headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

TU QUA TINH THẦN TỪ BI CỦA ĐẠO PHẬT

 Hôm nay là ngày rằm tháng mười, trong một năm có ba ngày rằm lớn. Rằm tháng giêng gọi là Thượng ngươn. Rằm tháng bảy gọi là Trung ngươn, cũng gọi là ngày báo hiếu phụ mẫu. Rằm tháng mười gọi là Hạ ngươn.

Từ xưa ông bà mình đã có quan niệm “Tam ngươn Tứ quí”, tức một năm có ba ngươn và bốn mùa. Nghĩa là mùa nào cũng có những lễ tiết, ai có tâm lành thì nhân những lễ tiết này mà phát triển tâm lành ấy làm các việc phước.

Thông thường, vào ngày rằm Thượng ngươn, Phật tử Việt Nam hay đi chùa, cúng Thập tự, làm các việc phúc thiện… Đặc biệt vào những ngày rằm này, chẳng những các vị lớn tuổi đã hiểu đạo, mà các em nhỏ chưa biết gì, nhưng nghe ông bà cha mẹ phát tâm làm lành, đi chùa v.v... các em cũng phát tâm theo. Có mấy em Phật tử bé xíu, mỗi ngày được lãnh tiền để ăn bánh đi học, nhưng các em đã biết để dành để làm việc phúc thiện. Như mỗi ngày mẹ cho ba đồng, các em chỉ ăn chừng hơn một đồng, còn hơn một đồng thì bỏ ống hay còn gọi là nuôi heo. Lâu lâu, các em lấy tiền trong con heo ấy ra, cùng với cha mẹ hoặc anh chị trong gia đình làm việc phúc thiện, hoặc cúng dường Tam bảo. Nói chung về tinh thần tu hành, người Phật tử Việt Nam đã có truyền thống như vậy.

Chủ trương của đạo Phật, khi muốn tạo dựng một xã hội tốt đẹp, trước nhất mỗi con người trong xã hội đó phải tốt đẹp. Chúng ta không thể ngồi ca ngợi xã hội phải tốt đẹp thế này thế kia, mà bỏ quên việc giáo dục con người. Bởi vì con người là nhân tố để thực hiện một xã hội tốt đẹp. Cho nên đạo Phật lo gầy dựng những đơn vị gốc này.

Ví dụ muốn có được một giáo hội Phật giáo tốt, ích đời lợi đạo thì phải có được những vị tu sĩ và các Phật tử tốt. Hàng xuất gia phải là những người thật tu, thật học, có đạo đức. Như thế mới đủ sức gầy dựng được một nền tảng, một tổ chức Phật giáo tốt.

Tóm lại, Phật tử muốn gia đình có nề nếp, có gia giáo thì bậc cha mẹ phải là những người tốt, có kiến thức, có kinh nghiệm, có đạo đức thì mới sắp xếp, tổ chức, dạy dỗ con em mình theo hướng như vậy được. Truyền thống của người Phật tử Việt Nam đã làm được việc này. Chúng ta cố gắng phát huy thêm, ngày càng tốt hơn. Như vậy là góp phần tích cực trong việc gầy dựng một xã hội tốt đẹp.

Trên tinh thần đó, tôi sẽ nói về vấn đề yêu thương của người con Phật. Chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng thế nào là tình thương chân thật, thế nào là ái nhiễm của thế gian. Nghĩa là, chúng ta phải biện biệt được giữa từ bi và ái nhiễm.

Trong nhà Phật hay nói từ bi. Vậy từ bi là gì ? Từ là ban vui, Bi là cứu khổ. Cứu khổ và sẵn sàng ban vui cho tất cả, đó là từ bi. Cho nên từ bi trong đạo Phật là một loại tình thương hoàn toàn vị tha. Vị tha tức là vì người khác, không phải vì mình. Như vậy, dù chỉ với một niệm nhỏ mà biết hướng về tất cả, không nghĩ riêng mình hoặc gia đình mình, thì ý nghĩ cho đến việc làm này đúng với tinh thần vị tha.

