headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHIẾC ÁO CHÂN THẬT

sen4Mấy hôm nay khí trời thay đổi, hình như sắp hết mùa mưa và hơi lạnh vào mỗi buổi sáng. Sự thay đổi của không khí này khiến tôi có một cảm hứng về đề tài Chiếc áo chân thật.

Mỗi khi khí lạnh về, ai cũng chuẩn bị cho mình chiếc áo. Với người Phật tử, chiếc áo nên chuẩn bị là chiếc áo chân thật của mình. Bởi một khi chúng ta mặc chiếc áo chân thật vào người thì ngàn đời không bao giờ bị hư, bị rét. Cho nên chiếc áo này không thể thiếu với người tu chúng ta. Vì vậy hôm nay tôi sẽ nói về chiếc áo chân thật. Chiếc áo này không cũ, không rách, không hư hoại nhàu nát, không có gì làm nhơ nó được, nên gọi là chiếc áo Bất Cấu Bất Tịnh. Nó không phải là thứ vải vóc thường có thể mua sắm được.

1- Chiếc áo cho mình.

Người con Phật không thể thiếu chiếc áo chân thật của mình vì nó là sự sống của chúng ta. Chúng ta có thể thiếu cái khác được, như tiền của, địa vị, học thức... nhưng một khi đã phát tâm hướng về Tam bảo rồi, mà thiếu cái chân thật thì thiệt thòi rất lớn. Vì vậy Phật tử nhất định phải tạo duyên thuận lợi, để cái chân thật từ bên trong phát triển. Trái lại, những thứ khác phát triển theo chiều hướng thế gian sẽ làm trở ngại việc tu hành của chúng ta. Ví dụ như danh vọng hoặc tiền bạc, hai thứ này phát triển đôi khi làm trở ngại việc tu hành không ít.

Phật tử trong điều kiện đời sống vật chất cao, càng phải cẩn thận hơn để giữ đạo tâm của mình. Đa số quí vị cũng lo ngại tiền bạc, danh vọng, tiện nghi làm chướng việc tu hành, trở ngại cho đời sống đạo hạnh. Nhiều vị đã thưa hỏi, trình bày tâm tình với chúng tôi. Gặp những trường hợp này chúng tôi không có lời khuyên gì khác hơn: Chiếc áo chân thật là cần thiết nhất cho người tu chúng ta. Người tu đây là Phật tử, không phải chỉ riêng giới xuất gia. Những vị đã quy y, biết hướng về Tam bảo, học pháp và phần nào áp dụng Phật pháp trong đời sống của mình đều được gọi là Phật tử.
Chiếc áo đó nếu ai tìm và mặc được rồi thì không bao giờ hư hoại nhàu nát, nên trong kinh gọi là chiếc áo Bất Cấu Bất Tịnh. Không có gì làm đổi thay được nó nên gọi là chiếc áo Bất Tăng Bất Giảm. Chúng ta phải làm sao để mặc được chiếc áo này. Giống như khi mùa đông về, khí lạnh xâm nhập vào người, muốn hết lạnh chúng ta phải có những chiếc áo ấm. Tùy theo hoàn cảnh gia đình, tùy theo phúc duyên của mỗi người mà chúng ta có những chiếc áo ấm khác nhau.

Mùa đông giá buốt được ví như sự điêu đứng từ nhiều đời của chúng ta. Nguyên nhân có hiện tượng này phần lớn là do sự không chân thật của chính mình. Không chân thật thế nào? Ta không chân thật với mình, không sống lại với tâm thể của mình, mà lao theo vọng tưởng, sống với những niệm khởi, những ngược xuôi, toan tính, hơn thua của dòng đời. Vì bỏ quên cái chân thật nên nhiều mùa đông rồi, chúng ta chịu rét lạnh. Nhiều năm tháng trong cuộc đời, chúng ta nếm trải biết bao cay đắng khổ đau. Ngày nay có được phúc duyên lành, gặp Phật pháp và biết trở về với Phật pháp, thì từ đây về sau, không có lý do gì chúng ta để cho cuộc đời mình trôi theo dòng xoay chuyển ấy nữa. Muốn được như vậy, ngay bây giờ chúng ta phải trở về sống thực với cái chân thật của chính mình.

Cái chân thật đó là gì? Là niệm hiện tiền. Sống với cái hiện tiền thì không chạy ngược xuôi theo giòng đời, dần dần khôi phục lại bản vị chiếc áo chân thật của mình. Khôi phục và mặc được chiếc áo ấy vào người thì sẽ sống được cuộc đời thanh tịnh giải thoát. Đây là việc làm mà chư Phật Bồ-tát trong mười phương nhiều đời kiếp qua đã sống trải, đã thực hiện. Hôm nay chúng ta muốn đi theo con đường của các ngài, thì phải mặc cho được chiếc áo chân thật ấy. Chúng ta tự nguyện đi theo con đường thanh tịnh giải thoát, nên tự tu trì gột rửa những ngoại duyên làm chướng ngại công phu. Việc này không ai bắt buộc mình làm cả. Những gì bất như ý, khổ đau trong cuộc đời ta tự nguyện buông bỏ.

