headertvtc new


   Hôm nay Thứ năm, 02/05/2024 - Ngày 24 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

KHÔNG TÌM CẦU BÊN NGOÀI

 Buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta sẽ nói về vấn đề tu tâm, tức là tinh thần tu mà không tìm cầu bên ngoài. Đây là mục đích của thiền viện, làm sao để người tu bớt lăng xăng, không bị cảnh duyên bên ngoài lôi kéo và nhận lại được cái chân thật quí báu của mình.

Nói đến tinh thần tu tâm hay tinh thần không tìm cầu bên ngoài, Lục Tổ dạy:

Nếu người thật chân tu, không thấy lỗi thế gian. Nếu thấy người khác sai, lỗi mình đã đến bên. Người quấy ta đừng quấy, ta quấy tự có lỗi, chỉ bỏ tâm tà quấy, thì phá trừ phiền não.

Tuy Phật pháp có nhiều pháp môn, nhiều phương thức để người tu áp dụng, nhưng chủ yếu đều là phá trừ phiền não. An lạc bình an là điều mà ai cũng hằng mong mỏi khi dâng hương, lễ phật, tụng kinh... Song khi đã tu thiền tức biết tu tâm thì chúng ta đều hiểu, an lạc hay không an lạc là tự do mình. tự mình mà có, tự mình mà không, không thể cầu nguyện bên ngoài. Nên rồi, dù có nguyện cầu bao nhiêu mà chúng ta cứ gây ra những cái nhân không an lạc, thì không thể nào tìm thấy sự an lạc.

Vì vậy Tổ nói, người tu chân chánh là người đừng nhìn lỗi thế gian mà phải biết nhìn lại mình, xem mình còn những tật xấu nào, còn những sơ xuất gì thì cố gắng khắc phục sửa chửa. Bỏ được những thứ này tức là phá trừ phiền não.

Nếu thấy người khác sai, tức là ta đã hướng ra ngoài phê phán. Trong khi Phật nói những gì bên ngoài là không thật. Mình thấy cái không thật mà lại vận dụng vọng tưởng của mình để lý giải, để kết luận về những cái không thật đó, thì càng lý giải càng phân tích mình càng ngược xuôi điên đảo. Tu như vậy thì càng tu, tâm mình càng bất an phiền não. Vì vậy Tổ nói, lỗi mình đã đến bên.

Thành ra dù cho hằng đêm chúng ta siêng năng nguyện cầu bao nhiêu mà nguyên tắc gốc này không nắm vững, cứ lao ra, thì không có Phật thánh nào hộ trì cho mình được. Chỉ khi nào chúng ta không chạy ra bên ngoài, chịu quay về sửa trị những tật xấu của mình để không bị động bởi cảnh duyên bên ngoài thì chúng ta mới thật sự được an lạc bình an. 

Với cách tu như vậy thì ai tu cũng được. Chỉ cần chúng ta chịu sắp đặt ổn định các sinh hoạt hàng ngày của mình. Làm việc gì cũng cố gắng kiểm điểm xem trong khi làm mình có dấy khởi thêm gì không? Mình có lý giải phân tích gì trên những việc làm đó không? Nếu có thì buông đi! Ngoài ra những việc nào chúng ta phải xử lý thì cố gắng sắp đặt trôi tròn, còn không thì nên giảm thiểu. Vì lắm việc thì lắm phiền. Phiền này tự mình bày ra thì phải tự mình bỏ. Tu tâm là tu như vậy. Mọi thứ đều tự nơi chúng ta, mỗi niệm tự thấy bản tánh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.

Giờ tôi nói đến chữ nghiệp. Nghiệp là một năng lực được hình thành từ những thói quen  của mình. Quen nói như vậy, quen làm như vậy và quen nghĩ như vậy. Nói đến nghiệp là nói đến một năng lực, một sức mạnh được kết tụ từ những hành động trong sinh hoạt đời thường của mình. Chính năng lực này là cái dẫn dắt đưa đẩy chúng ta đi thọ quả, đi tạo nghiệp, không những ngay bây giờ mà còn dài lâu về sau.