Chúng ta luôn ở trong ba trạng thái nghĩ, nói, làm. Ba điều này lúc nào cũng hiện thực. Làm sao chúng ta hướng được những suy nghĩ của mình cởi mở vị tha thì việc làm và lời nói cũng theo đó mà vị tha. Được vậy là chúng ta đã bắt đầu mở cửa từ bi. Mở được cửa từ bi tức là mở được cửa Phật. Mở được cửa Phật, mình sẽ đi con đường của Phật. Mở cửa tội lỗi thì nhất định chúng ta sẽ đi vào con đường tội lỗi.

Tôi nhắc lại tình thương trong đạo giáo là hoàn toàn vị tha. Quí vị vẫn sống trong gia đình, làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, xã hội, đất nước mà tâm luôn rộng mở, đó là vị tha. Không ích kỷ, không riêng tư, không chiếm hữu, thì càng yêu thương càng vui, chớ không phải ràng buộc khổ lụy. Bởi vì vị tha là đem lại sự an vui, làm vơi đi nỗi khổ đau cho tất cả mọi người.

Đây là giai đoạn thứ nhất mà người Phật tử chúng ta phải lưu ý. Từ bi là nền tảng của đạo Phật, không có tình thương vị tha triệt để này, thì không có sự hy sinh bản thân để đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Tha thứ, buông hết và luôn luôn “cửa lòng rộng mở” là thực hiện chân tinh thần ấy.

Từ bi không giống như tình yêu vị kỷ thông thường, bắt người ta lệ thuộc vào mình. Trong nhà Phật gọi tình thương ấy là “Từ bi vô điều kiện”. Vô điều kiện là không đòi hỏi bất cứ điều gì. Chúng ta không chỉ thương người đem lại sự lợi lạc cho mình, mà với bất kỳ ai dù đó là người nghịch với mình, mình cũng thương. Nếu có giúp đỡ người thì không mong người đền đáp lại, không trách cứ khi người phụ ân. Nghĩa là thương người mà không buộc người phải thương lại. Có thế lòng mình mới thanh thản an vui. Đó là từ bi vô điều kiện.

Tình thương ái nhiễm thì ngược lại với từ bi. Với tình thương này, một khi mình thương ai rồi thì mình muốn người đó phải lệ thuộc vào mình. Với tâm thương như vậy thì càng thương càng bị trói buộc, càng phiền não. Nếu bước ra đường thấy ai mình cũng thương kiểu đó hết thì chết! Lúc đó hết đi đâu được, chôn cứng, chết đứng một chỗ. Trong đạo Phật không chủ trương như vậy, càng thương thì càng mở ra, không bắt người ta phải lệ thuộc vào mình.

Nói thế quí vị sẽ bảo, nhất định không thể làm được điều này! Thưa chúng ta làm được chứ không phải không, nhưng với điều kiện khi nào chúng ta tỉnh, chịu mở lòng mình và quên thân đi. Muốn thế, chúng ta phải hiểu Phật pháp. Hiểu được Phật pháp rồi mới đến với Phật, đó là người có tuệ giải. Có tuệ giải thì sẽ có từ bi. Nếu không hiểu mà đến với Phật bằng cách cầu cúng, đó chỉ là vị kỷ, là mê tín. Đến với Phật như thế dễ thối lui hoặc có khi hủy báng Phật nếu gặp điều trái ý. Do hiểu mà đến thì nhất định không bị lay chuyển.

Hiểu biết rồi thì phải tu trì, thực hành điều mình đã hiểu. Chúng ta phải đào xới, phải triển khai, phải suy tư thế nào để có thể áp dụng được lời Phật dạy trong lúc chúng ta còn tỉnh, còn đầy đủ sự sáng suốt. Đừng để đến lúc thân thể lụn tàn, thì việc tu khó lắm. Nếu chúng ta không có trí tuệ, không hiểu đúng lời Phật dạy thì nhất định chúng ta không thể áp dụng được Phật pháp vào đời sống của mình, không thể thương được ai khác ngoài mình cả.

