đông đủ, ai nấy đều phấn khởi mong mỏi được học pháp tu hành. Quý vị thấy điều thị hiện rõ ràng là Hòa thượng Ân sư của chúng ta đang bệnh, rồi tới tôi nữa. Năm nay tôi đã 70 tuổi, thiệt ra lúc này bệnh là vừa rồi, nên tôi không biết thời gian giảng dạy cho quý Phật tử được bao nhiêu, nhưng tôi cũng có sự chuẩn bị cho các huynh đệ, đệ tử nối tiếp tôi hướng dẫn quý vị tu tập. Xin nói trước như vậy để quý Phật tử thông cảm.
Trước tiên, tôi xin được phép đại lao Hòa thượng Tôn sư và thay lời cho đại chúng Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu, Thiền viện Trúc Lâm và các Chiếu chúc mừng đến chư Tôn đức Tăng Ni hiện diện cùng quý Phật tử trong đạo tràng, chúc nguyện tất cả đều được an lạc, khỏe mạnh, tâm Bồ-đề kiên cố, đủ duyên thực hiện tốt mọi Phật sự dưới sự gia hộ của Tam Bảo.
Mỗi ngày qua chúng ta đang đối mặt với sự già chết, bệnh yếu và bao nhiêu biến đổi của chính mình cũng như mọi vật xung quanh. Chỉ trong khoảng thời gian một năm thôi, ngay trong đạo tràng của chúng ta đã có những huynh đệ vĩnh viễn vắng mặt. Đó là quy luật vô thường tất yếu. Chúng ta là người tu hành, là đệ tử của Đức Phật, phải giải quyết vấn đề này thế nào? Từ bao nhiêu lâu nay, những người đi trước, những người đồng hành và những người sau chúng ta vẫn chấp nhận sự tất yếu này mà không ai dám nhìn, dám nói thật về điểm bất lực của mình, mặc dù chúng ta là đệ tử Phật. Đức Phật và các bậc Thánh hiền đối với sanh tử đã giải quyết tận căn để. Ngài dạy lại cho chúng ta phương pháp tu tập để tự giải thoát mình, nhưng chúng ta chưa làm đúng lời Phật dạy, nên đến bây giờ vẫn còn chìm đắm trong sanh tử, chịu sự chi phối mãnh liệt của vô thường. Thật đáng hổ thẹn.
Kiểm lại thấy mình dở thật. Chúng ta dám nghĩ, dám nói, dám làm nhiều việc, nhưng đối với vô thường sanh tử lại không biết gì cả. Từ xưa tới giờ chưa một người nào có biểu hiện như Thái tử Sĩ Đạt Ta. Ngài chứng kiến cảnh con người già bệnh chết, run rẩy lụm cụm, Ngài thực sự cảm nhận được vô thường để rồi từ đó un đúc ý chí cương quyết tìm một lối thoát. Lối thoát đó không chỉ riêng cho Ngài mà cho tất cả mọi người. Thái tử đã thực hiện trọn vẹn ý chí cao cả bằng sự cương quyết, bằng tấm lòng vị tha và cũng là thương xót cho chính thân phận của mình. Nói một cách thiết thực, trước tiên chúng ta vì bản thân mà tu hành, sau đó mới nghĩ nhớ đến chúng sanh. Ta đã bị ràng buộc, bị chôn nhốt, trôi lăn, khổ đau… chỉ có bản thân mình mới cảm nhận rõ nhất về những điều này.
Hòa thượng Trúc Lâm thường dạy chúng ta phải biết thương mình. Tại sao? Bởi nếu không thương mình thì ta sẽ trôi dạt lang thang trong cát bụi phù sinh, chịu nhiều thống khổ, không biết bao giờ mới chấm dứt. Sáng Sài Gòn, chiều Vũng Tàu, nay ở cao nguyên, mai về đồng bằng… rồi một thoáng nhìn lại thấy mình đã già nua, bao nhiêu bệnh tật, sự cố xảy ra cuối cùng kết thúc nín thở, không đem theo được gì cả, ngoài một khối nghiệp mình đã gây tạo. Con người là như vậy. Cho nên chúng ta phải mạnh dạn nhận ra chỗ cốt lõi của mọi vấn đề.
