headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 20/11/2024 - Ngày 20 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

An tâm tu học

thapchuongtriducHôm nay, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về công phu hành trì hàng ngày. Tuy ta học hiểu và nói được lời Phật dạy nhưng thực sự không dễ dàng gì áp dụng đúng như điều mình đã nói. Thời gian mới vào thiền viện, tôi đã dồn hết tinh thần, tấm lòng và ý chí để thực hành lời dạy của Hòa thượng Ân sư, mà cũng không hoàn toàn như ý nguyện. Nếu có được thì chất lượng chẳng là bao.

Hòa thượng dạy: “Hãy tự dừng lại và nhận ra tâm bất sanh bất diệt của mình”. Câu nói đó biểu hiện đầy đủ công phu cũng như sinh hoạt tu học hàng ngày, nhưng chừng bao lâu chúng ta mới thực hiện được ?

Càng đi sâu vào việc tu, bản thân tôi cũng như những huynh đệ khác đều gặp nhiều khó khăn, bởi đây không phải là việc làm tầm thường. Những gì đã qua, chúng ta thấy y như mình làm được, vào được và trụ được trong đó nhưng thực sự không phải. Muốn nhận ra và sống được với tâm bất sanh bất diệt của mình là cả một sự cố gắng xuyên suốt, dài lâu.

Ngồi nhìn mấy cây cọc được cắm dưới dòng nước chảy xuôi và nhiều đám lục bình trôi trên mặt nước, tôi nảy ra vài suy tưởng. Bất chợt một ề lục bình tự nhiên tách bè trôi dần đến chỗ cây cọc, sau đó chúng bám quanh cây cọc. Tôi thấy hay quá, chắc rằng cả đám lục bình ngoài kia sẽ tấp vào đây hết. Nhưng ngồi đợi hoài không thấy chúng tập trung lại. Những ề lục bình nhỏ tách ra khỏi đám lớn trôi đến gần cây cọc rồi kéo luôn ề lục bình quanh đó đi. Đã không chịu dừng lại mà còn kéo người ta đi nữa, thiệt là uổng quá.

Nghiệm lại chỗ tu hành của chúng ta cũng vậy. Có khi năm ba ngày mình thấy yên ổn, vui trong lòng đến mức buổi sáng không cần phải ăn uống. Lúc đi dạo, làm việc hay nói chuyện đều cảm thấy vui. Thời gian ấy kéo dài bao lâu không biết, nhưng vừa đụng chuyện nó tan mất hồi nào không hay. Đang vui mà ai đến nói điều chi bất ổn thì trong lòng chao ngay, niềm vui theo đó mất luôn.

Hòa thượng thường nhắc chúng tôi: “Mấy chú chưa vững niềm tin nên công phu hằng ngày chưa gắn bó”. Ngài thường dùng từ “miên mật” để nhắc nhở việc hành trì công phu đắc lực. Miên mật nghĩa là tâm tâm niệm niệm liên tục không có chỗ nào xen hở. Trên thực tế chúng ta công phu không miên mật. Vừa gầy dựng chút an ổn, tưởng chừng sẽ vận dụng và phát huy được nó, không ngờ các duyên mới đến lôi hết sự an ổn ấy đi. Đây là chỗ chúng ta phải lưu ý dè dặt.

Trước nhất dừng niệm ngược xuôi, lăng xăng, chấp thủ. Làm sao dừng được? Thật không phải chuyện dễ. Như quí vị đang đi trên một chuyến xe, thả mắt nhìn hai bên đường thấy nhà cửa, ruộng vườn, dòng nước, con người… Những hình ảnh đó qua rồi chúng ta không bận tâm, trái lại thấy hai người đang đánh nhau mình dính liền, không bỏ được. Xe chạy qua rồi còn nghĩ mãi, không biết hai ông đó duyên cớ gì đánh nhau hoặc không biết có ai bị sao không? Tâm vọng động nhiều quá nên không lúc nào yên, cứ chạy theo cảnh duyên bên ngoài như những đám lục bình trôi nổi bồng bềnh xuôi theo dòng nước.

