headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 29/03/2024 - Ngày 20 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NHẬN LẠI VÀ SỐNG

sen6Trong đời tu của chúng ta, mỗi người đều có những đoạn nhân duyên. Tôi xuất gia năm 7 tuổi, sống tại vùng quê nghèo thiếu và phải chịu nỗi khổ chung của chiến tranh. Chùa bên nội ở gần xã Gia Tân, chùa bên ngoại thuộc xã Gia Lộc, cả hai xã đều nằm trong huyện Trảng Bàng. Thuở nhỏ có biết gì đâu nhưng sống trong thời chiến tranh mình cũng sợ cũng khổ. Tuy nhiên nỗi lo sợ ấy không tồn tại lâu trong tâm hồn bé thơ, chỉ trong vòng một ngày nửa ngày thì tôi sống hồn nhiên trở lại.

 

Nhờ hồn nhiên mà con người sống an vui, quên hết mọi ưu tư lo lắng. Tuổi thơ quý nhất ở tính hồn nhiên này. Thật ra hồn nhiên là một nguồn sống không chỉ dành riêng cho trẻ con, tất cả chúng ta đều có. Tuổi già có cái hồn nhiên của tuổi già, tuổi trẻ có hồn nhiên của tuổi trẻ. Tuy nhiên chúng ta đã bỏ quên nó rồi, chỉ sống với những hình ảnh hiện tại từ bên ngoài dồn dập đưa đến. Cái giả phủ lên cái thật, bây giờ muốn nhận lại cái thật không dễ dàng chút nào.

Trong công phu tu hành, người hồn nhiên sẽ dễ tu hơn những vị thường hay tư lự. Tư lự nhiều là vọng tưởng nhiều, vọng tưởng nhiều làm sao an ổn được. Cho nên phải trị vọng tưởng mới có thể giữ vững tâm Bồ-đề, áp dụng pháp môn tu hành thành tựu tốt đẹp. Bây giờ con người khôn quá, biết nhiều quá, cảm giác bén nhạy quá nên không sử dụng được cái nguyên thủy căn bản ban đầu. Vì vậy trong nhà thiền rất thường nhắc đến hạnh anh nhi để nói lên ý này. Chúng ta tu cũng nên chậm lại một chút, ít biết một chút để trưởng dưỡng tâm Bồ-đề. Chậm và ít biết là đối với các pháp thế gian không để tâm vướng mắc, không chạy theo phân biệt, chớ không phải chậm là khù khờ mờ tối kém trí tuệ.

Khoảng năm 1959 – 1960, tôi 16 tuổi và ở trên núi Long Hải với sáu bảy anh em. Chúng tôi sống rất vui, chẳng biết sợ gì. Vui nhất là những ngày được quý thầy dẫn đi tìm bí kỳ nam, những ngày Phật tử từ đạo tràng Vạn Đức lên thăm. Chúng tôi rủ nhau leo núi lên thất Thầy chơi, sống rất hồn nhiên. Khi càng lớn lên, càng va chạm việc này việc khác, chúng ta đánh mất đi sự hồn nhiên trong trẻo của tuổi thơ, thật uổng quá. Bây giờ nhớ lại cũng chỉ là hồi tưởng mà thôi, chứ không sao nhận lại và sống được thời ấy.

Trở lại với tánh chân thật của chúng ta cũng thế. Từ lâu rồi mình bỏ quên, bây giờ nhận lại và sống rất khó. Hòa thượng chỉ dạy trên bước đường tu học phải nhận và sống được với tánh Phật của mình, như vậy mới có niềm vui, niềm tin đối với chánh pháp, tu tiến đến viên mãn. Danh từ “tánh giác” chúng ta học đã thuộc, viết bằng chữ Việt cũng được mà viết bằng chữ Hán cũng hay, có người còn viết cả chữ Anh chữ Pháp nữa kìa. Nhưng thực sự nhận ra sống được với nó đôi khi hoàn toàn mù tịt. Chỗ này thật đáng tiếc.

