TRANG NGHIÊM HẠNH NGUYỆN

 Hôm nay chúng tôi sẽ nói về hạnh nguyện của người tu. Người tu thường phát nguyện hành hạnh Bồ-tát, hạnh Phật. Tại sao phải phát nguyện ? Theo tinh thần Đại thừa Phật giáo, người tu luôn luôn phải phát nguyện để đạt cho được mục đích, để thực hiện cho được ý muốn của mình. Không phát nguyện tức là không có mục đích. Không có mục đích thì chúng ta tu hành để làm gì ? Cho nên hạnh nguyện rất cần thiết cho người tu cầu đạo giải thoát viên mãn.

Thế nào là hạnh nguyện ? Nguyện là sở nguyện, là ước muốn của mình. Hạnh là thực hành. Hạnh nguyện là thực hành những ước mong của mình. Vì vậy nhìn chung ai cũng có sở nguyện. Như người đời cầu mong được an ổn khoẻ mạnh. Người tu Tịnh độ niệm danh hiệu Phật A Di Đà, mong được sanh về cõi Cực Lạc. Người tu các pháp môn khác cũng vậy, luôn luôn mong mỏi tha thiết đạt được sở nguyện của mình.

Người tu thiền cũng có hạnh nguyện riêng của mình. Đó là những mong muốn rộng mở, trùm khắp, không dành riêng cho ai, không hạn cuộc trong phạm vi nào. Trong tất cả lời phát nguyện, nguyện lớn lao nhất là nguyện cầu thành Phật. Người tu thiền chỉ nguyện cầu thành Phật. Phật là giác. Chúng ta sống được với tánh giác là sống được với Phật của chính mình. Sống được với tánh giác của mình rồi thì khỏi cần mong cầu. Chúng ta bị các sự kiện xung quanh quấy rầy, nên thường mong cầu được yên ổn. Như bệnh tật liên miên tu không tiến, mong cho hết bệnh. Trí nhớ kém học kinh hoài không thuộc mong cho được thông minh sáng suốt v.v… Đó là những cách nguyện ước rất tự nhiên bình thường. Nguyện cầu thành Phật là ước nguyện lớn lao, nhưng tánh giác là cái sẵn có của mình, chỉ vì quên mà mình không dám nhận, thành ra nói mong cầu cũng chỉ là một cách nói. Song nếu chỉ mong cầu thôi, e khó thành tựu. Chúng ta phải thực hành những chí nguyện của mình cho đến ngày viên mãn.

1. Thệ Nguyện Độ Tất Cả Chúng Sanh.

Tất cả những bức xúc, phiền não, khi đối duyên xúc cảnh là chúng sanh trong tâm ta. Những chướng duyên, thuận duyên, mọi hiện tượng chung quanh chúng ta là chúng sanh ngoài tâm. Tất cả đều cần phải được độ hết. Bởi vì chúng sanh bên trong hay bên ngoài cũng đều là chúng sanh của tâm. Ở đây tạm chia trong ngoài để tiện nói về phương tiện tu hành.

 Chẳng hạn đối với chúng sanh trong tâm, những thứ làm ta dễ chịu thích thú, ta thường có khuynh hướng nuôi dưỡng hơn là loại trừ chúng đi. Đối với chúng sanh ngoài tâm, những cảnh thuận ta giữ lại, cảnh nghịch ta xua đuổi. Người tu thiền không nên có thái độ như thế. Dù thuận hay nghịch đều phải lập chí quyết độ cho bằng được.

Với chúng sanh ngoài tâm, thuận thì gắng độ theo duyên thuận. Nghịch thì gắng độ theo duyên nghịch. Độ đến khi nào chúng ta bình thản, không thấy có vấn đề dễ hay khó nữa mới là thật độ hết chúng sanh. Có thế, mới xứng với lời nguyện của Phật, của Bồ-tát.

Một khi đã hiểu như vậy, ta không còn ngán phiền não nữa, vì đó là đối tượng để chúng ta tu. Nhiều duyên phiền não chừng nào ta nên vui chừng nấy mới phải. Có duyên phiền não ta mới biết việc tu hành của mình thăng tiến hay không. Mọi thứ chung quanh lặng yên, thì mình chìm trong đó nên sẽ không biết mình ra sao. Có nhiều sóng gió, phong ba bão táp mới biết tài chèo chống của thuyền trưởng. Biển lặng sóng yên thuyền bo bo chạy, ai lái chẳng được. Chỉ những lúc trời long đất lở, việc nọ việc kia tối mặt tối mày, mà mình vẫn an nhiên bình thản mới đích thực là thiền tử, là con Phật. Cho nên cần lập nguyện độ tận chúng sanh.

