headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 06/11/2024 - Ngày 6 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

Điều Kiện Tu Thành Phật

thanhdaoTrong tinh thần tu hành, chúng ta thử cùng nhau trao đổi về những điều kiện để trở thành người Phật tử chân chánh, từ đó tiến lên thành Phật. Phật tử có duyên với Phật pháp, Phật pháp cũng có duyên với Phật tử nên hai bên mới gặp nhau. Lời Phật dạy cách đây hai ngàn mấy trăm năm mà chúng ta nghe vẫn thấy thích, vẫn áp dụng được, rõ ràng là có duyên. Bởi có duyên nên chúng ta quý kính Tam bảo, hướng về Tam bảo tu học.

Trong tinh thần tu hành, chúng ta thử cùng nhau trao đổi về những điều kiện để trở thành người Phật tử chân chánh, từ đó tiến lên thành Phật. Phật tử có duyên với Phật pháp, Phật pháp cũng có duyên với Phật tử nên hai bên mới gặp nhau. Lời Phật dạy cách đây hai ngàn mấy trăm năm mà chúng ta nghe vẫn thấy thích, vẫn áp dụng được, rõ ràng là có duyên. Bởi có duyên nên chúng ta quý kính Tam bảo, hướng về Tam bảo tu học.

Tuy nhiên quá trình tu học không phải ngắn, không ai biết mình tu bao lâu mới thành Phật, nhưng chắc chắn sẽ thành Phật. Chúng ta nỗ lực tu học, tùy hoàn cảnh từng người, cố gắng hành trì nhất định ai cũng thành Phật. Biết rõ như vậy chúng ta có niềm vui, có sự phấn khởi khi tu. Tuy nhiên cần nắm vững những lời Phật dạy, tức là nắm vững pháp tu. Khi áp dụng điều gì, chúng ta phải hiểu biết một cách chính xác về điều ấy. Có thế việc hành trì mới không bị sai lệch.

Ở đây, điều thứ nhất tôi muốn nói là trang nghiêm tâm Bồ-đề. Tâm bồ-đề tức là tâm giác ngộ. Muốn trang nghiêm tâm bồ-đề, ta dùng những phương tiện gì, điều kiện như thế nào? Mỗi chúng ta đều có tâm giác, nghĩa là đều có chất Phật. Có chất Phật nhưng ta bỏ quên nên làm chúng sanh trôi lăn trong ba cõi từ vô lượng kiếp đến nay. Bây giờ muốn trở về Phật chất của mình, trước nhất phải trang nghiêm tâm bồ-đề. Trang nghiêm là làm sao mỗi ngày trau giồi công phu, không để tâm Bồ-đề bị khuất lấp, làm sao mỗi ngày đạo lý mỗi sáng rực trong đời tu hành của mình. Trang nghiêm có nhiều mặt. Về hình thức như quí vị cùng nhau thành lập một đạo tràng, kẻ góp công người góp của, gầy dựng nên một đạo tràng tốt đẹp trên cơ sở vật chất để sinh hoạt tu tập. Về nội dung, mỗi vị đều tuân thủ theo nội qui của đạo tràng, tu hành đều đặn, tinh tấn, thân tâm được chuyển hoá đi đến kết quả ngày càng an lạc. Đây gọi là trang nghiêm đạo tràng.

Chúng ta muốn thành Phật thì phải tu. Tu là sửa đổi. Tinh thần tu của Hòa thượng Viện Trưởng dạy là “Buông đi! Bỏ đi! Đừng nắm bắt nữa”. Buông cái gì? Bỏ cái gì? Đừng nắm bắt cái gì? Cái gì không đáng giữ thì buông, cái gì không cần thiết thì bỏ, cái gì không nên nắm bắt thì vất đi. Nghĩa của chữ tu là như vậy. Làm sao trong từng phút giây tinh thần hướng đến sự giác ngộ giải thoát phải sáng rực. Nói công phu, nói tu hành, nói học đạo v.v... tất cả những từ này đều chỉ đến sự tập trung sáng rực tâm bồ-đề của chúng ta. Tâm bồ-đề sáng rực thì tất cả những thứ tăm tối cù cặn sẽ không cócơ hội bu bám. Điều này nói thì dễ nhưng làm rất khó.

