TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 8
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 25 Tháng mười 2012 13:46
CHÁNH VĂN:
Hán | Âm | Dịch |
弟八 覺 知 |
Đệ bát giác tri, |
Giác ngộ thứ tám, |
Giảng
Trong điều giác ngộ thứ tám, đức Phật nêu việc sống chết của chúng sanh khổ não giống như bị lửa dữ thiêu đốt. Chúng ta có ngán việc sanh tử thì tu mới tiến, chưa ngán sanh tử thì vẫn còn đắm đuối trong đó. Nói sanh tử khổ đau là nói với những người đã có sự tỉnh giác, thấy được lẽ thật của nó. Người chưa có tín tâm, chưa đủ sức phát huy trí tuệ thì chưa thấy nổi nguy cơ của sanh tử. Bởi chưa thấy nguy cơ nên còn vui cười thích thú. Đó là vô minh của người còn nhiều đam mê, ngủ say chưa thấy được thế nào là vô thường.
Ví dụ chúng ta nghe đài báo ở Nhật Bản có động đất sóng thần, thiệt mạng mười ngàn hai mươi ngàn người, dịch họa bệnh tật ập đến do hậu quả của nó để lại, nhà máy lọc dầu cháy nổ, lò phóng xạ rò rỉ, ảnh hưởng xấu đến toàn thế giới. Tai hoạ ghê gớm như vậy mà không biết có đánh thức nổi những con người đang say sưa trong giấc mộng, trong quán ăn phòng trà, trong tất cả tiện nghi vui chơi của cuộc thế? Chỉ những ai tỉnh giác, thấy cuộc đời vô thường nhanh chóng, mới từ bỏ những thú vui đam mê giả tạm và tai họa ấy. Có một người Phật tử chuẩn bị đi Nhật, gần nửa năm mới đi được, người thân chúc tụng vui mừng. Bây giờ nghe tai hoạ như vậy, gia đình lo lắng buồn rầu. Quả thật vô thường nhanh chóng, được đó mất đó, vui đó buồn đó, gì là thực đâu?
Cứ tưởng tượng mình đang đi, đang ngồi, đang học, đôi khi trong vùng đó cũng có những ngôi chùa, những vị thiền sư, những Phật tử đang làm lễ, thậm chí đang toạ thiền, đùng một cái mọi thứ đều biến thành một biển nước, mất tiêu không còn gì hết. Người trong cuộc không kịp để biết gì, huống là thân nhân chung quanh. Như thế có khổ không? Vấn đề sinh tử với vô vàn sự cố trong cuộc đời luôn diễn ra như vậy. Bậc đại nhân, Bồ-tát thấy rõ các hiện tượng sanh diệt vô thường nên các ngài không sợ hãi khi đối diện trước nó. Chúng sanh cứ mê say thích thú trong đó, không có chút thay đổi nào khi thấy nó đang diễn ra ngày càng nhiều. Nếu như huynh đệ chúng ta ai nhận ra được cuộc đời giả tạm thì sẽ tự tại đối với sống chết. Và như trước khi chết đã có chuẩn bị chu đáo thì cái chết là sự đổi thay cần thiết cho mình, thế thì có gì mà sợ. Nhưng thật sự chúng ta vẫn sợ chết, vì chưa biết mai kia chết sẽ đi đâu, bởi vậy trước khi chết ai cũng hoảng loạn. Đó là vấn đề hiện thực sinh tử.
Bây giờ chúng ta hồi tưởng lại, từ khi lớn lên cho tới lúc chuẩn bị về chùa tập sự xuất gia, những điều như ý được bao nhiêu và những điều không như ý được bao nhiêu? Cuối cùng chúng ta thấy điều không như ý gấp trăm ngàn lần điều như ý. Điều như ý có tí tẹo, chẳng đáng là gì. Giả tỷ người được cha mẹ cưng nhưng đi học đâu phải thầy cô giáo nào cũng thương. Nếu không chịu học thì vẫn bị phạt bị la, có khi còn đưa tin phản ánh về gia đình nữa. Từ bé thơ cho tới lớn, nhiều người không biết gì về đạo Phật, không có một khái niệm về chùa, về tu hành, gặp người tu họ cũng chẳng muốn nhìn. Bất chợt trong đời sống vô thường, họ có một mất mát quá lớn lao, bấy giờ sợ hãi tìm kiếm nơi nương tựa an ủi để giảm bớt tâm trạng khổ đau. Ngay lúc đó, gặp nhân duyên nghe được tiếng đại hồng chung, đọc được một quyển kinh Phật rồi tìm đến chùa. Những chuyện này của riêng mình thôi chứ không dám nói với ai, có khi đi xuất gia cũng không nói rõ cho bố mẹ tại sao mình đi tu nữa. Phải có một lý do nào đó mình mới đi tu chứ đâu phải tự nhiên, phải không?
