TRANG NGHIÊM TU HỌC
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 29 Tháng mười 2008 10:45
- Viết bởi nguyen
Trong thời gian sinh hoạt gần đây tôi nói nhiều về đời sống tu hành của người con Phật. Đa số chúng ta đã được học pháp nơi Hòa thượng, đường lối chủ trương và việc áp dụng Phật pháp hàng ngày chúng ta đã nắm vững phần nào. Chỉ cần mỗi vị đều tự trang nghiêm, tự sẵn sàng việc tu tập của mình. Việc làm đó có kết quả nhiều ít, tùy thuộc vào công phu hành trì của từng người, không ai giống ai. Cho nên hôm nay tôi xin bổ sung thêm những gì cần thiết cho việc tu học này.
Trang nghiêm là một danh từ dùng để diễn tả sự trang hoàng trong sáng, đẹp đẽ. Trang nghiêm tu học nghĩa là chúng ta làm cho việc tu học của mình thêm phần khởi sắc, thêm thăng tiến, thêm phần tốt đẹp hơn.
Là Phật tử, mọi sinh hoạt tu học chúng ta đều vâng theo lời Phật dạy mà thực hành. Muốn được an lạc giải thoát phải tu những pháp như Phật đã tu. Thiền hay Tịnh v.v… đều là việc công phu của mình. Chính yếu là làm sao chúng ta có được những kết quả lợi lạc thiết thực.
Trong lúc tu, đối với tất cả công việc sinh hoạt hằng ngày, chúng ta làm với tinh thần như thế nào? Chúng ta phải làm với tinh thần tùy duyên, hiểu rõ các pháp không có gì thật cả. Nhờ thế chúng ta trôi tròn công việc bằng tấm lòng chân thật, vì lợi ích của người khác, chứ không phải vì mình. Đó là lý tưởng vô ngã vị tha, dẹp tan cái ngã nhỏ hẹp của riêng mình. Đây là nền tảng của người tu theo hạnh Bồ tát.
Điều quan trọng các Thiền sư thường nhắc khuyên chúng ta là, đối diện với tất cả những sự kiện đừng để vướng mắc. Được vậy thì làm bất cứ việc gì cũng an lạc. Còn lựa chọn thì còn trói buộc, rốt cuộc chuốc lấy phiền não mà không làm gì được cả. Như câu chuyện vị thiền tăng nuôi mẹ sau đây.
Có một thiền tăng vì còn mẹ già nên không thể ở trong thiền viện được. Thầy về cất cốc phụng dưỡng mẹ già, sống bằng nghề viết kinh sách. Nhờ có thủ bút rất tuyệt, nên các nơi đem kinh sách nhờ thầy viết khá nhiều. Do đó thầy cũng tạm đủ để lo cho mẹ già. Nhưng có một điều là mẹ của thầy không ăn chay được, nên thầy phải vào chợ mua cá thịt cho mẹ dùng. Từ đó mà sanh ra tai tiếng. Tuy bị người ta gièm pha nhưng thầy vẫn tự nhiên như thường, không hề có niệm gì khác. Thấy con vì mình mà bị người ta chê cười, bà mẹ không ăn mặn nữa. Thế là với tâm chân thật hiếu đễ phụng dưỡng mẹ già, Ngài đã làm tròn bổn phận và độ được mẹ tu hành. Đây quả là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo.
Người tu theo đạo Phật, nhất là tu thiền thì tâm đừng vướng mắc. Hễ còn vướng mắc là chúng ta còn lụy còn khổ. Dù làm bất cứ việc lớn nhỏ nào cũng làm với tâm vô sự, tâm tỉnh sáng. Được như vậy là chúng ta biết tu, trôi tròn công việc mà lúc nào lòng cũng thảnh thơi nhẹ nhàng. Đó là trang nghiêm tu học.
