headertvtc new


   Hôm nay Thứ ba, 26/11/2024 - Ngày 26 Tháng 10 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

SỬA BA NGHIỆP CỦA MÌNH

 Là người học Phật, tu Phật nếu chúng ta chỉ hiểu Phật pháp suông, chỉ chuộng văn từ, kiến giải, những hiểu biết v.v... mà không để tâm vào phần công phu tu hành, thì nhất định kết quả thiết thực, giá trị chân chánh của đạo pháp, chúng ta sẽ không nhận được. Cho nên chúng tôi nêu lên vấn đề này, để chúng ta kiểm nghiệm lại những học hỏi, áp dụng, kết quả và hướng đi sắp tới của mình được sắp xếp ra sao?

Chúng ta cũng biết, đối với Phật pháp, ngoài việc học hiểu đúng, còn phải áp dụng và hành trì cho đúng. Khi học đúng, làm theo đúng cộng với quyết tâm, chúng ta sẽ có được những lợi lạc ngay trong đời này. Bất cứ với pháp môn nào, bất cứ với lời dạy nào của Phật Tổ, luôn luôn đòi hỏi chúng ta phải có sự suy xét cặn kẽ những điều đã nghe, đã học, đã hiểu, xem đúng hay sai và áp dụng vào đời sống như thế nào? Nên nói "Người trí thì phải suy xét". Một trong những suy xét đó là "Thà có pháp mà chết, còn hơn không pháp mà sống".

Tôi nêu lên câu này để giới Phật tử chúng ta thấy rằng, mình đã chọn đúng hướng việc sắp đặt sinh hoạt về tinh thần cho mình. Nghĩa là chúng ta biết học, hiểu và áp dụng Phật pháp vào đời sống của mình. Chúng ta không phải học như người đời nhằm giải trí hoặc vì một lý do nào đó. Ở đây người con Phật đến với đạo pháp không ngoài lý do là nhằm giải quyết những bất ổn, khổ đau trong lòng. Hay nói đúng hơn là giải quyết vấn đề sanh tử, nỗi đau khổ triền miên lớn lao của con người. Hành trì Phật pháp rồi, chúng ta mới có được sự tỉnh sáng để giải quyết vấn đề sanh tử.

Giới Phật tử chúng ta cần phải có một cái nhìn định hướng và sắp đặt đời sống cũng như sinh hoạt của mình như vậy. Chúng ta phải có đạo lý, phải có Phật pháp trong đời sống hàng ngày. Nếu thiếu đạo lý, thiếu Phật pháp, đời sống chúng ta sẽ rất tầm thường. Quí vị thấy đó, chỉ với những việc như ăn, mặc, ngủ, nghỉ, người ta chạy đôn chạy đáo cả đời về tiền tài, danh vọng... rồi cuối cùng được gì? Những thứ mà Phật dạy càng dẫm chân vào chừng nào là càng lún sâu vào chừng nấy. Có chăng là còn tồn đọng những nỗi bất an lớn lao. Có khi mình không đủ sự tỉnh sáng, thì còn đọng thêm nỗi oan cừu, thù oán trong đời này. Thế là mình vướng vào vòng nhân quả luẩn quẩn không có lối thoát.

Quý vị đừng nghĩ rằng người tu chúng ta sống ngoài vòng nhân quả. Chúng ta vẫn sống trong vòng nhân quả. Nhưng đối với chúng ta "nhân quả là nhân quả!" Nếu chúng ta biết chọn cho mình con đường Phật pháp đúng đắn và hướng tới việc tu trì, thì chúng ta sẽ tạo dựng được cho mình một nội tại vững chắc để hoàn toàn không bị chi phối, không bị lệ thuộc bởi nhân quả.

Người con Phật chúng ta là người học theo hạnh từ bi và đạo trí tuệ của Phật. Chúng ta phải thực tâm, quyết tâm vận dụng trí tuệ chân thật để có thể nhìn thủng được vấn đề, thấy được thực chất các pháp, mới có thể giải quyết được các vấn đề trên. Vì vậy, phải đến với đạo bằng hết tâm huyết của mình. Ta thấy Phật nói pháp không có gì mờ ám. Càng áp dụng, càng tu, càng học, ta thấy nó càng khoa học. Áp dụng Phật pháp sẽ mang lại cho ta một sự an lạc cụ thể ngay đây và bây giờ.