Khi hướng về Tam bảo trong lòng chúng ta hứa rằng: Từ đây về sau con không bao giờ gầy dựng những tội lỗi, những nhân xấu, không dám làm điều gì trái với lương tâm. Đó là chúng ta ý thức việc trở về tìm và mặc lại chiếc áo chân thật của mình đã bỏ quên từ xưa nay. Đôi khi Phật tử nghĩ những việc làm của Phật, Bồ-tát chúng ta sẽ không bao giờ với tới. Không phải vậy đâu. Những việc làm ấy dành cho tất cả mọi người có tâm chân thật. Chân thật như thế nào? Nhiều khi nghĩ lại, ta không chân thật với chính mình, chứ đừng nói với ai. Đó là điều hết sức tệ hại.

Chân thật với mình là sao? Mỗi khi có một suy nghĩ gì khởi lên, chúng ta xem coi nó có chân thật không? Hoặc khi nói, khi hành động, chúng ta xem lại lời nói và việc làm ấy có chân thật không? Phật dạy người tu hành lúc nào cũng soi xét lại mình, tìm xem mình suy nghĩ, mình nói, mình làm như vậy có chân thật không? Hay vì tham, vì sân, vì si mà nghĩ, mà nói, mà làm. Nếu bị một lực bên ngoài thúc đẩy, hoặc tham hoặc sân hoặc si thúc đẩy khiến ta phải làm phải nói, thì chắc chắn chiếc áo chân thật không bao giờ ta có thể mặc được. Trái lại, nếu chúng ta chịu khó suy xét từ cử chỉ, ngôn ngữ, hành động của mình, nghĩ nói và làm đúng pháp, đúng nghĩa, từ đó sẽ khôi phục được chiếc áo chân thật của mình. Khôi phục được rồi thì chiếc áo chân thật chính là sự sống là chúng ta. Từ đó ta bước những bước vững vàng trên con đường Phật pháp.

Phật pháp thật ra không khó tu, nhưng với điều kiện mỗi người chúng ta chịu sống với cái chân thật. Trái lại cứ chạy theo những thứ giả dối phù phiếm bên ngoài thì trải qua số kiếp lâu xa vẫn không đạt được gì. Chúng ta đọc sử Phật, Bồ-tát, thấy số kiếp tu hành của các ngài rất dài lâu. Song chúng ta cũng đã có duyên tu hành như thế nào đó, hôm nay mới gặp Phật pháp trong điều kiện thuận lợi này. Huynh đệ cùng ngồi chung bàn bạc những vấn đề Phật pháp, đều muốn sống lại với cái chân thật của mình. Đó cũng là duyên lành nhiều đời vậy, chứ không phải duyên mỏng ít mà có thể được đâu.

Như vậy điều đầu tiên, chúng ta phải đủ sáng suốt để kiểm soát những ý nghĩ, ngôn ngữ và hành động của mình. Điều mày không thể xem thường được. Quý vị tu bất cứ pháp môn nào, tu thiền, niệm Phật, trì chú, làm các công đức lành, cất chùa in kinh… nhưng thiếu chân thật thì nhất định các Phật sự ấy thành công không bao nhiêu. Nếu có thành công cũng chỉ mang tính tạm thời, chứ không phải là cái chân thậât.

Điểm quan trọng của người tu là nói được phải làm được. Nếu chưa làm được trọn vẹn ít ra cũng được 30, 40 hoặc 50%. Từ từ chúng ta tự khắc tự hứa sẽ làm được trọn vẹn. Nhất định không nói những chuyện ngoài tầm tay của mình. Đối với Phật pháp, những lối nói như thế không có giá trị gì hết, đôi khi còn làm trở ngại cho việc tu tập của chúng ta. Như khi nói về việc tu hành, bản thân chúng tôi phải có sự tu hành, phải thể nghiệm. Có thế lời nói của mình mới sống thực, mứi có giá trị và đem lại lợi ích thiết thực cho người nghe. Những gì sai mình xấu hổ để tự phấn chấn, nỗ lực tu tập nhiều hơn nữa, cố gắng thực hiện cho được trọn vẹn.

Người xưa bảo “Nói một trượng không bằng làm một thước, nói một thước không bằng làm một tấc”. Nói một trượng không bằng người không cần nói gì mà làm được một thước. Một trượng dài bằng chục thước. Người chỉ nói suông mà không làm được thì không bằng người làm được rát ít mà chẳng cần phải nói chi. Tại sao người thực hành lại có giá trị như thế? Vì họ chân thật. Nó là những màu sắc đặc biệt trên chiếc áo chân thật họ đang mặc.