Ngày xưa có một thiền sư trên đường đi hành cước, nhận được lá thư của mẹ gởi đến. Đại ý trong thư kể lại hoàn cảnh gia đình từ lúc Ngài bắt đầu bỏ nhà đi tu. Cha già đau yếu đã qua đời, đến lượt mẹ Ngài cũng bệnh hoạn yếu đau. Cả nhà mong nhớ lo lắng trông ngóng tin tức Ngài từng phút từng giây. Nhưng khi nhận được thư, Ngài trân trọng đưa lên nói: Đây là những duyên làm trở ngại cho việc tu hành, không sáng đạo được. Ngài xé lá thư để xuống và nguyện: - Con nguyện tu hành cho tới chừng nào thành đạo, mới đọc lá thư này.

Chúng ta nghe thế, thấy dường như thiền sư quá nhẫn tâm, nhưng đó chính là ý chí cương quyết của người tu. Việc tu hành quan trọng hơn hết. Thà là không tu thì thôi, chớ đã phát tâm, làm người xuất gia học đạo, khi việc mình chưa rồi, lại để thêm những duyên sự bên ngoài vào thì biết bao giờ xong được việc mình, cho nên phải vất ra. Cho nên nói thì dễ nhưng hành khó lắm! Đó là nói trong phạm vi gia đình cha mẹ, anh em. Ngoài ra còn có nhiều thứ tình thương ràng buột, làm trở ngại việc tu hành của chúng ta. Trong đó có một thứ tình độc đáo ghê gớm nhất, đó là tình thương giữa nam nữ. Nó mạnh mẽ trường kỳ đến độ người ta phải dẫn nhau đi mãi trong vòng luân hồi. Phật đã nói rõ với chúng ta về điều đó.

Trở lại vị thiền sư ở trên, khi nhận được thư gia đình Ngài đã xé thư với lời thề kiên quyết tu phải sáng đạo, chứ không phải xé thư vì bất hiếu. Trong đạo, những con người như vậy mới tu hành đến nơi đến chốn. Bây giờ chúng ta cũng tu, cũng xuất gia hoặc các vị hướng về tam bảo, là Phật tử tu tại gia nhưng ý chí không bằng người xưa. Ở đây tôi muốn nói, tu hành muốn đến nơi đến chốn, muốn đạt được sở nguyện của mình một cách triệt để thì phải có ý chí, sự kiên quyết. Có cương quyết mới trang nghiêm tâm bồ-đề sáng rực. Nếu chúng ta để cho những cù cặn làm trở ngại đường tiến đạo, việc tu sẽ bị thoái hóa, hoặc giữa đường bỏ cuộc.

Nội chuyện chiến thắng được tình cảm gia đình là đã khó rồi. Như chúng tôi, có nhiều vị tu một thời gian cũng nhớ nhà, lâu lâu cũng viết thư, kể cho cha mẹ anh chị nghe “con tu ở chùa thế này thế kia, năm nay thọ giới Tỳ-kheo rồi…” Ở nhà nghe có chuyện gì hơi thua thiên hạ một chút là lo, “Thôi lên thăm ổng một chút coi sao?”. Gặp được người thân thì thôi, ngồi lại nói chuyện năm trên năm dưới, kể lể đủ thứ. Một lần thăm kể lể như vậy, ngồi thiền tuần lễ chưa yên. Ngồi thiền cứ hiện ra cảnh bố lên, mẹ lên, anh chị lên… Nhất là gia đình có tình thương đầm ấm từ mẹ cha cho tới tất cả con cái trong gia đình. Nhà Phật nói sợi dây tình cảm gia đình muôn đời khó dứt. Là người tu, Phật bảo chúng ta phải có đầy đủ trí tuệ để cắt đứt sợi dây ân ái này. Đó là điểm thứ nhất nói về tinh thần trang nghiêm tâm bồ-đề.