Hồi nhỏ ai cũng vậy, tình thương mà mình không thể thoát ra là Tình Mẹ. Ta dúi đầu vào trong người, trong bụng mẹ, cho tới lớn cái hương vị đó vẫn không mất. Người ta cứ nghĩ kỷ niệm thời thơ ấu sẽ tồn đọng mãi trong lòng, nhưng tới một lúc nào đó không ngờ ta cũng quên lửng. Ngày xưa tôi có người huynh đệ, ông viết một tập nhật ký dầy lắm, nội dung toàn nói về tình mẹ. Ông diễn tả tình cảm thiêng liêng huyết nhục sâu thẳm, đượm nồng. Khi gặp một vị Hoà thượng dạy tình cảm gia đình là sợi dây luyến ái không bao giờ dứt được, ông nghĩ như vậy làm sao tu được. Thời bé thơ người cưng chiều ta nhất là mẹ, bữa nào đi đâu mà không cho đi theo thì cũng bỏ học theo cho được. Sống quen như vậy mà lỡ hoàn cảnh gia đình xuống dốc, mẹ mất sớm thì thật là bất hạnh. Hoặc giả như bố mất sớm thì mẹ trở thành lẽ sống duy nhất của mình. Bấy giờ thấy mẹ phải tần tảo cực khổ để lo cho mình thì không có gì đau xót bằng. Đây là những điều khổ trong đường sinh tử mà đức Phật đã chỉ rõ, chúng sanh phải chịu đựng.
Nhắc đến những khổ đau trong sinh tử, Phật nói “Sinh tử xí nhiên”, chữ Xí là hừng lên, chữ Nhiên là đốt cháy. Trong vòng sinh tử mọi thứ đều khổ đau, tất cả giống như một đống lửa đang hừng hực, khó mà thoát khỏi. Đây là thứ lửa đốt làm cho chúng sanh điêu đứng, nhưng chúng sanh lại không bao giờ ngán. Quý vị thấy ngay trong gia đình, trong dòng họ của mình, đau khổ triền miên lẽ ra ngán lắm, nhưng không ai ngán, cứ lầm lũi như thế mà đi. Ban đêm ta thấy con thiêu thân nhào vào bóng đèn để tìm một sự ấm áp nhỏ nhoi, nhưng ấm áp được bao nhiêu không biết mà bị thiêu rụi cuộc đời. Thế nhưng nó đâu có ngán, con này đâm đầu vô rơi xuống, con khác đâm vô rơi xuống cả đống dưới đất. Phật nói chúng sanh si mê cũng như thế.
Sinh tử như vậy thì “khổ não vô lượng”, ba câu đầu của bài kệ nói lên con đường sinh tử khổ não vô cùng. Thật ra các bậc Bồ-tát mới nói thế, chứ chúng ta không biết bao giờ nói được sanh tử khổ não cần nên chấm dứt. Nghe nói khổ thiên hạ cũng biết đại khái như vậy, nhưng cầu thoát ra thì ít ai nghĩ tới. Nhiều huynh đệ tương chao mấy mươi năm, cũng học khổ não vô lượng, biết sinh tử thiêu đốt hừng hực nhưng tu hành cũng chỉ chừng ấy, chẳng thấy tiến lên chút nào. Bây giờ chúng ta đã học đã hiểu lời Phật dạy như vậy, ai chưa tỉnh phải cố gắng tỉnh, bởi vì mình tự nguyện đi trên con đường giác ngộ, chứ không ai ép buộc cả. Con đường này của Phật, Bồ-tát mở ra bằng chìa khóa Bát-nhã. Bắt đầu gầy dựng tập tành, nuôi dưỡng phát triển trí tuệ nơi mỗi chúng ta.