Nếu như chúng ta không bỏ quên tánh giác thì khỏi phải nói chuyện tu. Mỗi người đều có sẵn tánh giác, không ai thiếu, nhưng mình đã bỏ quên nó ở đâu cũng không biết. Chúng ta chỉ sống với những thứ lượm lặt chung quanh. Lượm lặt từ những năm học lớp sáu, lớp bảy, lớp tám, lớp chín dài dài cho tới ba bốn mươi tuổi, có cụ sáu bảy mươi tuổi, vẫn còn lượm lặt toàn những thứ ngoài hàng rào, không phải của báu trong nhà. Tuy nhiên như vậy đó mà chúng ta vẫn cứ sống, vẫn chạy theo, vẫn ôm giữ không bỏ xuống được. Chẳng những thế mình còn cho nó là thiệt nữa. Như vậy làm sao sống được với tánh giác của mình? Suy nghiệm lại cuối cùng thấy uổng thiệt!

Nói chuyện với quý vị thế này cũng là tơ tưởng về một thời kỳ vàng son. Thời bé thơ, thời chưa biết sợ gì, chưa cảm nhận thật sự những nỗi khổ lớn của cuộc đời. Không vọng động chạy theo những thứ bên ngoài hàng rào. Hồi tưởng lại thấy tiếc uổng nhưng cũng không làm gì được, chỉ càng mất thì giờ thêm mà thôi. Phật nói tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật, chất Phật nơi chúng ta không mất, nhưng tại sao ta chưa thành Phật? Chúng ta không biết, nếu có biết thì cũng biết léng phéng. Tại vì chúng ta mê muội tăm tối, chạy theo ôm giữ những thứ bên ngoài, chỉ vậy thôi. Khi đã quên bẵng chất Phật nơi mình, cuối cùng chúng ta cam nhận đời sống của kẻ cùng tử lang thang. Cha mẹ sanh ra, có thân, mang tên tuổi như vậy, ở quê hương như vậy. Từ đó ta ôm giữ quê hương, ôm giữ sự sống, ôm giữ cha mẹ… cứ nhắm mắt lại mà ôm giữ, cuối cùng mất tất cả.

Những gì đã có, lẽ ra chúng ta trân quý nó nhưng lại bỏ quên. Bây giờ hè hụi tìm lại bằng cách này cách khác, như xuất gia học đạo, tu hành… Tu thì phải vui hòa, không cố chấp, biết kính nhường hỗ trợ nhau, ngồi thiền, tụng kinh, học Phật pháp. Tất cả những hành pháp này gọi là tu. Thầy Tổ cũng khuyên “ráng tu sẽ được thành Phật”. Nhưng bây giờ ráng như thế nào? Chỉ một ý tưởng này đủ làm cho chúng ta khắc khoải nhiều năm không giải quyết được.

Có huynh đệ xuất gia năm năm, ba năm, đùng một cái trở về, bỏ thành quả đã gầy dựng từ trước. Trở lại đời sống thế tục thì phải đi kiếm việc làm. Có kiến thức một chút thì làm những việc nhẹ nhàng, không có kiến thức thì đi cuốc đi cày, làm thuê làm mướn để có cơm gạo mà sống. Thật vô lý! Ngày trước bước vào đạo một cách mạnh dạn, rồi bây giờ quanh trở lại như vậy. Có vị kể lại cởi chiếc áo đạo, ôm chiếc áo đời mà… khóc. Khóc gì đây? Người ta nấu thức ăn ngoài đời, ăn không được khóc. Người ta nói những câu khó nghe, nghe không được khóc, người ta làm những việc khó coi, coi không được khóc. Khóc thì cứ khóc mà nghiệp tập thì cứ gây tạo.