Điểm thứ hai là trân trọng đối với những lời dạy của Phật, để hành trì đúng và sống trọn vẹn với tinh thần của đạo. Trang nghiêm tâm bồ-đề là chỉ nói tổng quát, tới điểm thứ hai chi tiết hơn. Làm sao chúng ta hành trì, bảo vệ đúng lời Phật đã dạy. Trước nhất, chúng ta nghiệm lại mình, xem có thường xuyên giác ngộ không, hay lúc vầy lúc khác? Sự tu của chúng ta thường bị ngoại duyên gián cách, nên cái giác ngộ cũng bị cắt, ít khi có được sự giác ngộ liên tục. Dù chỉ trong một ngày, một buổi, một tiếng v.v... cũng khó có được sự giác ngộ liên tục. Trong một đời người, chúng ta nghiệm lại xem sự giác ngộ của mình được bao nhiêu? Còn sự si mê bao nhiêu? Rà tới rà lui, kiểm qua kiểm lại, tính ra cái giá giác ngộ có tí tẹo. Bởi giá có tí tẹo nên nằm xuống ngủ quên mất tiêu. Ngủ quên tức là mê, mê tức là quên.

Chúng ta đừng tưởng mê là không biết gì! Bây giờ có những chúng sanh thông minh hơn các vị Bồ-tát nữa, những vẫn bị xem là mê như thường. Tại sao? Như thời đại này là thời đại tin học, người ta nói là nhân loại văn minh, con người có thể làm bất cứ việc gì. Từ cái máy vi tính, người ta ngồi đây mà có thể thấy hình ảnh bạn bè, bà con ở bên kia quả địa cầu. Cho nên nói thông minh hơn các vị Bồ-tát, nhưng sự giác ngộ của những vị ấy thì không bằng các vị Bồ-tát. Hòa thượng thường dạy chúng ta “Hãy làm chủ được các dấy niệm.” Người nào làm chủ được các dấy niệm là người có thể giác ngộ liên tục. Còn người chưa làm chủ được các dấy niệm thì mê liên tục liên tục.

Ví dụ tôi ngồi đây, nghĩ trong nhà bếp hoặc nhà khách của Thiền viện. Niệm nghĩ đó không ai biết, chính tôi cũng không thấy hình thức nó ra sao, nhưng không biết từ đâu nó hiện ra. Những hình ảnh đó luôn luôn dấy động. Dấy động càng nhiều càng làm chúng ta nóng đầu, sảng sốt, không dừng được. Bây giờ Hòa thượng biểu chúng ta phải kiểm soát làm chủ, không chạy theo nó, không chấp nhận nó. Ba điều kiện đó đủ thể hiện được tánh giác của mình. Nhưng nghiệm lại, chúng ta không làm được điều nào hết. Vừa có niệm dấy lên là mình chạy theo mất rồi, hoàn toàn chấp nhận nó. Vì nó có sức mạnh kéo mình đi.

Pháp tu Hòa thượng dạy chúng ta là phải kiểm soát, phải làm chủ được các dấy niệm. Biết được các dấy niệm không chạy theo, nó không có sức kéo mình, mình không lầm nó, đó là người tỉnh giác. Kéo dài hay phát huy được tánh giác là việc làm quan trọng nhất của người tu thiền. Chúng ta thường không phát huy tánh giác mà phát huy ngã chấp. Ai cũng cố thủ cho mình là đúng, là thật. Phật nói đó là si mê điên đảo. Nên nhiều người thông minh mà không phải tỉnh giác. Biết hết nhưng không làm chủ được các dấy niệm, chứ không phải không biết gì. Cái nào hợp với bản ngã thì kéo về mình, cái không hợp với bản ngã thì đẩy ra. Kéo vào đầy ắp cũng khổ, không hài lòng đẩy ra cũng khổ. Nghĩa là tiếp duyên xúc cảnh đều thọ khổ hết.

Nghiệm lại thấy quả thật đáng thương cho mình. Những thứ không đáng mà mình cứ mắc mứu chạy theo hoài. Bởi đánh mất mình, bởi mê nên chúng ta bị những niệm kéo lôi. Từ một chút xíu dấy niệm mà ta không làm chủ được, nó sẽ kéo lôi và gầy dựng cơ đồ dẫn mình vào vòng luân hồi. Cho nên bánh xe luân hồi quay tròn, dù người có sức mạnh đến đâu mà không tỉnh giác cũng không làm cho bánh xe ấy dừng lại được. Người nào làm chủ được các dấy niệm, đừng cắt xén tánh giác thì tự nhiên bánh xe luân hồi dừng lại thôi.

