headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/01/2025 - Ngày 3 Tháng 12 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
Phatdan2024  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TÁM ĐIỀU GIÁC NGỘ BẬC ĐẠI NHÂN - ĐIỀU GIÁC NGỘ SỐ 1

dieugiacngo1

CHÁNH VĂN:

Âm Dịch

弟一 覺 悟
世 間 無 常
國 土 危 脆
四 大 苦 空
五 蔭 無 我
生 滅 變 異
虚 偽 無 主
心 是 惡 源
形 為 罪 藪
如 是 觀 察
漸 籬 生 死

Đệ nhất giác ngộ,
Thế gian vô thường,
Quốc độ nguy thúy,
Tứ đại khổ không,
Ngũ ấm vô ngã,
Sanh diệt biến dị,
Hư ngụy vô chủ,
Tâm thị ác nguyên,
Hình vi tội tẩu,
Như thị quán sát,
Tiệm ly sanh tử.

Giác ngộ thứ nhất,
Thế gian vô thường,
Cõi nước mong manh,
Bốn đại khổ không,
Năm ấm vô ngã,
Sanh diệt biến đổi,
Giả dối không chủ,
Tâm là nguồn ác,
Thân là rừng tội,
Quán sát như thế,
Thoát dần sanh tử.

 

GIẢNG
Phật dạy bậc đại nhân có tám điều giác ngộ. Điều thứ nhất, giác ngộ cuộc đời là vô thường, vũ trụ mênh mông tạm bợ. Gốc của bốn đại vốn không thật, trống rỗng nhưng nếu chúng ta không biết, chấp nó là thật thì sẽ dẫn đến đau khổ. Tập hợp năm ấm là vô ngã, sinh diệt thay đổi không ngừng, không thật và không có chủ thể. Tâm này là cội nguồn phát sinh điều ác, thân này là nơi tích tụ tội lỗi. Người hay quán chiếu được như thế dần dần sẽ thoát khỏi sanh tử.

Tinh thần bài kệ này gần giống bài Tâm Kinh Bát-nhã, Hòa thượng Trúc Lâm đã y cứ theo Tâm kinh để hướng dẫn chúng tôi tu tập khi bắt đầu mở khóa tu học cho các Thiền viện từ Chân Không. Lần đầu tiên vào ngày mùng 8 tháng 4 năm Tân Hợi (1971), lần hai mùng 8 tháng 4 năm Giáp Dần (1974), cho đến năm 1975 khi xuống núi rồi, tinh thần Bát-nhã vẫn trì niệm liên tục. Năm 1993, xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phụng Hoàng, Hòa thượng lại nhắc đến tinh thần Bát-nhã xem như tiêu bảng tu hành chung của Tăng Ni hệ thống các thiền viện do Ngài hướng dẫn.

Trong kinh Bát-nhã nói “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là khi thấy thân này không thật, năm ấm vốn không, liền qua tất cả mọi khổ ách. Trong thân năm uẩn gồm có hai phần: Sắc và Tâm. Về phần sắc có sắc uẩn đại biểu cho vật chất. Trong sắc có bốn thứ, chất cứng là đất, chất ướt là nước, hơi thở là gió, hơi ấm là lửa. Những thứ này Phật nói tạm bợ giả hợp.

Chuyện kể có một người đẹp bị tai nạn, mất đi khúc tay. Người ta lượm lại khúc tay ấy, đem đông lạnh để bảo vệ và sau đó đưa ra cho mọi người xem. Kẻ bị nạn cũng thấy thân phần đó, nhưng bây giờ cảm thấy ghê sợ, không nhận nó là khúc tay của mình nổi. Chúng sanh si mê đều như thế. Hồi xưa khi thân phần còn nguyên, nó đẹp từ màu da, sớ thịt, làn tóc, ánh mắt, v.v... cái gì cũng đẹp hết. Bây giờ bị đứt đoạn nhìn thấy phát khiếp. Có người nhìn xong bụm mặt khóc lên, họ cảm thấy thống khổ vậy đó. Cũng là thân ngũ uẩn, là những thứ người ta yêu thương, đắm đuối, chỉ trong phút chốc trở thành ghét bỏ xa lạ.

Lâu nay chúng ta lầm chấp, giữ gìn, bảo vệ thân này, nhưng sơ ý một chút thôi là nó không còn như mình mơ tưởng. Phần vật chất ngay nơi thân chỉ là một sự giả hợp gắn bó lại với nhau, khi còn trẻ thì nó đẹp, nhưng đến lúc già chết nó rã rời tan hoại, cái đẹp không còn, sức đam mê cũng mất đi. Do vậy chư Phật và các bậc đã giác ngộ nói thân này không bền lâu, chúng sanh không hiểu, không nhận ra nên khổ sở vì nó. Có lần tôi theo Hòa thượng thăm người bị nạn trong nhà thương. Đó là một người đẹp, cô không nghĩ rằng cái chân bị tháo hết một khúc, khi tỉnh lại nhìn xuống thấy chân bị mất một khúc, cô khóc thống thiết suốt cả ngày đêm và không cho bất cứ người nào vào thăm. Đó là thân phần chỉ mới mất mát một khúc thôi, mà đã đau khổ đến ngần ấy.