Tâm nguyện tu hành của huynh đệ chúng ta hàng ngày cũng vậy. Nếu chưa biết thương mình, chưa thấy được lẽ thực thì công phu chưa tốt, chưa có kết quả xứng đáng. Muốn tốt phải xây dựng sự thấy biết của mình từ chỗ chân thật. Thấy là thấy được lẽ thật của vấn đề, một khi thấy được lẽ thật rồi, ta sẽ xoáy sâu tận đáy nguồn của nó để biết rõ mình nên làm gì. Nhiều người thường than rằng: “Thời gian trôi qua nhanh quá, e mình tu không kịp”. Tại sao họ nói như vậy? Có lẽ những vị này xoáy sâu, thấy được chút lẽ thật nào đó. Nếu thấy được bề dày của sinh tử, sự tăm tối, chỗ vướng mắc nhiều đời sâu nặng, nên muốn mài giũa, muốn phá tan nó. Tuy nhiên thời gian vô thường nên con người bỗng trở thấy mình bất lực, không còn kịp nữa rồi.
Bản thân tôi cảm nhận điều này rất rõ. Là trụ trì ở đây có trách nhiệm hướng dẫn chư Tăng, có khi lắng nghe, khi dạy dỗ, khi bám sát sinh hoạt của chư huynh đệ, tôi thấy thời gian qua quá nhanh, chưa kịp làm gì cả là đã hết ngày giờ rồi. Như sau khi thọ trai sáng, tôi định sẽ đến Thư viện nhắc nhở thầy Quản thủ Thư viện hướng dẫn chư huynh đệ đọc sách, nghiên cứu, ghi chép những tư liệu văn hóa lịch sử… Nhưng đi chưa tới Thư viện thì gặp các vị chức sự, thầy Phó tự, thầy Tri sự, các thầy Trưởng mấy ban ngành, anh em mời đến chỗ khác chỉ dạy công việc, mất hết một buổi sáng vẫn chưa xong. Các vị còn xin ngày mai tôi tiếp tục chỉ đạo để công việc tại đó hoàn tất. Thế là công việc ở Thư viện tạm gác qua.
Công việc nhỏ trong phạm vi một ngôi chùa mà đã như vậy, hà huống đời sống bên ngoài xã hội, các mối quan hệ, đối tác, đối tượng và công việc phải làm nhiều lắm. Sáng nay đi Sài Gòn giải quyết việc gì đó, chiều trở về Long Thành hướng dẫn công tác khác, rồi mai đi Tây Nguyên bàn về gỗ, ngày kia lên Bảo Lộc bàn về trà… đủ thứ việc. Như vậy sáng nay, sáng mai, rồi sáng của tháng sau, năm sau… cuối cùng kết thúc cũng chưa hết công việc. Cho nên người xưa nói dù sống thêm trăm năm nữa cũng giải quyết không rồi. Lời nói này có tác dụng gì? Để cảnh báo chúng ta. Nếu mình cứ dây dưa dể duôi, để ngày này qua ngày khác, cuối cùng sẽ không làm được gì. Thấy in tuồng như ta đã làm một số việc gì đó nhưng thực sự thì chưa. Bởi toàn làm những việc phụ, còn việc chánh lại bỏ lơ.
Ở đây tôi muốn nói chúng ta phải xây dựng cho mình cái thấy biết chân thật. Xây dựng cái thấy biết chân thật thì phải chuyển hóa từ con người, từ bản thân chúng ta. Bình thường mình đi thọ trai, tụng kinh, tọa thiền, học Phật pháp hay làm tất cả công việc thấy như trang nghiêm lắm, nhưng thực sự trong lòng ngổn ngang, cái này chồng lên cái kia. Cuối cùng thành ra một khối giống như vòng xoáy, Phật đặt cho nó cái tên là vọng tưởng điên đảo.