Kinh Phật và tất cả hình thức cung kính, lễ lạy là những phương tiện giúp chúng ta nhớ Phật và hành trì theo Phật. Nếu trong lòng chúng ta lúc nào cũng tỉnh, cũng sáng, cũng làm chủ được mọi sinh hoạt của mình, thì đây là điều quí nhất. Dù chúng ta không thể đi chùa, nghe pháp hoặc không thể đốt nhang, tụng kinh, lạy Phật, mà mỗi ngày lòng chúng ta luôn rỗng rang sáng suốt, không bị lệ thuộc, không vướng, không mắc bởi bất kỳ một hiện tượng nào bên ngoài, thì chúng ta là người đã sống và thể hiện rõ nét tinh thần "vô trước" của đạo Phật.

Đó cũng là chỗ trong nhà Thiền muốn nói, muốn chỉ cho chúng ta. Nghĩa là, mọi sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, đều tập trung trong chánh niệm. Biết và tỉnh thì chúng ta làm chủ được vận mạng của chính mình. Biết dừng biết đủ, làm chủ được mình thì chúng ta mới có thể gỡ dần các mối rối trong cuộc đời này. Có vậy thì sự tỉnh sáng của chúng ta mới đủ đảm bảo giải quyết được vấn đề sinh tử.

Đó là nói chung để chúng ta nắm vững cốt lõi của vấn đề. Tuy nhiên nói chung chung thì chúng ta lại không thể áp dụng được. Mà điểm chính của Phật pháp là phải hành trì. Vì vậy, tôi đưa ra vài hướng giải quyết cụ thể để chúng ta có thể áp dụng tu trì.

1. Tu ngay bản thân mình.

Phải tập trung ngay đây để xây dựng một tư cách tốt đẹp và hoàn bị hơn. Muốn vậy thì trong cách tương giao hàng ngày, trong các sinh hoạt bình thường, cố gắng đừng để thất ý trong sự giao tiếp. Tùy phần mà thí xả hoan hỉ, trị tâm xan lẫn của mình. Nghĩa là phá ngã. Gìn giữ các niệm, oai nghi, sinh hoạt phù hợp với tinh thần đạo lý. Phải là người tỉnh sáng, không bi quan, không trốn chạy. Đạo Phật không chủ trương bi quan, mà chủ trương nhìn thủng mọi hiện tượng trong và ngoài mình. Nên phải chính mình đối diện trang trải, không đổ thừa hay trông cậy, ỷ lại. Người con Phật rất kỵ nhút nhát, mà phải đối đầu, tỉnh sáng giải quyết những gì mình đã gây ra. Đó là tinh thần của người con Phật.

Nói thiền là, những gì còn cong quẹo, tản mạn, vướng mắc thì... buông! Thiền không phải là một pháp môn làm trở ngại cuộc sống mà là một pháp môn mạnh như loại acid hạng nặng, thổi rửa sạch sẽ cuộc sống. Cuộc sống thoải mái, bình an, thông suốt. Từ nơi mình mà có, mà được vậy. Đó là tinh thần rỗng rang sáng suốt mạnh mẽ của đạo Phật.

2. Luôn luôn hoan hỉ mở lòng mình ra.

Bố thí ở đây không có nghĩa chỉ là bố thí tiền tài. Tiền tài là phương tiện, cho được bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nhưng chủ yếu là bố thí những vướng mắc hẹp hòi của mình. Vì vậy bố thí rốt ráo là ai chọc giận, đừng giận. Ai chọc bực, đừng bực. Buông xả được hết thì mới thật là bố thí. Ngoài ra chúng ta còn bố thí cả những gì thân thương như ý nữa. Tinh thần người con Phật là như vậy. Không phải những điều dữ thì tống đi, những điều lành thì đem lại. Nếu áp dụng được như vậy thì chúng ta đã tu thiền.