Một điều cần nhớ nữa đối với người con Phật là, chúng ta phải học theo hạnh vô ngã vị tha của đức Thế Tôn. Tất cả mọi công việc đều vì lợi ích chung, đều vì mọi người. Chúng ta không nên đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích tập thể. Ta càng tu càng làm việc thì càng xả ngã. Quên mình thì việc gì cũng thành công. Ngược lại, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến mình thì công việc không được như ý chúng ta sẽ phiền não. Như vậy càng làm càng khổ, chớ chẳng được lợi ích gì. Cho nên trong cuộc sống, có những việc chúng ta không muốn làm, song vì bổn phận bất đắc dĩ chúng ta phải làm. Gặp trường hợp này, thì cứ tấm lòng trong sáng của mình mà làm. Được vậy là chúng ta biết tu. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, đối với những nghiệp nhân chúng ta đã gây tạo, bây giờ quả đến, chúng ta phải đền trả. Đây là điều mà người Phật tử phải biết. Biết để làm gì? Biết để đừng chạy trốn. Chúng ta không thể trốn bỏ cuộc sống này, mà phải tích cực đương đầu, bởi vì đó là kết quả của mình gây tạo. Trong mọi sinh hoạt, thường chúng ta gặp nhiều điều bất như ý hơn là như ý. Nếu căn cứ trên hiện tại mà nói, đa số người ta cứ than thân trách phận. Nhưng nếu chúng ta lặng tâm suy nghĩ, không có kết quả nào mà không từ nhân do chính mình gây tạo, có ai chen vào đó đâu.
Nhận ra chỗ này, người con Phật không bi quan, không sợ sệt, không chạy trốn. Thấy rõ cuộc sống, sinh hoạt, tư tưởng của mình như vậy, đều do mình sáng tác ra thôi. Không có một đấng nào, không có một thế lực nào an bày cho mình. Do chúng ta bất giác, điên đảo, tham sân mà ra. Đã gây tạo thì phải đền trả, đó là quy luật.
Vì vậy người con Phật khi nhìn cuộc sống phải có nhận định rõ ràng về luật nhân quả. Có thế ta mới yên lòng chấp nhận trả nghiệp và tiến lên chuyển nghiệp. Không có niệm thứ hai, cũng không sanh tâm gì khác trong sinh hoạt đời thường, đó là chúng ta trang nghiêm tu học.
Chúng ta có thể tụng một lần năm bảy lượt Bát-nhã Tâm kinh, có thể ngồi thiền năm bảy tiếng đồng hồ, nhưng đối với một việc làm nhỏ mà chưa vô tâm thì vẫn chưa gọi là tu. Hoặc quý vị có thể đi đây đi đó, thuyết pháp giảng kinh, nhưng chưa điều phục được tâm mình thì vẫn vướng mắc như thường. Thế có nghĩa là chúng ta chưa định, chưa yên lắng, chưa tập trung, chưa sống với tính giác của mình thì cuộc sống chưa đảm bảo. Cuộc sống chưa đảm bảo thì nghiệp lực kéo lôi mình như không.
Trong cảnh thuận ta thấy tu dễ dàng, nhưng cảnh thuận đâu có hoài, lâu lâu mới được một chút. Duyên thuận không bao nhiêu mà việc bất như ý quá nhiều. Nếu cứ chạy trốn thì chúng ta không còn con đường nào để sống, không còn chỗ dung thân. Thành ra chúng ta không chấp nhận cuộc sống, sợ sệt cuộc sống cũng không thể được. Cho nên cách tốt nhất là phải chuyển hóa tự thân, để có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh.
Chẳng hạn bây giờ bác sĩ nói với chúng ta, thầy hay cô bị một cơn bệnh ngặt nghèo, nguy hiểm cần phải điều trị ngay. Dĩ nhiên chúng ta điều trị, nhưng không thể chấm dứt căn bệnh đó liền được. Bấy giờ tâm trạng của chúng ta như thế nào? Lo sợ, hoảng hốt phải không? Thưa quí vị, dù mỗi ngày mình tụng Bát-nhã, lạy sám hối sáu căn, học pháp Hòa thượng… mà còn vướng mắc như vậy, thì quả thật chưa thể gọi là tu thiền. Lòng mình điên đảo lăng xăng với những bóng dáng do chính mình tô vẽ ra, đã chẳng làm cho chúng ta hết bệnh mà còn làm khổ thêm.