Như có vị tịnh nhân cư sĩ muốn tu từ hồi học lớp tám, nhưng năm nay gần bảy mươi tuổi rồi vẫn chưa tu được. Học xong có gia đình, đi làm ăn rồi sinh con đẻ cái, hết đời này tới đời khác. Bây giờ ở tuổi cổ lai hi mà vẫn chưa dừng, về chùa một chút là “còn việc nhiều quá chưa làm”, lại phải quanh về. Tu như vậy, hiểu đạo như vậy, hành đạo như vậy chừng nào thành Phật? Cho nên Phật nói mình là Phật sẽ thành nhưng mà không biết chừng nào. Có ai đo định được chữ “sẽ” kéo dài tới đâu không? Đây cũng lại là việc mơ hồ thôi.

Tôi có cảm nhận nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng cái hồn nhiên thời bé thơ bằng tâm hồn trong trắng thì việc thành Phật chắc là không khó. Chư huynh đệ phát khởi tâm nguyện xuất gia tu hành, học hỏi giáo lý là để sống trở lại với ông Phật của chính mình. Bây giờ chúng ta phải hành trì như thế nào? Hòa thượng Trúc Lâm dạy phải sống được với tánh giác. Quả thật tánh giác sẵn có, nhưng tại sao biểu mình phải sống với nó? Bởi vì từ lâu chúng ta không sống được với nó mà cứ lượm lặt những rác rưởi bên ngoài cho là của quý trong nhà. Đây là lầm mê của chúng sanh. Nhận được như vậy mình sẽ nhanh chóng quay trở về, công phu tu hành sẽ không khó khăn, việc thành tựu Phật đạo cũng không khó khăn.

Câu chuyện của Ngài Nham Đầu và Ngài Tuyết Phong nói rất rõ về việc này. Hai vị trở về đất Mân, gặp lúc trở tuyết, ngoài đường đi không được. Do vậy hai Ngài tạm nghỉ trong một cái miếu. Ngài Tuyết Phong thường ngồi thiền, còn Ngài Nham Đầu lại cứ nằm. Không biết ngủ hay không mà cứ thấy nằm. Ngài Tuyết Phong ngồi thiền xong xả ra, nhìn qua sư huynh thấy nằm hoài chịu không nổi, nên nhắc:

- Sư huynh, sư huynh, dậy! Tại sao những người đi hành cước với mình đã thành tựu hết rồi, bây giờ hai huynh đệ ở đây gặp trời trở tuyết đi không được, mà sư huynh cứ ăn xong rồi nằm dài, chừng nào mới xong?

Ngài Nham Đầu ngồi dậy nạt cho sư đệ một tiếng:

- Ông nói cái gì? Mỗi ngày cứ ngồi sững, nếu trong lòng có chỗ chưa xong thì nói ra đi, tôi chỉ cho.

Bấy giờ Ngài Tuyết Phong mới nói:

- Khi xưa tôi mới đến chỗ Thiền sư Diêm Quan thấy Ngài thượng đường nói về nghĩa sắc không, ngay nơi đó tôi liền được vào cửa.

Ngài Nham Đầu bảo :

- Từ đây đến 30 năm sau rất kỵ không được nói đến.

Ngài Tuyết Phong kể tiếp:

- Tôi thấy bài kệ của Ngài Động Sơn khi qua cầu ngộ đạo (Ngài Động Sơn qua cầu, nhìn dưới dòng suối thấy bóng của mình, ngay đó ngộ đạo) liền làm bài kệ:

                    Thiết kỵ tùng tha mích,
                    Điều điều dữ ngã sơ,
                    Cừ kim chánh thị ngã,
                    Ngã kim bất thị cừ.

Ngài Nham Đầu lại bảo rằng:

- Nếu chừng ấy tự cứu cũng chưa xong.

Ngài Tuyết Phong kể thêm:

- Một hôm tôi hỏi Ngài Đức Sơn việc tông thừa từ trước con có phần chăng, Đức Sơn đánh một gậy hỏi, nói cái gì? Tôi khi ấy như thùng lủng đáy.