Người tu Tịnh độ, niệm Phật A-di-đà đến chỗ nhất tâm bất loạn, phút lâm chung tỉnh táo, sẽ được Phật Bồ-tát đến rước. Còn người tu thiền thì sao, ai đón? Thật chúng ta tu thiền mà không tỉnh, không giác, không làm chủ được thì theo nghiệp thọ sanh. Tu thiền là tự đi, chọn đường mà đi, đi trong tự tại, không bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì. Nghe rất hùng hồn, rất đẹp, rất ngon, nhưng nếu tu không ra gì thì chắc phải đón xe than xe thồ mà đi. Nó kéo mình đi đâu ta cũng không biết, vì không tự chủ. Vì vậy các thiền sư thường nhắc nhở chúng ta phải tỉnh, phải làm chủ. Làm chủ ngay trong đời này, phải tỉnh trong tất cả thời. Có thế khi bỏ thân này chúng ta mới làm chủ được. Làm chủ thì đi một cách tự tại, vô quái ngại, không nghiệp nào dẫn ta được.

Thư của ông già đang bệnh nặng, bà già đang nhớ mong, mình xé bỏ không đọc thì còn ai cản trở nổi nữa. Niệm đầu tiên của người xuất gia bước vào đạo là cắt ái từ thân. Mình bỏ đi tình cảm thiêng liêng đó, không vướng mắc bận bịu gì để đổi lấy một đời sống cao thượng quý báu hơn. Khi đã tự tại được ta sẽ trở lại độ gia đình mà không sợ bị ràng buột khổ luỵ vì tình cảm nữa. Đó là ý nghĩa cao quý của người tu. Tu được như thế đảm bảo khi nhắm mắt bỏ thân này ta sẽ tự tại, sẽ chọn được con đường mình đi và không có gì ràng buộc nổi. Bây giờ chúng ta còn bị ràng buộc bởi nhiều thứ quá thì lúc chết không làm sao tự chủ được. Cho nên chúng ta phải cố gắng tháo gở, buông bỏ hết mới thoát khỏi vòng trầm luân sanh tử.

Điều thứ hai tôi muốn nói là việc gìn giữ bảo vệ công phu tu hành của mình làm sao cho được liên tục. Có thế mới phát huy sở nguyện của mình đến nơi đến chốn. Nói tới đây tôi nhớ lời dạy của các vị thầy đối với hàng đệ tử “Con phải nhớ tâm ban đầu của con.” Tâm ban đầu là tâm gì? Là tâm lúc chúng ta mới tới chùa, mới biết Phật pháp, mới gặp thầy. Tâm này rất mạnh rất đẹp. Chúng ta đến với Phật là chỉ cầu thành Phật, chứ không cầu gì khác. Không ai nói tới chùa cạo đầu ăn chay để mai mốt có năm trăm hay một triệu. Không ai sảng sốt mà cầu mong lạ lùng vậy. Đến với Tam bảo là con quyết chí tu theo thầy, học theo Phật cho tới chừng nào thành Phật mới thôi.

Điểm thứ ba rất cần thiết đối với người tu là không nên buông lung, không nên có niệm dễ duôi đối với việc tu hành. Đây là bệnh thường gặp của người tu. Bởi vì việc gì làm một thời gian chúng ta cũng thấy quen, thấy chán. Như mỗi chiều tụng kinh, khi quen rồi miệng tụng kinh mà trong bụng vọng tưởng lung tung, nhớ chuyện năm trên năm dưới… Đang tụng kinh, nhớ ngày mai hẹn đi đâu với ai đó, không biết khuya nay xe tới đúng giờ không? Tụng không sai câu nào hết, mở mắt, chắp tay, đứng trang nghiêm mà vậy đó. Đây gọi là mở mắt chiêm bao.