Xưa ngài Mahanam là một cư sĩ, đến hỏi Phật rằng : Bạch Thế Tôn, bình thường con giữ năm giới, thọ bát quan trai, tu thập thiện. Giả như con chết bất ngờ vì tai nạn, sau khi chết con sẽ đi về đâu?

Đức Phật trả lời: Có một cây mọc từ đất lên, thân và cành nghiêng về một bên, vậy khi cưa, thân ngã về bên nào?
Mahanam đáp: Cây sẽ ngã về bên nó đang nghiêng.

Phật dạy tiếp: Cũng vậy, bình thường ông hay làm điều lành, khi chết tuy bị khủng hoảng, nhưng nghiệp thiện tích lũy nhiều sẽ hướng ông đến chỗ lành. 

Chúng ta phải làm sao duy trì sự tu hành của mình được liên tục. Nó phải được tích lũy để có thể chiến thắng và giải quyết được cận tử nghiệp của mình. Cận tử nghiệp là nghiệp ngay khi mình bỏ thân này. Nó quyết định việc thọ thân sau của mình. Giả như chúng ta là những người biết tu phước biết làm lành, nhưng do một bức xúc nào đó mà gây tạo một cái nhân không tốt, trúng vào khoảng thời gian giải tỏa thân tứ đại này, thì chúng ta  sẽ bị đầu thai vào những cảnh giới không tốt.

Hoặc nếu chúng ta là những người không có sức chịu đựng giỏi, là người còn chấp thân nhiều, thì khi sắp chết, những niệm uất hận, phát sinh từ sự đau đớn nuối tiếc sẽ dấy lên. Đây là những loại niệm đẩy ta vào những đường như ngạ quỉ, súc sanh và địa ngục. Nói chung, khi chết do một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta bị những loại niệm như sân hận, uất ức, nuối tiếc v.v... chi phối thì chúng ta phải tái sinh trong ba đường dữ...

Như có một vị trụ trì tu hành giới luật rất nghiêm trang. Một hôm thầy bị một cơn bịnh ngặt nghèo, thầy thuốc khuyên phải ăn mặn mới trị khỏi. Giới luật nghiêm trang mà nghe đến việc ăn mặn thì thầy thà chết còn hơn. Nhưng Phật tử thì không đành lòng thấy thầy chết như vậy, nên lén làm đồ ăn mặn cho thầy. Thầy lành bịnh rồi ... Một hôm, thầy trò đang vui vẻ, đệ tử vui miệng nói thật cho thầy hay. Thầy nghe xong, uất lên mà chết. Chết trong tình trạng như vậy nên rồi thầy thành ... quỉ. Đêm nào cũng nghe tiếng la hét, lục lạo đồ đạc trong chùa... từ đó, không còn ai dám đến chùa nữa. 

Cận tử nghiệp quan trọng như vậy, nên chúng ta phải làm sao để chuẩn bị cho nó ngay từ bây giờ. Những tâm niệm tham lam, sân hận, tật đố, hờn giận, tức tối... là những cái nhân đẩy ta vào đường xấu thì ta phải lập tức bỏ ngay. Gặp cảnh sân cố quán chiếu buông bỏ đừng sân, gặp cảnh tham gắng tỉnh táo sáng suốt đừng tham. Nghĩa là, đừng để chúng trở thành một thói quen, một năng lực dẫn dắt ta khi ta rời bỏ cõi đời. Thêm vào đó phải gắng tu tạo và tích lũy thêm nhiều công đức... Như vậy thì tại gia hay xuất gia gì tu cũng được mà lại vừa chuyển được nghiệp của mình.
Chuyển nghiệp là điều tất yếu trong đạo Phật, vì nghiệp không phải là cái gì cố định. Nếu nghiệp không thể chuyển thì chúng sanh không bao giờ tu hành thành Phật. Tuy nhiên, muốn chuyển được nghiệp thì chúng ta phải siêng năng liên tục, làm tất cả các việc công đức và làm sao luôn luôn tỉnh táo không gây thêm nghiệp nhân xấu. Nếu việc làm này được huân tập liên tục thì chúng ta sẽ chuyển được nghiệp của mình.

