CHỦ YẾU LÀ NHẬN ĐƯỢC TÂM
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 03 Tháng ba 2011 13:26
Kính thưa đại chúng,
Cách đây khoảng hơn nửa tháng có mấy vị Phật tử đến thăm tôi và nêu ra một số vấn đề tu học. Lời đầu tiên các vị nói rằng: “Thầy thuyết pháp rất dễ nghe và luôn nhắc tới công phu tu hành, nhắc về tâm, nhưng thực tình có một số huynh đệ chúng con dù cố gắng hết sức vẫn không biết tâm mình là gì? Vậy kính mong Thầy hoan hỷ chỉ cho chúng con biết đâu là chân tâm của chúng con, làm sao nhận ra và sống được với tâm đó”.
Vừa nghe câu hỏi ấy tôi sững sờ bởi chính bản thân mình nhiều khi cũng không biết chân tâm của mình là gì, làm sao nhận ra và sống được với nó. Tuy nhiên, tôi nhớ lại ngày xưa khi mới về Chân Không, Hòa thượng nói: “Tôi nuôi mấy chú ba năm hy vọng theo công phu hành trì, mấy chú sẽ nhận ra chân tâm là gì”. Sau đó, tiếp theo những khoá thiền của Chân Không, Linh Quang, Thầy cũng nói: “Tôi hy vọng ba năm kế đây thiền sinh Chân Không, thiền sinh Linh Quang cũng sẽ nhận ra chân tâm chân thật của mình”.
Hoàn cảnh hồi xưa sơ xài, bước vào thiền viện không thấy tiện nghi vật chất chi cả, chư tăng sống đạm bạc. Tuy nhiên chúng tôi rất tâm đắc đời sống đạm bạc này. Hòa thượng sắp đặt cách sống và cách tu tập nề nếp, trang nghiêm, đạo vị. Huynh đệ chúng tôi ai cũng vui vẻ, cảm nhận và phấn khởi nỗ lực hành thiền. Do đó, thuở ấy chúng tôi có nhiều niềm vui, niềm tin đối với pháp tu này.
Trở lại vấn đề ban đầu quý Phật tử đã nêu. Tôi hỏi một vị tịnh nhân ở nhà khách, nhân duyên tập sự của vị này rất ngộ. Ông đã từng sinh hoạt ở nhiều đạo tràng lớn trong thành phố và các nơi. Khi đến Thường Chiếu, tôi nhìn qua không biết vị này đến tham quan hay cầu pháp. Có khi ông làm những việc tiêu cực như nằm dài ra, không đi tụng kinh vì trễ nải. Tập sự được bốn năm tháng, đến đợt xuất gia thì đùng một cái ông bỏ đi. Đi đâu? Về nhà rồi lại lên. Lên được vài tháng lại xin đi. Cứ thế tập sự trong vòng ba năm và sau đó tới than phiền với tôi: “Cái duyên của con làm sao rồi Thầy ơi, con tập sự ở đây Thầy quen mặt quá mà con không được xuất gia”.
Tôi hỏi:
- Tập sự làm sao, nói nghe coi.
Ông trình bày:
- Con buông chưa rồi, tính không xong cho nên đến đây tu một thời gian con vướng mắc thành ra lại đi. Đi một thời gian con nghĩ tới Thầy nên lại về. Cứ đi đi, về về rồi không xong bên nào hết.
Tôi nói như vậy thêm hai ba năm nữa cũng chẳng khá hơn chút nào. Phật tử nên biết muốn xuất gia, thứ nhất phải dự tập xuất gia, thứ hai làm việc gì phải cho chắc, căn cứ vào mục đích mà tiến lên. Giống như người leo núi, đóng được mốc rồi thì cứ theo đó mà leo lên. Phật tử ngó lên không được, ngó xuống không xong, hai bên lại càng bất ổn. Phải có quyết tâm, khi đã đóng được mốc rồi cứ thế mà leo lên bằng sự gan dạ của chính mình, dù gặp khó khăn tới đâu cũng tìm cách vượt qua, miễn sao lên tới đỉnh thôi. Đằng này quí vị không chịu tiến lên cứ ngó hai bên rồi thấy toàn là hiểm nguy trắc trở, từ đó sự dũng mãnh tan dần.
Theo sự hướng dẫn của Hòa thượng Trúc Lâm, đời sống tu học của các thiền sinh là như vậy. Tuy nhiên, nhiều vị cứ kiểu xìu xìu không nắng không mưa, nằm ngùi ngùi không ngủ mà cũng không thức. Kiểu đó trăm năm, ngàn năm vẫn thế thôi. Chúng ta chỉ nói suông, đặt ra chân tâm là cái này, cái khác, một cảnh giới nào đó… mà bản thân mình không năng nổ, không tích cực thì sẽ không đi đến đâu hết. Các vị hỏi tôi bây giờ phải làm sao? Phải tu chứ làm sao nữa, phải có tâm, có công phu. Dùng tâm, dùng công phu của mình mà một hướng thẳng tiến. Nên nhớ cái đó cũng không phải là gì để mình nhắm đến. Hòa thượng đã nói cho mình biết nó là vô niệm. Vậy phải làm sao?
