HẰNG SỐNG VỚI TRÍ TUỆ CHÂN THẬT
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 03 Tháng tư 2012 14:21
Phật tử sau khi nhận hiểu Phật pháp, mỗi ngày phải hằng sống với đạo lý mình đã học đã hiểu. Đó là chỗ thiết yếu. Cho nên đề tài buổi nói chuyện hôm nah là Hằng sống với trí tuệ chân thật.
Từ lâu Phật tử đã hiểu thân và tâm là gì rồi. Chúng ta đang sống, đang sử dụng thân tâm như thế nào, mỗi người phải tự biết rõ mới có thể điều động nó được. Trước nhất nói về thân. Chúng ta phải đeo mang thường trực cái thân, mất rất nhiều thì giờ vì nó. Cũng bởi thân này chúng ta tạo thêm những nghiệp nhân để rồi từ đó vướng mắc mãi trong vòng lẩn quẩn. Cho nên đối với thân, Phật dạy phải sắp xếp thế nào phù hợp với đời sống đạo. Người tu trong đời sống hằng ngày, cố gắng nhiếp phục được những phiền não.
Nói đến thân tâm là nói đến những gì bất an bất ổn, từ chuyên môn gọi là phiền não. Người tu phải nhiếp phục phiền não. Phiền não ai cũng có đầy ắp. Những bất an, bất ổn, không như ý, bực bội luôn luôn dấy khởi trong lòng chúng ta. Nghiệm lại cái vừa lòng thích ý, thoải mái không nhiều, còn những gì không như ý, bực bội, bức xúc rất nhiều. Nó không tha bất cứ ai, hạng người nào, lớn tuổi nhỏ tuổi, sang hèn, có địa vị, không địa vị … ở đâu nó cũng đeo đẳng tấn công. Chỉ có người tu biết được nó, điểm trán nó, làm chủ nó mới không bị tấn công. Cho nên người biết tu là người nhiếp phục phiền não. Nhiếp phục bằng cách nào? Nhiếp phục bằng cách phải làm chủ. Đối với những nó, ta biết không thật, không bị động, không vì những nó mà làm mất đi những phút giây bình thường an ổn thoải mái. Đây là một pháp tu giản dị, mà có kết quả không ngờ được. Nhiều người cho rằng phải tụng thật nhiều kinh, trì thật nhiều thần chú, lạy Phật rất nhiều, cúng kính linh đình… mới được an ổn. Không phải vậy. Lạy Phật nhiều mà ấm ức bên trong thì bất an bất ổn vẫn sờ sờ ra đó. Tụng kinh nhiều đôi khi cảm thấy mệt nhoài. Tụng hoài không thành Phật mà cũng không sắp đặt được gì, bất an bất ổn vẫn hiện diện như thường. Các thiền sư bằng thiền định chắc thật sâu dày, các ngài tỉnh táo sáng suốt, làm chủ thân tâm nên luôn được an ổn. Nếu ta làm chủ được những dấy niệm chợt khởi chợt diệt, những lăng xăng thuộc về thân tâm của mình, nhất định cũng sẽ được an ổn. Pháp tu này hết sức bình thường giản dị. Vì quá bình thường nên chúng ta dễ xem thường, không ứng dụng tu. Chính trong từng sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống, chúng ta làm chủ được, không bị những cái bên ngoài kéo lôi thì yên thôi. Muốn thực hiện được như vậy trước hết phải bắt đầu từ giới hạnh. Giới hạnh là gì? Như quý Phật tử quy y Tam Bảo, phát nguyện thọ trì năm giới. Đã thọ giới thì phải giữ giới mới có giới hạnh. Không phải chúng ta quy y, thọ giới tự nhiên có giới hạnh. Giới hạnh là từ hứa nguyện gìn giữ thực hành mà có. Vì vậy giới hạnh đối với người tu không thể thiếu. Có giới hạnh chúng ta yên lòng sống trong vị trí bình thường của người tỉnh giác. Từ đó ta làm chủ, không bị động bởi những cảnh duyên bên ngoài nên sẽ được an lạc. Nói "sẽ được" là một cách nói thôi. Chính ngay lúc đó mình làm chủ là hoàn toàn bình an, không có vấn đề gì nữa. Dù hiện tại quý vị đang sống trong hoàn cảnh đầy đủ sung túc hay nghèo thiếu đơn sơ cũng bình an như nhau. Muốn thực hiện giới hạnh trước nhất chúng ta phải cảnh giác, phải có hàng rào để khắc phục những khuyết dở của mình. Luôn luôn gìn giữ những điều giới mình đã thọ. Nói thì nghe dễ nhưng làm không dễ. Trong cuộc sống, nếu chúng ta thiếu xét nét, sẽ bị bên ngoài kéo lôi. Rồi đổ thừa tại cái này cái kia mà quả thực là tại mình. Tại mình