Đến phần tinh thần thuộc về lãnh đạo của thân năm ấm. Đó là cảm thọ, tưởng tượng, suy nghĩ và phân biệt. Trong cuộc sống này, dù nói gì thì nói chứ làm sao chúng ta không suy nghĩ được. Thiên hạ suy nghĩ đủ thứ hết, ăn cũng suy nghĩ, ngủ cũng suy nghĩ, một lời nói của thầy cũng suy nghĩ, ánh mắt của người bạn cũng suy nghĩ. Bởi nó trùm hết trong sinh hoạt cuộc sống, cho nên chúng ta lầm cho nó là mình. Quả thật hàng ngày đây, khi chúng ta suy nghĩ thì biết mình đang còn có những hiểu biết. Nếu suy nghĩ mất đi thì thấy bất lực, vô dụng, cảm nhận cuộc đời của mình không còn phần hồn. Cho nên sắc, thọ, tưởng, hành, thức hợp lại thành năm thứ gốc mà con người luôn gìn giữ bảo vệ.

Phật nói thân này giả hợp, nhân duyên huyễn hóa không thật. Hàng ngày chúng ta sống đây là một cuộc vay mượn tứ đại bên ngoài để bồi đắp tứ đại bên trong. Sáng mượn một chút, trưa mượn một chút, chiều mượn một chút; rồi phải trả nó ra. Nó ra không được thì không yên ổn, nó bức bách chúng ta khó mà sống được. Tuy thân giả không đáng gì nhưng chúng ta có trách nhiệm phải bảo vệ nó. Bởi chỉ cần gặp một tai nạn đột ngột thì mạng sống bị cắt đứt, chúng ta không biết nương cái gì mà tu hành. Hiểu rõ như vậy, chúng ta không nâng niu, giữ gìn nó nhưng phải ký hợp đồng với nó. Do thấy nó là đồ giả nên không mê muội, ôm giữ, thương yêu và bảo vệ thân này một cách cứng chắc.

Chiều hôm qua trước khi về Thường Chiếu, xe chạy ngang qua đại chúng đang làm việc, trong lòng tôi có suy nghĩ thế này: Quả thật là các vị có sự phát tâm hướng về con đường đạo, hướng về việc tu hành. Do có phát tâm nên mới chấp nhận sự sắp đặt việc làm trong một tập thể như vậy. Trời nắng nóng đáng lẽ được ngồi nghỉ uống nước, ăn bánh ngọt nói chuyện này nọ mà lại vào đây làm những công việc bằng tay chân. Tuy thấy bề ngoài thông thường nhưng nếu làm bằng cái tâm hơ tâm hất thì nhất định sẽ có thương tích. Chẳng hạn như làm củi, trong những khúc cây ngổn ngang bừa bãi đó đã bị đóng biết bao cây đinh. Một cây bằng cườm tay có tới mấy cây đinh, có khi cả một chùm đinh để lâu ngoài trời bị rỉ sét. Bây giờ huynh đệ lượm từng khúc, sắp xếp lại cho gọn, nếu sơ ý sướt vô da chảy máu, nhiễm vào máu những con khuẩn độc uốn ván. Những con khuẩn này vào trong máu rồi thì thân dù năm bảy chục ký cũng chịu cái lực bị uốn cong trở lại, rồi chết.

Nhớ năm tôi ở chùa Linh Sơn - Vũng Tàu, đang sửa lại cái thất để Hòa thượng ra nghỉ, lúc đó có một Thầy ở chùa Tuyền Lâm dáng người không cao nhưng có chiều ngang, đi giảng dạy Phật pháp sơ ý bị kẽm gai sét sướt vào người mà không để ý. Sau một thời gian Thầy bị bệnh uốn ván, thấy nguy kịch mới đưa vô bệnh viện Chợ Quán, nhưng không có thuốc trị. Quý thầy ở Huệ Nghiêm rủ tôi đi thăm. Căn phòng tối thui không có giường nằm, Thầy phải nằm dưới đất ẩm thấp, dơ dáy. Khi cơn bệnh hoành hành người Thầy cong lên không đè xuống được, sau một thời gian ngắn Thầy đó chết. Cho nên thấy các huynh đệ cầm mấy khúc cây có đinh sét tôi rất ngại. Kể chuyện này để khi làm việc chư huynh đệ nhớ cẩn thận, rủi ro mấy con khuẩn độc đó bò vô mạch máu của mình thì khó chịu lắm. Quý vị thương mình nên để ý một chút để tránh đi những điều không tốt có thể xảy ra.

Riêng phần tinh thần như cảm thọ, tư tưởng, suy nghĩ, phân biệt cũng cần thiết vô cùng. Bây giờ có một người đầy đặn, thay vì người ta cao một thước sáu vừa người vừa guốc thì người này cao thước tám, dáng đẹp. Người phương Tây cao thước bảy thước tám, người phương Đông như chúng ta cao một thước sáu mươi lăm, người châu Á cao thước rưỡi thước sáu, có những người thấp hơn, chừng thước tư vừa người vừa dép... Tuy nhiên, bất cứ người nào, sinh ra trong gia đình, dòng tộc có học hay không học, cao quý hay hạ tiện gì, nếu thiếu phần tinh thần thì xem như không ổn. Cho nên hợp đồng này rất cần thiết.