Ngoài tụng kinh ra, giờ khó khăn nhất là giờ ngồi thiền. Lúc đầu ngồi đau chân lắm, qua đau chân rồi tới bị vọng tưởng dẫn, không dừng được. Ngồi yên một hồi nghe thích thú mới nhớ năm rồi đi Nha Trang chơi, có ai, vui làm sao, buồn làm sao… Một giờ ngồi thiền mất trắng với dư hương vọng tưởng. Ngồi thiền như thế, một ngày ngồi chục thời Phật cũng chê, vì mình không sống cho mình một tí nào hết. Cho nên qua giai đoạn đầu đau nhức bức xúc về thân, đến giai đoạn kế là bị bệnh dễ duôi, chúng ta xem thường nên vọng tưởng kéo đi, không dừng được. Một tiếng ngồi thiền, trong đó điều thân điều hơi thở mất mươi lăm, hai mươi phút, chỉ còn chừng bốn mươi phút thôi. Bốn mươi phút đó mà gài vô một cái vọng tưởng thì thôi, xả thiền hồi nào không hay. Bấy giờ bạch với Sư phụ: Bạch Thầy, lúc này con ngồi thiền một tiếng đồng hồ không ăn thua gì hết. Không ăn thua là tại vì mình theo quách vọng tưởng rồi, có dính dáng gì tới chuyện ngồi thiền đâu.

Thật ra, có khi chúng ta ngồi thiền một tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ, mà không làm chủ được, dễ bị vọng tưởng dẫn đi lắm. Đừng nói những bên ngoài, ngay cả chuyện Phật pháp, những đạo lý mình đã được học cũng trở thành vọng tưởng cắt mất sự thanh tịnh trong thời gian ta ngồi thiền rất nhiều. Như hồi đó mình học đoạn kinh ấy bao nhiêu lần vẫn không thuộc không hiểu, tự nhiên ngồi thiền nó hiện ra một cách rõ ràng. Mình thích quá, theo một cái là nó dẫn đi suốt. Ta thấy điều này không có tội lỗi gì hết, nhớ lời Phật dạy, chứ có nhớ ai đâu mà sợ! Nhưng nó cũng làm cho mình mất thì giờ, có thể nói không dính dáng gì đến chuyện tu hành. Cho nên người xưa quở: Các ông tu thiền lên bồ đoàn thì ngồi gục lên gục xuống, xuống bồ đoàn thì dụm năm dụm ba nói chuyện trên chuyện dưới. Một bụng đầy những kinh kệ ngữ lục, rồi chuyện hay chuyện dở… Tu như thế Phật Di-lặc ra đời bao nhiêu năm, cuối cùng Ngài nhập diệt các ông cũng là chúng sanh thôi. Không theo được Phật Thích-ca cũng không bám được Phật Di-lặc. Thành ra người tu kỵ nhất là buông lung. Buông lung đây không phải mình làm những việc sai trái, mà là không đủ tĩnh lực để loại bỏ các vọng tưởng. Hòa thượng dạy vừa có một niệm dấy khởi phải bỏ đi. Huynh đệ nào vừa có một niệm dấy lên liền buông được, đây là người có tĩnh lực.

Người xưa nói Trên đường tu học vào Phật đạo, không có con đường bằng phẳng thênh thang. Vì vậy, đòi hỏi người tu phải có ý chí mãnh liệt, phải có sức chịu đựng phi thường, và lòng kiên nhẫn tột bậc. Người đó mới mong có được thành công trong việc tu hành. Thiếu ý chí thì không nói tu hành, mà bất cứ việc làm nào cũng chẳng đi tới đâu. Đường tu dài vô kể nếu không kiên quyết, không chịu đựng khó khổ, không có ý chí tu tập thì làm sao thành công được. Trên con đường thành công, không có dấu chân của người lười biếng. Người tu phải dám tiến thẳng, không sợ gian lao, chẳng từ khó nhọc. Sự thành công nào cũng luôn được đánh đổi bằng mồ hôi nước mắt, chứ không phải đánh đổi bằng sự nhàn nhã thư thả, ngồi uống trà nhấm bánh ngọt, nói chuyện hay dở của người. Không đơn giản như mỗi ngày xách giỏ đi chợ mua đậu hũ về nấu ăn đâu. Phải là người đầy đủ ý chí vượt qua tất cả trở lực mới nói thành công được. Chúng ta ý thức được như vậy thì không ai dám xem thường việc tu hành.

Có một Phật tử kể lại, từ khi con thỉnh Phật về, được quí Thầy làm lễ an vị Phật cho, trong nhà rất vui vẻ. Con nói với mấy đứa nhỏ:

- Bây giờ mẹ lớn rồi, mẹ tu nghe! Tụi bây đừng bày cái gì mà dính mắc tới mẹ, để mẹ tu.