Huynh đệ đang sống trong chúng, nội quy của thiền viện mỗi người có ba bộ đồ, y hậu, áo nhật để ăn cơm ngồi thiền, tiền bạc giao hết cho thủ bổn, có chiếc xe đi lại cũng không được giữ, có cái di động nhỏ xíu cũng không được bỏ túi thì còn gì nữa. Bậc đại nhân mở cánh cửa này ra đẩy chúng ta vào đó, bước đầu là sẽ không còn gì hết. Nhận ra yếu chỉ này chúng ta thấy nếu còn chút gì thì sẽ bị đun đốt. Như mình không có di động thì người thân không gọi được, gia đình muốn liên hệ không liên hệ được, nhờ thế huynh đệ yên ổn tu hành. Tuy nhiên người nào lén sử dụng, áp vào tai thì sẽ khổ. Khổ mà không dám nói với ai hết, nếu nói chắc chắn sẽ bị rầy, bị tịch thu luôn cái di động.
Tóm lại chúng ta còn lưu lại điều gì trái với nội qui là khổ, cho nên bước đầu vào chúng tu hành phải bỏ hết mới cảm thấy nhẹ nhàng thảnh thơi. Lúc đó chúng ta sẽ mở được cánh cửa, biết được những gì là khổ não vô lượng nên không theo nữa. Chỉ khi nào huynh đệ thật sự tỉnh táo mới nhận ra chặt đứt các duyên chính là cởi trói cho mình. Ai không nhận ra điều này sẽ lẩn quẩn mãi trong phiền não đảo điên.
Ngày xưa, tôi thi đậu và được học tại Phật học đường Phước Hòa ở Vĩnh Bình. Đến chùa đã mười giờ đêm, sáng mở mắt ra thấy mấy thầy đi lòng vòng, chung quanh cây cối xanh tươi um tùm, nhưng không hiểu sao kỳ lạ, cảnh chùa thế này mà lại trốn không chịu tu. Quê tôi ở vùng đồng khô cỏ cháy, lên thành phố thấy xe cộ chạy rần rần, xuống dưới đó lạ lắm. Có hôm trời mưa ngồi trong tăng đường nhìn ra ngoài, tìm không có một bóng người gần gũi thân thương, thật hết muốn học, thấy buồn quá. Mấy anh em khuyên phải ráng lên, nuốt không được cũng phải nuốt. Bây giờ chỉ còn một điều là ráng học, nhớ mẹ cũng không giải quyết được gì, nhớ người thân thì đâu có ai là người thân. Tay của mẹ ngắn, tay của mình cũng không đưa ra được, đành ở trong hoàn cảnh như vậy. Cuối cùng mình phát đại bi tâm ráng tu ráng học, để trở thành bậc pháp khí hữu dụng trong Phật pháp. Từ đó gầy dựng được sức sống, nuốt trôi những chướng ngại nổi lên trong lòng. Cho nên huynh đệ phải có cách nuôi dưỡng tâm Bồ-đề, đừng bao giờ để một niệm nhỏ nào len vào làm mình thối thất, phải luôn tiến thủ. Phát tâm như vậy, nuôi dưỡng như vậy nhất định sẽ tiến được.
Phật dạy phát tâm đại thừa thương xót tất cả chúng sanh, chịu tất cả các khổ não để chúng sanh an vui. Đây là tâm lượng của người có sự tỉnh giác, phát huy được sự tỉnh giác của mình. Từ khổ não bức bách cùng đường mình phát tâm, nếu chưa bị khổ não chưa bức bách cùng cực, chắc rằng chúng ta chưa phát tâm đâu. Các bậc Bồ-tát sức tỉnh giác lớn, thấy rõ đường đi nước bước trong cuộc đời này, các ngài phát tâm rất lớn. Chúng ta thì lầy lội, chằng chịt, vươn lên không nổi vì bị lưới vô minh trói chặt. Quý vị cứ tưởng tượng thế này, có một cái lưới quấn mình lại, bốn người cầm bốn góc kéo, bọn họ ném qua ném lại, mình không chết cũng bị thương. Trong hoàn cảnh bên này kéo bên kia lôi, chỗ này thương chỗ kia ghét, càng ngày càng điên đảo. Từ đó, chúng ta mong muốn thoát ra, nên khởi tâm tu học, ráng vượt qua được những tâm thái khổ não này.
