headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 22/11/2024 - Ngày 22 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

CHÂN KHÔNG VÀ TÔI      

Tôi nhớ lại giai đoạn đầu khi lên núi tu học với Hòa thượng Trúc Lâm, quê hương của thiền tăng vốn không đông người. Một ngôi chùa đơn sơ nằm bên triền núi, phía trước nhìn thấy thành phố Vũng Tàu, nhưng cổng ngoài thì lúc nào cũng khóa kín. Do vậy huynh đệ chúng tôi sống rất an ổn, cảnh núi rừng cô tịch luôn thuận lợi cho việc tu hành. Từng lời dạy của Thầy huynh đệ cảm nhận sâu lắng. Tất cả đều vâng theo sự chỉ giáo này và xem Thầy như một người cha.

 Thầy trò sống với nhau đằm thắm, vui vẻ, an nhiên, tự tại. Từ lực và đạo lực của Hòa thượng cộng với tình anh em Linh sơn cốt nhục đã tạo nên một sức mạnh giúp chúng tôi hạ quyết tâm tu hành trong giai đoạn đầu.

Nhớ lại năm tôi học ở Vạn Hạnh, trong giảng đường gần 20 tăng sinh, giáo sư dạy đủ các bộ môn, nghe thì cũng hiểu đó nhưng thực sự lý thuyết ở Phật học đường không tạo được sức sống cho một tăng sĩ. Đến khi về núi, từng lời từng lời Hòa thượng chỉ dạy, chúng tôi cảm nhận như người cha trao cho những đứa con phần gia bảo mà đời đời ông cha đã dành dụm. Từ đó anh em nhận ra niềm vui chân thật, một sức sống tự thân không tìm cầu bên ngoài mà được.

Thầy nói mấy chú phải có một cái nhìn thấu đáo rằng vì thương mình mà phát tâm Bồ-đề, vì thương mình mà phát tâm tu học, không có cái khác ở trong đó. Nghĩa là chúng ta phát tâm bằng sự tự nguyện, không ai bắt buộc, không vì bất cứ một hình ảnh, một sự kiện nào bên ngoài thúc giục ta. Mấy chú chấp nhận tu thì nhất định phải đầy đủ nghị lực để khắc phục tất cả những gì có thể xảy ra trong đời tu của mình. Phát tâm Bồ-đề là phát tâm tu hành chứ không có gì hết. Tu để được thành Phật, để làm chủ tất cả những hiện tượng quanh ta, để không bị lệ thuộc vướng mắc cuộc sống giả tạm này.

Lúc còn ở học viện, tôi cũng tham gia các công tác Phật sự, bận rộn trong ngành hoằng pháp hay các công tác trong giáo hội v.v… vì vậy có sự phân tâm trong công phu. Khi Thầy kêu về núi tu, tôi nghe lời, yên lòng theo Thầy về núi. Thầy dạy tất cả những gì theo đuổi ngày trước đều là vọng tưởng, huyễn hóa không thật, hãy ném hết đi. Vâng lời Thầy, tôi buông tất cả, chỉ còn mỗi một việc là ráng tu. Do vậy công phu tập trung hơn trước nhiều, kết quả là nhận được niềm vui, thân tâm an lạc.

Hòa thượng khẳng định người phát tâm Bồ-đề thì trị được vọng tưởng. Vì vậy sau những thời thiền, có nhiều vị đến thưa: - Sao con ngồi thiền cứ tơ tưởng vọng động, các niệm kéo lôi hoài? Thầy nói: - Tâm Bồ-đề chưa vững hay chưa phát được tâm Bồ-đề. Bao giờ phát được tâm Bồ-đề thì những dấy niệm lăng xăng sẽ không dẫn dắt được nữa. Đó là những lời dạy hết sức bình thường của Thầy, nhưng đến bây giờ tôi mới nghiệm ra yếu chỉ của nó. Hóa ra tâm Bồ-đề là, nếu mình đang đi mà nghĩ đến chuyện ăn uống thì biết tâm Bồ-đề chưa vững, đang ngồi thiền bỗng nhớ lại chuyện hôm qua hôm kia là biết tâm Bồ-đề chưa phát, đang ngủ mơ màng trong tăng đường mà thấy y như đang ngủ ở nhà bên cạnh mẹ là biết tâm Bồ-đề đi chợ rồi.