Lần đó chúng tôi có dịp về miền Tây. Ngồi trên phà qua sông gặp cảnh người dân sống trên một chiếc xuồng nhỏ vợ con nheo nhóc. Họ sống bằng nghề đánh cá, buôn bán trên sông, sinh hoạt hàng ngày cũng chỉ giới hạn trong phạm vi chiếc xuồng nhỏ ấy. Các cháu nhỏ từ khi được sinh ra cho tới chín mười tuổi chưa hề biết đến mặt đất, vậy mà người ta vẫn sống được. Chứng kiến cảnh tượng như vậy trong tâm nghe xao xuyến mà có giải quyết được gì đâu. Tuy biết các pháp đều giả tạm, nhưng tâm chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn không vướng bận. Cho nên Phật dạy cần điều hòa cho an ổn trước những vướng mắc đang kéo lôi mình.

Dù học Phật pháp hay công phu hành thiền bao nhiêu thời gian mà không tự thấy rõ vấn đề như vậy thì sẽ chẳng thể dễ dàng buông bỏ. Không buông thì không sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt. Hòa thượng Ân sư dạy điều kiện cuối để vào được chỗ chân tâm vô niệm, trước nhất phải biết những nhân duyên đó không thiệt, là giả tạm. Bởi không thiệt nên sinh diệt không đảm bảo. Thấy và sống được như thế là chúng ta đang bước dần tới chỗ chân tâm vô niệm. Lý giải đầy đủ là vậy, nhưng nếu bên trong không thực sự cương quyết, cứ để vướng mắc hoài thì bao giờ buông bỏ được ?

Hôm trước, một vị ni ở am thất đến thưa chuyện với tôi và xin lời chỉ dạy. Vị này đã trên sáu mươi tuổi, sự nghiệp danh vọng ngoài đời không thiếu. Khi đã sắp đặt mọi việc yên ổn, chia sẻ cho con cái đàng hoàng đâu đó hết rồi, chỉ giữ lại một phần phương tiện cho bản thân. Cô thưa với tôi xin được xuất gia, cất một cốc nhỏ theo đạo tràng tu. Tôi hoan hỷ chấp nhận. Mới xuất gia được chừng hai ba tháng, cô đến thăm tôi và kể đang gặp thử thách, mọi việc ngày trước nói buông bây giờ nắm lại hết. Tôi hỏi sao trước nói sắp đặt ổn hết rồi. Cô thưa:

- Hôm qua dưới nhà nhắn lên, công ty đang có vấn đề phải có mặt con mới giải quyết được.

Tôi hỏi:

- Hồi đó sao không giải quyết cho rồi để bây giờ phải có mặt nữa.

Quí vị thử nghiệm xem, cái đầu đã phủi trọc, mặc áo khác thiên hạ, dĩ nhiên tư cách và ngôn ngữ cũng khác hơn lúc ở ngoài đời, bây giờ trở về tiếp xúc với người ta, mình không giống ai, làm sao trao đổi công việc, giải quyết vấn đề gì nữa. Nghe dưới nhà nhắn như vậy mà đi về liền là thua. Về nhà vài bữa, tới chừng con cái đưa lên mặt mày mệt mỏi mà công việc cũng không giải quyết được chi.

Đây cũng là một kinh nghiệm cho chúng ta, nếu không thực sự dứt khoát thì làm sao an ổn tu hành.

Chúng ta phải cương quyết tu tập mới có thể nhận lại và sống được với chân tâm. Chân tâm đó chính là sự yên lắng trong tâm thức. Suốt một ngày từ sáng tới trưa, trưa tới chiều, chiều tới tối, chúng ta nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ rồi quay trở lại bắt đầu một ngày mới. Ngày hôm nay mọi việc đều tốt, ăn sáng xong vui vẻ làm việc cùng huynh đệ, gặp gỡ ai cũng vui. Đến trưa nghỉ ngơi, chiều thức dậy tu học bình thường, tối công phu tốt. Như vậy cuối tháng huynh đệ báo cáo với tôi tình trạng sinh hoạt tu học chung rất tốt.