Quý thầy ngày xưa giảng thường hay nhắc, tụi con phải ráng tu học làm sao để trở thành bậc pháp khí hữu dụng trong đạo Phật. Nghiệm kỹ, dường như chúng ta chưa phát tâm Bồ-đề một cách mạnh mẽ, chân thật. Bởi chưa chân thật nên một sáng nào đó nản lòng, không muốn phát tâm nữa. Phát tâm Bồ-đề như Bồ-tát Sĩ-đạt-ta xuống ngựa cắt tóc, gởi lại tất cả những gì của vương triều của cuộc đời, đi vào rừng tìm đạo. Chư Tổ cũng thế, nếu như không phát tâm dũng mãnh làm sao nhị tổ Huệ Khả dám chặt một cánh tay dâng lên Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma. Do tâm Bồ-đề trùm khắp, là kim cương bất hoại, sáng rực không thiếu vắng chỗ nào nên khi chặt bỏ cánh tay cũng không có gì đáng kể. Trong Chứng Đạo Ca có câu “Đấy chính Như Lai chân thật tướng”, người đến được chỗ này mới làm nổi việc khó làm, chẳng hạn như Nhị Tổ vậy.
Ở đây nói “phát tâm Đại thừa” tức là phát tâm Bồ-đề. Tâm Bồ-đề là tâm giác, tâm Phật. Tất cả huynh đệ chúng ta phát tâm Bồ-đề là phát tâm chí thành chí thiết, tâm không bị danh lợi, không bị bất cứ thứ gì ràng buộc. Thấy con hổ đói nghĩ thân này có thể giúp cho nó một miếng ăn để nó no thì nhảy vào cho nó ăn. Thấy xe lửa đang chạy tới, có một đứa bé đang ngồi dưới đường ray, liền nhào vô cứu. Ngày xưa, buổi chiều tôi ngồi chơi với mấy huynh đệ, trên núi nhìn xuống con đường nghiêng nghiêng, nắng chiều soi qua rất đẹp. Chân Không mặt trước hướng về phương Đông, nên chiều khoảng chừng bốn giờ mặt trời khuất đằng sau lưng, còn lại những tia sáng vàng óng. Nghĩ cũng ngộ, nhìn mặt trời trực diện thấy sợ, nhưng có lúc nó phát ra những tia sáng đẹp lạ kỳ. Mấy thiền tăng nho nhỏ mặc áo vàng chống gậy đi tới đi lui trên sườn non. Dưới kia một vị tăng già đi lên, quẩy một túi nặng sau lưng. Ba bốn huynh đệ kẻ đứng người ngồi, trong đó có một huynh đệ đi như bay xuống đón lấy tay nải vị tăng già, rồi dìu thầy lên. Tới nơi để đồ xuống, người huynh đệ nhoẻn miệng cười, nụ cười rộng bao la như tia sáng của hoàng hôn sau núi. Thật đẹp làm sao!
Bởi tâm Bồ-đề lóe lên đúng thời đúng lúc nên nó phát huy được hết tác dụng hữu ích, còn người chưa phát tâm Bồ-đề nên bỏ qua các cơ hội ấy, không biết bao giờ mới gặp lại. Chúng ta học Bát-nhã, học pháp Không để vứt hết tất cả những cù cặn trong lòng. Để cho nó rỗng rang sáng suốt tức thì nhận được tâm Bồ-đề. Có như vậy mới nhẹ nhàng giải thoát. Như việc vừa rồi khi đã đưa được vị Tăng già lên núi, bốn năm thầy trò nhìn nhau cười, không có tiệc tùng, không lời cảm ơn, cũng không có văn bản khai mạc chào mừng kết thúc gì cả, nó bình thường nhưng hay làm sao.
Vào đầu khóa học tại Chân Không Hoà thượng giảng Bát-nhã, giảng tới giảng lui về sau cũng chỉ Bát-nhã. Ngài đem những văn bản thuộc hệ Bát-nhã, dùng chìa khoá mở cánh cửa Không cho các thiền sinh bước vào. Kinh Bát-nhã dạy tất cả đều duyên hợp huyễn hoá không thật, tự tánh các pháp không cố định. Đã không thật thì mình nắm bắt cái gì? Có gì để mà nắm bắt. Một khi biết nó không thật thì thôi không tham chấp nữa. Người trí biết các pháp không thật, nên tự tại đối với các pháp. Cũng giống như một đứa bé chạy chơi giỡn lỡ đụng phải người lớn, người lớn nhìn lại thấy đứa bé thì thôi không có vấn đề gì. Vào đạo, vào thiền viện học Bát-nhã huynh đệ phải mở cánh cửa trí tuệ của mình ra. Đó là nói đến phát tâm Bồ-đề của bậc đại nhân vì thương tất cả và nguyện thay tất cả chịu những khổ não để chúng sanh được an vui.
