TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 6
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 04 Tháng mười 2012 13:19
CHÁNH VĂN:
Âm: | Dịch: | |
弟 六 覺 知 |
Đệ lục giác tri, |
Giác ngộ thứ sáu, |
GIẢNG:
Điều giác ngộ thứ sáu Phật dạy rất hiện thực đối với cuộc sống của chúng ta. Kẻ nghèo khó trong lòng thường ôm nhiều oán hận. Nghèo khó ở đây nói không chỉ nghèo khó về tiền của mà còn nghèo khó phước duyên, công đức. Người lỡ rơi vào tình huống nghèo khó như vậy, luôn mang tâm trạng oán hận. Oán hận cái gì? Oán trời trách đất, kêu rêu than van chuyện này chuyện nọ, trong lòng nhiều thứ ngổn ngang. Chính những thứ ấy nhấn chìm họ trong cảnh khốn khổ, khó vươn lên nổi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trái lại, càng gặp khốn khó người ta càng mạnh mẽ tiến lên, chứ không chỉ hoàn toàn ôm lòng sầu bi oán hận.
Trong cuộc đời đôi khi chúng ta gặp những điều ngoài sự chuẩn bị của mình. Có lần tôi cùng huynh đệ Thường Chiếu vào vùng sông Buông chảy ngang xã Phước Tân. Bà con về đây lập nghiệp, buổi ban đầu thiếu thốn vô cùng. Bỏ xe bên ngoài, tôi lội bộ tới bờ sông, nơi đó có một nhánh sông đi ra. Nhánh sông này không nhiều nước, chỉ còn một vệt nhỏ phía dưới thôi. Bên kia có một căn nhà quý thầy mời tôi lên đó nghỉ. Vô tới nhà thấy không có gì để ngồi, chủ nhân nghèo lắm. Chỉ có một cái giường, vợ chồng con cái nằm chung. Đứng nhìn rồi đi một vòng ra ngoài ngồi dưới bóng cây gòn. Tôi nghĩ tại sao cách phố thị không xa, mà có người sống quá khó khăn thế này.
Lát sau chủ nhà về, thấy quý thầy họ mừng không thể tưởng tượng được. Chủ nhà sống hồn nhiên, họ mời đủ thứ tưởng tượng như là ở phố thị. Tôi hỏi thăm đất đai được bao nhiêu, làm ăn thế nào, con cái làm sao đi học? Anh ta kể đất đai nằm dài đó, trồng bắp thì bắp chết hết, trồng khoai thì khoai sùng, loe hoe chẳng được mấy củ. Bà xã anh buôn bán ngoài chợ, mua đi bán lại, mỗi ngày kiếm chút đỉnh cho mấy đứa nhỏ đi học. Đặc biệt sống trong hoàn cảnh như vậy mà chủ nhà tươi cười hồn nhiên, ánh mắt không gợi một tí lo lắng muộn phiền. Anh nói: “Thầy ơi! Tụi con ở trong này hiu quạnh quá, sống xa quê đâu có bà con họ hàng gì. Cho nên mỗi lần có quý thầy đến tụi con mừng quýnh hết. Bây giờ còn phần đất này, nếu quý thầy chịu vô đây ở với tụi con thì tụi con xúm nhau cất chùa cho quý thầy ở”. Tôi nghĩ không biết cơm gạo của anh chàng này có đủ sống hay không mà dám nói với mình câu đó. Thật là tấm lòng quý báu! Buổi chiều ấy tôi ghi được trong lòng những hình ảnh cao đẹp không thể nào quên.
Cho nên quý vị thấy tấm lòng quan trọng lắm. Dù hôm nay chư huynh đệ chưa làm Phật, chưa giác ngộ gì cả, nhưng nếu cởi mở trải rộng lòng ra như vậy, không ngán không sợ không lùi bước, không có bất cứ khái niệm gì về những khó khăn trước mắt, nhất định chúng ta sẽ có một đời sống an nhiên tự tại. An nhiên tự tại cái gì? Nếu mình ở lại với anh ta nhất định tối sẽ sợ ma, vì chùa của mình có cửa có đèn, đầy đủ tiện nghi, nên chúng ta sống quen như thế rồi. Ở đây thiếu trước hụt sau, nhà không có cửa, mái lá mục mưa tạt ướt hết, nằm trong nhà mà giống nằm ngoài trời. Mấy tấm tole sét ngày nóng đêm lạnh. Nếu mình đến đây ở với anh Phật tử này chắc chắn mình sẽ thua, có thể thua đến mức độ con số không luôn. Nói như vậy để thấy chúng ta quen sống trong điều kiện vật chất đầy đủ, nếu xuống cấp một tí là thấy thiếu thốn, trong lòng như có kim đâm thật bất an.