Tuy nhiên trong đó có một trường hợp, vị này vừa nghe tin mẹ ở nhà bệnh nặng, trong đầu in tuồng dường như ở nhà bà già thở không nổi, phải gấp rút về thăm. Dĩ nhiên những hoàn cảnh như vậy cần phải được giải quyết, điều này trong thanh quy cũng cho phép. Một tuần sau vị này điện thoại về chùa:

- Thưa thầy, mẹ con khỏe rồi.

- Vậy sao không về chùa mà còn ở đó?

- Dạ bây giờ con vướng thêm một chuyện nữa.

- Chuyện gì?

- Dạ chuyện gia đình.

- Gia đình sao ?

- Ở nhà, con có người bạn. Hồi chưa đi tu không hiểu sao hai đứa đụng mặt nhau, cô chửi con tơi bời. Con nói không ưng thì cô về nhà cô đi. Mấy ngày nay con về nuôi bệnh mẹ, cô trở lại nói thương con. Chết không? Bây giờ cuộc sống bất an, không có con cô sống không được, cô cứ đeo bám con hoài. Hôm nay, mẹ con mạnh rồi mà cũng không giải quyết được gì.

Tôi hỏi:

- Lúc này trong lòng chú nghĩ sao? Chú nói thật, tôi sẽ chỉ cách giải quyết.

- Dạ, con dứt khoát không được.

- Dứt khoát không được thì cứ ở nhà đi. Tu mà không dứt khoát thì tu sao nổi.

Đối với vọng tưởng cũng vậy, phải dứt khoát với nó mới tu được. Mình phải kiên quyết buông không để nó kéo lôi. Có yên mới sáng suốt tỉnh táo, nếu không thì khó mà an ổn tu. Tôi nói với người đệ tử kia nếu thấy buông không được thì thôi, cứ ở nhà khỏi phải điện thoại về chùa. Vấn đề nào cũng vậy, gốc từ mình, trách nhiệm đâu phải của ai khác. Bị dẫn đến mức về chùa không được phải điện thoại kêu cứu, dính mắc như vậy mà không dứt khoát thì biết làm sao bây giờ.

Thành ra muốn tâm được yên phải làm chủ nó, đừng cho vướng mắc. Biết cảnh duyên không thiệt và tâm vọng động cũng không thiệt, chớ khi nào nói điều gì mà bảo đó là tâm. Đó chỉ là vọng tưởng chớ không phải tâm chân thật. Vọng tưởng có một sức mạnh đưa đẩy, thúc giục làm cho mình không yên. Nó mạnh đến mức đưa chúng ta trầm luân trong ba cõi sáu đường, khó thoát ra nổi.

Tại Tổ đình, các cư sĩ muốn vào thiền viện tu phải tập sự công quả, có khi một hai năm sống ngoài nhà khách chưa vô nội viện được. Có vị cư sĩ đang học đại học, bỗng nhiên không muốn học nữa.

Anh tới nói tha thiết với tôi:

- Thưa thầy, con muốn vô thiền viện tu.

- Có xin phép cha mẹ không?

- Cha mẹ con nói con lớn rồi, muốn làm gì thì làm. Đi học thì nuôi cho đi học, muốn đi tu thì cứ đi tu, cha mẹ đồng ý.

Anh đi lòng vòng trên núi Dinh đâu không biết, khi quay về ghé Thường Chiếu. Thấy cảnh ở đây anh chịu. Gặp tôi, anh thưa:

- Thưa thầy, con thích ở đây quá. Xin Thầy cho con tu.