Cho nên từ đây về sau, Phật tử lưu ý điểm này. Nhất định những đạo lý gì hay trong cuộc sống, trong tương giao, chúng ta cố gắng hễ nói được thì làm được. Làm được tối thiểu 30%, rồi ngày tới, tháng sau, hoặc năm kế nữa tiến lên 50%, 70%, 80% v.v... Nhất định hướng chúng ta phải đi, phải làm như vậy chứ không có cách nào khác hơn.

2- Chiếc áo Như Lai.

Trở lại với những tiền thân của vị Giáo chủ chúng ta, tiền thân của những vị đại thánh, đại Bồ-tát. Nghiệm cho cùng thật ra các Ngài không làm gì khác hơn chúng ta, nhưng nhờ quyết tâm và chân thật mà các ngài thành tựu đạo quả. Ngày xưa đức Phật thường chọn nơi xa vắng để thực hiện trọn vẹn hạnh Nhẫn nhục ba-la-mật. Vì Ngài nghĩ đức tính nhẫn nhục là gốc, có thể làm được bất cứ việc gì, người nhẫn nhục là người đủ sức mạnh, đủ định lực, đủ trí tuệ. Suy nghĩ như vậy, Bồ-tát liền phát tâm tu hạnh nhẫn nhục, Ngài quyết định dù tan thân mất mạng cũng không bao giờ phá hoại hạnh nhẫn nhục, không bao giờ khởi niệm thoái lui.

Như trong tiền kiếp của đức Phật, có một đoạn nhắc lại hạnh nhẫn nhục của Ngài thế này:

Hôm ấy, nhà vua nhân chuyến đi du ngoạn săn bắn. Lúc này mùa nắng nên vào rừng núi rất thích thú. Vua đi mệt mỏi thì nghỉ ngơi. Trong lúc vua nghỉ ngơi, một số cung nữ dạo chơi xung quanh, các cô phát hiện một vùng rừng rất xinh đẹp nên lần lần tìm tới. Dưới cụm rừng ấy, có một người đang ngồi tu, thần tướng rất phi phàm. Khuôn mặt toát lên nét hoàn toàn chân thật, yên tĩnh, không bị lay chuyển bởi bất cứ thứ gì xung quanh.

Các cung nữ tới đảnh lễ và dâng hoa cho vị này. Sau khi đảnh lễ dâng hoa xong, các cô bắt đầu thưa hỏi:

- Thưa Ngài! Ngài ở đây làm gì?

- Ta ở đây tu hạnh nhẫn nhục.

- Thưa Ngài, hạnh nhẫn nhục là gì?

- Là buông xả tất cả mà không hề nuối tiếc.

Câu trả lời đại khái nói lên ý nghĩa Bồ-tát buông xả những thứ bên ngoài và luôn cả thân mình nữa. Đó là nền tảng của người tu hạnh nhẫn nhục. Không còn chấp đây là tôi, đây là của tôi, hoàn toàn không bị động bởi bất cứ những cảnh duyên hay tài sản gì, kể cả thân mạng mình... Buông xả hết.

Các cung nữ nghe vị này trả lời như vậy thì thấy quá phi phàm, chưa từng nghe. Bởi vì bên ngoài người ta tranh chấp để được cái này cái kia, chứ ít ai nói “Tôi buông bỏ tất cả.” Hôm nay các cô nghe nói như vậy thật là một điều hy hữu, nên hỏi tiếp:

- Thưa Ngài! Chúng tôi có thể học pháp môn Ngài đang thực hiện không?

- Pháp môn này không dành riêng cho ai. Ai cũng có thể thực hiện được hết.

Đây là cách thức tu hành không dành riêng cho ai. Nhưng với điều kiện phải chấp nhận, phải gan dạ, phải buông bỏ, hy sinh, cứng rắn, dứt khoát thì thực hiện pháp môn này mới thành công.
Sau khi nhà vua tỉnh giấc thấy các cung nữ không có mặt ở đó nên mới đi tìm. Đi đến khu rừng thấy các cung nữ đang vây quanh vị tu sĩ kia, nhà vua nổi giận tới chỗ vị đó, hỏi:

- Ông ở đây làm gì?

- Tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục.

Vua rút gươm ra hỏi:

- Hạnh nhẫn nhục là gì?

Trong khi hỏi nhà vua chém đứt hai tay vị ấy. Rồi hỏi tiếp:

- Ông ở đây làm gì?

Vị tu sĩ vẫn tươi tỉnh bình thường, đáp:

- Tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục.

Vua chém bứt luôn hai chân và hỏi nữa:

- Ông ở đây làm gì?

Vị tu sĩ vẫn bình thường tươi tỉnh trả lời:

- Tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục.

Bấy giờ nhà vua hơi chấn động, nhưng nỗi ghen tức không dừng được nên cắt mũi tai của nhà tu. Cắt xong hỏi:

- Ông ở đây làm gì?