Thệ nguyện độ tất cả chúng sanh ở đây, trước nhất là tiêu dung được tất cả những bực bội, phiền não, dấy niệm loạn tưởng của chính mình. Trị được, buông được những thứ này tức là chúng ta độ chúng sanh trong tâm. Những thứ đó nếu không trị, chúng sẽ là giặc ngăn chướng đường tu của chúng ta. Trở ngại bên ngoài cũng đều phát xuất từ đây. Biết rồi ta phải trị thẳng ngay nó. Cho nên Thiền sư Nam Tuyền nói “tâm bình thế giới bình”.

Tâm chỉ bình khi nào ta trị được những điên loạn của chính mình. Phật dạy “Chiến thắng trăm ngàn quân địch chưa gọi là hiển hách, chiến thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất”. Chiến thắng ở đây là sự bình thản, tiêu dung, giải thoát những dấy niệm, những vọng tưởng lăng xăng của chính mình. Trong những sinh hoạt bình thường, như lúc ăn cơm, uống nước ngủ nghỉ… nhiều khi mình chiến thắng không nổi. Một hớp nước hay một ngụm cơm nuốt không trôi, trong bụng bực bội là chưa tự chiến thắng được. Việc làm này là đại hạnh của Bồ-tát, chẳng phải chuyện thường tình.

Những việc bên ngoài chỉ hỗ trợ, nhắm thẳng bên trong mới là điều quan trọng. Các Thiền sư nói “Tu mà không tu”, nghĩa là không có người tu và pháp để tu.

Chẳng hạn mình đang nổi giận đến tức nghẹn. Lúc ấy phải tụng kinh gì ? Tụng Bát Nhã cũng không xong. Tốt nhất khi đó ta nhìn thẳng vào cái giận xem nó diễn tiến ra sao, tự nhiên nó sẽ lui tan ngay. Chừng đó chúng ta mau chóng lấy lại sự bình tĩnh và chiến thắng được mình. Đó là cách thể hiện cốt lõi của người có công phu.

Thệ độ tất cả chúng sanh, gần nhất là độ tất cả vọng tưởng của mình vào Niết-bàn. Giải quyết được chỗ này rồi thì đời sống chúng ta rất bình thản, an nhiên. Dù bất cứ chuyện phiền phức gì xảy ra, nhưng một khi trong lòng chúng ta yên thì mọi thứ đều bình ổn. Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật dạy vọng tưởng chỉ là bóng dáng của tiền trần. Yếu chỉ tu hành ở đây chính là độ hết các loại chúng sanh vọng tưởng này. Bao giờ chúng ta nhận rõ vọng tưởng là những bóng dáng của tiền trần, hư giả không thật thì mới siêu độ được chúng. Ngược lại chúng ta vẫn thấy chúng thật, là thân thuộc của mình thì khó lắm. Cứ nghiệm mà xem, nếu chúng là thật thì dù trời đất bao la, không gian mênh mông cũng không thể chứa hết nổi. Chúng đầy ắp bên ngoài, đầy ắp bên trong, rồi thì ăn không được ngủ không yên. Chỉ khi nào ta thấy chúng không thật, thì mới hóa giải được chúng. Như vậy, lời nguyện thứ nhất của chúng ta là thệ độ tất cả chúng sanh. Tức là trị được tất cả những dấy niệm của mình. Sau đó, ta mới mở rộng hoặc tạo duyên hỗ trợ mọi người chung quanh. Chỉ cần buông được các dấy niệm là ta đã tạo dựng được thế giới bình yên, nhân sinh an lạc. Đó là năng lực do tâm thể thanh tịnh phát sinh vậy. Như kinh nói, thế giới Cực Lạc hoàn toàn không có tiếng  khổ, nói gì đến khổ cảnh, khổ hình. Người ở đó là các bậc thượng thiện nhân, hóa sanh từ hoa sen, không có tâm tưởng điên đảo, vọng động. Ở đấy gió thổi, chim kêu đều là Phật pháp.