Như tô muối pha trong một bể nước lớn thì vị mặn sẽ loãng nhiều thay vì pha trong một cốc nước nhỏ. Nước ví như công đức, muối ví như những nghiệp tập xấu xa và cù cặn của ta. Nghĩa là, nếu công đức tu hành của ta ít ỏi quá mà nghiệp tập quá nhiều thì nghiệp không thể chuyển được. Còn chúng ta có qui y, học đạo, tu tập, phát huy được công đức sâu dày thì chúng ta sẽ chuyển được nghiệp của mình, mà đến phút lâm chung mình cũng được yên ổn. Phải nhớ qui y xong thì phải thực hành những điều đã qui y chứ không phải có được phái qui y là mình đã có phép của chư Phật vào được cõi Niết bàn.

Trong phần tu tâm, chúng ta cũng phải giữ giới luật. Người xuất gia thì có mấy trăm giới, còn phật tử tại gia thì có năm giới. Nhưng  giới luật chung cho cả phật tử tại gia lẫn xuất gia vẫn là, tự tâm không quấy, tự tâm không xấu ác, không ganh ghét, không tham sân, không cướp hại...  Đây chính là cái gốc tu hành của người con Phật. Dù tu lâu hay mới tu gì chúng ta cũng phải gìn giữ, không những không cho những thứ như vậy phát sinh trong đời sống của mình, mà còn phải kiểm soát được chúng ngay khi chúng dấy khởi trong tâm.      

Điểm kế tiếp là, đối với tất cả các cảnh duyên thiện ác tốt xấu làm sao giữ chúng ta vững được tâm chân thật của mình. Giữ được nghĩa là, tin chắc vào nhân quả. Hiểu rằng, những gì ta phải mang gánh ngày nay là do cái nhân ta đã gây ra trước đó, ta sẵn sàng lảnh lấy hậu quả vui vẻ chấp nhận trả, không yếu đuối cầu khẫn van xin, nương dựa vào những thế lực bên ngoài. Tin rằng, gây nhân tốt, tạo được công đức lành thì quả phúc tốt đẹp sẽ đến với ta. Hiểu được, tin được như vậy thì chúng ta sẽ bình yên đối với những cảnh duyên. Hiện tại dù khó khăn bao nhiêu mình cũng chấp nhận, vượt qua... từ đó định hướng đi cho mình.

Định hướng là thế này, những mặt nào chúng ta thấy mình còn yếu còn dỡ thì tập trung đầu tư cho mặt đó. Phần đạo đức gia đình còn yếu thì tập trung vào phần đạo đức. Phần kinh tế còn yếu thì tập trung vào phần kinh tế ... và nhớ, tập trung thực hiện dựa trên tinh thần nhân quả. Chẳng hạn, Phật dạy muốn được quả báo giàu sang thì phải mở lòng ra, cúng dường bố thí cho mọi người. Định hướng đầu tư của mình phải dựa trên những nguyên tắc như thế, chứ không phải đi tranh giành, cướp giựt của ai để làm giàu.

Tin và áp dụng nhân quả vào đời sống như vậy thì cuộc sống sẽ tốt đẹp biết bao! Như vậy là chúng ta đã gầy dựng được cuộc sống an lạc, bớt đi những tranh chấp, bức xúc phiền não. Điều này đòi hỏi người tu phải có định lực. Định tức là lóng lặng, không bị động. Không động thì trí tuệ phát sinh. Có định lực có trí tuệ, ta mới đủ sức làm chủ các cảnh duyên, không bị chúng kéo lôi. Nói thiền, nói đạọ, nói cao, nói thấp gì, hữu sự đối duyên trực tiếp mới biết mình hay hay dỡ. Khó lắm không phải dễ. Không giữ công phu cho được liên tục thì đối với cảnh thuận nghịch, có khi mình bị cuốn trôi mất hút.