Mấy năm trước đây tại vùng Long Thành, có một người con gái cao lớn, thiên hạ khen đẹp, nhưng không biết tại sao cô cởi hết quần áo đi lang thang dọc bên đường từ Long Thành tới Thường Chiếu, rồi đi trở lại. Do học giáo lý Phật pháp, khi nhìn một người như vậy chúng ta biết trong bốn phần căn bản đó, họ thiếu một hai phần, nhưng họ không biết nên làm những điều không giống thiên hạ. Nhìn mình họ còn cười nói mấy ông mấy bà mới là điên. Do phần tinh thần trống thiếu, không đầy đủ pháp nhân pháp lý để hoàn chỉnh một con người có hiểu biết, trí nhớ, khôn ngoan như bao người bình thường. Một hợp đồng tạm mà thiếu điều kiện thì con người cũng không hoàn chỉnh. Và không biết tất cả mọi người trên thế giới này, có ai biết là mình đang ký một hợp đồng tạm như thế không?

Có người nói “Trời ơi! Nếu biết chui vô gia đình như thế này, thì nhất định hồi đó tôi không bao giờ ký một hợp đồng làm gì”. Nhưng trời xui đất khiến mình ký hồi nào có biết đâu, bây giờ mở mắt thấy sờ sờ ra đó. Tuy nhiên, trong thân phận con người, chúng ta tìm thấy được những lời Phật dạy rồi áp dụng để bổ sung vào khoảng thiếu thốn này. Vì vậy trong cuộc sống dù hoàn cảnh có thế nào đi chăng nữa, chúng ta cũng phải nhận cho ra cái chân thật ngoài hợp đồng giả tạm này. Như trong bài kệ Phật dạy thân này giòn bở, không bảo đảm, giả dối, không thể tồn tại nên chúng ta đừng đắm lụy nó. Chỉ khi áp dụng lời Phật dạy, chúng ta mới thấy rõ và giải quyết được hợp đồng này. Một người con Phật thật sự tự tại hay đã nhận ra chủ nhân ông của chính mình thì có thể ký tiếp thêm một vài hợp đồng hay cắt đứt ngang đây, đều nương nơi pháp Phật mới dám làm chuyện đó.

Khi chúng ta thật sống được với cái thấy biết chân thật, thì giải quyết những hợp đồng đã ký từ hồi nào vẫn thấy vui, thấy an thường. Hồi xưa, tôi là tăng sinh phố thị chạy lung tung, lang tang đến khi theo Thầy lên núi tu, bị bó giò khống chế không cho đi đâu, nhìn lại mới thấy quá chừng vọng động. Trong thời gian ở Chân Không, đáng lẽ Hòa thượng cho chư tăng cắt đứt tất cả duyên bên ngoài. Nhưng vì lòng từ bi đối với các vị mới gia nhập nên ngoài cổng treo một cái chuông, nối một đoạn dây từ trụ cổng qua góc ngoài nhà khách. Từ cổng Chân Không đi xuống dốc là Dương Chi Am, chéo góc nhà khách khoảng chừng mười thước là cả một quần thể đá gồ ghề lởm chởm. Những ngày đầu lên Chân Không, tôi với hai huynh đệ sáng chiều nào cũng đều phát tâm lấy xà ben, búa ra đào xới, cạy bớt những cục đá gồ ghề trên đường vào cổng. Những vị vào đợt sau không hề biết rằng cổng Chân Không ngày xưa toàn đá lởm chởm gồ ghề. Huynh đệ chúng tôi đã có một thời gian hết sức vất vả để sửa cho bằng phẳng các lối đi trong viện.

Khách lên Chân Không phải leo dốc, lên đến cổng thì rất mệt nên dừng lại, một tay giật chuông, một tay vịn cổng. Người trong nhà khách nghe dòm xuống, thấy có người mới ra mở cổng. Hoà thượng từ bi cho phép những người thân như cha mẹ, anh chị em, bạn đạo, đệ tử có thể lên thăm các thiền sinh đang dự khóa tu ở Chân Không. Từ chỗ cổng treo chuông đến nhà khách băng qua một đoạn bằng phẳng, rồi tới Pháp Lạc thất. Sau đó xuống nhà bếp, lên đồi Tự Tại, đến Thiền đường là một khoảng dốc đầy đá. Mấy năm trên đó huynh đệ chúng tôi luôn san bằng lối đi.

Hòa thượng ra huấn thị: Quy chế trong viện ai thăm thiền tăng cũng được, nhưng chỉ tiếp ở bàn đá nhà khách 15 phút thôi. Thầy Tri Khách ngồi kế bên để cái đồng hồ, đúng 15 phút Thầy nói hết giờ. Nếu làm biếng nói thì để đồng hồ ré lên, thiền sinh phải biết đứng lên chào người thân của mình. Một khi đã đứng dậy rồi đi không ngó lại, bước lên đồi Tự Tại thẳng tới Thiền đường, qua một khoảng đất bằng đến Tăng đường.