Người tu phải biết xây dựng cái thấy biết của mình bằng cách chuyển hóa. Thấy biết bằng trí tuệ, chứ không phải bằng giác quan, bằng kinh nghiệm học hành khoa bảng. Nên nhớ trí tuệ chỉ có từ công đức tu hành. Dùng trí tuệ này mới giải quyết sự việc nhanh chóng, dứt khoát, đúng đắn. Vì sao nhanh? Vì nó đi thẳng vô mình, không vòng vo quanh quẩn bên ngoài.
Trở lại đời sống của chúng ta, mấy mươi năm nhìn lại cũng chỉ là một thoáng mà thôi. Nhớ hôm nào tôi đến Thiền viện Thường Chiếu vừa tròn 30 tuổi, rồi sáng nay đếm lại đã thấy mình bước vào tuổi “cổ lai hi”. Trong khoảng thời gian đó tôi làm gì? Nếu nói tu tốt thì tôi đã thành Phật rồi, ngày xưa Phật đâu có tu lâu như vậy. Sáu năm khổ hạnh, 49 ngày đêm quyết liệt dưới cội Bồ-đề, cuối cùng thành tựu trí tuệ viên mãn, thành Phật. Tại sao mình tu ba bốn mươi năm mà chưa thành tựu gì hết? Cũng bởi tại những cái dây dưa cù cặn ngày này qua ngày khác, mình chưa buông xả được. Như tôi tính đi đến Thư viện gần điện Phật chứ có đâu xa mà đi hoài không tới, dính bên này mắc bên kia. Thời gian dài cứ loay hoay lẩn quẩn giải quyết chuyện tạp nham, cuối cùng chưa đi tới chỗ mình muốn đi.
Có bao giờ chúng ta khẳng định mình phải đi tới chỗ giác ngộ giải thoát chưa? Trong lúc hướng dẫn cho huynh đệ việc ngồi thiền, tôi nói nếu quyết tâm nghiêm chỉnh thì trong vòng sáu tháng quý vị sẽ ngồi thiền được hai tiếng đồng hồ. Có hôm bất ngờ tôi đang đi bên hàng dương, gặp mấy tân thiền sinh, họ đứng lại chào. Tôi hỏi:
- Mấy chú được tiến liêu, tu học bao lâu rồi?
Có người nói:
- Thưa Thầy, ba năm.
Người khác lại nói:
- Thưa Thầy, hai năm.
Người tu trễ nhất thì thưa:
- Thưa thầy, con tu được một năm rưỡi rồi.
Tôi nói:
- Vậy hả? Mấy huynh đệ đã ngồi thiền được một tiếng đồng hồ chưa?
- Dạ, chưa.
- Ủa, sao lạ vậy? Thường chỉ tập trong vòng sáu tháng là ngồi được một tiếng rưỡi đến hai tiếng, sao tới bây giờ ngồi chưa được một tiếng?
- Thưa Thầy, đau chân quá.
Mới tu chúng ta thường hay gặp những sự cố như vậy. Đau chân ngồi không yên nên chấp nhận kéo chân ra, vì thế thua cuộc. Hôm nay tới khoảng đó kéo chân ra chấp nhận thua cuộc, ngày mai chưa tới khoảng đó đã kéo chân ra, thua lại càng thua. Ngoài ra còn những sự cố khác như buồn ngủ, nhức đầu, đau bụng… rất nhiều lý do để chúng ta kéo chân ra. Đã như vậy thì tu chừng nào thành Phật? Đây là chỗ xây dựng công phu tu hành. Có nhiều vị đến thưa với tôi: “Thưa thầy, con đâu nghe Phật bắt mình ngồi thiền dữ vậy, Phật cũng không nói phải ngồi thiền mới thành Phật. Trong La Hán đường có 18 Tôn giả, Ngài thì đứng, Ngài thì ngồi xổm, Ngài cưỡi voi, Ngài ngồi trên lưng cọp … cớ sao Thầy lại bắt chúng con ngồi thiền?”. Những suy nghĩ đó đẩy đưa khiến chúng ta dã dượi, loay hoay lẩn quẩn trong vọng tưởng, cuối cùng không tới đâu hết.