Sau những lần Hòa thượng chỉ dạy, chúng tôi mới biết mình có nhiều cơ hội để nhận ra tâm Bồ-đề. Chỉ cần loại hết những tâm vọng tưởng đảo điên thì tâm Bồ-đề chân thật vĩnh hằng hiện ra thôi. Lúc đó chúng ta tha hồ sống an vui tự tại giữa cuộc đời mộng huyễn này. Tuy nhiên, có người tu một năm, hai năm, ba năm vẫn đầy ấp vọng tưởng. Lại bất lực, đến trình với Thầy:

- Thưa Thầy con tu ba năm rồi, nếu đúng như lời Thầy nói, quả thực là con chưa phát tâm Bồ-đề.

Thầy hỏi:

- Tại sao?

- Thưa Thầy, con quyết tâm tu hành, quyết tâm buông tất cả những dấy niệm, nhưng con bất lực. Vì có những dấy niệm con năn nỉ ỉ ôi nó tha cho con, nhưng nó nhất định vẫn cứ kéo lôi hoài. Hết đầu thời thiền tới giữa thời rồi cuối thời nó không chịu xa rời. Cho tới trong bữa ăn giấc ngủ nó cũng đeo dính, cũng kéo lôi.

Thầy hỏi:

- Dấy niệm gì?

- Dạ dấy niệm thương mẹ. Con nghĩ thương mẹ đâu có tội lỗi gì. Từ xưa đến nay chưa ai bảo nó là vọng tưởng. Bây giờ Thầy bảo nó là vọng tưởng phải bỏ. Thiệt tình con không bỏ nổi.

Thầy cười an ủi, chuyện tu hành cần phải bền bĩ dài lâu, không thể mau chóng được. Mấy chú cứ tiếp tục nỗ lực liên tục, đừng có một tiến mà hai ba lùi thì tâm Bồ-đề không bao giờ phát nổi. Nếu chúng ta mãi yên lòng như vậy thì ngàn đời muôn kiếp cũng cứ khổ, buồn, nhớ, thương. Nếu ai đó cho phép chúng ta sống thêm một trăm năm nữa để thương, để nhớ, để ôm giữ vướng mắc cũng không làm sao ôm giữ vướng mắc hết. Chỉ có tâm Bồ-đề mới giải quyết được, bằng cách là chúng ta bước thẳng vào con đường tu hành một cách dứt khoát. Một khi đã cương quyết dứt khoát thì tâm Bồ-đề mới vững mạnh. Đó là tâm giác, mà tâm giác thì không phải tâm mê.

Cho nên đang đi thọ trai mà nhớ mẹ là không giác, ngay đó phải mạnh dạn buông bỏ niệm nhớ mẹ. Được như vậy thì chúng ta dần dần bước theo con đường của chư vị Tổ sư. Có thiền sinh nghĩ rằng bỏ niệm nhớ mẹ là có tội, không nghĩ về thầy là có tội. Thưa không có tội đâu. Chúng ta phải có một thái độ dứt khoát như vậy thì mới có thể phát tâm Bồ-đề và phát một cách trọn vẹn. Phát được tâm Bồ-đề rồi thì không lo sợ bất hiếu với thầy tổ cha mẹ nữa. Nếu không, chúng ta cứ dương đông kích tây, ngược xuôi lầm lũi ngày qua ngày không đi tới đâu hết thì chữ hiếu chữ đạo gì cũng không xong.

Nhiều vị tu một thời gian thấy sao buồn quá, cực quá, đáng lẽ ở ngoài tiếp tục học hành, sau này mình làm ông kẹ, ông cớm gì đó không chừng hay hơn… Cứ hồi tưởng và ngỡ rằng những tư tưởng đó là đẹp, nhưng thực sự nó là manh mối dẫn ta đi vào ngõ bế tắc. Bây giờ bất lực chúng ta làm gì? Nếu chưa phát tâm Bồ-đề được thì sự bất lực này sẽ đẩy chúng ta vào thế ngồi ì tại chỗ, kế đến là bệnh tật, ương yếu trong lòng dâng tràn và cuối cùng là khổ đau. Trong lòng ngỗn ngang tăm tối, những điều bất trắc không như ý cứ quấn quýt chung quanh, không thể đẩy nó đi đâu được hết. Những trường hợp này phải làm sao? Phải thương mình mà cương quyết bỏ đi, ném hết nó đi. Nếu chúng ta chưa thực sự vì thương mình mà cương quyết tu hành thì khó vượt qua những khó khăn chung quanh.