Huấn thị của Hòa thượng tuy giản dị nhưng các huynh đệ có mặt trong giai đoạn đó cho tới bây giờ có khi làm không được. Từ lúc xuống núi chúng tôi không áp dụng được điều luật này nên vướng mắc đủ chuyện, vì vậy việc tu tập thiền định bị mất mát, yếu kém đi nhiều.

Ở đây không áp dụng điều luật nghiêm khắc như thế, nhưng cũng mong chư huynh đệ cố gắng, tu hành cho nghiêm chỉnh để không bị sa sút công phu và đạo tâm của mình. Công phu và đạo tâm một khi đã sa sút thì chính chúng ta bị thiệt thòi vì không thể tu tiến, Thầy tổ và người thân cũng thất vọng và buồn lòng. Huynh đệ phát tâm tu cũng có nghĩa là phát tâm tuân thủ một đời sống quy củ, ngược với dòng đời. Đời sống của những người tu đạo, không chạy theo thế tình và ngoại cảnh bên ngoài. Điều này ban đầu thấy rất khó, nhưng nếu chúng ta thực hành được rồi, quen rồi sẽ thấy đó là nguồn vui, là niềm hạnh phúc lớn lao mà cuộc sống ngoài thế gian khó có thể bì được.

Tôi nhớ lại hồi xưa lúc ở Phật học viện Phước Hòa, Hòa thượng có nêu một tội danh chung cho những ai một mình thơ thẩn nơi vắng vẻ, đó là “Đứng quanh chùa ngó mong”. Thầy bất thần thấy ai đứng góc này hoặc góc kia ngó mong ra ngoài đường hoặc nhìn ngắm vớ vẩn là chết. Tiểu thực sáng hôm sau phải tác bạch quỳ hương khoảng nửa giờ hoặc 45 phút, quỳ buổi trưa thì dài hơn. Quỳ như vậy dễ xuống tinh thần do quý thầy không cảm thông được luật lệ, không biết đó là lỗi gì. Đó là tội được ghi trong những điều phụ ở Thanh Quy, phát xuất từ tâm lo lắng của các vị có trách nhiệm, già dặn trong kinh nghiệm tu học và hướng dẫn Tăng Ni. Cũng như chuyện giã từ khách ở Chân Không, đứng lên phải đi thẳng. Nếu còn quay lại nói quên cái gì hoặc đưa cái gì là chết. Có thầy đã bị phạt, bị quở vì lên núi rồi mà còn quay lại, bởi trong lòng vẫn còn lưu luyến, chưa dứt khoát với chuyện trần gian. Cho nên Hòa thượng vì lòng từ bi mà ra các điều lệ nghiêm khắc nhằm giữ gìn đạo nghiệp cho Tăng Ni. Chúng ta mỗi người phải tự biết thương mình thì việc tu mới tiến.

Khi nhận định được những nhân duyên hình thành nên hợp đồng đã ký và những hợp đồng dài dài kế tiếp, tôi thấy rõ mình là chủ nhân ông, có thể quyết định cho cuộc đời của mình. Do vậy, chúng ta phải biết thương mình để chuẩn bị bảo vệ những hợp đồng kế tiếp. Giống như học sinh đi học từ lớp 1 cho đến lớp 5, giai đoạn này đi học để biết đọc, biết viết chữ, cha mẹ cho đi học đến trường có bạn bè vui vui vậy thôi, chứ chưa hiểu rõ mục đích sâu xa của việc đi học. Từ lớp 6 cho tới lớp 9 có khi chúng ta cũng biết là phải học, để trở thành người có tương lai tốt đẹp sau này. Đến khi chứng minh được những bài toán, những hàm số ở lớp 12 mới thấm thía thấy rõ cuộc đời này mọi thứ đều quyết định vào sự học của mình. Khi chúng ta ý thức trong cuộc sống mà thiếu học vấn thì đau thương lắm.

Trong thời chiến tranh tôi đang đi chơi với một đám bạn, thì có một đoàn quân đủ thứ binh chủng kêu mình lại hỏi giấy tờ, rồi bắt mình lên xe đưa về quân vụ thị trấn. Người nào cũng bị bắt, xấu đẹp, lùn cao… đang đi học hay đi chơi lông nhông đều bắt về để đó. Họ mở một chiến dịch trong một tuần lễ thì lượm đầy cả hội trường, cả một nhà dài. Rồi họ bắt loa lên nói đủ thứ chuyện, cho mọi người ngồi đó chờ. Họ hỏi từng người, anh nào có bằng Tú tài I đứng ra một bên, anh nào có bằng Tú tài II đứng qua một bên, còn ai không có bằng Tú tài thì ngồi một lô.

Hai hình ảnh khác nhau một trời một vực, lúc đó mới thấy giá trị của những năm miệt mài từ lớp 10 cho tới lớp 12. Chia xong thì có xe đem lại và họ kêu tên để lên xe. Khi tôi nghe tên thấy cũng ngộ nữa, những người có bằng lớp 11, 12 kêu tên toàn những tên đẹp nào là Vũ Hoàng Anh Tuấn, Thái Công Minh, Thanh Đạo Minh v.v… còn mấy ông ngồi một lô không có học toàn là Nguyễn Văn Cây, Phạm Văn Cuốc... Điều này tại sao? Từ trong hợp đồng nhân duyên mình ký hồi nào không biết mà bây giờ lọt vô hoàn cảnh này. Nhìn thân phận, ánh mắt của những người đó chúng ta cảm thấy xót thương, nhưng hợp đồng đã như vậy rồi không làm sao được, đành thôi.