Chư Phật dạy mình có tánh giác, có hạt châu vô giá thì không phải nghèo khó. Nhưng chúng ta chưa đụng tới nó, nên cảm thấy thiếu thốn đủ thứ, thật là dở. Như tôi, hôm nào đi đâu thị giả đem chiếc áo mấy tuần chưa giặt, xỏ vào cảm thấy không ưng, tôi hỏi còn cái áo nào khác không. Mình không nói phải lấy cái áo mới, nhưng thật tình không đồng ý. Chúng ta chưa thể thông qua được những cái không đáng gì cả. Cuộc đời mắc míu vào những thứ đó nên mình nghèo khổ hoài, phải không? Hòa thượng Trúc Lâm nói chúng sanh si mê, vừa mất thân này lại nắm bắt thân khác, nên cứ bị cuốn hút trong luân hồi sinh tử không có ngày cùng.
Thật sự không có ai trói mình trong đó cả, tự mình trói mình thôi. Nghĩ mình sống giữa đây, nào là đèn đuốc đầy đủ, trong khi mấy người chiến sĩ sống giữa rừng núi, làm bạn với cỏ cây hoang dã, vậy mà người ta sống an ổn. Các vị ấy không phải là thiền sư thiền sinh, không phải là người tu mà họ sống được như vậy. Càng ngẫm nghĩ càng thấy chúng ta dở thật, yếu đuối thật. Chỗ này chư huynh đệ phải cố gắng làm sao làm chủ mình, bình thường hoá với tất cả những tiện nghi chung quanh, không nệ hà, không bị khuôn vào điều kiện gì, hoàn cảnh nào mình cũng sống được. Nếu có được cái nhìn thấu như vậy, việc tu hành không còn khó khăn nữa. Lúc bệnh thì tu theo bệnh, gặp trở ngại tu theo hoàn cảnh trở ngại, không thối chí nản lòng. Quý vị cố gắng lên, phải để ý điều này.
Ví dụ buổi sáng mình không chịu trách nhiệm làm việc đó, nhưng trướng lên nói phải tập trung làm cái này. Thế là nhào vô làm, không ngăn ngại gì hết, làm một chút thì tới mười giờ, không uống nước giữa buổi luôn. Trưa vô ăn cơm nghe nặng đầu. Đầu nặng làm ảnh hưởng tới công phu, trong người dã dượi uể oải, chiều lại giờ tụng kinh bắt đầu có cơ hội trải rộng những dã dượi bất an bất ổn ra. Như vậy là viện lý do nhức đầu, khó chịu quá phải cạo gió, không đi tụng kinh. Người nào mạnh một chút có thể khắc phục ráng lên, nhưng hết thời kinh tới thời thiền, tự nhiên đi tới cửa thiền đường, giống như ma ốp há miệng ngáp dài. Tình huống như vậy vào cuộc nhất định là thua. Trong lòng bày ra trăm phương ngàn kế làm sao để được nghỉ ngơi. Ngày hôm nay thua thì ngày mai không thể thắng, ngày qua ngày cứ thua như vậy thì cả đời dậm chân một chỗ, bị lún sâu xuống. Điều này một số chư huynh đệ và bản thân của tôi cũng đã cảm nhận.
Khi hướng dẫn tu thiền, Hòa thượng Trúc Lâm đã nói với Tăng Ni về điều này, Ngài bảo phải tiến thẳng và có viết quyển sách Tiến thẳng vào Thiền tông. Đề sách đó nói lên tâm quyết của ngài là tiến thẳng. Ngày xưa có người hỏi Hoà thượng, tại sao các nơi cất thất để tu đều có cửa sau, riêng Thầy cất thất không có cửa sau? Ngài nói là chỉ tiến thẳng thôi. Chết sống gì ra cửa trước vào cửa trước chứ không có cửa luồn. Đó là một cách thức dạy chúng ta tu hành phải có sự kiên định, thẳng tiến, nhất định không được lui sụt.