Thế giới chúng ta chưa được vậy, đường gồ ghề nên cần phải đắp bằng, trồng thêm hoa cảnh để che lấp chỗ gai gốc. Như Thiền viện đây, cây cối sắp xếp theo một trật tự nhất định thì đẹp, thì hay nhưng chỉ là đồ giả. Nhưng nếu không tỉnh, không khéo thì đồ giả lại biến thành thật. Không tin quý vị thử bứng vài cây cảnh xem, sẽ thấy sự bực bội của các thiền tăng. Vì cây của mình, chùa của mình! Thiên nhiên không phải vậy. Thiên nhiên bình thản, bình thường. Cây lớn mọc cũng được, cỏ gai mọc cũng được. Thiên nhiên hồn nhiên không vướng bận. Ta đốn cây, cây không nói gì. Đụng nó, bứng nó, nó cũng chẳng kêu la. Nếu chúng ta được bình thản như cây rừng, hồn nhiên như cỏ nội, thì không cần hạn cuộc vào chuyện ngồi thiền.

2. Thệ Nguyện Trừ Sạch Tận Gốc Mọi Tâm Niệm Xấu ác Của Chính Mình.

 Lời nguyện thứ hai là trừ sạch tận gốc mọi hành vi, mọi tâm niệm xấu ác của chính mình. Tại sao việc này lại đặt thành lời nguyện ? Vì có khi ta làm được những việc lớn lao bên ngoài, nhưng đối với những việc bình thường thì ta quên. Như ta dễ dàng nhận thấy vết nhơ trên mặt người, nhưng lại không thấy vết nhơ trên mặt mình. Lời nguyện thứ hai chính là quay lại nhìn vào mình, từ đó chúng ta mới có thể thấy được mặt thật của chính mình.

Nhìn lại như thế nào ? Nhìn lại để thấy những cù cặn, những nghiệp tập của mình. Với bất cứ sự việc gì, mỗi khi đối diện chúng ta thấy trong lòng khó chịu hay rúng động thì coi chừng, không bình thường rồi ! Phải phát hiện ngay từ gốc, tức trong tâm. Vì bên trong có sẵn tập nghiệp, sẵn gai gốc nên khi bên ngoài đủ điều kiện thì nó liền tương ứng phát khởi. Đó là do con khỉ của mình chưa ngủ, chưa nhập định, thành ra khi con khỉ bên ngoài kêu, con khỉ bên trong liền đáp ứng ngay.

Vì vậy lời nguyện thứ hai là thệ bỏ những nghiệp tập xấu ác của mình. Niệm nào còn tăm tối thì chúng ta loại bỏ đi. Không phải mỗi khi nổi giận, mình giận cho đã rồi mai mới tu. Hay muốn chưởi người nào, thì chưởi cho đã rồi ngồi thiền mới tu. Tu như vậy trễ lắm. Tu thì phải tu tức khắc, nếu không kịp thì khi nghiệp đã tạo rồi, quả báo hoàn tự thọ.

Nguyện là xin, là mong mỏi. Trong nhà thiền mong mỏi không phải là yếu đuối cầu cạnh bên ngoài, mà là tự khắc tự hứa mình sẽ có năng lực tỉnh giác, để chuyển hóa nghiệp tập cũ bằng cách buông hết các niệm xấu. Không nghĩ, không nói, không làm theo vọng tưởng đảo điên là thực hành hạnh nguyện tu đạo giác ngộ giải thoát. “Niệm dấy, biết không thật, liền buông” là lời dạy thẳng tắt và ngắn gọn trong nhà thiền. Tuy nhiên nếu không có trí Bát-nhã, thì không bao giờ ta biết nó không thật. Lời nguyện thứ hai giúp lòng mình được rỗng rang sáng suốt. Con khỉ ý thức ngủ đi, mặc cho bên ngoài thế nào, bên trong vẫn yên. Làm được lời nguyện này thì đối với kẻ oán người thân, tâm thảy đều bình đẳng. Một lòng giúp đỡ khi người cần đến mình, tâm hoàn toàn không chọn lựa. Đó chính là thực hành hạnh nguyện rộng lớn của Bồ-tát đạo.