Những người có bằng Tú tài được xe đến chở đến một nơi có nhà nghỉ, phòng ăn phục vụ đàng hoàng, sau đó được đưa về quân trường huấn luyện. Người nào có bằng Tú tài I thì đưa về huấn luyện ở Thủ Đức. Người nào có bằng Tú tài II, người nào cao 1m65, đúng chuẩn được đưa đi Đà Lạt. Người nào có bằng lớp 9 thì lên xe về trường huấn luyện Đồng Đế. Những người còn lại cũng lên xe nhưng kéo về quân trường làm lính. Cho nên thanh niên trong cùng một lứa tuổi đều có những cảm nhận thấm thía đau khổ của kiếp bụi đời. Dù có học hay không học, dù được đến Đà Lạt hay làm lính quân trường, ai cũng cảm nhận mình đang đi đến chỗ chết. Đằng nào cũng chết, chỗ chiến tranh giằng co bắn giết nhau, dù là lãnh đạo cũng phải thí mạng cho hợp đồng không có bảo vệ.

Từ chuyện đời thường, chúng ta thấy sự sống và bao nhiêu nhân duyên chung quanh, nó đẩy mình tới để rồi cuối cùng có những quyết định ngoài sự mong muốn. Tuy nhiên, đạo Phật đã mở ra con đường và hướng dẫn cho nhân sinh là phải biết thương mình, phải làm chủ những hợp đồng mai sau. Thiền là một pháp môn, có thể nói là duy nhất trong đạo Phật dạy cho chúng ta phải làm chủ lấy mình và luôn biết tất cả những sự kiện, hiện tượng, những vấn đề chung quanh con người, đời sống này đều là không thật. Và cái Biết không thật này là gì? Đó là tâm tuệ, là trí tuệ Bát-nhã mà hàng đêm huynh đệ chúng ta đọc tụng và phải sử dụng xuyên suốt trong cuộc đời tu tập.

Chính nó là lời nói đầu tiên của Hòa thượng Trúc Lâm khi thành lập các thiền viện. Ngài nói mỗi người chúng ta phải có đầy đủ trí tuệ, nhận lại ông chủ của mình, dứt khoát gầy dựng một cuộc sống an vui tỉnh thức. Trong đây những người đi trước vận dụng kinh nghiệm để hướng dẫn cho chúng ta, từng bước đi dáng đứng. Có khi chúng ta mặc cái áo xếp không ngay, hoặc vừa đi vừa cài nút áo, người khác thấy chỉ cho mình mặc áo ngay ngắn rồi hãy đi hoặc bước đi phải ngay thẳng. Khi ăn dạy nâng từng chén cơm, đôi đũa, múc thức ăn, nhai thức ăn ra sao, luôn được sự chỉ dẫn. Tất cả sự chỉ dẫn đều xoay về để chỉ cho chúng ta làm chủ được tất cả những thứ này. Bởi vì sao? Vì đến một lúc nào có sự cố xảy ra trong cuộc đời, chúng ta sẽ không bị hụt hẫng. Có khi bất giác ngay lúc nhai cơm, nhai nhanh quá nuốt vô không được, nó mắc nghẹn thì chết ngủm, quả thật cơm giết chết mình. Có người bưng cái bát đi sơ ý vấp té, cái bát bể thành những miểng nhọn đâm vào mình chảy máu đau nhức. Đó là đối tác tai họa, nhưng chung quy cũng do ta bất giác, không chánh niệm.

Do vậy, những vị có trách nhiệm hướng dẫn chỉ dạy cho chúng ta biết bảo vệ sự tỉnh giác từ hơi thở cho đến từng bước đi. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được cuộc đời tu tập với tâm nguyện cao sáng tuyệt vời, là tu chừng nào thành Phật mới vừa lòng. Khi nói đến chuyện tâm đức, tôi cũng nghĩ rằng mình có nhân duyên, có tâm đức gì đó nên sống trong điều kiện vắng vẻ thế này, ma quái chung quanh cũng không làm gì cho ta sợ. Vì vậy huynh đệ vững niềm tin tu sống cho tốt. Chúng ta phát tâm tu hành nếu thiếu điều kiện để phát huy đạo tâm thì con đường tu cũng khó thành tựu. Do vậy chúng ta tự nhắc nhở tu hành là phải phát tâm dũng mãnh, cầu thành Phật chứ không cầu gì khác. Tôi đề nghị với chư huynh đệ, khi nào chúng ta bị những vui buồn chi phối thì liền nhớ lại chí nguyện phát tâm cầu thành Phật. Nên tự hỏi mình thành Phật chưa, nếu chưa thành Phật thì phải phát tâm nuôi dưỡng chí cầu thành Phật. Chính chí nguyện này hỗ trợ cho chúng ta vượt qua tất cả mọi khó khăn. Bản thân tôi gặp những khó khăn nhưng xét tận cùng nó không là vấn đề gì hết. Tuy nhiên, muốn khắc phục, vượt qua những thứ đó quả thật là khó khăn vô cùng, không phải dễ.