Chúng ta sống hằng ngày đây mục đích là gì? Gầy dựng một đời sống hoà hợp tịnh lạc và chỗ nhắm của mình là trở về bản tâm chân thật. Nhưng cuối cùng nó tản mạn không ra gì hết! Đời mình mất đi bao nhiêu thời gian quý báu vì những trường hợp như thế. Cho nên, huynh đệ có đủ nhân duyên được xuất gia tu hành phải lập nguyện kiên định. Vọng tưởng nào không cần thì bỏ hẳn đi, được vậy cái đầu an ổn. Hòa thượng Trúc Lâm dạy biết vọng tưởng không theo. Bây giờ các vị có trách nhiệm không nói nhiều về biết vọng tưởng, chứ hồi xưa lúc chúng tôi mới theo học thiền với Hoà thượng thì phải học cách biết vọng không theo. Thật sự biết vọng để làm gì? Để nuôi dưỡng phát huy cái biết. Vọng tưởng dù biết hay không biết, nó cũng là vọng tưởng, nhưng cái biết rất quan trọng.
Cho tới bây giờ Hòa thượng lại nói một cách nữa, khi các căn tiếp xúc với trần cảnh biết là không thật, là sanh diệt… ta không dính mắc nó. Đây là một cách thức tu hành xuất phát từ kinh nghiệm trong công phu của Hòa thượng. Biết nó là vọng tưởng không chấp nhận nó, sẽ phát minh được cái nào là cái biết, cái nào là trí tuệ, từ đó nuôi dưỡng bảo vệ nó. Chúng ta nuôi dưỡng thế nào để cho cái biết hiện tiền, bảo vệ thế nào để cái biết không lẫn lộn cái khác. Cái biết lẫn lộn cái khác thì không được, chứng tỏ cái biết đó chưa thật, chỉ là vọng dấy khởi lên. Quyết như vậy rồi hướng tâm thực hiện, nhưng đâu phải lúc nào mình cũng thực hiện được. Khó lắm, cho nên huynh đệ phải cố gắng.
Chúng ta đừng phiền hà gì hết, cuộc sống ngày hôm nay thế nào cứ vui vẻ thế ấy. Mỗi ngày huynh đệ kiểm lại xem mình làm được gì? Việc gì định làm chúng ta thực hiện được bao nhiêu? Thật sự có khi kiểm lại mình thấy phiền não vô cùng. Thì chỉ biết cố gắng thôi, biết rằng đường còn dài, bao nhiêu sự việc xung quanh không hoàn toàn như ý, chúng ta buông bỏ hết đi để công phu vuông tròn. Đó là điều tiên quyết huynh đệ phải ghi nhớ và thực tập cho bằng được.
Nói cho cùng huynh đệ chúng ta phải cố gắng, bây giờ mình còn nghèo lắm, nỗ lực tu sao nhận cho được gia bảo nhà mình mới hết kiếp cùng tử lang thang. Phật dạy bần khổ đa oán, người nghèo thì lắm phiền não. Một khi tu không được chúng ta dễ thấy buồn lắm. Ăn không ngon cũng buồn, ngủ không được cũng buồn, ban đêm thấy bóng ma cũng buồn, không biết ma này nhát mình hoài không? Lâu lâu nó tới thì không sao, chứ bữa nào cũng tới chắc mình thối lui. Bởi vì nghèo nên ta không bảo vệ được công phu của mình. Chư huynh đệ cố gắng đừng để rơi vào tình huống này.
Người thiếu thốn thường cảm thấy thiệt thòi. Họ làm sao để vùng lên do vậy tạo nhân ác nhiều lắm, nghĩ bậy nói bậy làm bậy. Một khi rơi vào tình huống này, họ có những hành vi ác độc, sau chuốc vô số quả khổ đau. Trái lại, hàng Bồ-tát thường bố thí, buông xả trong lòng. Các ngài không có gò nỗng, không kết lại thành khối thành cặn cho nên oán thân không có cơ sở nào sống được. Bồ-tát trong lòng luôn luôn rỗng rang sáng suốt. Cho nên, Hòa thượng Trúc Lâm dạy người tu thiền phải sống với tâm rỗng rang sáng suốt. Quý vị mới vào thiền viện không bao lâu, nhưng cũng hiểu biết và nhận ra điều này nên trong lòng không dám nuôi dưỡng oán thân, phải không? Nếu cứ giữ ý chí tiến tu như vậy, lâu dần tất cả bình thường an nhiên tự tại, không phải an lạc giải thoát là gì? Đôi khi chúng ta cũng có những phút giây an lạc, nhưng chư huynh đệ chưa nuôi dưỡng, chưa bảo vệ được chỗ ấy. Tuy nhiên cứ cố gắng gầy dựng, đừng ngán đừng nản, dần dần ta sẽ bước được những bước vững vàng hơn.