không chịu giữ giới hạnh. Tại mình thiếu sự cảnh giác. Tại mình dở nên bị kéo lôi. Người tu biết nhìn lại như vậy sẽ không đổ thừa ai hết. Mình tự gìn giữ, kiện toàn thế chủ động để được bình an. Làm bất cứ việc gì mà chủ động, có phương pháp, đảm bảo sẽ giảm bớt sự việc xảy ra ngoài ý muốn. Người xưa nói: Muốn cầu đại đạo trước phải chính tâm. Còn có chút giận bực thì tâm chưa chính. Còn có chút ham muốn là tâm chưa chính. Ngài nói còn một chút giận bực, một chút ham muốn là tâm chưa chính. Quả thực đây là những kinh nghiệm quý báu giúp cho chúng ta gầy dựng được thế chủ động giúp mình tu tập thuận tiện hơn. Ngài lại dạy tiếp: Song chúng ta chưa phải thánh hiền ứng thế, vẫn còn có sự yêu ghét mừng giận. Có thì nên thẳng thắn phóng xả, không nên để trong tâm, làm hại sự chân chính của mình. Chúng ta chưa phải là thánh hiền, chưa phải người có đầy đủ công đức. Do vậy ham muốn, giận tức vẫn còn trong chúng ta. Nhưng Ngài dặn có những thứ đó thì phóng xả đi. Phóng xả là quăng bỏ, lần lần sẽ được chân chính, sẽ làm chủ. Bình thường có khi trong lòng chúng ta bình thản an vui, nhưng cũng có lúc bực bội. Người hoàn toàn không có bực bội rất hiếm. Có khi mình giữ giới, nhưng lâu lâu ý tham khởi lên, ta không làm chủ được. Các thiền sư nói có khi ta tỉnh cũng có khi ta không tỉnh, tức là bất giác. Bởi bất giác nên bị nghiệp dẫn, chạy ra ngoài tạo nghiệp. Bởi lẽ chúng ta không phải là bậc thánh hiền, nên cái tốt cũng có mà cái xấu cũng có. Lắm lúc cái xấu nhiều hơn cái tốt. Nói tóm lại, con người là như vậy. Bây giờ muốn tu, muốn được an lạc, thì điều kiện không thể thiếu là phải phóng xả hết những thứ đó. Các Ngài không dạy mình phải tụng kinh, phải đi chùa mà dạy quăng bỏ. Đó là pháp tu bình thường, nhưng đòi hỏi chúng ta phải tế nhị. Nói phóng xả thì dễ nhưng chúng ta phóng xả không được. Trong miếng ăn, giấc ngủ, mình thấy còn nghẹn nghẹn, uất ức, tức tối đâu đó hoặc ánh mắt không hài lòng. Đó là biểu hiện cụ thể những bất an bất ổn trong lòng. Biểu hiện đó có là vì ta chưa buông xả. Thành ra người tu nói quăng ném là quăng ném triẹât để. Công phu phải triệt để. Nói lạy Phật thì lạy Phật triệt để. Dâng hương cho Phật là dâng hương triệt để. Khi lạy Phật chỉ có lạy Phật thôi. Nếu lạy Phật mà còn khởi niệm khác, không yên trong lòng, là còn hơi uất nghẹn, chưa triệt để. Phàm phu với thánh nhân khác nhau ở chỗ đó. Chớ các ngài cũng là con người, cũng ăn, cũng sống, cũng làm việc, tiếp cận như chúng ta. Sở dĩ các Ngài là thánh nhân vì các Ngài làm gì cũng triệt để, không như chúng ta, nói được mà làm không được. Chúng ta bây giờ cùng một lúc làm quá nhiều việc. Trong đầu suy nghĩ toan tính lung tung, có cái thuận có cái không thuận. Do đó vọng tưởng cấu xé không yên, tính cái gì cũng không tới nơi vì chưa triệt để. Đối với người tu, đề nghị chúng ta tu triệt để, làm việc triệt để. Nếu được như vậy mới mong làm chủ được mình. Cho nên trong chùa tụng một thời kinh hoặc ngồi thiền mất một, hai tiếng đồng hồ. Trong thời gian một, hai tiếng đồng hồ, vị đứng đầu hướng dẫn nhắc chúng tôi “Làm việc gì chỉ biết việc đó thôi.” Tụng kinh là tụng kinh. Kệ chuông là kệ chuông. Làm việc là làm việc. Không để cái gì khác xen vô. Vừa có cái khác xen vô, tâm liền phóng xả. Như vậy mới làm chủ, mới bình yên. Một vị Hòa Thượng trong thiền môn dạy chúng ta về cách tu hành: Lửa cháy cả cánh đồng là phát từ một đốm nhỏ. Nước ngập lở núi đá là được chứa chất từng giọt tí tách. Giọt nước nhỏ có thể đem đất ngăn lấp, nhưng khi đã tràn đầy thì trôi cả gỗ đá, ngập cả gò đống. Đốm lửa nhỏ chỉ cần một gáo nước có thể dập tắt, nhưng khi nó đã bốc mạnh thì cháy cả