Tôi nói:

- Ở đây chuyên tu thiền, làm công tác không mệt nhưng ngồi thiền đau nhức mệt mỏi lắm. Bây giờ tôi cho ở một tuần tại nhà khách, quí thầy sẽ hướng dẫn anh tu tập theo chúng tịnh nhân. Anh nhớ phải hòa hợp, giờ tu, giờ học, thọ trai, làm việc… đều hòa hợp. Không thể nào người ta đi thọ trai mình lại không chịu đi hoặc người ta ngồi thiền mình nói đau chân không ngồi.

Tuần đầu tiên anh theo huynh đệ tốt nên xin ở lại tuần nữa, tôi đồng ý. Anh tiếp tục ở đến hai tháng, bữa đó đi ngang, tôi hỏi:

- Giờ sao? Có còn tiến được hay không?

- Dạ, con tiến được chứ. Nhưng mà thưa thầy, thầy cho con đi một vòng.

- Đi đâu?

- Thực sự con rất nhớ nhà, thầy cho con về thăm nhà.

- Thăm bao lâu?

- Dạ một tuần.

- Được rồi, đi đi. Thường thường những vị công quả ở đây tốt thì ba tháng hay hơn ba tháng sẽ được tuyển xuất gia. Anh liệu mà đi, đi quá thời gian tuyển là rớt nghe.

Anh đi luôn bốn tháng mới trở lại. Về tới chùa, đầu cổ mặt mày bù xù, tôi hỏi:

- Sao vậy?

Anh thưa:

- Con về nhà ít ngày thì gặp mấy đứa bạn. Chúng nói sao con ngu quá, phải đi học chứ. Muốn làm thầy cũng phải học, học xong rồi làm thầy mới tốt, không nên đang học lại bỏ.

Nghe vậy anh quyết định ở nhà, trong lòng lấn cấn muốn điện thoại về chùa xin nhưng lại ngượng không dám. Ba mẹ cũng đồng ý cho học tiếp, bạn bè kiếm chỗ học hành trở lại. Hôm lên đây trông anh thất thiểu quá. Anh kể:

- Ở nhà đi học con quậy quá, ba mẹ cho tiền ít khi nào đủ xài. Đời sống con rất thoải mái, bạn bè thương mến, học hành cũng tốt. Nhưng từ khi ở chùa về, trong con có ấn tượng gì mà không thể nào quên được.

- Đó là gì?

- Con không biết nữa. Vô lớp ngồi nghe giảng, con phải cố gắng lắm. Con không dám nói là nhớ thầy thương thầy hay nhớ chùa thương chùa, bởi vì thời gian con ở đây với thầy ít quá. Bây giờ nói nhớ thầy e rằng người khác sẽ nghĩ con nói dối. Nhưng thực sự những sinh hoạt của chư Tăng, của huynh đệ trong thiền viện cứ lảng vảng trong đầu con. Cho nên hơn ba tháng đi học, con không tiến bộ gì.

- Nếu đã quyết tâm tu thì phải dứt khoát chứ, tại sao cứ lưỡng lự như vậy.

Chính sự lưỡng lự đó tạo thành năng lực dẫn anh chạy theo vọng tưởng mãi không dừng. Lần này trở lại thiền viện, các huynh đệ tập sự chung trước đây đã xuất gia làm thầy hết rồi. Thành ra ở một hai ngày thấy buồn quá anh lại chạy về nhà. Về đó cũng buồn rồi kiếm chuyện vô chùa. Anh chán nản lên thưa:

- Thưa Thầy, thực sự bây giờ con nản lắm.

- Tại sao?

- Con thấy mình dở quá. Thầy Tri khách sắp đặt cho con làm việc chung với quí vị lớn tuổi, con buồn lắm.

- Nếu là người đã thấm nhuần Phật pháp thì xá gì hình thức đó. Anh nản như thế là sai rồi. Anh phải cố gắng xóa bỏ suy nghĩ ấy, sống hòa hợp với anh em. Ba tháng hoặc sáu tháng sau có đợt tuyển xuất gia, nhất định tôi sẽ không bỏ anh đâu. Cố gắng lên.