Hòa thượng Thiền Tâm có kể một câu chuyện, nghe xong tôi thấy đắn đo, bất an suốt một thời gian dài. Có người bất thần bị mất đi sự sống, tự nhiên thấy sấm sét, mưa bão, thú dữ gầm thét, bao nhiêu thứ nó chụp tới làm cho người ấy hãi hùng khiếp sợ. Họ đã chạy giữa đêm đen mịt mùng đầy sấm chớp rất hãi hùng, bất thần thấy một lùm bụi họ liền chui vào núp cho bớt sợ. Nhưng khi vừa chui vào trong lùm bụi mở mắt ra thấy mình đã mang lông đội sừng. Sinh tử nhanh như vậy đó, vì vậy chúng ta phải tu tập làm sao để đừng rơi vào tình huống ấy. Bấy giờ không có thầy tổ, huynh đệ, cũng không có ai ở bên chúng ta cả, toàn là sấm sét, mưa bão, thú dữ, cọp beo gầm gừ ghê gớm.

Chúng ta phải làm chủ được mình trong mọi sinh hoạt thường ngày, từ oai nghi cử chỉ, trong từng tâm niệm phải có sự tự chủ để bất ngờ gặp biến cố không hoảng loạn. Có người chưa nhắm mắt đã thấy Phật, Bồ-tát đem tràng phan bảo cái đến đón, có người chưa tắt thở đã trợn con mắt thấy đầu trâu mặt ngựa quỷ sứ tới tóm đi. Tất cả những điều này là từ sự chuẩn bị tu tập của mỗi người tốt hay không tốt. Hiện thời chúng ta đang ở trong điều kiện tốt nhất, sắc uẩn và tâm thức đều hội đủ một con người hoàn chỉnh, cộng với nếp sống an nhiên tự tại trong sinh hoạt tu tập, từng bước theo hành trình của các bậc Thánh, chúng ta đi vào sự an lạc. Do đó, mỗi huynh đệ phải cố gắng, đừng bao giờ đánh mất sự an vui hiện tiền.

Chúng ta dễ đánh mất chính mình do chẳng biết thương mình, nên bị duyên sự hoàn cảnh trói buộc. Có anh học trò nọ tan trường không về nhà liền, mà đi chơi nên về trễ và đói bụng. Về nhà cha mẹ đi làm lụng cực khổ, chưa kịp nấu cơm nên anh em ngồi ăn cơm nguội, chia sớt với nhau vui vẻ. Về tới thấy cảnh cơm nguội như vậy anh bực bội la hét, ném chén, quăng tô rồi đi nằm ngủ. Trong chiêm bao anh thấy có con quỷ ba sừng, mỗi sừng có một con mắt sáng. Nó nói:

- Bữa nay tao sẽ đâm mày cho đến chết.

Anh la lên:

- Trời ơi, tôi mắc tội gì mà bị đâm chết?

- Mày hung dữ lắm, đi chơi về còn phá nhà nên tao đâm mày cho chết.

- Ui da!

Đang ngủ anh bật dậy la hét đau đớn rồi đâm đầu chạy. Người nhà đuổi theo bắt giữ tưởng là bị mộng du. Khi giữ được anh rồi, mới hỏi tại sao kỳ vậy, lúc đó anh sụp lạy ba mẹ, nói con có lỗi, con biết lỗi rồi. Hồi nãy do đói bụng con giận ba mẹ, giận cả nhà nên đập chén tô la hét um sùm v.v… Trong giấc ngủ con thấy quỷ sứ ba sừng đâm ngay tim con, con chạy đi đâu cũng không thoát khỏi nó. Bây giờ tỉnh lại, con ân hận vô cùng về việc đã làm, xin ba mẹ và cả nhà tha thứ cho. Mỗi người có những nhân duyên không ai giống ai, nhưng nhờ vậy mà con người tỉnh ngộ. Chúng ta có ai thấy quỷ ba sừng chưa? Mỗi sừng có một con mắt trên đầu nghe sợ quá. Phần lớn chúng ta là những con người hiếu thảo trong gia đình, lớn lên đi học. Bây giờ được đến chùa nghe Phật pháp rồi phát tâm hướng về con đường đạo để tu học, không gặp những vấn đề xấu như anh chàng trong câu chuyện trên. Như vậy tu nhân tốt sẽ được kết quả tốt.