Ngài Nham Đầu nạt:

- Ông chẳng nghe nói từ cửa vào chẳng phải của báu trong nhà.

Từ đó về sau Ngài Tuyết Phong mới nhận được yếu chỉ và đảnh lễ sư huynh. Ngài nói luôn hôm nay tôi mới thực sự ngộ đạo ở đây.

Câu chuyện của hai thiền sư cho chúng ta nhận được điều gì? Điều cần thiết nhất là chúng ta không nên chấp vào các hình thức công phu bên ngoài, mà phải căn cứ trong tâm. Của quý phải là của mình chứ không thể của người khác được. Cũng thế, sự bừng ngộ phải lưu xuất từ trong tâm của mỗi hành giả, chứ không do kiến thức học tập từ cổ nhân hay thiện hữu tri thức bên ngoài. Thiền sư không chấp nhận hình thức có vẻ như là ráng chịu, không tự nhiên, không bình thường.

Chư huynh đệ chúng ta có lỗi này không? Như các tịnh nhân đang công quả tập sự tại nhà khách, quý vị thấy đời sống của chư Tăng, tới giờ ăn, giờ nghỉ, giờ tu tụng, giờ tọa thiền… như vậy, dường như lo lắng trong lòng sợ theo không nổi. Do đó tới giờ ăn cố gắng đi, nhưng không vui. Giờ tụng kinh, tọa thiền v.v… cũng vậy, luôn có cảm nhận đau nhức, khí trời nóng bức khó chịu. Chung quanh thì muỗi mòng, thầy Giám thiền cũng giống mục đồng, còn mình là những con trâu. Nhìn thấy mà buồn. Ở ngoài đi làm, quý vị sống như mọi người đâu đến đỗi, vô Thiền viện phải như vậy. Tuy tự nhắc nhở cố gắng, cố gắng nhưng vẫn không thoát, không vượt được những tâm niệm thường tình. Do sống bằng những tâm niệm như vậy nên hôm nào bực bội là xách gói đi. Hồi tới rất là hoan hỉ, nhưng ở năm ba ngày thì bực bội, đi. Vì cảm nhận đời sống hiện tại không có gì lý thú, cứ sống bằng những thứ mình phải cố gắng.

Một khi chúng ta đánh mất sự hồn nhiên là đánh mất sức sống chân thật của chính mình. Đi ăn cơm cũng đánh mất sự hồn nhiên, làm việc cũng đánh mất sự hồn nhiên, cho đến toạ thiền cũng không hồn nhiên. Tôi thích các tiểu La Vân nhất ở chỗ các chú luôn hồn nhiên. Trời mưa trời gió gì, đi là đi vui là vui. Ăn cơm, quý thầy hướng dẫn lên quả đường, ăn nhiều cũng ăn, ăn ít cũng ăn, lúc nào cũng vui cười bình thường, không bao giờ hỏi tại sao phải ăn thế này hay thế khác. Có thể lấy đời sống hồn nhiên của các chú làm tấm gương cho mình, là bài học cho chúng ta sống trở lại với tuổi thơ chân thật. Bởi chúng ta khôn ngoan nhiều quá, vận dụng nắm giữ, ôm đồm những thứ bên ngoài nên đánh mất sự hồn nhiên.