Ví dụ chiều nào tại thiền viện cũng tụng kinh Sám Hối, tội gì mà chiều nào cũng sám hối? Nghe nói sáu căn có tội, sáu căn dính mắc thứ này thứ khác. Mình tưởng tượng sáu căn của mình dính mắc đủ thứ chuyện nhưng thực ra đâu có dính mắc gì đâu. Mình tụng kinh rõ ràng, mình chưa nói sảng, chưa dính mắc tội gì cả mà chiều nào cũng phải sám hối. Nhiều lúc, các chú tiểu La Vân đi ngang, tôi nắm lấy một chú hỏi:
- Đi đâu?
- Dạ! Con đi tụng kinh.
- Tụng kinh gì?
- Dạ, Sám Hối.
- Tội gì mà sám hối?
Chú ngơ ngác không biết tội gì. Không biết tội gì mà vẫn sám hối nhưng nghỉ thì không dám nghỉ. Bởi quí Thầy theo giám sát rất chặt chẻ, cùng đi sát bên cạnh, chỉ chậm một chút là bị kéo ngay. Cứ thế mà tụng kinh, sám hối, công phu. Bởi đó là một sự hành trì chân chánh, không lệch lạc, không phi pháp, là công phu mà hồi xưa các vị cổ đức vận dụng để bước tới những bước thực sự an ổn. Vì đạt đến chỗ an ổn nên cứ thật tâm sám hối, cần gì phải biết mình có tội hay không tội, tại sao sám hối…?
Có nhiều vị nghĩ về chân tâm, muốn sống được với chân tâm, muốn an hưởng cái chân tâm đó nên cứ bâng khuâng về chân tâm. Thực sự Hòa thượng Trúc Lâm dạy: “Hết vọng là chân hiện, lăng xăng hoài thì không bao giờ nhận ra chân tâm”. Lục Tổ Huệ Năng nói: “Niệm dấy khởi, chúng ta không chạy theo, không bị nó kéo lôi, chủ động và biết niệm không thiệt, ngay khi đó là định”. Kết quả tốt nhất cho mình cảm nhận được ở giai đoạn ban đầu là không bị kéo lôi, không bị sự hấp dẫn của niệm dẫn đi. Chúng ta biết nó không thiệt nên không khởi niệm nghĩ ngợi về nó, nhờ thế mình bình an, tức thì định sinh và tuệ cũng hiện ra.
Chúng ta có thể thực hiện được điều này ngay bây giờ. Cho nên quý vị hỏi về chân tâm thì ngay bây giờ quý vị cứ thử nghiệm từ một niệm của mình đi. Nói vậy thì dễ lắm, có gì khó đâu. Hòa thượng đã nói với chúng tôi rất nhiều lần: “Mấy chú hiểu bao nhiêu đó là đủ tu rồi”. Quý vị cứ nghe lại những đoạn băng, những bài giảng ở trong khoảng năm 70, năm 74 cho đến năm 75 khi huynh đệ chúng tôi xuống núi về Thường Chiếu. Hòa thượng dạy Nguồn Thiền, Quy Sơn Cảnh Sách, Hành Trạng Chư Tổ Trung Hoa và Kinh Kim Cương… Ngài thường nói: “Bao nhiêu đó đảm bảo mấy chú đủ tu rồi”.
Sự thực trong công phu nếu chúng ta thể nghiệm được sẽ nhận ra chân tâm là cái gì. Có điều ta bỏ cái đó lâu rồi, quên rồi, bây giờ nhận lại dù là của mình nhưng vẫn thấy hoang sơ, chưa yên vị với nó. Bởi chưa thực sự yên vị nên vọng tưởng này vừa nằm xuống thì lao theo vọng tưởng khác, nên từ đầu đêm cho đến cuối đêm không biết bao nhiêu vọng tưởng. Có nghĩa là chúng ta không nuôi dưỡng cơ hội để cho chân tâm hiển lộ, có khi chúng ta lại làm ngơ không chấp nhận nó cho nên tu hoài mà không thành tựu được tâm nguyện của mình.