Chư huynh đệ đầy đủ duyên lành, đang sống và tu tập ở thời điểm thuận lợi tốt đẹp, được sự hướng dẫn bảo vệ của những người đi trước dày dạn kinh nghiệm sống. Hồi đó, tôi theo Thầy về núi tu nên được bảo vệ. Đến lúc Thầy dạy xuống Thường Chiếu làm Trụ trì, đâu có bảo xuống đó làm rẫy làm ruộng. Thế nhưng khi đã xuống Thường Chiếu rồi thì phải làm rẫy làm ruộng để có ăn. Lúc đó cũng không dám giận Thầy đâu, bởi vì Thầy nói giai đoạn này mấy chú phải cạp đất mà ăn. Nghe lời Thầy, chúng tôi cạp đất từ thời nắng gió cỏ gai mịt trời, bây giờ thành ra điện đường nhà cửa, tạo dựng già-lam trang nghiêm. Khi chúng ta phát huy được tâm thiện tốt đẹp, thì nhất định đời đời không bị nắng gió cỏ gai sấm chớp ma quái làm gì được hết. Vì một người đã dám cạp đất mà sống, nên được bảo vệ và đi tới chỗ nào có đất tốt để sống. Quả nhiên, khi đã sáng việc lớn, được nuôi dưỡng phát huy chỗ sống của mình thì không có gì bức hại chúng ta được.

Bây giờ tự dưng người ta nói không nên ăn bột ngọt, vì nó làm hư não. Nhớ lại những thập niên 60, lúc ở đại học Vạn Hạnh anh em sinh viên nào cũng có cái ống thuốc nhỏ chữ V hay chữ U, trong đó để bột ngọt cất vào túi, lâu lâu đói bụng lấy ra ăn. Ngày trước người ta nói bột ngọt bổ óc, nên thời chiến tranh bột ngọt được dùng để rịt vào những vết thương của nạn nhân. Tự dưng bây giờ bột ngọt là độc tố làm bại não, hồi đó ăn bột ngọt nhiều bao nhiêu, bây giờ lại sợ bấy nhiêu. Tôi không biết lý do vì sao, nhưng trong thời điểm này như vậy đó. Bột ngọt có thể trở thành độc thì các thứ khác cũng có thể trở thành độc.

Điều đó nói cho chúng ta biết, qua một giai đoạn nào đó, thân này không còn an toàn nữa, nó sẽ bệnh tật xấu xí và tan hoại. Như mấy ông cụ ở Lâm Viên, người ta kêu gọi có chương trình mổ mắt liền đăng ký mổ. Hai con mắt còn tốt đi khỏi cần gậy, mổ về hỏng mất một con. Đâu phải như vậy thôi, con này hư nó rủ con kia hư theo. Khám một hai lần nữa cả hai con mở thao láo mà không thấy gì. Vô thường trong nhà Phật dạy là như thế.

Trong giai đoạn này, bốn đại còn nhân duyên hòa hợp, đến lúc nào đó gay cấn nó cắn nhau thì thôi chia tay. Vì chúng ta biết nó là những con rắn độc được nuôi chung ở trong một cái lồng. Hòa thượng Trúc Lâm nói đó là rắn hổ lửa, hổ đất, rắn nước, rắn hổ mây sống chung trong một cái lồng nên chúng cắn xé nhau hoài. Tôi nghĩ bao giờ huynh đệ nhận thức được điều này, thì chúng ta đã bước lên tòa sen của Phật ngồi. Kết thúc bài kệ nói nếu chúng ta luôn quán sát thân tâm vô thường, tất cả không thật để không đắm luyến thì dần dần được thoát ly sinh tử, tức là không còn bị khống chế bởi những hợp đồng nhân duyên giả tạm. Thoát ra được đây là một cách nói, khi chúng ta làm chủ được bản thân, làm chủ được hợp đồng thì sẽ nhận ra lời Phật dạy. Phật nói thân không thật, tinh thần gọi là tâm cũng không thật, thế gian mong manh, giả dối và hướng cho chúng ta biết rằng, người nào luôn nhớ và hành trì như vậy, lần lần sẽ thoát ly khỏi sinh tử.

Phật nói tứ đại khổ không, nhưng chúng ta có thấy là khổ, là không chăng? Có những người khi gặp khổ khóc bù lu bù loa đòi chết cho rồi, thà làm một nhúm tro còn hơn. Vậy mà thần chết xuất hiện thì khổ sở vô cùng, muốn tìm đường thoát khỏi tử thần. Đó là vì chưa làm chủ lấy mình. Bây giờ dù muốn hay không muốn chết, vô thường vẫn cứ sấn tới, cuối cùng tất cả đều như nhau, cát bụi trở về cát bụi. Ngũ ấm không có chủ thể cố định, nên không ai có thể lưu giữ nó mãi được.

Đạo Phật muốn chúng sanh vào Niết-bàn, đạo Chúa muốn lên thiên đường. Đâu ai muốn chúng ta đi xuống trần gian vào chợ vào búa làm gì, nhưng đâu có được. Bởi không có sức làm chủ nên đi ra ngoài đường, gặp ai người rủ đi xuống mình đi xuống, rủ đi lên mình đi lên, rủ đi đâu cũng đi. Con người do không thắng được sức mạnh của nghiệp lực nên bị nó dẫn đi. Như đức Thế Tôn sau khi thành đạo, vua Tịnh Phạn cho người đến cầu thỉnh ngài về thăm. Bao nhiêu người đi thỉnh Phật đều xuất gia tu hết, không ai làm tròn lời hứa với nhà vua. Cuối cùng vua phái một người hồi xưa là bạn thân lúc Phật còn là thái tử, vị này đến chỗ Phật ngự cũng không muốn quay về. Ông cũng xin xuất gia, nhưng trước đó thỉnh Thế Tôn về thành Ca-tỳ-la-vệ để vua Tịnh Phạn và hoàng tộc thăm viếng. Thế là đức Thế Tôn nhận lời, trở về thăm quê hương.

