headertvtc new


   Hôm nay Chủ nhật, 22/12/2024 - Ngày 22 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHIA SẺ VÀ CẢM THÔNG

Chúng ta đã vào mùa an cư kiết hạ nhưng công tác xây dựng hai ngôi nhà May mặc và Bệnh xá chưa được hoàn chỉnh. Thầy có suy nghĩ cách đây một tuần rồi, nhưng tới sáng hôm nay mới vô sớm huy động Ni chúng dọn dẹp hai căn nhà này để chính thức đưa vào sử dụng. Bây giờ chúng ta đã đủ duyên họp mặt mừng ngày hoàn thành hai Phật sự nho nhỏ, bổ sung cho công tác xây dựng tạo cơ sở mặt bằng tu học của Ni chúng Trí Đức.

Huynh đệ phát tâm tu là quý rồi lại đủ duyên gặp thầy tốt, bạn tốt, sống trong điều kiện cơ sở tương đối tiện nghi thích hợp, thoáng mát để chúng ta yên tâm tu hành, nhất định ai cũng sẽ có thể gầy dựng được công phu tiến bộ. Đó là phúc duyên đặc biệt của chúng ta. Nhân đây Thầy có ít điều đóng góp với đại chúng trong chương trình tu học chung của viện.

Nhà may được gọi là nhà Trang Nghiêm pháp phục của viện. Bệnh xá là nơi có thuốc men, khi ni chúng bị bệnh yếu có thể nghỉ riêng điều dưỡng để mau chóng lấy lại sức khỏe, cùng tu cùng học vui vẻ với huynh đệ, nên gọi là nhà An Lạc. Sự sắp đặt này trước là nhờ hồng ân Tam Bảo gia hộ, ân đức của Hòa thượng Trúc Lâm nên tất cả các Viện đều có những tiện nghi ổn định trong sinh hoạt tu học. Chư Ni phải ghi nhớ công lao và tâm nguyện này của Sư Ông. Sư Ông muốn bên Tăng có sự quản lý bên Tăng, bên Ni có sự quản lý bên Ni. Khi nhận chỉ giáo, đại lao của Hòa thượng cùng huynh đệ sắp đặt việc tu học tại Tổ đình Thường Chiếu, các Thiền viện Ni phụ cận, đồng thời tại Thiền viện Trúc Lâm Trí Đức Tăng và Ni này, Thầy mong đại chúng hoan hỷ hướng về Sư Ông với niềm quý kính, theo chủ trương đường lối Sư Ông chỉ dạy, chúng ta ổn định việc tu học của mình.

Hôm nay Thầy muốn nói với tụi con về kinh nghiệm sống trong sự cảm thông và chia sẻ giữa huynh đệ với nhau. Sống chung trước nhất ni chúng phải có sự đồng tình cảm thông, từ đó mới có thể chia sẻ cho nhau được. Chữ chia sẻ tức là cảm thông. Thí dụ trong dòng tộc người đó có sự cố khiến họ không vui cảm thấy mất mát, bất an nên họ tới kể cho mình nghe. Ta lắng nghe và cảm thông an ủi họ, như thế gọi là chia sẻ. Vì vậy chia sẻ đối với người tu là một đạo tình Linh Sơn cốt nhục.

Trong Quy chế phụ của bản Thanh Quy, Sư Ông dạy: “Khi lao tác chung hoặc riêng, thiền sinh sẵn sàng tương trợ nhau. Khi thấy huynh đệ làm công việc nặng nhọc hơn, hoặc trễ nải hơn, không được vô tình làm ngơ để mặc”. Điều này có khi tụi con chưa cảm thông được, do vậy Thầy nêu lên để nhắc nhở thêm. Giả tỷ bữa nay công tác của mình không phải trong trù phòng, mười giờ nghe hồi kẻng xả công tác, mình thu xếp dụng cụ gọn gàng vô nghỉ, đợi đến 10g45’ đi thọ trai. Tuy nhiên nhìn thấy huynh đệ bên phòng trai soạn còn tất bật với công việc, làm không kịp, khi đó mình chia sẻ. Tụi con mỗi người một tay phụ giúp cho kịp giờ thụ trai. Thầy nghĩ được như vậy thì vui lắm. Các vị bên trù phòng tuy không nói lời cảm ơn, bởi mình ở chung một nhà mà cảm ơn cái gì, chuyện đó là bổn phận chung chị em phải làm thôi, nhưng họ sẽ nhìn mình cười một cách vui vẻ và cảm ơn.