Giống như vị cư sĩ tập sự kia, bao nhiêu lần đủ điều kiện xuất gia nhưng vừa tiến tới mé để bước qua bờ thì lại bỏ cuộc. Bao nhiêu lần như vậy mà giờ hỏi chân tâm là gì thì làm sao chỉ được. Phật Tổ bảo chúng sanh đang ở trong đó mà không tự hay biết, giống như người cưỡi trâu tìm trâu, như người kêu khát dù đang đứng dưới nước. Quái lạ chưa! Hiện cảnh sinh hoạt tu học của chúng ta cũng có nhiều điều khác thường như vậy, nên không thể nhập được. Không thể nhập được thì nhiều vấn đề xảy ra.
Hôm Hòa thượng về Thường Chiếu, Ngài chuẩn bị trở lại Trúc Lâm, ngay đêm đó đại chúng lễ Hòa thượng và cầu ngài chỉ dạy Phật pháp tu hành. Tuy bệnh mệt, trời nóng bức hết sức khó chịu nhưng Thầy vẫn ngồi lại với đại chúng. Không lần nào Hòa thượng tỏ vẻ nhọc nhằn hoặc không vui, mà Ngài luôn đinh ninh nhắc nhở đại chúng tu hành, kể cả những chú tiểu La Vân. Sau khi đại chúng lễ xong, tôi đứng ra xin phép Hòa thượng cho các chú tiểu được lễ và cầu Ngài chỉ dạy thêm để các tiểu siêng năng tu học hơn. Thầy rất vui, rồi chỉ mấy chú lạy không nghiêm chỉnh, ngó tới ngó lui, cách chấp tay không ngay không kín, lễ Phật chưa đúng v.v… Tấm lòng Hòa thượng thật từ bi, hiền hòa. Tôi thấy đó là một tấm gương sáng mà chư Tăng, chư Ni phải học tập theo.
Hòa thượng luôn nói về vấn đề mà tôi cũng rất tâm đắc. Có mấy vị đang tu trong viện, thấy không tiến nên chạy đi chỗ này chỗ khác, rồi lại chạy về, lung tung lang tang không tu được. Tôi tự xét lại mình, mừng cho bản thân vì không khởi các niệm ấy dù đang lãnh nhiều công việc. Huynh đệ nhỏ đông nên trách nhiệm của tôi đối với các huynh đệ rất nặng. Hòa thượng dạy tôi: “Chú phải tu để cho mấy người này tu theo. Tu nghiêm chỉnh nghĩa là chú phải sống với tánh giác, với chân tâm thì dạy mấy tiểu mới được”. Thầy chỉ mình phải như vậy, muốn đến được chỗ đó phải cố gắng chứ làm sao, phải không? Không cố gắng mà ngày nay đi chỗ này, ngày mai đi chỗ kia, chạy theo công việc này công việc khác, bỏ phế việc tu học của chính mình và tập thể thì làm sao thực hiện được chỉ giáo của Hòa thượng.
Có khi chúng ta công phu tu hành tích cực, siêng năng, dũng cảm, quyết đi tới, không nề hà bất cứ chuyện gì nhưng cũng có lúc mình tiêu cực, lười biếng. Đã thế thì làm sao tiến thẳng vào thiền tông? Quý vị thử nghiệm lại xem, mình đã tiến tới thiền tông chưa hay còn lạng quạng ở đâu. Cho nên khi khởi lên một niệm vọng tưởng, suy nghĩ về cái gì đó thì đã rơi vào tình huống tương tự.
Chúng tôi sống trong thiền viện bên cạnh Hòa thượng, được Thầy chỉ dạy từng li từng tí nhưng không phải cái gì Hòa thượng cũng cầm tay dẫn đi tới nơi. Như thiền sinh tu lâu năm, vừa đi vừa nhảy thì coi không được, chuyện này Thầy khỏi nhắc. Mình đi mà nhảy nhót như vượn, khi nhìn lại cảm nhận một người tu không nên như vậy, không đúng pháp, tự mình chỉnh đốn. Tôi muốn nói người biết giữ công phu sẽ vào được nhà mình. Điều này Hòa thượng cũng từng nhắc nhở, mỗi chúng ta đều có một công phu sở trường. Chúng ta thấy mười vị Thánh đệ tử bậc nhất trong hàng Thánh chúng Thanh văn của đức Phật, có người nào giống người nào đâu. Vị làm thị giả cho Phật là đa văn đệ nhất, tức học giỏi nhớ giỏi đệ nhất. Quả thật như vậy, ngài A Nan khi thực hiện công việc gì đều xin phép đức Thế Tôn trước. Những bài pháp đức Phật nói cho đại chúng nghe trong khi Ngài vắng mặt, Ngài xin phép đức Thế Tôn thuyết lại những bài đó, không kể thời gian nào. Có thế mới hình thành được một người đệ tử đa văn đệ nhất.