Ví dụ quí vị là một Phật tử, đi chùa, nghe giảng, đọc kinh sách; nhưng con em trong nhà lại không tin Phật, không hiểu pháp. Thế thì đối với trường hợp này, quý vị xử sự thế nào? Mình dạy nó bằng cách “Tao đang tụng kinh nghe! Đừng đụng đến”, như vậy có được không? Thưa quí vị, dạy tu như vậy là hỏng rồi. Làm sao cho nó thấy nhờ sự tu tập mà mình ngày càng nhu hòa, độ lượng, nó mới noi theo. Chứ càng tu càng khó thì người thân còn không giáo hóa nổi, huống là giáo hóa ai. Tu như vậy vô tình làm cho con cháu sợ Phật pháp, lỗi đó thuộc về chúng ta.

Phật giáo còn hay không, có được lưu truyền mãi về sau hay không là do người con Phật có tu, có học chân thật không. Tu học ở đây không dành riêng cho ai. Trẻ tu cũng được, già tu cũng được, nghèo tu cũng được, giàu tu cũng được… hạng người nào tu cũng được. Lại, việc tu Phật không phải ăn chay, khổ hạnh nhiều mới thành Phật, mà phải hiểu Phật, làm đúng lời Phật dạy, mới thành Phật được. Dù cho hạng người nào nhưng không chịu hiểu Phật, không áp dụng đúng lời Phật thì nhất định tu không tới đâu.

Người tu Phật, lòng phải rỗng rang. Lòng rỗng rang thì mới sáng suốt, sáng suốt nên mới có được tình thương rộng lớn. Chỉ khi nào mở rộng lòng, sống được với tất cả, thì mình mới thấy nhẹ nhàng. Như gia đình tông môn của Hòa thượng mấy trăm người mà vẫn vui vẻ sống tu với nhau. Dĩ nhiên là phải có qui chế của viện, nhưng nếu trong lòng của mỗi người đều cố chấp, đều có những góc cạnh thì không thể nào hòa hợp, không thể nào sống chung với nhau được. Sống theo kiểu “thấy mặt là thấy ghét” thì làm sao ăn chung học chung được. Phải tương kính, quí mến nhau mới có thể chung sống tu tập với nhau được. Cho nên chỉ khi chúng ta không đặt bất cứ vấn đề gì, thì lòng mới rỗng rang, mới an lạc.

Ngược lại mình ôm ấp tình thương ích kỷ thì sẽ mất tất cả. Ví như trong một gia đình có ba bốn người con. Cha mẹ lo lắng cho ăn học, đỗ đạt, rồi lớn lên chúng lập gia đình. Thằng hai ra riêng, thằng ba cũng vậy, con út theo chồng. Cuối cùng chỉ còn hai ông bà già ở nhà đìu hiu. Có gì vui đâu!

Cho nên từ bi là đứng trên trí mà nói. Bằng cái nhìn trí tuệ thấy người đau xót, ta ra tay tế độ, không nghĩ thân sơ. Tấm lòng lúc nào cũng bình thản chan rải tất cả. Điều này rất khó làm, chứ không phải dễ. Nhưng chúng ta muốn tu, muốn được thăng tiến thì phải cố gắng.

Quí vị nghĩ như người biết lội thấy có năm bảy kẻ đang lặn hụp dưới sông, sắp chết chìm. Lúc đó người biết lội đứng nhìn và nhủ thầm “Người nào gần nhà mình, mình cứu trước. Người nào xa lạ, thây kệ”. Nghe thế, chúng ta cảm thấy thế nào? Cho nên tinh thần từ bi của đạo Phật không cho phép chúng ta suy nghĩ hay làm những việc như thế. Đối với tất cả mọi người, dù bà con hay xa lạ hễ gặp nạn như cảnh đang chết chìm, thì ta đều phải cứu hết.

