CỐ GẮNG
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ ba, 22 Tháng ba 2011 13:30
Kính thưa đại chúng!
Buổi học chiều hôm nay tôi có một điều muốn nhắc nhở thêm cho chư huynh đệ. Mỗi chúng ta nên biết tự cố gắng và cố gắng hơn một chút. Thưa cố gắng cái gì? Cũng chỉ là những việc thường ngày trong đời sống của chúng ta mà thôi. Không có gì mới lạ đâu.
Như hôm rồi, trong buổi giảng cho đạo tràng Phật tử, tôi có nói sự có mặt, sinh hoạt của chúng ta trong đời sống giống như một khu vườn cây ăn trái, trong vườn mỗi cây tự nó lớn lên trong điều kiện phân nước đầy đủ. Trổ mầm, ra hoa, kết trái, các cây đều tiếp nối tuần hoàn như vậy. Thì đây, cuộc sống của chư huynh đệ cũng thế. Quý vị nghiệm kỹ xem có phải vậy không? Sáng ra thức dậy ăn sáng, đi làm công tác. Trưa về nghỉ ngơi, tiếp tục chiều đi học, theo thời khóa tụng kinh, tọa thiền, cứ tuần hoàn như thế. Ngày nào cũng như ngày nào và mọi việc làm cũng vẫn như vậy. Tuy nhiên nghiệm kỹ sẽ thấy rằng, nếu chúng ta thiếu sự cố gắng, thiếu tinh thần phấn đấu tích cực thì sinh hoạt, công phu của chúng ta sẽ rề rà, không vươn lên nổi. Cho nên phải cố gắng thôi, không có cách khác được.
Sinh hoạt tu học của chúng ta cũng tương tự. Như tôi đang ngồi, thấy các chú tiểu La Vân đi qua, trong đó có chú hơi lơ đễnh một chút thì rõ ràng quãng của chú đó đi sẽ ngoằn nghèo, không thẳng hàng như đoạn đường trước. Trong đời sống của chúng ta, cũng có những hình ảnh, những vấn đề giống như vậy. Nếu chúng ta hơi lệch lạc, hơi sơ hở, hơi nghĩ ngợi sai lầm một chút thì bước tiến và sinh hoạt của chúng ta sẽ ngoằn nghèo, giống như hiện tượng trong ví dụ trên.
Lý do nào mà lại như thế? Lý do tâm lý, lý do ở chỗ sâu kín trong mỗi chúng ta. Ví dụ như có chú tiểu thay vì bưng chén nghiêm túc, để đôi đũa thẳng thắn, đội chiếc nón ngay ngắn, chú lại bưng cái chén lệch một bên, đội cái nón cũng không ngay, cái áo mặc thì nút cài nút thả, rồi đi không ngay thẳng, uốn éo, có khi hả họng ngáp giống như những con cá bị người ta đưa lên khỏi mặt nước. Hiện tượng này xảy ra thì không còn nghiêm chỉnh nữa. Rõ ràng chúng ta nhìn thấy một cách cụ thể bên trong có điều bất ổn, nên phát ra hình ảnh, sự kiện như vậy. Tôi nghĩ nếu như trên bước đường tu hành, sinh hoạt tu học hàng ngày của chúng ta cứ để những hình ảnh ấy xảy ra thì quả thật sẽ làm mất đi ý nghĩa tu hành của mình. Muốn cho sinh hoạt được hoàn chỉnh, uy dũng, có sức sống đi lên thì chúng ta phải cải thiện, dẹp bỏ tất cả những hiện tượng đó, mới có thể “Tiến thẳng vào Thiền tông” được.