Vua Trần Thánh Tông, thấy rõ và hiểu rõ được những tâm niệm như vậy, Ngài đã làm bài sám hối sáu căn hết sức tha thiết, giúp chúng ta quày đầu trở về với con đường chân sáng. Đó là pháp tu của hàng Đại thừa, hàng Bồ-tát. Là một vị vua, trăm công ngàn việc mà Ngài đã làm được, sống được như thế. Chúng ta bây giờ mọi thứ đã được người trước dọn vẽ sẵn, nếu không tu được thì quả là đáng tiếc, đáng trách. Cố gắng !

3. Thệ Nguyện Học Hỏi Hết Thảy Giáo Lý, Nghề Nghiệp.

Lời nguyện thứ ba là thệ học hỏi hết thảy giáo lý nghề nghiệp. Lời nguyện này có tánh cách mở rộng. Sau khi đã thực hiện được hai lời nguyện đầu, chúng ta bước sang lời nguyện thứ ba, học đạo lý và nghề nghiệp. Đạo lý để tu và nghề nghiệp để sống.

Vì Bồ-tát không nhất thiết chỉ là những vị xuất gia, đắp y ôm bát hay ở chùa, mà hình thức sinh hoạt của các Ngài rất rộng rãi. Có khi các Ngài thị hiện là người nữ, có khi thị hiện là vua chúa, cũng có khi là quỉ sứ dữ dằn v.v... Các hình thức này đềù vì lợi ích chúng sanh. Như Bồ-tát Quán Thế Âm, muốn độ các loài quỷ chúa, quỷ vương, quỷ đói trong cõi ngạ quỷ, Ngài thị hiện thành Tiêu Diện đại sĩ v.v…

Bồ-tát thị hiện vào tất cả cõi, độ tất cả chúng sinh. Mà muốn vào tất cả cõi, độ tất cả chúng sanh thì phải có nhiều lớp áo, nhiều phương tiện. Nếu không đủ phương tiện thì việc độ sanh trở thành hạn hẹp.

Ví dụ có Phật tử nước ngoài đến thiền viện, họ không biết nói tiếng Việt, chư tăng cũng không biết nói tiếng của họ. Thế là không ai hiểu ai, thành ra mình không thể giải thích hay nói Phật pháp gì với họ. Vậy thì làm sao hướng dẫn họ tu được. Do thấy sự hạn hẹp đó, mà chúng ta noi theo gương hạnh của Bồ-tát, nguyện học hiểu các phương tiện, thị hiện trong các tầng lớp, các cảnh đời để vì lợi ích chúng sanh. Cho nên muốn thành tựu được các Phật sự, cần phải có phương tiện rộng rãi.

Lời nguyện thứ ba này nhằm để dễ dàng hàng phục, gần gũi giáo hóa chúng sanh. Tâm hạnh của Bồ-tát là tự giác, giác tha. Đây là việc chính. Tự mình giác ngộ nhưng còn vô số chúng sanh chưa giác ngộ. Cũng như mình là người hết khổ, đủ cơm ăn áo mặc, nhưng kẻ khác còn đói nghèo thì chúng ta không thể ngồi yên được. Với tâm hạnh của Bồ-tát, không thể an hưởng một mình, mà còn phải nghĩ đến vô lượng chúng sanh đang khổ đau. Vì vậy các Ngài nguyện khoác nhiều lớp áo, vào trong tất cả cảnh giới, làm tất cả công việc, mang lại lợi ích cho muôn loài.

Chúng ta còn nhớ lời nguyện của Bồ-tát Địa Tạng. Ngài nguyện đi vào địa ngục, gần gũi với các chúng sanh trong đó để an ủi, động viên họ. Giúp họ nhận được rằng, họ có khả năng chuyển hóa những khổ đau mà họ đang phải gánh chịu, họ có khả năng đi trên con đường bình an giải thoát. Đó cũng là lời nguyện của vô lượng các vị đại Bồ-tát, thị hiện khắp nơi như Bồ-tát Di Lặc, Bồ-tát Văn Thù, Phổ Hiền…

Chúng ta cũng thị hiện, nhưng thị hiện trong sáu nẻo luân hồi vì bị nghiệp dẫn. Bị nghiệp dẫn nên thân khẩu ý của ta không thanh tịnh. Đó là vì hạnh nguyện đời trước không trang nghiêm. Nếu đời này cứ tiếp tục như thế thì hôm nào quơ tay múa chân, nhắm mắt tắt thở, theo nghiệp trôi dạt không biết ra sao. Vòng nhân quả luân hồi nhiều vô kể. Nếu chúng ta không lo tu tập, không chuẩn bị cho mình, thì tương lai mịt mờ  tăm tối. Quí vị cũng biết, lúc nhắm mắt xuôi tay tâm niệm hỗn loạn là chúng ta dễ lọt vào những cảnh giới không tốt. Vậy muốn bình thản vui vẻ lúc ra đi thì ngay bây giờ, chúng ta phải tu tập. Có vậy mới mong hướng đi của mình được thăng hoa, được tự tại.