Nói tới đây, tôi nhớ một câu chuyện lúc tôi khoảng mười một mười hai tuổi. Hồi đó ở gần chùa có một dòng suối. Dòng suối này không lớn lắm, nhưng đủ làm chìm người khi mùa nước lũ. Một chiều, ba bốn huynh đệ chúng tôi đi vòng vòng trên bờ suối, thì thấy năm ba người trong đó có một cô gái khoảng mười chín hai mươi tuổi. Họ muốn qua suối nhưng nước chảy xiết không sao qua được. Nước lũ ở trên đang đổ xuống, cầu khỉ cũng không còn. Nhưng hình như họ có chuyện gấp, muốn qua cho bằng được. Đến khi mặt trời tắt bóng họ vẫn còn đó. Cái khó là họ không biết lội mà còn có thêm một phụ nữ nữa. Thế là huynh đệ chúng tôi quyết đưa họ qua suối.

Trước tiên, chúng tôi đưa cánh đàn ông qua trước. Anh lớn nhất trong bọn tôi thì đứng chỗ sâu nhất, đứa nhỏ thì đứng ở chỗ cạn. Còn cỡ như tôi làm gì, quí vị biết không? Tôi chỉ đứng ở gần bờ mà đẩy. Anh nào biết lội thì lội dìu họ qua, anh nào không biết lội thì đứng một chỗ đẩy. Khi họ hụt chân, tụi tôi đẩy nhanh qua mấy anh lớn. Mấy anh lớn lại tiếp tục đẩy hoặc đưa họ qua bờ bên kia. Chỉ một cách duy nhất đó thôi. Nghĩ lại bọn tôi cũng thông minh lạ!

Cánh đàn ông qua an toàn, chỉ uống nước một chút. Nhưng tới cô gái mới khó đây. Lực lượng tuy thêm được mấy người đàn ông đã qua rồi, nhưng chẳng ai đẩy được cô gái. Cô cứ gượng lại, thành ra mình đẩy chẳng tới đâu. Vì thế cô bị hụt chân chìm xuống. May nhờ lúc đó có một anh lặn giỏi, nên đã lặn xuống đưa cô lên. Rồi một anh lôi mạnh cô vào bờ. Cả đám lặn hụp, uống nước đầy cả bụng mới đưa được cô gái sang con suối.

Khi qua được rồi, họ cám ơn ríu rít. Cả hai bên chẳng ai biết ai, nhưng lúc đó cả hai đàng đều rất vui. Chúng tôi thì nghĩ bản thân mình không biết lội, cũng không quen mấy người đó. Vậy mà mình dám đưa họ qua suối. Những người đó cũng gan dạ, chấp nhận để cho mình đưa qua suối, dù thấy mấy ông đạo còn nhỏ xíu. Tôi nhận ra được một kinh nghiệm trong việc làm này là nhờ chúng tôi không suy nghĩ nhiều. Cái gan dạ do không suy đo tính toán, thấy người ta muốn qua thì mình đưa qua, vậy thôi.

Từ đó, tôi suy nghĩ việc tu hành của mình cũng vậy. Người tu mà không gan là không tu được. Tu mà cứ tính toan thì không tu được. Nếu chúng ta thấy khó, thấy làm không được, cứ ngồi tụng những khó khăn đó hoài thì đời kiếp nào mới tu được ? Phật dạy người tu phải gan dạ, phải phát tâm mãnh liệt, phải có trí tuệ sáng suốt, phải vô tâm thì mới có thể tu tới nơi tới chốn.

Bây giờ chúng ta làm bất cứ việc gì cũng đều suy nghĩ thật chín chắn, đó là điều không thể thiếu. Tuy nhiên phải là những suy nghĩ tốt, suy nghĩ vị tha, suy nghĩ có lợi cho người cho vật thì nên suy nghĩ. Còn suy nghĩ vì mình, suy nghĩ đóng khung thì không nên. Chúng ta phải cắt đứt những thứ suy nghĩ như thế. Đó là chúng ta tu.