thành đô thôn ấp, đốt cả núi rừng. Nước lửa ấy đem so với nước ham muốn và lửa sân hận có khác gì đâu! Lời dạy này cho chúng ta kinh nghiệm luôn luôn cảnh giác. Ngài nói: Giọt nước tí tách nếu có một nắm đất lấp lại rất dễ, nhưng chúng ta khinh thường, cứ để cho nó tí tách liên tục. Khi nó hình thành lớn lao cho tới cuối cùng ngập lụt thì trôi cả thành ấp gò đống. Ở đây cũng vậy, một dấy niệm đầu tiên, chúng ta thiếu sự cảnh giác, cứ bình thản, an nhiên lao theo cuối cùng nó thành hình rồi thì rất khó trị, khó tu. Cho nên đòi hỏi chúng ta phải tỉnh giác trong từng tâm niệm. Hòa Thượng Viện Trưởng từng dạy các vị kiểm soát từng suy nghĩ, làm chủ từng lời nói, từng hành động của mình. Người sống được như vậy là người biết giữ giới, là người Phật tử xứng đáng. Pháp tu này rất giản dị nhưng đòi hỏi chúng ta miên mật, thường xuyên tỉnh giác. Quý Thầy dạy Phật tử phải hiểu Phật pháp, phải thờ Phật, kính Phật… là phương tiện ban đầu trong đời sống của người Phật tử. Còn việc chính là pảhi kiểm soát được từng ý niệm, làm chủ được từng ngôn ngư; và trong mọi sinh hoạt, hành động của mình đều phải tỉnh táo sáng suốt. Đây là pháp môn tối thượng. Thật ra kiểm soát được những ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình rất khó. Chúng ta đụng chuyện là nói cho thỏa cái miệng. Hứng lên là nói bất kể đúng sai. Chỉ một chút vậy là thấy khó tu cái miệng rồi. Còn suy nghĩ, trong kinh nói là vọng tưởng điên đảo, trị cái này khó khăn vô kể. Nó lăng xăng, chợt hiện chợt phóng, linh tinh đủ thứ. Có khi ngồi đây mà tưởng tượng những việc cách xa hằng ngàn cây số. Việc đôi ba ngàn năm về trước, mình cũng có thể tưởng tượng tào lao, để từ đó hình thành khối u ám gọi là vọng tưởng điên đảo. Chúng sanh thích như vậy, vì cứ ngỡ thế là thông minh, hiểu biết. Do thích như vậy nên khổ. Các Ngài đi trước chỉ dạy chúng ta rõ ràng, ngay từ những niệm đầu, mới manh nha mình trị thì dễ. Muốn thế đòi hỏi chúng ta phải tỉnh sáng, mới áp dụng được lời dạy này trong đời sống tu hành. Tỉnh là gốc của hành giả tu thiền. Pháp tu này vượt ngoài kinh điển, vượt ngoài thời gian, ai cũng có thể áp dụng được. Tỉnh táo rồi sau đó dần dần chúng ta mới đi tới tiến trình cảnh giác làm chủ lấy, những sự kiện chung quanh sẽ yên bày theo sự tỉnh giác đó. Người xưa dạy Chớ khởi tâm vọng cầu tướng lạ. Nếu khởi tâm cầu tướng lạ, khi có những tướng lạ hiện đúng sở cầu thì liền khởi mừng. Mừng vui không thể kiềm chế được thì cũng có thể bị điên loạn. Đây là điều cần cảnh giác trong lúc tu hành. Đi vào công phu, quý vị phải có cảnh giác này. Nhiều Phật tử tu một thời gian tự nhiên mặt tươi lên cứ cười hoài. Trong lúc tu hành được cái gì đó không biết, cười hoài. Nói về công phu với lời dặn cảnh giác, thì coi chừng tình trạng này rơi vào bệnh rồi. Bởi vì người tu nhất là tu thiền phải làm chủ mừng, giận…, không để nó làm chủ lại mình. Cho nên mừng thì không mừng quá, buồn cũng không buồn quá, mới giữ được bình thường. Bây giờ đang tu mà giữa đêm ngồi cười ha hả lên, thì đừng nói trong pháp môn tu mình đã vi phạm, đã bệnh mà người ngoài thấy cũng nói mình khùng. Thành ra, trong khi tu hành, những dấy niệm mong cầu tướng lạ đều phải cảnh giác. Tôi sở dĩ nói điều này là vì quý vị tu hay cầu quá. Phật tử đến trước Phật, thắp ba nén hương, luôn luôn muốn được yên, muốn đừng khổ, muốn những người thân của mình cũng như vậy. Trong tâm quí vị luôn vọng cầu. Thành thử quỷ thần biết được tâm ý, nó hiện ra cảnh cho quí vị vừa lòng thích ý, từ đó mất tự chủ chạy theo nó. Trong nhà thiền, Tổ Ưu Ba Cúc Đa đã đắc đạo, ngài có duyên gặp ma Ba Tuần. Ba Tuần là chúa tể các loài ma ở trên Thiên