Người tu phải thấy cái nào là thực, quyết tâm thực hiện hoàn chỉnh công việc đó. Trong đầu đã có ý thức như vậy nhất định chúng ta sẽ thâu ngắn, sẽ buông bỏ được tất cả dây mơ rễ má trong mọi sinh hoạt của mình. Thế nào gọi là người có trí tuệ? Hàng ngày chúng ta thường trì tụng Bát Nhã Tâm Kinh, trong đó viết: “Quán Tự Tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã Ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không”, nghĩa là “Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không”, rất ngắn gọn và dứt khoát. Chỉ hành thâm Bát-nhã thì chiếu kiến ngũ uẩn đến chỗ tột cùng là không. Nếu phải đem ra lý giải về chữ nghĩa thì cũng không có bao nhiêu từ.
Các vị tân thiền sinh đã tu học ở đây ba năm, cũng chiếu kiến ngũ uẩn mà không biết đã được “giai không” chưa? Những thiền sinh đã tu học khoảng 10 năm, 9 năm hoặc 6, 7 năm khi hỏi chiếu kiến ngũ uẩn giai không chưa, có vị trả lời vẫn chưa “giai không”. Một công phu như vậy thôi mà làm mãi chưa rồi. Tại sao? Bởi mình cứ dể duôi qua ngày, sáng Sài Gòn, chiều Vũng Tàu, bữa nay dự lễ khánh thành trên Đồng Nai, ngày mai dự lễ đặt đá dưới Cà Mau, ngày kia đi thuyết giảng ở Bến Tre, rồi cầu an cầu siêu... cứ như vậy hoài thì tới đâu!
Một hôm, Hòa thượng hỏi: “Dạo này mấy chú ở Tây đường tu hành có tiến bộ không?”, Ngài chỉ hỏi một câu như vậy nhưng lay động tất cả anh em. Mọi người tự quán chiếu lại mình, soát xét việc tu học trong thời gian qua. Tiến bộ hay không, ai bị mắc mứu gì thì trình lên. Trong quá trình tu học, vị nào còn đắm trước, cố chấp, kiến thủ mà chưa có dịp trình bày thì hôm nay sẽ được nghe sự chỉ dạy của những bậc thầy có trách nhiệm. Anh em dường như mở sáng một chân trời, nhiều người nhận hiểu thân thiết, ngắn gọn. Tuy nói vậy nhưng phải rất cẩn thận bởi đây không phải là chuyện đơn giản đâu.
Những thời pháp thầy trò được gần gũi trao đổi như vậy rất hữu ích và thiết thực. Nếu chúng ta quyết tâm hành trì, nhất định hành thâm được Bát-nhã và chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Tôi không có ý phủ nhận công phu hành trì Phật pháp hàng ngày của chư huynh đệ, của tất cả quý Phật tử nhưng rõ ràng chúng ta phải hành trì như thế nào, sống và tu tập như thế nào để vượt ngoài những chấp thủ, ái kiến, những thứ làm chúng ta lún sâu vào hệ lụy, không thoát ra được. Nếu chúng ta sống được như vậy là đã mở sáng trí tuệ của mình.
Khi còn là thiền sinh tu học trên núi, chúng tôi thường nghe Hòa thượng dạy: “Thân này không thiệt, cảnh không thiệt, tất cả đều không thiệt, luôn cả cái tâm mà các chú cho là tâm của tôi cũng không thiệt”. Nghe nói như vậy mình chới với, không biết cái gì thiệt và phải hành trì như thế nào để sống được chỗ chân thật. Cuối cùng mới biết phải có công phu, phải tu hành chân thật chúng ta mới có thể tới được chỗ đó. Muốn vào được chỗ chân thật thì tất cả hệ lụy, hiện tượng xung quanh, chúng ta thảy nó ra, buông cho được. Hòa thượng dùng một chữ buông, chúng ta không chịu buông cứ chấp nhận, đó là mắc mứu, cố thủ, tăm tối ràng buộc nhiều đời kiếp của mình. Tóm lại muốn buông được phải đầy đủ trí tuệ. Muốn đầy đủ trí tuệ nhất định phải tu chứ không có cách nào khác.