Những khi trời mưa nhìn thấy một đoàn các tiểu thọ trai về, đi tự nhiên không dù không nón gì hết, rất bình thường, có khi còn vui hơn bình thường nữa. Đó là gì? Sự hồn nhiên. Các vị tuy còn nhỏ tuổi, kiến thức chưa đầy đủ, nhưng gầy dựng được một sức sống từ sự hồn nhiên của mình. Sự gầy dựng này có chất lượng lắm và nó sẽ in sâu vào tàng thức của các chú. Bây giờ chúng ta chưa thấy gì, nhưng mai này nó trở thành vốn sống quý giá, từ đó giúp ta có thể quay về với chính mình. Ở đây chúng tôi nuôi dạy các chú tiểu, không hy vọng tương lai các chú trở thành tiến sĩ, bác học chi chi. Chỉ mong các tiểu học xong phổ thông sẽ trở thành những người hiền lương, sống có ích cho đạo cho đời. Nhờ vậy mỗi ngày mình vẫn cứ vui, cứ lo cơm lo thuốc, lo tất cả những gì cần thiết cho các tiểu để ngày nào còn sống hồn nhiên trong Tam Bảo là quý ngày đó. Hy vọng nét hồn nhiên này sẽ là dấu ấn tồn đọng trong lòng các chú. Mai kia mốt nọ dù có đi đâu làm gì, sự trong sáng ấy sẽ giúp các chú thành tựu được sự nghiệp.

Tâm trong sáng chưa in ấn điều gì rất cần, có thể nói nó là lợi khí để chúng ta gầy dựng phát huy việc tu tập cho mình tốt hơn. Sở dĩ con người khổ là vì in ấn nhiều thứ quá, camera của họ thông minh lạ thường, thứ gì cũng thâu vô hết. Do vậy thiên hạ bị đau đầu kinh niên, khổ sở vì những thứ ấy mà không tự thoát ra được. Phật nói chúng sanh khổ vì vọng tưởng, chết vì vọng tưởng, luân hồi sinh tử vì vọng tưởng, chớ không phải vì các cảnh duyên bên ngoài.

Nghiệm kỹ lời Phật dạy thật chính xác. Chúng ta hôm nay khổ cũng vì vọng tưởng, chứ không gì khác. Vọng tưởng làm cho con người điêu đứng, khổ sở, nó làm cho thiên hạ rối như tơ, không biết manh mối đâu mà gỡ. Cứ như vậy chúng ta loay hoay trong mờ mịt tăm tối. Bởi mờ mịt tăm tối nên dễ dàng chấp nhận cuộc sống tạm, chạy theo cái giả, bỏ qua cái thật hồn nhiên, trong sáng của tánh giác. Muốn gầy dựng lại thật là cay đắng.

Tôi tu năm 7 tuổi mà cho tới năm 12 tuổi, chưa được một bộ đồ có cái quần dài. Những bộ đồ mặc tôi mặc thường do mấy cô may lại từ đồ tang đi đám về. Họ lấy mực nhuộm đen, nhuộm xanh, nhuộm dương. Thuở ấy tôi hồn nhiên lắm, cần mặc áo tràng thì lấy áo tràng mặc, không hề chọn lựa áo này đẹp áo kia xấu. Tôi nhớ lại mấy năm đó cơm gạo khó khăn, sau khi công phu khuya xong, mấy huynh đệ nhỏ tập trung trước bàn Hộ pháp, Hòa thượng dạy “tụi con phải tụng cho hay, tụng thuộc không được sai, tụng siêng năng thì Phật tử sẽ cúng gạo cho mà ăn. Mấy tiểu tụng thành khẩn thì long thiên hộ pháp nghe được, mới cảm động đến các vị hộ pháp, hộ giáo, hộ giới đến ủng hộ mình”. Tôi không biết chuyện này có thiệt hay không, nhưng huynh đệ cứ tin như vậy và bữa nào cũng tụng chú Thiện thiên nữ. Đó là một trong Thập chú. Anh em vui vẻ tụng, mặc dù mặc quần đùi vẫn cứ tụng, có áo dài phủ xuống rồi ai dám cười chứ! Tụng không biết bao nhiêu lần, chừng nào vị lớn đánh chuông là biết xong, được nghỉ. Chúng tôi không hề than mệt cũng không có ý kiến chi.