Tôi nói điều này để làm gì? Để chúng ta kiểm nghiệm lại, lắng lòng lại mà nhận ra những khuyết điểm của mình. Bởi vì tu là sửa. Chúng ta sửa nghiệp xấu thành nghiệp tốt, sửa loạn động thành thanh tịnh. Sửa như vậy để chi? Để cho mình bớt khổ, hết khổ, để có thể vui sống trong bất cứ cảnh thuận hay cảnh nghịch. Vì đó là mục đích chính của chúng ta khi xuất gia tu học vậy. Được thế mình mới có thể gọi là thiền sinh trong các thiền viện, trong đạo tràng, đầy đủ đạo hạnh và trí tuệ tăng tiến trong từng phút giây.
Điểm thứ ba tôi muốn nói là vấn đề sanh tử. Đây là một vấn đề trọng đại. Chư Tổ, các vị Thiền sư đều lấy vấn đề này làm việc chính trong sự nghiệp tu hành của mình. Nhưng đôi khi chúng ta lại bỏ quên. Hằng ngày, chúng ta mở mắt nhưng thật ra mình lại như chết trong sự hít thở, trong mọi sinh hoạt của cuộc sống. Còn ban đêm, mình nhắm mắt chẳng biết gì từ đầu đêm đến cuối đêm. Có lần, vừa đặt lưng nằm xuống, tôi chợt nghĩ nếu như trong giấc ngủ say, mình chết luôn thì ai sẽ nhắc nhở cho mình biết tỉnh giác đây? Hay lúc đó ta vùi sâu trong sự si mê tối tăm, không biết gì. Nghĩ thế tôi hơi sợ. Cho nên có thể nói chúng ta chưa lo gì được cho việc sanh tử của mình.
Mở mắt ra là lăng xăng từ sáng cho đến trưa, trưa đến chiều, chiều đến tối. Giật mình thì bóng đêm phủ xuống, mặt trời đi ngủ, mình cũng nhắm mắt đến sao mai mọc mà vẫn chưa muốn dậy. Tu như vậy thì làm sao an lạc, làm sao giải thoát. Nhưng mình đâu có sợ, mình coi đó là chuyện thường tình, không ngán gì hết. Hễ thiếu ngủ một chút liền kiếm thuốc uống cho ngủ, thiếu ăn một chút là kiếm thứ gì ăn vô. Như vậy hóa ra cuộc sống chỉ có ăn và ngủ ! Đó là chưa kể những phiền não rắc rối do chính mình quấy động nữa.
Cứ như vậy mà tính năm tính tuổi cho đến già đến chết, chớ ta không hề biết tới tánh giác là gì? Cái không già không chết thì bỏ đi, cái bất sanh bất diệt thì không cần đến, cứ lu bu với ăn ngủ, bệnh tật, thương ghét… cả đời! Thưa quí vị, thế thì ta tu học cái gì? Trong khi Phật dạy người tu phải sống lại với tánh giác của mình. Sống được với tánh giác thì hết lo, hết khổ. Khổ não làm cho chúng ta điên đảo, tại sao mình lại đeo mang nó! Đó là tự mình cô phụ lấy mình thôi. Đã thế thì phải trầm luân trong sanh tử. Than trách ai?
Nhận hiểu như vậy, chúng ta phải cố gắng khôi phục lại nếp sống thật của mình. Buổi sáng vui tươi, buổi chiều cũng bình thường. Phút giây nào ta chạy ra ngoài là đêm đen điên đảo. Còn từng tâm niệm từng tâm niệm sáng suốt không bị ngoại cảnh kéo lôi, đó là buổi sáng bình minh, là mùa xuân vui tươi. Cho nên những thứ tăm tối, chúng ta không khắc phục được đó là sống với bóng đêm. Lúc nào cũng tỉnh giác, trong sáng không bị vọng động kéo lôi, đó là sống với mùa xuân, với bình minh.
Người tu thiền nếu không làm chủ được tâm loạn động của mình, thì khi sắp chết huynh đệ có hộ trì cách mấy cũng chẳng có gì dính dáng. Cho nên chúng ta tu hành là phải tỉnh sáng, mới có thể lo cho mình lúc lâm chung. Muốn tỉnh sáng thì bắt buộc phải có công phu huân tập hằng ngày. Trong mọi lúc mọi thời thường xét nét lại mình, điểm nào dở ta sửa lại, điểm nào yếu ta vun bồi thêm. Được vậy, mới hy vọng đủ năng lực đối đầu với sanh tử.