Vậy thì ai tu không được? Ai cũng tu được nhưng với điều kiện là đừng đóng khung, đừng có tự hạn chế để rồi mình bị kẹt vướng trong đó. Cho nên muốn thực hiện được tình thương từ bi trong đạo Phật thì phải dùng trí tuệ. Trí tuệ có rồi, từ từ chúng ta sẽ làm được mọi chuyện. Ngược lại, nếu tựa vào ích kỷ si mê để yêu thương thì đó là luyến ái. Luyến ái là trói buộc, là khổ đau. Chúng ta là con Phật, nhất định phải chuyển tâm luyến ái thành ra tình thương rộng lớn, yêu thương tất cả.

Ái chỉ làm đau khổ cho mình và người. Nếu sự yêu thương bị ngăn chận, bị từ chối thì yêu thương biến thành thù hận. Điều này trong xã hội xảy ra không biết bao nhiêu. Nếu yêu thương được thỏa mãn thì càng đam mê càng mù quáng. Yêu thương như vậy càng vướng, càng chìm.

Quí vị cũng thấy, có nhiều Phật tử năm sáu mươi tuổi rồi, muốn được rảnh rang đến với đạo cũng không được, vì bị con cháu ràng buộc. Càng yêu thương đậm đà chừng nào, thì càng bị đắm trước, bị trói buộc chừng nấy. Còn nếu oan khiên gặp nhau thì thù hận. Một bên là đắm trước, một bên là thù hận, đàng nào cũng kẹt, không đâu tới đâu.    

Thành ra Phật dạy muốn được nhẹ nhàng sáng suốt, để rảnh rang tu hành thì phải sử dụng trí tuệ, mở rộng lòng mình đừng trói buộc vào đâu cả. Sáng suốt mà gỡ mà tháo, thì dần dần mình sẽ được yên. Đó là tình thương của đạo Phật. Muốn thể hiện được tình thương này, chúng ta nên thực hành các điều sau đây:

- Thứ nhất, rèn luyện cho mình một ý chí. Ý chí tức là tinh thần sắt đá vững mạnh, không bị lay chuyển.           

- Thứ hai, rèn luyện kiến thức. Kiến thức ở đây là trình độ Phật học. Chúng ta phải hiểu biết lời Phật dạy thì việc làm của mình mới có kết quả.

- Thứ ba, chuyên tâm tu tập. Phải có kinh nghiệm về sự tu tập. Như tôi không tu thì tôi không thể nào hướng dẫn quí vị tu được. Trong gia đình cũng vậy, nếu quí vị không ra gì thì nhất định quí vị không thể dạy được con em của mình. Cho nên Phật chế ra năm giới cho hàng Phật tử tại gia, với chủ trương là làm sao bản thân người chủ gia đình phải là người tốt, từ đó mới có thể dạy dỗ người trong gia đình tốt.

Chúng ta nghiệm xem việc tu hàng ngày của mình có tốt chưa? Chúng ta tu như vậy, học đạo như vậy có đúng với tinh thần Phật dạy chưa? Nếu tu Phật mà không làm đúng với lời Phật dạy thì không có kết quả. Càng tu lòng càng yên, càng mở rộng, trí tuệ càng sáng. Như vậy việc tu của mình hợp với chánh pháp. Trái lại, càng tu càng cố chấp, càng hẹp hòi, càng vị kỷ… thì chúng ta nên kiểm tra lại. Cho nên đến với đạo Phật là áp dụng, là thấy được giá trị hữu ích trong hiện đời, chớ không phải mù mờ trông cậy vào đâu.

Nói tới tu thì phải có phương tiện để tu. Đối với Phật tử tại gia trước tiên là thọ tam qui ngũ giới. Phật tử tại gia phải giữ năm giới. Những giới này giúp cho quý vị trở thành con người tốt trong xã hội, quốc gia. Như giới thứ hai không được trộm cắp. Nếu trong xã hội tất cả mọi người đều giữ được giới này thì cuộc sống yên vui, không ai lo sợ gì cả. Hay giới thứ ba, Phật tử tại gia được quyền lập gia đình nhưng không được hai lòng. Điều này nhằm giữ gìn trật tự luân lý trong xã hội, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Rõ ràng các giới điều của Phật đặt ra nhằm thăng hoa cuộc sống, góp phần tạo dựng một xã hội văn minh tốt đẹp.