Hiện tại chư huynh đệ chưa tiến thẳng vào Thiền tông vì còn uốn éo, ngoằn nghèo, lết thết. Chúng ta phải cố gắng khắc phục vượt qua những điều này. Tôi muốn nói tới thân phần bên ngoài của mình. Có mấy chú tiểu đang đứng nghiêm túc, nghe thấy mấy chú bên kia nói chuyện và biết việc đó là không đúng, sẽ bị khiển trách nên càng cẩn trọng nghiêm chỉnh hơn. Đó là biểu hiện bắt đầu cho một sự cố gắng. Chư huynh đệ chúng ta nên nhớ, nếu mỗi người đều có cố gắng thì sẽ hoàn chỉnh tất cả những gì còn lôi thôi, không có giá trị. Chỉ cần cố gắng là chúng ta có thể vượt lên được những sai lầm ấy. Hôm qua đã lỡ sơ suất, bữa nay chúng ta chấn chỉnh lại. Như có chú tiểu vừa hả miệng ngáp, nhìn thấy có người ngó liền giật mình, tự nhiên ngồi nghiêm chỉnh lại, khống chế được cơn ngáp. Đây chính là sức cố gắng.
Con người nói chung ai cũng thích vui vẻ, phóng khoáng, vì như thế dễ chịu hơn bị gò bó, bị khống chế bởi luật lệ. Người thế gian thích sống trong dục lạc, đôi khi họ cũng hiểu việc ấy sẽ đưa đến hậu quả không tốt, nhưng thà thế còn hơn khép mình trong giới luật. Vì vậy Phật bảo Bồ-tát sợ nhân còn chúng sanh sợ quả. Khi nào khổ hẳn hay, chưa khổ là chưa sợ chưa ngán. Chúng ta tu hành khác với người đời ở điểm này. Mình biết những gì là nhân đưa đến đau khổ thì không làm, cho nên chúng ta tự biết kiềm chế hay nói đúng hơn là biết điều phục những tập nghiệp xấu. Từ đó mình vươn lên, thoát khỏi cạm bẫy của ngũ dục.
Mỗi người luôn tự cố gắng để có thể vươn lên, thực hiện ước nguyện tu hành một cách hoàn thiện nhất. Có vị sẽ hỏi cố gắng cái gì. Tôi xin trả lời là trong tất cả việc từ ăn mặc, ngủ nghỉ, nói năng cho tới tu tập, tọa thiền… tất cả những việc đó đều phải cố gắng hết. Dùng tuệ tỉnh giác quét sạch tất cả những gì nhơ nhớp xung quanh sinh hoạt của chúng ta. Đó là gì? Là công phu tu hành. Đâu phải đợi lúc lên ngồi thiền mới tìm cách khống chế vọng tưởng lăng xăng. Lúc này mới làm thì đâu có kịp nữa. Trong mọi sinh hoạt đời thường, những gì thuộc về giới luật thì tuyệt đối phải giữ. Ví dụ mình muốn đừng khởi niệm về ăn uống thì khi nghe mùi, nghe tiếng chiên xào ta phải làm sao? Phải làm chủ giác quan và luôn theo dõi để không bị dính mắc, không bị sức hấp dẫn của vị giác, thính giác kéo lôi. Như vậy là mình giữ được giới luật trong chỗ an toàn.
Tận thâm tâm của chúng ta phải có sự tự nhắc nhở mình tu hành kỹ lưỡng khít khao như vậy đó. Tôi thấy cũng có nhiều huynh đệ rất phấn đấu. Khi nhập thiền là toát mồ hôi, phải kiềm, phải giữ… chắc lúc đó hành giả đang buồn ngủ hoặc bị vọng tưởng nắm mũi lôi đi hay thân thể đau nhức v.v… nên nỗ lực thúc liễm thân tâm. Đây là thời gian quý báu nhất của thiền sinh trong một ngày một đêm. Người biết quý trọng sẽ sử dụng tốt thời gian ấy và được ổn định, an lạc. Đó là thực hiện công phu tu hành tốt. Thật ra vọng tưởng ma mị, bén nhạy và gạt gẫm chúng ta nhiều gấp trăm, gấp ngàn lần những gì tôi đã nói. Bởi vậy nên các bậc Tổ sư, các vị Thầy của chúng ta dạy chớ có tin vọng tưởng. Không tin nên không theo, không chấp nhận vọng tưởng. Nó đã dẫn ta đi trong luân hồi sinh tử nhiều đời kiếp, không thoát ra được. Nếu mình không đề cao cảnh giác, cứ vui vẻ, dỡn đùa với ma mị thì nó sẽ dẫn mình đi vào những con đường tối tăm, chịu nhiều họa hoạn đau khổ, không biết bao giờ mới ra khỏi.