Có những vị phát tâm tu hành, xuất gia nhập chúng được năm năm, bảy năm, cứ ngỡ như thế là đã nắm nền tảng tu hành, không bị lay chuyển bởi bất cứ thứ gì. Nhưng thưa không, sau năm bảy năm đó có những đợt sóng, những tăm tối, những hiện tượng quái lạ đến quấy nhiễu, không khéo chúng phá hoại hết công phu của chúng ta. Những tháng năm ở chùa núi, chúng tôi được sự chỉ giáo của Hòa thượng là phải cương quyết tu hành, dứt khoát tu tiến. Chú nào lọt vào cái thế cứ nuôi những mộng tưởng thì trước sau gì cũng té. Lúc đó, Thầy không nói mấy chú sẽ xuống núi, vì xuống núi có hai trường hợp: Một là xuống núi để làm Phật sự. Hai là bị rớt xuống núi. Trong trường hợp này là bị rớt xuống núi. Xấu hổ lắm.

Giai đoạn đầu mới vào thiền viện, Hòa thượng thường nhắc: Tôi biết có những điều mấy chú đã thuộc, có những điều hôm nay mấy chú mới nghe nên chưa thuộc, chưa nhớ. Vì vậy bắt đầu bước vào công phu, mấy chú chỉ làm theo những gì đã thuộc đã nhớ, mà làm theo những cái đó tức là làm theo vọng tưởng. Mấy chú phải không nhớ vọng tưởng, không thương vọng tưởng mới buông được nó. Có buông vọng tưởng thì ý chí tu hành mới phát huy. Ở đây cần phát chí dũng mãnh và nhất định phải tu, không đợi tới phủi tóc, mặc áo nhuộm, thọ giới cao quý của Phật rồi mới phát huy tinh thần đó. Một khi chúng ta đã có duyên gắn bó với Tam bảo, có chủng tử giác ngộ giải thoát thì mau mau phát huy, làm cho nó phát triển vững mạnh. Thầy chỉ đem những kinh nghiệm của người xưa hoặc chính bản thân Thầy chỉ cho mấy chú, tự nơi mỗi người phải đứng lên, tìm cách giải quyết cho mình.

Nhiều vị viện lý do bệnh tật muốn xuống núi. Thầy bảo ở trong đạo có một cái hay lắm, nên Thầy mới đưa vào trong đời sống sinh hoạt của các thiền tăng, đó là lao động. Ánh sáng mặt trời xuyên qua thân thể của chúng ta, nó xua đi tất cả những con sâu bọ, những con khuẩn độc trong thân mình. Nếu ngày hôm qua quét sân đau lưng thì bữa nay đi cuốc đất. Những lời dạy trực chỉ có sức sống như vậy, nhưng không phải ai cũng có thể nghe được và làm được. Cố gắng lắm chứ không phải dễ dàng đâu! Cố gắng thêm nữa thì mới có thể phát tâm Bồ-đề, thương mình mà phát huy được ý chí kiên quyết để tu hành. Chúng ta không để bị rơi trong bất cứ một quãng nào, tình huống nào, lúc nào cũng vững vàng bước lên.

Bậc cấp lên Pháp đường của chúng ta bên này năm cấp, bên kia cũng vậy. Người mạnh bước lên nhanh chóng dễ dàng. Người yếu bước lên một cấp lấy tay chống gối một chút, tuy chậm nhưng cũng lên. Người chống gậy bước lộc cộc, dựa bên đây bước một cái, dựa bên kia bước một cái, rồi cũng lên được. Cuối cùng người không thể dở chân lên nổi, ngồi ịch ra đó nhưng huynh đệ tới nâng đỡ họ cũng lên tới nơi. Chỉ có người không chịu lên là ở dưới thôi. Đối với việc tu cũng vậy, giai đoạn đầu cực khổ khó khăn nhưng nếu chúng ta chịu tu thì tâm Bồ-đề vẫn phát, chỉ người không muốn tu mới không phát được thôi.

Tôi nhớ thuở ấy anh em chỉ có 10 người. Thầy Như Hoàng làm tri sự, thầy Thông Lạc làm hương đăng. Ngoài ra còn có thầy Phước Hảo, thầy Đắc Pháp, Thiện Đức, Thiện Năng, Trí Cảnh, Phước Tú… loay hoay chỉ có mấy huynh đệ nên Hòa thượng muốn dạy điều gì cũng dễ lắm. Ngày xưa, anh em chúng tôi học thiền chừng một tháng đầu, đứa nào đứa nấy thấy các tế bào thông minh chạy rần rần. Ai cũng nghĩ chắc chắn mình ngộ đạo, nghe tiếng hét của thiền sư là ngộ liền. Hồi đó thiệt vui, Hòa thượng nói cái gì quí thầy cũng hét, hét loạn lên hết.