Đức Phật trong một tiền thân, ngài đã gieo nhân bất hiếu do vậy rơi vào địa ngục. Vào đây ngài thấy mấy thằng quỷ đầu lửa cháy có ba bốn con mắt trông rất ghê sợ. Nó dẫn một chiếc xe cột tội nhân vô đó rồi bắt lôi đi. Trong khi chiếc xe đó cả chục người lôi cũng không nổi. Liền khi đó tâm Bồ-tát khai mở lớn mạnh, ngài nói rằng nguyện thay tất cả tội nhân chịu cực hình nơi địa ngục này, nguyện họ đừng bao giờ tạo nhân ác để bị khổ như thế này nữa. Bọn quỷ sứ có đâm nát, đốt cháy ngài cũng sẽ thay chúng sanh trong địa ngục chịu khổ. Khởi tâm đó rồi, Bồ-tát liền thấy mình và tất cả tội nhân đều thoát khỏi địa ngục.
Người nhận được mình có Pháp thể trùm khắp mới khởi được tâm ấy. Bồ-tát khi phát khởi tâm đại bi, liền có hùng lực khiến cho gông cùm xiềng xích đều tan vỡ, dù đang bị đâm bị cháy nhưng vẫn thấy an lạc. Bồ-tát hoan hỉ, thấy tâm chân thật trùm khắp không bị vướng kẹt trong cái khung của thời gian không gian. Cho nên ngài đứng lên phát nguyện: “Con nguyện đời đời kiếp kiếp nơi nào có những người đang bị gông cùm khổ đau chết cháy thế này, con vào trong đó cứu họ, nguyện đừng bao giờ họ gây nhân xấu nữa”. Ngay khi đó tất cả các gông cùm đều biến mất. Bởi vì địa ngục không thể giam người phát tâm Bồ-tát, ngài không còn tù túng trong tâm vọng động tăm tối. Bây giờ tâm của ngài là tâm đại từ đại bi, cứu vớt tất cả chúng sanh.
Chúng ta hay thoái tâm, không nuôi dưỡng tâm Bồ-đề liên tục nên cứ phiền não khổ đau, không bao giờ thật sự an vui. Bồ-tát khác với mình, thấy người này khổ người kia khổ, trước mặt sau lưng tất cả đều khổ, chung quanh thời gian không gian kín bít tăm tối, bây giờ làm sao? Nguyện mình là ánh sáng phá tung tất cả tăm tối, phát khởi cho chúng sanh trí tuệ Bát-nhã để họ đừng gây nhân khổ nữa. Có thể đó là chí nguyện của bậc thầy tổ đang nuôi dưỡng, đang gieo hạt giống Bồ-tát vào trong tâm của chúng ta, giúp chúng ta thành tựu đại nguyện đại hạnh, chứ không phải thầy tổ dư cơm gạo nuôi mình để trở thành người nhát nhúa, phải không?
Các huynh đệ nên nhớ tu hành phải có dũng lực, Tam bảo hộ trì nuôi dưỡng để chúng ta phát huy dũng lực đó, nhưng đa số lại quên mất điều này. Từ lâu con người luôn đi tìm sự an ủi, giống như kẻ chán đời thích nghe nhạc để khuây khỏa, để quên đi những nỗi buồn chán. Đó là quan niệm của người thế gian, còn trong đạo thì không như vậy. Chúng ta càng khổ đau chừng nào càng có cơ hội để nhận ra lẽ thật của các pháp, lẽ thật của sanh tử. Người chưa bị khổ đau thì chưa nhận ra lẽ thật của sanh tử, nên cũng chưa thật sự phát tâm Bồ-đề, phát tâm Đại thừa. Chưa phát tâm Bồ-đề thì sự tu hành chưa đi tới đâu hết, công phu chưa thể phát huy được. Cho nên tổ Hoàng Bá nói:
Ví chẳng một phen xương lạnh buốt,
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương.
