headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

NHÂN QUẢ HIỆN TẠI

 Hôm nay là mùa an cư. Theo lời Phật dạy mùa an cư là thời gian chư tăng ni phải cấm túc, ở yên một chỗ nỗ lực tu học trong ba tháng mùa mưa. Vì ở Ấn Độ, mùa mưa là mùa cây cỏ sinh trưởng và côn trùng phát triển. Phật vì lòng từ bi, sợ chư tăng đi lại dẫm lên côn trùng, cây cỏ làm tổn thương sinh mạng của chúng sinh, nên cấm chư Tỳ-kheo không được đi lại trong mùa mưa.

Mùa an cư kiết hạ bắt đầu từ rằm tháng tư cho đến rằm tháng bảy. Riêng Thiền viện Thường Chiếu cũng như các Chiếu Ni là nơi chuyên tu, nên tháng nào, ngày nào cũng là ngày kiết giới an cư của chư Tăng Ni. Ngoại trừ những duyên sự đặc biệt như cha mẹ qua đời, Thầy Tổ bệnh hoạn, hay những công việc hành chánh v.v… mới được ra ngoài. Còn thì tất cả đều ở yên trong viện, lo tu học theo chương trình của Hòa thượng Viện trưởng đã ấn định.

Theo truyền thống, cuối mùa an cư là ngày tự tứ, ngày Phật hoan hỉ, các Phật tử đều về chùa, sắm lễ cúng dường mười phương chư Phật cùng hiện tiền chư tăng. Bởi vì sau ba tháng an cư, chư tăng siêng năng tu tập, chứng được thiền định, phát huy được trí tuệ. Nhờ công đức tu hành đó, các ngài hướng tâm chú nguyện cho thân nhân của Phật tử được sanh về cõi lành. Với người hiện tiền thì luôn được sáng suốt, tin kính Tam bảo và lúc nào cũng tu tạo các công đức lành.

Quý Phật tử có học Phật pháp đã biết, không việc gì tự nhiên có quả mà không có nhân. Nhân tốt thì thành quả tốt. Nhân không tốt thì thành quả không tốt. Cho nên sách Nho cũng có nói “Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Yếu tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”. Nghĩa là “Muốn biết nhân đời trước của mình thì hãy nhìn quả hiện tại. Muốn biết quả tương lai của mình thì cứ nhìn vào hành động hiện tại”.

Vì vậy, để chuẩn bị cho tương lai của mình, chúng ta phải tu ngay bây giờ. Tu có nghĩa là sửa. Muốn sửa thì phải kiểm nghiệm lại mình, phải tỉnh táo sáng suốt. Tỉnh táo sáng suốt để biết mình nghĩ, mình nói, đúng hay  không đúng. Việc nào trái với đạo lý hoặc di hại đến mọi người chung quanh, thì mình không làm. Đó tu ngay nhân, sửa ngay gốc. Nhân tốt thì nhất định không bao giờ bị quả xấu. Chúng sanh thường sợ quả mà không lo tu nhân. Ai cũng cầu nguyện cho mình được sống lâu, giàu có, con cái học hành đỗ đạt, làm ăn phát tài… Nói chung, thứ gì mình cũng muốn tốt, nhưng nhân tốt thì lại lười, không gầy dựng.

Như bây giờ chúng ta muốn được sống lâu. Trong kinh Phật dạy, người muốn sống lâu thì đừng sát sanh hại vật, đừng làm chúng sanh mất mạng sống, mất tuổi thọ, đau khổ v.v... Nhưng mình cứ sát hại, cứ giết chóc chúng sanh, rồi lại cầu nguyện cho mình được sống lâu, thì thật là mâu thuẫn. Chúng ta không cần cầu nguyện, chỉ cần tu ngay từ nhân. Nghĩa là không sát sanh sẽ được sống lâu, mạnh khỏe. Chẳng những không sát sanh mà còn phóng sanh, đó là cách tu chân chính.