Trong giờ tọa thiền, tụi con thấy một số huynh đệ mới của mình chưa quen thức khuya, ngồi thiền chưa quen giống như đang bị hành khổ thì tụi con nên chia sẻ thế nào? Đây cũng là vấn đề mà nhiều năm trước Thầy đã trải qua. Thầy ngủ nhiều lắm. Một hôm Sư Ông đang ngồi chơi, Thầy lại gần và hỏi cách trị ma hôn trầm. Sư Ông trả lời vui nhưng rất nghiêm chỉnh. Thực hành theo lời chỉ giáo của Sư Ông, Thầy giảm được cơn bệnh buồn ngủ. Trong chúng khi nghe được lời dạy đó họ thông cảm và cũng đẩy lùi được bệnh buồn ngủ.

Sư Ông chỉ rõ hai bệnh mà người tu thiền chúng ta khó vượt qua, đó là hôn trầm và tán loạn. Chúng giống như gọng kìm, cái kéo luôn rình rập cắt cổ chúng ta, nếu hành giả nào nhận được điều đó, nghĩ tới là tỉnh liền. Trong trường hợp này chúng ta phải phát tâm dũng mãnh và hành trì miên mật. Dũng mãnh là mạnh mẽ, mãnh liệt. Mạnh mẽ là phi thường vượt lên tất cả. Miên mật là dán kín không bị xen hở. Hôn trầm, tán loạn đều là ma mị làm hại công phu thiền định của mình, Sư Ông dạy trong tất cả các giờ tụng kinh, tọa thiền và luôn cả giờ tu tập khác như thụ trai, học hay lao tác… lúc nào mình cũng phải có tâm dũng mãnh, toàn ý miên mật thì sẽ đánh tan bọn ma mị ấy.

Chúng ta từ vô lượng kiếp trôi giạt trong luân hồi sanh tử, khổ đau không biết bao nhiêu mà kể. Bây giờ có cơ hội để mãnh tỉnh kiên quyết tu hành mà cứ ngồi lăng xăng dật dờ thì thật là uổng phí. Cho nên tụi con phải tự đặt định cho mình phải sáng. Mình rất sợ rất ngán cái vòng luân hồi sanh tử nhiều đời kiếp, làm cho chúng ta bị khổ điêu đứng. Cái khổ này không phải là do thiếu cơm gạo, thiếu tình thương hay tiền bạc mà đây là cái khổ ngu mê tạo nghiệp trong sanh tử không có lối thoát. Đó là nỗi khổ lớn lao nhất của chúng sanh.

Nếu tụi con khắc tỉnh phấn đấu kiên quyết sẽ đẩy lùi được bệnh buồn ngủ và tán loạn. Nếu không sẽ hết buồn ngủ lại sanh tán loạn, nghĩ vơ nghĩ vẩn rồi bước xuống bồ đoàn thì tụm năm tụm ba nói chuyện thị phi. Đó là bệnh từ xưa đến nay của các vị mới vào cửa thiền. Trị được bệnh này thì mình được giác, tức Bồ-đề hiện. Còn không, dù cho có học muôn kinh ngàn luận cũng không giác ngộ đâu.

Chúng ta đã chấp nhận bỏ tất cả vào đây tu thì phải có tỉnh giác, hành trì theo đúng sự hướng dẫn của các bậc thầy tổ, các bậc thiện hữu tri thức, các bậc huynh trưởng. Dù bây giờ chưa toàn giác nhưng nhất định có giác. Cái giác đó không được liên tục nhưng nếu biết cách nuôi dưỡng, nó sẽ trở thành viên ngọc sáng, bề nào mặt nào cũng sáng hết thì mọi lầm lẫn tăm tối bên ngoài sẽ không làm gì được mình.

Nhân đây Sư Ông có lấy câu chuyện về hai con khỉ làm thí dụ. Trong ngôi nhà có một con khỉ, nó chạy lung tung từ cửa này sang cửa khác kêu chóe chóe, ở bên ngoài có một con khỉ khác cũng đi lòng vòng kêu như vậy. Sư Ông đặt vấn đề, với hành giả tu thiền phải xử lý thế nào hai con khỉ này? Một vị thầy trả lời đúng ý Sư Ông: “Thưa Thầy cho con khỉ trong nhà ngủ đi, chết đi thì con khỉ bên ngoài có la rát họng cũng không nghe tiếng trả lời”. Khi con khỉ trong nhà ngủ hay chết rồi là dụ cho điều gì? Đó là ý thức, vọng động điên đảo, tư tưởng dây mơ rễ má khiến mình bất an bất ổn. Con khỉ trong nhà chết rồi thì ở ngoài dù cho có cả trăm cả ngàn con khỉ cũng không làm gì được hết. Nếu chúng ta không có tâm dính mắc thì mặc cho ngũ dục, bát phong, những hiện tượng bên ngoài không làm gì được mình. Tụi con thấy không, nhẹ nhàng và thẳng tắt như vậy đó.