- Tôi ở đây tu hạnh nhẫn nhục.

Khi nhìn kỹ trên gương mặt vị ấy không có gì suy suyển, nhà vua thật sự chấn động. Đồng lúc đó trên không gian bao nhiêu sự chấn động, bao nhiêu âm thanh oán trách nhà vua. Gương mặt vị tu sĩ kia vẫn bình thường tươi tỉnh, máu me của ngài chảy ra biến thành chất đặc biệt. Và trong nhất thời tất cả những thân phần của ngài trở lại bình thường. Vua thấy mình làm bậy quá rồi, liền dập đầu sám hối:

- Thưa Ngài! Ngài là người tu hạnh nhẫn nhục, Ngài đã đạt được hạnh Nhẫn nhục ba-la-mật. Ngài đã mặc chiếc áo nhẫn nhục một cách hoàn bị. Hôm nay tôi đến khuấy phá Ngài, tôi đã tạo tội lớn với Ngài, chắc chắn tội này không thoát khỏi những hậu quả khổ đau, xin Ngài thương mà tha thứ cho tôi.

Bấy giờ vị tu hạnh nhẫn nhục nói với nhà vua:

- Ta tu hạnh nhẫn nhục không cầu gì khác hơn cầu thành Phật và đem giáo lý chân chính ấy để dẫn dắt tất cả chúng sanh, tạo duyên lành cho tất cả chúng sanh đừng gây nghiệp nhân xấu nữa. Đó là tâm nguyện của ta. Hôm nay nhà vua trong phút chốc nông nổi si mê, gây những nghiệp nhân không tốt, ta nguyện khi thành đạo sẽ dùng những phương tiện tốt đẹp nhất độ ngài đầu tiên.

Vị tu hạnh nhẫn nhục ấy là tiền thân của Phật. ngài đã khoác lên mình chiếc áo chân thật nên mới có thể nhẫn nhục rốt ráo như vậy. Chúng ta muốn thành Phật cũng phải mặc chiếc áo chân thật ấy. Nghĩa là lòng mình phải chân thật. Vị tu sĩ kia hành hạnh nhẫn nhục vì cầu thành Phật, nên tất cả những gì sợ hãi, tham lam, giận hờn, ích kỷ… đều loại ra hết. Những gì không giúp cho mình thành Phật thì bỏ hết.

Người tu phải có hạnh nhẫn nhục. Nhẫn nhục là phương tiện để chúng ta có được chiếc áo chân thật. Trong kinh nói người hành hạnh nhẫn nhục hoàn bị làm bất cứ việc gì cũng thành tựu hết. Chữ nhẫn ( 忍 ) có nghĩa là nhận chịu tất cả. Nhẫn nhục là nhịn chịu, chấp nhận. Phật tử nghiệm xem mình có thể làm được không? Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều có thể làm được. Bởi vì nó không phải là việc gì ở ngoài cuộc sống này.

Cuộc sống này với biết bao bấp bênh, những sự kiện xung quanh, chúng ta cam chịu, chấp nhận với trí tuệ sáng suốt, không mong cầu gì khác. “Tôi nhận chịu điều đó với mục đích duy nhất là cầu thành Phật.” Cầu thành Phật là cầu trí tuệ viên mãn, tròn đầy, để tự mình hết khổ, được giải thoát và dẫn dắt những người còn khổ đau cùng thoát khổ, được giải thoát an vui. Chỉ một mục đích duy nhất ấy thôi.

Nếu chúng ta quyết định như vậy thì sẽ làm được, chứ không khó khăn lắm. Không đòi hỏi chúng ta phải làm 100%, từ 30% cho đến 50% hoặc 70%… là tốt rồi. Còn như nghe lời gì không vừa ý, trái với sở thích của mình, ta ong óng lên… thì nhất định không bao giờ tu hạnh nhẫn nhục được, không mặc chiếc áo chân thật được. Đức nhẫn nhục là phương tiện, giúp chúng ta có thể hình thành chiếc áo chân thật của mình. Chân thật là gốc. Trong cuộc sống ngay bây giờ đây, không luận các vị phải đến chùa, tụng kinh hay làm việc gì, mà trong cuộc sống Phật tử luôn lấy chân thật làm gốc, kế nữa là hành hạnh nhẫn nhục. Người thực hiện được như vậy là người có trí tuệ sáng suốt.

Làm bất cứ việc gì bằng sự tỉnh táo sáng suốt thì nhất định chúng ta làm đúng Phật pháp rồi. Làm mà không do tham, không do si mê điên đảo thì không sai lời Phật dạy. Đây là Phật pháp phổ cập trong đời sống của mọi người. Đâu đợi chúng ta phải đọc học bao nhiêu thứ kinh điển, nếu những việc làm bình thường trong cuộc sống mà ta tỉnh táo sáng suốt là đã có trí tuệ. Ngược lại chúng ta không chịu làm mà chỉ đọc học thì chỉ là nói rỗng. Nói một trượng không bằng làm một thước, nói một thước không bằng làm một tấc. Người con Phật chúng ta hôm nay vừa có học vừa có hiểu vừa có làm mới xứng đáng là Phật tử. Nói một trượng làm một trượng, nói một thước làm một thước, nói một tấc làm một tấc. Vạy mới hay.