Kế đến chúng ta bàn về ý thức chủ quan. Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi không biết mình có rơi vào chủ quan không? Những gì mình nói chư Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử có đồng cảm không? Thật sự nếu chúng ta chủ quan quá sẽ dễ dẫn đến tham vọng. Giả sử tôi đưa ra một ý kiến, bảo các huynh đệ phải làm theo, không như vậy không được. Tôi cho rằng quyết định thế là đúng mà không ngờ đó là những cố chấp chủ quan của mình. Đưa ra một điều và bảo vệ nó bằng hào quang cá nhân khiến người khác không đỡ được. Cái chủ quan này sẽ dẫn người ta rơi vào tham vọng, những mộng mơ tham cầu quá đáng.
Từ chỗ chấp thủ, xem mình là đúng là hay nên rơi vào bệnh tham vọng, có những mong cầu quá đáng không thích hợp, đánh mất công phu tu hành mà không hay. Như hàng ngày mình đọc sách khoảng một trăm trang, ngồi thiền được một tiếng rưỡi, rồi tự cho tất cả kinh sách đều nằm hết trong bụng mình, ngồi thiền được tiếng rưỡi không ai bằng. Từ cái thấy như vậy rơi vào cố chấp, cứ loay hoay lẩn quẩn không thoát ra được, giống như bị nhốt trong một chiếc lồng không có cửa. Bây giờ muốn mở được cửa phải làm sao? Chư huynh đệ nên nhớ chúng ta có mặt giữa cuộc đời này là từ cha mẹ sanh, từ phúc duyên của mỗi người. Nhưng không nên quá quan trọng thân này bởi còn những thứ đáng trân quý hơn.
Nhìn lại mình đã sáu, bảy mươi tuổi rồi nhưng mở ra một hướng cho cuộc đời tu hành, làm lợi ích nhân sinh thì ta chưa mở được. Bởi chưa mở được nên còn phiền não, còn thấy thế này thế khác. Từ việc cố chấp như vậy nên hình thành tham vọng để cuối cùng không có lối thoát ra. Tu hành trước nhất để bù đắp ân nghĩa hai đấng sanh thành, kế đến là đền ân mọi người xung quanh đã giúp đỡ hộ trì cho mình. Cho nên người tu không thể nuôi lớn tham vọng mà là dẹp bỏ tham vọng. Thấy rõ như vậy chúng ta cần cố gắng tu thật nhiều. Ý thức như vậy thì việc làm mới có ý nghĩa và xứng đáng với tâm nguyện của người tu Phật. Nhị Tổ Pháp Loa trước khi thị tịch có làm bài kệ:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhơn hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh man khoan.
Dịch:
Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng.
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.
Viết kệ xong, Ngài an nhiên thị tịch. Ngài đã thảnh thơi cắt đứt được muôn duyên, cuộc đời hơn bốn mươi năm qua đối với Ngài chỉ là một giấc mộng dài. Tổ nhắn nhủ mọi người đừng hỏi thêm chi nữa bởi bên kia là cả một bầu trời cao rộng với gió mát trăng thanh, có gì đâu vướng bận, âu lo. Sự ra đi của Ngài thật nhẹ nhàng thảnh thơi. Trong nhà thiền có nhiều vị cũng tự tại đối với sanh tử như thế, thấy hết duyên rồi các Ngài vui vẻ nói: “Bảy mươi năm qua, những việc phải làm, đáng làm, tôi đã làm xong. Bây giờ tới lúc vui vẻ cởi bỏ chiếc áo nhơ nhớp nóng bức này, tự tại ra đi”. Chúng ta nghe dễ dàng như vậy nhưng không mấy người làm được.