Ngày xưa thầy trò ở trên núi thảnh thơi lắm không phải làm gì nhiều cả. Buổi sáng đi lao tác khoảng mười lăm, hai mươi phút thôi mà làm những việc nhẹ như đi gỡ cỏ, hái mãng cầu hay đốn mấy nải chuối chín, cho nên có rất nhiều thời gian. Sư Ông thường ngồi trên bệ đá rồi quý thầy vây quanh, mỗi lần đọc sách có chuyện gì hay Sư Ông đều kể lại quý thầy nghe. Từ câu chuyện đó quý thầy dũng mãnh cương quyết, dứt khoát và hình thành cho mình một lối tu tập miên mật, cộng thêm những kinh nghiệm của người xưa đã áp dụng dạy lại chúng ta, nhất định mình biết cách xử lý và trị được căn bệnh buồn ngủ.

Sư Ông nói với quý thầy muốn trị bệnh buồn ngủ không khó. Hồi đó Thầy bị bệnh này kéo dài gần ba năm trời nhưng đâu có ai biết. Có một lần Thầy mới ngồi được mười năm phút, bất chợt như có một cái gì đánh ầm khiến Thầy lộn nhào, đầu đập qua một bên bây giờ vẫn còn dấu hủm trên trán. Đây là một kỷ niệm mà khi kể cho Sư Ông nghe, Sư Ông cười thôi là cười. Cũng may nhờ những trận như vậy mà mình tỉnh. Sư Ông dạy trước khi bước lên bồ đoàn mà thấy hơi ngùi ngùi thì phải phấn chấn lên, mở con mắt thật to, hít thở mạnh, phải cương quyết thì tất cả những thứ tăm tối ươn yếu xung quanh sẽ lui.

Từ lời chỉ giáo của Sư Ông, Thầy rút ra được một số kinh nghiệm: Khi thấy người huynh đệ ngủ gục mình chia sẻ bằng cách đừng ngủ gục. Thấy huynh đệ ngồi không ngay mình chia sẻ bằng cách ngồi thật ngay. Thấy huynh đệ ngồi không hết giờ mình chia sẻ bằng cách cố gắng ngồi hết giờ. Nói tóm lại dùng sức phấn đấu bên trong của chúng ta, chia sẻ và trang nghiêm đạo tràng. Những người hay ngủ gục khi nhìn thấy toàn thể pháp hữu huynh đệ của mình ngồi ngay ngắn như những tượng Phật thì họ cảm thấy xấu hổ vì đã đánh mất một thời gian tăm tối điên đảo, vì thế sẽ cố gắng hơn.

Sư Ông rất thích thú chỗ này và dạy cho quý thầy cách làm cho nội tại mình phải vững, phải gan dạ như tinh thần vị tha của Bồ-tát theo cách quảng diễn của kinh Hoa Nghiêm. Thấy người ta mê mình đừng mê, thấy người ta giận mình đừng giận, thấy một người khỏe mạnh trong lòng nghĩ làm sao tất cả những người huynh đệ pháp hữu của mình đều khỏe mạnh. Được ăn một bữa ăn thật ngon thì nghĩ ai nấy đều được ăn ngon như vậy. Được đi trên cây cầu bình an thì nghĩ ai ai cũng được đi trên những cây cầu bình an. Đó là tinh thần của Bồ-tát, tinh thần tích cực phát huy sức mạnh nội tại chính mình.

Nhớ lại những điều ngày xưa được Sư Ông chỉ giáo, Thầy ghi nhận rồi áp dụng, đồng thời cũng muốn chia sẻ với tụi con về vấn đề này. Những năm 1970, 1973 trên Chân Không chỉ có mười người mà chưa hết mùa hạ đầu đã đi bốn người rồi. Sư Ông vẫn giảng dạy bình thường dù chỉ còn có mấy người. Có lúc Sư Ông cũng buồn chứ, bởi Sư Ông có tâm nguyện tổ chức một thiền viện quy cũ, các thầy tu tập có kết quả tốt. Từ chỗ nhận được ý chỉ Phật pháp, đem ra giảng dạy mà bây giờ chưa hết ba tháng đầu đã có một số người cho là đủ rồi ra đi. Sư Ông bình thản gật đầu và chỉ nói một câu “ráng tu” chứ không cản gì hết.

Trong khoảng trống buồn đó dường như có một nội lực gì khác dồn tới khiến Sư Ông vững vàng mạnh mẽ hơn. Do vậy khóa thiền đầu tiên vừa mãn, Sư Ông tiếp tục nhận những khóa kế. Khóa tiếp chia làm hai từ Chân Không xuống tới Linh Quang. Nếu trong lòng Sư Ông buồn nản thì làm sao có thể tiếp tục giảng dạy, phải không? Điều này Thầy nói ra để nhắc nhở tụi con, Thầy biết tụi con cũng có lúc nản lòng. Giả tỷ bị rầy hoài hoặc làm gì sai cũng thấy không vui. Muốn ngủ muốn thức, muốn tỉnh táo cũng không được… nhưng tụi con nhớ gương của những bậc Tôn sư, những bậc thầy đi trước, tự nhiên sẽ mạnh mẽ lên thôi.