Nếu chúng ta có được sự định tỉnh thì trongï sinh hoạt sẽ nhẹ nhàng. Làm tất cả việc mà không lo sợ, lăng xăng. Như vậy là tự tại giải thoát an vui, đâu cần tìm ở đâu xa. Cho nên không đợi đến mùa xuân ta mới nghe chim hoàng oanh hót, mới thấy hoa đua nở, ngay trong tâm ta đã có đủ.
Ta có mặt ở đây là do năng lực của nghiệp. Mà nghiệp từ đâu? Nghiệp chính là những thói quen từ ngôn ngữ, suy nghĩ, hành động của mình. Tựu trung từ thân khẩu ý mà ta tạo nghiệp. Cho nên tu là chuyển nghiệp. Chúng ta có bệnh hay hẹn. Thí dụ, chiều nay tính ba giờ ngồi thiền, nhưng tới giờ đó nghe hơi nóng nực, mình tự nói “thôi tối ngồi cho mát, bây giờ nóng quá ngồi không tốt”. Thành ra mất đi một buổi ngồi thiền. Cứ thế mà suốt đời hẹn lần hẹn lựa. Rồi thì tật nào vẫn nguyên tật ấy, làm sao chuyển nghiệp được ! Nghiệp còn thì phiền não còn, đau khổ còn.
Nếu chúng ta không chuyển, không hóa giải được nghiệp, chúng tồn đọng trong tâm là ung thư thời kỳ thứ nhất. Tồn đọng lâu ngày chúng phát tiết ra ngoài khiến cho thân khẩu tạo nghiệp là ung thư thời kỳ thứ hai. Vì thân miệng nói bậy làm bậy khiến cho ta khổ đau bứt rứt trong tâm là ung thư thời kỳ thứ ba. Ngoài pháp Phật ra không có thuốc gì trị được bệnh này. Chúng ta không nghe không làm theo lời Phật dạy, thì đành chịu chết với chứng bệnh ung thư này thôi. Ung thư bên ngoài của thân tứ đại chỉ làm khổ ta trong một đời thôi, còn ung thư của tham, sân, si mới làm khổ chúng ta trong nhiều đời. Nó lại rất khó trị nên chúng ta chớ có xem thường.
Tâm luôn tỉnh sáng, khi tham biết tham, sân biết sân, đối với tất cả các dấy niệm đều biết, cái sáng này quả thật phi thường. Người tu cần tỉnh sáng như vậy. Làm sao trong mọi sinh hoạt, từng bước đi, từng ý niệm, từng việc làm, từng ngôn ngữ, nếp ăn, nếp nghĩ, chúng ta luôn tỉnh sáng. Đó là quý nhất. Được vậy thì trong lúc ngủ, mình vẫn sáng nên không sợ cái chết đến bất cứ lúc nào. Cho nên tâm tỉnh sáng đó mới là thực dụng đối với người tu. Còn tâm phân biệt hơn thua, giận dỗi... chỉ chồng chất thêm những tối tăm, si mê, không có lợi ích gì cả.
Tóm lại, trong mọi quan hệ chúng ta cố gắng làm chủ, sống được với tánh giác của mình. Người tu làm tất cả Phật sự, tu tất cả công đức trí tuệ, mà không để tâm mong cầu, dĩ nhiên cũng sẽ được đền trả xứng đáng. Ngược lại, nếu chúng ta cứ tính toán mong cầu, rốt cuộc chẳng được gì cả. Dần dần những việc đó trở thành các pháp tướng đa sự, kếát thêm bực bội, phiền não cho thân tâm.
Người tu phải dè dặt đừng để bất giác. Bất giác là gì? Là không tỉnh sáng. Người đời dù thông minh cách mấy, nhưng nếu phiền não hoài, vẫn gọi là bất giác. Bất giác thì làm khổ mình, khổ người. Có những việc do thói quen nên ta cứ làm, không cần biết nó dẫn tới hậu quả tốt hay xấu. Đây là bất giác, trong kinh gọi là tập khí. Chúng ta cố gắng làm chủ thân tâm tức là làm chủ thói quen này. Chư Phật, chư Tổ đã dùng nhiều phương pháp nhắc nhở chỉ dạy chúng ta, cũng chỉ vì việc đó thôi. Cho nên chúng ta tu là phải đoạn trừ phiền não.