Chúng ta trước lúc ra đi, cận tử nghiệp bu tới hù dọa, tấn công tứ phía. Từ những thói quen, nghiệp tập quá khứ do tham lam, giận dữ, si mê điên đảo nên ta không làm chủ được mình, vì thế bị đẩy vào chỗ bất an bất ổn. Trong đời sống hiện tại, muốn gầy dựng cho mình cuộc sống bình yên, phải nhận định chín chắn mọi vấn đề, xa lìa những tham vọng mới tự do tự tại ra đi. Điều quan trọng đối với người tu thiền là phải thực hiện được quyền tự do tự tại. Không mong cầu chứng đắc gì cả, chỉ tự tại làm chủ, đủ duyên đến đi một cách thảnh thơi.
Trong đời tu, chúng ta phải luôn hành trì bởi bất cứ lúc nào tai họa cũng có thể xảy đến. Người chưa làm chủ được e rằng sẽ bị dẫn vào chỗ tăm tối, bị nghiệp lôi. Nghiệp là năng lực trong sinh hoạt, trong đời sống hàng ngày của mỗi người. Chúng ta là đệ tử Phật mà chưa chuyên sâu vào công phu, chưa sống được với lời dạy của Phật Tổ, còn bị trôi lăn vướng mắc bởi các pháp thế gian thì lúc cận tử nghiệp đến khó biết mình sẽ đi đâu. Trong kinh nói nếu bình thường người tạo ác nghiệp thì vừa nhắm mắt, bao nhiêu cảnh hãi hùng, thú dữ, sấm sét sẽ hiện tới. Hãi hùng như vậy nên tìm cách chạy trốn. Chạy đi đâu? Loay hoay lẩn quẩn sợ đến mức thấy lùm bụi liền nhảy vào để tránh. Khi mở mắt ra đã thấy mình mang lông đội sừng. Việc sanh tử nhanh như thế, nếu chúng ta không chuẩn bị, cứ lơ đễnh để ngày qua ngày thì khi sự cố đến chúng ta làm sao đây?
Vô thường nhanh chóng, cái chết sẽ cướp mất mạng sống con người trong chớp nhoáng. Chỉ cần lơ đễnh là mất thân này, mất công đức từng tu tập thì tìm lại không dễ chút nào. Nghiệm lại chỉ trong giây lát thôi, tâm điên cuồng đã dẫn mình đi vào đường tối. Vừa mới lễ Phật tụng kinh xong, ra ngoài đụng chuyện liền nổi trận lôi đình, ma quân quỷ quái hiện đầy trời đất. Mê thì nhiều còn tỉnh giác lại quá ít. Biết như vậy rồi còn chưa chịu gầy dựng cho mình một sự sáng suốt thì đợi đến bao giờ? Biết nghĩ, biết lo như vậy thì ngay trong hiện tại, từng bước tập thực hành Bát-nhã, từng bước tập chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Theo tiến trình đó mà thành tựu từng phần từng giai đoạn, nhất định sẽ đi đến giải thoát viên mãn, ra khỏi trầm luân sanh tử.
Chúng ta còn mê mờ quá nên thả lỏng ra thì dễ chạy theo cảnh duyên, vì thế cần phải luôn buộc mình, nhắc mình nghiêm túc, chánh niệm trong từng phút giây công phu. Đó là một cách dạy cho chúng ta đừng quên và luôn luôn thấy sự đổi thay vô thường nhanh thần tốc. Từ xưa tới giờ, chưa có vị tu hành nào dám xem thường sinh tử như chúng ta. Rõ ràng là chúng sanh quá xem thường sinh tử, bỏ ngày này qua ngày khác để xem truyền hình, coi cải lương… chạy theo ngũ dục. Nếu chúng ta biết sợ vô thường nhanh chóng, sợ sanh tử nhận chìm mình trong thống khổ thì đâu dám lơ đễnh, sẽ gác qua mọi chuyện, tập trung chiếu kiến ngũ uẩn giai không thì qua hết tất cả khổ ách.