giới, đầy đủ ngũ thông, chỉ thua Phật lậu tận thông thôi. Ba Tuần có duyên với Tổ Ưu Ba Cúc Đa và bị ngài khuất phục, xin quy y theo Tổ học Phật. bấy giờ Tổ Ưu Ba Cúc Đa biết ma Ba Tuần đã từng gặp Phật, và với thần thông quảng đại của Ba Tuần, Tổ yêu cầu ma vương hiện lại đức Phật cùng tăng đoàn lúc Như Lai còn tại thế. Vì Tổ ra đời nhằm lúc đức Phật đã nhập Niết-bàn nên tha thiết muốn chiêm ngưỡng lại tôn dung của đấng Thế Tôn. Ma Ba Tuần đồng ý với điều kiện khi giả hiện đức Phật cùng tăng đoàn thì Tổ đừng lễ lạy, vì ma sợ tổn phước. Tổ cũng chấp thuận. Giao hẹn rồi, ma vương lặng đi trong giây phút, sau đó là đức Phật và 1.250 thầy Tỳ-kheo thấp thoáng từ bìa rừng đi ra thật trang nghiêm rực rỡ. Khi đi gần tới, bất giác Tổ sụp xuống đảnh lễ. Liền khi ấy Phật và Tăng đoàn biến mất, ma vương cũng chạy tuốt. Đây là câu chuyện của Tổ. Đối với hình ảnh Ngài quá thành kính, tuy biết là giả mà vì sự xúc động mãnh liệt nên đã không kềm lòng được, nhất thời buông bỏ không phải là chuyện dễ. Đã là Tổ mà còn như thế hà huống chúng ta. Ví dụ mình đang ngồi tụng kinh, thấy Phật hiện Phật lảng vảng gần đó, chắc mình quăng chuông quăng mõ mà lạy Phật. Được gặp Phật là mê quá rồi. Lạy Phật, chạy theo, xin Phật cho cái gì… Cho nên chúng ta rất dễ mắc lừa. Tôi nói vậy để làm gì? Vì có người nói "Coi chừng tu thiền điên!" Tu thiền đúng theo Phật dạy không bao giờ điên. Nếu điên thì chư Tổ sư điên hết rồi sao? Tại vì mình tu tầm bậy, mình còn mong cầu, còn ham thích quá nhiều nên bị ma dẫn thành ra điên. Bây giờ chúng ta không gặp ông ma chúa trùm mà gặp ma thường thôi. Nó hiện ra đầu trâu mặt ngựa mình cũng hoảng la làng rồi. Lúc đó biểu tụng kinh chắc không nhớ kinh gì để tụng. Tâm chúng ta không bình tĩnh, không làm chủ được thì hoặc khùng theo kiểu mừng vui, gọi là ma Hoan Hỷ nhập, hoặc khùng theo cảnh buồn khổ chết chóc bi thương, gọi là ma Sầu Bi nhập. Chúng ốp được mình rồi thì tha hồ muốn lôi kéo đi đâu thì đi, ta không có chút tự chủ nào cả. Người tu Phật, cố gắng cảnh giác những hình ảnh, những tướng lạ trong khi tu hành. Bởi cái mà chúng ta gọi là tâm đó, nó không phải là tâm thật. Đó chỉ là bóng dáng của sáu trần, là vọng tưởng điên đảo. Bởi vậy nó chợt khởi chợt hiện hình ảnh này hình ảnh kia. Nếu mình không làm chủ được thì bị nó dẫn đi suốt đời suốt kiếp. Do đó tu hành không thành Phật, không khéo còn bị điên nữa. Thành ra tu đúng theo Phật Tổ dạy thì không điên. Quý vị đừng bao giờ sợ tu thiền điên hay tu Phật điên. Tu mà điên khùng là do mình áp dụng không đúng, mình mong mỏi nhiều quá. Nhiều vị tham cứu kinh Pháp Hoa, tu tập theo sự chỉ dạy của Phật trong kinh Pháp Hoa. Nhưng họ còn tâm niẹâm thù hằn chém giết, nên cố gắng luyện tập. Khi luyện tập được rồi thì công phu bị tẩu hoả nhập ma nên đi dộng đầu xuống đất. Tu theo đạo Phật thay vì ngày càng trí tuệ, càng giải thoát, càng từ bi họ ngày càng có những quyền năng quái lạ, làm các việc ác độc. Đó là đã bị ma nhập rồi. Thành ragiới Phật tử chúng ta phải cảnh giác. Quí vị hiểu Phật thì có hiểu, nhưng muốn làm cho đúng phải cảnh giác trong từng tâm niệm, nghĩa là hằng sống với lời Phật dạy. Tổ Lâm Tế dạy: Người tu thiền chân chánh theo Thiền tông là phải "phùng ma sát ma phùng Phật sát Phật". Tu thiền mà xấu ác không buông bỏ được thì những hiện tướng hiện cảnh xấu ác sẽ dẫn mình đi. Từ đó lạc bên này bên kia. Cho nên những tâm xấu ác phải buông xả tức khắc, cho đến tâm thiện cũng buông xả luôn. Được vậy mới bình yên. Theo tinh thần của Tổ Lâm Tế, chúng ta không chấp nhận hình ảnh ma cũng không chấp nhận hình ảnh Phật. Như vậy mới không bị điên. Ngài nói “Dù còn một niệm lành