Tuy nói như thế nhưng đứa con lớn đi về bà hỏi:

- Sao con? Chuyện đó thành công không?

Hỏi thì nó phải kể. Rồi thằng nhỏ đi về, bà cũng hỏi:

- Sao mầy? Chuyện đó ra sao?

Nó cũng phải kể. Lúc đầu bà nghe bình thường, không đặt thành vấn đề. Nhưng sau đó mắc mứu, bà vừa kể vừa than với mấy thầy: - Thầy ơi, chắc con tu không nổi. Không phải vì phá giới phạm trai nhưng công việc cứ cuốn lôi con hoài. Con không có được năm mười phút để tụng Bát-nhã nữa. Có bữa bà mặc áo tràng, thắp nhang định tụng kinh. Vừa cầm cây nhang nghe chuông cửa nhận liền liếc ra coi ai tới. Bạn tụi nhỏ rù rì nhà dưới, không biết chuyện gì? Thấy không được, phải xuống coi nó nói cái gì mà không chịu nói lớn cho mình nghe… Bà cắm nhang lên, xá Phật một cái, chưa kịp lạy, nghe thằng nhỏ nói:

- Mày ơi! Bây giờ mẹ tao mắc tụng kinh rồi làm sao?

Nghe vậy, bà hỏi:

- Gì đó?

Nó kể cho bà nghe. Nghe một cái, không kịp xá Phật liền cởi áo tràng đi theo tụi nhỏ. Làm như cái thắng của bà không còn ăn nữa. Cứ tới giờ tu là tuột thắng. Rồi bà đổ thừa: - Không biết Thầy làm lễ an vị Phật sao, nhà con bây giờ làm ăn phát đạt quá, con cứ hoài. Hồi chưa thờ Phật bà mong mỏi làm sao thờ Phật, tụng kinh, ngồi thiền. Nhưng từ khi thờ Phật tới giờ nó cứ như thế, tuột mất luôn.

Chuyện tu hành như vậy. Người không giữ vững được công phu rất khó tu. Nếu chúng ta không dễ duôi, không dám xem thường, không buông lung mới có thể vượt qua những thử thách. Trong thiền viện có giờ giấc, có khoá biểu và có lệnh nữa. Lệnh ở thiền viện là gì? Tới giờ hành trì, vị Quản chúng đánh chuông “bảo chúng”. Ví dụ sáu giờ rưỡi toàn chúng hành khóa lễ Bát-nhã, thì khoảng sáu giờ mười lăm thầy Tri sự đánh ba tiếng kiểng, đây gọi là “chúng lệnh”. Chúng lệnh khi đánh lên rồi thì từ thầy lớn cho tới thầy nhỏ, ai nấy đều chuẩn bị đi hành lễ trên chánh điện. Đến giờ này không có sự sắp đăït công tác nào khác, tất cả phải đi tụng kinh. Cho nên nghe ba tiếng chuông đó, ai nấy cũng mau mắn rửa mặt rửa tay mặc áo đắp y, lên Tổ đường, đứng ngay thẳng vào vị trí của mình, đợi vị Duy-na hướng dẫn toàn chúng lên chánh điện tụng kinh.

Lệnh nghiêm như vậy nhưng cũng có người dám “xé lệnh, dám đi ngã tắt ấy chứ. Nghe ba tiếng chuông, thay vì đi tụng kinh, sư phụ thấy ngồi đó hỏi:

- Ủa, sao không đi tụng kinh?

- Bạch Thầy, bữa nay con phải làm bên nhà bếp.

- Làm gì?

- Sáng mai có cúng dường nên con phải xuống xắt gọt.

- Trời ơi, làm gì xắt gọt bây giờ để tới ngày mai?

- Thầy ơi, không làm bây giờ ngày mai làm không kịp!

Đủ lý luận! Lý luận cho tới họ thắng mình, chứ mình không thể thắng họ. Có những ngõ ngách như thế. Đó là gì? Chúa tể của vọng tưởng. Thứ đó nó dẫn đi hợp lý hợp pháp, đủ giấy thông hành, không có công an giao thông nào bắt được. Vì vậy Hòa thượng ở đây vui lắm. Tới giờ tụng kinh, cụ chống gậy đi, nhìn thấy ai ngồi đó, cụ hỏi:

- Ủa, sao không đi tụng kinh chú?