Ngài dạy người tu phải gan dạ, bây giờ chúng ta vẫn còn yếu lắm. Đọc lại lịch sử đức Phật, trong thời ngài là Bồ-tát Thiện Huệ, chỉ còn một kiếp nữa là thành đạo quả, phải trải qua bao thử thách kinh khiếp, trải qua cuộc thi chung kết chết đi sống lại để bước vào ngôi vị Đẳng giác Diệu giác. Ma quỷ đến phá kinh khủng nhưng ngài không sợ, bởi vì ngài có cung thiền định và kiếm trí tuệ, biết rằng tất cả đều không thật, do đó Ngài chiến thắng. Chính trí tuệ và thiền định là mục tiêu cuối cùng mà chúng ta nhắm đến, bây giờ từng bước mình đang thực hiện để nhận ra tâm Bồ-đề ấy.
Ngày xưa tôi lang bạt trôi giạt khắp nơi, cũng lăng xăng học hành đủ thứ nhưng chẳng ra đám ớt đám tiêu, thuốc chồi thuốc lá gì hết. Thế mà cũng cứ làm, không thoát được. Buổi sáng muốn nghỉ học nhưng anh em cứ rủ đi học hoài nên không nghỉ được. Đến khi về núi nghe Thầy giảng câu “Tất cả đều là không thật”, dường như trong đầu có tỉnh giác mạnh. Lâu nay mình lơ mơ chạy ngược chạy xuôi, bóng gió không thật, từ đó nhận ra rồi phát tâm. Thầy nói sẽ dạy cho mình học thiền định và có thiền định thì trí tuệ mở. Môn học và phương pháp hướng dẫn của Thầy là gầy dựng thiền định khai mở trí tuệ chứ không gì khác. Nhưng đâu phải bữa nào cũng ngồi trên lớp nghe Thầy giảng vậy đâu, mình còn phải nấu cơm, ngồi thiền, lên rừng hạ cây, làm cỏ v.v… Thầy nói ở đây dạy cho mấy chú định tuệ trong cái sống, ăn, ngủ... Không cần mấy chú làm bài, thầy cũng không cần hỏi bài. Tuy nhiên, Thầy không hỏi trên lớp mà Thầy hạch bất cứ lúc nào. Do vậy ai cũng phải cẩn thận.
Chương trình học ba năm, nhưng Thầy nói chú nào tôi hỏi mà không xong thì đừng nói ba năm. Tôi nhận được ân huệ của Hoà thượng rất lớn, ngài bảo chịu khó nuôi tôi đến ngoài bốn mươi tuổi mới cho xuống núi. Có lẽ Hòa thượng gõ cái gì, mình làm trật lất cái đấy. Do phát tâm của mình chưa đủ nên chưa vào được, ngay lúc đó không làm được gì hết nên phải chịu khó ở lại trên núi với Thầy. Loay hoay cũng đi bổ củi, nấu cơm, nhổ cỏ, có khi ngồi trên mỏm đá ngắm xuống biển, có khi cũng mong người thân đến thăm, mà ai đâu thăm!
Nói đến cái khổ của cuộc đời, cái khổ trong đường sinh tử là nói đến những cảm nhận trong đời thường của chúng ta. Những điều chúng ta ước mơ, mong mỏi được như ý ít quá mà bất như ý thì nhiều nên Phật nói khổ. Bị đánh bị đập đau ngoài da rồi thôi, còn những thứ làm cho lòng mình rát buốt như lấy dao cạo thì thật là khổ. Phật nói trong các nỗi khổ thì nỗi khổ sanh tử là quyết liệt nhất. Chúng ta đã đụng nó, đang đối chất với nó đây, vậy mà cho tới bây giờ ta vẫn chưa tỉnh. Đôi khi mình cảm nhận mình cũng có khả năng, có điều kiện để giải quyết vấn đề này, nhưng đôi khi nó ở đâu xa xôi không nắm được.