cũng là bệnh”. Nghĩa là còn một niệm lành hiện ra, chúng ta vẫn bị niệm lành dẫn đi, mất đi sự bình an, bình thường. Mạt vàng tuy quý nhưng rơi vào tròng con mắt vẫn khó chịu. Bụi bặm hay vàng ngọc rơi vào tròng con mắt đều khó chịu như nhau. Người tu phải áp dụng sự tu tạâp hàng ngày như vậy. Còn một niệm là còn bất an. Muốn được bình yên, không thể cầu bên ngoài, không ai đem bình yên đến cho mình. Yên hay không là tự trong lòng của ta. Còn niệm vọng cầu, còn sự tham đắm… thì còn bất an. Không phải ma quái hay cái gì bên ngoài làm cho mình bất an. Rõ ràng những gì còn tồn đọng trong lòng mà chúng ta không hóa giải được thì bất an. Như quí vị chơi vé số, bất thần thấy trúng độc đắc trong lòng vui mừng quá sức. Tuy trúng nhưng chưa lãnh tiền về, trong thời gian đó quí vị có yên không? Nhất định không yên. Đến khi lãnh được tiền, trên đường về nhà, có yên không? Cũng không yên nữa. Đem tiền về đến nhà mà chưa sắp đặt việc nọ việc kia cũng chưa yên. Đúng với câu người ta nói “Cơm nhai trong miệng cũng chưa nuốt được”. Chính cái đó là bất an bất ổn của mình. Bây giờ muốn được yên phải giải trừ các niệm. Giải trừ bằng cách buông xả hết. Hồi xưa tôi nghe kể một câu chuyện tiếu lâm. Có người nhà quê trúng số độc đắc. Trước khi đi lãnh tiền, để chứng tỏ mình ắp phát đạt, sẽ giàu to cho nên tất cả những gì cũ, anh đốt hết. Anh lại quên tấm vé số để trong túi áo rách của mình, nên cũng đem đốt luôn. Tới chừng xem lại, mới biết vé số đã đốt rồi. Những cái lăng xăng có hại như vậy. Chúng ta tu hành cũng thế. Mình có thành Phật thành Tổ gì đâu, nhưng lại tưởng mình là Phật là Tổ, mới chết chứ! Chính đó là mối nguy hại cần phải cảnh giác của người tu chúng ta. Càng tu theo Phật, càng áp dụng lời Phật dạy thì tất cả lăng xăng, niệm lự càng buông bỏ hết. Quả vị Phật cũng phải buông. Cái giác ngộ ấy vốn trùm khắp, không có tướng trạng gì cả. Nó rỗng rang sáng suốt, không có vấn đề gì trong đó. Người tu thiền đừng để những hình tướng, những niệm tạp dẫn dắt. Không phải tụng kinh, ngồi thiền nhiều mà được yên. Ngồi mà định được mới yên, ngồi mà canh đồng hồ từng phút thì hai cái chân tưởng chừng cháy quách rồi, nóng lắm chứ đâu có ít. Thành ra ngồi thiền không tự chủ, không định thì dễ đứng dậy, dễ bung chân ra lắm, có khi thấy bực bội nữa. Bây giờ làm sao tiêu dung được những tình trạng đó. Bình thản, tươi tắn như hình dung của đức Phật. Sở dĩ chúng ta thờ Phật, kính Phật vì Ngài có thiền định, có trí tuệ, tu trong bình thản, ung dung, không khó khăn như chúng ta. Nhưng chính vì chỗ quá bình thường ấy nên chúng ta xem thường, thành ra tu hoài vẫn không tới đâu. Dân quê thường có câu "đi sông đi biển không chết mà về chết ở cái lỗ chân trâu". Đó là gì? Là mất sự cảnh giác. Tu hành cũng vậy. Nói lên điều này để chúng ta nhớ cảnh giác, không phút giây nào quên lững. Lúc nào ta cũng bình thản, không phải trợn trừng con mắt lên quơ gậy quơ hèo như thần tướng. Việc tu rất bình thường nhưng trong thế hoàn toàn tỉnh. Tu không cần hiện tướng ra bên ngoài, là một người giản dị nhưng tỉnh giác liên tục. Như vậy mới tránh vướng bên này kẹt bên kia. “Không chấp nhận là vì những tướng bên ngoài đó tất cả đều không thật, đều hư giả. Ta không chấp nhận các tướng thì tâm mừng sợ đều buông, tu hành mới tiến được. Người tu thiền không chấp cảnh nào bên ngoài dù là Phật hay ma, sống với một tâm thanh tĩnh không còn lý do gì khiến phải điên”. Đây là lời kết lại của Tổ Lâm Tế. Chúng ta cần ghi nhớ kỹ để nắm vững phương thức tu hành. Ở đây Tổ Lâm Tế nhắc chúng ta không chấp nhận những hiện tượng bên ngoài, vì những tướng đó không thật. Không chấp nhận nên niệm mừng