Được chừng hai bữa, anh mặc đồ tây đàng hoàng đến thưa:

- Thưa Thầy, con xin về đi học lại, con chịu hết nổi rồi.

- Ai làm anh khổ mà chịu hết nổi.

- Dạ không. Tại lòng con chịu không nổi.

- Vậy thôi, anh cứ lên đường.

Anh lừng khừng như vậy suốt cả một năm trời. Qua năm sau trở lên lại trật mất một lần xuất gia. Lần này làm tịnh nhân với công tác hàng ngày là phụ kéo xe rác, nhưng anh vui vẻ hơn nhiều:

- Thưa thầy, con đã thấm thía cuộc đời. Con biết cái duyên của con xấu lắm.

- Duyên sao mà xấu?

- Con nhận ra rằng những thú vui ngoài đời, học thức, địa vị xã hội chỉ là ảo mộng, không có gì vui vẻ bền lâu.

Tôi nói với anh:

- Cuộc đời là một trường ảo mộng. Anh thấy đó, còn biết bao con người khổ hơn anh nữa. Ở những vùng nghèo như quê tôi chẳng hạn, có những người muốn học hết phổ thông thôi mà cũng không được. Lý do là ba mẹ không có tiền, bà con dòng họ cũng nghèo nên chẳng thể nương tựa được. Hơn nữa điều kiện dân trí và phương tiện đi lại khó khăn cho nên học tới lớp bảy lớp tám là nghỉ hết. Nghỉ học rồi phải đi làm thuê làm mướn cho người ta cực khổ. Tới chừng mười bảy mười tám tuổi lập gia đình.

Đời sống của họ đóng khung, luẩn quẩn trong phạm vi nhà tranh, xóm làng nghèo đói, trình độ hiểu biết hạn hẹp thiệt là tội. Rất nhiều người ước mơ có được chút trí tuệ sáng suốt mà không được, bởi hoàn cảnh khó khăn như vậy nên họ mau chóng trở thành người lớn. Đâu có bao nhiêu tuổi, mới chừng hơn ba mươi mà ở trần đen đúa, hút thuốc phì phèo, mặt mày cháy xém. Chuyện đời, chuyện khó khăn gia đình và những chuyện tăm tối trong lòng không giải tỏa được, mặc cho dòng đời nổi trôi đưa đẩy, sống lây lất qua ngày vậy thôi.

Còn rất nhiều gia đình vùng xa xôi phải sống cuộc đời kham khổ hơn thế nữa. Điều tiên quyết khiến họ chấp nhận cuộc sống như vậy là do không vững tâm. Tâm chưa sáng suốt để quyết định cho mình con đường sáng sủa hơn nên rồi cứ thả trôi như vậy.

Nguyên nhân của sự nghèo đói một phần cũng do những trói buộc trong nghiệp nhân bất hảo mình đã gây tạo mà không biết. Đây là điều bất hạnh. Mỗi ngày mình kết chủng nhân xấu, nói năng hành động xấu, tạo thành một nghiệp chủng vô cùng xấu, cho nên nó trở thành bế tắc, thiếu trí tuệ sáng soi. Đây là những trở ngại khiến chúng ta tu không được. Thấy thì sờ sờ vậy mà thực tế còn những vướng mắc sâu đậm bên trong.

Cũng như anh cư sĩ kia, hai ba lần lên công quả mà chưa được xuất gia. Sống trong một gia đình khá giả, học hành đàng hoàng, có kiến thức hiểu biết và cũng có nhân duyên với đạo. Anh muốn tìm con đường giải thoát nhưng bên cạnh luôn có những năng lực vô hình lôi dẫn. Đến lần thứ ba trở lại, vừa vô cửa đã bị bạn bè xúm lại hỏi thăm chọc quê rồi. Nhưng kỳ này anh vững vàng lắm, hứa sẽ quyết tâm xuất gia theo thầy học đạo.