Khi chúng ta đã hiểu và tin nhân quả một cách chắc thực thì không bao giờ sợ quả, mà chỉ sợ tác nhân do chính mình gây ra. Quả đến chúng ta phải biết, quả không tốt là vì nhân không tốt, không thể đổ thừa cho ai. Không đổ thừa tức là gan dạ, dám chịu trách nhiệm với những việc mình đã gây tạo từ trước. Nhân đó ta đã gây do ngu si, giờ quả đến ta sẵn sàng chấp nhận. Và ta cũng hứa với Phật rằng, từ đây về sau con không ngu si nữa, con không gây nhân như vậy nữa. Đó là tu. Tu nghĩa là sửa, là không đi theo lối cũ sai trái đã từng đi.

Con người không có ai gọi là hoàn toàn cả. Người tốt lắm cũng có ít phần khuyết. Vì vậy ngoài việc tu sửa nơi bản thân, mình cần phải có sự cảm thông, biết mở lòng tha thứ, đùm bọc và hỗ trợ mọi người trong cuộc sống. Có vậy thì các tương giao hàng ngày, trong mọi sinh hoạt mới có sự hài hòa dễ chịu.

Chẳng hạn có người bạn lỡ nói lời xúc phạm mình. Mình nghĩ rằng người đó hôm nay trong lòng có gì không yên nên mới nói như thế. Mình thông cảm, tha thứ thì không có vấn đề gì xảy ra. Tu là tu từ những việc nhỏ ấy. Ngược lại, bạn mình có gì bức xúc, lỡ lời, mình nổi nóng nói lại gấp hai gấp ba lần. Thử hỏi mình tu ở chỗ nào ? Như vậy thành gây lộn rồi. Gây lộn mà không ra lẽ thì đến đánh lộn. Đánh lộn mà không phân thắng bại nữa, thì phải ra tòa. Quí vị thấy, vừa xấu hổ vừa hao tốn lại mất thì giờ và phiền phức.

Là một Phật tử xứng đáng, thì sống ở đâu, sự hiện diện của mình, của gia đình mình cũng là sự hiện diện của lòng tha thứ, của bao dung, của từ bi và trí tuệ. Vì vậy chúng ta thờ Phật là để nhớ đến những đức tánh của Ngài. Vì Ngài là thể hiện của lòng từ bi, nhẫn nhục, hỷ xả, thương người, cứu vật.

Như chuyện Quan Âm Thị Kính, sự nhẫn nhục của Ngài đã thành một năng lực. Nhẫn nhục ra sao ? Ngài không làm bậy mà người ta nói Ngài làm bậy. Ngài chấp nhận bị đòn, bị đánh, bị nhục nhã trước công đường chỉ vì việc tu hành. Vì nhiệt tâm tu hành mà nhẫn chịu tất cả. Chữ “nhẫn” là nhịn, thường người ta nói nhẫn nhục. Nhịn thì mình có sức mạnh, có năng lực, chứ không có gì gọi là nhục.

Nhưng có một số người lại không thờ Phật với tinh thần như vậy. Họ quan niệm rằng, mình làm ăn không khá, năm nào cũng bị trục trặc, nên năm nay ráng thỉnh tượng Quan Thế Âm về thờ. Nhờ Bồ-tát chứng minh, ban phước, mình cầu gì được nấy. Nếu chúng ta thờ Phật, thờ Bồ-tát như vậy thì dù cho Phật thật, Bồ-tát thật cũng chạy thôi.

Bồ-tát và Phật thương chúng sanh, thì chỉ dạy cho chúng sanh biết luật nhân quả. Muốn hết khổ phải sửa, phải tu. Bồ-tát và Phật cũng từng là người như chúng ta, nhưng do các Ngài biết sự lầm lỗi, biết con đường nào dẫn tới khổ đau, các Ngài dừng lại và quay về con đường sáng, từ đó các Ngài thực hiện từ bi, trí tuệ, giác ngộ, giải thoát.

Khi nhìn thấy hình tượng Bồ-tát Quan Thế Âm, chúng ta phải học được hạnh nhẫn của Ngài. Một chữ “Nhẫn” thôi mà chúng ta tu được là đã thành công lớn. Tụng kinh, ngồi thiền, đi chùa, làm tất cả các việc công đức cũng chỉ để hỗ trợ cho việc tu hành của mình. Mà việc tu hành chủ yếu vẫn là tự sửa mình. Sửa từ nơi tâm, đó mới là gốc. Tôi kể lại chuyện Mục Liên Thanh Đề ở đây để thấy tâm quan trọng thế nào, và tại sao chúng ta phải tu ngay ở tâm.