Mỗi chiều, trước giờ huynh đệ uống bột là Hòa thượng đã có mặt, ngồi trên tảng đá lớn, chúng tôi dùng xong thì ra ngồi quanh dưới chân thầy. Xung quanh Thiền đường có nhiều hồ nước, gần nhà bếp cũng có những bóng mát và các tảng đá núi trầm hùng. Chiều ở Chân Không muỗi nhiều nên Hòa thượng cho chúng tôi ngồi trên mấy nắp hồ hay mấy tảng đá, Thầy ngồi giữa đám học trò xúm xít chung quanh, anh em chúng tôi thưa hỏi đạo lý một cách tự do. Điều gì chúng tôi không biết hay không hỏi thì Thầy tự nêu lên để chỉ dạy.

Quả thật ba năm này đối với tôi ấm cúng làm sao. Bây giờ ngồi nghĩ lại, ao ước được sống chừng ba tháng như những ngày trước cũng không làm sao có được. Mọi việc cứ trôi xa, như dòng nước chảy tuôn ra biển, không bao giờ quay lại nữa. Ngồi đây nghĩ lại những lời Thầy dạy ngày xưa, mới thấy hối hận vô cùng. Thầy dạy nhiều lắm nhưng mình không ưng thì không làm, hoặc dạy thì dạy còn làm thì thủng thẳng làm. Bây giờ có tiếc nuối cũng đã muộn. Cho nên mong rằng chư huynh đệ có phước hạnh được gần gũi, học hỏi với các bậc thầy của mình, hãy trân quý và ráng sức thực hành cho được những điều quý báu ấy. 

Khóa đầu ở Chân Không, Hòa thượng giảng kinh Kim Cang, Nguồn Thiền, sử chư Thiền sư Trung Hoa. Thầy nói bao nhiêu đó mấy chú đủ tu rồi. Thế là chưa mãn mùa Hạ thì đã có ba bốn vị xuống núi. Thời ấy anh em chúng tôi còn tăm tối làm sao, nghe vậy cứ nghĩ mình học đã xong, nên xin Thầy cho đi tìm chỗ hạ thủ công phu. Người lên hòn Tre, người đến hòn Thổ chu, người về quê… vác gậy đi tùm lum hết. Thầy ngồi trên bệ đá bất đắc nhìn học trò xuống núi mà lòng không vui. Đó là những sai lầm lúc huynh đệ chúng tôi còn nhỏ. Kể lại như thế, tôi muốn đại chúng ngày nay rút kinh nghiệm của người đi trước mà tránh phạm phải những sai lầm đáng tiếc trong đời tu của mình.

Thầy bảo chư Tổ ngày xưa được các bậc Thầy hướng dẫn hành trì, ngay đó liền ngộ đạo. Chuyện người xưa ngộ đạo cách đây hai ba ngàn năm, rất khác với chuyện của mình bây giờ. Chuyện mình bây giờ là 3 giờ sáng đánh kiểng, lên ngồi thiền ngủ gà ngủ gật, chiều đánh kiểng lên lớp học mệt mỏi chán nản… Như thế kéo dài thời gian ba năm trời chưa chắc học được điều gì. Vậy mà chúng tôi cứ chóp lấy câu nói ấy rồi cho rằng mình đã đủ vốn luyến để tu, nên nhanh chóng quảy gói xuống núi. Trong 10 anh em hồi ấy có ba bốn huynh đệ thất bại xiểng niểng, còn lại mấy người chúng tôi. Thấy vậy, Thầy khuyên “chú nào còn ở lại cứ yên tu”. Quý Sư bà trong thành phố hay tin chạy ra thăm, Thầy cười nói tự nhiên “mấy đệ tử tôi xuống núi gần hết rồi, còn lại có mấy người”. Hòa thượng vẫn giảng bình thường, sống bình thường, tu bình thường và dạy chúng tôi cứ tu bình thường, đừng lo ngại gì hết.

Hôm đó đến phiên đi chợ của hai thầy Phước Tú và Trí Cảnh, trưa dần rồi chiều tối, không thấy thầy Phước Tú về. Thế là thêm một người nữa bỏ đi. Một tuần lễ sau vào buổi chiều, chư tăng chuẩn bị lãnh bột ăn, bỗng nghe tiếng chuông rung, Hòa thượng chống gậy đi vòng vòng ngó thấy, bảo tôi ra cổng xem thế nào. Tôi ra nhìn thấy thầy Phước Tú liền kinh ngạc, đầu cổ áo quần đỏ chét, bộ đồ vải vàng cũng đỏ luôn, chân cẳng bụi bặm tèm lem. Tôi hỏi: - Huynh về rồi hả? Thầy nói: - Ờ. Tôi vào thưa Hòa thượng, Hòa thượng bảo cho vô. Tôi mở cửa xong, Hòa thượng đi lên phương trượng không nói gì hết.