Kinh nghiệm cho thấy, ngồi thiền mà tâm cứ lòng vòng không nhận ra được gì hết là chúng ta đã bị ma vọng tưởng dẫn đi, nó gạt kiểu này sang gạt kiểu khác. Cứ vọng tưởng lung tung, chợt mất chợt hiện, ngay khi đó nếu huynh đệ nào nhận được thì tuệ giác phát sinh. Hoà thượng Trúc Lâm nói vọng tưởng không thật, nó chợt hiện chợt mất. Chúng ta nhận ra Tổ đã dạy như vậy, bây giờ Sư phụ cũng dạy như vậy. Từ đó công phu thấm dần vào trong, chúng ta sẽ nhận ra cái gì là cái thật và phải sống như thế nào. Nhận được như thế là cơ hội để chúng ta giác ngộ. Hòa thượng nói chúng ta có trí vô sư, đức Phật nói ta học đạo không thầy và giác ngộ từ trí vô sư đó.
Huynh đệ đã biết điều đó, từ trí vô sư mà giác ngộ. Bây giờ bằng mọi cách làm sao cho trí đó hiện ra thì chúng ta giác ngộ. Khi thấy sanh tử hừng hực, khổ não vô lượng nên phát tâm Bồ-đề, thương tất cả chúng sanh, chịu tất cả những khổ não để họ được an lạc. Cuối cùng tất cánh đại lạc, nguyện cho họ được vui, như vậy chúng ta mới thành tựu viên mãn đạo quả giác ngộ giải thoát. Giả tỷ mình làm điều gì đó khiến huynh đệ không vui, biết như vậy là trái với tâm Bồ-đề nên không làm nữa. Nếu nuôi dưỡng được như thế thì tâm Bồ-đề dần dần lớn mạnh. Tâm này vô lượng vô biên trùm khắp, không giới hạn trong một không gian nào. Bây giờ chúng ta đã là người xuất gia nên phải mở trí tuệ Bát-nhã, nhận ra bản thể chân thật. Không kể là tu lâu hay mau, bao giờ nhận ra được bản tâm thì mới triệt ngộ, vào được chỗ an lạc.
Khi tôi lên núi Chân Không theo Hòa thượng tu thiền, có người bảo ngu ơi là ngu, đang sống bình thường tự nhiên nhảy vào chỗ non cao thăm thẳm để mà thương mà nhớ… Họ nói mình ngu cũng phải. Nhưng xin thưa, nói như vậy chứ thật sự không phải vậy. Hòa thượng bảo phải lột hết tất cả những thứ nhỏ nhen tăm tối, bung cái vỏ đó ra, làm được như vậy là vào cửa Chân Không. Tuy nhiên Thầy cũng phát quần áo cho mặc, cho cơm ăn, tập cho mình có một đời sống bình thường.
Tu là sửa, là bình thường, cái gì bất bình thường thì chưa phải tu. Tu thiền là một pháp tu không phải xa lạ gì đối với chúng ta nói chung, đó là một pháp tu tối thượng trong Phật pháp. Nhưng ngày nay nói đến tu thiền thì người ta ngại mình rơi vào lý Không, làm sai sẽ rơi vào quả khổ. Cho nên các nơi hầu hết đều dè dặt đối với pháp môn tu thiền. Cởi tung hết có khổ sở gì đâu, sung sướng quá, mở ra một chân trời, trong đầu thênh thang, cớ gì mà cứ khum cứ kẹt vô đó. Phật dạy tâm là rỗng rang sáng suốt, là bất sanh bất diệt. Tâm ấy không phải hình thức cho nên nó không hạn cuộc trong thời gian không gian nào. Chỉ vậy thôi, ai nhận ra và sống được với bản tâm chân thật thì người đó giác ngộ.
Bây giờ chư huynh đệ bắt đầu vào thiền, học thiền, nghiên cứu và tu tập. Cánh cửa ban đầu mở ra, việc làm này tuy cam go nhưng phải cố gắng, gầy dựng một nếp bình thường, như thiền sư Nam Tuyền nói “Tâm bình thường là đạo”. Giờ mình là phàm nhân nên cứ tập cố gắng như vậy. Nhờ sự hộ trì của Tam bảo, với tâm chân chính tu hành chúng ta sẽ thành tựu được chí nguyện xuất gia cao cả của người con Phật. Đó là ra khỏi trầm luân sanh tử và cứu tất cả chúng sanh đều được an vui giải thoát.
Tin mới
Các tin khác
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 7 - 16/10/2012 12:11
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 6 - 04/10/2012 13:19
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 5 - 26/09/2012 14:20
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 4 - 10/09/2012 14:35
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 3 - 16/08/2012 12:21