Tóm lại, lời nguyện thứ ba này là lời nguyện đầy đủ tinh thần hàng phục các duyên, đầy đủ phương tiện để lợi mình lợi người, đầy đủ lực thông cảm để khuyến hóa những chúng sanh đã tin và chưa tin.

4. Thệ Nguyện Thành Phật.

Lời nguyện thứ tư là nguyện thành Phật. Chúng ta tu hành nguyện thành Phật chứ không nguyện thành gì khác. Đây là nguyện rốt sau của người tu. Khi phải cẩn thận, nếu không sẽ bị bọn ma lừa gạt. Bởi vì những giả cảnh hiện ra như Phật, Bồ-tát cũng từ chính công phu của mình mà ra. Nếu lầm nhận thì chúng ta sẽ bị những giả cảnh này rước trước. Cho nên nguyện thành Phật, nhưng phải tỉnh giác, đừng để các ảo tưởng dẫn dắt.

Nghiệm lại đời sống hiện tại, chúng ta rất dễ bị ảo tưởng mê hoặc. Vì vậy nguyện lực phải đi đôi với trí tuệ, với công phu thiền định. Mục đích tu học của chúng ta là làm sao tập trung vào việc lợi ích cho tất cả chúng sanh. Người thực hiện được lời nguyện này là người làm chủ được nhân quả, không lầm đối với tất cả cảnh duyên, tự tại trước mọi hoàn cảnh. Sở dĩ chúng ta sợ sệt cầu cứu là vì chúng ta không làm chủ được nhân quả. Nếu miệng cứ nguyện không vào những nơi khổ đau, nhưng thân ý cứ gây nhân khổ đau thì nguyện cũng vô ích. Khổ đau này là quả của các nhân mình đã gây tạo. Chính nhân này trói buộc khiến mình không thoát khỏi khổ đau. Thành ra tốt nhất là đừng gây nhân, để khỏi phải sợ sệt cầu cứu van xin ai.

Lời nguyện này tập trung vào năng lực thành Phật, hoàn toàn giác ngộ giải thoát. Muốn thế, chúng ta phải biết bỏ cái giả và nhận cái thật là tánh giác của mình. Từ đó làm tất cả Phật sự đều từ tánh giác.

Chư Tổ dạy cuộc đời giả, cảnh duyên giả, con người giả. Quan hệ cha mẹ anh em thầy bạn chẳng qua cũng chỉ là giả tạm. Có rồi cũng thành không, bởi hữu hình thì hữu hoại. Cái gì ràng buộc chúng ta ? Người sáng chỉ khéo sử dụng thân này, cảnh này để tu hành cho được kết quả viên mãn.

Trong công phu hằng ngày, ngài Đại Huệ dạy: “Nghịch cảnh phá dễ, mà thuận cảnh thì phá khó. Nghịch cảnh chỉ cần tốn một chữ nhẫn, định tỉnh giây lát liền mất. Thuận cảnh không có chỗ cho ta lẩn tránh, như nam châm gặp sắt, hai thứ hợp nhau tự nhiên làm thành một chỗ”. Nghĩa là gặp cảnh nghịch, chúng ta chỉ cần nhẫn một chút thì qua được. Ai trong chúng ta cũng sợ nghịch cảnh. Nhưng thật ra nghịch cảnh không phải là điều đáng sợ. Vì nó không thuận lòng thuận ý mình, nên mình không có tâm nắm giữ. Chỉ cần nhẫn là qua.