Quả thực tuy hoàn cảnh lúc ấy khó khăn, chiến tranh ác liệt. Người ta chết trước mắt mình không biết bao nhiêu mà nói, nhưng trong chùa cơm gạo không thiếu. Suốt thời gian mấy năm ở chùa Từ Lâm, tuy còn nhỏ nhưng tôi cảm thấy sự linh nghiệm rõ ràng. Chẳng những nhà chùa không đói mà còn có thể chia sẻ với những người dân chung quanh quá nghèo thiếu, không có cháo để ăn. Có khi mình cho một tô cơm nguội họ ngồi ăn với muối ngon lành.

Hoàn cảnh như vậy mà chùa ta không thiếu cơm. Buổi sáng khoảng chừng chín giờ, cơm nấu xong để vô thố, cúng Phật cúng quả đường, tụng kinh xong dọn lên ăn. Ăn rồi Hòa thượng bảo lấy khoai mì khoai lang rửa sạch nấu một nồi để trên bếp đó, chừng nào muốn ăn lấy ra ăn. Nhiều khi bà con Phật tử chung quanh đến Hòa thượng đem ra cho họ ăn. Sống giản dị như vậy. Khi nào thấy hơi yếu kém Hòa thượng nhắc phải tụng chú gia tăng lên. Công phu rồi trời còn mờ mờ chưa sáng hẳn, hồi đó trong chùa không có đồng hồ. Tôi chẳng biết đồng hồ là cái gì, chỉ nhìn theo trời sáng trời tối vậy thôi. Chưa sáng hẳn thì tụng, tụng cho tới trời sáng hẳn, sau đó đi nấu cơm ăn. Tôi có cảm nhận thời hồn nhiên, những sợ sệt về chiến tranh, về chết chóc không ảnh hưởng đến tâm hồn bé thơ. Mình sống bằng con người, con người đó không dám nói là con người thật, nhưng rõ ràng không dính mắc nhiều bởi những giả tưởng bên ngoài, sống một cách chân thật.

Bây giờ gần các tiểu La Vân, tôi nhớ lại tuổi hồn nhiên của mình. Đang chơi hay đang học bài, thầy nói tới giờ tụng kinh, mau mau bỏ chạy tụng kinh. Thầy nhìn lại hỏi sao không mặc áo tràng? Thế là điệu ta chạy vô lấy áo tràng mặc, cũng không hờn không giận chi hết. Gặp ông thầy cằn nhằn thế này thế khác tiểu cũng bình thường. Vô tụng kinh với huynh đệ, tụng xong qua căn tin ăn uống thoải mái, ăn chưa đầy bụng thì kêu thêm nữa, không mắc cỡ. Chỉ một việc này mấy huynh đệ lớn chưa chắc làm được. Ngồi vô phải coi trước coi sau, ăn xong có khi thấy trong bụng còn trống, muốn ăn nữa nhưng nói no. Rõ ràng người lớn không thật, mất đi bản tính hồn nhiên đáng quý của thời bé thơ.

Tôi nhớ những ngày tết, thấy người lớn đạp xe đi chợ mình cũng trèo lên xin theo chơi. Ra chợ không có một đồng bạc, nếu có đôi đồng cũng chẳng biết ăn cái gì. Thấy bánh nhưng không dám hỏi mua, sợ thiếu tiền. Chỉ có một món ăn bình dân rẻ tiền, người lớn người nhỏ gì trong quê cũng có thể ăn được. Đó là nước đá si rô. Người bán món này bào đá xẹt xẹt bỏ vô ly, lấy tay đập một cái bằng mặt, xong rồi hỏi mình thích màu xanh hay màu đỏ? Nếu muốn màu xanh ông rót màu xanh, muốn màu đỏ ông tưới màu đỏ, sau đó đưa cho mình, cầm húp. Mấy đồng bạc quên rồi không nhớ, nhưng khi nào có tiền đứng nhìn người ta ăn, nhìn rồi tôi mới mua. Cuộc sống của người dân nghèo khó miền quê thời chiến tranh như vậy, đành cam chịu biết nói với ai!