Bấy giờ La-hầu-la, A-nan cùng một số vương tôn công tử đều xuất gia, chỉ còn lại Ma-ha-nam cũng tu nhưng mang hình thức cư sĩ. Ma-ha-nam thấy tu kiểu này không biết mai mốt chết sẽ đi về đâu nên thưa hỏi Thế Tôn. Đức Phật chỉ cái cây nói “Ông nhìn nhánh cây lớn của nó ngã về hướng nào thì khi gió thổi mạnh thân cây sẽ đổ về hướng đó. Cũng vậy, trong lòng ông nhớ nghĩ Phật pháp, nhớ nghĩ Tam bảo thì khi chết ông sẽ hướng tâm về Tam bảo. Trái lại nếu ông chỉ nhớ giang sơn đất nước, chỉ nhớ quyền lực thì ông sẽ đi theo con đường của vua chúa và quyền lực, tạo nghiệp thế gian.”
Một khi con người không làm chủ được thân tâm sẽ bị dẫn bởi nghiệp lực. Nghiệp là gì? Nghiệp là một năng lực, thói quen của con người xuất phát từ thân khẩu ý. Nghiệp lực có một sức mạnh lôi dẫn chúng sanh. Ai thích làm thơ thì bị nghiệp thi sĩ dẫn, người ham mua bán thì bị nghiệp kinh doanh dẫn v.v… ai hướng về cái gì nhiều thì cái đó dẫn. Vì vậy, đạo Phật chủ trương tu là chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp nghĩa là nghiệp này bị chuyển lui đi. Tuy nhiên, chúng ta phải có công phu mới chuyển được. Tu tập vững mạnh lên mới chuyển nổi, người tu tập sơ sơ còn nhớ nhà, nhớ ăn ngon, ngủ kỹ thì chuyển không được nghiệp. Chuyển không được thì bị nó dẫn đi trong sanh tử. Phật đã nói rõ trong bài kệ tâm là nguồn ác, thân là rừng tội, do đó lúc nào chúng ta cũng phải tỉnh giác, quán sát biết rõ bản chất thân tâm vô thường để thoát ly sanh tử.

Thoát ly đây là làm chủ được chính mình tức ra khỏi mọi ràng buộc của nghiệp lực. Như có ai đem xe đến bảo chúng ta lên xe đi, nếu làm chủ được là không đi. Nghĩa thoát ly của người tu thiền là vậy. Làm sao chúng ta có được chủ lực, có sức mạnh từ cái tâm của mình thì mới làm chủ được tất cả. Mấy huynh đệ thích ăn ngon đi ngang mấy tiệm ăn lớn dễ bị hấp dẫn bởi mùi vị trong tiệm bốc lên. Nếu đạo lực không vững bị mùi đó dẫn, phải ghé vào ăn, tức là bị nghiệp dẫn.

Ngày xưa Hòa thượng dạy mấy chú phải tu phải hiểu đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, chữ bì lao là nhọc nhằn vất vả. Đời sống con người đâu có gì sung sướng, sinh ra cha mẹ phải nuôi dưỡng nhọc nhằn cực khổ, rồi phải đi học từ hồi bé tí tẹo, cô giáo phải cầm tay viết. Viết chữ O mà viết xéo xẹo, chữ B rồi chữ O, từ đó ghép lại thành chữ bê o bo huyền bò. Đến giai đoạn phổ thông thấy mình cũng còn dốt nữa, biểu mình gắn cái đèn như vậy mình gắn được, mua về tự gắn nhưng đâu có rành về điện lý điện giải, điện kế như thế nào, gắn tầm bậy mở ra nó nổ cái bốp. Vì vậy nên có nhiều ngành nhiều khoa nhiều trường nhiều lớp… Chúng ta thấy nội cái việc học không cũng đủ mệt. Việc tu lại càng khó hơn, nếu không có tâm chí thiết cần cầu thì không thể thành tựu được tâm nguyện tu hành.

Tóm lại, trong công phu tu hành nếu chúng ta cố gắng, phấn đấu chấp nhận kiên nhẫn yên sống thì niềm vui sẽ đến. Từ niềm vui đó nỗ lực công phu đến một giai đoạn chúng ta vượt qua khó khăn gọi là tiệm ly. Tiệm là lần lần, ly là lìa thoát, lần lần sẽ được lìa thoát. Một lần chúng ta làm chủ được thì lần sau sẽ có năng lực làm chủ tiếp tục. Nếu lần đầu chúng ta không làm chủ được, lần sau phải cố gắng hơn, không nên bỏ cuộc. Tâm niệm phát nguyện ban đầu rất mạnh, chúng ta phải quyết chí thì mới có thể vượt qua những chặng đường kế tiếp. Chúng ta có phúc duyên nhiều đời mới gặp nhau trong chánh pháp, nên cố gắng giữ gìn và phát huy chủng Phật của mình, đừng vì lý do gì mà lui sụt.

[ Quay lại ]