Thử nghiệm lại xem từ người già tám chín mươi tuổi cho đến đứa bé con, ai không có phiền não. Vậy phiền não là gì? Theo Hán ngữ, chữ Ðiền một bên là bộ hỏa tức lửa, một bên là bộ hiệt tức cái đầu. Nghĩa là cái đầu bị lửa đốt. Chữ não một bên là bộ tâm, một bên có bộ xuyên, tức những tư tưởng dấy khởi lăng xăng như sóng trào, mình không làm chủ được. Tóm lại, đối với tất cả các cảnh, trong lòng không yên, bực bội, nhức nhối… đều gọi là phiền não. Con người đầy dẫy phiền não. Phải tu như thế nào cho hết phiền não, đó là vấn đề của chúng ta.
Duy thức học gọi phiền não là thùy miên, tức một loại ngủ ngầm. Tham, sân, tật đố, bực bội, giận hờn… ở đâu không biết, nhưng cảnh gì vừa trái tai gai mắt thì có phiền não liền. Cho nên biết phiền não tràn đầy trong chúng ta. Nếu biết tu, chúng ta phải làm sao? Không nên để phiền não chi phối. Khi nào nghe trên đầu bưng bức khó chịu, trong lòng ray rứt, buồn phiền là biết phiền não tới rồi đó. Dùng trí tuệ, từ bi của Phật mà rưới nó đi.
Chúng ta thấy Phật, Bồ tát lúc nào mặt mày cũng tươi tắn, cũng cười. Dù trên lưng sư tử hay trên mỏm đá, các Ngài đều tự tại giải thoát. Các bậc tu hành ngày xưa, ở nơi đầy đủ tiện nghi hay dưới đất gốc cây, các vị cũng tươi tắn hồn nhiên. Vì các ngài đã trị được phiền não. Nếu không trị được phiền não thì chưa thể gọi là tu. Chúng ta thử kiểm nghiệm lại xem mình đã trị được phiền não chưa? Hay đụng tới là buồn, rớ tới là la. Buồn giận rồi than trách “Ở đây phiền não quá, phải đi thôi!”. Rõ là lửa phiền đốt tâm, đốt thân. Thành ra chúng ta phải trị cho hết lửa phiền não. Có người bảo phiền não không thật, trị là trị cái gì ?
Thưa quí vị, nó không thật nhưng lúc nào nó cũng nằm sẵn đó, có dịp là nó ra tay liền. Một con vật nhỏ xíu cũng có phiền não thùy miên. Trong thất tôi có con chó Bi và con mèo, chúng chơi thân với nhau lắm. Nhưng chó Bi lớn nên hay ăn hiếp con mèo. Chú cắn cổ con mèo rồi giũ qua giũ lại, lôi đi… thấy mà thương cho con mèo. Con mèo la chú cũng không thả, có khi tôi phải la phụ với con mèo, chú mới chịu thả ra. Nhưng thả ra, chạy một vòng rồi chú cũng trở lại quặp cổ con mèo, rồi giũ rồi lôi. Tuy nhiên, không phải lúc nào con mèo cũng dễ thương để chú muốn làm gì thì làm. Khi phiền não thùy miên nổi lên, nó giơ vuốt ra, cái tay nhỏ xíu mà móng nhọn hoắt, vả vào chó Bi một cái… rồi chạy đi. Vừa chạy vừa la. Một anh thì giỡn ngây, một anh thì phiền não ngủ ngầm trong lòng.
Chúng ta cũng vậy, nhiều khi tôi thấy mình vô lý, làm thầy rồi mà cũng la cũng rầy. Bởi vì phiền não ngủ ở đâu đó, khi nó tác động thì đôi mắt mình thấy, bộ não mình suy nghĩ, miệng mình nói, thế là nghiệp dẫn đi trong sanh tử. Nếu chúng ta buông tất cả những dấy niệm, đừng nói, đừng nghĩ, đừng làm khi gặp những gì trái ý, thử xem lúc đó thế nào? Thưa quí vị, thật là khiêm tốn, thật là dễ thương! Nhưng họa hoằn lắm mới có được một lần như vậy.