hay niệm buồn không còn nữa. Mừng hay buồn quá đà là gốc của điên khùng. Thực sự tu thiền không phải là ngồi thiền, trong các oai nghi đều phải tu. Giác ngộ mới là gốc, ngồi thiền chỉ là phương tiện thôi. Chúng ta ngồi mới được chút xíu liền thấy thỏa mãn, lúc nào cũng thể hiện quá đà. Đó là gốc của điên khùng, không phải đợi đi theo ma, làm việc ma hoặc nói xàm mới là điên. Trong đạo cái gì quá đà là điên, nên các Phật tử nhớ đừng bao giờ làm cái gì quá đà. Ví dụ hằng ngày ở gia đình, Phật tử sắp đặt một đêm tụng kinh một lần vào buổi nào đó, không ảnh hưởng tới gia đình. Thật ra mình tu còn nhiều người khác đâu có đồng quan điểm. Nhè mười một mười hai giờ khuya mình đánh mõ rầm rầm, chuyện đó với mình không sao, nhưng người chung quanh họ nói mình điên. Nếu đưa tới quí thầy cầu chỉ dạy hoặc giải quyết, làm sao giải quyết đây. Quí thầy không thể cấm quí vị đừng tụng kinh, nhưng tụng kinh vào giờ đó là không đúng. Tu tập thế nào mình thấy dễ chịu mà mọi người chung quanh cũng thấy dễ chịu mới được. Tóm lại, những việc làm quá đà không thể gọi là tu. Thành ra người tu thiền luôn nhớ lời dạy của vị Tổ sư tu trước. Sống bình thản, thoải mái giữa mình và tất cả mọi người. Như vậy là tu đúng. Dù sự an lạc ít ỏi, khiêm tốn nhưng theo tiến trình đó từ từ sẽ được hoàn toàn an lạc. Tổ cũng dạy: “Không chấp nhận ma thì tương đối dễ, không chấp nhận Phật quả thật chuyện không phải thường. Bởi thấy Phật Bồ-tát mà không chấp nhận thì người tu này phải gan dạ lắm mới làm được”. Ở đây tôi muốn nói đến chỗ khó khăn trong chỗ bình thường. Đa số Phật tử thấy Bồ-tát, ai cũng đốt nhang hít hà, lễ lạy cầu ngài ban cho con cái này cái kia. Nhưng nhìn lại ngài có ban gì đâu. Có lần, một Phật tử kể cho tôi nghe trong chuyến hành hương đi miền núi, ngang gốc cây cổ thụ, thấy người ta đốt hương cả một vùng. Mấy vị áo đỏ áo xanh ngồi đó. Vị thì đứng theo thế thầy võ, vị thì ngồi xưng là Bồ-tát Quan Thế Âm. Các Phật tử tới đó ai cũng đốt hương, cũng lạy xin Bồ-tát cho con được bình an, làm những người đem hương tới đó bán đắc quá chừng. Cả đoàn sáu bảy chục vị, mà hơn bốn mươi vị đều đốt nhang đảnh lễ xin Bồ-tát phù hộ. Còn một ít người trẻ tuổi ngồi bên ngoài xem Bồ-tát Quan Thế Âm hiện hình kiểu gì. Vị xưng là Bồ-tát nhảy tới nhảy lui một hồi cũng mệt. Bồ-tát, Phật cũng mệt. Thấy vậy họ cười. Đến hồi ra xe, có ba phe. Một phe cúng kính cầu xin thì tin hoàn toàn vào Phật, Bồ-tát thị hiện. Một phe không tin. Mấy người không tin xúc phạm tới các vị tự xưng mình là Bồ-tát ứng hiện. Mấy người tin thì bực bội ra mặt. Hai phe này choảng nhau um sùm. Phe thứ ba ngồi nghe, không thêm thắt gì cả, cũng không theo ai. Một hồi đâm ra con Phật, Bồ-tát gây nhau. Các Ngài thực hay không thực không biết mà Phật tử một phen tốn tiền mua nhang đốt cầu khấn, cuối cùng cãi nhau toé lửa. Phật tử hỏi tôi phe nào trúng. Tôi nói “không biết”. Làm sao biết được! Thật ra Phật, Bồ-tát thật không có hiện như vậy. Cái gì hiện ra ngoài thì không thật. Với người tu chỉ nên nhắc nhau rằng, những hình tướng bên ngoài không thật. Nếu chúng ta còn chạy theo nó là mầm mống không bình an. Không bình an vì trước nhất là đã gây gỗ nhau. Những điều quí vị mong cầu chưa chắc về nhà có sẵn trên bàn, trong tủ của mình. Ví dụ thằng con quậy quá trời, bây giờ nguyện Bồ-tát trị cho nó đừng quậy. Bồ-tát làm sao trị được, nó đi theo đám quậy chớ có đi chung với Phật, Bồ-tát đâu mà nhắc mà trị. Nghe những việc này quả thực khó xử cho chúng tôi. Quí Phật tử học Phật, hiểu Phật phải tự biết thế nào là sống với chánh pháp, sống với trí tuệ rồi. Cho nên người tu Phật phải hiểu Phật, phải sống bằng trí