Sau đó, ngài bảo tôi hỏi thầy mấy ngày qua đi đâu. Tôi xuống hỏi mới biết thầy bị chấn động bởi những người bạn quảy gối xuống núi, nên thầy bỏ đi luôn. Lên Đà lạt vào chiều tối, thầy ngồi trên băng ghế của một ngôi chùa suốt đêm, vì vị tri khách không cho nghỉ qua đêm. Thời ấy an ninh rất khó khăn, nơi đó là trụ sở Phật giáo nên quí thầy tại trụ xứ không dám dung bất cứ vị tăng nào không có lai lịch rõ ràng. Thầy Phước Tú nói không cho nghỉ thì ta vẫn cứ nghỉ. Trời Đà lạt khiến thầy lạnh run, trên thân không có mền, chỉ mặc chiếc áo nhật bốn vạt. Khoảng 9, 10 giờ chư tăng ở chùa ra xem, thấy ông thầy lang thang chưa đi nên họ liên hệ kêu xe đưa thầy đến cảnh sát. Cảnh sát thấy thầy hiền lành, nên họ không làm khó dễ gì.

Thầy kể trong một tuần lễ lang thang đó, sống với cái lạnh không nhà, không cơm ăn, không nước uống, mới cảm thấy thấm thía cuộc đời. Thầy đưa bàn tay lên cho tôi nhìn, đúng là đã mất hết Calori. Tuy nhiên mấy ngày sau thầy lại trỗi dậy cái hào khí ban đầu, đôi mắt sáng rực nhìn về phía trước, phải tìm nơi tu hành thành đạo mới được. Nhưng cuối cùng không biết nhân duyên làm sao, thầy lại quay về Chân Không. Anh em hỏi chuyện qua loa rồi đi nghỉ. Sáng Hòa thượng xả thiền xong đi vòng vòng, thầy lên trình với ngài sự việc, sau đó vẫn sống vui vẻ trở lại đời sống thiền sinh với núi rừng, với anh em. Và chúng tôi luôn quí mến nhau như thuở nào.

Tôi thấy có một điểm hay là huynh đệ chỉ sống chung khoảng hai ba tháng mà đã có niềm quí kính nhau. Anh em ngồi ăn chung một quả đường nhỏ, cùng chia sẻ miếng canh miếng cơm. Ở đó có một niềm vui, một sự cảm thông trên bước đường tu hành. Vì vậy tôi nghĩ với phúc duyên hôm nay, với sự sắp đặt chu đáo như thế này, chư huynh đệ ở tại thiền viện Trúc Lâm Trí Đức cũng sẽ có sự cảm thông gắn bó nhau, phát nguyện làm tròn bổn phận một người học trò của Hòa thượng Trúc Lâm.

Nơi đây không phải phố thị nhưng cũng không phải thôn quê, là chỗ thuận lợi cho việc tu học. Đại chúng vào đây cũng giống y như sống trong gia đình mình rồi. Tất cả đều đồng thầy, đồng huynh đệ, đồng học pháp, tụng kinh, tọa thiền… hòa đồng cộng trụ. Như vậy là chúng ta đã kết chủng Phật với nhau nhiều đời rồi, phải không? Cho nên huynh đệ mình quí kính, nâng đỡ, tương trợ nhau trên bước đường tu. Khi nào trong lòng lảng vảng những niệm nhớ nhà, nhớ cha mẹ thì buông ngay. Phải biết như vậy là chưa dứt khoát, chưa dám quên mình, chưa thương mình nên rất dễ xúc cảm với ngoại cảnh bên ngoài. Nếu không khéo chấn chỉnh, chúng ta sẽ mất nhiều thời gian bởi những thứ này. Nó chính là bọn ma mị đầu tiên, từ đó hình thành các chuỗi vọng tưởng liên kết nhau, dẫn dắt chúng ta đi vào mê lộ tử sinh. Bước ban đầu huynh đệ trị được, phá hết những mảng lưới mờ mờ này thì nhất định sẽ bình an, vui vẻ tiến bước trên con đường đạo.

Khi chúng ta đứng ngay dòng nước, thấy nó tuôn chảy dưới chân mình, thực sự dòng nước ban đầu đã trôi xa tít rồi. Những gì qua mất thì không bao giờ lấy lại được. Tôi ngồi chiêm nghiệm thấy dòng thời gian qua nhanh quá. Nhớ ngày nào lên núi sống với Thầy, được Thầy dạy cái này cái kia, rồi huynh đệ tung tăng trèo non lội núi làm việc với nhau thật vui. Sáng mai thọ trai xong ai cũng mang giày, cầm dao, rựa, gậy lên núi. Hòa thượng giao mỗi người một phần rừng tha hồ mà làm, nhưng anh em chúng tôi làm được bao nhiêu đâu. Lao động một chút rồi trở về ngồi thiền, sống rất thanh thản, bây giờ muốn tìm lại không được.