Ở quê, người dân làm lụng cực khổ mà chẳng được bao nhiêu tiền. Như chỗ bà Năm người ta trồng kiệu. Kiệu đem lên để ở mương, nước mọi chảy ra các vị lớn ngồi lột tỉa, bó lại, rửa sạch. Người ta làm từ khuya tới chiều, rồi mau mau gánh ra chợ đêm bán. Gánh vất vả ra chợ, khách mua đến định giá, nói năm đồng bảy đồng gì đó. Cái công trong đó biết bao nhiêu, cực ơi là cực, vậy mà họ đánh giá năm đồng ba đồng. Mình không bán thì họ không mua, họ không mua thì hư của mình chứ hư gì của họ. Cho nên bán mắc bán rẻ chi cũng phải bán. Có lần tôi gánh phụ các chị ra chợ mới thấy sức nặng oằn vai của gia đình mình, của má của chị. Bởi nhà không có xe trâu xe bò nên phải gánh, đâu làm sao khác. Từ khuya tới chiều trong bụng trống trơn, đã vậy còn bị ép giá, không có tiền mua cái gì lót dạ. Cảnh này tôi thực sự nếm trải, buồn khổ làm sao. Dân quê của mình vì thế mà nghèo lại càng nghèo, khổ lại càng khổ.

Làm ông thầy chùa con nho nhỏ, bị những hình ảnh này đập vô đầu cho nên lớn lên tôi ý thức phải học, phải có kiến thức. Vì chỉ như thế mới gầy dựng được cuộc sống ấm no. Cho tới bây giờ trong đầu tôi cũng còn cảm nhận xót xa cho người dân nghèo. Muốn thoát khỏi hoàn cảnh này phải làm sao, đi đâu, làm gì? Cuối cùng tôi nghĩ ra chỉ có đi tu, làm Phật mới thoát khỏi thảm cảnh ấy. Vì vậy chúng ta phải ráng tu, thưa chư huynh đệ. Nghĩ đến cuộc đời rồi nghĩ đến cái chân thật, quý báu nhất của mình, nếu chúng ta vô tình bỏ quên nó, thật là quá uổng.

Năm 13 tuổi có người rủ đi Sài Gòn, tôi đi. Nhất định phải đi học. Muốn tiến bộ trên đường đạo cũng phải học. Muốn giải thoát phải cất bước lên phương trời cao rộng, như Tổ Quy Sơn nói “phát túc siêu phương” tức là vượt ra những thường tình, mới giải quyết được những rắc rối trong lòng, trong đời. Bây giờ chúng ta đã bước được những bước khá tốt, nhưng vì chưa cương quyết nên vẫn chưa nhận ra cái quý báu nhất của mình. Đã vậy còn lượm lặt những thứ ba mớ ngoài cửa để dùng với nhau, thật uổng quá. Khi xuống Sài Gòn nhân duyên đưa đẩy tôi gặp được những bậc thầy chân tu cao quý.

Từ đó đời tu của tôi bước sang trang, dần dần phát triển có cơ hội đi học, gặp gỡ các bậc thầy lớn.

Nhìn lại đoạn đường tôi đi qua dù tân khổ hay an vui đều có giá trị cả. Nhờ thế tôi có vốn sống để chia sẻ, để nhắc nhở động viên chư huynh đệ, những người bạn đồng hành đừng bao giờ thối chuyển trước mọi cảnh duyên. Tất cả đều từ tâm kiên quyết, chí vững bền mà nên. Có thể nói chúng ta đủ phước duyên lắm mới được xuất gia tu học, chư huynh đệ phải cương quyết cố gắng hết mình. Thật ra sức chịu đựng của con người rất phi thường khi họ muốn thực hiện một mục đích nào đó mãnh liệt. Nếu không biết khai thác sức mạnh ấy, vô tình chúng ta đánh mất một năng lực nội tại mà không thể tìm ở đâu ra.