tuệ, chớ không phải sống trong niềm tin mê muội như vậy. Quí vị tu tập bằng cách dùng trí tuệ thấy rõ hư thật, nhận ra tánh giác của mình và sống với nó gọi là tùy thuận tánh giác. Hòa thượng chỉ dạy chúng ta chỉ có thế. Trong kinh dạy “Ở trong tât cả thời chẳng khởi vọng niệm”. Trong tất cả thời hay trong mọi sinh hoạt, chẳng khởi vọng niệm. Như tôi đã nói, chúng ta làm việc gì biết việc đó thôi, giảm bớt những suy nghĩ toan tính mông lung thì sẽ quay lại sống gần và tùy thuận tánh giác. Bây giờ trong sinh hoạt hằng ngày, quí vị sắp đặt như thế nào? Từ việc đi chợ, nấu ăn, tiếp khách, ngủ nghỉ, tu tập, sắp đặt việc nào ra việc ấy. Đừng để bị xâm lấn, làm việc này mà nghĩ việc khác gọi là bị xâm lấn. Hình ảnh mười bức tranh chăn trâu trong nhà thiền của các vị thiền sư đã đưa ra những hình ảnh cụ thể để hướng dẫn chúng ta tu. Như khi mục đồng chăn trâu phải cầm roi cầm dây. Trâu vừa ngó sang hướng khác ăn lúa mạ của người là giựt dây, dùng roi đánh nó. Thì đây, chớ khởi vọng niệm hay đừng chạy theo vọng tưởng là phương thức điều phục con trâu của mình. Vừa khởi vọng niệm là buông, tức đánh dẹp nó. Buông được thì sẽ nhẹ nhàng an ổn. Đó là điều tất yếu. Các Ngài dạy tiếp “Với các vọng tâm cũng chẳng ngăn dứt”. Như người ngồi thiền bị vọng niệm nhiều, có khi họ đổ thừa tại duyên bên ngoài, nên nhắm mắt lại cho đừng thấy, nhét lỗ tai cho đừng nghe, trong tâm khỏi vọng tưởng, cố đè nén không cho khởi, trốn chạy như vậy. Cách đó không thích hợp với người tu thiền. Người tu thiền an nhiên đối duyên xúc cảnh, không để cho cảnh duyên kéo lôi, bởi vì thấy nó không thật, thì đâu có gì phải sợ. Sợ cái không thật đâu phải là người tự chủ sáng suốt. Như trong Duy Thức Học nói “Người ban chiều trời nhá nhen tối, trên đường đi thấy một đoạn dây ngoằn nghèo nằm dưới đất, tưởng là con rắn cho nên sợ. Nhưng nhìn kỹ thấy đó là đoạn dây, không phải con rắn thì hết sợ”. Chúng ta thấy đoạn dây chứ đâu phải thấy rắn mà sợ, thấy vọng tưởng chớ đâu phải cái thật mà sợ. Muốn biết được như thế thì phải tỉnh giác, phải có trí tuệ. Phật dạy người tu phải nhận được sống được với tánh giác của mình hay là tùy thuận tính giác, biết tất cả các thứ bên ngoài đều không thật. Thấy đoạn dây thừng là đoạn dây thừng, chứ không phải rắn độc nên không sợ đoạn dây đó. Không sợ, không bị động bởi những gì bên ngoài thì an ổn. Không cần phải khởi lên niệm gì đối với các dấy niệm, đối với các vọng động, chỉ buông nó thì yên. Nhiều vị nói con tu sao cứ vọng tưởng hoài, nên muốn tụng kinh hoặc làm việc gì để khỏa lấp vọng tưởng. Phương pháp ấy chỉ có giá trị tạm thời thôi, quan trọng là phải thấy vọng tưởng không thật, phải biết tận gốc rể của nó mới bình an được. Dù quí vị có tụng bao nhiêu kinh, niệm bao nhiêu câu niệm Phật hay làm bất cứ việc gì mà không tự chủ, không sống được với tỉnh giác thì vẫn bị những lăng xăng bên ngoài kéo lôi, vẫn không yên. Thành ra đó là một giai đoạn của công phu tùy thuận tánh giác. Giai đoạn kế là ở biết vọng tưởng không thật là đủ rồi, không khởi lên niệm diệt vọng. Bởi vì khởi lên niệm gì nữa là manh nha của vọng tưởng. Người ta thường nói lấy độc trị độc, nhưng coi chừng lấy độc xong bị chính cái độc hại mình, chứ không trị được độc. Tu thiền là không khởi phân biệt. Được như vậy coi như sống với tánh giác. Với cảnh không phân biệt đó, cũng chẳng cần phải biện minh. Ở đây nói biện minh tức là biện biệt cho rõ ràng hoặc đúng hoặc sai. Thành ra có những giai đoạn công phu người trước hướng dẫn kỹ lưỡng để chúng ta đừng bị chi phối bởi những hiện tượng trước mắt. Trong giai đoạn chót người xưa dạy: “Pháp môn này không có tiệm thứ, không dùng