Công phu ở giai đoạn mới mẻ mà có được những phút giây an lạc là tin vui loé lên trên bước đường tu hành dài lâu. Đã phát huy được thì con đường này không khó khăn gì hết, cuộc sống cũng không còn vấn đề nào lớn lao nữa. Do đó, ở đây nói hàng Bồ-tát “Bất niệm cựu ác, bất tắng ác nhân”, nghĩa là không ghi nhớ những chuyện đã qua, những chuyện tốt xấu. Bây giờ trong lòng rỗng rang, không còn người oán hận, chỉ có người chưa cảm thông hoặc đã cảm thông mà thôi.
Dù hiện tại chúng ta chưa chứng quả vị nào, nhưng nếu gầy dựng được niềm vui trong lòng thì dần dần sẽ có một tỉnh lực, nó quét sạch tất cả những cù cặn trong lòng mình. Mấy hôm nay quý vị dọn dẹp trên điện Phật thấy rõ từ ngày tô vách tường, chúng ta chưa hề lau quét nên bụi bám dầy, bám chắc, quét qua không chịu đi, phải cạo năm lần bảy lượt mới tạm sạch. Cũng vậy tu hành khó khăn buổi ban đầu, tuy nhiên chúng ta lập chí kiên quyết thì nhất định thành tựu thôi. Mỗi vị nên tự khẳng định mình có thể vượt qua khó khăn khi tu tập, cũng như khẳng định được mình có thể lau chùi sạch sẽ tất cả bụi dơ bám vào cửa điện Phật. Người nào quét sạch được thì có chút kinh nghiệm, nếu trong lòng còn chút gì bám víu thì sẽ biết cách quét dọn, tống khứ nó ra ngoài.
Ngoài ra, Hòa thượng Trúc Lâm còn dạy biết các pháp không thật, nó là bụi dơ thì không cần quét gì hết, chỉ làm sao giữ được sự trong sáng không dính nhiễm trong lòng. Đừng xem thường nó là đồ bỏ rồi mặc tình, coi chừng nó xỏ mũi lôi đi không biết đường về, chừng đó than khổ, Phật cũng không cứu được. Cho nên, phải khẳng định trong công phu tu hành, dù bước đầu biết rằng còn nhiều nhiêu khê, dốc ngược đê ngang khó đi lắm nhưng nhất định tiến chứ không lùi.
Ngày xưa khi mới lên Chân Không, ngồi thiền nửa tiếng trở lên là nghe chân cẳng ê ẩm, bao nhiêu chuyện phố thị vấn vương trong lòng nên có lúc buồn buồn. Trong khoảng này tôi thấy đi thấy lại nhiều lần một điềm chiêm bao nên kể cho Hòa thượng nghe. Trên đường núi gồ ghề có một chiếc xe tứ mã, bốn con ngựa kéo mà tôi là một trong bốn con ngựa đó. Chung quanh mấy huynh đệ nhỏ hơn là những con ngựa nhỏ cũng bị máng dây cương, chung một gọng xe cùng chạy cùng đẩy. Đường đá lởm chởm rất khó đi. Khi xe dừng lại thì thấy Sư phụ ngồi ở trên. Tôi kể cho Hòa thượng nghe, ngài cười.