Bây giờ đừng nói ai, nhìn mấy chú tiểu La Vân nhỏ xíu vậy, không có thời gian mà các chú vẫn có thể tuân thủ thời khóa một cách vui vẻ, nhịp nhàng. Sáng mai đi ăn cơm, ăn nhanh để chuẩn bị đi học. Thời gian đến trường chiếm nhiều nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Đi học về ăn cơm. Ăn cơm xong nghỉ, buổi chiều học thêm tại chùa, rồi tới giờ tụng kinh. Tụng kinh xong học bài, tập ngồi thiền đến 9g30’ tối mới được nghỉ. Tóm lại, sắp đặt sinh hoạt cho các chú trẻ nhỏ như vậy là hơi nặng. Tôi nghĩ có nhiều huynh đệ lớn không làm nổi như mấy tiểu. Thế nhưng tại sao các chú làm nổi? Vì hồn nhiên. Vì vui. Vì không đắn đo nghĩ ngợi gì cả. Quý thầy bảo làm sao làm vậy. Do làm mà tâm không mong cầu, quả tự đến hồi nào không hay.

Con người là như vậy, cứ thảy dần gia bảo của mình ra để thu vô những tạp nham bên ngoài. Bởi đánh mất tính hồn nhiên quý giá nên vừa học xong lớp mười hai là các tiểu lớn không theo nổi thời khóa tu học của Thiền viện. Xong phổ thông cấp III, chúng tôi đưa các chú về Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức chuyên tu. Một đạo tràng trong sáng trang nghiêm như vậy, mà các chú ở đó uốn éo giống như không có xương sống, vì ngồi thiền không nổi. Nay chú này xin đi, mai chú khác xin đi. Họ thích tiếp thu ngoại duyên mới, phát huy tánh giác chân thật hiện tiền họ không chịu. Thật đáng thương!
Vì không vững niềm tin nơi Tam Bảo nên không theo nổi con đường Phật đạo. Các chú cũng quên bẵng tấm lòng của những người thầy đã bao nhiêu năm nuôi dạy chăm sóc từng chút từng chút. Các chú đi ăn, đi học, đi tụng kinh, đi khám bệnh… các thầy đều mỗi mỗi đi theo. Do không thấy được tấm chân tình đó nên các chú dễ dàng phủi áo ra đi. Đi theo tiếng gọi của nghiệp thức mênh mang, của cát bụi phù sinh. Thì thôi, quý thầy sẽ đợi chừng nào các chú quỵ té trên đường đời, mỏi gối chùn chân trở về, quý thầy sẽ tiếp tục dìu các chú những bước còn lại, có thể lúc đó không phải các chú mà là các bác.

Phật dạy, người kiến đế thấy được lẽ thật, thấy được chân lý thì tự tại bình yên trước mọi cảnh duyên. Cho nên chúng ta muốn được như vậy phải kiến đế. Cố gắng thảy ra hết những cù cặn bên trong mới có thể kiến đế, từ đó nhớ lại trân bảo mình đã bỏ quên lấy ra xài. Sau khi thiền sư Thường Chiếu quy tịch, Ngài Hiện Quang lớn lên được nuôi nấng tốt trong đạo tràng, nhưng chưa nhận được trân bảo của Thầy Tổ. Ngài tủi thân mình là con cái trong nhà mà không biết châu báu của cha mẹ để đâu nên than “giàu có mà cam lòng thiếu thốn”. Giàu có nhưng của báu cất đâu không biết. Do không biết nên chẳng thể lấy ra dùng, không dùng được của báu thì cam phận nghèo thiếu. Từ đó Ngài vào núi tu, nên ngày nay chúng ta mới có bậc cao Tổ của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử chính là Thiền sư Hiện Quang vậy.

Chư huynh đệ muốn thăng tiến trên con đường Phật đạo phải vững niềm tin và hồn nhiên sống, đừng chạy theo những giả cảnh bên ngoài. Tập trung nhận lại gia bảo nhà mình.

Chỉ mong chúng ta luôn được như vậy.


 

 

 

[ Quay lại ]