sự phân biệt mà chỉ hồn nhiên trực nhận, không khởi so đo toan tính gì hết. Được như vậy gọi là tùy thuận tánh giác”. Tóm lại, người tu thiền không sợ vọng tưởng, như không sợ đoạn dây. Vì không biết đoạn dây là con rắn nên mới sợ, khi biết nó là đoạn dây, không phải con rắn thì không sợ nữa. Chúng ta không khởi một niệm nào về những hiện tượng chung quanh, hồn nhiên, tự tại, trực nhận. Được vậy chúng ta là người sống với tánh giác. Người sống tuỳ thuận tánh giác thì không khởi phân biệt, không loạn tưởng, hồn nhiên tự tại, hoàn toàn tỉnh giác, không bị động bởi những cái bên ngoài. Làm sao trong duyên cảnh hằng ngày, chúng ta không khởi thêm phân biệt gì hết. Như quí vị ngồi xem phim, biết đây là phim ảnh, những cảnh núi non, con người… đủ thứ trong đó, nhưng nó là phim ảnh. Mình biết rõ như vậy nên giả dụ trong đó đưa súng bắn ngay mình, mình cũng chẳng sợ, vì biết nó không thật. Mình cũng không cần khởi niệm gì hết thì mới bình thản. Chứ ngồi trước màn ảnh mà cứ suy nghĩ hoặc vầy hoặc khác, thì chẳng những ngay đó bất an mà sau khi dẹp màn ảnh nỗi sợ sệt, lo lắng vẫn còn. Nhiều người coi phim thấy bắn lộn, phim hết ra ngoài hở một cái là la hoảng lên, bị hình ảnh trong phim nó chi phối, nên mất tự chủ. Người tu thiền phải làm chủ trong mọi sinh hoạt. Cuộc sống của chúng ta là một sân khấu, là một cuộn phim được chiếu rọi hằng ngày. Người biết biết làm chủ mình là một khán giả, đồng thời cũng là diễn viên xuất sắc trên màn ảnh. Ta đóng vai như thế, hiểu biết như thế hoàn toàn là phim ảnh. Biết rõ ràng nên ta rất bình thản, đóng trọn vẹn vai trò của mình trên sân khấu. Vừa là diễn viên, vừa là khán giả trung thành theo dõi từng sinh hoạt, từng chi tiết nhỏ trên sân khấu. Diễn viên trên sân khấu có khi khóc, có khi cười bởi vì việc làm của họ là như thế. Việc làm đó phát xuất từ đâu? Từ ông quản trò hoặc người gầy dựng phim. Họ đã được huấn luyện phải khóc phải đi, phải ngồi, phải nói, phải nhắm mắt mở mắt như thế. Ông thầy của chúng ta bây giờ là ai? Là nghiệp, cái năng động của suy nghĩ, miệng nói và thân làm. Chẳng những trong đời này mà nhiều đời, nó là thầy quản tuồng đã hướng dẫn cho chúng ta diễn những trò diễn. Bây giờ chúng ta chưa phải là người hoàn toàn chủ động với ông quản trò. Nhưng ta biết lọc lừa, làm chủ lấy mình để không bị sự chi phối hoàn toàn của ông quản trò. Nên giả sử có khóc thì chỉ khóc chơi thôi, khóc để người ta chụp hình quay phim, chứ không phải ông bà cha mẹ gì mình chết mà khóc thiệt. Nhưng chúng ta đối diện với cuộc sống, mà tâm trí không sáng nên có khi cái thật cái giả không phân biệt được. Vì vậy mình cũng khóc, cũng cười thật, cuộc sống cuối cùng lăng xăng, bị động nhiều quá. Cho nên thiền sư ra đời dạy cho chúng ta phương pháp tu để bình an trở lại. Có bình an chúng ta mới làm được những việc trong chức năng của mình. Chúng ta làm một cách sâu sắc, đúng với ý nghĩa của nó. Chúng ta làm chủ được, sáng suốt, bình an thì mới sống trọn vẹn với mình. Có người nói học làm người còn khó, học làm Phật làm thánh là cả một sự khó khăn lớn lao vô cùng. Quả thực như vậy. Cho nên chúng ta học làm người diễn viên, làm khán giả trung thành đối với tuồng tích trên sân khấu. Làm hết nhiệm vụ trong sự tỉnh táo sáng suốt. Những vui buồn trên sân khấu không chi phối nổi con người chúng ta. Thiền sư dạy chúng ta có con người thật bất sanh bất diệt. Con người đó không bị sự sống, không bị dục tình lăng xăng làm gì được. Cho nên sống được với con người đó chúng ta sẽ hoàn toàn an vui, chấm dứt nỗi khổ trầm luân sanh tử. Chúc quí vị luôn luôn là người tỉnh để tùy thuận tánh giác, chứ không tùy thuận cái gì khác.