Buông! Là chủ trương của nhà thiền. Nhưng ít khi chúng ta chịu buông. Có những thứ phiền não làm mình điêu đứng, làm mình mất hết thời gian, thế mà chúng ta vẫn chưa buông được. Phiền não từ thân, phiền não từ tâm... là những loại khí độc, những loại ô nhiễm làm ung thư tạng phủ chúng ta. Bỏ nó là giải thoát, là thênh thang không có giới hạn. Thế tại sao chúng ta chưa chịu bỏ ?
Chư Phật và Bồ tát đối với chúng sinh, luôn sử dụng từ ngữ, ái ngữ, khiêm hạ ngữ, chân thật ngữ. Các Ngài không hề dùng những thứ độc hại ngữ, thô bạo ngữ hay sân hận ngữ. Chúng ta là con của Phật, nguyện tu theo hạnh Phật thì phải bỏ những gì xấu dữ. Lời nói có khi tác động, kết thành nhân gây ra muôn vàn tội lỗi. Tuy tội lỗi không thật, nhưng vô cớ nói nặng người ta thì sẽ nhận hậu quả ngay. Tóm lại, theo tinh thần đạo Phật, tu phải trải qua công phu sâu dày mới trị hết những thứ tật, những thói quen, những nghiệp tập của mình.
Trong giới của Phật, riêng về miệng có bốn lỗi.
1. Nói dối: Việc có nói không, việc không nói có.
2. Nói thêu dệt: Nói phịa, có ít xít ra nhiều khiến cho người ta hoang mang lo sợ…
3. Nói ác: Nói lời hung dữ khiến người nghe đau khổ, tức giận.
4. Nói hai chiều: Đến đây nói xấu kia, đến kia nói xấu đây, khiến cho người thù ghét nhau, hại nhau. Thế gian gọi là nói đâm thọc, tức đâm bị thóc thọc bị gạo. Lỗi này trong đạo có khi tạo tội bất hòa hợp chúng tăng, tội này rất nặng.
Đối với một sự kiện, mình không làm chủ được để cho miệng phát ra những lời nói như thế thì thật là nguy hại. Người tu Bồ tát đạo thì không thể nào thiếu ái ngữ, từ ngữ, chân thật ngữ được. Những thứ này luôn luôn phải dành dụm, sẵn sàng để trang nghiêm cuộc sống, trang nghiêm tư cách của mình. Chúng ta thử tưởng tượng, một người tu mà chống tay nói những lời thô tục thì thế nào ? Thấy là đã phát khiếp rồi, huống là phải nghe. Cho nên cần phải trang nghiêm tu sửa lấy mình. Trong mọi hoàn cảnh, nếu phải nói thì nói lời từ bi, lời chân thật. Nói làm sao cho người ta nghe được, thì người ta mới có thể làm theo ý mình chứ. Đó là tu trong lời nói, trong khẩu nghiệp vậy.
Trong việc trang nghiêm tu học, tôi đề nghị chúng ta phải có tâm buông xả. Thật ra, thứ gì mình thích rồi thì khó buông xả lắm. Chúng ta biết, học thuộc lòng thân này không thật, tâm này là bóng dáng của sáu trần, là vọng tưởng. Nhưng thứ gì mình thích thì nó là thật, nên bỏ không đành. Ngày nay mình biết tu rồi, vậy thì chẳng may thứ gì mình lỡ yêu thích mà người khác muốn, chúng ta phát tâm mở rộng cửa lòng bố thí hết. Một khi làm được việc đó, quí vị sẽ thấy nhẹ nhõm giống như người bệnh trầm kha uống được một thang thuốc quí vậy. Chúng ta dám bỏ được một thứ thì lần lần tất cả các thứ còn lại cũng sẽ bỏ được. Có thế, mới mong tới bến bờ giác ngộ.
Tóm lại, nếu chúng ta chịu khó quán sát lại mình, kiểm nghiệm lại mình, từng bước buông bỏ phiền não, buông bỏ những gì ta nâng niu quý trọng, thì chúng ta sẽ được tâm sáng suốt. Có vậy trí tuệ đạo đức của mình mới phát huy được. Từ đó chúng ta có cơ hội sống được với tánh giác của mình, hoàn thành được con đường Phật đạo, xứng đáng là đệ tử của Phật. Đó chính là từng bước trang nghiêm tu học vậy.