Như giờ thọ trai cũng là một giờ công phu tu hành, nhưng có nhiều vị biểu hiện sự mệt mỏi, xem thường nên không chịu đi thọ trai cùng đại chúng. Đó là không biết giữ gìn công phu. Người xưa đã có những lời răn nhắc cho chúng ta tụng đọc để nghiêm thân tiến đạo. Tất cả đều phải học và hành như thế, vậy mà mình lại lơ đễnh, xem thường công phu. Người tâm đạo cạn mỏng, không chịu chấn chỉnh bồi đắp thì không thể nào tiến đạo. Chúng ta cứ ôm giữ những cái dở cái yếu đuối thì đời nào mới nên thân?
Chư huynh đệ thấy lời dạy của Phật, những nguyên tắc mà ngày xưa chư Thánh, chư Tổ áp dụng hành trì, bây giờ chúng ta cũng được học, được nghe, được nghiền ngẫm, vậy mà tại sao làm không xong? Điều này ta phải tự đặt vấn đề cho mình. Chúng ta đọc lại sử thời Trần, vị Phật của thời này là vua Trần Nhân Tông. Ở ngoài đời, Ngài lãnh đạo quốc gia đánh thắng giặc ngoại xâm với những chiến công vang dội, xây dựng một đất nước Việt Nam thái bình thạnh trị. Sau đó ngài từ bỏ tất cả, vào núi tu khổ hạnh. Thái tử Tất Đạt Đa khi mới xuất gia cũng vào rừng tu khổ hạnh. Trước khi vào rừng, Thái tử cởi bỏ đai ngọc, gấm bào để đổi lấy tấm vải của người thợ săn mà thôi. Điều đó chúng ta cũng biết hết, phải không? Nếu đi tu mà mỗi ngày Thái tử đều có cung nữ dâng cơm, dâng nước thì chắc không bao giờ có đạo giác ngộ giải thoát để bây giờ chúng ta tu học đâu. Những hình ảnh này như một chuyển ngữ mạnh mẽ để mình mạnh dạn cắt đứt nghiệp cũ mà thực hiện tâm nguyện mới.
Cũng thế, chúng ta sẽ rất cảm thông và tâm đắc với việc vua Trần Nhân Tông truyền ngôi lại cho con, lên làm Thái Thượng Hoàng. Đặc biệt thời Trần có ngôi vị Thái Thượng Hoàng, các vua giao ngôi lại cho con kế thừa nhưng vẫn tham mưu, chỉ đạo vua con việc triều chính, chuyện quốc gia trong nửa ngày, còn nửa ngày dành cho việc tu tập. Khi tu tập thì chuyên nhất chỉ một việc tu tập, không cho xen chuyện khác vào. Cho nên mới có hai câu thơ:
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạn lan can khán thúy vi.
Nó không phải là kinh Bát Nhã, cũng không phải công phu tọa thiền nhưng phải nói là siêu đẳng. Khách đến không hỏi gì đến việc dân gian mà chỉ đứng tựa trên lan can ngắm trời xanh. Ngài đã có được một tinh thần rỗng rang, sáng suốt, không dính mắc gì việc triều cương một khi đã truyền lại cho con.
“Khách lai bất vấn nhân gian sự, Chỉ bạn lan can khán thúy vi”. Chỉ tựa lan can ngắm trời xanh thôi. Ngài tu hành thành đạo và mở mang ra giáo hội Yên Tử, một giáo hội Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Bây giờ Thầy của chúng ta đã khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm đời Trần, chúng ta được thừa hưởng tất cả công đức và nền tảng giáo lý, sự tu học của chư Tổ Việt Nam. Các Ngài sống giữa cuộc đời mà vẫn an nhiên tự tại không dính mắc. Siêu thoát là vậy. Hai câu thơ trên nói lên được tinh thần siêu xuất của vua Trần Nhân Tông lúc Ngài làm Thái Thượng Hoàng. Tuy chưa xuất gia mà tinh thần, định hướng tu tập của ngài đã dứt khoát như vậy nên việc thành đạo là hẳn nhiên thôi. Noi gương Tổ sư, chúng ta bây giờ cũng phải cố gắng, làm sao có sự khẳng định trong công phu tu hành thì việc tu mới tiến, mới có kết quả thiết thực.