- Dạ, … …

Ấp úng mãi, chẳng chú nào viện dẫn lý lẽ được. Đối với Hòa thượng, chỉ có bệnh hoặc trực nhà mới được nghỉ tụng kinh thôi, ngoài ra tất cả lý do khác đều bị rầy - Tu hành không được lười biếng như vậy! Sống trong tập thể, trong điều kiện răn nhắc như thế, thật là diễm phúc. Quý vị ở ngoài, đâu có ai răn nhắc, Hòa thượng đâu có chống gậy tới biểu gì. Vậy là quí vị đi suốt, tu không được.

Người xưa tu hành quyết tâm lắm! Đọc trong sử, tôi nhớ thiền sư Tịnh Lâm tu hành rất siêng năng. Nhưng tánh giác muốn đừng bị cắt xén khó quá. Cuối cùng thân thể Ngài mệt mỏi, dã dượi, muốn bỏ cuộc. Ngài lễ Phật khóc lóc, sau đó Ngài khởi dũng mãnh thế này. Chùa ở trên núi có một cây đại thụ, ngọn sà ra ngoài triền vực. Ngài ngồi thiền trên đó, thệ nguyện rằng: - Con nhiều đời bị thân cảnh ràng buộc, vướng bận trong vòng luân hồi khổ sở. Bây giờ nguyện trị thân này, không nghe theo nó, không dễ duôi với nó nữa. Ngài ngồi thiền trên đó, buồn ngủ cũng không dám ngủ, bởi vì rớt xuống là khó toàn mạng. Nhờ quyết tâm như vậy nên các cảnh duyên không bu bám được. Tu như thế thời gian Ngài sáng đạo.

Thiền sư Y Am, cứ mỗi chiều xuống Ngài rơi nước mắt. Thắp một cây hương lạy Phật tụng kinh, kiểm lại thấy không được gì Ngài rơi nước mắt, thương cho thân phận mình. Ngày qua ngày, già nua bệnh tật chồng chất, cái chết chụp tới bất cứ lúc nào, mà đạo thì chưa sáng. Mỗi ngày thọ dụng của đàn na thí chủ, khổ sở lắm. Ngài khóc cho mình dễ duôi, yếu đuối, con đường luân hồi dài không biết bao giờ thoát được! Ngài than “Hôm nay vẫn chưa được gì, ngày mai với công phu thế này chưa biết sẽ ra sao?” Người xưa tu hành không thấy kết quả tự than như thế, không phải như chúng ta ngồi thiền trông cho hết giờ. Tu như mình làm sao thành Phật được?

Nhắc tới ngài Y Am là nhắc đến tinh thần siêng năng tích cực của Ngài. Nghĩ đến đời tu của mình, nghĩ đến việc chưa rồi mà lo sợ, chứ không phải tích cực lo cất chùa to hoặc thu đệ tử cho đông. Tích cực vì mình chưa sáng đạo, thời gian qua nhanh, tuổi già chồng chất, bệnh hoạn ập tới… Bao nhiêu thứ nguy hiểm rình chờ mà mình không biết thương mình, không lo cho mình.

Đối với hành giả tu thiền, vượt qua được bệnh vọng tưởng thì đến bệnh hôn trầm. Hôn trầm là bệnh đáng sợ nhất. Ngồi hơi im im, con mắt kéo xuống là biết ma hôn trầm đến rồi đó. Hòa thượng dạy nếu gặp trường hợp này, chúng ta mở mắt lớn ra, ngó xa một chút. Mở mắt lớn ra mà thấy chưa ổn, thì tưởng hơi ấm ở dưới bốc lên xông khắp người. Chưa được thì phải dùng tới phương pháp “Lộc lô song quan”. Dùng “Lộc lô song quan” mà vẫn cứ ngủ thì không yên rồi, bây giờ phải đứng dậy lễ Phật, đi ra ngoài rửa mặt và thiền hành. Ma ngủ hành hạ như thế. Phải gắng lên, nếu để nó kéo mình thì suốt đời đi trong hang quỷ.