Ngày xưa Tổ Sư Tử gặp nhằm thời vua Kế Tân. Nhà vua bị ngoại đạo gạt, mất lòng tin với Phật pháp. Nghe tổ truyền bá tông chỉ Bát-nhã, vua đến hỏi:

- Tôi nghe ngài tứ đại vốn không, ngũ uẩn chẳng thật, vậy có thể cho tôi cái đầu được chăng?

Tổ hoan hỷ nói với vua:

- Ngũ uẩn đã không thật, sá gì cái đầu!

Vua nghe nói liền rút gươm chém một phát, đầu Tổ rơi xuống, một dòng máu trắng phún lên. Nhà vua hoảng sợ ăn năn thì việc đã muộn rồi. Song ngang đây ta có thể học được hạnh chân thật của Tổ. Đã nói ngũ uẩn giai không chẳng lẽ cái đầu thật sao? Cho nên Ngài trả lời một cách khẳng định “ngũ uẩn đã không, sá gì cái đầu.” Để thể nghiệm lời nói đó, nhà vua rút gươm chém rơi đầu tổ. Từ đó cái chân thật không lay chuyển của tổ sư còn mãi tới bây giờ.

Chúng ta là những con cháu đang học, đang hành pháp môn đó. Nếu lúc Tổ thấy vua rút gươm ra chém mà run nói: “Thưa Ngài! Tôi nói như vậy nhưng để tôi nghiên cứu lại xem…” thì nguy rồi, bây giờ chúng ta không có pháp môn để tu tập. Trái lại Ngài đã khẳng định chấp nhận như vậy. Rõ ràng cái nhẫn nhục phải đi kế với cái chân thật. Chấp nhận thà mất đầu mà giữ được pháp môn, lý tưởng mình đã thực hiện và tôn thờ.

Trở lại đời sống bình thường, chúng ta khoan bàn những gì xa xôi. Trong cuộc sống những liên hệ bình thường giữa con người với con người, gia đình với gia đình, Phật tử với Phật tử… nếu chúng ta hiểu được Phật pháp và biết kinh sợ nhân quả, thì nhất định không thể thiếu cái chân thật. Sự chân thật phải được nuôi dưỡng từng ngày, từng phút, từng giây, trong mỗi sinh hoạt của mình. Khi nhận định thấy đúng rồi, với quyết tâm chúng ta sẽ đạt được viên mãn. Từ những chuyện nhỏ, từ lời nói, hành động, ý nghĩ, chúng ta đều sống trong sự chân thật.

Lại một chuyện trong nhà thiền. Đó là chuyện Quốc sư Phật Quang Viên Mãn Thường Chiếu. Ngài sống nhằm thời Trung Quốc có chiến tranh. Lúc tị nạn tại chùa Năng Nhân núi Nhạn Đảng – Ô Châu. Quân Nguyên kéo đến, chúng đều chạy hết. Sư không đi, một mình ngồi trong chùa. Quân Nguyên lấy dao cứa cổ sư, thần sắc sư không thay đổi, điềm tỉnh nói kệ:

                            Càn khôn vô địa trác cô cung,
                            Thả hỷ nhân không pháp diệc không.
                            Trân trọng Đại Nguyên tam xích kiếm,
                            Điện quang ảnh lý trảm xuân phong.

            Dịch:
                            Trọn không chút đất cắm cây cung,
                            Mừng thấy nhân không pháp cũng không,
                            Kính mời Đại Nguyên hươi kiếm bén,
                            Lướt nhanh trong bóng chém xuân phong.
                            Quân Nguyên nghe xong, đảnh lễ sám hối rồi đi.

Qua bài thi này Ngài đã nói lên được người tu hành rốt ráo không còn vướng kẹt chiếc thân ngũ uẩn nữa. Ngài biết rõ nó không thật vì đang mặc chiếc áo chân thật. Do đó đừng nói là đưa gươm cứa cổ, Ngài đưa cổ cho giặc cắt luôn, vì Quốc sư hoàn toàn không còn kẹt chấp một chút nào về thân này. Xem gươm chém vào cổ như chém gió xuân thôi, không có gì phải sợ sệt. Do tinh thần dũng cảm, gan dạ, siêu việt như thế nên Ngài bình yên vô sự.