3. Phải luôn luôn quán chiếu.

Đây là điều thiết yếu của người tu, nhất là tu thiền. Quán có nghĩa là soi xét, xét nét cho thật kỹ rồi chiếu. Chiếu là chiếu rọi. Quán chiếu nghĩa là luôn luôn soi xét, chiếu rọi các dấy niệm đối với các hiện tượng chung quanh mình. Khi chúng ta soi xét quán chiếu lại bên trong, chúng ta sẽ thấy rõ lòng ham muốn của con người, gọi chung là dục.

Với loại niệm này phải tu thế nào? Tuy những điều hết sức thông thường trước mắt, nhưng ngoài giới luật, nếu không có phương tiện để trị, thì không dễ gì làm chủ được nó. Trong kinh Phật dạy: "Dục như miệng rắn độc, như móng vuốt gấu hùm, như lửa bùng sắt nóng ghê ghớm..." hay là "Thân này không có ngã, chỉ do gió nghiệp thức có động, vọng sinh ra ngôn ngữ dối trá...", "Nó là túi da đựng phẩn, tích chứa máu mủ, bề ngoài giả dối, bên trong chứa toàn thứ tanh hôi dơ bẩn, không có gì đẹp cả..."

Đó là những điều mà nếu suy gẫm chúng ta mới thấy đức Phật nói rất chính xác. Tuy nhiên nếu không có tuệ quán thì không bao giờ ta thấy được điều xác thực đó. Vậy khi nào mình dễ vui với dục thì hãy nhớ lời Phật dạy, dùng đó quán chiếu mà trị. Nói trị là vì nó chỉ là phương tiện dùng trong một khoảng thời gian nào đó, để dừng các dấy niệm của mình, không phải là rốt ráo.

Đã quán lời Phật dạy như vậy rồi, tiếp theo nghĩ đến hậu quả của dục "cột đồng giường sắt, máu thịt bầy nhầy, đau tận xương tủy v.v..." Mới thấy hậu quả của dục rất là nguy hiểm. Cứ một dấy niệm ham muốn của chúng ta mà chúng ta không làm chủ được, thì thử xem một ngày có bao nhiêu dấy niệm? Vậy thì chẳng phải chỉ một vài cửa địa ngục như trên các hình vẽ đang chờ đón chúng ta mà có hàng trăm hàng ngàn cửa như vậy. Nên phải cố gắng quán chiếu thế nào để chuyển những cửa địa ngục, ngạ quỉ... thành các cửa thiện.

Tụng kinh niệm Phật, làm lợi ích phúc thiện, nghiên cứu kinh điển, nhưng trong sinh hoạt hàng ngày, chưa có một sức mạnh nào, chưa có một đạo lực gì, lúc nào đó mình cũng bị cuốn hút như nước lũ. Tu học như vậy chưa dính dáng gì. Phương tiện nhiều hay ít còn tùy nghiệp tập của từng người, không ai giống ai. Nhưng quan trọng là, khi đối duyên xúc cảnh, chúng ta vẫn làm chủ không để trôi dạt, đó là người đại lực lượng.

4. Ngày đêm cần chuyên cầu Phật đạo.

Nương Tam Bảo chí cầu giải thoát. Đối với thân này ta biết nó là hư huyễn, không tự tánh. Sắc tức là không thì cái gì là ngã. Tất cả pháp chỉ là giả danh, không có gì cố định! Đây là những câu theo tinh thần Bát-nhã của nhà Phật. Qua đó, chúng ta có thêm những nhận định, quyết định đối với việc tu thân. Điều này nếu chịu khó chúng ta dễ dàng nhận thấy ngay.

Sự thay đổi ngay chính bản thân mình và những người chung quanh mình như sanh ra, già rồi chết... mọi thứ dễ dàng đổi thay, có đó mất đó. Rõ ràng đâu có gì cố định. Chỉ tùy duyên tùy hoàn cảnh mà nó tồn tại, thay đổi hoặc chấm dứt. Nhưng vì phần nhiều quen sống trôi xuôi theo dòng đời, nên mình quên mất. Lúc nào chúng ta cũng dễ vui, cái vui chẳng dính gì đến đạo lý. Nếu nhìn thủng được như vậy, chúng ta sẽ yên ổn, vui tươi.