Nếu chúng ta không có giới học trang nghiêm thì chẳng những bản thân mình không ra gì, mà còn tạo thêm tác động xấu trong gia đình và xã hội nữa. Vì vậy, đối với người con Phật, muốn thể hiện trọn vẹn tinh thần từ bi của đạo Phật, chúng ta phải có giới học trang nghiêm và trí tuệ sáng suốt.

Bây giờ tôi nói về hạnh phúc. Hạnh phúc là gì ? Đạo Phật dạy chúng ta ngay trong hiện thực, muốn tạo được hạnh phúc thì phải biết nhường nhịn nhau. Nếu anh không hòa, không nhịn em thì gia đình mất hạnh phúc. Nếu em vô lễ bất kính đối với anh thì gia đình mất hạnh phúc. Nếu cha mẹ không có gia giáo, nề nếp, để dạy dỗ con em thì gia đình mất hạnh phúc. Cho nên hạnh phúc của thế gian rất tạm bợ, dễ dàng tan vỡ.

Vì vậy sống chung trong gia đình, mỗi người phải tự ý thức một chút. Như người ta đang nóng thì mình phải nguội. Người ta đang bực thì mình phải bình thường, không bực tức. Người ta đang có vấn đề với mình thì ta không cần bày tỏ, minh oan gì cả, mà mình phải thể hiện đời sống trong sáng, bình thường thì tất cả những oan ức ấy sẽ được hóa giải. Đó mới đúng với tư cách của một người Phật tử.

Trong nhà thiền có câu chuyện thế này. Thiền sư Hakuin (Nhật Bản) rất nổi tiếng, được mọi người kính trọng. Gần chùa Sư có một thiếu nữ không hiểu vì sao lại mang thai. Khi bị gia đình làm dữ, cô đổ lỗi cho Ngài. Thế là thiên hạ kéo tới mắng nhiếc sỉ vả Ngài. Thiền sư chỉ đáp: “Thế à!”.

Thời gian sau “hậu quả” ra đời, người ta đem giao cho Ngài. Nhận đứa bé nên mỗi ngày Thiền sư phải đi xin sữa về nuôi nó. Tăm tiếng danh dự chẳng còn gì, mà thay vào đó không biết bao nhiêu là sự chửi bới nguyền rủa. Nhưng Thiền sư vẫn bình thản. Một hôm, bỗng gia đình đến nhận lỗi vì đã hiểu lầm Ngài, đồng thời xin đứa bé trở lại. Thiền sư cũng chỉ đáp “Thế à!”

Câu chuyện đủ trả lời tất cả.

Điều kiện sau cùng để có hạnh phúc là mọi người phải kính trọng nhau. Nếu không kính trọng thì mọi thứ sẽ đảo lộn. Như trong gia đình, nếu con cái khinh thường cha mẹ thì quả thật là chuyện không đơn giản. Đứa con chịu nghe lời, chịu sự giáo dưỡng của cha mẹ, thì cha mẹ mới có thể dạy dỗ giáo dưỡng được. Cho nên hạnh phúc có được ở trong sự kính trọng nhau. Nếu mọi người kính trọng, cảm thông, trên thương dưới, dưới kính trên, thì mới có sự đùm bọc. Đây là điều không thể thiếu trong gia đình của người Phật tử.

Vì vậy Phật tử tại gia, từ việc tu hành cho đến việc sinh hoạt trong gia đình, giữ được nề nếp gia giáo trong nhà rất là khó, không phải chuyện đơn giản. Quí vị phải có kinh nghiệm, trí tuệ, lòng từ bi mới có thể thực hiện tốt việc này.

Trong kinh Phật có một bài kinh nói về sự yêu thương. Phật dạy, ai muốn được an lạc thì nên học hạnh chân thật, khiêm cung. Sử dụng ngôn ngữ từ ái, sống cuộc sống đơn giản, thuần phác, điềm đạm, bớt những ham muốn, đua đòi. Bài kinh này dài, ở đây tôi chỉ nhắc vài điểm chủ yếu cần thiết thôi.