Nếu không làm chủ được mình, khi vọng tưởng điên đảo lăng xăng dấy khởi ngược xuôi, mình sẽ làm cho những người chung quanh bất an. Sự việc đó kéo lôi nhau thành một ề phiền não lang thang trôi giạt như ề lục bình bồng bềnh giữa dòng sông. Cứ thế mà trôi giạt mãi không biết chừng nào mới dừng. Đây là chỗ cần phải tháo gỡ. Vì không tự yên được cho nên không lúc nào sống được với cái tâm thể an ổn rỗng rang sáng suốt của chính mình. Chúng ta phải tháo gỡ bằng mọi cách, mọi phương pháp. Quí vị đã xuất gia phải có cách tháo gỡ của người xuất gia, đây là chỗ công phu. Còn những vị cư sĩ Phật tử đang bị ràng buộc bởi gia đình cũng phải có sự tháo gỡ riêng.

Trong pháp hội này có cả những vị lớn tuổi trước đây đã từng học pháp với quí Hòa thượng hàng Sư Ông của tôi và Hòa thượng Trúc Lâm, đến bây giờ quí vị lại tiếp tục tham gia học pháp cùng chúng tôi. Rõ ràng về công phu tu hành, về sở trường kinh nghiệm sống trải luôn đầy đủ sẵn sàng, chỉ có điều khi hạ thủ công phu thì không khớp với lời Phật dạy nên bị vọng tưởng dẫn đi hoặc chạy theo vọng tưởng. Tất cả do vì chúng ta không đủ sáng suốt, tỉnh táo, không ý thức được vọng tưởng không thiệt, không phát huy được trí tuệ làm chủ và sống được với tâm thể rỗng rang sáng suốt.

Nói tóm lại, muốn trở về được với tâm chân thật thì phải lóng lặng, phải làm chủ được các dấy động, buông bỏ tất cả lăng xăng trôi nổi chung quanh. Trong công phu nếu không cương quyết, cứ để ngày tháng trôi suông thì đâu thấy kết quả gì.

Nhìn lại mới thấy từ năm 75 cho tới bây giờ, gần 40 năm, thời gian trôi qua quá nhanh, chúng ta đã làm được gì? Hàng ngày vào khoảng 6 giờ chiều tại Tổ đình Thường Chiếu, trống Bát Nhã trổi lên và tiếng hô canh vô thường báo cho chúng ta biết một ngày đã qua, phải siêng năng tu học, chớ để luống uổng một đời tu. Tiếng gióng đại cổ chấn động khiến tâm thể chúng ta vào được chỗ thâm thúy sâu lắng, giống như trong kinh Bát Nhã nói hành thâm Bát Nhã, được như vậy thì lợi lạc lắm. Nếu không siêng năng tự cứu mình như cứu lửa cháy đầu, cứ để thời gian qua nhanh không cố gắng tu tập, dễ duôi qua ngày làm người tu cơm cháo qua ngày thì làm sao tháo gỡ con đường tăm tối dẫn mình đi vào ba cõi sáu đường.

Cho nên ai chưa siêng năng thì phải ráng siêng năng, nếu còn mê ngủ thì phải ráng tỉnh dậy, nếu lười nhác thì phải phấn chấn nhìn tới, nếu còn thích nằm dài thì phải ngồi dậy đứng lên, rửa mặt tỉnh táo, dâng hương cúng dường, lễ lạy, công phu sớm hối... Nhờ vào những phương tiện như vậy để thức tỉnh, cảnh giác mình đừng bị trôi giạt theo dòng xoáy của luân hồi sinh tử. Vô thường nhanh chóng như lửa cháy đầu. Chúng ta cố gắng tựu trung cũng chỉ để trị vọng tưởng khiến tâm thể sáng tỏ và sống được an nhiên giải thoát, rỗng rang sáng suốt.

Chúc đại chúng cố gắng tu hành thành tựu như nguyện.

- HT Thích Nhật Quang -

[ Quay lại ]