Quý vị biết thời gian đầu toạ thiền từ nửa tiếng tới 45 phút rồi lên một tiếng, chân cẳng huynh đệ chúng tôi sưng hết. Cho nên, giờ ngồi thiền mà Sư phụ kêu làm việc gì đó thì trong bụng giống như mở hội, nhưng có bao giờ Sư phụ nói câu đó đâu. Thấy gần tới giờ ngồi thiền mà còn đi làm việc gì thì Sư phụ nhắc lo đi ngồi thiền. Đầu của mình cứ máng vào cái ách đó, xe đó làm sao chạy cho được, Thầy ngồi ở trên cười hoan hỉ. Thấy mấy con ngựa lớn, ngựa nhỏ cứ kéo cho chiếc xe chạy, Thầy nói mấy chú cũng vậy, cố gắng ngồi một tiếng hoặc hơn một tiếng đồng hồ rồi thì khoẻ. Điềm chiêm bao đó có lẽ hình thành từ sự khổ công tu tập tọa thiền của chúng tôi từ những giây phút ban đầu, muốn thân tâm yên ổn tu tiến, chúng ta phải chịu khó nỗ lực không ngừng.
Trong sinh hoạt tu học có những tập khí, những cù cặn chưa được tháo gỡ, nhờ thầy khéo léo dìu dắt nên dần dần nó cũng mòn bớt. Chúng tôi tập làm chủ những tâm trạng bất an luôn diễn ra trong tâm tư. Giả như buổi chiều mỗi vị được uống một ly sữa, hôm nào hết sữa thì uống bột gạo lứt. Thứ này uống chừng một tháng là thấy sợ rồi, nhưng người ta không cúng sữa mà cúng bột gạo lứt thì mình phải uống. Vọng tưởng ngán bột gạo lứt vừa khởi lên thì Thầy phất thiền trượng một cái, chúng nó đều lặng xuống. Có bột gạo lứt thì uống bột gạo lứt, có sữa thì uống sữa. Khi uống bột gạo lứt mà mơ sữa cũng không thành, khi uống sữa lại mơ bột gạo lứt cũng chẳng được. Đó là gì? Là sống với hiện tiền. Thật sự mình cứ nuôi dưỡng công phu liên tục, nhất định việc tu sẽ tiến.
Mấy hôm nay ngày nào tôi cũng trưởng tịnh, thầy thuốc bảo trọng lượng tóp lại nữa bệnh tật mới hết. Buổi chiều đừng ăn nhiều, đừng ăn đồ lạnh, đồ sống và đừng ăn quá đầy bụng. Chỉ uống nước bột nước cháo là đủ rồi. So với thời xưa nghe nói đức Phật ăn ngày có ba hạt đậu hạt mè, mình cũng hạnh phúc hơn nhiều rồi, không đến nỗi lòi xương. Đời sống vật chất càng thanh đạm thì đời sống tinh thần càng thanh thoát. Chúng ta là đệ tử đức Phật nên theo gương đức Phật tự tập luyện làm chủ thân tâm. Phật dạy người tu phải thiểu dục tri túc, tập trung thời gian cho công phu tọa thiền hoặc học hỏi giáo lý. Như vậy mới có thể chuyển hóa các nghiệp tập xấu từ nhiều đời đến nay.
Có mấy huynh đệ kể lại cuộc đời lúc nhỏ ở vùng quê Quảng Trị. Anh em đi học cấp hai, phải lội bộ từ nhà tới trường trên mười cây số, trong bụng không có củ khoai. Như vậy mà cố gắng học, tự vươn lên để thoát khỏi hoàn cảnh nghèo khó của cha ông. Sống trong hoàn cảnh kham khổ như vậy nên ráng học, nhưng đâu phải ngày nào cũng tới trường được. Có khi đến trễ, dù thầy cô thông cảm cỡ nào, mà cứ trễ hoài cũng bị khiển trách cảnh cáo. Chính những khiển trách cảnh cáo đó trở thành động lực thúc đẩy anh em càng quyết tâm tiến lên trên đường học vấn. Cuộc đời trải qua nhiều gian nan khốn khó quá nên trong lòng cũng ôm nhiều oán hận. Tại sao người ta đủ điều kiện học hành, làm việc còn mình không được. Cũng là người ở Quảng Trị sao mình lại rơi vào tình thế như vầy. Khi ra ngoài tỉnh làm việc rồi, nhìn lại mới thấy sự đau thương của gia đình mình là do thiếu phước thiếu duyên mà ra.