Từ đó tôi cảm nhận sự ác nghiệt của vô thường, của đổi thay. Hòa thượng Ân sư bây giờ già rồi. Chúng ta đâu ai muốn Thầy già, muốn Thầy khỏe mạnh mãi nhưng không được. Anh em thì mỗi người một phương, nhìn lại chỉ có đại huynh Đắc Pháp là đồ sộ nguy nga. Tôi thì bệnh hoạn liên miên, thầy Đắc Huyền cũng tới thời kỳ bệnh nhiều. Thời gian có bao lâu mà thay đổi quá nhiều, thật đáng sợ! Hồi sáng huynh đệ chúc tôi sống lâu, tôi ngán quá. Cái gì qua rồi mình không mong lấy lại được, cho nên chúng ta phải tranh thủ làm gì được thì làm.

Chư huynh đệ ráng tu, vui vẻ sống tích cực để đời tu của mình thật xứng đáng. Nếu tu có đạo lực rồi, thời gian qua nhanh cũng chẳng ăn thua gì. Tất cả sự thử thách nghiệt ngả điều khiến cho mình trở thành cứng cỏi hơn, vững chãi hơn. Là những người con Phật, ở trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải sống được, đứng vững được thì mới có thể đi đến đích, đúng như sở nguyện ban đầu phát tâm vào đạo. Sinh ra trong thời mạt pháp, chư huynh đệ phải thật tích cực, phấn phát lên trong việc tu hành, mới mong thành tựu được sở nguyện của mình. Trên hết vẫn là sự quyết tâm dũng mãnh của mỗi người. 

Sau này, khi tôi đã về Thường Chiếu, có lần Hòa thượng đi Hà Nội dự Đại hội Phật giáo. Trong chuyến đi ấy tôi được theo Thầy và cũng là một đại biểu trong Đại hội. Sau đại hội Hòa thượng phát tâm lên chùa Đồng. Thầy nói “phải lên chùa Đồng một lần kẻo sau này yếu lên không nổi”. Khi Hòa thượng phát tâm lên chùa Đồng tôi cũng phát tâm lên chùa Đồng. Vì thầy của mình già lớn tuổi lên chùa Đồng nổi, không lẽ tôi trẻ tuổi nói con đau chân không đi được. Thực sự là tôi đau chân, hai chân bị phong thấp đi đau lắm, ngồi xe lâu là hai cái bắp chân nó sổ ra cứng đi không nổi.

Đêm đó, đoàn ngụ tại Hoa Yên, bên ngoài trời mưa tầm tã mà tôi không hiểu là mưa hay là sương. Phật tử Hà Nội có một sức chịu đựng phi thường, mưa phủ mù mịt mà họ chỉ mặc cái áo mưa hai ngàn đồng, đứng bên ngoài chùa Hoa Yên. Lúc đó, Hòa thượng nghỉ mệt nên nói với thầy Thông Giác: - Mấy chú sinh hoạt với Phật tử đi. Một hồi thầy Thông Giác đến thưa: - Bạch Thầy, quý Phật tử muốn thỉnh Thầy lên nói chuyện cho họ nghe. Thầy cũng hoan hỷ lên nói chuyện khoảng chừng nửa tiếng, rồi kêu tôi: Chú thay tôi nói chuyện cho Phật tử nghe. Tôi mệt quá.

Lúc đó tôi không biết làm sao, chỉ muốn nói “thưa quý vị tôi đau chân quá, bây giờ xin được nghỉ”. Muốn nói câu đó ghê mà nói không được. Tại sao? Người ta nhìn mình bảo “Sư ở Nam béo thế” thì làm sao nói cho Thầy đi nghỉ! Phật tử đông lắm, họ đứng ngoài mưa đầy hết. Tự nhiên lúc đó Tổ Trúc Lâm ủng hộ, tôi nghĩ ra thiền sư Hiện Quang chính là bậc thượng Tổ trên non Yên. Ngài là con nuôi cũng là cao đệ của thiền sư Thường Chiếu. Tôi liền đem chuyện ấy ra kể, nhớ đâu nói đó, mà Phật tử cũng vỗ tay rần rần.