Ngược lại, gặp cảnh thuận thì ta không có chỗ nào để phá. Làm sao phá được ? Như bảo mình đánh một người mình thương, làm sao đành lòng đánh ? Trong kinh Phật dạy, các vị tu nhập Bồ-tát địa, đến địa thứ tám là Bất động địa thì định tuệ tròn đầy. Khi này được Báo thân Phật khuyến hóa khởi đại từ bi, vào trong tất cả cảnh giới sai biệt, tu tập tất cả Phật đạo, để thành tựu Phật vị. Các vị A La Hán nhập vô sanh vị rồi, cũng được khuyến hóa nhập Bồ-tát đạo để thành Phật không nên an trụ trong hóa thành. Hóa thành là một thuận cảnh gây trở ngại cho việc thành tựu quả Phật.

Thời đức Phật còn tại thế, sau ngày mãn hạ, các thầy Tỳ-kheo từ những trú xứ khác trở về tinh xá Kỳ Hoàn đảnh lễ đức Thế Tôn cầu chỉ giáo. Trên đường về, các vị thấy một người đang bị xiềng xích gông cùm. Khi gặp Phật, các thầy kể lại sự việc trên và thưa hỏi: “Bạch đức Thế tôn ! Trên đời này có sợi giây nào cứng chắc hơn thứ xiềng xích đó không ?”. Đức Phật đáp: “Sợi dây ái luyến còn cứng chắc hơn nhiều lần sợi dây xiềng xích ấy nữa”. Rồi đức Phật kể câu chuyện sau.

Có một Phật tử hiếu hạïnh, khi mẹ già mất ông xin người bạn đời cho ông đi tu để báo hiếu. Người vợ bảo: “Tôi đang có thai, thôi thì ráng đợi đến khi sinh nở xong, thấy được mặt con rồi hãy đi”. Nghe hợp lý ông cũng ráng. Khi sanh rồi, người vợ lại bảo “Thôi, đợi con dứt sữa, tôi có thể làm được các việc, rồi đi hãy còn kịp”. Ông nghe cũng hợp tình, thành xuôi theo lần nữa. Nhưng khi đứa con vừa dứt sữa thì vợ lại có thai, rồi… bổn cũ soạn lại. Cuối cùng ông phải bỏ qua những lời tỉ tê, dứt khoát đến gặp Phật và nỗ lực tu hành đắc quả.

Sau khi đắc quả, ông tuyên bố: “Ta đã gan dạ bẻ gãy gông cùm bền chắc nhất. Đó là gông cùm dục nhiễm. Ta đã chặt đứt sợi dây ràng buộc chắc chắn nhất, đó là lòng luyến ái vợ con”. Dây làm bằng sắt, bằng gai hay bằng gỗ chưa phải là bền chắc. Sợi dây bền chắc chính là sợi dây ái luyến ràng buộc vợ con.

Quí vị thấy, thuận cảnh êm ấm sẽ ràng buộc như vậy, cứ mắt xích này nối tiếp mắt xích kia vô kể, không khi nào dứt hết. Nghiệm lại lòng mình, ai cũng còn sợi dây ái luyến này. Gông cùm xiềng xích chỉ là hình thức cạn cợt bên ngoài. Sợi dây luyến ái mới là thứ vô hình trói buộc ngàn đời, khó mà nhúc nhích cục cựa. Không hẳn ai cũng ái luyến vợ con, nhưng sợi dây luyến ái gia là tiêu biểu nhất. Rồi còn vàng bạc, địa vị, rất nhiều thứ... Người tu chúng ta phải cắt cho được sợi dây này, phải tự gỡ tự tháo, không ai làm dùm cho mình. Khi nào tháo gỡ được thì mới nói đến chuyện tự do tự tại.

Song nghịch cảnh hay thuận cảnh gì cũng đều không thật. Làm chủ được nghịch cảnh thuận cảnh thì chúng ta sẽ an lạc. Đây là chỗ nhắm của người tu thiền, là chỗ chúng ta dụng công phu. Chỉ cần tỉnh giác, việc gì cũng xong.

Tóm lại, trong bài trang nghiêm hạnh nguyện hôm nay, tôi nêu lên bốn điều cần thiết giúp người tu chúng ta đi từ địa vị phàm phu đến địa vị Phật. Đường tu hành gian nan, Phật đạo khó thành, nếu không có hạnh nguyện thì khó mà vượt qua. Là người con Phật, tu theo hạnh Bồ-tát hạnh Phật, chúng ta cố gắng chí thành phát nguyện và trang nghiêm hạnh nguyện của mình. Được vậy mới mong thành tựu được đạo nghiệp giác ngộ giải thoát.

Tin mới

Các tin khác

[ Quay lại ]