Từ chủ quan đưa đến tham vọng, từ tham vọng phát sanh tư dục. Tư kiến, tư dục là những thứ phát sinh từ tham vọng, ban đầu ít dần dần sẽ dày hơn, nhiều hơn. Bởi nhiều hơn nên năm trước mới tu thấy nhẹ lắm, không biết sao tu được hai năm lại thấy nặng đầu. Bằng chứng tôi kể thật lòng cho quý vị nghe. Lúc mới về đây tôi khoảng ba mươi tuổi, anh em đi đẩy phân bò, ở trần cuốc đất, làm tất cả các công việc. Có người gặp kêu mấy thằng ở Thường Chiếu, tôi tỉnh bơ. Nhưng nếu bây giờ ai gặp tôi mà kêu thằng thì sao? Khó nói đa. Như vậy cả ba bốn mươi năm tu hành chẳng lẽ trôi hết sao. Nên biết tư kiến, tư dục, chấp thủ của mình càng lớn sẽ càng dẫn chúng ta đi tới chỗ tối tăm mê mờ, không có lối thoát. Vì vậy tất cả huynh đệ cố gắng làm sao để tư kiến, tư dục của mình giảm thiểu, tới mức mình có thể thảy nó ra hoàn toàn.
Nói thảy là một cách nói để đơn giản hóa pháp tu, chứ buông bỏ tư kiến, tư dục... không dễ dàng chút nào đâu. Như quý vị vừa mới xả thiền ra, có ai tới thăm, liền la lên:
- Trời ơi, sáng giờ tu muốn chết luôn.
Hỏi:
- Tu làm sao?
- Bỏ những tư kiến, tư dục.
- Bỏ được chưa?
- Chưa.
Từ tư kiến, tư dục, tham vọng sẽ dẫn đến sai lầm trong cuộc sống. Đối với những đam mê nhỏ nhỏ không đến đỗi gì, chúng ta chỉ mất công tốn của chút ít còn chưa bỏ được. Huống là sai lầm về pháp tu, về tâm nguyện là những sai lầm lớn, khó có thể bỏ được. Nhà Phật gọi sai lầm đó là Kiến Tư Nghiệp. Kiến tư tức là thấy như vậy, biết như vậy nhưng phải vận dụng suy nghĩ, tu tập hành trì Phật pháp mới hoán chuyển được. Đồng thời cũng phải có thời gian tương xứng để giải trừ những cố chấp, tham vọng. Tham vọng thì quá nhiều nên mỗi người có cách trị khác nhau. Tuy có hướng hành trì nhưng thực sự vào được chỗ ngũ uẩn giai không thì chưa.
Thí dụ ở xóm đó, đêm nào khoảng 10 giờ cũng nghe tiếng mõ tụng bài Kệ Khai Kinh rồi niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của một bà cụ. Mấy đứa nhỏ chơi xung quanh nghe vậy nói: “Bà chùa này sao bữa nào cũng nghe hù hù, khai kinh kệ”. Bà cụ nghe được không vui nên đang tụng kinh mà vẫn nói: “Mấy đứa nhóc kia, bà tụng kinh xong thì tụi bây biết”. Dù chưa giáp mặt với lũ trẻ, chỉ nghe lời nói thôi mà đã điên đảo, nghiệp tập sâu dày khó gỡ. Vì vậy phải tu và tu nhiều đời kiếp mới gỡ được. Tuy tu đúng chánh pháp, niệm Phật cầu Phật rước, cầu được giác ngộ nhưng từ tham vọng, cố chấp biến thành độc hại. Điều này đòi hỏi trong nhiều đời kiếp chúng ta tu hành mới giải trừ nổi. Loại tập nghiệp này quả thật làm cho người ham tu dễ bị lầm lẫn, rất nguy hiểm.
Trong đây có nhiều vị tầm tuổi 70 như tôi, nhiều vị tầm tuổi 80, ngoài 80. Có thể nói huynh đệ chúng ta ai nấy cũng đầy dẫy những tư nghiệp tư kiến, tham vọng. Như vậy đòi hỏi chúng ta phải có công phu hành trì như thế nào để có thể thâm nhập Bát-nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Phải hành trì đúng chánh pháp mới có thể giải trừ các nghiệp tập. Những nghiệp tập đó chẳng qua cũng từ những thứ vu vơ bên ngoài, đâu có thật.