Chúng ta tin Phật thì có tin, tu hành thì có tu, nhưng nghe đâu có Phật linh, Bồ tát hiện thì núi cao hiểm hóc bao nhiêu mình cũng gắng đi tới, rồi đụng đâu lạy nấy, một hòn đá bên đường cũng lạy, một gốc cây bên đường cũng thắp nhang... điều này nói lên tinh thần yếu đuối của chúng ta. Chúng ta tu mà không vững niềm tin đối với Tam bảo, không tin nhân quả nên mới nương dựa vào những thế lực bên ngoài.

Hoặc có vị khi làm ăn khá giả thì thường về chùa. Mỗi lần về sắm đủ thứ phẩm vật. Nhưng đến khi tài chánh hơi suy thoái, sinh mặc cảm không đến chùa nữa. Đây là những chuyện thông thường thôi, nhưng có khi làm trở ngại việc tu hành của mình. Phải nhớ, đến chùa là để học pháp, để tu. Những gì còn cộm trong tâm thì phải loại ra, bỏ đi mà phát huy những cái tốt. Đó mới là việc chính, còn việc cúng dường, có thì tốt không thì thôi, đâu phải là việc bắt buộc. Nếu vì nó mà trong tâm phát sinh phiền não thì không nên. Chúng ta phải để ý loại bỏ những thứ như vậy để việc tu hành của mình không bị gián đoạn, công phu được tăng tiến.

Lục Tổ dạy tiếp, tự tâm không ngại thường dùng trí tuệ quán chiếu không tạo các ác và tu tạo các điều lành không vướng mắc, kính trên thương dưới, đùm bọc kẻ cô bần. Kính trên nhường dưới là đạo đức bình thường cần có của một con người. Tu tạo các điều lành, đùm bọc kẻ cô bần là những việc xã hội mà chúng ta vẫn thường làm. Nhưng ở đây Tổ dạy, làm mà không được vướng mắc!

Như ngài Pháp Đạt đến lễ Tổ, đầu không sát đất.

Tổ quở: Ông được sự nghiệp gì mà lễ đầu không tới đất?

Ngài đáp: Con tụng được mấy ngàn bộ Pháp Hoa.

Tổ nói: Ông tụng Pháp Hoa mà bị Pháp Hoa chuyển, chứ không chuyển được Pháp Hoa.

Tổ dạy chuyển Pháp Hoa bằng cách, tụng bao nhiêu cũng tốt nhưng phải nhận được yếu chỉ của kinh. Đó là nhận ra tri kiến Phật của mình. Nó là cái rỗng rang sáng suốt không tỳ vết, tụng niệm đếm bộ đếm số bên ngoài không nhận ra được. Không nhận được mà lấy đó làm sở đắc rồi sinh tâm ngã mạn, là đi ngược lại lời Phật dạy.

Chúng ta cũng vậy! phải nhớ, làm tất cả việc công đức là để trợ giúp cho việc tu hành của mình, giúp mình mở tâm, phá trừ phiền não. Vì vậy làm xong thì buông, không nên chất chứa trong tâm để rồi phiền não phát sinh. 

Trong đời sống xã hội với những quan hệ tiếp cận ... những gì chúng ta phải đối diện thì cố gắng trôi tròn mà không để mất mình. Người tu là người phải an nhiên bình thản với tất cả những cảnh duyên. Nhiều khi những việc lớn lao thì mình đề phòng, chuẩn bị tinh thần kỹ càng, nhưng có khi một chuyện rất bình thường lại làm mình sôi sục tức tối. Giả như giữa đêm đang ngon giấc, bất thần ở đâu, một cú điện thoại gọi đến hỏi thăm tên tuổi, sức khỏe của mình rồi nói toàn chuyện đâu đâu... thì có khi mình không làm chủ được, nổi bực và chưởi bậy.