Cho nên muốn được bình yên chúng ta phải có đức nhẫn nhục và là người chân thật. Đức nhẫn nhục được thực hành viên mãn và chiếc áo chân thật được mặc vào người rồi thì tự tại vô quái ngại, không gì có thể làm lay chuyển mình nữa. Điều này quý vị đừng nghỉ chúng ta không làm được. Hòa thượng Viện Trưởng có kể câu chuyện thế này:

Trong những năm Ngài đi giảng ở miền tây, lần đó về Cai Lậy - Tiền Giang. Có một vị Phật tử học Phật đã lâu, rất thuần thành. Cứ thường đêm ông đến chùa tụng kinh, các kỳ sám hối không bao giờ bỏ mất. Tại nhà ông cũng thiết lập bàn thờ Phật. Bản thân ông tu và hướng dẫn gia đình cùng tu theo. Chiều đó ông đi chùa như thường lệ. Từ nhà ông đến chùa phải đi ngang qua một cái bót. Hôm ấy trong bót, từ bót trưởng đến lính tráng nhậu nhẹt linh đình. Tiệc nhậu bắt đầu từ hồi nào không biết, tới chiều ông đi ngang họ đã say mèm. Trưởng bót tửu lượng khá cao, tuy gục nhưng ông vẫn còn nhậu và còn nói được. Vừa thấy cư sĩ, Trưởng bót kêu lên và ông vô nhậu. Nghe kêu ông phải vô, Trưởng bót chỉ chai rượu bảo:

- Rượu đây, ông uống với tôi!

Cư sĩ nói:

- Tôi không biết uống rượu.

Trưởng đồn bắt buộc phải uống, nếu chết ông ta chịu. cư sĩ nói:

- Thưa quý ông! Tôi là Phật tử, giữ giới thứ năm không được uống rượu.

Trưởng đồn nổi sân:

- Tôi bảo ông phải uống! Rớt xuống địa ngục tôi chịu cho.

Trong lúc giằng co như vậy, gã Trưởng đồn nổi sân rút súng ra đòi bắn. Vị cư sĩ nhất định giữ giới, không chịu uống. Lúc đó mấy anh lính địa phương biết cư sĩ là người thật tu, thấy tình cảnh găng quá, họ càn vô giữ súng lại và đẩy cư sĩ ra. Nhờ vậy vị này thoát chết.

Sau đó ông kể chuyện lại cho quý thầy nghe. Và nói: - Tâm nguyện của con là quyết chí tu theo Phật. Giả dụ khi đó không ai cứu, nó bắn chết con nhất định cũng không uống rượu. Rõ ràng đâu phải người xưa mới tu được, trong thời đại của chúng ta cũng có người làm được. Hàng cư sĩ tại gia còn như thế, huống nữa kẻ xuất gia tu hành như chúng ta lại mang ý chí hạ liệt được sao?

3- Chiếc áo trang nghiêm.

Là người con Phật chúng ta mặc chiếc áo chân thật, học hạnh nhẫn nhục, để hoàn thành cuộc sống phạm hạnh cao đẹp của mình. Thật ra, chúng ta đã trôi giạt trong luân hồi sinh tử chịu khổ đau cùng cực nhiều đời kiếp rồi. Bây giờ may mắn được gặp Phật pháp, nếu không nỗ lực tu thì thật đáng tiếc lắm. Ngồi trong giảng đường này, số người trẻ dưới 20 tuổi ít hơn số người dưới 30, số người dưới 30 ít hơn số người dưới 40, 50, 60. Chúng ta có bảo đảm từ đây cho tới khi nhắm mắt, mình sẽ thực hiện trọn vẹn lời Phật dạy không? Hay còn nhiều trở lực, những trục trặc khó có thể thực hiện trọn vẹn lời Phật dạy? Nghĩ như vậy nên mình khéo léo giữ gìn thân này để tiến tu.

Chúng ta không quý trọng thân một vô lý hay si mê dắm trước, mà biết sử dụng nó đúng lúc. Nếu cần phải hy sinh thì ta hy sinh, nhưng bình thường đừng uống thuốc tự vận chết. Không chiều chuộng, không lệ thuộc, không uống thuốc bổ cho thân phì nhiêu, nhưng chúng ta phải có sự điều hòa để mạnh khỏe tu hành. Tại sao? Bởi chúng ta biết rằng hiểu Phật pháp là vấn đề khó khăn, hành Phật pháp từ đây cho đến hết đời lại càng khó hơn. Ngang đây mà mất thân, mất đi cuộc sống thì lấy gì tu hành? Cho nên thời gian còn lại, vì sự tu hành mà ta phải sống, phải điều hòa thân tâm cho tốt. Phật tử nào có quan niệm như vậy thì người đó sáng suốt, biết thương mình, biết sắp đặt cho đời mình.

Nói thân không thật, không quan trọng, nhưng bây giờ bỏ thân này, tìm thân thật ở đâu? Cho nên ngay đây chúng ta lợi dụng thân tâm này để tu, thực hiện trọn vẹn cái chân thật của mình. Nên nhớ cái chân thật không thể tìm đâu ngoài cuộc sống, ngoài thân tâm này. Hiểu rõ như vậy, chúng ta tổ chức cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ hài hòa và áp dụng đạo lý vào đời sống tu hành của mình. Chẳng những như thế, càng ngày chúng ta càng phát huy, càng tăng trưởng đạo hạnh, trí tuệ thêm lên. Căn cứ từ thân tâm này mà tu hành, bước từng bước một.