Nhưng có một điều cần nên nhớ, nghiệp tuy không thực nhưng thiện ác báo ứng lại theo mình như bóng với hình. Từ suy nghĩ, nói năng không đúng, sẽ gặt quả báo xấu... Ngược lại nếu nói đúng làm đúng và lợi ích cho người cho vật thì hình thành một năng lực tốt, vì thế được quả báo tốt. Nhờ nghiệp không thực, nên chúng ta mới có thể chuyển hóa những hành động của mình, để trở thành một đơn vị hay một viên gạch xây dựng nền tảng đạo đức xã hội tốt đẹp. Đây là mặt tích cực của giáo lý nhà Phật.

5. Giữ gìn giới luật.

Người muốn nhổ sạch gốc sinh tử, dứt trừ hư vọng thì phải tu bốn thứ thật ngữ:

a. Nói đúng pháp khiến người nghe tin hiểu rõ ràng, nói đúng lý khiến người nghe trừ hết nghi lầm. Nói đúng nghĩa là thế nào? Nói đúng không có nghĩa là “của tôi thì đúng", mà phải dung hòa giữa mọi người, không chấp giữ cho ý mình là chân lý.

b.Lời an ủi khiến người nghe vui vẻ gần gũi, lời thanh nhã khiến người nghe yêu thích tu tập. Nếu trong lòng không an bình thì không thể có sự dịu dàng. Điều này đòi hỏi sự tỉnh táo. Lời nói dịu dàng nhưng không phải là lời nói trau chuốt mị người.

c. Thấy người đấu tranh can gián khuyên bảo, chẳng tự khen mình, nhún mình kính vật. Thấy người đấu tranh thì không nên thêm sức cho bên nào, mà phải khuyên nên tôn trọng kính nhường lẫn nhau.

d. Thấy người thối tâm Bồ-đề thì khuyên tiến khéo léo, chỉ bày cho thấy được chân tinh thần, chuyên cần nghe pháp và sửa đổi ba nghiệp của mình. Nói đúng như thật nghĩa là việc có thì nói có, việc không thì nói không. Trong luật Phật có dạy "mở ra một cửa phương tiện" cho giới vọng ngữ. Nhưng phương tiện thì giới hạn, phương tiện không phải là đạo lý, nên chỉ tạm dùng trong một giai đoạn hoặc một hoàn cảnh nào đó thôi. Như một người bệnh sắp chết thì không thể nói thẳng cái chết với họ. Người Phật tử muốn dùng phương tiện phải có trí, nếu không thì càng sanh thêm nhiều sự rối ren.

6. Phải chánh quán.

Do những dấy niệm hay sinh muôn ngàn điều ác. Nhờ chánh quán làm nhân duyên để hỗ tương cho những điều thiện. Ba cõi không pháp riêng, chỉ do một tâm tạo tác, tâm là căn bản của vạn pháp. Tâm này chưa phải là tâm thật. Với người con Phật chúng ta ráng điều hòa tâm như thế nào để đừng có những dấy khởi lăng xăng mắc mứu bên ngoài, rồi tạo nghiệp. Nghĩa là, làm sao đừng để bị kéo lôi. Đó là một cách dừng lại. Cố gắng tỉnh sáng để sửa đổi, để tu tập, hướng dẫn được những vọng niệm của chúng ta.

Tóm lại, là người con Phật, chúng ta cố gắng đừng tạo những nhân ngạ quỉ, súc sanh, địa ngục, a tu la. Hãy gắng tu tạo các công đức, hình thành những gì tốt đẹp. Ngay từng tâm niệm của mình mà thể hiện rõ nét các điều này. Tâm niệm sân giận, uất hận sẽ dẫn xuống địa ngục. Tâm niệm keo xẻn tham lam không cùng tận sẽ dẫn vào loài quỷ đói. Tâm niệm si mê điên đảo vọng tưởng sẽ dẫn vào loài súc sanh. Tâm niệm hiếu chiến nóng nảy sẽ dẫn vào loài a tu la.

Có thể quí vị sẽ cho rằng những điều tôi đưa ra ở trên là quá thông thường. Thông thường mà không làm được thì nói gì đến đạo lý cao siêu! Điều quan trọng trong đạo của chúng ta là nói điều gì thì cố gắng làm đúng như vậy, không nên nói suông!

Mong tất cả quý vị nghe, nhận và chuyển đổi được ba nghiệp của mình.

[ Quay lại ]