Tôi muốn nói với chư huynh đệ rằng, mỗi chúng ta cần phải cố gắng khắc phục tiêu trừ nghiệp tập, cố gắng tiến lên, chứ biết làm sao bây giờ. Bởi vì nhìn vào quá khứ thì mỗi chúng ta đều có nghiệp tập mà chính mình đã gây tạo. Do vậy bây giờ trên gương mặt, dáng dấp, tướng đi, giọng nói của mỗi người đều khác nhau, không ai giống ai cả. Muốn chuyển hóa những điều xấu dở đó thì phải tu tập mới có thể thành tựu được. Đại nguyện tu hành là một sự phát tâm vô cùng mạnh mẽ, nhà Phật gọi là phát tâm Bồ-đề, phát tâm mong cầu giác ngộ. Chúng ta đã phát tâm như vậy là đang tiến đến con đường Bồ-tát đạo. Thực hiện viên mãn Bồ-tát đạo thì viên thành Phật đạo. Cho nên ở trong giai đoạn tu đạo phải phấn đấu, phải cố gắng.
Trong một tiền kiếp, đức Phật vì muốn trả thù cho vua cha đã bị ông vua lân bang chiếm ngôi và giết chết, nên trà trộn vào trong hàng vệ sĩ của ông vua kia, chờ cơ hội thuận tiện sẽ giết kẻ thù, rửa hận cho cha. Ngay lúc có thể ra tay, bỗng ngài nghe giọng nói của vua cha văng vẳng bên tai: Hãy đem từ bi để trả hận thù. Nếu đem hận thù đền trả hận thù, thì hận thù sẽ chồng chất hận thù, càng đau khổ thêm thôi. Thế là ngài thức tỉnh buông gươm. Ông vua kia sau khi biết rõ sự việc cũng thức tỉnh, xin ngài tha thứ mọi tội lỗi trước. Hận thù chấm dứt, khổ đau cũng không còn. Thật không có gì quí hơn trí tuệ và lòng từ bi chân thật.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy quả thật có một điều siêu việt ở đó. Tâm đức, sự giác ngộ được biểu hiện nòng cốt trong sức sống tiềm ẩn của Bồ-tát. Biết nhân như vậy sẽ đưa đến quả như vậy, các ngài có sự lựa chọn đúng đắn, không bao giờ tạo nghiệp khổ cho mình và người. Bây giờ đang trong thời tu nhân, chúng ta cố gắng đừng bao giờ gây nhân xấu thì quả sẽ không xấu. Nhân quả rõ ràng, nên tất cả công phu được thành tựu hay không cũng từ sự lựa chọn và tu nhân của mình mà ra.
Việc tu hành cần phải nỗ lực, không chần chừ đợi chờ một cơ hội nào khác nữa. Chúng ta cố gắng trong từng bước đi, kề cận với bạn hữu, ăn mặc ngủ nghỉ, tu tập, hiểu biết hành trì đều như vậy. Chúng ta biết rằng mình gây nhân xấu sẽ bị quả báo xấu thì cố gắng đừng gây nhân xấu. Dù cho hiện tại gặp phải khó khăn bởi những nhân ấy, mình phải ráng chịu một chút để giải tỏa tất cả triền phược. Với quyết tâm như vậy, chư Bồ-tát thành tựu Phật đạo. Chúng ta đang hành trì Bồ-tát đạo cũng phải cố gắng noi theo các ngài. Đừng nghĩ rằng mình tu siêu rồi, không bị bánh xe nhân quả nghiền nát. Nơi mỗi chúng ta phải tự biết, tự bảo vệ, tự gìn giữ tâm đạo và công đức tu hành của mình trong từng phút giây. Chớ có xem thường mà chuốt tai họa không lường!