Tôn giả Mục Kiền Liên, sau khi thành đạo, biết mẹ mình hằng ngày gây nhân không tốt, chắc chắn sẽ bị quả không tốt. Do đó sau khi mẹ mất, Ngài dụng thần thông tìm mẹ cùng khắp, cuối cùng Ngài gặp mẹ ở dưới địa ngục, đang trong lớp ngạ quỉ đói khổ chịu dầu sôi, lửa bỏng. Quá thương mẹ, Ngài đem bát cơm của mình dâng lên. Cơm vừa dâng liền bốc thành lửa. Vì tâm tham lam keo bẩn của bà mà bát cơm của một vị thánh cũng biến thành lửa, đốt cháy miệng bà. Chứng kiến cảnh đó, Ngài Mục Liên rất đau xót, liền về trình Phật, xin Đức Phật chỉ cho phương pháp để cứu mẹ.

Phật dạy phải dâng lễ cúng dường, nhờ công đức của mười phương các bậc hiền thánh trong ngày tự tứ, nguyện bà cởi bỏ được lòng keo xẻn. Khi nào lòng bà rộng rãi bao dung thì mới thoát được kiếp ngạ quỷ. Theo sự hướng dẫn của Phật, Tôn giả Mục Kiền Liên chuẩn bị lễ cúng dường, thỉnh cầu sự chú nguyện của năm trăm vị A-la-hán. Quả thật nhờ sức chú nguyện này, mẹ Ngài cởi bỏ tâm keo xẻn, chuyển tâm hướng về Tam bảo. Cùng ngày ấy, tất cả loài quỉ đói đều được cứu rỗi, thoát khỏi kiếp khổ địa ngục và ngạ quỉ. Lễ Vu Lan trở thành truyền thống báo hiếu kể từ đó.

Câu chuyện thứ hai. Tôn giả Xá Lợi Phất có một vị đệ tử bị nghiệp báo lạ lùng. Từ khi ông lọt lòng, gia đình đói khổ điêu đứng, không làm ăn gì được, phải dời đi khắp nơi. Nhưng nơi nào có ông tới thì nơi đó cũng đói khổ lây. Khi đến một vùng ven biển, dân ở đây khám phá ra nguyên nhân của sự đói khổ này nên họ đuổi gia đình ông đi. Gia đình ông cũng không chịu nổi ông nữa. Cuối cùng họ bỏ ông. Trên đường lang thang phiêu bạt, ông gặp Tôn giả Xá Lợi Phất. Thấy hoàn cảnh khổ sở này, Tôn giả nhận ông làm đệ tử và cho xuất gia.

Khi được xuất gia, ông nỗ lực tu hành. Dù thiếu thốn hay đói khát ông cũng quyết tâm tu, không hề lơ là hay than thở. Vì biết đây là báo nghiệp mà chính mình đã gây tạo, bây giờ phải trả. Không có bữa nào ông được ăn no. Đi khất thực một mình không ai cho đã đành, mà đi chung với các thầy khác thì các thầy cũng bị ảnh hưởng lây. Một hôm, Tôn giả Xá Lợi Phất thấy duyên của ông sắp mãn, nghĩ đến vị đệ tử siêng năng tinh tấn mà lúc nào cũng chịu đói khát, Ngài thương quá mới nói: “Bữa nay con đi khất thực với Thầy”. Rồi hai thầy trò cùng đi.

Tới đâu, ngài Xá Lợi Phất cũng dùng uy đức của mình đứng án trước để mà khất thực. Nhưng cuối cùng Tôn giả đành chịu, phải cho đệ tử về trước. Ngài khất thực xong, nhịn ăn, vội đem về cho đệ tử. Thế nhưng, khi Tôn giả về đến nơi, người đệ tử đã kiệt sức, tay chân run rẩy, vừa đưa tay cầm lấy thì bát cơm đổ xuống, chỉ còn lại một ít. Sau khi dùng được chút cơm này của thầy, người đệ tử viên tịch.