Hôm sau 5 giờ sáng khởi hành. Thầy nói đường lên chùa Đồng rất khó đi, mà sáng nay trời mưa, ai đi phải mặc áo mưa áo lạnh vào. Khởi hành lúc 5 giờ lên đến chùa Đồng khoảng 9, 10 giờ. Thầy luôn luôn kêu tôi vì sợ tôi theo không nổi. Tới nơi Thầy thắp nhang, lễ Tổ xong liền ngồi trên bệ đá, Tăng Ni Phật tử xúm lại xung quanh, nghe Thầy kể chuyện các thiền tổ Trúc Lâm ngày xưa và tâm nguyện khôi phục thiền tông Việt Nam của Thầy. Khoảng 15 phút sau Thầy nói bây giờ xuống núi, tôi chỉ kịp xá chùa Đồng ba xá rồi xuống núi theo Thầy. Thầy đi trước có người theo dìu, tôi đi sau được chừng một quãng thì hai chân không đi được nữa, bây giờ biết kêu ai. Thầy đi đằng trước cũng đau chân, mà huynh đệ xung quanh cũng mỏi mệt hết rồi. Vậy mà có những cụ già năm nào cũng đi chùa Đồng. Tôi hỏi thăm các cụ năm nay bao nhiêu tuổi? Có cụ tám mươi hai tuổi! Nghe thế, tôi phấn khởi lên, ráng đi.

Tôi gượng nói chuyện vui cười nhưng hai cái chân lết hết được rồi. Bấy giờ huynh đệ mới nhờ hai chú bộ đội kè hai bên, một ông thầy đằng trước đỡ, một ông thầy đằng sau đẩy. Bốn người cùng đi với cái thân tứ đại ba trợn này. Thầy xuống tới Hoa Yên thọ trai, nghỉ một chút rồi ra lệnh hai giờ xuống núi tiếp. Tôi cà la cà lết cùng đoàn như vậy gần hai giờ. Quần áo ướt hết, tôi nhờ mấy thầy đỡ, vừa thay đồ xong thì Thầy hỏi “Nhật Quang đâu xuống núi”. Thầy nói xong là đi, mình cũng phải đi. Qua khỏi Hoa Yên là xuống một nấc rồi, chỗ này cao lắm.

Đoàn của Thầy đã đi tới hàng tùng xa rồi, mà mấy huynh đệ đang rớt lại. Tôi nghĩ trong lòng bây giờ phải kiếm người để dìu họ. Tôi có người dìu rồi, hai cái chân chỉ cần lết thôi không phải làm gì nữa. Hai bên có bốn cái chân, đằng trước hai cái, đằng sau hai cái, cả thảy tám cái cộng với hai cái chân hư nữa là an toàn, nhất định phải đi tới nơi thôi. Nhìn thấy mấy anh bộ đội chạy lên chạy xuống như chơi mà mình phát khiếp. Tôi nhắn: - Mấy anh ơi, các vị kia đi không nổi nữa, mấy anh tìm cách giúp họ đi. Thầy xuống tới chùa Giải Oan, ngồi đợi gần 6 giờ tôi mới xuống tới. Thầy nói: - Đi núi mà đem chú theo kiểu này thiệt mệt quá. Lúc đó, mấy thầy dùng dầu xanh bấm bóp… xức hết chai dầu luôn, da tôi phỏng lên mà vẫn đau nhức.

Về tới nơi, Phật tử đưa bác sĩ ở bệnh viện Bạch Mai ra, họ chích, xứt thuốc này thuốc kia cho đỡ. Sáng mai lại có thể khập khểnh đi tiếp. Thế là tôi đi dự đại hội. Chỉ một chuyện theo Thầy thôi, nhưng tôi đã hết sức quyết tâm. Quyết tâm này không thể nói cho ai nghe, cũng không thể nói với Thầy “con quyết tâm theo Thầy”, bởi vì trong chuyến đi từ Nam ra Thầy đã sắp xếp tôi đi theo Thầy. Thầy đâu cần nghe mình nói quyết tâm, nhưng thực sự mà nói phải quyết tâm mới theo Thầy một cách trọn vẹn được. Nhiều khi tôi thấy Thầy đi, huynh đệ đi, nếu mình rớt trở lại thì coi sao cho ổn? Tôi định thôi kỳ này mình nghỉ đại hội, xin thầy ở lại nhà để bác sĩ chích thuốc vài ngày rồi đổi vé về Nam. Suy nghĩ đủ thứ hết, giờ ăn vọng tưởng, giờ ngủ cũng vọng tưởng, làm gì cũng bị vọng tưởng xen vô. Tính toan đã rồi cuối cùng cũng chỉ đi theo thầy mà thôi.