Tất cả chúng ta hiện nay đều có nhân duyên thuận lợi. Đó là có thân người, có hiểu biết, có duyên gặp Phật pháp. Nếu nói sung sướng tột đỉnh thì ta chưa được, nhưng cũng không phải là kẻ quá cùng khổ. Chung chung chúng ta có đủ cơm ăn áo mặc, sáng suốt, có duyên lành gặp Phật pháp và phát tâm tu tập. Những duyên thuận lợi chúng ta có sẵn rồi, bây giờ chỉ còn phát huy như thế nào để hoàn bị tư cách con người và đạt mục đích cao tột nhất là giác ngộ giải thoát.

Nếu không biết sử dụng thân, làm mất đi phương tiện này thì chúng ta khó tạo một phương tiện khác tốt hơn. Cho nên không thể chờ đợi hẹn hò nữa, mà ngay đây phải tu gấp. Phật đã nói ai tu cũng được, bà già tu cũng được, ông già tu cũng được, các cô tu cũng được, các em nhỏ tu cũng được. Biết tu là tu được. Gan dạ chấp nhận tu hạnh chân thật và hoàn bị hạnh nhẫn nhục cho mình thì nhất định công phu sẽ viên mãn. Đó là chúng ta có được chiếc áo trang nghiêm.

4- Chiếc áo chánh ngữ.

Người tu Phật không nên nói lời thô ác, độc hại. Đây là vấn đề bình thường nhưng không khéo chúng ta sẽ tạo nghiệp không ít, từ đó mất phước và gặp nhiều trở ngại trên đường tu hành. Người thế gian khi nổi nóng lên, họ nói năng rất khó nghe, sổ ra những thứ vô lý quá. Như hôm qua, đằng trước thất tôi có cái giả sơn, tôi có thói quen sáng sớm hay săm soi giả sơn một chút rồi mới làm việc khác. Lúc đó có một em nhỏ khoảng chín mười tuổi với hai cô gái lớn hơn, xăm xăm từ vườn mít vào. Họ băng qua giả sơn ngay chỗ tôi đứng, thấy tôi họ khựng lại một chút. Tôi thấy người nữ nên quay chỗ khác. Họ bước qua, một cô sơ ý vấp phải cục đá, vừa vấp là cô ta nói tục liền. Tôi ngạc nhiên, lẽ ra những lời đó không bao giờ có trong bụng mấy cô. Lỡ vấp thì đứng dậy đi, mắc mớ gì mấy viên đá? Tôi không có ác ý sắp đá cho mấy cô vấp. Thế mà cô ta sổ một hơi toàn những lời khó nghe.

Đó là những thứ mà Phật nói nó ngủ ngầm trong chúng ta. Nhiều người có nhan sắc, không thiếu thốn thứ gì nhưng trong sự duyên thế nào đó khiến họ mất hết tư cách của một con người tốt. Người con Phật chúng ta nếu không khéo cũng vọt ra những lời thô tục như thế. Đối với những lời thô, lời ác, người con Phật phải dè dặt, bởi vì cái miệng mình có tới bốn tội trong số mười tội. Nói đâm thọc, nói thêu dệt, nói ác khẩu, nói dối. Nội cái miệng này thôi tội nhiều đến thế, tu mà kết nhiều tội như vậy làm sao thành Phật được?

Trong giáo đoàn của Phật có 1250 vị Tỷ-khưu, người quản lý đại chúng là Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Mục-kiền-liên. Tất cả các việc trong Tăng đoàn, hai Ngài đều sắp đặt, trừ những việc đặc biệt quan trọng mới trình lên đức Thế Tôn. Một hôm có số Tỳ-kheo trẻ, đạo hạnh chưa viên mãn, nên suy nghĩ không mấy tốt đối với hai Tôn giả. Các vị nói lời không tốt về Trưởng lão Xá-lợi-phất. Đức Thế Tôn nghe được kêu các Tỳ-kheo ấy tới quở, bảo phải đến Trưởng lão Xá-lợi-phất sám hối, nếu không sẽ bị quả báo. Thế mà sau khi sám hối rồi, các vị đó cũng còn bị hậu quả khổ đau sanh vào một trong ba đường ác.

Phật dạy Lời nói giống như lưỡi búa bén. Mỗi lời nói ra như dùng lưỡi búa bén chém người vậy. Lời nói ác độc hơn là rắn độc, lửa dữ. Từ những lời nói ác độc thô lỗ mà kết thành quả khổ. Phật đem các điều đó ra dạy các Tỳ-kheo, khuyên các thầy đừng bao giờ nói những lời thô ác. Lửa dữ thiêu đốt chết người, rắn độc có thể cắn chết người, nhưng nỗi khổ ấy chỉ trong một đời, còn lời nói ác độc di hại chịu khổ nhiều đời trong những con đường tăm tối, rất đáng ghê sợ.