Muốn bảo nhậm công phu được tốt, ni chúng đừng để niệm buông lung xen vô, nó sẽ làm cho mình lao ra, như vậy uổng cả một đời tu hành. Thực sự mà nói nếu chúng ta không ý thức điều này thì công phu sẽ loãng đi, biết chừng nào mới xong. Trong từng niệm, từng phút giây mình tỉnh giác liên tục thì việc hành trì mới không tan loãng. Chư huynh đệ nghiệm lại thấy trong hơi thở, trong đi đứng, ăn mặc, ngủ nghỉ… chúng ta nợ nần quá nhiều mà công đức tu hành chưa được bao nhiêu thì phải quay trở lại trả nợ cũ thôi. Mình nói tu mà chưa vươn lên, chưa sửa đổi được gì hết. Chỗ này là chỗ huynh đệ phải chú ý. Cứ chạy theo danh vị hão huyền thì mình sẽ mất tất cả, chẳng dính dáng chút gì hết. Đó là điều huynh đệ phải cố gắng, phải ý thức.
Đại chúng nương nơi uy lực của Tam bảo, phước đức của Thầy Tổ mà tiến tu. Vận dụng nội lực của bản thân cộng với tha lực của các bậc Hiền Thánh trong mười phương mà mình thành tựu đạo nghiệp. Đừng để thời gian qua suông vô ích. Nên nhớ mỗi ngày, mỗi ngày qua là một sự mất mát lớn lao. Như tôi bây giờ mới cảm nhận được thời trẻ mình đã phung phí rất nhiều thời gian cũng như sức khoẻ. Bây giờ muốn tìm sự khỏe mạnh, sự nhàn rỗi cũng không được. Mong chư huynh đệ luôn ý thức như vậy để việc hành trì không bị hoang phí. Chúng ta cố gắng chuyển hóa được nghiệp tập của mình khi còn đầy đủ sức khỏe, trí tuệ minh mẫn. Được vậy lúc già yếu mới không lo ngại.
Tôi có thể đọc được một số nghiệp tập trên gương mặt của chư huynh đệ. Ví dụ gần đến giờ tụng kinh mà có người còn đi vào bếp, thong dong đằng sau vườn. Như thế nghĩa là các vị ấy không theo thời khóa thường nhật của đại chúng. Những vị ấy đang bị con ma lười biếng rủ đi chơi. Hôm nay đánh mất, ngày mai đánh mất, cả đời đánh mất công phu, uổng biết là bao. Một khi đã mất rồi thì không tìm lại được, quý vị có thấy hối tiếc không? Có nhiều vị ở trong đạo tràng ba, bốn năm trời mà lên đánh mõ tụng kinh cũng không được, cầm dùi chuông đánh vô chuông nghe không ổn. Vì sao vậy? Vì không có sự cố gắng, chứ những việc đó rất đơn giản, gần gũi, đâu có gì khó khăn.
Huynh đệ không ý thức rằng đó là chuyện bổn phận hàng ngày của mình nên chẳng thực tập, cứ mặc kệ. Rồi hôm nào đó, có buổi lễ gì các Thầy lớn bận hết, mình lên chùa thay thế nhưng đứng chết trân, khi người xướng tụng mình đánh mõ đánh chuông lộn xộn, băng rừng băng rú, thiên hạ tụng không được, có phải ê ẩm không? Do không ổn, không cố gắng nên mình làm rối lên. Một thời tụng kinh chừng năm mười phút, mình đánh chuông đánh mõ hoà nhịp âm điệu thanh thoát, đại chúng tụng vui vẻ, mở lòng hoan hỷ, mình được thêm phước, dễ tu tiến. Ngược lại, quí vị đánh lung tung, đại chúng tụng không được, mình sẽ giảm thiểu phước, tu khó tiến. Mỗi mỗi pháp nghi trong chùa, người xuất gia đều phải am tường, nhuần nhuyễn, không thể cẩu thả lếu láo được. Chư ni nên để ý điều này.