Khiêm là hạ mình. Cung là cung kính. Khiêm cung là hạ mình cung kính. Người nào nghênh ngang, coi thiên hạ không ra gì, thì dù cho có làm được chút ít việc cũng chỉ trong một giới hạn, một giai đoạn nào thôi. Cho nên muốn có sự lâu bền trong cuộc sống, trong tương giao, thì khiêm cung là điều cần thiết.

Khiêm cung thuộc về đức, nên người ta hay nói đức khiêm cung. Không phải có tài là đủ, mà tài kèm với đức nữa mới mong làm được việc lớn. Người có tài mà không có đức thì cũng giống như con dao hai lưỡi, chỉ thêm tai hại. Ngược lại nếu người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó thành tựu. Cho nên chuẩn mực của một người tạo dựng cuộc sống tốt đẹp là tài đức song toàn.

Kế đến Phật dạy người Phật tử phải có đời sống đơn giản điềm đạm, bớt những ham muốn, tức thiểu dục. Dục là những ưa thích, ham muốn. Chúng ta phải giảm bớt những ham thích. Ham muốn vừa phải, thích đáng thì có thể được. Chẳng hạn  ham muốn gầy dựng một cuộc sống trong sáng, lành mạnh. Trái lại việc gì quá đáng, ngoài khả năng của mình mà vẫn ham muốn, thì trở thành tham vọng vu vơ.

Nói đến tham vọng vu vơ, tôi nhớ câu chuyện đã được đọc lâu rồi. Có một anh chàng thuộc loại danh gia vọng tộc, bạn bè đông vầy, chẳng thiếu thứ gì trên đời. Nhưng anh lại không bằng lòng với những gì mình có, mà lại ôm ấp một tham vọng. Tham vọng làm vua. Anh ta cũng có người thương, cũng có thuộc hạ trung thành nhưng khả năng thì giới hạn. Song khổ nỗi lại muốn làm Hoàng đế. Ai khuyên nhắc anh cũng không nghe, cứ nuôi dưỡng tham vọng của mình cho đến cuối cùng anh trở thành… người điên, thưa quí vị!

Trong cơn điên anh cứ ngỡ mình là Hoàng đế. Vì vậy mỗi ngày người nhà ra chợ mua bánh kẹo, rồi đưa anh lên ngôi Hoàng đế ở một gò mả không có bóng người. Anh rải bánh kẹo và gọi “Hoàng hậu, các quan lại đây ta ban phúc lộc cho”. Những người thân của anh nhìn thấy cảnh ấy rất khổ, không cầm nổi nước mắt. Nhưng anh chẳng thấy gì hết, chẳng hiểu gì hết. Cuối cùng rồi anh cũng làm vua được với đám con nít. Mấy đứa nhỏ thấy bánh kẹo thì bu lại. Anh đi tới đâu chúng theo tới đó. Càng đông anh càng khoái... càng điên!

Câu chuyện trên nói với chúng ta điều gì? Là Phật tử chúng ta không nên để cho tham vọng quá đà thành ra cuồng loạn. Chúng ta dễ cuồng loạn lắm. Cái gì mà quá mức một chút, như buồn quá, vui quá cũng dêã bị cuồng loạn. Cho nên giữ được mực thường là tốt nhất. Vì vậy trong nhà Phật nói “Bình thường tâm thị đạo”. Chúng ta ai cũng có thể thực hiện được lời Phật nếu mình muốn, mình chịu khó. Song đã là con của Phật, nhất định chúng ta phải vâng lời Phật dạy. Vâng lời và làm theo những gì Phật dạy, thì chúng ta được an lạc.

Tóm lại, tu trong tinh thần từ bi của đạo Phật là đem lại nguồn vui cho mình và mọi người. Muốn thế chúng ta phải vận dụng trí tuệ trong cuộc sống. Không nên tham vọng quá đà, mà phải đảm bảo được tinh thần khiêm cung giản dị, vô ngã vị tha, thì mới có thể thực hiện được những việc ấy.

Tôi kính chúc quý vị luôn có được niềm vui trong tinh thần tu học ấy.

[ Quay lại ]