Bây giờ trong huynh đệ đây, các vị đã được gần gũi học Phật pháp với Hòa thượng từ bao lâu nay, nhưng chưa chắc có vị nào được như ngài A Nan, phải không? Hòa thượng thuyết pháp không biết bao nhiêu lần trong một tháng, hoặc chúng ta về thăm Hòa thượng hàng tháng, hàng quý, hàng năm, lúc nào cũng được nghe Thầy chỉ dạy. Nhưng không lần nào mình dám trình với Thầy rằng suốt thời gian mấy tháng nay con bận bịu công việc không về thăm Thầy được. Pháp mà Thầy truyền dạy cho chúng con đã bị quên, bị rơi rớt. Bây giờ thỉnh Thầy vì con giảng dạy lại những bài pháp đó. Không ai dám nói lên điều ấy. Cho nên sở học sở tu của chúng ta chẳng bao giờ đi tới đệ nhất cả.
Nghiên cứu về cuộc đời, về học pháp, hành pháp của các vị đại thánh trong hàng thập đại đệ tử của đức Thế Tôn ngày xưa, mỗi vị đều có sở trường, hạnh nguyện riêng. Ngoài ngài A Nan, vị gần gũi đức Thế Tôn ra còn có các vị khác như Tôn giả Xá Lợi Phất, là vị đại Thánh trí tuệ bậc nhất, là cánh tay phải của đức Thế Tôn, thay Phật giải quyết mọi công việc trong tăng đoàn. Kế đến là Tôn giả Mục Kiền Liên, thần thông đệ nhất, là cánh tay trái của Phật, thay Phật quản lĩnh giáo đoàn, hướng dẫn cho hàng Tăng ni. Các Ngài khi lãnh trách nhiệm thì luôn trôi tròn. Đặc biệt việc tu học được đức Thế Tôn chuẩn y và hướng dẫn sau ngày an cư kiết hạ, thì phải nói các Ngài đều hoàn thành xuất sắc, cho nên mùa an cư kiết hạ nào của chư Tăng cũng thành tựu mỹ mãn.
Do vậy chúng ta thấy có rất nhiều vị trẻ tuổi sau khi xuất gia rồi, đến cầu đức Thế Tôn chỉ cho một pháp hành trì. Được Phật dạy rồi, các vị này tìm nơi thích hợp chuyên tâm hành trì. Rất nhiều đệ tử Phật thành tựu được vô sanh quả trong mùa an cư kiết hạ. Do vậy có thể nói mùa an cư kiết hạ trong thời đức Phật còn tại thế, hàng đệ tử của đức Phật hầu như tất cả đều đạt được kết quả tốt đẹp. Truyền thống này luôn được trân trọng thực hành cho tới ngày nay. Không có năm nào đức Phật bỏ an cư. Từ sau khi thành đạo, Thế Tôn an cư tại vùng lân cận nơi Ngài thành đạo. Suốt một dọc dài đến khi có Tinh xá đầu tiên ở vùng của quốc vương Tần Bà Sa La, sang vương quốc Ma Kiệt Đà của vua Ba Tư Nặc, tại những Tinh xá lớn có khi Phật an cư rất nhiều mùa hạ.
Tôi nhắc tới điều này để làm gì? Để đại chúng nỗ lực tiến tu, đặc biệt là giữ gìn và phát huy truyền thống tu tập trong ba tháng hạ. Tu làm sao cho có kết quả như các đại Thánh ngày xưa. Nếu chúng ta không bằng được các Ngài thì ít ra cũng có kết quả, lợi lạc nhất định nào đó, chứ không thể giẫm chân tại chỗ được. Cũng một việc thông thường như thế, cũng tu học, cũng ngồi thiền, tại sao người xưa thành tựu được còn chúng ta không thành tựu? Cần biết ai có sở trường nào nên thành tựu đạo nghiệp của mình trên sở trường ấy. Vị nào áp dụng đúng lời Phật dạy sẽ được kết quả tốt, hết khổ an vui, tiến đến giác ngộ giải thoát.
Đức Phật không bao giờ dối gạt chúng sanh. Ngài đã vào vị đó, an nhiên hưởng thụ quả vị đó nên Phật chỉ dạy lại cho chúng ta đúng như vậy. Chỉ vì chúng ta vẫn lăng xăng, vẫn vọng động nên không hưởng được vị nào hết. Cho nên bây giờ tập trung lại, ai có sở trường nào thì cứ theo đó mà tu cho tốt. Được vậy lo gì chúng ta không đạt kết quả tốt đẹp như chư Phật chư Tổ.
Mong tất cả Tăng Ni Phật tử hãy nương vào chủng duyên của mình, sống trở lại để nhận ra được chân tâm của chính mình. Như vậy chúng ta mới thực sự là người biết tu.