Trong kinh còn kể, có một Sa-di mới tu ở gần bên vị Tỳ-kheo già. Thường người già tụng kinh đâu có hay, tiếng ồ ề đứt quãng. Chú Sa-di nhỏ nghe ông thầy già tụng kinh không hay, mới nói chơi: - Ông thầy tụng kinh tiếng như chó sủa. Vì còn nhỏ nên chú chưa biết sợ. Sau khi phát ngôn rồi, trong chúng có vị Trưởng lão đã chứng đạo, thấy nguy cho vị Sa-di nên bắt chú sám hối vị Tỳ-kheo già, hứa từ đây về sau giữ cái miệng như cây quạt mùa đông. Giữ miệng như cây quạt mùa đông là việc gì đáng nói mới nói, không đáng nói dù người ta lấy đũa bếp cạy miệng cũng không nói. Tuy đã sám hối và được dạy bảo như vậy, nhưng chú Sa-di chết phải đọa làm thân chó năm trăm đời. Quý vị thấy lời nói nguy hiểm ghê chưa. Vì vị Tỳ-kheo già đó đã chứng quả A-la-hán. Chú Sa-di không biết nên nói tầm bậy đối với một vị Thánh, nên phải mang họa đến thế.

Chúng ta có khi làm chủ được lời nói, có khi không làm chủ được. Những lúc quá vui hoặc những lúc tức giận buồn khổ, ta không làm chủ được lời nói. Khi tức giận lời nói hừng hực như lửa dữ, khi quá vui lời nói bừa bãi không ý tứ, dễ đi đến trường hợp nói quá lời. Vì vậy người Phật tử phải tạo thế cân bằng ôn hòa trong cuộc sống để lời nói luôn đúng đắn, tốt đẹp. Cần nói thì nói trong sự suy xét kỹ lưỡng, chính chắn. Điều gì trái đạo lý, làm đổ vỡ tình giao hữu, tổn hại xóm làng, mất niềm tin giữa các tín hữu... thì không nói. Dù nói một lời được bao nhiêu triệu dollar cũng không bao giờ nói. Bởi những lời thô ác có hiểm họa ghê gớm lắm.

Trở lại vấn đề tu hành của người con Phật chúng ta hôm nay. Trong đời sống bình thường, mỗi Phật tử tự ý thức và cố gắng giữ sự sáng suốt bình tĩnh của chính mình. Dù suy nghĩ việc gì tốt mà giờ ngủ giờ ăn đem ra suy nghĩ hoài, cũng là người mất bình thường. Ngủ mà suy nghĩ hoài thì ngủ không được, ăn mà suy nghĩ hoài thì ăn không ngon, làm việc mà suy nghĩ chuyện khác là nhị tâm, dễ bị tai họa nữa lắm. Mình sắp đặt như vậy rồi thì làm, cố gắng dẹp bớt những suy nghĩ gì vô ích, làm tổn đạo hạnh.

Nói lời thô ác sẽ có quả báo xấu. Nói một lời ác thôi cũng đã ăn năn sám hối, vậy mà phải làm thân chó năm trăm đời. Quý vị thấy sung sướng gì mà mình nói như vậy? Cho nên cố gắng giữ khẩu nghiệp. Giận quá định nói gì đó liền thôi, ngậm miệng lại, đi chỗ khác, nếu thấy mình chưa tự chủ được. Tránh duyên là điều không thể thiếu trong đời sống tu hành của chúng ta. Tự thấy mình còn yếu, còn dở thì phải tránh duyên, tu hành mới tiến được. Còn yếu, lội chưa giỏi mà lội tới chỗ nước sâu hoặc nước xoáy thì dễ bị chết chìm. Lội dở thì lội qua sông nhỏ, chỗ sóng ít thôi, đừng đến chỗ nước xoáy. Người ỷ mình có sức khỏe nhưng lội chưa giỏi, tới những chỗ nguy hiểm thì tai họa bị chết chìm dễ như chơi. Việc tu hành cũng vậy.

Người tu phải luôn sáng suốt bình tĩnh, đừng bao giờ để si mê, giận tức, điên đảo dẫn mình hành động. Có thế mới hy vọng mặc được chiếc áo chân thật. Tôi cầu chúc cho quý vị mà cũng cầu chúc cho tôi luôn luôn đầy đủ sự sáng suốt, nhớ lời Phật dạy, mặc chiếc áo chân thật của chính mình. Đường đi, lời nói, việc làm của chúng ta phải chân chánh thanh tịnh. Mong tất cả chúng ta thực hiện được điều đó.

[ Quay lại ]