Thêm một điểm nữa, tâm không vin theo các duyên, không nghĩ thiện, không nghĩ ác, tự tại vô ngại. Đây là kết quả của việc tu tâm trong quan hệ tương giao tiếp xúc hằng ngày của mình. Người biết tu thì bất cứ niệm nào dấy lên, dù niệm thiện chẳng thiện nữa cũng phải buông. Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, tự tại vô ngại là năng lực tu hành bắt nguồn từ niềm tin vững chắc và sự tỉnh giác mạnh mẽ. Đây là chỗ người tu phải đến, còn những việc bên ngoài chỉ là việc phụ. Phật nói người tu là người phải thấp sáng ngọn tâm đăng, chứ không phải tu là để giàu có, để cất chùa cho thật đẹp. Nếu tu là để giàu sang, chùa đẹp thì Phật đã không từ bỏ ngai vàng để thắp sáng ngọn tâm đăng của mình.

Cuối cùng là, tự tâm không chìm trong các cảnh duyên thiện ác, nổ lực nghiên cứu Phật pháp, làm sao cho sự hiểu

biết của mình được mở rộng, thông được Phật lý và làm tất cả những việc lợi ích đối với chúng sanh tùy theo khả năng của mình. Muốn sự hiểu biết được mở rộng và thông được Phật lý thì ngoài việc học hiểu Phật pháp, chúng ta còn tu tập và áp dụng Phật pháp vào đời sống. Nghĩa là thể nghiệm được những gì mình học hiểu trên sách vở qua hành động hàng ngày.

Chỗ này Phật chia người tu thành bốn loại. Có người bề ngoài trông tu hành đạo mạo nhưng bên trong lại không được như vậy. Phật gọi người này là trong sống ngoài chín. Lại có người trông bên ngoài  chẳng có vẻ gì tu hành nhưng bên trong lại đặt sệt tu hành. Phật gọi người này trong chín ngoài sống...

Như có một vị xuất gia ở miền quê, trong hoàn cảnh không được hanh thông. Bản thân của thầy không được học hành, nghiên cứu Phật pháp bao nhiêu. Nhưng thầy có một túc duyên từ trước, nên khi đến với đạo thầy nắm được cương lĩnh để tu hành. Do hoàn cảnh, nên ai cúng gì thầy cứ tùy tục mà nhận. Được một thời gian thì mọi người tỏ ra khi dễ thầy, vì thấy thầy ăn nhiều thứ, chay mặn gì thầy cũng không từ chối, quanh năm luẩn quẩn đi đám, chẳng hề thấy thầy học hành hay làm gì khác. Nhưng ai nói gì thì nói, thầy vẫn sống như vậy, vẫn đi đám, đi cúng nhưng không vì tiền bạc, danh lợi, ăn uống...

Lúc tuổi về già, một hôm sau lần tụng kinh tại nhà một Phật tử, thầy nói đây là duyên cuối cùng của thầy, từ lâu thầy ở lẫn trong thế tục, hôm nay hóa duyên của thầy đã hết. Những gì phải làm thầy đã làm, đã phát huy và hôm nay đã viên mãn. Nói xong thầy tươi tắn thị tịch.

Từ đời sống của thầy chúng ta rút được ít nhiều kinh nghiệm tu hành cho mình, dù thầy là thầy đám nhưng không vì tiền bạc, thỉnh thoảng cũng ăn uống như những người khác nhưng không hề dính mắc. Thầy không có quan hệ tình cảm nào để đánh mất đi sự tự tại giải thoát. Nên cuối cùng thầy được tự tại an lạc, ra đi không vướng mắc, không một vấn đề gì. Kết cuộc này cũng nói lên tinh thần tu hành của thầy, dù là trong cảnh duyên thiện ác lẫn lộn, thầy cũng không bị chìm đắm.

Cũng như Tuệ Trung Thượng Sĩ, một thiền sư dưới hình thức là một cư sĩ, khi sắp tịch thê thiếp hầu hạ tới khóc, ông mở mắt ngồi dậy quở, chuyện đời là như thế, có gì phải khóc, đừng có làm rộn! Nói xong ông bảo đem nước lại rửa mặt, dặn dò đôi câu rồi tịch.

Đó là những hình ảnh độc đáo của thiền Việt nam. Dù là hạng người nào, dưới hình thức nào, chúng ta cũng có thể tu được, có thể chuẩn bị cho cận tử nghiệp của mình được chu đáo, nếu chúng ta có quyết tâm và nắm vững được đường lối tu hành…

[ Quay lại ]