Nhờ học Phật chúng ta hiểu rõ tất cả hoàn cảnh mình phải hứng chịu đều do nhân quả gây ra, nên không có gì oán hận cả. Từ đó ta an lòng với những khó khăn, trưởng thành từ khó khăn, cho nên thấy nghịch duyên là chất liệu sống quý giá của mình. Anh em đốt bỏ tất cả những vọng tưởng không cần thiết thuở nhỏ, nuôi dưỡng pháp sự để vươn lên. Nhờ thế thời gian làm việc mấy năm đó rất tốt. Có được đồng nào anh em tiết kiệm hơn thời đi học, dành dụm về cho bố mẹ, cho mấy đứa cháu đứa em, đứa nào đi học được thì giúp đỡ nó. Từ đó chuyển đổi cả nhà trở thành những Phật tử tốt. Bây giờ anh em có đủ tư cách ngồi lại nói chuyện, đem cuộc đời phấn đấu vươn lên của mình mà khuyến khích chuyển hóa được người thân.
Chúng ta có mặt ở đây, tới lúc hết duyên ra đi còn lại gì? Còn lại phước nghiệp mình đã tạo. Người ta không đề cao người đó có vợ đẹp con ngoan, mà khen anh ta đã phấn đấu để thành tựu cho bản thân và gia đình có truyền thống tốt đẹp. Quê tôi là vùng biên địa rất quê mùa, nghèo khó. Sau năm 1975 cho tới bây giờ, chưa thấy ngôi nhà nào đàng hoàng, cũng không có một chiếc xe có giá trị đi trên vùng đó. Học để thành tài thành danh nào dám mơ, làm việc ích lợi đừng nói cho tổ quốc mà cho địa phương cũng đã khó. Những người không được đi học lớn lên có gia đình con cái lóc nhóc, khi cha mẹ chết đòi chia nhà cửa đất đai, tranh chấp nhau từ những thứ nhỏ nhặt nhất. Mỗi lần về ngồi nói chuyện với mấy đứa em đứa cháu, thấy chẳng có gì thay đổi ngoài cái lối mòn xưa sao nay vậy. Thanh niên thiếu nữ lập gia đình từ tuổi 17, 18 loay hoay chẳng bao lâu chết cạn chết non hết. Nhìn lại tôi trở thành trưởng lão tóc bạc, ngồi nói chuyện quá khứ vị lai với đàn em đàn cháu, chứ người cỡ mình chết hết. Thật là bần khổ đa oán.
Ngày xưa Phật cũng là một chúng sanh như mình, nhưng tại sao ngài tu hành phát huy được trí tuệ, thành tựu đạo quả và truyền dạy Phật pháp cho đến bây giờ hơn 2500 năm. Rõ ràng chúng ta mê lầm rất sâu nặng. Phật giác ngộ triệt để tánh giác nên thành Phật, mình cũng có Phật tánh như vậy mà tới bây giờ vẫn còn đang thế này đây. Ngày xưa Phật độ sanh vô số đến nỗi bây giờ ghi lại một tủ kinh luật mình học hoài không hết. Thời kỳ kiết tập đầu tiên Tôn giả A-nan tụng lại tạng Kinh, ngài Ưu-ba-ly tụng lại tạng Luật. Lần kiết tập thứ hai các tôn giả chứng thánh cũng nhớ lại lời đức Phật mà trùng tuyên cho hội chúng nghe. Đến những lần sau mới ghi thành văn. Về sau ngài Huyền Trang sang Ấn Độ thỉnh kinh thì Phật giáo mới truyền vào miền Đông Á, thành hình kinh bộ Hán tạng và chuyển sang Việt ngữ cho chúng ta học. Phật thuyết pháp biết bao nhiêu lần, kệ của ngài nhiều vô kể, những bài pháp dạy đệ tử xuất gia, tại gia và cả ngoại đạo nữa không thể tính đếm.
Chúng ta là đệ tử Như Lai, khi đọc lại kinh Phật thấy tấm lòng của ngài đối với tất cả chúng sanh, tự nhiên lòng cảm kích phát khởi dũng mãnh, cố gắng tu tập để nhận lại chính mình. Chư huynh đệ còn khỏe mạnh là cơ hội tốt nhất để phát huy hết năng lực tu tập. Quý vị còn trẻ, tâm tư trong sáng thế này mà không chịu cố gắng, tới lúc già yếu muốn cố gắng cũng không kịp nữa. Do đó, chúng ta phải quyết tâm vươn lên, không thể nào thua cuộc.