Khóa thiền thứ nhất thất thoát như vậy nhưng đến khóa thứ hai tại Linh Quang và Chân Không đã lên tới mấy chục thiền sinh. Các vị học trò hồi đó của Sư Ông bây giờ đều là Hòa thượng, Ni trưởng cả. Nếu thực sự trong lòng Sư Ông nản thì làm sao có thể giảng nổi. Sư Ông giảng liên tục sáng chiều một tuần ở Chân Không, rồi kế tiếp một tuần dưới Linh Quang, vừa giảng dạy vừa soạn sách. Soạn sách ngay trong lúc bận rộn việc giảng dạy. Vừa giảng dạy vừa hướng dẫn tu hành, tụi con thấy Sư Ông hy sinh cỡ nào và năng lực của Sư Ông phi thường ghê chưa?

Sau này thành lập Tổ đình Thường Chiếu vất vả nhọc nhằn gấp bao nhiêu lần. Rồi đến các Chiếu: Viên Chiếu, Linh Chiếu, Huệ Chiếu, Phổ Chiếu … ra đời. Tụi con tưởng tượng sự vất vả nhọc nhằn, công phu và tâm huyết của Sư Ông để vào đó biết kể sao cho vừa. Nhìn tấm gương vì đạo của bậc Tôn sư như vậy, bây giờ mình nỡ lòng nào lẹt đẹt, trì trệ không cương quyết phấn chấn lên. Thầy dẫn lại những điều được học từ Sư Ông Trúc Lâm với mục đích muốn tụi con lúc nào cũng nêu cao ý chí hướng về Sư Ông, hướng về các bậc pháp hữu huynh trưởng của mình, cùng cố gắng thì không bao lâu bệnh buồn ngủ hay bất cứ bệnh gì cũng sẽ được đẩy lùi.

Một điều nữa Thầy muốn nhắc thêm tụi con là mỗi người nên trang bị cho mình một đức tàm quý. Tàm quý có nghĩa là gì? Tàm nghĩa là tự tàm, tự mình xấu hổ, tự mình hổ ngươi. Quý là quý tha tức là thẹn, biết xấu hổ với chúng bạn, thẹn với người khác. Tại sao người ta được như vậy mà mình không được như vậy, phải biết xấu hổ. Tại sao người ta cố gắng như vậy mà mình không cố gắng như vậy, phải biết tự thẹn. Giả tỷ như ba giờ người ta thức mà mình không thức nổi thì phải tự tàm. Người ta thức được mình thức được… Thầy nghĩ trong chúng nếu nhận ra được yếu chỉ này, tập nuôi dưỡng đức tàm quý thì sẽ tạo được một sức mạnh nội tại vững vàng. Một khi đức tàm quý sáng ngời thì những sai trái, lỗi lầm sẽ không còn nữa.

Thầy ví dụ chuyện cấm xài điện thoại cầm tay. Quy định này đã được áp dụng tại Tổ đình Thường Chiếu và các thiền viện khác, ngay cả thiền viện của chúng ta đây cũng vậy. Điện thoại di động tuy tiện dụng nhưng đối với người tu lại trở nên tai hại, có thể dẫn chúng ta đi vào ma đạo. Các vị không chấp hành theo quy định, không đủ sức bỏ điện thoại là người không có tàm quý. Tại sao? Phải biết hổ thẹn chứ, người ta làm được thì mình phải làm được, đúng không. Trong nhân duyên tốt thuận lợi như thế này, tụi con lại còn trẻ, còn khỏe mạnh chưa có ai lẫn lộn gì hết nên đủ gan dạ áp dụng đúng lời dạy của Phật Tổ. Tụi con cố gắng. Thầy bước trước tụi con một chút và cũng đang cố gắng, luôn luôn cố gắng.

Tụi con là thiền sinh khóa đầu tiên của viện, tụi con phải cố gắng vào nề nếp. Không bao lâu tụi con sẽ là sư tỷ, đàn em tới sau họ thấy sư tỷ nghiêm chỉnh, họ hoan hỷ noi theo. Có thế đạo tràng mới nở ra, tông môn của Hòa thượng mới phát huy, tâm nguyện tiếp độ người sau tu học đúng chánh pháp của Thầy trò mới thành tựu. Đó cũng là trách nhiệm của những người con Phật. Tụi con ghi nhớ và cố gắng. Ai làm việc gì sai quy chế nhớ biết hổ thẹn thì mọi việc sẽ tốt thôi.

Đó là những điều mà hôm nay Thầy muốn chia sẻ với tụi con.

[ Quay lại ]