Những ngày ở ngoài đó Phật tử lo chu đáo lắm. Sáng ăn rồi xuống lầu, xe bốn bánh rà tới cầu thang đón lên hội trường, trưa có xe đón về. Đại biểu thì đi xe buýt lớn, tôi là dân biểu nên đi xe con. Xe treo cờ xí lăng xăng, tưởng đâu là ông cớm nào chứ thực ra là bệnh nhân. Với sự quyết tâm, tôi làm việc nào cho xong việc đó. Điều này chính Hòa thượng đã dạy và khẳng định với anh em: - Dù cho có những biến trạng, những vấn đề gì xảy ra, mình cũng phải phát tâm dũng mãnh, nhất định sẽ vượt qua. Tôi tin tưởng lời Thầy và đã thành công.

Đầy đủ sự quyết tâm cộng với niềm tin nơi Thầy, Thầy bảo làm là làm, nhất định không có gì khác. Lúc đó tôi như bị nghiệp lực thử thách dồn dập. Mình cũng đi đứng, cũng là đại biểu như bao người nhưng có những nỗi đau nhức riêng, không thể nói cho ai. Phật tử tới hỏi thăm hôm nay Thầy đỡ đau không, dùng thuốc thế nào, có giảm đau chưa, để con chạy kiếm mua thêm thuốc. Tôi nói: Đỡ rồi. Cố gắng chịu đựng hết sức mình, tôi không thể để Phật tử phải mất thời giờ lo lắng cho cái thân này nhiều hơn nữa. Từ sự quyết tâm như vậy, tuy là một việc nhỏ như đi chùa Đồng và dự Đại hội Phật giáo, đau đớn tới đâu tôi cũng đi đến nơi. Đi trễ cũng tới nơi, đi mà người ta dìu cũng tới nơi, người ta cõng cũng tới nơi.

Nhờ sự quyết tâm mà mình ổn định. Đây là một kinh nghiệm sống trải. Trong sự sắp đặt của chúng ta, có thể mười điều nhưng chừng năm ba điều được như ý thôi. Còn thì ba mớ không cái nào ra cái nào, nhiều khi mình cũng khổ, cũng đổ nước mắt. Tuy nhiên, nếu quyết tâm thì nhất định sẽ thành công. Tôi kể chuyện của bản thân để từ đó chia sẻ với huynh đệ chút kinh nghiệm dự bị cho đời sống hiện tại và mai sau. Bởi vì có một số vị mới vào xin công quả xuất gia, mọi sinh hoạt trong thiền viện đều mới, quí vị thật sự lúng túng. Đi thọ trai cũng mới, ngủ trên cái đơn cũng mới, khuya thức dậy 3 giờ cũng mới, mọi sự đi lại xung quanh toàn là mới hết v.v… Vì thế nhiều huynh đệ chưa thích ứng kịp.

Như ở nhà tối quí vị mở truyền hình nghe nhạc, xem tin tức nhưng ở đây muốn mở truyền hình không ai cho, nghe toàn là những lời Phật pháp: giải thoát, từ bi, trí tuệ, chứ không bao giờ nghe chuyện khí tượng, tàu chạy ven biển. Ăn cơm ở nhà dọn sẵn, lên cứ tự nhiên ăn, ở đây tụng Phật quá khứ, Phật hiện tại, Phật vị lai, tụng đủ thứ cho tới cơm nguội lạnh hết rồi mới ăn. Ăn phải im lặng không cho nói chuyện, ăn xong phải tụng một lần nữa. Ui da nó mệt mỏi nhưng mà phải làm, cứ làm thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua những giai đoạn khó ban đầu. Cứ thế mà nuôi dưỡng ý chí cương quyết tu tập. Nếu không vượt qua được những thử thách ban đầu này thì sự phát tâm thương mình, cứu lấy mình không hoàn thành được.

Bây giờ phải thương mình làm sao? Mọi hiện tượng chung quanh chúng ta đều bị đổi thay, thân này không thật, không bảo đảm còn hoài. Từ đó chúng ta phát tâm tu. Tuy nhiên, nói thế ấy cũng chỉ là những khái niệm mà thôi. Khi đi vào giải quyết những sự kiện có liên hệ tới thân này, thú thật chúng ta chưa làm chủ được. Cái đau cái nhức vẫn chi phối thì đến lúc chết, làm sao mình an lành ra đi tự tại đây. Do đó chỉ có sự quyết tâm cố gắng vượt qua mọi trở ngại để thành tựu đại nguyện mới có thể làm chủ sinh tử.

Mong rằng chư huynh đệ đều phải biết thương mình mà phát tâm Bồ-đề, buông bỏ tất cả mọi phiền não khổ đau, sống an lành trong ánh sáng của Phật pháp.

[ Quay lại ]