Chuyện được trình lên đức Thế Tôn, Phật kể lại nguyên trước đây, vị đệ tử này đã cản ngăn không cho thí chủ cúng dường cho một bậc A La Hán. Ông đã chịu quả báo đói khổ ghê ghớm như vậy trong nhiều đời. Bây giờ tu, chứng La Hán rồi mà vẫn phải trả quả đã gây.

Chúng ta thấy nhân và quả như bóng với hình, không tách rời nhau. Hễ đã gây nhân thì chạy đâu cũng không thoát quả. Đến nổi tu hành chân chính thành đạo quả rồi, mà cũng phải trả nghiệp đã gây. Cho nên chúng ta tu hành phải sáng suốt, lúc nào cũng tỉnh cũng tu ngay từ nhân, không gây nhân xấu. Phải nhớ, miệng nói những điều quấy, ýù nghĩ bậy bạ, thân làm những điều lỗi lầm sẽ lãnh quả xấu rất nhiều.

Ở đời không ai được trọn vẹn là vì thế. Người có tiền của nhiều mà bệnh hoạn liên miên, ăn hưởng không được. Người sống lâu lại thiếu thốn… Những việc đó từ đâu ra ? Từ nhân lầm mê, mình đã lỡ gây tạo những nghiệp không tốt, rồi đưa đến kết quả như vậy. Bây giờ ngang đây mình ráng tu ráng sửa. Tu bằng cách biết những lời nói xấu, những lời mắng nhiếc, chưởi rủa sẽ có hậu quả nghiêm trọng thì không nói. Người xưa nói, đem lời ác cho người giống như ngậm máu phun người, chỉ nhơ miệng mình. Chúng ta kiểm điểm từ ý nghĩ, ngôn ngữ và hành động của mình, không cho nghĩ bậy thì sẽ không nói bậy, làm bậy.

Hiện tại chúng ta cố gắng chuyển nghiệp xấu thành nghiệp tốt. Như vậy là tu. Tu là sửa đổi, là chuyển hóa, là thăng hoa. Chứ không phải tu là đầu trọc, áo vàng, vải nâu. Đó chỉ là hình thức bên ngoài, là pháp nghi, là qui cách mà thôi. Chứ cái gốc thật sự chính là từ tâm của mình. Tâm quan trọng nhất, tâm là chủ tạo tác tất cả. Chuyển sửa, sắp đặt, ổn định, làm chủ được lòng mình thì gọi là tu.

Thường người ta hay nói, tánh tôi nóng lắm. Nói vậy không đúng, đó là tật chứ không phải tánh. Tánh thì thanh tịnh, bất sinh bất diệt, không có hình tướng, rỗng rang sáng suốt, trùm khắp. Còn tật là những thứ mình nhiễm từ gia đình, hoàn cảnh chung quanh và xã hội. Có nhiều người không phải xấu, nhưng ảnh hưởng hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình mà họ trở thành xấu. Thành ra, giận lên mà nói tánh tôi nóng lắm là sai rồi. Nói một cách chính chắn là tật của tôi nóng lắm.

Biết là tật thì chúng ta phải chừa bỏ. Một khi chưa bỏ được những thói hư tật xấu này thì mình còn khổ, bỏ được mới vui. Dù không đi chùa mà kiểm lại, từ sáng đến tối mình không để cho những thứ như nóng nảy, điên đảo, lăng xăng, tăm tối, tạp loạn dấy lên, chúng không dẫn mình đi ta bà thế giới. Như vậy là ngày đó mình có tu, có tỉnh, không tạo nhân xấu. Người biết tu là người không cống cao, không ngã mạn, không tìm lỗi người mà luôn luôn tự kiểm nghiệm lại mình. Người Phật tử hiểu đạo, biết tu thì cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản ngay trong hiện đời vì nắm vững được luật nhân quả và biết tâm là gốc của muôn pháp.