Nhớ lời dạy của Hòa thượng Trúc Lâm mới thấy mình tức cười. Ngài dạy không có gì thật hết, đã không có gì thật thì mấy đứa nhỏ ngoài kia nói gì cũng không thiệt, tại sao đang tu lại nổi đóa với nó? Nếu bà cụ thấy không thiệt thì đâu có chuyện hẹn lát nữa niệm Phật xong sẽ tính sổ tụi nhỏ. Cứ phớt tỉnh như thường, niệm Phật thanh tịnh thì Phật rước, ngồi thiền thực sự vào thiền thì được định, đầy đủ trí tuệ an nhiên tự tại, nơi nào có Phật, nơi nào đủ duyên thì mình đến. Thể nghiệm trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải cố gắng nhiều, khuyên nhau cố gắng tu, chứ không nguyện sống lâu, nguyện được giàu sang sung sướng, vạn sự kiết tường như ý. Chúng ta nhắc nhở nhau, mỗi người phải tự khắc tỉnh, hành trì cho xứng đáng. Đầu năm hay cuối năm, trong tất cả mọi lúc mình luôn tỉnh sáng, luôn cố gắng. Dù bầu trời có tăm tối cỡ nào, mình cũng tỉnh sáng, như vậy công phu mới có kết quả tốt.
Kết thúc buổi nói chuyện hôm nay, tôi mong mỏi chư huynh đệ chúng ta, ai nấy cũng đều hành thâm Bát-nhã, chiếu kiến ngũ uẩn giai không. Nguyện cầu cho hết thảy chúng sanh được hạnh phúc, đầy đủ nhân duyên để có hạnh phúc. Nguyện thứ hai tôi nguyện cầu cho hết thảy chúng sanh thoát khỏi khổ não và những nguyên nhân đưa đến khổ não. Lời nguyện này tôi học theo tâm từ của Hòa thượng Trúc Lâm, Ngài dạy chúng ta phải biết thương mình. Biết thương mình là nguyện mình thoát được khổ não và thoát luôn những nguyên nhân đưa đến khổ não. Nguyện thứ ba tôi nguyện cầu cho hết thảy chúng sanh luôn sống trong yên vui, không khổ đau. Đây là từ tâm hoan hỉ, tùy hỷ của chúng ta, mong muốn cho tất cả chúng sanh trong đó có cả mình luôn được an vui hạnh phúc. Cuối cùng tôi nguyện cho hết thảy chúng sanh xa lìa tất cả chấp trước, giác quán, an trú trong tịch tịnh. Chúng ta buông được, nhập thiền định để phát huy trí tuệ Bát-nhã và giác ngộ giải thoát hiện tiền.
Có thiền định thì trí tuệ mới phát huy. Có trí tuệ rồi thì an vui, giải thoát, thanh tịnh, đạo lý hiện tiền. Người tu thiền mà chưa được định thì không thể phát sinh trí tuệ. Bởi chưa được định nên cứ vớ vẩn, lao chao chuyện này chuyện khác hết năm hết tháng. Do vậy chư huynh đệ phải cố gắng tu, có bao nhiêu công đức chúng ta hồi hướng chúc nguyện, trước nhất là ngôi Tam Bảo còn mãi trên đời, thứ hai nguyện Hòa thượng Ân sư sớm hồi phục sức khoẻ, trí tuệ viên mãn để Ngài sống lâu với chúng ta, nương uy đức của Hòa thượng, Tăng Ni và Phật tử nỗ lực tinh tấn trên bước đường tu hành, thứ ba nguyện pháp giới chúng sanh đều mở sáng đôi mắt trí tuệ để ra khỏi bóng tối vô minh, không còn lầm lũi trong đêm dài sanh tử nữa.