Tóm lại, bài học hôm nay động viên chúng ta nỗ lực tu hành. Mình còn đang nghèo khó thiếu thốn đạo đức, trí tuệ… Nghèo nhưng không oán hận, vì biết tại lười biếng không dám nhận lại của báu nhà mình nên đành phải làm gã cùng tử. Bao giờ chúng ta dám nhận, dám nói thẳng, dám đương đầu với cái nghèo ấy thì khả dĩ thoát khỏi nó. Có thể nói mình là người bỏ quên của báu, chứ không phải không có. Phật nói chúng sanh có đầy đủ tất cả mà tại vì quên. Sở dĩ thiếu thốn là do mình không dám nhận. Bây giờ tự khắc tự hứa với lòng dám nhận và đối trước Tam bảo, trước các bậc thầy ta quyết tâm tuyên thệ phải nhận được của báu mới thôi. Phải tin chắc chúng ta có trí tuệ có Phật tánh, nếu không có thì mình không tu được. Có nhưng bỏ quên lâu rồi nên nó lẫn lộn tùm lum trong kho.
Bây giờ đem ra chùi rửa cho sáng, nhớ của báu là của mình nên lúc nào cũng sử dụng. Tập quen như vậy thì mình trở thành ông chủ, nhận lại được gia bảo xưa nay.
Giống như trong kinh Pháp Hoa Phật ví dụ chàng cùng tử lúc đầu đâu dám nhận tài sản sự nghiệp của ông trưởng giả. Người cha tìm cách gần gũi với anh, giả làm kẻ nghèo thiếu, lần lần mới kéo được anh về. Khi về rồi cũng không dám cho anh nhìn thấy tài sản giàu có, chỉ dẫn anh đi lòng vòng sau nhà lượm cỏ lượm rác dọn dẹp. Lâu ngày quen dần, trưởng giả khuyến khích khen anh giỏi ráng làm đi, mai mốt ta sẽ cho thêm tiền. Từ đó ông cho thêm cái này cái kia để anh gầy dựng lại sự nghiệp. Khi thấy đến lúc, ông trưởng giả nói thật: “Ngươi là con của ta, tài sản này là của ngươi, nay ta trao hết cho ngươi”. Bấy giờ anh mới dám tin và thoát kiếp cùng tử lang thang đói nghèo.
Chúng ta cũng thế, đang trong hoàn cảnh lang thang chạy ngược chạy xuôi. Có người ngày đêm khuyến khích kêu gọi chúng ta trở về, cố gắng làm rẫy cố gắng quét dọn, cố gắng tu học, dần dần làm quen sẽ nhận được, sẽ nhớ lại ông chủ của mình. Trong mọi sinh hoạt, không nhất thiết là giờ toạ thiền tụng kinh, mà bất cứ lúc nào, khi dâng hoa cúng dường cho Tôn tượng của các bậc thánh, chợt nhận ra bậc đại thánh này từ bi vô lượng vô biên, đứng giữa trời đất mưa gió thế này mà lúc nào vẻ mặt ngài cũng tươi cười. Hình tượng của ngài nhắc nhở chúng sanh hãy nhớ lại việc bổn phận của mình. Từ đó ngộ được mình cũng có tâm từ bi cao cả vô lượng vô biên, trong tất cả các thời khắc ai cũng có thể nhận được của báu nhà mình.
Hôm nào đó quý vị đang ngồi thiền, tự nhiên nhận ra nhân duyên mình gặp được Phật pháp. Quý vị nhớ lại Lục Tổ nói: Đâu ngờ tự tánh vốn thanh tịnh, thì ngày nay chúng ta cũng chợt nhận ra đâu ngờ mình không phải người nghèo khó. Thế là ta vui sống giữa bầu trời thênh thang tịnh thanh. Tôi luôn hy vọng với một chân trời cao đẹp, một nếp sinh hoạt có qui củ, một sức sống an hòa của đại chúng, quý vị sớm nhận ra gia bảo nhà mình. Đây là tấm chân tình của tôi gởi gắm đến tất cả chư huynh đệ, mong đại chúng cố gắng ghi nhận và thực tập cho đến ngày thành tựu viên mãn.
Tin mới
Các tin khác
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 5 - 26/09/2012 14:20
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 4 - 10/09/2012 14:35
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 3 - 16/08/2012 12:21
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 2 - 23/07/2012 14:11
- TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 1 - 03/07/2012 13:15