Tổ Quy Sơn có dạy: Trường giới luật chưa từng học hỏi thì liễu nghĩa thượng thừa làm sao lãnh hội? Đáng tiếc, một đời luống qua, sau rồi ăn năn đâu kịp. Giáo lý chưa từng để lòng, đạo huyền nhân đâu khế ngộ? Đến lúc tuổi đời đã cao, tuổi hạ cũng lớn mà bụng rỗng tâm cao, chẳng chịu nương gần bạn lành chỉ biết một bề cao ngạo. Chưa thông kinh luật, sự thúc liễm trọn không, hoặc lớn tiếng to lời, nói năng vô độ. Chẳng kính thượng trung hạ tọa, khi tụ họp giống bà la môn không khác. Khua bát ồn ào, ăn rồi dậy trước. Đi đứng ngang càn, tăng thể trọn không, ngồi đứng lăng xăng khiến người động niệm. Chẳng gìn mảy may phép tắc, chút chút oai nghi. Lấy gì thúc liễm hậu sanh, tân học nương đâu bắt chước? Tổ quở mạnh như vậy đó mà chúng ta vẫn chưa thấy thấm thấy sợ! Toàn là những chuyện thông thường trong đời sống của chúng ta. Thế nên Quy Sơn Cảnh Sách được xem là bộ kinh gối đầu giường của tất cả người học Phật. Đây cũng có thể gọi là pháp ngữ đặc biệt, là khuôn vàng thước ngọc cho hàng đệ tử xuất gia của đức Phật.
Lại nữa, Ni chúng cần biết tu hành phải có lập trường. Có vị sau thời gian tu học ở một nơi lâu thấy nhàm chán, muốn đi nơi khác. Những vị như vậy Thầy liền cho đi. Ngày qua ngày tâm trạng cứ xìu xìu chán nản, cuối cùng không ở đâu được, cũng không học gì được. Các con nên biết đó là bệnh, là cố tật mà đa số người bị dính mắc. Cho nên chúng ta phải cố gắng vượt qua những tâm trạng tiêu cực đó, hãy nuôi dưỡng tâm hồn luôn trong lắng, luôn nhớ và tha thiết với mục đích tu học của mình. Đặc biệt mục tiêu tối hậu của thiền sinh là phải sáng việc sinh tử.
Sáng việc sinh tử nghĩa là làm chủ được vấn đề sinh tử thì trong cuộc sống giữa đây ta luôn tự tại, không vướng bận gì hết. Khi bỏ thân này mình cũng rỗng rang, sáng suốt, tự tại ra đi nhẹ nhàng. Trong huynh đệ chúng ta chưa ai được điều này, phải không? Mạng sống chỉ trong hơi thở, trong cái quãng ngắn ngủi ấy mình đã chuyển sang đời khác mà chưa có sự chuẩn bị, cố gắng nào. Thật đáng lo buồn! Xuất gia được bao lâu, tu học được những gì, thành tựu công phu tới đâu, công đức ra sao… tất cả đều chưa có gì đảm bảo hết. Đó là những câu hỏi lớn cho đại chúng mà mỗi huynh đệ phải tự tìm ra đáp án cho mình. Sự thay đổi nhanh chóng của vô thường, của thân, của tâm, của cảnh, không tha thứ một ai và cũng không định trước. Một khi bất ngờ đến, nếu chúng ta không có sự chuẩn bị nào hết thì sẽ hoảng sợ và rơi vào các đường xấu.
Những điều thầy tâm niệm và nói với tất cả các con, ai nấy đều phải có sự cố gắng. Cố gắng nhìn lại mình, cố gắng chỉnh đốn những điều không hay, những nghiệp tập xấu của mình. Mạnh dạn buông bỏ những cù cặn còn tồn đọng trong tâm. Chúng ta chớ để tan loãng công phu tu hành và vô hiệu hóa thời gian tu tập của mình. Trong giai đoạn này các con cố gắng làm tròn bổn phận của mình, ngõ hầu xứng đáng với chí nguyện tu học cao cả. Vô thường nhanh chóng không cho hẹn, cho nên lúc nào mình cũng phải chủ động. Ai còn nghi ngờ, không thấu lý vô thường là chưa sáng suốt, chưa vững vàng. Phải sáng suốt nhìn thấu mọi sự việc để chỉnh đốn lại mình cho thật hoàn bị.
Thầy mong các con cố gắng, phải thật sự cố gắng!