Người xưa ngồi thiền buồn ngủ thường tạo nhiều cách để trị. Có ngài ngồi ở những nơi nguy hiểm và phát nguyện: Nếu không tỏ ngộ thì không rời chỗ này. Lời thệ giống như Bồ-tát Sĩ-đạt-ta khi trải tòa cỏ dưới cội Bồ-đề. Bởi dũng mãnh phát nguyện, kiên quyết như thế nên các Ngài thành đạo. Còn chúng ta ngồi thay bao nhiêu cái bồ đoàn rồi cũng chưa thành đạo, vì chưa ai dám phát nguyện dũng mãnh như người xưa. Thế thôi. Thật ra không có bệnh nào không khắc phục được, nhưng đòi hỏi ý chí, trí tuệ, sự kiên quyết. Chúng ta có duyên lớn với Phật pháp mới gặp nhau trong một hội này. Mình đã có duyên với Phật nhiều rồi, nên đời này mới là con trai con gái của Phật, nên không có bệnh gì bất trị. Bẹânh dễ duôi, bệnh lười biếng… tất cả đều trị được hết. Người xưa trị được mình bây giờ cũng trị được. Trị không được là vì mình chưa dùng đúng thuốc.

Người tu hành không có ý chí mạnh thì không thành công, đành rồi, mà không chịu dùng thuốc cũng sẽ không thành tựu. Tôi nghĩ nếu người tu chúng ta bảo vệ công phu thì chắc chắn chúng ta thành công. Phật dạy chúng ta tu trong mọi hoàn cảnh, tu ba nghiệp của mình hay nói một cách dễ hiểu là tu phải hiền. Tu mà dữ thì không được. Tu hiền, tu ba nghiệp, tu trong mọi hoàn cảnh v.v... Nếu chúng ta biết bảo vệ việc tu hành của mình thì chúng ta thành công.

Thiền sư Từ Minh trong thời gian hành cước học đạo, Ngài đến Phần Dương nhằm lúc tuyết rét căm căm. Những người cùng đi với Ngài thối lui hết. Ngài Từ Minh dứt khoát, đã đi thì không trở lại. Cho nên sau này Ngài trở thành người kế thừa Phần Dương. Chúng ta đừng tưởng tuyết lạnh không buồn ngủ. Mặc đồ ấm ấm vô là thích ngủ ngay. Ngài Từ Minh ngồi thiền buồn ngủ, Ngài chuẩn bị một bếp lửa, một cây dùi nung trong bếp, gục một cái là Ngài lấy dùi kê vô bắp vế non một nhát. Làm như vậy ma buồn ngủ chạy mấy trăm ngàn cây số luôn cho nên Ngài mới thành công.

Chúng ta ngày nay ở nơi chẳng đến đỗi nóng cũng chẳng lạnh, không thiếu cơm thiếu gạo, cũng không phải là người có địa vị gì, nên chẳng ai mời mọc, kêu réo gì hết, thì ráng tu chứ! Điều hòa sức khỏe để tu. Tu sao cho có đạo lực, đó là việc bổn phận của mình. Tuy nhiên, huynh đệ lưu ý, vị nào tu đắc lực, được chút gì đó thấy như có “loé sáng”, liền khởi niệm “ngỡ mình đã được gì gì... đây là bệnh rất khó trị. Nó phát nguyên từ chỗ tập khí sâu dày của chúng ta. Tập khí sâu dày này phải được trị tận căn để, vì nó là cội gốc bản ngã. Nếu chúng ta thiếu cảnh giác, không trị nó thì chính những tập khí này sẽ dẫn mình vào đường tà.

Nói tóm lại, chúng ta đã có duyên với Phật pháp, có duyên với Thiền. Đó là hai bước tiến lớn. Đây là đà tiến thủ của người con Phật nói chung, không luận xuất gia hay tại gia. Nên giữ gìn và phát huy chủng tử lành ngày một tiến triển hơn lên. Người tu phải có ý chí vững chắc, nhận định chính xác, trí tuệ sắc bén thì mới thành công. Đồng thời mỗi người chúng ta ai cũng có tập khí, hơi hướm của dư báo nên chú ý điều trị tập khí. Nếu không trị chúng sẽ hành ta không tu được luôn. Huynh đệ cố gắng! Có Phật gia bị, có thầy tổ, có pháp tu trì và có sự quyết tâm của chúng ta thì nhất định sẽ thành công.

[ Quay lại ]