Thêm một điều nữa là, “đối với mình thì tự nghiêm, mà đối với người thì phải khoan dung, độ lượng”. Thường chúng ta hay làm ngược lại. Những gì xấu dở của mình thì mình bào chữa, tha thứ. Còn của người thì mình để ý xăm xoi, tì vết gì mình cũng thấy, giấu đâu mình cũng biết. Vậy thì mất công, mất thì giờ của mình chứ có ích gì ! Tổ Huệ Năng dạy nên thấy lỗi mình đừng nhìn lỗi người. Người tu là người quay nhìn lại mình, thấy dở thì bỏ, biết xấu thì loại. Chúng ta cố gắng giữ gìn tâm mình trong sạch là quý nhất. Đừng dóm ngó lỗi của người khác, chỉ tạo thêm nghiệp nhân không tốt.

Có một Phật tử, đến bạch với Thầy:

- Thưa Thầy, con có những tật xấu mà bỏ không được. Xin Thầy chỉ cho con cách nào bỏ nó, chứ mang hoài nặng nề quá.

Vị Thầy trả lời:- Con đem nó ra đây cho Thầy.

- Làm sao con đem ra được, nó bất thường lắm, khi có khi không. Thầy biểu đem ra, con không đem được.

- Vậy nó đâu phải là thứ thật. Cái gì luôn luôn ở bên con, con cần đến thì có, đó mới là thứ thật, mới là của con. Còn thứ chợt có chợt không là đồ giả, có đâu mà bỏ. Nó không thật có mà khổ với nó là sao?

Nghe Thầy nói tật xấu “không phải thứ thật”, thì người đệ tử bỏ nó được một cách dễ dàng. Chúng ta cũng tưởng những thứ không thật này là thật, nên cho là bỏ không được. Khi hiểu chúng chỉ là những thứ hư giả, không phải tâm chân thật của mình, thì việc buông bỏ không còn là chuyện khó nữa, nếu mình quyết tâm.

Để kết thúc buổi nói chuyện hôm này, tôi kể thêm một câu chuyện nói về nhân quả và tầm quan trọng của tâm. Có một vị sư đi khất thực. Trên đường đi, sư gặp một người mua chó về làm thịt. Thấy con chó bị cột, cảm thương sư năn nỉ người chủ tha mạng cho nó bằng cách đổi bất cứ thứ gì mình đang có. Người chủ không chịu. Năn nỉ mãi không được, cuối cùng sư xin người chủ cho con chó ăn bát cơm của sư. Người chủ đồng ý. Vừa nhìn con chó ăn, sư vừa vuốt đầu nó chú nguyện:

- Con là chúng sanh do ngu mê nên lỡ tạo nghiệp đọa vào loài súc sanh, đã đói khổ lại còn bị người ta đưa đi làm thịt.

Tất cả đều do nhân ngu mê con đã gây tạo trong quá khứ, ngày nay con phải trả quả. Thầy chú nguyện cho con, con trả hết nợ nần này, ráng nghe Phật pháp, được thân người hồi đầu phát tâm hướng về con đường thiện, tu hành.

Con chó ăn no và dường như nó cảm nhận được những lời chú nguyện của sư nên rất vui vẻ. Rồi thầy trò chia tay, con chó bị làm thịt. Nhưng nhờ nhận được lời chú nguyện của sư, nó được xả bỏ thân súc sanh và đầu thai làm con của ông trưởng giả. Thời gian sau, sư đi khất thực ngang nhà ông trưởng giả, có một thằng bé chạy ra. Gặp sư nó rất mừng, nó lạy, nó cúng kính... Đó là do duyên sư đã gieo với thằng bé trước kia.

Cho nên biết nhân quả là gốc của đạo Phật, hiểu được nhân quả là hiểu được đạo Phật, áp dụng được nhân quả là áp dụng đúng đạo Phật. Người tu đạt đạo là người thấy được lẽ thật của nhân quả, thấy được lẽ thật của các pháp, tức là người không còn mê. Sở dĩ chúng ta khổ vì chúng ta còn mê. Mê cái gì ? Mê giả cho là thật. Rồi lo gầy dựng cái không thật nên có rồi hoại, hoại thì khổ.

Mong rằng quý Phật tử nhận hiểu và thực hành được lý nhân quả, tin tâm mình một cách thấu đáo, để hiện đời cuộc sống được an vui và tương lai cũng an vui.

[ Quay lại ]